Nói chuyện với nhà thơ Hoàng Cầm

 

Những buổi nói chuyện với nhà thơ Hoàng Cầm về đời văn của ông từ thời thơ ấu qua những giai đoạn cách mạng kháng chiến, thời kỳ NVGP, thời kỳ đổi mới đến ngày nay, được thu thanh nhiều lần qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội và phát thanh trong nhiều dịp khác nhau trên đài RFI, lần đầu tiên ngày 14/1/96 và gần đây nhất, đầu năm 2007 khi Nguyễn Hữu Đang qua đời.

Phần ông nói về NVGP đã được ghi lại trên Hợp Lưu số 81 số đặc biệt về NVGP tháng 2-3/2005 và về Nguyễn Hữu Đang, trên HL số 94, tháng 4-5/2007, số tưởng niệm Nguyễn Hữu Đang.

Chúng tôi soạn lại và ghi toàn bộ các cuộc nói chuyện với Hoàng Cầm, không theo trình tự phát sóng mà theo trình tự những diễn biến đã xẩy ra trong đời Hoàng Cầm, để bạn đọc có thể nhìn thấy những dữ kiện nối tiếp nhau.

Nói chuyện với Hoàng Cầm, điện thoại thường không bị cắt, trừ lần cuối, ghi âm ngày 8/2/2007, Nguyễn Hữu Đang vừa mất, Hoàng Cầm muốn kể lại rõ ràng hơn về Nguyễn Hữu Đang và NVGP, nhưng thu thanh được gần một giờ, vì thấy ông mệt, chúng tôi hẹn lại ngày hôm sau, nhưng từ ngày sau, điện thoại bị nhiễu không thể tiếp tục thu được giọng ông nữa. Đó là lần cuối cùng chúng tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm.

 


 

● Thời thơ ấu và cảm hứng thi ca

 - TK: Thưa anh Hoàng Cầm, trở lại những ngày anh bắt đầu làm thơ, anh đã đến với thơ trong trường hợp như thế nào ạ?

- HC: Bây giờ tôi mới nghiệm ra là hình như tôi là thơ bẩm sinh thì phải, hình như là thơ đã nhập vào người tôi từ lúc tôi còn là cái bào thai. Không biết là có đúng không. Mà ngay từ khi tôi biết được khách quan tức là có ý thức được rằng mình đang ở đâu, bố mẹ mình thế nào, rồi chung quanh mình thế nào, tức là từ năm lên 5 tuổi.

Lúc bấy giờ gia đình tôi ở môt phố xép, bên cạnh đường số 1, còn 6 cây số nữa mới đến thị xã Bắc Giang. Nhà tôi có một cái tủ thuốc của ông bố tôi làm cụ lang chữa bệnh, với lại một cái bồ hàng xén của bà mẹ tôi, thường thường là gánh đi bán ở các chợ chung quanh mấy xã đó, là huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang.

Sống nghèo nàn như thế thôi. Không hiểu sao khi tôi lớn lên một chút thôi, tức là từ năm lên 5 tuổi, luôn luôn tôi cứ mơ mộng về những đám mây, nó cứ đi, nó cứ bay rồi nó về một ngọn núi xa xa là dãy núi Nham Biền ở tỉnh Bắc Giang đấy. Ðằng sau đường xe lửa đi độ vài trăm mét thì có một con ngòi, khi mùa nước lũ nó cũng to, mùa khô thì có thể lội qua được. Tôi hay ra bờ con ngòi đó. Mình cứ mơ mơ màng màng vào con sông đó, cái ngòi đó, cứ trôi mà không biết trôi về đâu. Có khi mình thả những con thuyền, lấy một cái lá đa bó nó lại như hình con thuyền ấy, rồi mình thả cho nó trôi. Ðể muốn nói rằng, thời thơ ấu của tôi cho đến khi tôi học hết tú tài thì cái nghiệp thơ đã định vào người tôi từ quá sớm. Mà tôi sống rất cô đơn, ở một xóm quê, cứ thơ thẩn trên cái đường làng hiu hắt như thế cho đến bây giờ 77 tuổi, tức là 70 năm. Bởi vì tôi cũng bắt đầu làm câu thơ đầu tiên vào năm lên tám tuổi. Cái nghiệp thơ ấy nó cứ theo đuổi tôi suốt bảy chục năm. Có thể nói là không có một ngày nào, tôi buông rời được cái hồn thơ của tôi.

- TK: Anh có thói quen làm thơ vào những lúc như thế nào? Ban ngày hay ban đêm? Hay là phải những giờ phút đặc biệt mà anh có cảm hứng?

- HC: Không hiểu làm sao mà cái hồn thơ của tôi nó cứ luôn luôn đêm nào cũng thế, nó cứ thao thức ở trong người. Có lúc thì bật ra được bài thơ. Mà không chăng nữa thì nó cũng vẫn là những giấc mê hoặc những mơ mộng, hoặc những nguyện vọng, những ao ước. Nó luôn luôn bám lấy tôi, nhất là về ban đêm. Và cũng phải nói một điều là từ lúc biết làm thơ, chưa bao giờ tôi làm thơ ban ngày hay chưa bao giờ tôi làm thơ theo một chủ đề định sẵn. Cứ tự nhiên nó đến, rồi tự nhiên nó đi. Không hề có một sự cố gắng tìm tòi chữ nghĩa hay bố cục gì cả. Tất nhiên là cảm xúc đầu tiên có ghi ra giấy, sau đó là cái thời gian phải nâng cao lên, tức là chọn chữ hoặc thay đổi chữ nọ, nhịp kia... thì tất nhiên phải làm. Và cái giai đoạn này nó đã bắt đầu ngay từ lúc còn thơ ấu.

- TK: Nếu bây giờ tóm tắt lại thời thơ ấu của anh trong mấy nét chính thì anh thấy có những mấu chốt nào cần ghi lại?

- HC: Thời thơ ấu thì chỉ tóm tắt lại như thế này: Cái thời thơ ấu có bốn vấn đề lớn: Một là cái tuổi thơ, thấy cô đơn ngay từ bé. Điểm thứ hai: tuổi thơ sớm phát triển dục tính, tức là biết yêu từ năm lên tám. Đặc điểm thứ ba, anh muốn nói đến một nhà xuất bản -tức là nhà xuất bản Tân Dân- vì từ thời thơ ấu cho đến khi hết đi học, đang học tú tài, anh đã tham gia nghề văn rồi. Đó là một nhà xuất bản lớn của ông Vũ Đình Long, và cho đến bây giờ thì anh nhận định rằng đó là một nhà xuất bản rất có công với văn học Việt Nam, là một. Thứ hai nữa, là cách đối xử với văn nghệ sĩ, ông Long đối xử một cách tử tế, vừa công bằng, vừa hợp lý nhưng đồng thời cũng có tình nữa, đó là điểm thứ ba. Điểm thứ tư, cái khuynh hướng của anh lúc ấy là khuynh hướng làm thơ, có thể nói là quá sớm đi. Như người ta, lúc bắt đầu mới vào nghiệp văn thơ, thường làm lung tung cả chứ chưa ấn định được; ngược lại, ở Hoàng Cầm, thơ là cái nó bắt vào ngay. Từ lúc lên tám, lên chín, cái hướng về thơ đã hình thành một cách khá rõ nét. Đó là bốn đặc điểm của thời kỳ thứ nhất.

- TK: Thưa anh, sang thời kỳ thứ hai là thời kỳ trưởng thành, sự nghiệp thi ca của anh bắt đầu như thế nào?

- HC: Sang thời kỳ thứ hai là thời kỳ Cách Mạng và Kháng Chiến, có hai tác phẩm đánh dấu thời kỳ bấy giờ. Một là về thơ, nhưng thơ lại đi sau một ngành khác tức là ngành Kịch Thơ và anh rất say mê kịch thơ. Cho nên đã viết từ năm 1937 -lúc bấy giờ anh mới học năm thứ ba trường Cao Đẳng Tiểu Học ở Bắc Ninh- thì anh đã viết kịch thơ đầu tiên tức là kịch Hận Nam Quan, kịch thơ đầu tiên và diễn ngay ở trong lớp. Đến năm 1942, viết một vở kịch thơ mà cho đến bây giờ, kể cả các người ở sân khấu, các nhà nghiên cứu, các nhà phê bình, đều đánh giá là vở kịch thơ xuất sắc nhất của Hoàng Cầm, đó là Kiều Loan, viết năm 1942.

Nhưng vở kịch thơ ấy có một số phận khá long đong, nghĩa là từ lúc viết đến lúc in ra lần thứ nhất, là đúng nửa thế kỷ: Viết năm 1942 mà mãi đến năm 1992 mới in được toàn bộ. Còn về diễn thì chỉ diễn được đúng một buổi ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, vào khoảng cuối tháng 11 năm 1946. Vừa diễn xong thì có lệnh phải hoãn, vì lúc bấy giờ chiến tranh Việt Pháp sắp nổ ra và tình hình Hà Nội lúc bấy giờ rất căng thẳng: luôn luôn có những vụ bắt cóc, những vụ nổ súng, nổ lựu đạn, v.v... tức là cuối tháng 11 cho đến 19 tháng 12 thì nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc.

Cũng vì cái kịch thơ đó, mà viên chánh sứ người Pháp tên là Luciani đã ra lệnh trục xuất Hoàng Cầm khỏi tỉnh Bắc Giang. Khi về Hà Nội, lại đưa vở kịch ra phòng kiểm duyệt, thì cũng lại một viên chức cao cấp của Pháp tên là Cousseau, sau này người ta bảo, hắn là chủ nhiệm phòng Tuyên Truyền và Báo chí, Chef de l'IFP tức là Information Presse et Propagande, kiểm duyệt bỏ cả bốn hồi kịch thơ. Đó là giai đoạn Cách Mạng và Kháng Chiến, bắt đầu bằng Kịch Thơ.

- TK: Thưa anh, như vậy tức là Thơ Hoàng Cầm đến sau Kịch thơ và có thể nói rằng những bài thơ đầu tiên của anh gắn bó với kháng chiến và nó đánh dấu cho một giai đoạn lịch sử.

- HC: Có thể nói là những bài thơ ấy đánh dấu cái thời kỳ cả nước chống thực dân Pháp, đó là bài Bên Kia Sông Đuống, nó cùng thời với những bài Tây Tiến của Quang Dũng, rồi độ hai năm sau, tới bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Rồi một ít lâu nữa thì đến bài trường ca Việt Bắc của Trần Dần. Lúc bấy giờ anh Lê Đạt chỉ mới bắt đầu -làm thơ- vì anh ấy trước tiên là cán bộ Tuyên Huấn. Đầu tiên anh ấy là bí thư riêng về văn nghệ cho ông Trường Chinh. Đến năm 49 thì Trường Chinh cử Lê Đạt sang làm trợ lý cho ông Tố Hữu vì ông Tố Hữu được đảng phân công phụ trách toàn bộ vấn đề văn nghệ của thời kỳ kháng chiến. Nhưng một mình ông ấy thì khó mà lãnh đạo được những văn nghệ sĩ nổi tiếng và sừng sỏ -có thể dùng một từ như thế- như Nguyễn Tuân, rồi Tú Mỡ, Nguyễn Xuân Khóat, Đoàn Phú Tứ v.v... tức là những người đã có tiếng tăm lớn rồi. Rồi thì cả những nhà văn cũng xuất hiện, nhưng là những nhà văn rất có tài như Nam Cao chẳng hạn, thì với một lực lượng văn nghệ sĩ như thế, mà lãnh đạo, theo ý ông Trường Chinh -cái này là anh Lê Đạt nói chuyện với anh về sau này- thì sợ rằng ông Tố Hữu không đủ lực để lãnh đạo một số văn nghệ sĩ vừa có tài và vừa có tên tuổi như thế, cho nên mới cử anh Lê Đạt sang làm trợ lý cho ông Tố Hữu, đấy là năm 49, và cử anh Đặng Đình Hưng thành lập Đoàn Văn Công Nhân Dân Trung Ương. Bởi vì lúc bấy gìờ đoàn Văn Công Quân Đội do Hoàng Cầm phụ trách là có 200 diễn viên, toàn là những diễn viên ưu tú tập họp lại chung quanh Tổng Cục Chính Trị. Hoàng Cầm phụ trách đoàn đó có từ năm 1952. Ông Trường Chinh thấy thế nên có ý kiến rằng: Quân đội có đoàn văn công lớn như thế, mạnh như thế thì ngoài nhân dân cũng phải có một đoàn tương tự. Ông Trường Chinh bèn giao cho Đặng Đình Hưng đứng ra lãnh đạo một đoàn. Đoàn ấy gồm những diễn viên, những nhà đạo diễn nổi tiếng như Thế Lữ... có những tác gia như Thế Lữ, Lưu Quang Thuận, rồi thêm những tác giả âm nhạc như Lê Yên, Trọng Bằng v.v... Đó là một đoàn rất lớn và gồm những diễn viên trứ danh như Song Kim, Trúc Quỳnh v.v... Anh Đặng Đình Hưng lại được phân công ra làm đoàn trưởng kiêm chính trị viên đoàn Văn Công Nhân Dân Trung Ương, ấy là từ năm 52. Đấy là sơ qua lịch sử của vài đoàn văn công như thế.

- TK: Thời ấy anh có ba bài thơ nổi tiếng, đó là Đêm Liên Hoan, Tâm Sự Đêm Giao Thừa và Bên Kia Sông Đuống. Thưa anh, anh đã sáng tác những bài thơ này trong những hoàn cảnh như thế nào?

- HC: Đầu tiên là bài Đêm Liên Hoan, là sau khi cả hai vợ chồng Hoàng Cầm và Tuyết Khanh, lúc ấy Tuyết Khanh đã có mang Kiều Loan được ba, bốn tháng rồi, thì lúc bấy giờ hai vợ chồng nhập quân đội vào giữa năm 47, Tuyết Khanh vẫn hát và ngâm thơ trong lửa trại cũng có mà trên sân khấu cũng có. Đến tháng thứ 7, thứ 8 mới nghỉ. Hoàng Cầm có làm bài thơ đầu tiên khi mới vào quân đội là bài Đêm Liên Hoan. Làm bài Đêm Liên Hoan như thế nào? Phải nói là có một cuộc gặp gỡ giữa hai tiểu đoàn quân đội tức là tiểu đoàn miền ngược gồm các chiến sĩ miền núi, và một tiểu đoàn miền xuôi tức là những chiến sĩ nông dân các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Hai tiểu đoàn chủ lực gặp nhau kéo dài tới hơn 10 ngày để tập luyện, trao đổi kinh nghiệm chiến đấu để trở thành những tiểu đoàn chủ lực vững vàng của Việt Bắc. Cuộc gặp gỡ đó anh gọi là Liên Hoan. Chữ liên hoan này không phải do Hoàng Cầm đặt ra mà chính là của phòng chính trị lúc bấy giờ người ta gọi như thế, là có những cuộc liên hoan tức là vui chung giữa các tiểu đoàn với nhau. Chính người trưởng phòng chính trị lúc bấy giờ có mời anh lên nói chuyện và yêu cầu anh hẳn hoi, là anh làm thế nào làm cho bài thơ để động viên hai tiểu đoàn đó trong cuộc gặp gỡ độ mươi ngày để họ phấn chấn, phấn khởi tinh thần để tập luyện, để trao đổi kinh nghiệm chiến đấu. Lúc bấy giờ mới vào quân đội thì người ta hào hùng lắm. Người ta rất hào hùng và tinh thần yêu nước ngự trị toàn bộ văn nghệ sĩ đi kháng chiến lúc bấy giờ.

