Tự Lực văn đoàn

Văn học và cách mạng

 

30- Ngày Nay tiểu thuyết: Khái Hưng

Khái Hưng, đã khai phá truyện ngắn và tiểu thuyết trên Phong Hóa như chúng tôi đã trình bày, sang báo Ngày Nay, ông vẫn giữ vai trò chủ chốt cùng với Nhất Linh, nhưng có thêm các tác giả trẻ, nên văn chương trên Ngày Nay đa dạng hơn, bao phủ lên nhiều từng lớp xã hội, thôn quê, thị thành.

Phóng sự của Trọng Lang lật trái bộ mặt sa đọa của Hà thành. Hiện thực tả chân của Trần Tiêu đi sâu vào đời sống dân quê, của Nguyên Hồng chiếu vào những đứa trẻ bất hạnh. Tiểu thuyết luận đề về phụ nữ và gia đình của Khái Hưng, Nhất Linh, tố cáo bộ mặt thật của xã hội miền Bắc thời Pháp thuộc. Truyện ngắn của Thạch Lam khám phá đời sống nội tâm của con người. Tiểu thuyết, đơn thuần tiểu thuyết, tức là tiểu thuyết trong nghiã toàn diện, của Khái Hưng, Nhất Linh, đưa văn chương Việt Nam đạt tới các giá trị tư tưởng.

Chúng tôi sẽ lần lượt tìm hiểu những nét đặc thù này trong tiểu thuyết trên Ngày Nay. Nhưng trước khi đi xa hơn, có hai vấn đề xin đưọc nêu ra, về:

- Tiểu thuyết hiện thực xã hội.
- Và vấn đề nữ quyền.

 

Tiểu thuyết hiện thực xã hội

Vũ Ngọc Phan xếp Khái Hưng vào khuôn tiểu thuyết phong tục, Nhất Linh vào khuôn tiểu thuyết luận đề. Sự thực không hẳn như thế.

Khái Hưng không viết về phong tục hơn một nhà văn khác, nếu kể về phong tục ở thôn quê, thì Trần Tiêu viết nhiều và kỹ hơn.

Tiểu thuyết luận đề cũng không chỉ có Nhất Linh, mà hầu như tất cả bốn người: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo đều có lúc viết tiểu thuyết luận đề.

Khi một tác giả viết tiểu thuyết luận đề tức là có ý đưa ra một chủ đề tranh đấu, khác với một tác giả viết tiểu thuyết hiện thực xã hội thuần tuý, không có ý tranh đấu gì cả.

Thí dụ: Nhất Linh trong Đoạn tuyệt, có ý tranh đấu, chống lại cảnh mẹ chồng nàng dâu; còn Nguyễn Công Hoan trong Cô giáo Minh, không có ý đấu tranh, mà chủ trương dĩ hòa vi quý, mới cũ đều có thể sống chung.

Một thí dụ khác, sâu sắc hơn, là trường hợp Hồ Biểu Chánh.

Hồ Biểu Chánh, nhà văn hiện đại tiên phong của Việt Nam, nhưng ông còn tiên phong trong địa hạt hiện thực xã hội nữa: Hồ Biểu Chánh tả đủ mọi hạng người, mọi tầng lớp, sang trọng, nghèo hèn, lương thiện, bất lương... nhưng ông chỉ mô tả chứ không có ý cải tạo xã hội, vì vậy tiểu thuyết của ông không phải là tiểu thuyết luận đề. Hồ Biểu Chánh cũng không có ý tìm hiểu đời sống tinh thần của các nhân vật. Ta không biết gì về những sự "xung đột tư tưởng" trong đầu chị Ba Thời, lúc sắp nhặt được đứa bé rơỉ:

"Ba Thời đứng lóng nghe thì tiếng khóc một hồi rồi nín. Chị ta vừa muốn bỏ đi, lại nghe khóc nữa. Chị ta mới làm gan lần lần đi vô chỗ bụi lứt coi vì cớ nào mà có con nít khóc trong đó. Đi gần tới thì tiếng khóc lại càng lớn hơn nữa” (Cay đắng mùi đời)

Đọc đoạn văn trên, ta chỉ biết những động tác thể xác của Ba Thời, mà không biết chị nghĩ gì, lúc nghe thấy tiếng trẻ khóc và hành động. Khi Hồ Biểu Chánh tả thằng nhỏ tắm cho heo cũng vậy:

"Thằng nhỏ vỗ trên lưng con chó vài cái rồi đi lại chỗ khạp nước để trước cửa đứng mà kêu heo: "Quắn, quắn ột! Quắn ột, ột, ột... Con heo núc ních đi lại, thằng nhỏ mới lấy gáo múc nước trong khạp xối mà kỳ rửa bùn đất sạch sẽ rồi lùa vô nhà". (Cay đắng mùi đời)

Đó là lối viết truyền thống của các nhà văn hiện thực xã hội (trải dài trong thế kỷ XIX, với những Balzac, Zola...). Các nhà văn hiện thực xã hội của ta, đầu tiên là Hồ Biểu Chánh, rồi đến Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao... đều viết như thế cả, tức là họ không quan tâm đến phần tư tưởng, phần tâm hồn của nhân vật. Chỉ riêng Hồ Biểu Chánh, không những ông tả được mọi loại người, mọi hoàn cảnh, một cách chính xác, sống động, tự nhiên, mà ông còn để lộ tấm lòng nhân bản của một nhà văn lớn, một bậc thầy.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xuất hiện một lối viết mới, chiếu vào đời sống tâm hồn của nhân vật, đôi khi chính là tâm hồn tác giả, André Gide tạo ra môt thứ nhân bản mới, đi sâu vào nội tâm con người, và ông là một trong những tác giả đã có ảnh hưởng tới Tự Lực văn đoàn. Ta thử đọc một câu văn của Thạch Lam:

"Tân tò mò ngắm nhìn cái đầu bé phủ tóc đen và mướt. Chàng thấy một cảm tưởng lạ, không rõ rệt, nẩy nở trong lòng. Nhưng cái rúm thịt động đậy, cái mầm sống nhỏ mọn và yếu ớt kia hình như không có một chút liên lạc gì với chàng cả" (Đứa con đầu lòng).

Văn Thạch Lam khác với văn Hồ Biểu Chánh như thế nào?

- Thạch Lam mô tả mối liên hệ giữa đứa bé sơ sinh với người bố: Người bố nhìn đứa con mới đẻ, thấy nó như một nhúm thịt biết động đậy và nó không gây cho anh ta một cảm giác nào. Nhận xét này vô cùng tinh vi, vì không chỉ có người bố, cả đến người mẹ, sau khi sinh, nhìn con, cũng có cảm tưởng như thế: mệt mỏi, trống rỗng, chưa có cảm tình gì với nó cả. Cái mầm sống nhỏ mọn kia sẽ dần dần chinh phục bố mẹ nó, tình yêu, sẽ đến, đến sau do chính nó ban ra...

Vậy sự khác biệt sâu xa ở đây là: Hồ Biểu Chánh không nói gì đến "nội tâm" của chị Ba Thời khi bắt được đứa bé rơi, hay thằng nhỏ nghĩ gì lúc nó tắm cho heo, nhưng tất cả những tình cảm của hai nhân vật này, ta có thể thấm được, khi đọc Hồ Biểu Chánh, bởi ông là nhà văn có trữ sẵn tính nhân bản, ông "thả dần" ra trong mỗi hành động của nhân vật: ông cho thằng nhỏ gọi con heo là "Quắn, quắn ột!" nó lại ngay, tức là thằng nhỏ đã thân yêu với con heo lắm rồi, còn chị Ba Thời khi nghe trẻ khóc, rồi nín, định bỏ đi, nhưng nó lại khóc, chị mới "làm gan" quay lại. Phải có tâm và có tài như Hồ Biểu Chánh mới viết được những động tác nhỏ nhặt mà cơ bản như thế: những nhỏ nhoi đó làm cho độc giả thấm được tấm lòng nhân trong ông; còn như đọc Nguyễn Công Hoan chẳng hạn thì ta không thấy có một lớp tình cảm nào khác ẩn giấu bên trong câu văn, vì văn Nguyễn Công Hoan thường chỉ có một lớp, hoặc đọc Lê Văn Trương, ta chỉ thấy người hùng cứng ngắc như máy không giống ai, và cả hai nhà văn này đều đưa ra những cốt truyện tình tiết éo le, hấp dẫn. Ngay đọc Vũ Trọng Phụng, ta cũng chỉ thấy sự căm hờn con người. Đó là cái khác nhau giữa các tác giả.

