Thụy Khuê Phê bình văn học thế kỷ XX
Chương 1: Sơ lược tiến trình phê bình trong thế kỷ XX
Những nét đại cươngNhìn vào diện mạo phê bình văn học Âu châu thế kỷ XX, những khuynh hướng khác nhau trong nửa đầu thế kỷ, gần như đã phát triển một cách độc lập, ít có điều kiện trao đổi hoặc phối hợp với nhau, vì hai lẽ: Đại chiến thứ nhất và cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đưa đến hậu quả phân chia thế giới, lãnh địa. Việc dịch thuật chưa mở rộng kể cả ở những nước có truyền thống văn học lâu đời như Pháp, Đức... Vì vậy, phê bình Nga và Đức, trong nửa đầu thế kỷ XX, hầu như không "biết" nhau. Thêm nữa, thể chế độc tài của Hittler và Stalin thống trị trên sự đàn áp tư tưởng, tác phẩm nghiên cứu của nhiều nhà phê bình bị vùi dập, bản thân nhà phê bình bị đe dọa. Để trốn tránh chế độ độc tài, một số nhà phê bình Nga và Đức phải chạy ra nước ngoài. Rồi đại chiến thứ hai gây thêm đổ vỡ, tan nát, làm khựng việc giao lưu tư tưởng một lần nữa. Đó là những lý do khiến những khuynh hướng phê bình nửa đầu thế kỷ XX, tuy phong phú, nhưng không liên lạc mật thiết với nhau. Mỗi cá nhân, mỗi xu hướng làm việc riêng rẽ, ít có sự kết hợp tư tưởng một cách "toàn cầu" như hiện nay. Tại Nga, trường phái Hình thức khai trương ngành khảo sát văn bản từ thập niên 1920-1930, dựa trên ngữ học. Riêng Mikhail Bakhtin đứng một cõi, tác phẩm của ông cấm in trong nhiều thập kỷ. Xuất phát từ nhóm Hình thức, nhưng Bakhtin cực lực chống lại tính cách "máy móc" của họ, ông cho rằng một chủ trương phê bình chỉ chuyên chú vào văn bản và chỉ dựa vào những quy ước ngôn ngữ không thôi, thì sẽ đi ra ngoài văn học. Theo Bakhtin, đằng sau tác phẩm là tác giả, là một con người và đằng sau con người là một xã hội, một lịch sử. Vì vậy, sự nghiên cứu văn bản chỉ có ý nghĩa khi chúng ta -thông qua văn bản- tìm thấy đời sống, tìm thấy xã hội và con người. Bakhtin muốn xây dựng một nền xã hội học phê bình, khác với nền ngữ học phê bình của trường phái Hình thức. Hai khuynh hướng đối lập giữa Bakhtin và trường phái Hình thức Nga, thực sự, lại bổ sung cho nhau, đưa phê bình Nga lên ngôi vị hàng đầu, trong việc khai phá phê bình văn học trong nửa đầu thế kỷ XX. Song song và độc lập với phê bình Nga là phê bình Đức trước thế chiến. Nếu phê bình Nga dựa trên ngữ học, thì phê bình Đức dựa trên bác ngữ học. Điểm đáng chú ý đầu tiên là các nhà bác ngữ Đức, như Gundolf, Curtius, Auerbach, Spitzer, đã mở rộng không gian phê bình ra ngoài biên giới quốc gia, phát sinh tinh thần Âu châu hợp nhất, từ trước thế chiến thứ hai, và họ là những người đầu tiên đã sử dụng và phát triển hai khái niệm so sánh và liên văn bản như một phương pháp trong phê bình văn học. Bác ngữ là khoa học đào sâu đến tận nguồn gốc lịch sử ngôn ngữ. Phê bình bác ngữ học tìm mối tương quan giữa các ngôn ngữ cùng chung gốc La-tinh, qua sự so sánh các tác phẩm văn chương. Đối với những nhà phê bình Đức, phê bình không nên chỉ nhắm vào một đối tượng là cuốn sách này, cuốn sách kia, hoặc khoanh tròn trong nền văn học của nước này hay nước khác, mà phải mở rộng lãnh vực, và họ đề nghị nghiên cứu nền văn học Âu Châu gồm các tiếng có nguồn gốc La-tinh, như một toàn thể, vì các nước ấy có chung một nền