Lúc bấy giờ thực sự là cũng chưa hiểu đảng là thế nào, mà với cụ Hồ thì cũng chỉ cho cụ là người lãnh tụ làm thế nào để lo được cái độc lập cho dân tộc, thế thôi, chứ cũng không hiểu đảng Cộng Sản, thậm chí sách cộng sản Hoàng Cầm cũng không đọc gì cả. Thậm chí đến cái mức như thế này cơ mà: Ví dụ khi đi công tác thì có anh ở ban hành chính, anh ấy bảo: "Anh lên chỗ hành chính mà lấy công tác phí đi". Hoàng Cầm không hiểu chữ công tác phí là thế nào. Tại sao lại công tác? Tại sao lại phí? Thế rồi đến những chữ mà bây giờ quá ư là quen thuộc, ví dụ như chữ thường xuyên chẳng hạn, lúc bấy giờ cũng rất lạ tai. Chữ công tác này, chữ thường xuyên này, chữ khai hội này, những chữ mà sau này thành quen nhưng mới đầu thì chính Hoàng Cầm cũng bỡ ngỡ, bảo quái, sao lại công tác, lại công tác phí? Thế rồi sinh hoạt, lại sinh hoạt phí. Tức là những từ ở bên Trung quốc nó nhập cảng vào, thành ra nghe lúc đầu rất bỡ ngỡ, sau mới quen. Thế đủ biết rằng lúc đầu ấy, phần lớn văn nghệ sĩ, hay nói riêng Hoàng Cầm, trong người chỉ có mỗi một cái hào hùng, khí tiết phải đánh giặc.

- TK: Theo anh thì vì sao, cái động lực nào đã thúc đẩy thanh niên thời ấy xung phong đi chống Pháp với một tâm trạng hào hùng như vậy?

- HC: Bởi vì riêng cá nhân Hoàng Cầm, đối với Pháp, thì cũng đã cực kỳ không có cảm tình. Tại sao? Bởi vì nhìn chung thì anh ta cậy mạnh đến cai trị nước mình. Mà quả thật mắt mình trông thấy, mình nghe thấy toàn những chuyện dân đói khổ. Nhất là năm 45 đấy, chính mắt mình trông thấy người chết đói đầy đường, rải rác khắp từ Hà Nội ra các ngả đường. Xác người chết đói đầy ra và mình xúc cảm lắm về những chuyện ấy. Nhưng đất nước đau khổ như thế nào mà bây giờ thực dân Pháp lại còn muốn quay trở lại để ngự trị, để thống trị ở cái đất nước này thì không được, không ai có thể chấp nhận điều đó được. Cho nên khi mới đi kháng chiến với một tâm trạng đầy khí phách, hào hùng nên anh mới viết bài Đêm Liên Hoan phản ánh đúng tinh thần văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Rồi thanh niên hoặc trí thức nói chung, như Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Trung, rồi các giáo sư như Đặng Văn Ngữ và nhiều văn nghệ sĩ ở các ngành khác, cả các giáo viên cấp ba, cấp hai, ai cũng rất hào hứng đi đánh giặc. Thậm chí là tự tay mình đốt nhà mình, tự tay mình phá đi, nhất quyết không để cho giặc chiếm đóng. Và lên rừng sẵn sàng ăn cơm với muối, không có cả gạo nữa thì sẵn sàng ăn cả củ mài. Thậm chí là anh đây này, Hoàng Cầm đây này, bảy ngày ăn gì nào? Đố biết... Ăn... Ăn cái củ nâu ấy mà. Củ nâu để nhuộm ấy, lấy cái củ nâu non, bởi vì củ mài đào cũng hết rồi, ở các rừng măng, nứa đấy. Măng nứa, măng mai này là ăn vãn hết rồi. Mà đói quá, bởi vì năm 49 là năm đói nhất đấy mà chính ra vợ Hoàng Cầm là một, con gái Hoàng Cầm là hai, chỉ vì đói, ăn lung tung cả mới sinh bệnh mà chết. Hai mẹ con chết liền trong một tuần lễ trong lúc tản cư năm 49 đấy. Thì gia đình anh đã đóng góp cái máu đó là hai người: vợ và con. Rồi đến năm 52, đóng góp một giọt máu nữa cho kháng chiến chống Pháp là người em ruột của Hoàng Cầm, nó cũng rất có tài về văn nghệ. Nó làm đạo diễn kịch được, viết kịch được, đặc biệt là diễn cũng rất khá. Hoàng Cầm đã cử nó làm đại đội trưởng một đội văn công Tây Bắc, tức là Sơn La, Lào Kai, Lai Châu thuộc quân đội, gọi là đội Văn Công Tây Bắc. Cậu ấy đi đánh phỉ và bị phỉ nó sát hại, cả một đội văn công 12 người, chết hết. Nhà chỉ có hai anh em, người em cũng đi bộ đội như người anh và đã hi sinh năm 52. Nghĩa là gia đình anh đóng góp vào cuộc kháng chiến đó: một người vợ, một đứa con gái và một người em ruột. Còn bản thân anh thì trèo đèo, lội suối khắp các mặt trận, chỗ nào cũng đem cái đoàn văn công của mình đi biểu diễn. Đóng góp vào cuộc kháng chiến như vậy, ngoài sáng tác của mình.

 

● Bên kia sông Đuống

- TK: Thưa anh, kỳ trước anh đã nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến đó là bài Ðêm Liên Hoan, bây giờ xin anh kể tiếp về hai bài Tâm Sự Đêm Giao Thừa và Bên Kia Sông Ðuống.

- HC: Bài đầu tiên là bài Ðêm Liên Hoan, thì chỉ trong vòng nửa tháng bài ấy nó truyền tụng khắp các đơn vị ở Việt Bắc. Sau đó đến bài thứ hai là bài Phạm Duy có vẻ mê lắm đấy, ông ấy bảo đó là một bài thơ mà chưa bao giờ có ai làm, là đem cái sinh lý, cái thân thể con người vào trong thơ được, tức là bài Tâm Sự Đêm Giao Thừa: Người lính ấy gác đêm 30 Tết, nhớ nhà muốn mừng tuổi cho con, không biết mừng tuổi cái gì, anh ta tưởng tượng và anh ta nghĩ rằng giá mình lập được chiến công mà cái tin ấy nó đồn đến tai vợ mình, thì vợ mình dù là xanh xao gầy còm, không có sữa cho con bú, nhưng nghe thấy tin chồng lập chiến công, thì sữa sẽ căng lên đầu vú, "máu chẩy mạnh trong người, vợ tôi cho con bú, con uống mạnh từng hơi, đứa bé no rồi ngủ, xuân ấm nồng trên môi." Ðó là bài Tâm Sự Đêm Giao Thừa, bài thơ thứ hai được người ta chép, lính chép rồi thuộc khá nhiều.

Ðến bài thứ ba là bài Bên Kia Sông Ðuống thì cũng do một đêm, có ba anh cán bộ chỉ huy của tiểu đoàn, gọi là tiểu đoàn Thiên Ðức -Thiên Ðức là tên chữ của con sông Ðuống- lên bộ chỉ huy ở Thái Nguyên báo cáo về tình hình lúc bấy giờ Pháp đã chiếm hòan toàn bờ Nam sống Ðuống tức là hữu ngạn -sông Ðuống nó chảy từ sông Hồng, nối sông Hồng xuống đến Phả Lại- Pháp chiếm toàn bộ miền Nam sống Ðuống tức là bốn huyện Gia Lâm, Thuận Thành là huyện của Hoàng Cầm, rồi đến Gia Bình, Lang Tài xuống đến Phả Lại. Chiếm toàn bộ mảnh đấy ấy để làm gì? Ðể làm hành lang an toàn cho đường số 5, là con đường Hải Phòng lên Hà Nội. Thế thì tiểu đoàn Thiên Ðức ấy, là tiểu đoàn dân lập. Một anh người làng Hoàng Cầm, anh Vương Văn Trà, anh ấy tự lập ra tiểu đoàn đó, dân nuôi, vẫn cầy ruộng, vẫn làm đồng áng nhưng có những giờ tập luyện quân sự. Rồi sau tiểu đoàn đó đi đánh Pháp thì đánh bằng gì? Có phải dàn trận ra mà đánh được đâu, lúc bấy giờ võ khí làm gì có nhiều, cả tiểu đoàn may lắm mới được mười khẩu súng trường, với mấy cái súng ngắn, chưa có võ khí gì ghê gớm lắm, toàn giáo mác, gậy gộc. Thế mà cái tiểu đoàn đó làm cho địch cũng xiêu liêu suốt từ đầu năm 47 cho đến hết mùa xuân 48. Ðến tháng tư năm 48 địch mới chiếm được hết cái vùng mà tiểu đoàn đó hoạt động, tức là bên kia sông Ðuống.

- TK: Lúc đó anh đang làm gì? Và công tác của anh có liên lạc thế nào với cuộc chiến ở sông Ðuống này ạ?

- HC: Thì anh đang ở với tòa soạn quân báo Việt Bắc, do anh Nguyên Hồng là tổng biên tập. Hoàng Cầm vẫn phụ trách một đội văn công nho nhỏ, gồm chưa đến ba chục người. Ðội văn công đó ở một xóm, gần xóm của tòa báo này. Nhưng anh cứ thích, đêm thì cứ thích sang ngủ với anh Nguyên Hồng, với anh em trong tòa soạn, chuyện trò hợp hơn. Thế thì đêm hôm ấy là đêm ông Lê Quảng Bá, chỉ huy trưởng mời anh sang nghe báo cáo. Có anh Vương Văn Trà là người chỉ huy tiểu đoàn Thiên Ðức ấy và mấy anh chỉ huy phó, lên báo cáo. Hoàng Cầm nghe từ chín rưỡi cho đến gần khoảng độ một giờ khuya, anh ấy báo cáo hết những trận đánh và những cái địch tràn lên chiếm hữu ngạn, tức bờ nam sông Ðuống như thế nào. Anh ấy báo cáo rất tỉ mỉ, từng làng một, chỗ nào đánh nhau to, chỗ nào nó đã giết bao nhiêu thanh niên, bắt đi bao nhiêu phụ nữ, v.v... và tôi cho là chính xác nữa, bởi vì anh ấy chỉ huy cả tiểu đoàn, cái tiểu đoàn ấy đánh giặc rất dũng cảm và nhiều thành tích lắm. Nhưng dù sao thì nó cũng bị thiệt hại, bị thương vong cho nên lúc bấy giờ phải lên bộ chỉ huy xin ý kiến để củng cố lại và xin thêm trang bị.

- TK: Thưa anh, bài thơ phát xuất từ động lực gì? Là do sự đòi hỏi của ủy ban chính trị hay là nó bột phát tự chính anh?

- HC: Trong khi anh ấy báo cáo thì trong người của người làm thơ này nó ngổn ngang, phải nói là ngổn ngang. Ðến khi anh ấy báo cáo xong rồi, mình thẫn thờ đi về nhà mình, cách đó độ non một cây số. Về thì anh Nguyên Hồng đã ngủ say và nói chung anh em đều ngủ say cả, lúc bấy giờ đã đến 1 giờ sáng rồi. Bấy giờ người mình nó như một cái gì nó ngổn ngang, không thể nói nó là cái gì được. Chuyện căm thù có, giận dữ có, nhưng cái nổi trội nhất trong tâm trạng mình lúc bấy giờ là sự nhớ thương và đau xót, vì tiếc một vùng đất đẹp như thế, vùng đất cổ xưa mà người ta vẫn gọi là Luy Lâu, nó gần như một cái thủ đô của thời kỳ Bắc thuộc, tức là trong gần một nghìn năm, thì cái chỗ ấy, vùng đất ấy, được coi như là thủ đô của cả đất nước này. Bởi vì ông Kinh Dương Vương, ông tổ của dân tộc này, định cư ở đấy, phải nói thế. Bởi vì, ngay trong huyện anh hiện nay còn có miếu đền, miếu của ông ấy lớn lắm và rất âm u, rất cổ kính, thờ Kinh Dương Vương.

Rồi thì đấy lại là đất mà văn hóa phát triển bắt đầu ở đấy. Ðạo Phật từ Ấn Ðộ sang, cũng ở đấy, xuất phát từ điểm đấy. Rồi đạo Lão, đạo Khổng mà đại biểu là ông Sĩ Vương, Sĩ Nhiếp, đem chữ Hán truyền bá sang Việt Nam thì cũng ở đấy từ thế kỷ thứ hai, đạo Phật thì từ thế kỷ thứ nhất. Phải nói là cả cái vùng mà bây giờ là huyện Thuận Thành, tức là huyện của Hoàng Cầm đấy, đó là một cái nôi về văn hóa, nhưng đồng thời nó là xuất phát điểm của sự xây dựng đất nước là huyện Thuận Thành, trước gọi là Luy Lâu.

- TK: Thưa anh, tất cả những suy nghĩ về lịch sử dân tộc, về con người đó đã tràn ra trong bài thơ như thế nào?

- HC: Thì mọi người đã ngủ say, mình chỉ còn có mỗi ngọn đuốc, ngọn đèn bằng cái lá sở, cây sở, cuộn lá lại, đốt lên, thì khói mù lên trên, ở dưới sáng. Mình cứ ngồi đấy thôi, không ngủ được, vì có nằm mình cũng biết là nằm cũng không ngủ được. Cứ ngồi hút thuốc lào vặt. Lúc bấy giờ khuya lắm, có lẽ đến hơn hai giờ sáng. Bốn bề yên tĩnh, thỉnh thoảng nghe thấy một tiếng gà gáy xa xa hay tiếng một con hoẵng trong rừng, rất xa, mà vắng lặng như thế thì chợt ở bên tai nó vẳng lên như là một tiếng hát, như là một tiếng kêu, như là một tiếng than thở, mà lại giọng nữ, nó vẳng lên ở ngay bên tai mình. Mà không phải là tiếng người mẹ mình, không phải là tiếng vợ mình, không phải tiếng người yêu nào cả, nhưng rõ ràng là giọng nữ, rất trong trẻo lanh lảnh đọc rất chậm chậm mà có âm điệu như thế này:

Em ơi, buồn làm chi

Anh đưa em về sông Ðuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lì...