Khi đọc một câu văn nào đó của Thạch Lam, ta luôn thấy ẩn hiện tâm hồn nhân vật ở trong, mà cũng là tâm hồn tác giả. Câu văn của Thạch Lam trên đây, còn bộc lộ lối nhìn vào tâm hồn nhân vật trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, mà những tiểu thuyết gia hiện thực xã hội thời đó, chưa chú ý, chưa đề đạt đến. Đó cũng là cái khác nhau về trình độ giữa tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn và những tiểu thuyết hiện thực cùng thời.

Thời đó, ngoài Tự Lực văn đoàn, còn có những nhà văn quy tụ chung quanh nhà xuất bản  Tân Dân của Vũ Đình Long, người chủ trương tuần san Tiểu thuyết thứ bảy (1934-1935) và Phổ thông bán nguyệt san (1935). Nhóm Tân Dân có những ngòi bút nổi tiếng như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Lê Văn Trương, v.v...  Trừ Vũ Trọng Phụng, xuất sắc trong thể loại hoạt kê và Lan Khai trong truyện đường rừng, Nguyễn Công Hoan và Lê Văn Trương chỉ là hai nhà văn dễ đọc và ăn khách. Vì vậy, có thể nói: Tự Lực văn đoàn thực sự "không có đối thủ".

 

Phụ nữ và báo chí trong Nam

Ở Pháp, khi Simone de Beauvoir cho in cuốn Le deuxième sexe (Phái thứ nhì), năm 1949, ra đường bà còn bị những người đàn bà nhổ bọt hoặc đổi vỉa hè.

Ở Việt Nam, dù sống dưới chế độ bị trị, mà người phụ nữ xuất hiện trên văn đàn khá sớm: Miền Nam là thuộc địa Pháp đầu tiên, được coi là "đất Pháp" nên những tư tưởng mới ở châu Âu cũng nhập vào miền Nam trước. Miền Nam còn được hưởng một chế độ cai trị "tự do" hơn ở Trung và Bắc, nên đã in được những sách, báo tiến bộ, đáng kể nhất là bốn sự kiện sau đây, có trước thời Tự Lực văn đoàn:

1- Năm 1918, tờ báo đầu tiên của phụ nữ ra đời, tờ Nữ Giới Chung (Tiếng chuông của nữ giới), chủ bút là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (Nguyễn Thị Khuê) con thứ tư nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tiếc rằng Nữ Giới Chung chỉ sống được năm tháng thì ngừng (số 1 ra ngày 1-2-1918, đến ngày 19-7-1918, đóng cửa). Sương Nguyệt Anh có người con gái duy nhất là Mai Huỳnh Hoa, sau sẽ là vợ Phan Văn Hùm

2- Bản Tuyên Cáo Nhơn quyền và Dân quyền do Tân Nam Tử dịch và chú giải, trong cuốn Dân Đạo và Dân Quyền, do nhà Xưa Nay của Nguyễn Háo Vĩnh in năm 1926, 3000 cuốn.

3- Tác phẩm Ngồi tù khám lớn của Phan Văn Hùm, một trong những nhà lãnh đạo cách mạng Đệ Tứ, đàn em của Nguyễn An Ninh, viết về điều kiện lao tù trong khám lớn và tổ chức hội kín Nguyễn Anh Ninh, do nhà Bảo Tồn in năm 1929, nhưng bị tịch thu ngay.

4- Năm 1929, Phụ Nữ Tân Văn, tờ báo thứ hai do phụ nữ lãnh đạo ra đời, do bà Nguyễn Đức Nhuận[1] nhũ danh Cao Thị Khanh sáng lập. Ông Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm. Toà soạn tại số 42, đường Catinat, Sài Gòn, đặt ngay trên lầu cửa hàng tơ lụa của bà. Năm sau, tờ báo phát triển, bà dời cửa hàng tơ lụa đi chỗ khác, dành địa chỉ cho riêng báo Phụ Nữ Tân Văn.

Những hình ảnh in trên Phụ Nữ Tân Văn trong những buổi họp mặt lớn tại toà báo, chứng tỏ  hiện trạng nam nữ bình quyền thời bấy giờ, ít nhất trong chủ trương của tờ báo.

Trong sáu năm hiện diện (1929-1935), Phụ Nữ Tân Văn quy tụ nhiều tên tuổi sáng giá trong làng văn làng báo: Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Trịnh Đình Thảo, Tản Đà, Nguyễn Tử Thức, Bùi Thế Mỹ, Cao Văn Chánh, Nguyễn Háo Đàng, Nguyễn Háo Ca, Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Thiếu Sơn, Vân Đài, Viên Hoành, Nguyễn Thị Kiêm tức Nguyễn Thị Manh Manh, Phương Lan, Phan Thị Nga, Cao Ngọc Môn, Trần Thanh Nhàn, v.v... Đến năm 1933, 34, có thêm hai kiện tướng Phan Văn Hùm, Diệp Văn Kỳ cộng tác[2].

Phụ Nữ Tân Văn, được phát triển là nhờ hai cây bút nổi danh Phan Khôi và Đào Trinh Nhất, thay phiên nhau làm chủ bút. Ngoài nghiệp vụ báo chí, Phụ Nữ Tân Văn, còn tiên phong trong việc thông tin về hai phong trào cách mạng, mà các báo ngoài Bắc lúc đó không dám đưa tin:  Cuộc khởi nghiã Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng (1930) và loạt bài Cái đời gian truân lưu lạc của cụ Phan Văn Trường (1933) của V.A (Phạm Vân Anh) viết vể sự nghiệp nhà cách mạng Phan Văn Trường, sau khi ông mất. Loạt bài này đầy đủ và đáng tin cậy hơn cả, vì dựa vào hồi ký Phan Văn Trường và vào tài liệu gia đình do chính ông cung cấp.

Về Việt Nam Quốc Dân Đảng, Phụ Nữ Tân Văn, không những đã đưa tin đầy đủ (theo thông tin của chính quyền thuộc địa), nhưng quý hơn cả là đã in hình căn cước 13 nhà cách mệnh lên đoạn đầu đài ngày 17-6-1930. Đây là một tài liệu vô cùng quý giá. Sử gia Pháp François Guillemot, trong một bài nghiên cứu trên internet mới đây, đã tìm ra xuất xứ bức carte postale in hình 13 đầu "pirates" (giặc cướp), được quảng bá khắp nơi trên sách Pháp thời thuộc địa và được in lại trong sách Việt Nam Quốc Dân Đảng của Hoàng Văn Đào, chỉ là bức hình đã được thực dân chụp cuối thế kỷ XIX.