văn hoá gốc và những khuôn mẫu tư tưởng gốc. Một quan niệm Âu Châu toàn khối như thế, có thể xem như đã manh nha cho tinh thần "toàn cầu" sau này, nhưng ở thời điểm đó, còn mang thêm một ý nghiã khác: chống lại tinh thần dân tộc cực đoan của Đức Quốc Xã và gợi ý cho một nền nghiên cứu văn học so sánh và liên văn bản mà nửa sau thế kỷ XX, sẽ được mở rộng và đào sâu. Nhưng phê bình Nga và Đức, vì điều kiện lịch sử đã nói trên, không phát triển được ở Âu Châu trước thế chiến thứ hai. Khoảng giữa thế kỷ XX, một trường phái khác, chịu ảnh hưởng của phê bình Đức, đã giữ vai trò chủ chốt trong việc phát triển phê bình ở đại học, đó là trường phái Phê bình Ý thức ở Genève. Phê bình Ý thức chủ trương chống lại hai phương pháp phê bình thịnh hành trong thế kỷ XIX, là phê bình thực nghiệm và tiểu sử và phê bình ấn tượng. Phê bình thực nghiệm dựa trên triết học thực nghiệm của Auguste Comte, đem những kinh nghiệm thực chứng trong đời sống áp dụng vào phê bình, chỉ ra cái "sai" cái "đúng" của tác phẩm, Vũ Ngọc Phan đi theo con đường này; còn phê bình tiểu sử dựa trên tiểu sử nhà văn để tạo nên những chân dung văn học trong đó văn bản được đưa vào như những chứng từ. Đại diện tiêu biểu ở Pháp của phê bình thực nghiệm và tiểu sử là Sainte-Beuve được Lanson tiếp nối. Việt Nam chịu ảnh hưởng của Lanson. Còn Phê bình ấn tượng chủ ý nói lên những ấn tượng mà văn bản gây nên cho bản thân nhà phê bình, Hoài Thanh chịu ảnh hưởng của phê bình ấn tượng. Phê bình Ý thức chủ trương khám phá quan hệ nội tại giữa người đọc và người viết qua tác phẩm. Vai trò của người đọc được đưa ra, được khảo sát và đề cao. Georges Poulet, một trong những thành viên chủ chốt cho rằng phê bình Ý thức là sự đồng quy giữa hai ý thức: ý thức người viết và ý thức người đọc. Phê bình Ý thức có thể coi là đã mở đầu cho khuynh hướng phê bình mới, nửa sau thế kỷ XX, ở Pháp. Phê bình văn học Pháp trổi dạy khoảng giữa thế kỷ XX, bao gồm những nhà phê bình và triết gia độc lập như Bachelard, Sartre, Blanchot... không thể xếp họ vào một trường phái, một khuynh hướng nào. Những triết gia phê bình này tìm cách thám hiểm chiều sâu của cõi viết. Sartre mổ xẻ tưởng tượng bằng hiện tượng luận để tìm hiểu hành trình sáng lập một hình ảnh trong óc con người. Sartre thấy tự do là điều kiện cơ bản cho hành động viết và đọc, không có tự do con người không thể viết và cũng không thể đọc được; và nhiệm vụ của nhà văn là phải vén màn cho mọi người thấy mọi tình huống của cuộc đời và nhiệm vụ của nhà văn là trở thành lương tâm đớn đau của thời đại. Bachelard muốn biết tưởng tượng dựng nên từ cõi nào, và ông thấy tưởng tượng dựng nên từ những vật chất mà chúng ta tiếp xúc từ tuổi thơ, qua bốn yếu tố cơ bản là nước, lửa, đất và không khí, nơi chôn rau cắt rốn của con người. Blanchot cho rằng tác giả đã chết khi tác phẩm chào đời, tác giả không còn một quyền gì trên tác phẩm của mình, một khi nó đã xuất hiện trước công chúng. Nửa sau thế kỷ XX, khuynh hướng phê bình Ký hiệu học được phát triển ở Âu châu, mà Umberto Eco (Ý) và Roland Barthes (Pháp) là hai khuôn mặt tiêu biểu. Ký hiệu học đưa phê bình vào một không gian mới, mở rộng tới vô cùng địa hạt phê bình: Tất cả mọi ký hiệu, dấu hiệu, đều