Ðại khái đọc cũng chậm như thế và cũng có tiết điệu như thế. Thì Hoàng Cầm cũng đã có kinh nghiệm là nếu mà lười, không ghi ngay đi thì chỉ ba phút sau, bốn phút sau thôi, muốn nhớ lại không thể nào nhớ nổi một từ nào hết. Cho nên là ghi ngay. Có ba câu ấy thì mình phải ghi ngay. Thế nhưng mà không ngờ rằng ghi xong được ba câu ấy thì nó giống như là một nhát cuốc, cuốc vào cái bờ mà người ta ngăn nước ý mà, như một cái đập chẳng hạn, thì nước nó trào ra, nó trôi rất nhanh. Tất cả những cảm xúc về quê hương, về số phận con người, về người thân của mình, người yêu của mình, lúc bấy giờ nó dồn dập trào ra, thậm chí là anh sợ viết không kịp nữa cơ mà. Mình viết rất nhanh, mình viết ngoáy, chữ nọ đè lấp lên chữ kia cũng được. Thì cứ viết như thế một mạch và cũng có lúc nó ngừng lại một chút thì cũng hút được một điếu thuốc lào, nhưng mà cái mạch đó nó cứ còn nguyên ở trong người mình và sau đó nó lại tiếp tục chảy. Viết như thế vào khoảng độ đến lúc bấy giờ đã nghe thấy tiếng gà gáy sáng rồi, nghĩa là vào khoảng bốn rưỡi, thì đến câu cuối cùng. Tại làm sao mình biết là câu cuối cùng? Bởi vì đến câu ấy thì trong người thấy nó nhẹ hết đi.

Bao giờ về bên kia sông Ðuống

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

- TK: Anh đã sáng tác xong rồi, thì làm gì? Từ lúc xong bài thơ đến lúc bài thơ truyền đi khắp nơi thì truyền bằng gì?

- HC: Thì lúc bấy giờ đặt bút xuống và xuống bếp đun lại một nồi nước chè tươi cho nó nóng lên. Lên đến nơi thì thấy Nguyên Hồng đã có vẻ cựa quậy mà gà thì đã bắt đầu dồn dập gáy sáng tức là 5 giờ rồi. Tang tảng sáng rồi. Thì Nguyên Hồng có thói quen là khi ngủ dậy, anh ấy cứ thế chân đất chạy ra sân tập thể dục, thở phì phà phì phò rồi giơ chân, giơ tay rất ồn ào và có thể nói là rất bắng nhắng nữa cơ, nghĩa là đấm đá ngoài không khí. Thì đấy là một thói quen của ông Nguyên Hồng, cái thói quen rất đáng yêu. Thế lúc bấy giờ anh mới nói rằng là: "Này, Hồng ơi! Có thơ mới đây, mới làm xong đêm nay đây, có nghe không?"

Nguyên Hồng khi nghe nói đến thơ thì anh ấy thích lắm. "Có à? Có thơ à? Ờ, vào nghe ngay nhé!" Anh ấy đấm đá không khí một vài cái nữa là vào. Vào thì anh đọc được ba câu hay bốn câu gì đó, thì Nguyên Hồng bắt đầu khóc. Ðầu tiên còn sụt xịt thôi, nhưng càng đọc thì anh ta càng nức nở khóc, khóc như là một người, xin lỗi Thụy Khuê nhé, như một người phụ nữ bị chồng đánh ấy! Bù lu bù loa, khóc khổ khóc sở, nước mắt dàn giụa cả, rồi lấy vạt áo, lấy tay quệt như trẻ con, trông rất thương nhưng rất đáng yêu. Nhưng bởi vì mình đã quen với cái tính rất mau nước mắt của Nguyên Hồng đấy, cho nên mình cứ đọc, còn việc ông khóc, ông cứ khóc và cuối cùng đọc xong bài thơ cũng phải hết 15 phút thì Nguyên Hồng vẫn cứ khóc sụt xịt rồi sau mới mếu máo nói thế này chứ: "Thôi hôm nay Hoàng Cầm cố nhé, có chép cho mình làm ba bản nhé, để mình gửi đi nhé!" Thế là đúng cả ngày hôm sau mình phải chép thật. Cứ thế mà chép và gửi đi ba nơi, một là báo Sự Thật tức là báo Nhân Dân bây giờ. Hai là báo Vệ Quốc Quân, bây giờ là báo Quân Ðội Nhân Dân. Ba là Hội Văn Nghệ, có một người phụ trách vấn đề văn nghệ thôi là anh Nguyễn Huy Tưởng ở Việt Bắc. Thì đấy, gửi đi ba nơi ấy bởi vì anh Nguyên Hồng có một cái liên lạc riêng thì anh ấy gửi đi nhanh được. Nhưng hai tháng sau không ngờ cái chỗ mà mình không gửi lại đăng bài đó, tức là tháng 6/1948 tờ báo Cứu Quốc do hai anh Tô Hoài và Như Phong đảm đương, cái tờ báo từ Hà Nội chuyển cả máy in vào rừng sâu lắm, mình chả biết ở chỗ nào, chỉ biết là có liên lạc nó đưa đi thôi. Tức là tháng 6 năm 1948 thì bài thơ ấy xuất hiện trên tờ báo Cứu Quốc.

- TK: Đối với anh thì Bên Kia Sông Ðuống có chỗ đứng như thế nào trong toàn bộ tác phẩm của anh?

- HC: Khi bài thơ xuất hiện trên báo Cứu Quốc, lúc bấy giờ in bằng giấy bản, cái giấy bản của ta dùng vào -nói xin lỗi- giấy vệ sinh ấy. Nhưng mà lúc bấy giờ in vào cái tờ báo như thế thì phải nói rằng Hoàng Cầm cảm động vô cùng, khi thấy chữ mình mới viết độ hai tháng nay thôi, bây giờ tất cả như là quê hương nó hiện lên trang giấy này. Cầm tờ báo mà dưng dưng muốn khóc. Ðấy là chỉ có một lần in, ấy là lần đầu. Rồi về sau suốt kháng chiến chống Pháp không in nữa thì chỉ truyền khẩu, truyền khẩu suốt từ Việt Bắc xuống tới khu ba, rồi vào đến khu bốn, rồi vào đến Phạm Duy là ông ấy thuộc hết cả từ Ðêm Liên Hoan cho đến Bên Kia Sông Ðuống, thì ông ấy cứ như thế ông ấy đi ngâm ở các nơi ở khu bốn ấy trong năm 48 đấy. Rồi bài ấy nó lại vào đến tận Phú Quốc, rồi cả Côn Ðảo nữa. Bởi vì sau này những chiến sĩ ở đấy được tha về, họ đều có kể lại là được nghe sông Ðuống từ ở trong ấy là quãng cuối năm 48. Ðó là bài mà cho đến nay vẫn sống được ở trong lòng những người, tất nhiên là những người già, tuổi từ 70 đến 80, mà nhất là trước kia đi bộ đội. Thì đó, anh nghĩ rằng dù sao nó cũng là cái thành công của anh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ðó là thành công đầu tiên, cùng với hai bài kia là gộp lại. Tức là có nửa năm 47 sang đầu năm 48 thì anh được ba bài thơ đó, nó đánh dấu thời kỳ đầu của kháng chiến trường kỳ, thì cảm động lắm và cho đến bây giờ những bà con Việt kiều ở nước ngoài về, nếu máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, khi nó xuống thấp rồi thì ai ngồi gần cửa người ta chỉ trỏ chỗ không biết con sông Ðuống nằm ở đâu? Có người cứ nói bừa đi: Kia kìa, nó nằm ở kia kìa, nó ngoằn ngoèo ở chỗ giữa kia kìa, thì đấy là con sông Ðuống. Những chuyện đó nó làm cho mình hết sức cảm động, cũng là nhờ quê hương, nhờ đất nước của mình, đã làm cho mình có được một bài thơ, cũng nhờ trời, nhờ phật, nhờ quê hương mà cho đến hôm nay nó vẫn còn sống, nó vẫn còn sống được ở trong lòng người ta, chứ nó chưa chết. Thì đó là một cái mà anh rất lấy là tự hào và sung sướng.

 

● Thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm

- TK: Thưa anh Hoàng Cầm, sau hiệp định Genève, về Hà Nội anh làm gì ạ?

- HC: Lúc bấy giờ tôi ở quân đội về tiếp quản thủ đô, tôi phụ trách một đoàn văn công. Lúc bấy giờ văn công quân đội chia làm ba đoàn: Thủ Đô, Khu Ba và Khu Bốn. Tôi phụ trách đoàn 1, về tiếp quản Hà Nội. Trong giai đoạn đầu của cuộc tiếp quản thủ đô, độ 3 tháng, thì việc làm thơ của tôi cũng không tiến hành được bao nhiêu, bởi vì công việc của đoàn văn công choán khá nhiều thời giờ. Nhưng đến Tết, cái Tết năm 1955 sang 1956, tôi và anh Lê Đạt bàn nhau là bây giờ ta phải tiến hành một cuộc đổi mới thơ đi. Mà tiến hành đổi mới thơ thì trên các báo của nhà nước nó chật chỗ quá, mình không thể mở rộng được những ý kiến của mình. Lúc bấy giờ nhà nước vẫn để cho các nhà in tư nhân cũng như các nhà xuất bản tư nhân được hoạt động. Thế thì có nhà xuất bản Minh Đức mà người chủ là anh Trần Thiếu Bảo, đã từng là một nhà xuất bản đi theo kháng chiến chống Pháp, ở Khu Bốn, anh ấy đặt trụ sở ở Thanh Hóa. Trong thời ấy anh ấy đã in nhiều sách phục vụ kháng chiến chống Pháp. Về hòa bình, anh lại tiếp tục công việc xuất bản. Anh ấy cũng không có vốn gì lớn lắm, đi vay bè bạn thôi, cũng có thể thỉnh thoảng ra được một vài quyển sách có ích cho lúc bấy giờ. Chúng tôi mới đề nghị với anh Minh Đức là in một tập văn thơ vào mùa xuân năm 56. Cái số đó chúng tôi định ra vào dịp Tết âm lịch tức là sang năm 56 rồi.

- TK: Thưa anh, Giai Phẩm Mùa Xuân có những ai cộng tác?

- HC: Cái Giai Phẩm Mùa Xuân ấy chỉ có mỗi tôi và anh Lê Đạt thôi, bởi vì lúc bấy giờ anh Trần Dần và anh Tử Phác là hai người bạn thân mà cũng là những người muốn đổi mới văn học nghệ thuật, thì hai anh ấy đi công tác Cải Cách Ruộng Đất cách Hà Nội 12 cây số tức là ở bên Yên Viên, không có nhà. Chỉ có tôi với anh Lê Đạt làm. Tập hợp được một số anh em viết bài cho, ví dụ như anh Trần Lê Văn, anh Quang Dũng, anh Hữu Loan, anh Phùng Quán, anh Văn Cao... Lúc bấy giờ tôi và cả anh Lê Đạt đều có giữ bản thảo một bài thơ dài của anh Trần Dần tức là bài Nhất định thắng. Chúng tôi lấy bài đó làm cái xương sống đã, rồi mỗi anh em lại thêm vào đó một số bài. Thì anh em có giao cho tôi nhiệm vụ là thúc đẩy anh Văn Cao làm thơ, bởi vì từ ngày về Hà Nội anh Văn Cao cũng thôi không làm ca khúc nữa mà anh ấy chuyển sang vẽ. Tất nhiên vẽ cũng là một cách tự biểu hiện mình. Nhưng tôi thấy rằng khả năng làm thơ của anh Văn Cao có thể vẫn còn nhiều. Tôi và cả anh Lê Đạt đều biết là anh ấy có khả năng thơ. Bởi vì trước 45, anh ấy có một số bài thơ cũng khá, ví dụ bài Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc chẳng hạn. Đó là một bài thơ có nhiều suy nghĩ mới ở trong thơ ca, mặc dầu cả bài còn nhiều ảnh hưởng rơi rớt của Vũ Hoàng Chương hoặc của Tự Lực Văn Đoàn. Chúng tôi biết thế, cho nên thúc đẩy anh ấy làm thơ chứ không phải là vì một lẽ gì đâu. Mà chính là vì anh ấy cạn kiệt cảm xúc âm nhạc. Đấy là theo ý nghĩ riêng của tôi. Có thể tôi sai. Nhưng tôi cứ nói thật ý nghĩ riêng của tôi lúc bấy giờ không phải là Văn Cao lười, mà cũng không phải là vì một lẽ gì khác mà chính là vì anh ấy cạn kiệt cảm xúc âm nhạc. Thế thì lúc bấy giờ tôi với anh Lê Đạt cứ đùn đẩy nhau về cái việc đối với Văn Cao. Anh Lê Đạt bảo là anh ấy chưa có tiếng tăm gì và trong số bạn chơi với nhau thì anh ấy là người ít tuổi nhất, tất nhiên là chưa có uy tín gì trong số anh em về mặt sáng tác cả. Cho nên anh ấy không muốn thúc đẩy Văn Cao, anh ấy bảo là sợ anh Văn Cao bảo là hỗn, mày nhỏ tuổi thế mà mày thúc đẩy gì tao. Thế! Hoặc giả anh Văn Cao có thể có ý nghĩ gì khác nữa chăng, thành ra anh Lê Đạt giao cho tôi, anh ấy bảo: Bởi vì tôi đối với anh Văn Cao là ngang vai phải lứa thì có thể thúc đẩy anh ấy được. Tôi đành phải nhận. Vì tôi biết là Văn Cao cũng khó lắm, bởi vì anh ấy đã thích một cái gì đấy thì khó lay chuyển anh ấy lắm. Anh ấy đang thích vẽ mà. Sau đó tôi đến thúc đẩy một tuần thì quả nhiên anh ấy cũng làm được một bài đăng ở Giai Phẩm Mùa Xuân tức là bài Anh có nghe thấy không.

- TK: Như vậy là trong số Giai Phẩm Mùa Xuân 56 thì chỉ có một bài thơ của anh Văn Cao, thế còn những bài khác là của những ai?