Phụ Nữ Tân Văn còn tường thuật hậu quả vụ hành hình Yên Bái ở khắp nơi trên đất nước. Đặc biệt tại Pháp, có danh sách sinh viên đi biểu tình trước điện Élysées, bị trục xuất về nước, sau này đều trở thành những nhà cách mạng quốc gia và cộng sản đệ tam, đệ tứ; ta mới hiểu được hệ quả của cuộc khởi nghiã Yên Bái trên toàn bộ cách mạng dân tộc. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một chương khác. Ở đây chỉ ghi lời Nguyễn Ngu Ý:

"Hồi có cuộc khởi nghiã Yên Bái và vụ xử án các nhà cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng, chính độc giả ngoài Bắc lại trông đứng trông ngồi những số báo Phụ Nữ Tân Văn từ trong Nam gởi ra để được nghe những lời nói can đảm, binh vực cho những kẻ đã hy sinh cho giống nòi và đất nước. Những lời nói như thế không thể có được ở báo giới miền Bắc hồi bấy giờ."[3]

 

 

 

Nguyễn Thị Kiêm trên Ngày Nay số 8

Trong số những khuôn mặt phụ nữ nổi tiếng tân tiến thời đó, có cô Nguyễn Thị Kiêm tức thi sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, một trong những người đầu tiên làm thơ mới và nhiều lần đăng đàn diễn thuyết cổ võ cho thơ mới. Năm 1950, Nguyễn Thị Manh Manh sang Pháp rồi ở lại.

Bà Nguyễn Đức Nhuận, người sáng lập Phụ Nữ Tân Văn, qua đời tại Pháp năm 1962, có thi sĩ Nguyễn Thị Manh Manh và họa sĩ Lê Thị Lựu, đưa tiễn tới nơi an nghỉ cuối cùng[4].

Đó là ba người phụ nữ đã tiên phong bước vào xã hội từ những năm 30 của thế kỷ trước và để  lại dấu ấn cho đời sau.

Vậy, những người ủng hộ nữ quyền, thời đó, có những ai?

Đáng kể nhất là Phan Khôi trên Phụ Nữ Tân Văn và Khái Hưng trên Ngày Nay.

 

 

 

Dưới bóng tre xanh trên NN số 8

 

Khái Hưng, Dưới bóng tre xanh

Trên Ngày Nay, Khái Hưng vẫn giữ vai trò đầu đàn văn nghệ.

Sau khi Phong Hóa chết, trên Ngày Nay số 16 Khái Hưng viết kịch Chết như một bài xã luận, với lời di chúc của Phong Hóa:

"Điều quan trọng... Là công cuộc chúng ta theo đuổi... vẫn tiến hành như thường... dù xẩy ra việc gì mặc lòng... dù một người trong bọn ta chết đi"

Và Ngày Nay số 16 đã sống lại, với hai truyện dài: Những ngày vui của Khái Hưng, viết về thời kỳ thành lập Phong Hóa và Tự Lực văn đoàn (xem chương Sự thành lập Tự Lực văn đoàn, phần II) và Lạnh Lùng, đánh dấu việc Nhất Linh bước sang địa hạt tiểu thuyết tư tưởng.

Nhưng trước đó, từ Ngày Nay số 1 (30-1-35) đến số 13 (21-5-35), Khái Hưng đã viết Dưới bóng tre xanh[5], một tiểu thuyết luận đề, cổ động quyền tự do giáo dục cho phụ nữ, truyện viết dang dở thì ngừng, vì Ngay Nay không ra đều, năm 1936, Đời Nay in thành sách.

Dưới bóng tre xanh, đả phá việc không cho con gái đi học. Chủ đề này Khái Hưng đã nói đến trên Phong Hóa số 3 (30-6-32), trong bài xã luận Một câu hỏi mà Trần Khánh Giư đặt ra để biện hộ cho việc con gái cần phải đi học để có kiến thức, nâng cao đời sống gia đình và giúp đỡ xã hội.

Vấn đề không cho phụ nữ đi học, do xã hội phụ quyền áp đặt từ thời cổ, người phụ nữ đã quen đi, chịu nô lệ sống trong dốt nát suốt đời, không bao giờ ngóc đầu lên được, họ trở thành phái thứ nhì (deuxième sexe) chữ của Simone de Beauvoir, tức là loại công dân hạng hai, chưa thật sự là người đúng nghiã.

Không cho con gái đi học: nhân loại đã tự gạt bỏ một nửa trí óc của mình ra khỏi đời sống mà không biết.

Ở nước ta, xã hội miền Bắc khép kín hơn xã hội miền Nam rất nhiều. Người phụ nữ miền Bắc mang sẵn "định mệnh" phải hy sinh cho chồng, chịu đựng bất kể giá nào, dù người chồng là đồ vô lại, nghiện hút, cờ bạc... Định mệnh này chỉ có thể giải thoát được sau khi chết. Trần Tiêu đã khắc tạc nên hình ảnh chị xã Bổng, trong truyện Chồng con.

Dưới bóng tre xanh, đánh vào sự dốt nát không ngóc đầu lên được, chỉ vì vô học mà người phụ nữ chưa bao giờ biết nghĩ tới số phận mình: Bà Nhi người mẹ goá, suốt ngày bên khung cửu dệt vải. Một hôm bà nhận được lá thư, một sự hiếm có, phi thường, không biết tin lành hay dữ. Nhận thư phải có chữ ký, nhưng không ai biết ký, không ai biết đọc. Phải đợi tìm được Dao về. Bà Nhi chỉ có Dao, người con trai được đi học và có vợ, nhưng cả ngày rong chơi cờ bạc, chẳng làm lụng gì. Còn cô con gái yêu là Cúc, xinh đẹp, nhưng không biết chữ, đanh đá, tục tằn, thô lỗ. Lá thư báo tin Thanh, con trai người bạn cũ của ông Nhi, và là bạn học của Dao, được bổ về làng dạy học, ngỏ ý muốn ở trọ nhà bà Nhi.

Thanh về, mới nhận thấy dân quê có thể ăn nhịn ăn để bỏ tiền mua một chân nhiêu xã. Bà Nhi đã nghèo còn bán cả một mẫu ruộng đi để mua chức chánh hội cho Dao.

Về, Thanh mới thấy đời sống dân quê bất di bất dịch như cái khung cửi, từ đời này sang đời kia, không cần chuyển động, thay đổi.

Về, Thanh mới thấy phần đông dân quê không nghĩ gì đến học vấn. Quan trên sức về làng bắt dựng trường, thì cũng dựng, nhưng chỉ làm lấy lệ. Trẻ con vẫn lêu lổng không đi học, hoặc chỉ học cho biết dăm ba chữ quốc ngữ, đủ để tranh ngôi thứ trong làng.

Về, Thanh mới thấy có người bỏ làng đi Tân thế giới vì không đủ tiền làm ma cho bố mẹ.

Về, Thanh mới nhận ra Cúc sống trong cái ao tù, với những người chưa từng ra khỏi lũy tre xanh, không khí u tối dốt nát bao trùm khắp làng. Cúc giống mọi người trong làng, chỉ quen chửi rủa tục tằn. Một lần qua chợ, Thanh đứng lại nghe hai người đàn bà cãi nhau "Tuy họ mở cái mồm rộng hoác ra mà sỉa sói, phì nước bọt vào mặt nhau thật đấy, nhưng cuộc đàm đạo của họ không phải là không khôn khéo. Những câu tục ngữ, phương ngôn, họ luôn viện ra để trả lời nhau không phải là không chua cay sâu sắc."

Thanh "không đành để một cô con gái xinh xắn như thế mà lại thô lỗ tục tằn như thế được". Chàng quyết định thay đổi: chàng sẽ dạy cho Cúc biết viết, biết đọc sách, để "nên người".

Thanh bàn với Dao nên cho em gái đi học, mới thấy - Điều này kinh khủng nhất- Dao cười sằng sặc: "Học để làm gì mới được chứ?".

Rồi Thanh cố gắng thuyết phục bà Nhi: người mẹ cũng không cho con học! Đầu óc bà đã nhiễm thứ giáo lý tự ngàn xưa: con trai học chữ, con gái học canh cửi. Thanh bèn đổi chiến lược, quay sang dụ Cúc: cô muốn đọc truyện mà không phải nhờ mấy thằng lỏi hỗn đọc hộ, thì để tôi dạy cho mà đọc lấy. Cúc rất mê truyện, bèn nài nỉ mẹ, bà Nhi chiều con, bằng lòng. Nhưng lại thêm trở lực thứ nhì: người làng bắt đầu đàm tiếu việc Cúc học với Thanh, lần này ác nghiệt hơn: Con gái cho học chữ chỉ tổ theo giai!