có thể là một biểu tượng diễn tả ý nghiã của tác phẩm. Phê bình ký hiệu học là sự phá bung tất cả các loại dấu hiệu khác ngoài ngôn ngữ, để đoán và hiểu những ý nghiã xa nhất, có thể có được trong một tác phẩm. Ví dụ xem phim Shining (1980), một kiệt tác về kinh dị, ta có thể mổ xẻ từng dấu hiệu nhỏ mà đạo diễn Kubrick đã sắp xếp trong một viễn ảnh hay một cận ảnh: Ví dụ những hộp ghi chữ Calumet, hay máu tuôn trào từ khung thang máy đóng kín... là những dấu hiệu chỉ ra ý ngầm của đạo diễn: đằng sau câu chuyện kinh dị, đạo diễn muốn đề cập đến cuộc diệt chủng người da đỏ trên đất Mỹ, và cuộc diệt chủng người Do thái trong lò thiêu của Đức Quốc Xã, v.v... Phê bình từ nay, là sự mổ xẻ một tác phẩm, qua toàn bộ ký hiệu trong sách hay dấu hiệu trong phim, trong tác phẩm nghệ thuật, để tìm đến hồng tâm, đến trái tim của tác giả và tác phẩm.
Con đường tư tưởngTriết gia đầu tiên để lại hệ thống suy tưởng làm nền cho sự phân tích và phê bình văn học là Aristote với tác phẩm Thi Học (Poétique). Sau Aristote, phê bình văn học xuyên nhiều thế kỷ trong tình trạng gần như tĩnh lặng. Ở Pháp, Charles-Augustin Sainte-Beuve (1804-1869) là khuôn mặt nổi trội trong thế kỷ XIX, đã tạo ra lối phê bình dựa trên tiểu sử tác giả để phân tích tác phẩm. Phê bình của Sainte-Beuve còn gọi là phê bình thực chứng hay phê bình sử quan, ngự trị tại Pháp đến đầu thế kỷ XX, và người đầu tiên lên tiếng đả kích Sainte-Beuve là Marcel Proust. Sau phê bình sử quan của Sainte-Beuve còn có phê bình ấn tượng của Jules Lemaitre, Anatole France... xuất hiện cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX: nhà phê bình dùng ấn tượng mà tác phẩm tác dụng lên chính mình để viết. Phê bình ấn tượng ảnh hưởng sâu đậm đến Hoài Thanh. Đầu thế kỷ XX, xuất hiện một phương pháp phê bình được coi là tân kỳ là phê bình phân tâm học Freud, do chính cha đẻ phân tâm học đề xướng. Có thể coi là sự bắc cầu giữa phê bình tiểu sử của Sainte-Beuve và triết học phân tâm. Freud quan niệm tác phẩm là sự thực hiện những giấc mơ hay những ham muốn, phát xuất tự tuổi thơ, bị dồn nén, rồi bị đẩy lui vào vô thức. Phê bình phân tâm dựa trên ba khái niệm chủ chốt: giấc mơ, dồn nén, và vô thức, được Freud đề xướng những năm đầu của thế kỷ XX, như một lý thuyết biện minh cho phân tâm học của ông. Nhưng sau đó, phê bình phân tâm của Freud, không còn thịnh hành nữa, bởi vì không phải trường hợp nào cũng có thể "phân tâm" được, nhất là khi ta không biết rõ tiểu sử tác giả. Phê bình phân tâm cũng không đề cập tới vấn đề chữ, là yếu tố chính trong một tác phẩm, mà sự khám phá về ngôn ngữ học sẽ đem đến những ánh sáng mới. Phê bình phân tâm ảnh hưởng đến nhiều nhà phê bình Việt Nam, từ thập niên 40: Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa đã dùng để "phân tâm" sự "trụy lạc" trong "tâm hồn Nguyễn Du" và "Kiều" và sau 1954, trở thành cái "mốt" rất thịnh hành trong văn học miền Nam, người ta dùng để phân tích những "ám ảnh tính dục của Hồ Xuân Hương". Nhưng khi Hoàng Xuân Hãn, dùng sự khảo sát văn bản để chứng minh Hồ Xuân Hương, tác giả Lưu Hương Ký, không phải là tác giả những bài thơ dâm, tục, thì bao nhiêu "kiến giải" về "ám ảnh tình dục" của Hồ Xuân Hương không còn giá trị nữa.