- HC: Anh Văn Cao có một bài ấy thôi. Còn anh Lê Đạt thì cũng làm đâu ba bốn bài, những bài thơ ngắn. Ví dụ như là bài Đụng long mạch hoặc là bài Công nhân làm cầu gì đó, tôi quên mất đầu đề rồi. Nhưng chúng tôi dựa vào bài Nhất định thắng của anh Trần Dần là chính, thì đã có thể ra được một tập sách. Cộng với một bài nghiên cứu về dân ca của anh Tử Phác. Một bài thơ Quang Dũng. Một bài tản văn của anh Trần Lê Văn. Và một vài bài nữa của anh Hữu Loan, Phùng Quán... thì chúng tôi đã tập hợp được và đưa in luôn[1]. Như thế là quyển Giai Phẩm Mùa Xuân ra trước Tết âm lịch năm 1956. Anh Tử Phác và anh Trần Dần không biết là quyển sách ấy ra bởi vì các anh ấy bận công tác ở xa Hà Nội và công tác cải cách ruộng đất lúc bấy giờ đang ở cao trào cho nên các anh ấy không có quan hệ gì với chúng tôi ở Hà Nội cả. Thành ra chúng tôi cứ ra cái đó và bài thơ của anh Trần Dần cứ xuất hiện bởi vì chúng tôi đều có bản thảo. Sau khi xuất bản tập đó được độ một tuần thì cả hai anh Tử Phác và Trần Dần đều bị một tai nạn tức là cả hai anh đều bị bắt. Cái thời gian bắt các anh ấy cũng nhanh chóng, vì cũng có những cái tình cờ, hoặc cũng có những sự việc cụ thể, chứ không phải giam giữ gì lâu lắm. Sau đó, anh Trần Dần lại về công tác ở Phòng Văn Nghệ Quân Đội, nghĩa là vẫn chưa ra khỏi quân đội, cả anh Phùng Quán nữa, cũng đang ở trong quân đội. Chỉ có tôi là ra khỏi quân đội cuối năm 55. Chính vì tôi ra khỏi quân đội thì tôi mới làm Giai Phẩm Mùa Xuân cùng với anh Lê Đạt bởi vì anh Lê Đạt lúc đó là biên tập viên của báo Văn Nghệ. Lúc bấy giờ chưa có Hội Nhà Văn mà nói chung gọi là Hội Văn Nghệ thôi, và anh Lê Đạt vẫn là một cán bộ của Tuyên Huấn Trung Ương. Khi tôi ra khỏi quân đội rồi thì không bị gò bó bởi những công việc và kỷ luật của quân đội nữa, thành ra tôi tự do hơn một chút, vì thế mới ra được Giai Phẩm Mùa Xuân. Nhưng điều không ngờ là chính Giai Phẩm Mùa Xuân đó lại gây ra tai nạn cho hai anh Tử Phác và Trần Dần. Chuyện này tôi có nói rồi, hình như tôi có nói một phần ở trong bài Con người Trần Dần đăng ở số 1 báo Nhân Văn, năm 56. Sau này tôi có thể viết nó kỹ hơn, đầy đủ hơn những diễn biến của vụ đó. Sau khi tờ Giai Phẩm Mùa Xuân được giải quyết rồi, tức là thu hồi này, rồi thì anh ấy bị kỷ luật một thời gian ngắn, rồi sau lại ra làm việc, thì các công việc mọi người cứ đâu lại làm đấy. Tôi vẫn phụ trách phó giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ. Anh Trần Dần vẫn ở quân đội cũng như anh Tử Phác và Phùng Quán. Anh Lê Đạt vẫn làm việc ở Tuyên Huấn, lúc bấy giờ lại còn là bí thư chi bộ của tuần báo Văn Nghệ nữa, đấy là anh Lê Đạt. Mọi công việc nhà nước vẫn tiến hành bình thường.

- TK: Nhiều người cho rằng hồi ấy các anh chủ tương Giai Phẩm Mùa Xuân là do ảnh hưởng tình hình Liên Xô và Trung Quốc, nhất là từ phong trào Trăm Hoa Đua Nở của Trung Quốc, thưa anh, việc ấy có đúng không?

- HC: Tình hình thế giới bắt đầu có những biến chuyển về mặt văn học, ở Liên Xô ông Khrouchtchev làm một cuộc chống tệ sùng bái cá nhân, cụ thể là chống những sai lầm của Staline. Ở Trung Quốc có việc chống phái hữu, rồi thì những gì gì đó mà chúng tôi không được đọc báo, nhất là việc Trung Quốc, thì cũng chỉ nghe tin tức chung chung thôi chứ không được theo dõi kỹ lắm. Đấy là vào khoảng tháng 5, tháng 6 năm 56, tức là Giai Phẩm chúng tôi ra rồi, ra từ đầu năm cơ. Gần đây, Lê Đạt đi Pháp về, có nói rằng anh ấy có phản đối cái nhầm của ông Boudarel khi viết rằng Nhân Văn chúng tôi chịu ảnh hưởng Trăm Hoa Đua Nở của Trung Quốc. Cái đó ông Boudarel rất nhầm. Bởi vì chúng tôi đã có ý định cải cách, hoặc canh tân thi pháp, đổi mới thi ca từ đầu năm 1956. Lúc bấy giờ chúng tôi chưa hề biết chuyện ở bên Trung Quốc về văn học có những cái gì, có những phong trào gì. Mãi sau mới có cái Trăm Hoa Đua Nở, rồi đến chuyện đấu tranh chống phái hữu. Mà phái hữu trong văn nghệ Trung Quốc thì có Đinh Linh và Trần Sĩ Hà là nổi bật lên. Chúng tôi chỉ nghe tin một cách sơ sài thế thôi. Còn nội dung là gì thì chúng tôi không biết lắm. Vậy thì chúng tôi không hề chịu ảnh hưởng cái chuyện Trăm Hoa Đua Nở của Mao Trạch Đông đưa ra, mà Giai Phẩm Mùa Xuân của chúng tôi ra là hoàn toàn tự ý muốn riêng của mình và cái ý muốn đó là muốn cách tân thơ ca, đem lại luồng gió mới, không khí mới cho thơ ca chứ không chịu ảnh hưởng ai cả. Đó là một cái mà hôm nay, nhân thể đây tôi nhấn mạnh như vậy.

- TK: Thưa anh, còn tờ Nhân Văn, tờ Nhân Văn đã ra đời trong hoàn cảnh nào?

- HC: Nhân Văn ra số đầu tiên khoảng tháng 9 năm 1956 tức là cách Giai Phẩm Mùa Xuân tám, chín tháng. Thế rồi đến Nhân Văn thì anh Nguyễn Hữu Ðang là người sinh ra báo Nhân Văn, tôi là người đặt tên cho tờ báo. Nhưng đồng thời sau đó cũng lại chính mình phải làm tất cả mọi viêc của tờ báo. Phụ thêm thì có anh Lê Ðạt. Thế còn anh Trần Dần thì vì anh ấy cũng yếu và những công việc của một tờ báo thì anh ấy cũng không làm được. Việc mà tại sao nó ra, tại sao lại xuất hiện tờ Nhân Văn, lúc đầu nó như thế nào, thì tất nhiên là sau này tôi cũng sẽ lược thuật thôi. Chuyện đó nó phức tạp và sau này dù có thuật lại, thì chúng tôi cũng chỉ thuật lại những nét chính. Cái tôi đi sâu vào vẫn là những bước đi của thơ ca, nó gặp những trở ngại gì, những trắc trở gì? Có những thuận lợi gì? Và những anh em nào hoan nghênh, anh em nào tán thành, anh em nào phản đối? Nhưng cái chính vẫn là vấn đề thơ ca thôi, thơ ca của chúng tôi. Thơ ca của cái nhóm anh em thân với nhau đấy, nhưng tất nhiên mỗi người một phong cách và có nhiều quan điểm cũng không giống nhau đâu. Thế nhưng mà cái thống nhất với nhau được là thơ ca một thời gian bị trì trệ bởi ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới trước cách mạng tháng tám, vẫn còn nặng nề. Nhất là ý anh Trần Dần và anh Lê Đạt là từ lâu, ngay từ trước khi về Hà Nội năm 54, rồi sau khi về Hà Nội, hai anh ấy là hai người hăng hái nhất trong việc muốn đổi mới thơ ca, làm cho nó đừng trì trệ nữa, dù rằng ta phải học tập ở các nhà thơ bên Châu Âu mà thay đổi cái của mình, miễn là mình giữ được cái độc đáo riêng của mình.

- TK: Thưa anh, tóm lại, mục đích chính của các anh trong thời điểm NVGP là làm gì? Là đòi hỏi tự do sáng tác hay còn đòi cái gì khác?

- HC: Lúc đầu chúng tôi vẫn chủ trương là không nói chuyện gì về chính trị, cũng không có bài báo nào bàn về chính trị lắm. Nếu có thì chỉ nhắc qua vài chuyện có liên quan đến văn nghệ thôi. Còn cái chính là đấu tranh để làm thế nào xây dựng được một nền văn nghệ dân chủ. Có dân chủ có tự do trong giới văn nghệ. Cũng như là có dân chủ trong hoạt động văn nghệ. Chúng tôi chỉ nhằm mục đích ấy thôi. Mục đích là đấu tranh để đạt được dân chủ và tự do trong sáng tác văn học và nghệ thuật. Thế nhưng tình hình thế giới lúc bấy giờ rất phức tạp và trong nước có những vấn đề rất nghiêm trọng, cho nên báo Nhân Văn cũng không thể tồn tại lâu được, mà chỉ ra được 5 số. Đến số 6, bài xong cả rồi nhưng mà cũng không in nổi, không in được và không ra được. Thế rồi thì bị đóng cửa. Nhưng đóng cửa xong thì mọi việc vẫn trở lại có vẻ như là bình thường. Bởi vì đóng cửa Nhân Văn xong, thì sang năm 57 thành lập Hội Nhà Văn riêng, Hội Nhạc Sĩ riêng, Hội Sân Khấu, Hội Mỹ Thuật riêng. Tháng 4 năm 57 thành lập Hội Nhà Văn thì tôi cũng lại được bầu vào ban chấp hành Hội. Công việc thì vẫn phụ trách phó giám đốc nhà xuất bản, bấy giờ đổi tên là nhà xuất bản Hội Nhà Văn, do anh Tô Hoài, tôi và anh Đoàn Giỏi, ba người cùng chịu trách nhiệm. Hoạt động bình thường như thế cho đến hết năm 57.

 

● Từ Nhân Văn đến thời kỳ đổi mới.

- TK: Thưa anh, tờ Nhân văn ra được 5 số thì phải đóng cửa và mọi việc vẫn trở lại có vẻ như là bình thường, nhưng sau đó thì tình hình xảy ra như thế nào ạ?

 - HC: Sang đầu 58, vì ở bên Trung Quốc có việc đấu tranh rất gay gắt chống hữu phái trong văn nghệ, nhưng chúng tôi cũng lại chỉ biết một cách hết sức sơ sài, là hình như có mấy nhà văn cũng đòi tự do, đòi dân chủ gì đó. Ðặc biệt có hai người là Ðinh Linh và Trần Sĩ Hà là hai nhà văn có tiếng lúc bấy giờ, coi như cầm đầu phái hữu trong giới văn nghệ của Trung Quốc. Thì có một cuộc đấu tranh gay gắt với những người cầm đầu đó. Ở bên ta, tôi nhớ chắc là anh Huy Cận và một người nữa, Lưu Trọng Lư hay là Hà Xuân Trường gì đó, tôi không nhớ rõ tên người thứ nhì, cũng được cử sang tham quan để rút kinh nghiệm đem về. Khi các anh ấy về thì lập tức ở bên này mở ra một lớp gọi là lớp học chính trị, nhưng chính là để đấu, đấu tranh quyết liệt với tư tưởng NVGP. Tức là chống tư tưởng mà lúc bấy giờ người ta cho là "tư tưởng phá hoại chống Ðảng", mà tiếng thông thường là "phản động". Ðấy là đầu năm 58. Và sau một cuộc đấu tranh rất gay go, rất quyết liệt như thế trong vòng độ gần hai tháng thì quyết định kỷ luật một số nhà văn, một số họa sĩ và nhạc sĩ đã tham gia phong trào NVGP.

Riêng cái kỷ luật của chúng tôi bên Hội Nhà Văn thì khai trừ ba năm anh Trần Dần, anh Lê Ðạt, và bên Hội Âm Nhạc thì có anh Ðặng Ðình Hưng, anh Tử Phác cùng chịu chung một kỷ luật là khai trừ khỏi Hội trong ba năm.

Và trong thời gian bị khai trừ thì phải đi lao động để cải tạo tư tưởng theo giai cấp vô sản, thấm nhuần tư tưởng nông công binh, để thực hiện trong sáng tác của mình. Suốt năm 58, 59 đến 60 nữa, trong thời gian ba năm kỷ luật đó thì phải đi lao động. Chỉ có tôi và Phùng Quán, thời hạn nhẹ hơn, tức là khai trừ khỏi Hội Nhà Văn có một năm thôi. Riêng tôi, thì khai trừ khỏi ban chấp hành, thôi giữ chức giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ. Ghi trên giấy trắng mực đen thì chỉ có thế thôi.

Và đi lao động, thì cũng đi lao động như mọi người. Ví dụ như anh Trần Dần, anh Lê Ðạt, anh Tử Phác, anh Ðặng Ðình Hưng, trong 6 tháng đầu tiên lao động cả ngày, tức là 8 tiếng, các anh về nông trường Chí Linh chăn bò, chăn trâu. Còn tôi, Phùng Quán, Trần Lê Văn và Quang Dũng, thì về cái tổ mà anh Hoàng Trung Thông làm tổ trưởng, tức là anh Hoàng Trung Thông là bộ phận lãnh đạo một cái đội đi về Thái Bình, ở một hợp tác xã nông nghiệp mới thành lập. Vì ở nông thôn, nhất là ở miền Bắc, sau đợt Cải Cách Ruộng Đất, là đến đợt đưa nông thôn tiến lên hợp tác hóa. Lúc bấy giờ từ bắc vĩ tuyến 17 ra, là hợp tác hóa nông nghiệp. Chúng tôi đi về cái hợp tác xã như thế và lao động có một nửa ngày thôi. Còn nửa ngày thì có thể đi chơi với các gia đình nông dân, rồi đi tìm hiểu tình hình thực tế v.v... Mặc dầu cái lao động nửa ngày của tôi hay cả ngày của bốn anh kia là bắt buộc, nhưng mà bắt buộc cũng trong tinh thần văn nghệ thôi, chứ không gò bó ghê gớm như bọn bị đi tù khổ sai. Phải nói cho nó công bằng và rõ ràng như vậy. Còn những anh nhẹ nữa, như anh Quang Dũng, anh Trần Lê Văn, anh Hữu Loan chẳng hạn, thì hầu như chỉ cảnh cáo ghi lý lịch của hội viên thôi, nghĩa là một cái kỷ luật rất nhẹ. Nhưng lúc bấy giờ anh Hữu Loan có nhiều bực bội cá nhân cho nên anh ấy nhất định không ăn lương của hội nữa. Còn tôi và Phùng Quán thì vẫn có trợ cấp của hội, coi như một thứ lương nho nhỏ thôi, để đi lao động, chứ anh Hữu Loan thì thôi hẳn, không lĩnh lương và không làm gì ở hội nữa. Và anh ấy lao động ở đâu thì đấy là việc của anh ấy, chứ anh ấy không đi theo các chỉ đạo của Hội Nhà Văn.