Nhưng Cúc thông minh, bướng bỉnh, nàng đã thấy được cái lợi sự của sự học, nhất định không bỏ. Cuối cùng, chàng đành hy sinh tình yêu với Cúc, lên Hà Nội lấy vợ, đem về làng, để có thể tiếp tục dạy Cúc tiếng Pháp mà không sợ lời đàm tiếu của một xã hội ao tù, hủ lậu.

Dưới bóng tre xanh đã vạch trần cốt tuỷ của vấn đề vô học, ở hai chừng mức:

- Sự vô học làm cho người dân quê sống đời tăm tối, phục tùng cổ lệ, mê tín dị đoan, không ngóc đầu lên được.

- Sự dốt nát của người phụ nữ nhiễm độc gia đình và xã hội, bởi họ là rường cột, nhưng vì vô học nên gia đình không khá được và xã hội tồi tệ theo.

Hầu như tất cả những người đàn bà trong xã hội trưởng giả, mà Khái Hưng đưa ra sau đó, dù là bà tuần, bà án, cô huyện, cô phủ... dù sang trọng đến đâu nhưng vô học nên quyền lực làm họ trở thành tham lam, độc ác. Họ là những con người ngu dốt mà quyền thế, khắc nghiệt với con dâu, suốt ngày cờ bạc, xui chồng tham ô, trở thành sâu bọ, đục khoét xã hội.

Khái Hưng không bênh phụ nữ, ông chỉ ra sự tàn ác của phụ nữ có quyền mà vô học. Ông đấu tranh không ngừng để thay đổi xã hội, xuyên qua tiểu thuyết luận đề. 

 

 

Cái Ve trên NN số 23

Cái ve

Là một truyện vừa, đăng trên NN từ số 23 (30-8-36) đến số 26 (20-9-36). Cái Ve mở đầu cho tiểu thuyết tư tưởng của Tự Lực văn đoàn. Cái Ve chiếu vào những cử chỉ thầm lặng, làm cho những điều vô nghiã trở thành có nghiã.

Ve, có người mẹ là bà chủ nấu cơm tháng cho mấy tay thợ thuyền, và một ông giáo ăn ở trọ. Trong khung cảnh méo mó xô lệch của cái nhà quán trọ nghèo nàn, đồ đạc không cái gì ra cái gì, khách ăn cơm tháng cũng bệ rạc, thô kệch, giống như mấy điã thức ăn trơ trẽn:

"Trên mâm, điã cá riếc kho, điã đậu om tương, điã rau muống xào tóp mỡ, điã đu đủ xanh xào mắm tôm, đã sạch sẽ như lau. Ai nấy ăn ngốn ngấu vội vàng, không trò truyện, không ngừng gắp, không ngừng nhai. Người ta chỉ nghe thấy tiếng hai hàm răng chạm nhau côm cốp, tiếng thìa đũa đụng mâm lách cách và tiếng húp canh sụp soạp". (NN số 23)

Mấy tay thợ ghét ông thày giáo, vì cho là y kiêu ngạo, khinh người. Bọn thợ có thói quen chòng ghẹo Ve, nói nhảm nhí, thô tục, cho Ve là con hầu, nên họ có đủ thứ quyền hạch sách. Ve dọn cho thầy giáo ăn riêng.

Ve không đẹp, thậm chí xấu, Ve càng cố ý săn sóc đến nước da, làn răng, thì các nhược điểm càng lộ rõ hơn: "Cái mặt kỳ cọ bóng loáng, hai hàm răng sỉa thuốc đen láy, chỉ làm cho cặp môi thêm thâm và thêm cong. Đôi lông mày nhổ tiả hình bán nguyệt càng thanh bao nhiêu thì hai con mắt lồi càng thô bấy nhiêu, hai con mắt đục và ướt như lúc nào cũng ám khói bếp. Một cái sẹo trắng nằm dài ở mí bên phải khiến người ta thoạt nhìn Ve là lưu ý đến mắt Ve ngay (...)  Chính cái sẹo ấy đã đặt tên cho Ve. Thực ra Ve không có tên riêng. Khi Ve ra đời, mẹ Ve chỉ gọi Ve là cái Riêm [Diêm] con (...) Năm bảy tuổi, Ve đau mắt nặng. Khỏi bệnh, còn lại cái sẹo ở mí bên phải. Từ đó, mẹ nàng khi mắng nàng thường chỉ kêu nàng là cái Ve, rồi chẳng bao lâu, ai ai cũng theo thế mà gọi nàng". (NN số 23)

Ve, sinh ra đã rơi vào cảnh cô đơn của những người xấu số, người mẹ không thèm đặt tên cho con, người mẹ không biết nói, chỉ biết chửi, vì độc ác, hay vì vô học, quen mồm, không bao giờ biết ăn nói một cách khác, ngoài chửi rủa? Ve phải phục vụ cơm nước cho một bọn đàn ông thô tục, vô liêm sỉ. Nhưng từ khi có Thanh đến trọ, người thày giáo này không thế. Thanh gọi Ve bằng cô Ve. Ve tưởng những lời xưng hô như thế chỉ dành riêng cho những người lịch sự, xinh đẹp. Mà không phải thế, khi nhờ nàng điều gì, Thanh nói nhẹ nhàng, lễ độ, những lời chưa bao giờ nàng nghe thấy ở miệng những kẻ phàm phu kia. Thanh đã vô tình "đi" vào tâm hồn Ve, bằng sự tử tế, bằng lời ăn tiếng nói thanh nhã, bằng cử chỉ tế nhị của một người có giáo dục. Cảm động trước "cái tốt" của Thanh, Ve săn sóc chàng hơn. Rồi một hôm Thanh ốm nặng, Ve lặng lẽ chăm nom thuốc thang cho chàng đến ngày khỏi bệnh.

Thanh dọn đi trọ nơi khác.

Thanh cũng là một tâm hồn lạc lõng, tứ cố vô thân, mẹ chết từ năm lên một, cha bỏ vào Nam, Thanh ở với người cô đông con. Mười năm sau, cha trở về, đem theo người dì ghẻ độc ác. Trong suốt cuộc đời trẻ thơ và trưởng thành, Thanh không nhận được một lời thương yêu, trìu mến nào, cho đến bây giờ, chàng đã có lũ học trò, nhưng nhiệm vụ nghiêm ngặt của người thầy đã cắt đứt sợi giây tình cảm giữa chàng và lũ trẻ.

Cái Ve là chuyện của hai tâm hồn cô đơn, hai khối bất hạnh, không thể nối chắp nối được: những săn sóc tận tình của Ve khi Thanh ốm sốt mê man, Thanh đã cảm nhận như có nàng tiên giáng xuống bên chàng, nhưng khi khỏi, chàng dừng ở đấy, không muốn nhận tiếp, phải chăng chỉ vì cái ve, cái sẹo nhỏ trên mí mắt? chỉ vì Ve xấu ? chỉ vì Ve không ở trong tầng lớp xã hội của chàng? Hay chỉ vì chàng sợ, sợ gì?

Khi Ve mua na cho chàng, Thanh đã tưởng lầm Ve muốn lợi dụng ăn lãi. Rồi chàng xót xa nghĩ thầm: "Ngày nay có mỗi một người lưu ý đến đời mình. Nhưng người ấy lại là cô Ve" "Chàng cho đó là sự miả mai độc địa, và chàng tự nhủ thầm: "Ta chỉ đáng được người hèn hạ, xấu xí như Ve săn sóc tới mà thôi!" Dĩ nhiên là chỉ vài giây sau, Thanh đã xoá cái ý tưởng "hèn hạ" ấy đi, nhưng đã từng có nó trong óc rồi, thì liệu có thể xoá sạch hết được không?