Sự ra đời của ngôn ngữ họcPhê bình hiện đại thế kỷ XX, chính thức bắt đầu với sự khám phá và phát triển của ngôn ngữ học. Từ đây, người phê bình sẽ không còn dựa vào tiểu sử tác giả như phê bình lịch sử Sainte-Beuve, hoặc viết theo chủ quan cảm nhận, như phê bình ấn tượng của Jules Lemaitre; hoặc đồng hoá tác giả với nhân vật, đồng hoá ám ảo (fantasme, phăng-tát) của nhân vật với ám ảo của tác giả, như phê bình phân tâm học Freud, mà còn phải giải thích cấu trúc ngôn ngữ, tìm hiểu những ý nghiã, những biểu tượng nằm sau ngôn ngữ, dẫn đến sự tìm hiểu xã hội và lịch sử con người. Vì văn học hiện đại đã tách khỏi khuôn mẫu cổ điển (kể truyện có đầu có đuôi) mà bước vào không gian mở với những kết hợp phức tạp hơn: truyện không có chuyện; pha trộn tưởng tượng và thực tế; đảo lộn trật tự thời gian; tìm đến cái phi thực và phi lý; đi vào những địa hạt không tưởng... nên cần có con đường khác mở ra trong phê bình: Ngoài việc khảo sát văn bản, nhà phê bình còn có nhiệm vụ khám phá bản chất văn chương, tư tưởng chứa đựng trong tác phẩm để dựng lại cái sườn cấu trúc văn chương tư tưởng của tác giả trong hành trình sáng tác, trong bối cảnh lịch sử và xã hội. Một công việc như thế, trước tiên, đòi hỏi kiến thức về Ngôn ngữ học nói riêng và về Ký hiệu học nói chung. - Ngôn ngữ học tức là khoa học về ngôn ngữ (Linguistique trong tiếng Pháp). - Văn phạm hay Văn pháp (Grammaire) là sự khảo sát văn pháp của một thứ tiếng. - Ký hiệu học hay dấu hiệu học (Sémiologie) là khoa học về các dấu hiệu hay ký hiệu (signe) trong đó có ký hiệu ngôn ngữ. Nửa đầu thế kỷ XX, ngôn ngữ học -vượt trên văn phạm truyền thống- được áp dụng vào phê bình, dẫn đến những kết quả bất ngờ. Nửa sau thế kỷ XX, dấu hiệu học hay ký hiệu học mở rộng phạm vi hơn, đưa phê bình vào những vùng dấu hiệu khác, ngoài ký hiệu ngôn ngữ. Sáng tác cũng mở ra những hướng đi mới, với những khái niệm "tiểu thuyết mới", "tác phẩm mở"... nên cần có một cách đọc mới.
Trong thế kỷ XX, nhà phê bình không còn bị giới hạn trong sự khen chê giáo khoa của thế kỷ trước, mà có thể cách tân và phát triển nền phê bình như một nền văn chương thứ nhì, song song với sáng tác. Curtuis xác định: phê bình là "văn chương của văn chương". Phê bình trở thành một thứ sáng tác "có đối tượng là sáng tác". Văn bản phê bình trở thành một sản phẩm của sáng tạo, không còn tùy thuộc vào sáng tác như một sản phẩm phụ tùng, "ăn theo" nữa. Phê bình từ nay, bỏ lối viết chủ quan, giáo điều, tự cho mình cái quyền sinh sát trên một tác phẩm, để có thể vận hành song song với sáng tác, như một nguồn sáng tạo thứ nhì, xuất phát từ văn bản. Nếu sáng tạo khởi đi từ cuộc đời để tiến tới văn bản thì phê bình khởi đi từ tác phẩm để đến với cuộc đời: hai hành trình ngược chiều, nhưng song song và gặp gỡ. Phê bình thế kỷ XX, còn là sự giao thoa giữa những cặp phạm trù: ngữ học và văn chương (trường phái Hình thức Nga), bác ngữ học và văn chương (trường phái Bác ngữ học Đức); hoặc sự tổng hợp hai ý thức: ý thức của người viết và ý thức của người đọc (trường phái Ý thức ở Genève), hoặc sự gặp gỡ giữa tưởng tượng và văn chương (Bachelard), giữa triết học và văn chương (Blanchot, Sartre), giữa ký hiệu học và văn chương (Eco, Barthes) vv...