-TK: Thưa anh, trong lúc ấy các anh có viết lách gì không ạ?

- HC: Nội dung kỷ luật lúc đầu thì chỉ như thế thôi. Nhưng rồi cái kỷ luật đó nó kéo quá dài. Sau ba năm rồi thì anh Trần Dần và cả anh Lê Ðạt nữa, có sáng tác khá nhiều, riêng tôi thì cũng sáng tác tập Về Kinh Bắc. Phùng Quán cũng viết nhiều truyện ngắn và làm thơ nữa, nhưng mà cũng không in ở đâu được cả. Không hiểu lý do làm sao, nhưng đưa đến nhà xuất bản nào hay tòa báo nào cho nó đăng thì đều bị từ chối. Rồi lặng lẽ mình cũng tự biết là có lẽ khó khăn lắm, thì mình cứ sáng tác để đấy thôi, cho vào ngăn kéo rồi một vài anh em đọc với nhau, chứ không truyền bá đi đâu cả. Xong rồi dần dần thời gian cứ thế kéo đi, nó kéo thế nào mà cho đến năm 88. Tức là kỷ luật từ năm 58, đến khi hết kỷ luật, Hội Nhà Văn công bố hẳn hoi là năm 88. Ba mươi năm. Chúng tôi, tức là Trần Dần, Lê Ðạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, lúc bấy giờ anh Tử Phác mất rồi, chỉ còn Ðặng Ðình Hưng và cả những anh em bị cảnh cáo trước kia như Quang Dũng hay Trần Lê Văn, thì các anh ấy không bị kỷ luật gì, vẫn có thể in sách, in báo được từ trước, riêng Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm và Ðặng Ðình Hưng là bốn người đó không được in một cái gì cả, suốt từ năm 58 đến năm 88. Thế nghĩa là tròn 30 năm.

- TK: Thưa anh, sau thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, anh đã làm gì để sinh sống?

- HC: Tôi nhắc lại: trong vòng 30 năm, tức là kỷ luật bắt đầu từ 1958 đến 1988 thì phục hồi, nghĩa là 30 năm tôi không thể đem ngòi bút của mình kiếm được một đồng xu nào hết. Thế thì phải đi lao động chân tay. Tôi với anh Trần Dần, đã từng kéo xe bò. Lúc thì anh này cầm càng, anh kia đẩy, cứ thay phiên nhau như thế. Chỉ mới đi được hai hôm, cả Trần Dần và tôi đều ốm, tức là sốt, rồi nó đau hết mình mẩy và trận ốm ấy kéo dài có khi hàng tuần lễ. Sau không chịu được lao động chân tay nữa, đành phải đi kiếm ăn bằng cách, ví dụ như anh Trần Dần được một người bạn giúp cho đi tô màu ảnh. Lúc bấy giờ chưa có máy ảnh màu đâu. Ai thích ảnh màu thì cứ chụp đen trắng, xong Trần Dần cứ ngồi bôi thuốc, bôi cái má hồng, bôi cái môi son, bôi cái áo hoa nọ kia, nghĩa là bôi màu vào ảnh để kiếm ăn. Mỗi cái ảnh như thế được một hào hay hào rưỡi gì đó. Nghĩa là cứ thế suốt ngày ngồi cặm cụi tô màu vào ảnh. Còn tôi thì đi làm phim đèn chiếu. Viết những lời thuyết minh để kể chuyện chiến sĩ thi đua, hoặc là người tốt, việc tốt, hoặc là an toàn lao động v.v... Những đề tài như thế thì cũng vẫn cứ làm, để kiếm được mỗi tối ba đồng.

- TK: Xin anh cho biết rõ hơn về việc anh làm phim đèn chiếu như thế nào và anh còn giữ một vài kỷ niệm gì về việc ấy không?

- HC: Có một hôm anh Phùng Quán đến chơi vào khoảng 7 giờ. Phùng Quán hỏi: "Anh sắp đi đâu đấy?" Tôi bảo là tôi sắp đi chiếu phim đây. Thì Phùng Quán hỏi: Phim gì? Tôi bảo phim đèn chiếu. Phùng Quán cũng chẳng hiểu phim đèn chiếu nó thế nào, mới theo tôi đi. Xuống sân một xí nghiệp thì người ta mắc cái máy ở đấy, rồi thì cũng có écran. Họ bắt đóng hết các cửa ra vào nhà máy và bắt buộc công nhân phải xem. Bởi vì đây là một bài học về an toàn lao động. Phim chính tôi làm, an toàn lao động, thuyết minh bằng lời thơ, có lúc bằng văn xuôi. Ðầu tiên là công nhân nó tức lắm, vì công đoàn bắt nó phải ở lại xem mà: Úi giời ơi! Ở giữa cái thành phố Hà Nội này mà lại chiếu những phim -ngày xưa người ta gọi là ống nhòm ấy mà- nó cứ keng keng keng gọi ra xem ống nhòm ở bờ hồ. Cái này nó cũng y như thế thôi. Chỉ có là nó chiếu lên màn ảnh to, chiếu ảnh lên, rồi nó phóng to lên. Thế rồi thuyết minh, y như ngày xưa xem ống nhòm ở ngoài bờ hồ, nó bảo: Này! Ðây quan toàn quyền Pasquier đi kinh lý đây! A lô! A lô! Ðây là Quốc Trưởng Bảo Ðại... thế này thế kia... Ðây! Vua Bảo Ðại, Hoàng đế Bảo Ðại đi thăm tỉnh Thanh Hóa đây!

Ngày trước thì nó như thế! Tức là mỗi cái ảnh nó bật ra, thì cứ chổng mông ra mà nhìn vào cái ống nhòm, trẻ con là thích lắm! Cứ bỏ vào đấy một xu thì được xem khoảng một vài chục cái ảnh. Còn cái này nó chỉ khác tí là nó chiếu lên écran, có lời thuyết minh một tí.

Ðầu tiên công nhân nó phản đối, nhưng cũng không thể làm thế nào được, bởi vì đây là kỷ luật bắt buộc phải xem để học tập về an toàn lao động. Nhưng đến khi tôi bắt đầu cất tiếng thuyết minh và đến chỗ tôi bắt đầu cất giọng ngâm thơ lên thì họ bắt đầu chú ý và im lặng, chứ lúc đầu họ phá phách ghê lắm. Cứ ầm ầm, ầm ầm. Thế rồi dần dần họ theo dõi phim cho đến hết và khi ra về có vẻ rất mãn nguyện.

Họ bảo: "Ờ, tưởng cái gì chứ phim đèn chiếu xem cũng được đấy nhỉ! Mà lại hay đấy nhỉ!" Thì đấy! Ði kiếm ăn như thế và Phùng Quán dự từ đầu đến cuối. Ðến khi về thì tôi bảo: "Mình có ba đồng đây này, mời Phùng Quán đi ăn phở với mình." Bát phở chỉ có 5 hào thôi. Phùng Quán bảo: "Không, đáng nhẽ em phải mời anh chứ! Anh làm gì có tiền, khổ thế mà anh mời em. Thôi, thế thì mỗi anh em ta làm một ly rượi suông vậy." Mỗi ly rượu có 5 xu ấy mà. Rẽ vào một hàng, mỗi anh em uống một ly rượu suông. Phùng Quán nói một câu thế này: "Trời đất ơi! Nhà thơ nổi tiếng nhất nước thế này mà đi làm cái phim đèn chiếu! Cái ống nhòm ngày xưa! Em nghĩ nó tủi thân lắm, anh ạ". Mình bảo chả có cái gì là tủi cả! Mình lao động bình thường như một con người bình thường. Mình kiếm ăn, có cái gì mà tủi mới buồn! Chả có cái gì đáng buồn cả! Tôi lại phải nói với Phùng Quán như vậy. Ðấy là những kỷ niệm về thời bấy giờ.

- TK: Thưa anh, việc sáng tác ở thời kỳ kỷ luật và sau kỷ luật của các anh ra sao?

- HC: Chính lúc bấy giờ là lúc anh em lại viết được rất nhiều. Không phải là có một cái kỷ luật gì cấm sáng tác cả. Cấm không được in báo, xuất bản sách. Cấm xuất hiện cái tên của mình. Lúc bấy giờ tôi phải trông vào bà vợ. Như ở trong tập Về Kinh Bắc mà tôi đã viết đấy: Bà vợ rất tốt, chịu đựng kham khổ, hy sinh cho chồng con. Lúc bấy giờ tôi tập trung được tình cảm và suy nghĩ của mình liền trong năm tháng trời viết xong tập thơ Về Kinh Bắc. Trần Dần cũng trong vòng nửa năm ấy viết được Cổng tỉnh. Lê Ðạt làm một loạt thơ về quê hương của mình, thuở thơ ấu của anh ấy tức là thời kỳ Yên Bái đấy, những bài thơ như là Lão núi, Ông lão chăn dê hay là Ông phó cả ngựa đều đã có bắt nguồn ngay thời bấy giờ. Chỉ có là về sau này anh ấy hoàn chỉnh lại thôi. Thế nghĩa là anh em không hề ngừng sáng tác, chỉ không được in thôi. Không được xuất bản. Ðấy là năm 59. Sang năm 60 trở đi thì lại bắt đầu đi lao động. Anh Trần Dần và tôi lại vào cái xí nghiệp nhà máy gỗ Hà Nội, anh Trần Dần làm thợ cưa, còn tôi thì đứng máy, ở cái máy cưa.

- TK: Thưa anh, về công việc sáng tác sau giai đoạn 60 thì ra sao?

- HC: Về cái việc sáng tác, thì sau khi anh Trần Dần làm xong Cổng tỉnh, anh Ðặng Ðình Hưng viết tập thơ đầu tiên trong cuộc đời anh ấy, đó là một tập thơ cực kỳ giá trị, tức là cái Đầu ô, hay cái Cửa ô, chưa xuất bản đâu nhưng mà đấy mới thật là thơ Ðặng Ðình Hưng. Tôi thì Về Kinh Bắc, anh Trần Dần sau Cổng tỉnh lại tiếp tục, vào khoảng ngoài năm 60, 61-62 gì đó, anh ấy lại viết một tập thơ nữa là Mùa sạch. Và anh Lê Ðạt vẫn làm những bài thơ lẻ hoặc những bài thơ dài, mới phác thảo thôi, nhưng vẫn làm việc đều đều suốt từ năm 60 trở đi.

 Cho đến năm 75, số tác phẩm viết ra mà chưa được in ở mỗi người khá nhiều. Không hề ngồi chơi không. Riêng anh Văn Cao thì lúc bấy giờ anh ấy có khuynh hướng muốn trở thành họa sĩ, anh ấy đi vẽ những minh họa, minh họa sách rồi minh họa trên báo. Riêng về thơ thì anh ấy không làm nữa. Cho đến khi phục hồi, lúc bấy giờ đều già cả rồi và Văn Cao thì cũng không còn một tình cảm nào say đắm về thơ như trước. Anh ấy vẫn làm thơ, nhưng riêng tôi thì mình thấy là thơ Văn Cao như thế, so với thời kỳ Cửa biển tức là Những người trên cửa biển ấy, thì xuống. Ðến cái Cửa biển thì tôi cho là đến cái đỉnh cao của Văn Cao. Về sau, anh ấy vẫn làm nhưng không bằng Những người trên cửa biển.

Anh Trần Dần thì liên tục làm và anh ấy tìm tòi nhiều cách lắm. Sau đó anh ấy đi vào thơ mini, tức là có khi chỉ có một câu, hai câu, rất ngắn mà nó chứa đựng những tư duy rất hay và đặc biệt là ít lời, rất nhiều cảm xúc, rất nhiều trí tuệ.

Anh Lê Ðạt vô cùng chịu khó học tập. Có khi anh ấy vào thư viện suốt cả tháng, anh ấy ở thư viện đến 10 giờ đồng hồ một ngày, đọc sách rồi nghiên cứu tìm tòi các thứ thơ văn cổ kim đông tây. Học rồi về nhà anh ấy làm, có khi làm bài ngắn, có khi bài dài v.v... Và cuối cùng ra được tập Bóng chữ đấy. Nó chứng minh sự làm việc của anh Lê Ðạt rất công phu.

Anh Trần Dần cũng bị tật, sau khi bị cảm một trận năm 1974, anh ấy hơi liệt liệt, nhưng vẫn sáng tác thơ như thường, chịu khó tìm lắm. Gần đây, anh ấy sưu tập lại, rút ra ở tất cả thơ của anh ấy những chỗ nào hay nhất để đưa vào từng vấn đề của một tư duy thơ, gọi là lẩy Trần Dần. Anh tự lẩy. Anh ấy đã cố đưa ra một thế giới gọi là thế giới Trần Dần, cái univers Trần Dần, thì tôi đã thấp thóang thấy nó hiện ra qua cái lẩy Trần Dần.

Tóm lại, sự làm việc của anh em thời kỳ hậu Nhân Văn, tức là thời kỳ 58, 59, 60 cho đến 75 gần như là không ai nghỉ một tháng, một ngày nào mà không lo về việc thơ ca cả. Chỉ có từ 75 về sau này, tình hình nó cũng có đổi khác, nhất là đến năm 88, được phục hồi, chính thức trở lại sinh hoạt Hội Nhà Văn, cái đà sáng tác ở mỗi người nó lại dâng lên, thì anh Lê Ðạt cũng làm nhiều. Anh Trần Dần bắt đầu làm được một ít thì chẳng may anh ấy lại bị bệnh khá nặng, cho nên độ hai năm nay anh ấy không làm được gì nữa.

- TK: Trước anh có dự định viết một cuốn hồi ký, dự định ấy hôm nay đã đi đến đâu rồi?

- HC: Ðầu tiên tôi cũng đã dự định, dự định từ lâu rồi, định viết một cuốn Mémoire khoảng 1000 trang từ năm 1990. Lúc bấy giờ tôi cần có một người trợ giúp mình, không những là về mặt viết lách v.v... mà kể cả về tình cảm. Bởi vì từ sau khi tôi mất người vợ năm 1985, đời sống tình cảm tôi bị hẫng hụt, phải nói là một cách ghê gớm. Sau đó, tôi bị gần như là một thứ bệnh tâm thần cho đến năm 87, thì nhờ các bạn, nhất là anh Dương Tường, anh Lê Ðạt, kể cả anh Trần Dần và một số bạn trẻ nữa như là Thụy Kha, Trịnh Thanh Sơn... tôi đã dần dần hồi phục sức khoẻ và nhất là tránh được cái bệnh tâm thần của tôi mà các bác sĩ cho là nó vào cái dạng trầm uất.