Cái Ve là truyện đầu tiên của Tự Lực văn đoàn có ý tìm hiểu những phức tạp trong tư tưởng con người. Cái Ve đặt ra những nghi vấn: giáo dục dạy những lời nói nhã nhặn, những lối xử sự thanh lịch, nhưng có sửa đổi được tấm lòng con người chăng? Có làm cho con người tốt lên chăng? Có phủ lấp được những tư tưởng xấu tự nhiên bột phát chăng? Cái Ve là đối trọng của Dưới bóng tre xanh, chứng tỏ Khái Hưng luôn luôn có khả năng phản biện lại chính mình và như thế ông đã đi bước đầu mà rất lớn trong hành trình tìm hiểu con người.

 

 

 

Gia Đình của Khái Hưng trên NN số 33

Gia đình

Đăng trên Ngày Nay từ số 30 (18-10-36) đến số 64 (20-6-37), là một trong những tác phẩm quan trọng của Khái Hưng, mô tả Sự phá sản của gia đình dưới thời Pháp thuộc.

Trong Gia Đình, Khái Hưng chính thức đưa nội tâm vào tiểu thuyết.

Dựng nền tiểu thuyết trên gia đình, yếu tố căn bản của xã hội, Gia đình ở đây là một gia đình bình thường như bao nhiêu gia đình Việt Nam khác trong thập niên ba mươi. An là một người đàn ông bình thường, An không có tính cách tiêu biểu cho một hạng người như ta thường thấy trong tiểu thuyết. Ta có thể gặp An ở bất cứ đâu trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

Với An, Khái Hưng đưa ra một hướng viết mới: tác giả không chỉ mô tả hành động và ý nghĩ của An, như với Thanh trong Cái Ve; ở đây tác giả cho ta thấy cả sự trống rỗng trong tâm hồn An, mà ở thời điểm ấy, chưa ai làm, chưa ai nghĩ đến, kể cả Nhất Linh. Thạch Lam cũng đã chú ý đến nội tâm, khi ông tả cái đói dày vò Sinh, nhưng ở đây là sự dày vò thể xác, dày vò của dạ dày, nó tác động đến tính tình, đến suy tư Sinh. Thạch Lam diễn tả tư tưởng duy vật: vật chất ảnh hưởng đến tinh thần, vật chất chi phối tinh thần. Khái Hưng không diễn tả một tình trạng thể chất, cũng không diễn tả một tư tưởng triết học, mà ông diễn tả một thực trạng trong nội tâm con người, trong An:

"Chàng cảm thấy sự trống rỗng vô vị dần dần lấn sâu mãi linh hồn. Hôm nay cũng như những hôm trước đây, chàng vác súng đi săn, là để cố lấp kín sự trống rỗng đó.

Nhưng sự trống rỗng càng tăng. Nó như vết ung thư, mỗi ngày một loét rộng thêm và hiện ra trước trí tưởng tượng một cách rõ rệt như cái nhọt sâu kín kia hiện qua kính quang tuyến của ông thầy thuốc"[6]

Đọc câu này ta có thể tưởng là một câu trong Buồn nôn của Sartre hay trong một truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu. Nhưng không phải. Đó là câu văn Khái Hưng viết từ năm 1936!

Bởi vì năm 1936, phần lớn các nhà văn Việt Nam chưa ai nghĩ đến nội tâm, họ chỉ mới viết về tâm lý con người, và thường thường cái tâm lý ấy, do nhà văn độn mình vào nhân vật, nên lắm khi rất giả tạo. Còn nội tâm mà tôi muốn nói ở đây là đời sống tinh thần thầm kín, sau này sẽ được triết học hiện sinh, thứ triết học giúp ta truy tìm đời sống bên trong con người, khai phá. Sartre bắt đầu với tác phẩm Buồn nôn năm 1938 và đến thập niên 1960, chúng ta có loại truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu, mà tôi gọi là nghệ thuật nội soi.

Vì vậy, khi Khái Hưng cho An cảm nhận được sự trống rỗng trong tâm hồn mình, từ năm 1936, là ông đã ý thức được chiều sâu nội giới con người, ông luôn luôn đi trước thời đại. Nhờ chiều sâu ấy nên An đã nhận ra nhiều điều mà xã hội không nhìn thấy, thí dụ một màn cực kỳ châm biếm, trong đám ma cha chàng:

"Có tiếng xuống dõng dạc: "Cử ai!" Phía sau, hai người anh rể khóc như hát: "Hè! Hi Hi! Chàng không biết nên cho đó là tiếng khóc hay là tiếng cười. Còn hai người chị thì không khóc mà cũng không cười, họ chỉ kể lể những nỗi thương nhớ của họ ra.

An đương sụt sùi khóc, thấy thế bỗng im bặt. Người đứng bên chàng ghé lại khẽ nhắc: "Cậu khóc đi!". An chau mày lặng thinh".  (Trang 16)

Đọc những dòng này, chúng tôi giật mình nhớ lại, lúc 5 tuổi, đi đám ma bà, cũng thấy hai cô em họ (tuy là em nhưng họ đã 17, 18 tuổi), vật vã khóc bà, thống thiết lắm. Đi cạnh họ, tôi táy máy lấy tay kéo giật đuôi cánh mào đội đầu của họ, thì thấy hai cô ả đang cười rũ rượi. Lần đầu tiên đứa nhỏ 5 tuổi hiểu thế nào là sự giả vờ, và cảnh này đã in sâu trong óc nó, khiến từ đó mỗi lần nghe ai khóc, càng lâm ly bao nhiêu, nó càng cho là giả dối.

Ở đây Khái Hưng đã dùng màn kịch này để xác định: lần đầu tiên An nhận thứccảm thấy được sự nhận thức của mình: Tấn tuồng nhỏ bé này dần dần đưa chàng tới những nhận thức khác, chua cay hơn, càng ngày càng lớn, càng ngày càng sâu, về cái xã hội mà xưa nay chàng vẫn sống, vẫn chấp nhận, vẫn rập khuôn theo, không nhìn kỹ, không suy xét, không nghĩ lại. Khi An đang khóc, bỗng ngừng bặt cau mày làm thinh, là chàng đã thức tỉnh: chàng không còn a dua nữa. Sự phản tỉnh này rất sâu sắc. Và chàng sẽ đem tất cả nghị lực của mình ra chống trả lại sự giả dối đó: học xong tú tài, chàng quyết định về làng làm ruộng cùng với nông dân. Nhưng lý tưởng ấy, chàng không thể thực hiện được, vì tính nhu nhược sẵn có, thêm sức ép bền bỉ của gia đình, một bên là ông chú ruột, một bên là Nga, vợ chàng.

Nhận thức thứ hai của An: là sự bất lực; cái thế lực đè lên chàng nặng nề quá, nó đến từ bên trong, từ những người chàng yêu thương nhất: Nga là loại đàn bà "lý tưởng" trong xã hội ấy, hết sức đảm đang, ngoan ngoãn và chiều chồng, nhưng nàng cũng có một quyết tâm, kiên trì: muốn làm bà huyện, bà án. Con quan, nàng lấy chồng đỗ tú tài, không phải để theo chồng về quê làm ruộng, mà phải làm quan, do lòng ganh tỵ với người chị ruột, có chồng làm quan huyện, được bố mẹ trọng vọng, lên mặt với nàng. Nga đã dùng đủ mọi chiến lược, thủ đoạn, với sự góp sức khôn khéo của bà Án, mẹ nàng, để thắng cuộc.