Sự hình thành nền phê bình hiện đạiCông lao khai phá nền phê bình hiện đại trong thế kỷ XX, thuộc về trường phái Hình thức Nga, ra đời trước thế chiến thứ nhất, với những tên tuổi như Eikhenbaum, Tynianov, Jakobson, Chklovski, Tomachevski... Trường phái này bị nhà cầm quyền Xô-Viết loại trừ. Gần nửa thế kỷ sau, khoảng những năm 60, sách của họ mới được dịch và phổ biến rộng rãi trên thế giới. Cùng xuất thân trong nhóm Hình thức, nhưng Bakhtin đứng riêng một cõi, ông phê phán phương pháp "máy móc" của trường phái Hình thức, theo ông, chỉ chú ý đến khía cạnh ngữ học của văn bản mà bỏ quên con người. Bakhtin là một trong những người đầu tiên nghiên cứu văn chương nói chung và văn chương tiểu thuyết nói riêng trên bình diện triết học, áp dụng hiện tượng luận và ký hiệu học vào phê bình, đi từ lối viết của nhà văn để giải thích môi trường xã hội và bản thân tác giả. Ông được định vị như khuôn mặt lớn nhất của phê bình Nga trong thế kỷ XX. Cùng thời điểm ấy, ở Đức, xuất hiện một nhóm các nhà Bác ngữ học[1] chuyên nghiên cứu các thứ tiếng có nguồn gốc La tinh[2] với Gundolf, Curtius, Auerbach, Spitzer. Họ chủ trương khảo sát văn chương Âu Châu như một toàn thể duy nhất, khởi đi từ chữ La tinh. Cùng số phận với những nhà Hình thức Nga, những nhà Bác ngữ học Đức cũng bị chính quyền Đức Quốc Xã khủng bố. Năm 1933, hầu hết phải chạy sang dạy đại học Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), rồi sang dạy đại học Mỹ. Phê bình Bác ngữ học Đức, ảnh hưởng trên trường phái phê bình Ý thức ở Genève, và khai trương những khái niệm mới như văn học so sánh, liên văn bản... được mở rộng trong nửa sau thế kỷ XX. Giữa thế kỷ XX, ở Thụy Sĩ, xuất hiện trường phái phê bình Ý thức, với Marcel Raymond, Albert Béguin, Georges Poulet, Jean Rousset và Jean Starobinski. Nhóm này -còn gọi là trường phái Genève- đặc biệt đề cao sự gặp gỡ của hai ý thức: ý thức của người viết và ý thức của người đọc. Vai trò của người đọc đã từng được de Saussure nhấn mạnh là ngang hàng với người viết, như mối tương quan giữa người nói và người nghe, nay được giới phê bình, lấy lại và đem ra ánh sáng. Trường phái phê bình ý thức giữ vai trò chủ động trong việc phát triển nền "phê bình mới", khi sách của hai trường phái Hình thức Nga và Bác ngữ Đức chưa được dịch sang tiếng Pháp và quảng bá rộng rãi ở Châu Âu. Trong khi mọi người đang đi theo những phương pháp khoa học để phân tích văn bản, thì thập niên 1940, ở Pháp, nhà bác học Gaston Bachelard, đưa ra phương pháp "phê bình tưởng tượng", hay phê bình phân tâm vật chất. Tuy có chữ phân tâm, nhưng phê bình của Bachelard không liên hệ gì đến phê bình phân tâm học của Freud: Bachelard, khai phá vùng đất của tưởng tượng mơ mộng, tìm thấy nguồn cội hành động thi ca dựa trên bốn yếu tố cơ bản của sự sống là: nước, lửa, đất và không khí. Ông cho rằng động tác thi ca nằm trên hai trục: vật chất hóa tưởng tượng và tưởng tượng hoá vật chất, từ đó ông đào sâu đến tận nguồn của sự sống và sáng tác. Jean-Paul Sartre là người đầu tiên đặt vấn đề: Văn chương là gì? một cách hệ thống và triệt