- TK: Thưa anh, tại sao anh lại bị bệnh và bệnh trạng của anh, thực sự nó như thế nào?

- HC: Tức là sau khi tôi bị giam cầm 18 tháng[2], từ đó đến khi được về thì những bác sĩ quen của tôi họ đều thống nhất một điểm là tâm thần của tôi tự nhiên nó bị ở hai dạng: trước tiên là hoảng loạn, thứ hai là trầm uất. Thật ra thì cũng không có gì là ghê gớm lắm, cũng không xé quần, xé áo, không đi ra ngoài đường, không chửi bới hay làm những gì ầm ĩ cả, bởi vì chỉ là hoảng loạn thôi. Hoảng loạn một cách hết sức lặng lẽ. Ví dụ nghe một tiếng còi ô-tô và một cái gì như là frein ô-tô rít lên ở ngoài cửa -mà lúc bấy giờ tôi ở tít tận trong nhà cơ- nhưng khi nghe thấy như thế, vào lúc độ gần nửa đêm chẳng hạn, thì tự nhiên tôi co rúm lại và hết sức sợ hãi. Nó như là một cái bản năng đấy, tìm chỗ trốn. Quả nhiên là tôi đã có nhiều lần chui xuống gầm giường vì những hoảng loạn như thế. Hay nghe tiếng giày cộp cộp và thóang thấy một bóng áo, như áo quân đội hay áo cảnh sát hay của một người thương binh nào đó, chỉ cần một cái bóng, một cái màu quần áo thôi, thì tôi cũng hoảng rồi. Người ta gọi là bệnh hoảng loạn. Chứ sự thực thì lúc ấy chẳng có ai dọa nạt, chẳng có ai làm gì mình cả.

Thứ hai là dạng trầm uất. Có khi cả ngày tôi không nói một lời. Bạn bè đến, tôi vẫn cứ tỉnh táo đi pha trà mời mọi người có vẻ lịch sự lắm. Nhưng đến khi người ta hỏi tôi về bất cứ cái gì đó thì tôi không trả lời hoặc là trả lời gióng một.

- TK: Thưa anh, lúc anh bị bệnh nặng như thế là thời kỳ nào hả anh?

- HC: Là năm 87[3]. Có độ 7, 8 anh em nhà văn trẻ như là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, v.v... ở trong Huế ra chơi, họ đến nhà anh Phùng Quán. Họ nhờ anh Phùng Quán đưa xuống thăm tôi. Tôi cũng vẫn có vẻ như vui mừng được gặp những người anh em xưa nay người ta mến mình thì cũng vẫn giữ một thái độ thân ái thôi. Nhưng đến khi Hoàng Phủ Ngọc Tường hỏi rằng: Anh có dự định sáng tác gì nữa không, thì tôi lắc đầu không trả lời thành tiếng gì cả. Lắc đầu. Cứ lắc đầu hoài. Thế rồi họ hỏi cái gì tôi cũng lắc đầu. Chỉ lắc đầu mà tôi không nói gì hết. Phùng Quán thấy thế cho rằng tôi suy sụp hòan toàn về tinh thần. Ðó là đầu năm 87. Phùng Quán có vẻ bực tức cái chuyện ấy lắm mới chạy đến nhà anh Lê Ðạt, bảo anh Lê Ðạt: "Bây giờ anh Hoàng Cầm bị tình trạng như thế này thì chỉ có anh mới giúp anh ấy được, chứ em trông thấy thế này thì em sợ lắm, và em nghĩ rằng một tài năng như anh Hoàng Cầm mà bị như thế này thì chúng ta sẽ hết sức thiệt thòi, anh ấy không còn có thể viết một cái gì được nữa." Lê Ðạt thì vững vàng hơn. Lê Ðạt chỉ bảo Phùng Quán rằng: "Rồi cái đó nó cũng sẽ qua đi. Tôi tin rằng Hoàng Cầm không bao giờ là người sẽ suy sụp." Phùng Quán vẫn không tin Lê Ðạt, bèn về viết một bài, nó cũng không phải là thơ, là một ý kiến, có vần, có điệu, coi như một bài thơ, nó thế này này:

Tôi tin núi tàn

Tôi tin sông lấp

Tôi không thể nào tin

Một nhà thơ như anh

Lại ngã lòng suy sụp.

Một nhà thơ đã từng viết những câu thơ lẫm liệt

Trong tiểu đội của anh những ai còn ai mất

Không. Không ai còn ai mất

Ai cũng chết mà thôi

Người sau kẻ trước lao vào giặc

Giữ vững nghìn thu một giống nòi.

Rồi lại đến một cái điệp khúc:

Tôi không tin một nhà thơ như anh

                             lại ngã lòng suy sụp.

Trên thế gian có nghìn nhà thơ lớn

Trên thế gian có nghìn con sông lớn

Nhưng chỉ có một dòng nhờ thơ mà vang vọng

Nhờ thơ mà vinh danh

Ðó là con sông Ðuống quê anh

Mà anh xót xa như bàn tay anh rụng

Tôi tin chắc như đinh đóng cột

Sau này anh chết đi

Theo sau linh cữu anh

Ngoài bạn hữu gia đình có cả con sông Ðuống.

Sông Ðuống mặc đại tang khóc bên bồi bên lở

Sóng vỗ bờ nức nở

Ðời đời chịu tang anh.

Tôi không tin một nhà thơ như anh

                            lại ngã lòng suy sụp.

Phùng Quán viết to bài thơ đó lên một tờ giấy rất to như là tờ giấy lấy ở bao xi măng ra và anh ấy xuống treo ngay ở nhà tôi. Thì tôi cũng cứ mặc, thế thôi. Cả thời gian ấy tôi vẫn cứ ở trong tình trạng đó. Mãi về sau, cuối năm 87, nhất là sang năm 88, trong một cuộc họp bàn ban chấp hành Hội Nhà Văn, có bàn đến việc phục hồi những nhà văn bị kỷ luật trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Sau đó, nhờ các bạn kéo tôi đi chơi vào những chỗ mà người ta yêu mến mình, dần dần nhờ những sự săn sóc đó mà tôi trở lại viết được. Và cái mà tôi viết được ngay là bài Mưa Thuận Thành.

- TK: Về việc phục hồi, trong hoàn cảnh nào và ở thời điểm nào anh đã được phục hồi?

- HC: Năm 1988 đấy. Hôm mà báo Văn Nghệ tổ chức 40 năm thành lập báo Văn Nghệ, lúc bấy giờ là dưới sự điều khiển của anh Nguyên Ngọc. Họ có tổ chức hai buổi ra mắt độc giả. Hôm đó tôi được mời, và họ yêu cầu anh đọc cho một hay hai bài thơ; thì phần lớn đều yêu cầu bài Bên kia sông Ðuống. Bài đó bị vùi đi lâu quá, cho nên bây giờ họ hết sức tha thiết yêu cầu như thế. Nhưng mà tôi, tôi đã có chủ định rồi, tôi nhất định không đọc bài Bên kia sông Ðuống và tôi đọc hai bài thơ mới là bài Mưa Thuận Thành và bài Lá diêu bông, hai bài hòan toàn xa lạ. Tôi muốn gây một effet mới, thì họ tán thành ngay. Tôi đọc xong bài Mưa Thuận Thành, đến bài Lá diêu bông, vì muốn nhấn mạnh cho nên tôi đọc một lần và ngâm một lần. Tôi vốn cũng nổi tiếng về ngâm nữa, cho nên người ta thích. Tôi lại ngâm bài đó với một giọng vừa trữ tình, vừa mang hồn bài hát quan họ và lại pha một chút nhạc ca trù, vì từ thời niên thiếu, tôi đã quen với ca trù rồi. Ðến khi tôi ngâm xong bài Lá diêu bông thì nó biến cái hội trường thành như một cuộc mít-tinh gì đó, mà tất cả nhằm vào tôi. Ðến ngày hôm sau, ra cái hội trường lớn hơn tức là hội trường của Cung Văn Hóa - bấy giờ còn gọi là Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt-Xô- khi họ nói đến tên tôi là lại nổi lên một trận vỗ tay đến nỗi là tôi phải trốn tiếng vỗ tay đó. Không hiểu làm sao mà lúc bấy giờ tôi cứ ngường ngượng. Khi tôi lên sân khấu rồi, tiếng vỗ tay vẫn tiếp tục. Chợt có một lúc, tôi như chợt khóc lên, như là nước mắt ở đâu đó nó trào ra. Không phải là giọt nước mắt vui mừng vì cái vinh quang nó trở lại với mình. Không! Tuyệt nhiên không phải cái đó mà lại là tình cảm này: Lúc bấy giờ tôi chợt nhớ đến bà vợ tôi là bà Lê Hoàng Yến. Nếu không có bà Lê Hoàng Yến thì không có tập Về Kinh Bắc. Mà Về Kinh Bắc tôi viết ngay cuối năm 59, tức là chỉ có một năm sau khi thi hành kỷ luật - kỷ luật là 58-59- đối với tôi thì đúng là oeuvre clé (tác phẩm chủ yếu). Thành ra tôi nhớ đến bà vợ tôi đã qua đời trong cảnh vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng dúm gạo một. Tiền thức ăn thì cũng không có, bữa cơm nào hai vợ chồng cũng phải nhịn bớt đi, nghĩa là đáng lẽ mình ăn ba bát, ăn có một bát, để nhường cho các con ăn. Bà vợ tôi chết vào những ngày như thế, mà lại chết vào năm 85 ấy, lúc tôi đang bị cái bệnh tâm thần, đang ở cái dạng trầm uất và hoảng loạn như thế. Vì bà ấy phải chạy từng ngày bữa ăn của gia đình. Gia đình thì đông. Mỗi một tháng lại phải lên trình diện một lần mới được người ta cấp cho 12 cân gạo. Rồi lại phải đi lên sở lương thực để lấy giấy chứng nhận nọ kia, rồi bấy giờ mới lại sang phòng tài chính để thanh toán tiền, xong rồi xuống chỗ bán hàng, xếp hàng chờ đợi. Tóm lại là muốn được 12 cân gạo, bà vợ tôi vất vả đến mức là nó lên một trận huyết áp rất đột ngột, chỉ mới có từ chập tối hơi sôn sốt, rồi bà ấy đi nằm, mà giữa mùa nực, bà ấy thấy có cái gì ren rét, tôi đã phải đắp cho bà ấy một cái chăn lớn. Ðến 4 giờ sáng thì người cứng ra và liệt nửa người. 9 giờ thì đem đi cấp cứu và đến chiều hôm sau qua đời.

Thành ra đến lúc lên sân khấu, cái vinh quang nó trở lại với tôi một cách quá sức tưởng tượng, thì chợt hình ảnh vợ tôi đã chịu tất cả mọi khổ sở trong vòng 30 năm, tròn 30 năm, tức là kỷ luật bắt đầu từ 1958 đến 1988 thì phục hồi. Nghĩa là trong 30 năm, tôi không thể đem cái ngòi bút của mình kiếm được một đồng nào hết.

- TK: Thưa anh, sau buổi liên hoan do tờ Văn Nghệ tổ chức đánh dấu việc anh đã được chính thức phục hồi, thì sau đó anh làm gì, và nếu anh viết thì những điều anh viết có in được không ạ?

- HC: Sau cái buổi ấy rồi thì tôi cũng tiếp tục sáng tác và chuẩn bị in các tập thơ. Ðầu tiên là định in ngay tập thơ Về Kinh Bắc, vì nhiều nhà xuất bản đã biết tên tập thơ đó. Khổ cái là tôi mất hết bản thảo. Bị tịch thu, rồi thì chỗ nào có thì người ta cũng phải giấu đi, chứ không thì mắc tội gì đó. Tôi không làm thế nào mà nhớ hết cả tập thơ 48 bài, chỉ nhớ được độ mươi bài ngăn ngắn thôi. Thế nhưng đến các nhà xuất bản thì cũng không ai dám in. Nhà xuất bản Văn Học, nhà xuất bản Hội Nhà Văn -lúc bấy giờ còn tên là nhà xuất bản Tác Phẩm Mới- nhà xuất bản Phụ Nữ... tất cả đều rất quý, rất thích nhưng không ai dám xuất bản cả. Tôi mới nói chuyện chơi với anh Quang Huy, giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa, và đưa cho anh ấy xem một tập thơ, toàn những bài mới làm, mà toàn là thơ tình thôi, chứ không có dính dáng gì đến cái tập Về Kinh Bắc cả, bởi vì tôi biết rằng nếu còn dính dáng đến tập thơ ấy thì không ai cho mình in. Ðọc xong anh ấy bảo: "Thôi anh để cho tôi in tập Mưa Thuận Thành này nhưng phải yêu cầu anh cho một số bài nổi tiếng mà anh đã đăng báo rồi như Lá diêu bông, Cây tam cúc, Qua vườn ổi, Cỏ bồng thi, Tắm đêm, Về với ta, v.v..., tức là vào khoảng độ 7, 8 bài, mà là những bài anh em đã rất quen thuộc ngấm ngầm trong suốt 30 năm". Tôi bảo: "Cái này thì ông phải đối phó với cơ quan chính quyền thôi". Anh Quang Huy bảo: "Ðược rồi, tôi sẽ có cách". Quả nhiên khi anh ấy in, tôi cũng đưa vào đấy 8 bài trong tập Về Kinh Bắc. Thì cuối cùng đúng là anh ấy phải tiếp mấy cán bộ đại diện cho cơ quan công an của trung ương, hỏi anh ấy tại sao in tập này, lại có lẫn mấy bài ở trong tập Về Kinh Bắc. Rồi họ yêu cầu cho mượn bản thảo và cho xem cả bản sắp chữ, bản morasse. Anh Quang Huy vẫn thực hiện đúng ý kiến của trên, nhưng anh ấy có yêu cầu thế này: "Các anh mượn, chúng tôi rất vui lòng, nhưng các anh phải trả lại tôi để tôi in cho đúng kế hoạch của nhà xuất bản, nếu không thì nhà xuất bản chúng tôi phá sản, chúng tôi lỗ vốn đấy".