An không những thua áp lực của gia đình, phải bỏ cuộc đời mình muốn sống để theo cuộc đời do vợ và mẹ vợ chỉ định, mà chàng còn phải sống một cách tích cực trong cái đời mới này, tức là đời quan trường, với tất cả những luồn cúi, ô nhục, kiếm tiền bất chính. Ban đầu chàng hết sức cưỡng lại, nhưng dần dần chàng đã buông tay. Chàng bị tấn công mọi ngả, không chỉ gia đình mà cả đến kẻ thân tín nhất dưới quyền, đều một nếp với nhau: tay thư ký đã nhận tiền đút lót trước rồi, đã lấy sẵn phần trăm của y rồi, phong bì phần chàng y đã để trong ngăn kéo rồi, chàng chỉ việc tha bổng tên cướp này, xử nhẹ vụ kiện kia, dễ như trở bàn tay.

Rồi những buổi hầu tổ tôm, mạt chược nhà cụ Thượng, cụ Tuần, hầu bàn đèn cụ Án, cụ Bố, những đêm cô đầu, gái nhảy... Cả một cuộc đời mới, không hề có trong tư tưởng An ngày trước, nay bày tra trước mắt: một xã hội đã bị thuốc phiện hóa, từ quan đến dân, nằm bẹp bên bàn đèn, bê tha ổ bạc.

Còn Nga, nàng có sung sướng gì hơn khi đã thoả mãn hoàn toàn tham vọng? Hình như không: nàng đã hy sinh hạnh phúc gia đình, ép An lên Hà Nội học ba năm, vừa học vừa chơi bời, để đỗ ra làm quan. Nàng đã bỏ người chồng đứng đắn lương thiện, để mua một người chồng trác táng dối trá, mua một cuộc sống cô đơn, bài bạc, ô uế của các bà lớn tuần, phủ, quyền thế, mánh khoé, gian tham hơn nàng. Nga không có bạn. Sự trống rỗng trong Nga có lẽ còn ê chề hơn An; nhưng nàng không ý thức được điều đó. Nga càng ngày càng ngoan ngoãn hơn, sống an phận mà không dám đòi hỏi gì nữa. Ít học, Nga không đủ tri thức để tìm và hiểu nỗi đau của mình. Còn An, cuối cùng, chàng cũng thấy lại phản ứng "nội tâm" lúc ban đầu: Chàng vụt tỉnh ngộ, nhủ thầm: "Sao thỉnh thoảng mình không dùng tiền phi nghiã để làm việc nghiã?" Và từ đây, chàng sẽ dùng tiền phi nghiã để làm cả việc nghiã nữa!

Gia đình là một tác phẩm sâu sắc về sự phá tan hệ thống gia đình có đạo đức, dưới chế dộ thực dân, và sự xuống dốc không phanh của con người, sự tha hóa đến từ trong cá nhân, chi phối gia đình và chiếm hữu xã hội. Sự thá hoá, bắt đầu từ cá nhân vô ý thức, vô học, nhưng có quyền, đó là những người đàn bà, người mẹ, người vợ, những bà huyện, bà án, làm mẹ làm vợ những quan chức cao cấp trong chính quyền thực dân. Họ cầm quyền gián tiếp và đắc lực hơn chồng bên những bàn tổ tôm, mạt chược. Họ rèn luyện những người con gái nối nghiệp, đeo đuổi mục đích lấy chồng làm quan để tiến thân trong cuộc sống an nhàn trưởng giả, ăn trên ngồi trốc trên mồ hôi nước mắt đồng bào.

Gia đình rữa nát như thế, làm sao xã hội lành mạnh được?

Ta cứ tưởng tượng một nước Pháp mở cửa tự do cho nha phiến nhập vào, lập xưởng điều chế thuốc phiện ở thủ đô, cho dân tự do cờ bạc, uống rượu thả cửa, thì xã hội Pháp sẽ đi về đâu? Đó là xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, hạ tầng được Trọng Lang ghi lại trong loạt phóng sự Hà Nội lầm than, thượng tầng được Khái Hưng mô tả trong tiểu thuyết Gia Đình

 

 

Thoát Ly, NN số 82

Thoát ly đăng từ NN số 77 (19-9-37) tới NN số 107 (24-4-38), là tác phẩm thứ nhì trong bộ ba: Gia đình, Thoát ly, Thừa tự, loạt tiểu thuyết luận đề tố cáo toàn bộ hệ thống gia đình thối nát của Việt Nam. Vấn đề trong Thoát ly là cảnh mẹ ghẻ con chồng, mà chính Khái Hưng đã từng là nạn nhân thời niên thiếu. Thoát ly nằm trong môi trường trung lưu, tỉnh lẻ (Vĩnh Yên) có thể xẩy ra ở mọi nơi, với mọi người. Đối tác chính là hai người đàn bà: Hồng, con chồng và bà Phán, dì ghẻ.

Mẹ chết năm Hồng lên sáu, để lại hai con gái: chị Hảo và Hồng. Người mẹ vì chậm sinh con trai, nên ông bố lấy vợ bé, vú già kể: "nhất là khi cô ta sinh con trai đầu lòng, thì cô ta lại càng lăng loàn lắm". "Bà vốn người yếu đuối, sẩy đến năm bận rồi, còn gì. Thế mà cô ta sức như voi vâm, cô ta xỉa quả đấm vào ngực, làm gì mà không thối ngực, hộc máu."[7]

Từ khi biết dì ghẻ giết mẹ, Hồng càng khiếp sợ kẻ sát nhân.

Bút pháp lão luyện, Khái Hưng mở mặt trận tranh đấu toàn diện cho quyền sống của những đứa con bị mẹ ghẻ hành hạ: Bà Phán, người mẹ ghẻ trong truyện, hai lần sát nhân: giết vợ cả và giết con chồng, nhưng hai vụ án mạng này, không bao giờ được đưa ra ánh sáng, vì không ai biết, trừ vú già và nạn nhân.

Thoát ly khốc liệt hơn Đoạn tuyệt, nhờ ngòi bút chừng mực và trung dung của Khái Hưng, nên tấn bi kịch không bị nhuốm máu tươi án mạng mà thấm dần vào cơ thể nạn nhân như liều thuốc độc, mỗi ngày nhỏ ra một giọt ngấm vào cơ thể. Người mẹ, bị chồng ruồng bỏ, sinh bệnh, yếu dần, rồi bị vợ lẽ đánh, chết. Con bà, Hồng, mạnh hơn, tưởng có thể cự lại được.

Khi mẹ chết, Hảo, người chị cả can trường, đã che chở cho em trong 5 năm, trước khi lấy chồng: Hồng, còn được đi học đến năm thứ hai trường sư phạm mới bị cha gọi về vĩnh viễn. Sau đó là sự trả thù, bởi vì Hồng lớn lên, có học, càng cứng đầu bất khuất. 

Đó là sự trả thù của kẻ ngu dốt, vô học, chống lại sự thông minh, tiến bộ: Bà Phán ghét con chồng nhưng không muốn cho nó thoát lưới, bà tìm đủ mọi thủ đoạn để phá, không cho nó lấy chồng, không cho nó thoát cái ngục trong lòng gia đình: với năm đứa em cùng cha khác mẹ, trừ thằng Tý có chút lương tâm, cả bọn bốn đứa kia đều làm mật thám cho mẹ. Còn người cha, người cha làm gì? Người cha hèn yếu trước sức mạnh, về hùa với tội ác để yên thân. Hồng đã trốn đi, đã tự tủ hụt, rồi lại quay về bởi vì cái xã hội ấy, không có chỗ cho một cô gái bỏ nhà. Hồng sốt rét, nằm liệt hơn hai tuần, không thang thuốc, dì ghẻ truyền lệnh không ai được nhòm ngó, vì nó ốm giả vờ. Người cha tin thật. Khi phát hiện thì đã quá muộn. Đưa vào bệnh viện. Hồng chết. Đây là màn chót:

Buổi chiều Hồng lên cơn sốt, mê man, nhiều lần đã tắt thở rồi lại sống lại, Hảo vội vàng về mời ông Phán bà Phán đến (...) Thấy Hồng nằm im lìm không cựa quậy, bá Phán chắc nàng chết rồi, liền khóc oà lên:

- Ới, Hồng ơi, cô có tưởng đâu đến nông nỗi này, Hồng ơi... Con đi mà chả kịp trối trăng lại với thầy với cô một câu nào, ới Hồng ôi!  Đau lòng cô lắm Hồng ơi.