để. Trước Sartre, Mallarmé, Proust, Du Bos... cũng đã đề cập đến câu hỏi này, nhưng phải đến Sartre vấn đề mới được phân tích một cách cặn kẽ, thấu triệt. Sartre coi văn chương như một hiện tượng và ông dùng hiện tượng luận để khảo sát, mở ra hướng phân tích mới cho phê bình văn học Pháp, gọi là phê bình phân tâm hiện sinh. Chữ phân tâm này có nghiã là phân tích sâu sắc, hoàn toàn khác với chữ phân tâm của Freud, mà gần với nghiã phê bình hiện tượng luận. Maurice Blanchot có lẽ là nhà phê bình sâu sắc nhất của Pháp, nhưng ông ít được thế giới biết đến. Đại học Hoa Kỳ chú ý đến những lý thuyết thời thượng như Postmoderne (Hậu hiện đại) của Lyotard, hay Déconstruction (Huỷ tạo) của Dérrida hơn là những bài triết luận sâu sắc của Blanchot về con đường hủy diệt của sáng tác, với những câu hỏi vô cùng bất ngờ về tính cách tứ tán, tự sinh, tự triệt của hành động viết. Bakhtin đã khai mở những khái niệm đầu tiên về ký hiệu học trong ngôn ngữ tiểu thuyết, nhưng đến nửa sau thế kỷ XX, ngành ký hiệu học mới được phát triển rộng rãi trong phê bình: Roland Barthes, Umberto Eco, trở thành những chuyên gia của phương pháp phê bình ký hiệu học này. Cuốn Segno (Ký hiệu) của Umberto Eco là một trong những tác phẩm khúc triết, tương đối dễ đọc, về một khái niệm khá rắc rối là ký hiệu học. Tác phẩm nhắm vào ba điểm chính: giải thích khái niệm ký hiệu, trình bày những lý thuyết về ký hiệu học và đề cập đến chỗ đứng của ký hiệu trong lịch sử tư tưởng. Vai trò của người đọc và khái niệm tác phẩm mở là hai đề thuyết quan trọng trong phê bình của Eco. Roland Barthes, tổng hợp những khái niệm ngữ học và ký hiệu học từ đầu thế kỷ XX, đưa vào phê bình, tạo ra một cái nhìn khá toàn diện về các ngành nghệ thuật và ngoài nghệ thuật. Dưới con mắt Barthes, mỗi hệ thống ký hiệu, đều có thể là đối tượng khảo sát của phê bình. Ngoài chữ viết, còn có các hệ thống ký hiệu khác như ngôn ngữ máy móc, ngôn ngữ điện ảnh, ngôn ngữ hội họa, ngôn ngữ truyền hình, ngôn ngữ vi tính,... như vậy, phê bình thực sự đi vào mọi ngõ ngách của đời sống hàng ngày, trở nên một thực thể lưỡng diện: vừa bác học, qua cách phân tích, lý giải, vừa bình dân, vì đối tượng của nó là những sinh hoạt của đời sống. Thập niên 1980, vấn đề Hậu hiện đại được đặt ra và nhanh chóng trở thành một cái mốt xung quanh lý thuyết hậu hiện đại của Jean-François Lyotard. Lý thuyết này phát xuất từ Pháp, được du nhập vào Mỹ và được coi như khuynh hướng tân kỳ nhất của văn học hiện đại. Chúng tôi sẽ giải mã lý thuyết của Lyotard trong phần phụ lục: Hậu hiện đại, thực chất và ảo tượng, chủ đích giúp độc giả phân biệt đâu là những lý thuyết phê bình đích thực, bổ ích cho sự tìm hiểu văn chương, đâu chỉ là ảo tượng của một thời nhất định. [1] Bác ngữ học (Philologie) là khoa học về văn bản, bao gồm việc nghiên cứu phê bình và tìm hiểu mối liên hệ của văn bản với nền văn minh, lịch sử và nguồn gốc chữ. [2] Bác ngữ học la tinh (Philologie romane) chuyên khảo sát các thứ tiếng có nguồn gốc từ tiếng La-tinh như tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,...
|