Nhưng có một điều là anh Quang Huy, người chủ trương in tập Mưa Thuận Thành, dù sao anh ấy cũng có cái dè dặt. Thành ra đáng lẽ có thể in được độ 2000 cuốn thì vẫn bán hết, anh ấy dè dặt chỉ in 1000 cuốn thôi. Thành ra người ta đến hỏi anh ấy quá nhiều, anh ấy lại không muốn tái bản mà còn nói một câu đùa đùa là: "Thôi, thơ Hoàng Cầm thì cứ để cho người ta thòm thèm thì thích hơn." Ví dụ như Kiều Loan là kịch thơ viết năm 1942, thì đến năm 1992 mới có thể xuất bản được, vừa đúng nửa thế kỷ! Cũng như Về Kinh Bắc viết năm 59 thì năm 94 mới xuất bản, 35 năm!

Thế còn những bài thơ mới viết từ năm 87, tức là bắt đầu thời kỳ đổi mới, và những bài thơ mới ra thì in được ngay. Ðiều đó chứng tỏ rằng từ sau khi đổi mới, có lẽ sức viết của mình bị dồn nén lại trong 30 năm, cho nên đến lúc này nó lại bật ra, giống như cái lò-xo, nó bật lên thì tất nhiên nó bật mạnh. Cho nên những tác phẩm của tôi viết từ năm 87 đến bây giờ, nhiều bài có cái sức bật mà trong dư luận anh em cho rằng tôi vẫn còn giữ được cái sức trẻ trong sáng tác của mình, giữ được cái thanh xuân trong câu chữ, trong nhịp điệu, trong cảm nghĩ của mình. Ðó cũng là điều may mắn cho tôi. Nhưng đó cũng là đương nhiên vì nó đã bị dồn nén 30 năm thì khi nó bật ra nó phải bật được nhiều. Tôi cũng rất mừng cho bản thân mình mặc dầu tuổi cũng đã cao và sức khỏe càng ngày càng yếu, nhưng khi nào xúc cảm đến thì sáng tác nó lại bật ra như thường.

- TK: Thưa anh, từ thời kỳ đổi mới đến bây giờ thì cuộc sống và sáng tác của các anh đã thay đổi như thế nào?

- HC: Từ đổi mới đến bây giờ tức là từ 1987 cho đến nay thì tất cả mọi người lại tiếp tục đi vào con đường sáng tác và nhất là anh Lê Ðạt thì cái đổi mới thơ ca ở anh Lê Ðạt thấy rất rõ rệt. Người ta thấy công lao của anh Lê Ðạt trong cuộc đổi mới thơ ca, về thi pháp cũng như về tư duy, cảm xúc. Thi ca của anh ấy rõ ràng có nhiều đổi mới. Mặc nhiên, cũng nhiều dư luận khác nhau, có người chê, người khen thì đó là tất yếu. Nhưng tất cả mọi người đều thấy rằng anh Lê Ðạt rất có công trong việc đổi mới thi pháp và có những suy nghĩ mới, có cảm xúc mới trong thơ. Còn riêng tôi, thì từ năm được phục hồi, tôi vẫn không ngừng sáng tác. Ngoài Về Kinh Bắc tôi viết năm 59, mà đến năm xuất bản là năm 94, tức là 35 năm! 35 năm nó vẫn nằm ở trong ngăn kéo nhưng đồng thời nó cũng không thể nào cứ ở trong ngăn kéo được, bởi vì đã là thơ thật ấy thì nó có cánh nó bay. Mặc dầu nó bay một cách hết sức lặng lẽ, nhiều khi có vẻ phải trốn tránh, nhưng nó vẫn cứ bay ở trong một số người yêu thơ, nhất là sinh viên và thanh niên ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế. Từ năm 87, 88 tôi vẫn sáng tác rất đều.

- TK: Anh nhận xét như thế nào những sáng tác mới nhất của anh, và xin anh đọc cho thính giả nghe một trong những bài thơ vừa viết xong.

- HC: Có điểm này là trong một vài năm nay, không hiểu làm sao thơ của tôi nó buồn một cách, tôi tưởng tượng như là cái vũ trụ này nó sắp tan đi đâu đấy. Nó có cái đó thật ở trong hồn mình, cho nên bài nào cũng có vài "hơi" như thế: một cái hơi thở, không biết gọi là cái gì, nó như là một sự tan, như một cái hơi tan vào gió, một cái gì đấy tan vào nước. Và chỗ nào cũng có một cái gì như là tan. Ðấy là một cảm giác tất yếu thôi bởi vì tâm hồn người già thường hay bị một cái gì như tan ra, gọi là cuộc sống, vì cuộc sống của mình cũng đã khổ quá rồi. Ðến lúc già nó cũng tạm yên, nhưng đến tuổi này rồi thì thấy cái gì cũng tan loãng hết, không đọng lại được, những cái như tình yêu, thương nhớ... nhất là những tình cảm nam nữ, tình cảm vợ chồng, tình cảm bạn hữu... Tôi cứ bị như một cái gì nó tan, không trụ lại được, cứ bị cái đau khổ đó trong vài ba năm nay. Thế tôi hãy đọc một đoạn nhé, bài này cứ gọi là vô đề cái đã:

                   Vô đề

Biển xanh ánh phật mười phương

Hương sen dậy sáng

Ôm trắng nghìn mây

Vạn kiếp dãi dầu

Oan nghiệt rên la bi thống

Nước mắt dàn bốn đại dương đau

Chiến tranh ư?

Bạo lực cơ cầu

Ðói hành hạ

Rét dày vò số kiếp

Người với người cắn nhau đau tội nghiệp

Tình với tình biền biệt những lìa xa

 

● Hoàng Cầm nói về Nguyễn Hữu Đang

và tờ Nhân Văn, hôm Nguyễn Hữu Đang mất

- TK: Thưa anh, anh đã quen anh Nguyễn Hữu Đang trong trường hợp nào?

- HC: Anh Nguyễn Hữu Đang lúc đầu không phải là bạn tôi, anh ấy hoạt động ở một lĩnh vực khác. Vào khoảng năm 44, khi tôi chuẩn bị biểu diễn vở Kiều Loan, anh đến. Lúc bấy giờ anh làm bên Hội Truyền Bá Quốc Ngữ do ông Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Sau này tôi mới biết là lúc bấy giờ anh đã tham gia hoạt động cách mạng rồi. Đến ngày tuyên ngôn độc lập của bác Hồ, chính anh Nguyễn Hữu Đang là người tổ chức buổi mít-tinh tuyên ngôn độc lập. Sau này anh tham gia vào chính phủ lâm thời, làm bộ trưởng không bộ. Tôi luôn luôn kính trọng anh là một người hoạt động cách mạng rất tích cực và trong sáng. Khi chúng tôi chuẩn bị diễn vở Kiều Loan, anh vui lòng nhận đỡ đầu cho vở Kiều Loan để biểu diễn, từ việc xin phép Nhà Hát Lớn, hoặc xin phép nọ kia, anh ấy lo hết. Đến thời kháng chiến, tôi cũng chỉ gặp anh ấy những ngày đầu.

- TK: Thưa anh, đến khi nào thì anh Đang ngừng mọi hoạt động kháng chiến và giữ khoảng cách với chính phủ cách mạng?

- HC: Vào khoảng tháng 7 năm 48, có Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc do ông Trường Chinh đề xướng và làm chủ tịch. Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc được tổ chức để động viên và hướng dẫn trí thức và văn nghệ sĩ chuẩn bị đi sâu vào cuộc kháng chiến. Sáng tác hay biểu diễn trước tiên là hướng vào cuộc kháng chiến để giành thắng lợi đã, rồi sau sẽ bàn đến những vấn đề khác. Tức là lúc bấy giờ hội nghị mới đề ra Văn nghệ kháng chiến. Tôi cũng được mời, nhưng không đi dự vì bị ốm, trong hội nghị có mặt anh Nguyễn Hữu Đang. Sau hội nghị đó, không hiểu vì lý do gì thì anh Đang không làm công tác kháng chiến nữa, anh về Thanh Hóa, ở nhà người bạn là anh Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh Đức. Ở chơi với anh Bảo thôi và cũng giúp anh Bảo làm vài công việc xuất bản và góp ý kiến. Anh Bảo cũng thân với anh Đang và cũng nghe lời anh Đang nhiều. Anh Đang không làm công việc gì của nhà nước cả, tôi cũng không hiểu rõ nguyên nhân. Mãi sau này, hòa bình rồi, về Hà Nội tôi cũng chỉ nghe phong phanh anh em bàn tán thôi chứ hỏi anh Đang thì anh ấy cũng không nói, là hình như trong hội nghị văn hóa toàn quốc, anh Đang có mâu thuẫn về đường lối văn nghệ, văn hóa với ông Trường Chinh. Do mâu thuẫn không giải quyết được, cho nên anh Đang không làm việc nữa, anh nghỉ. Anh về Thanh Hóa. Về nguyên nhân tại sao anh Đang bỏ về Thanh Hóa thì tôi nghe như thế.

- TK: Theo anh thì nguyên nhân nào đã khiến anh Đang, sau năm 1954, trở lại hoạt động?

- HC: Đến khi hòa bình lập lại, năm 1954, tôi cũng chỉ được nghe kể lại chứ không được chứng kiến, là như sau: Ông Trường Chinh có hỏi ông Tố Hữu: Anh Đang anh ấy đã không làm việc gì từ lâu rồi, từ mấy năm nay, thì bây giờ hòa bình thắng lợi rồi, ta phải mời anh ấy ra làm việc chứ. Thế là anh Tố Hữu cũng nghe theo và mời anh Đang ở Thanh Hóa ra. Ra, thì anh Tố Hữu nói với anh Đang: "Anh đã nghỉ một thời gian rồi thì bây giờ mời anh ra làm việc. Việc văn hóa văn nghệ cần phải mạnh lên, khẩn trương lên, vì đã hòa bình, vậy anh giúp tôi làm giám đốc sở văn hóa thông tin Hà Nội. Khả năng của anh thì có thể làm hơn thế, nhưng hiện nay, Hà Nội là một thủ đô cho nên công việc văn hóa ở Hà Nội sẽ là đầu tầu cho cả nước, anh vui lòng giúp cho việc đó". Nhưng anh Đang anh ấy từ chối. Anh ấy bảo: Tôi không làm được việc ấy. Tôi thích làm báo, xin anh thu xếp cho tôi về làm báo Văn Nghệ. Lúc ấy, anh Tố Hữu cũng đành phải nhận lời, đưa anh Đang về làm biên tập báo Văn Nghệ thôi, chứ cũng không có chức vụ gì ghê gớm cả. Đấy là thời kỳ đầu mới hòa bình năm 1955.

Anh Đang về báo Văn Nghệ, nhưng anh Đang là người đặc biệt có tài tổ chức: trong kháng chiến anh ấy đã tổ chức thanh niên xung phong, tổ chức mặt trận bình dân học vụ, sau đó lại là tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc. Cho nên uy tín của anh ấy trong giới văn hóa càng ngày càng lên cao. Nhưng mà anh ấy không muốn làm việc cho chính quyền nữa - tức là cái chức Giám Đốc sở Văn hóa Hà Nội- mà anh ấy chỉ xin làm báo thôi, thì ông Tố Hữu cũng phải chấp nhận.

Lúc bấy giờ tổng biên tập báo Văn Nghệ là anh Xuân Diệu. Anh Xuân Diệu thấy anh Nguyễn Hữu Đang về thì mừng quá, vì như thế anh Đang sẽ đỡ cho việc hành chính, mà việc hành chính thì các nhà thơ, nhà văn không thạo lắm. Khi anh Đang về, vì anh ấy có tài tổ chức cho nên anh ấy tổ chức ngay hai cuộc phê bình trong văn học:

- Thứ nhất là cuộc phê bình tác phẩm Vượt Côn Đảo của Phùng Quán. Vượt Côn Đảo lúc bấy giờ nổi tiếng lắm, được in đi in lại nhiều lần, tiền nhuận bút của nhà xuất bản Văn Nghệ và tiền thưởng -nhà xuất bản Quân Đội không trả nhuận bút nhưng có tiền thưởng- rất nhiều, đến nỗi Phùng Quán có lần đem về cả một thúng tiền, nói với tôi: "Anh ơi! Em biết tiêu thế nào những tiền này".

- Sang giữa năm 56, Hội văn nghệ tổ chức tổ chức một lớp học tập chính trị, đầu đề tài liệu học tập là "Những tài liệu của Mác, Lê-nin, Staline nói về vấn đề văn nghệ"[4]. Buổi sáng học, buổi chiều làm việc cơ quan. Tôi nhớ học 18 ngày. Nhưng từ hôm mở lớp đến độ ngày thứ năm thì có cái mục gọi là liên hệ thực tế. Tất cả các văn nghệ sĩ ở các tỉnh hoặc đi tập kết về Hà Nội, thì họ đều nêu lên những thắc mắc, mà phải nói là những thắc mắc ghê gớm về vấn đề văn nghệ và lãnh đạo văn nghệ. Nó gần như là một cuộc tố khổ: các văn nghệ sĩ đều nói ra những thắc mắc về việc lãnh đạo địa phương, cả lãnh đạo trung ương nữa, đối với văn nghệ. Thành ra những ngày cuối cùng rất sôi nổi. Có thảo luận sôi nổi nhưng cuối cùng không ai giải quyết được những thắc mắc ấy. Khi tan lớp học 18 ngày thì tình hình không nhẹ nhàng đi mà nó càng căng dần lên. Những thắc mắc của anh em văn nghệ sĩ nó truyền ra ngoài. Đó là những vấn đề sâu sắc của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ: vấn đề sáng tác, vấn đề lãnh đạo thế nào, rồi quan hệ giữa lãnh đạo và sáng tác như thế nào, tức là quan hệ giữa Đảng và văn nghệ sĩ thế nào v.v... Toàn là những thắc mắc mà anh em lôi ra từ thực tế trong kháng chiến và thực tế trong hòa bình lập lại.

Thì lúc bấy giờ anh Đang anh ấy mới nẩy ra một ý: Đang lúc văn nghệ sĩ có nhiều thắc mắc như thế này thì chúng mình nên ra một tờ báo. Tôi bảo: "Ra báo thì phải có tiền, chứ tự nhiên ra thế nào được". Anh Đang bảo: "Tiền thì tôi sẽ nhờ người bạn đi vay và chắc chắn chỉ vài số báo là đã có thể trả được. Nhưng phải ra ngay bởi tình hình nó đang sốt dẻo như thế này, phải ra báo thì mới có lợi cho phong trào văn nghệ." Anh ấy nói với tôi: "Cậu phải ra tờ báo, tôi sẽ giúp đỡ bên trong thôi, ngấm ngầm thôi, chứ tôi không thể nào đứng lên ra báo, vì tôi còn có quan hệ với lãnh đạo nên không thể tự tiện ra báo được. Hoàng Cầm là người vừa có tên tuổi, vừa quen công việc sáng tác, biểu diễn, thì Hoàng Cầm nên ra một tờ báo để chấn chỉnh lại tình hình văn nghệ, đưa những vấn đề ra thảo luận trên báo thì sẽ có lợi cho văn nghệ sĩ."