Ông Phán ngồi rũ trên chiếc ghế mây, đầu cúi gục xuống ngực. (...)

Bỗng Hồng mở mắt tò mò nhìn mọi người, như vừa mới ngủ dậy. (...)

Bà Phán yên lặng đứng sững. Thấy Hồng khẽ gật, bà ghé sát tai vào miệng nàng để nghe. Bỗng bà thẳng người lên, thét:

- À ra con này láo thực. Bà tội lỗi gì với mày mà mày bảo tha lỗi cho bà, hử con kia? Bà quý hoá máy, bà nâng niu mày như hòn ngọc trên tay..."

Cái án mạng thứ nhì kết thúc như thế.

Khái Hưng đã đạt tới đỉnh hiện thực tả chân: tính bi đát lồng trong tính hài hước với một nghệ thuật cao cường, làm lộ bộ mặt thực của xã hội đa thê: dung túng những kẻ sát nhân thoát vòng pháp luật.

 

 

 

Thừa tự, NN số 118 

Thừa tự đăng trên Ngày Nay từ số 116 (26-6-38) đến số135 (5-11-38). Tác phẩm vạch trần một lần nữa vấn đề mẹ ghẻ con chồng, ở đây đánh vào lòng tham của con người. Ông án Thân, tuy ba vợ nhưng không cưới cùng một lúc, người nọ chết mới lấy người kia.

Bà đầu sinh Bỉnh, Thu, rồi chết. Ông cưới bà Hai. Bà Hai sinh Trình, Khoa, hành hạ con chồng. Bà Hai chết, ông già gần sáu mươi cưới một người con gái ngoài hai mươi, sấp xỉ tuổi Bỉnh, ả lên chức Bà Lớn, cậy mình trẻ đẹp, ngỗ ngược, lăng loàn, ức hiếp vợ chồng Trình và vợ chồng Khoa. Bỉnh đã từng bị mẹ ghẻ (mẹ đẻ của Trình, Khoa) đàn áp, thấy cảnh ấy trở lại, chàng bênh vực hai em.

Một lần bị người dì ghẻ đàn áp quá, Trình, Khoa viết thư mách Bỉnh, đang làm tham tá ở Ninh Bình, Bỉnh viết thư cho cô Ba, khuyên nên "vừa vừa chứ", mấy hôm sau chàng nhận được thư cha nhắn cho "tên Bỉnh" biết rằng "tên ấy là một thằng khốn nạn". Bỉnh bèn xin nghỉ việc về nhà, xuống thẳng tư thất, trỏ vào mặt người vợ lẽ mắng nhiếc thâm tệ. Bị cha chửi, Bỉnh bỏ về Ninh Bình. Mấy ngày sau chàng nhận được thư cha: "Mày dám đánh vợ tao, vậy từ này tao cấm cửa, không cho mày lai vãng tới nhà tao. Tao từ mày, không cha con gì nữa." Nhưng chỉ hai tuần sau, ông án nguôi giận, làm lành với con, nên bà Ba biết gây sự với "anh tham" không có lợi.

Rồi ông án chết. Đám ma, Chuyên, vợ Khoa, khóc: "Hờ cha ơi, cha đi đâu cha bỏ các con. Bao nhiêu đứa nấp dưới bóng cha mà được người ta kính trọng vì nể, nay cha trăm tuổi rồi thì bọn họ thực là khổ sở khốn nạn."

Người vợ lẽ mỉm cười khinh bỉ trong cái mấn sô, rồi khóc đáp lại liền: "Quan lớn ơi, quan lớn đi đâu bỏ đàn con dại cho tôi. Quan lớn đi thì sướng lấy một mình, nhưng lũ con quan lớn thì bồ côi, nheo nhóc, quan lớn để lại cho tôi nuôi dạy một mình, cực nhục lắm quan lớn ơi!"

Bỉnh thẳng thắn đến ghé tai dì ghẻ bảo nhỏ: "Cô khóc thế không được!" Người đàn bà lại nức nở: "Hờ quan lớn ơi, cực nhục cho tôi chưa, quan lớn nằm xuống tôi đau đớn tôi khóc thì con quan lớn cấm tôi, không cho tôi khóc, hờ quan lớn ơi!" (trang 43-44).

Ta tưởng như đang được chứng kiến cảnh đưa đám cụ Tuần, cha Khái Hưng, cũng năm vợ. Và Khái Hưng ghé tai dì ghẻ dặn dò! 

Sau đám ma cha, chiến tranh bắt đầu. Nhưng ở đây không phải chuyện mẹ ghẻ hành hạ con chồng. Mà cũng không có chuyện tranh chấp gia tài, bởi vì ông án đã chia cho các con, mỗi người một phần đất riêng để sống tự lập. Vợ chồng Bỉnh nhường phần ruộng của mình cho hai em. Ông án để lại cho người vợ trẻ một gia tài kếch sù và đứa con gái tên Cúc. Bà Ba, được mọi người tôn thành cụ Lớn, nhưng bọn con chồng, sau lưng vẫn gọi là Troisième. Bà Ba xưng mẹ thì họ thì thầm mẹ ranh, xưng me thì họ nhắc nhở me tây.

Nhưng Bà Ba là người mưu lược, vừa muốn tạo địa vị cao quý cho mình, vừa muốn trả thù mà không tốn một xu, bà bèn lấy miếng thừa tự ra dứ con chồng: bà đánh tiếng cho ba anh em biết bà muốn chọn một trong hai người Trình hay Khoa, để ăn thừa tự, tức là nhận ruộng thừa tự để cúng giỗ bà và hưởng luôn gia tài, sau khi bà mất; đồng thời bà giơ miếng hậu ra dứ sư Giáp: hứa sẽ cho chùa món lớn để lo hậu sự cho bà; và bà đem cái hồi môn vĩ đại ra dứ thằng con rể đào mỏ, tính cưới Cúc.

Nhờ ba miếng dứ ấy mà bà làm loạn. Bà khoáy lộn hai gia đình Trình, Khoa, ngày trước hòa thuận, bây giờ nghi ngờ, ganh ghét nhau. Sư cụ hổ mang càng bám nịnh sát nút, mong được cụ Lớn thí cho miếng hậu. Nhưng thằng con rể đào mỏ khi biết không được một xu hồi môn nào, trở mặt, nện vợ khảo của. Vợ chồng Bỉnh-Thoa phải đưa hết tâm lực mới lôi được hai em thoát khỏi mê trận ham muốn và nghi ngờ. Bức tranh trong Thừa tự cũng khốc liệt không kém bức tranh trong Thoát ly, và Khái Hưng với ngòi bút điêu luyện, đã khắc họa những cảnh đời, những nhân vật, cực kỳ sống động, của một xã hội Việt Nam đắm chìm trong lạc hậu, dốt nát, giả dối, bị lòng tham chi phối đến cốt lõi, xương tuỷ.

Hạnh; NN 137

Hạnh đăng trên Ngày Nay từ số 136 (12-11-38) đến số 144 (7-1-39). Hạnh là cuốn tiểu thuyết hoàn toàn thuộc về nội tâm, đi ra ngoài quỹ đạo đấu tranh xã hội, viết về Hạnh, một người có cảm tưởng mình là kẻ sống thừa, không ai cần, Hạnh là cái gai mà mọi người đều muốn nhổ đi, ngay từ khi chào đời. Lúc sinh ra, suýt làm mẹ chết, bác sĩ hỏi người bố: mẹ hay con, cứu ai? Người bố trả lời: cứu mẹ. Không may cho ông ta, bác sĩ cứu được cả hai, vì thế anh có cái tên rất hay là Hạnh có nghiã là hạnh phúc chia đôi, lấy một nửa.