 Đầu tiên tôi không nhận lời, vì lúc ấy tôi đang làm ở nhà xuất bản của Hội Văn Nghệ, nhà xuất bản chính thức của Nhà Nước, phải đọc và nhiều công việc bận lắm. Nhưng mà anh ấy vẫn không tha. Anh ấy cứ bám riết lấy. Tôi đã từ chối mà hàng tuần lễ, ngày nào anh ấy cũng gặp và cũng bàn về chuyện ấy anh ấy thúc tôi phải ra một tờ báo. Liền trong hai tuần lễ cứ sáng sớm, 6 giờ, là anh ấy đến nhà tôi, có hôm tôi còn ngủ, vợ tôi vào gọi dậy, anh ấy bảo thôi cứ để cho anh ấy ngủ, tôi ngồi chờ. Anh ấy cứ nhất định như vậy, giữ riệt lấy tôi và thúc đẩy tôi. Thế rồi cuối cùng tôi cũng phải nhận lời. Bởi tôi cũng dễ tính và hay nể bạn.

- TK: Thưa anh, các anh đã tổ chức tờ Nhân Văn như thế nào?

- HC: Lúc đầu chỉ có tôi và anh ấy bàn với nhau thôi, bàn về việc tìm người đứng tên, tìm người biên tập, tìm thư ký toàn soạn, v.v... Anh Đang gợi ý là tờ báo như thế này thì ta nên mời một người vừa có tuổi, vừa có uy tín lớn ở trong nước, uy tín lớn đối với anh em văn nghệ, làm chủ nhiệm. Tôi chưa nghĩ ra ai thì chính anh Đang lại bảo: "Anh thì anh thân với cụ Phan Khôi, mà cụ Phan Khôi thì khó thuyết phục cụ ấy lắm, chỉ có anh may ra mới thuyết phục được cụ ấy ra cộng tác. Anh nên đến nhà cụ Phan Khôi nói chuyện rồi mời cụ ấy đứng ra làm chủ nhiệm tờ báo cho mình". Tôi cũng nể anh Đang, tôi bảo: "Cụ Phan Khôi thì tôi có thể nói được vì tôi rất thân với cụ".

Cái phòng tôi làm việc ở nhà xuất bản thì ngay bên cạnh phòng cụ Phan Khôi, thỉnh thoảng tôi vẫn chạy sang hút thuốc lào hoặc nói chuyện vui với cụ thì cụ có vẻ rất quý tôi và cũng thích nói chuyện với tôi. Anh Đang bắt thóp được điều đó, anh kích thêm: "Chỉ có anh mời thì may ra cụ mới nhận lời, còn những người không thân thì chưa chắc cụ đã nhận lời đâu". Vì nể lời anh Đang mà tôi đi mời cụ Phan Khôi và cái may mắn không ngờ là sau khi tôi nói ý muốn ra một tờ báo như thế, cụ chỉ hỏi về cái tôn chỉ, mục đích của tờ báo rồi cụ bảo: "Thế thì được, tôi nhận lời". Và tôi cũng phải nói ngay với cụ: "Xin thưa bác là bác không phải làm gì đâu ạ, bác chỉ đứng tên, còn bác muốn xem (nội dung) tờ báo hay bác muốn xem bài nào, tất cả những gì bác yêu cầu thì chúng em xin hết sức phục vụ cho bác".

Thế ông cụ bảo: "Ờ! Được rồi! Tôi nhận lời và nếu tôi có yêu cầu gì thì các anh phải làm đúng theo lời yêu cầu của tôi". "Vâng! Chúng em sẵn sàng!" Câu chuyện chỉ có thế.

Được cụ Phan Khôi nhận lời rồi, thì tôi với anh Đang lập tức thảo luận ngay việc đặt tên tờ báo và sẽ mời những ai cộng tác. Lúc đầu anh Đang có đưa ra một số tên như là Văn nghệ mới, Con đường mới, Sáng tạo... gì gì đó. Tôi bảo: "Mình nên chọn một cái tên thật hay, vừa đúng với mục đích tôn chỉ, nhưng đồng thời nó cũng phải mới nữa. Chứ Con đường mới hay Sáng tạo thì cũng thường thôi". Anh Đang mới hỏi tôi: "Thế cậu có ý kiến gì để đặt tên cho tờ báo không?" Tôi bảo: "Tôi nghĩ rằng thế giới bây giờ, người ta tôn trọng con đường văn nghệ nào mà đề cao tính cách của con người, lòng nhân ái, tình yêu thương con người và tôn trọng cái quyền làm người. Thế giới thì người ta quen với chuyện ấy rồi, nhưng bên mình thì chưa. Bây giờ mình phải đưa ra hẳn một cái gì về con người. Có hai chữ mà tôi cũng học được không biết ở đâu, tôi biết là tiếng Pháp gọi nó là Humanisme, tiếng Việt gọi nó là Nhân Văn. Hay ta lấy cái tên Nhân Văn đặt cho tờ báo" Thì anh Đang anh ấy vỗ đùi đen đét, anh ấy bảo như vậy thì hay quá, ờ nhất định nhá! Lấy tên Nhân Văn! Từ đấy mới ghi vào là: Ra tờ báo lấy tên Nhân Văn mà chủ nhiệm là Phan Khôi.

Sau đó anh Đang lại gợi thêm ý nữa: "Có chủ nhiệm rồi, nếu không có chủ bút thì cũng phải có thư ký toà soạn chứ!" Lúc bấy giờ định mời anh Văn Cao, thì anh Đang nói ngay: "Chưa chắc Văn Cao đã nhận lời, vì cậu ấy vẫn còn là đảng viên. Là đảng viên thì không thể nào đứng ra làm báo ngoài đảng được". Anh Đang lại bảo: "Hay là cậu thử hỏi Trần Dần xem". Thì tôi bảo: "Trần Dần vừa bị một cú oan ức trong văn nghệ quân đội, do sự độc đoán của lãnh đạo văn nghệ bắt Trần Dần và Tử Phác. Hai người này không thể mời được. Anh Dần vừa mới được tự do thì không nên ghép anh ấy vào cái này làm gì". Anh Đang lại nói: "Hay là mời Lê Đạt?". Tôi với Lê Đạt vẫn là bạn thân cùng nhóm với nhau, tôi hỏi Lê Đạt thì Lê Đạt bảo: "Làm thì kể cũng làm được thôi, nhưng mà mình cũng vẫn là đảng viên, mà đảng viên thì không thể nhận lời làm báo ngoài đảng được".

Đến độ ít lâu sau, tình cờ tôi gặp anh Trần Duy đang ngồi uống cà-phê ở nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo. Tôi biết anh Trần Duy là một hoạ sĩ tập kết từ trong Nam ra[5], là một người có học, thông minh, nhanh nhẹn, có nhiều tư tưởng hướng về tự do. Tôi mới mời anh Trần Duy ra một chỗ và nói: "Mình định ra một tờ báo lấy tên là Nhân Văn, để in những bài sáng tác hoặc bình luận chung quanh vấn đề văn nghệ thôi. Hiện nay chưa có ai làm thư ký toà soạn, cậu có thể giúp mình được không?" Thì Trần Duy nhận lời ngay lập tức. Bởi anh ấy cũng sốt sắng và là người có nhiều thắc mắc về văn nghệ. Anh ấy nhận lời ngay. Thế là xong. Có chủ nhiệm rồi, có thư ký tòa soạn rồi, còn bên trong thì tất nhiên là có anh Nguyễn Hữu Đang, tôi và anh Lê Đạt. Sau đó chúng tôi cũng làm một buổi họp bạn nói chuyện ra báo, thì mọi người cũng ủng hộ cả.

- TK: Thưa anh, về bài vở trong Nhân Văn số 1, các anh đã sửa soạn và thu thập như thế nào?

- HC: Số một thì mới đầu tôi cũng chưa định viết bài gì cả. Đầu tiên tôi thấy anh Lê Đạt có một bài thơ tên là Nhân câu chuyện mấy người tự tử. Tôi bảo: "Hãy giữ lấy bài thơ đó đã". Bài thơ dài và rất mới mẻ. Thế rồi cũng lại chính anh Đang gợi ý cho tôi, anh Đang bảo: "Cậu viết đi! Cậu viết một bài báo hay bài văn gì về Trần Dần, viết thế nào cũng được, nhưng phải có một bài về chuyện Trần Dần". Trần Dần với Tử Phác vừa bị trong quân đội nó bắt giam. Thế rồi anh Trần Dần anh ấy mới cứa cổ tự tử, vì thế nó mới đánh động lên cấp lãnh đạo cao nhất là ông Phạm Văn Đồng rồi đến ông Nguyễn Chí Thanh. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Chí Thanh mới biết chuyện Trần Dần vì bị oan ức gì mà lại tự tử thế này, rồi ông ấy mới mua quà đem vào bệnh viện cho Trần Dần. Anh Trần Dần anh ấy tự tử trong một cái hầm, vì nó bắt giam anh ấy vào cái hầm có độ 4 mét vuông, 37 bậc đá. Thì ở đấy anh ấy mới bày ra cái trò tự tử, chứ thực sự là anh ấy không tự tử, sau này tôi mới biết thế. Lúc bấy giờ tôi chả có tin tức gì, chỉ biết là anh ấy bị bắt đi, mà không biết là đi đâu, không thấy về nữa.

Thì chính anh Nguyễn Hữu Đang lại gợi ý cho tôi: "Cậu nên viết một bài về Trân Dần, vì nó đang là vần đề sốt dẻo, mà là vấn đề lớn nhất trong trong những thắc mắc của văn nghệ sĩ trong lớp học 18 ngày". Việc Trần Dần và Tử Phác bị bắt làm xao động tất cả giới trí thức, văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Thế là số một có bài thơ của Lê Đạt cũng đã hấp dẫn rồi, thêm tôi viết bài Trần Dần và một số bài khác nữa, cũng đều nêu lên những cái thắc mắc trong lớp học 18 ngày ấy.

Khi báo ra thì quả nhiên nó gây tiếng động, như ông Nguyễn Tuân ông ấy nói. Hôm ấy đang ở cơ quan Hội Văn Nghệ, ông Nguyễn Tuân trải tờ Nhân Văn số 1 ra, ông ấy chỉ vào bài Con người Trần Dần, nhưng ông ấy không nói về bài này, ông ấy bảo: "Bài này thì nó cũng nguy đấy, thế nhưng không hay bằng cái này!" Tức là cái tranh họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần. Rất là giống, không những giống, nhưng mà nó lại đúng tính cách Trần Dần. Một tính cách rất kiên quyết, mạnh bạo, liều lĩnh, có thể cho là phá phách nữa. Cái sẹo mà anh Trần Dần cứa vào cổ thì Nguyễn Sáng đưa cái sẹo ấy lên thành nét nổi bật trong chân dung Trần Dần. Cái tranh ấy nó gây ra những suy nghĩ cho người đọc, và nó cũng như là quả bom ấy. Thì chính ông Nguyễn Tuân còn chỉ và tranh bảo: "Cái này nó mới ghê này!" Thì đấy, tác giả viết, hoặc vẽ, nhưng cái chính là cái gợi ý của anh Nguyễn Hữu Đang.

Còn một chuyện nữa là trước khi ra báo thì các anh em đã rậm rịch nói với nhau rồi, cho nên tin tức đều đến tai lãnh đạo cả. Thì lãnh đạo, tức là bộ chính trị, đã bố trí cho cho ông Võ Nguyên Giáp mời Nguyễn Hữu Đang lên nói chuyện, mời riêng đấy. Còn ông Lê Đức Thọ, lúc bấy giờ cũng là bộ Chính Trị, thì mời Lê Đạt và ông Lê Liêm lúc bấy giờ là tổng cục phó Tổng Cục Chính Trị -về sau này ông ấy mới chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ giáo dục- thì mời tôi. Như vậy là ba ông ủy viên Bộ Chính Trị gặp những người chủ chốt của Nhân Văn, và nếu mà ba ông ấy thuyết phục được ba người đó đừng ra báo, thì thôi, coi như là yên ổn cả, không có chuyện gì. Ông Lê Liêm gặp tôi đến ba buổi tối trong nhà khách của quân đội, ông Giáp thì gặp anh Đang, ông Lê Đức Thọ gặp anh Lê Đạt, tất nhiên là để nói đến chuyện ra tờ báo, thì họ cũng lấy tình đồng chí, tình bạn bè, khuyên bảo, chứ không phải để ra lệnh gì. Ông Lê Liêm gặp tôi rất khiêm tốn, nói hết những cái Đảng có thể có những sai lầm này, sai lầm khác v.v... trong việc lãnh đạo văn nghệ. Tự ông ấy nói ra để cho mình hiểu và yên tâm là Đảng cũng biết đấy, để Đảng sửa dần, để cho mình muốn nói cái gì về Đảng trên tờ báo của mình thì mình rút đi, rút lui cái ý kiến trên báo ấy đi. Mục đích của những cuộc gặp đó là như thế. Khổ một nỗi là lúc bấy giờ những thắc mắc của anh em văn nghệ nó ồn ã lắm. Mà nó nhiều cái sâu sắc lắm, cho nên anh Đang anh ấy kiên quyết là không, cứ phải ra báo, phải ra báo thì mới nói được. Anh Đang kiên quyết ra báo. Tôi thì ra cũng được mà không ra cũng được. Thế là trong nội bộ của mấy anh em hoạt động nhất trong báo Nhân Văn là Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt và tôi cùng thống nhất với nhau là cứ ra. Thế là ra được Nhân Văn số 1.

 

Vì chúng tôi không thể thu thanh tiếp được nữa, cho nên buổi nói chuyện với nhà thơ Hoàng Cầm về tờ Nhân Văn và Nguyễn Hữu Đang tạm ngưng ở đây.

 

Thu thanh qua điện thoại Paris-Hà Nội ngày 8/2/2007

Ngày Nguyễn Hữu Đang qua đời


 

[1] Giai Phẩm Mùa Xuân có các sáng tác của: Hng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Phùng Quán, Nguyễn Sáng, Sỹ Ngọc.

[2] Vì tác phẩm Về Kinh Bắc.

[3] Đầu năm 1987, lúc bệnh nặng. Hoàng Cầm bị bệnh từ khi đi tù về, năm 1983, đã định tự tử nhiều lần.

[4] Tức là lớp học 18 ngày tháng 8/1956.

[5] Thực ra Trần Duy đi kháng chiến ở Bắc.

 


© 1984-2012 Thụy Khuê