Rồi trong cuộc đời, "người ta" cũng áp dụng cái ý nghiã sâu sắc ấy. "Người ta" ở đây là người bố, vẫn chỉ lấy một nửa tốt là người mẹ; còn anh, anh là nửa xấu, đáng lẽ đã bị bỏ đi, chẳng may rớt lại, thành thừa: Một đứa con thừa trong gia đình, thì còn nói được gì nữa. Nhưng chỉ thừa đúng lúc anh sinh ra thôi, bởi vì mẹ anh vẫn tiếp tục đẻ những đứa em khác, chúng được thương yêu, chiều chuộng. Anh là kẻ suýt làm bà mất mạng, là đứa con thừa, không đáng sống, phải ngồi ngoài lề. Sự sống thừa khiến Hạnh trở thành một đứa bé sợ sệt, vụng về, làm gì cũng không đúng, không hợp ý, cũng sợ bị chê, bị đòn, trở thành một đứa bé đầy mặc cảm, tưởng mình là đồ bỏ.

Rồi Hạnh cũng đỗ ra trường, cũng đi dạy học. Hạnh chọn một tỉnh xa để khỏi phải về nhà ăn lãnh đạm thay cơm.

Một hôm, trên đường đến trường, anh bị ngã xe đạp, được chở vào một trại cam, anh tỉnh dạy trên chiếc giường tây, với sự săn sóc dịu dàng của bà chủ, đẹp và sang. Anh như ngây ngất, không ngờ lại có một thứ người đẹp, sang và tử tế như thế... họa là trên cung quảng. Anh đã sống những ngày thần tiên hạnh phúc, lúc đó anh mới nắm được cả phần hạnh phúc và biết rõ tên anh có nghiã như thế nào.

Rồi anh cũng phải khỏi. Rồi anh phải trở lại cuộc sống bình thường... Một hôm anh quyết định đi xe về trại cam, gặp lại ân nhân để ngỏ lời tri ơn, để ôn lại những phút giây hạnh phúc. Rất may, nàng đang ngồi cạnh cửa ấp mua rau, anh đi qua ngả mũ chào, nàng ngẩng lên gật đầu rồi lạnh lùng cúi xuống... không nhận ra anh.

Hạnh là cuốn truyện cay đắng nhất của Khái Hưng, chủ đề còn mới đến bây giờ, vì có mấy ai để ý thám hiểm nội tâm của một người thừa sâu sắc như thế. Khái Hưng đi theo đường dây thần kinh của Hạnh, ghi lại mỗi cảm giác, mỗi hoang tưởng, mỗi xúc phạm, mỗi hiểu lầm. Ông đo hiệu quả của tàn ác, của vô tình, trên trái tim bầm dập thương tích từ thủa sơ sinh của Hạnh.

Hai năm trước, ông viết truyện ngắn Đợi chờ cực kỳ thơ mộng về một mối tình chưa ngỏ nhưng không tắt theo thời gian, làm người đọc thẫn thờ vì một lời kết buông lỏng: "Cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về". Vẫn trung thành với ý tưởng phản biện chính mình, ở đây, Khái Hưng chống lại sự chung tình miên viễn, bằng sự vô tình, vô cảm không thuốc chữa của loài người như một điều bình thường, và sự đợi chờ những đồng cảm không đến, ở Hạnh, mới là một trạng thái bệnh lý.

 

 

 

Đẹp, NN số 185, do Ái Mỹ vẽ

Đẹp là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Khái Hưng in trên Ngày Nay, từ số 169 (8-7-39) đến số 201 (2-3-40), hoàn toàn dành cho nghệ thuật. Chỉ qua mấy trang đầu, ta đã nhận ra chân dung Nguyễn Gia Trí trong vai Nam. Phải chăng Đẹp là một mảnh đời Nguyễn Gia Trí được tiểu thuyết hoá, Khái Hưng viết tặng bạn cũng như Tô Ngọc Vân viết bài Nguyễn Gia Trí và sơn ta, in trên Ngày Nay số 146 (21-1-39)[8], vào lúc Nguyễn Gia Trí lên đường làm cách mạng?

Tác phẩm lồng Nguyễn Gia Trí trong mối tình không phân chia tuổi tác giữa Nam, họa sĩ và Lan, con gái bạn mình.

Nam, sống vì hội họa theo cả nghiã đen lẫn nghiã bóng:

"Vẽ là vẽ. Đó là nguyên tắc của chàng về hội họa. Được vẽ là đủ rồi, là chàng sung sướng rồi, chàng không cần phải hỏi và phải biết: Vẽ để làm gì? Nhiểu lần, một bức tranh vừa ráo sơn, vì không sẵn có khung căng vải, chàng quả quyết trát trắng đi để vẽ bức khác. Mà không phải bức trước không có giá trị. Chàng thường nói với bạn: "Một bức tranh chỉ có giá trị khi mình còn đương vẽ. Vẽ xong, nó là cái khung vải bôi sơn. Đem bán, đem cho, hay đem vứt đi cũng thế thôi." (trang 7)

Nam là thứ người đặc biệt, với bộ râu quai nón và tính đãng trí khác người:

"Cái tính đãng trí của chàng có lẽ cũng là một hình trạng của lòng dửng dưng đối với đời. Nam không cho một cái gì ở đời là quan trọng, kể cả hội họa. Chàng vẽ như con chim hót. Con chim nó hót, để hót, nào nó có cho tiếng hót của nó là quan trọng? Nhưng ở đời có một thứ mà chàng dửng dưng nhất, mà chàng khinh bỉ nhất, khinh bỉ mà vẫn phải cần đến, và vì phải cần đến mà lại càng khinh bỉ: Đó là tiền".

Nam lục đục với ông giám đốc trường mỹ thuật chỉ vì một bức tranh: Một khách du lịch Hoa Kỳ đến thăm trường, lưu ý đến bức tranh lụa của chàng và hỏi mua. Ông giám đốc gọi chàng đến trao cho chàng hai trăm bạc, và bảo chàng phải vẽ lại đền trường, bức y hệt thế. Chàng trả lời:

"- Vẽ lại những bức đã vẽ rồi thì chán lắm!

Ông giám đốc mỉm cười:

- Chán, nhưng đã được hai trăm bạc tiêu!

Nam làu nhàu:

- Hai trăm bạc! Nhưng tôi có muốn bán đâu?

Bắt đầu từ hôm ấy, ông giám đốc đem lòng ghét Nam. Ông cho chàng kiêu căng tự phụ. Có lẽ vì thế mà năm ấy, thi lên lớp, Nam trụt từ thứ nhất xuống thứ ba." (trang 8-9).

Đẹp cung cấp cho ta những giai thoại về Nguyễn Gia Trí. Giai thoại trên đây phù hợp với chuyện thường được nghe kể lại: ông giám đốc ghét Nguyễn Gia Trí, nên khi có khách đến trường xem tranh, ông cho cất tranh của Trí đi. Vậy, ông cất đi, chỉ vì sợ khách đòi mua, Nguyễn Gia Trí lại hục hặc với ông.

Nhiều đoạn khác trong Đẹp ghi lại tiểu sử, tính tình của Nguyễn Gia Trí:

"Cái tính ghét tiền, không bao giờ chàng bỏ được, mặc những lời chê trách của các bạn và anh chàng. Chàng có một người anh làm giáo sư yêu chàng như bà mẹ yêu con nuông. Xưa nay chàng vẫn ở chung với anh. Cho tới ba năm gần đây, công việc bề bộn quá, chàng mới chịu thuê riêng một cái nhà ở làng Yên Phụ để làm phòng vẽ và xưởng thợ. Vì từ ngày tạm bỏ sơn dầu và lụa để chuyển làm sơn ta, thì chàng có rất nhiều khách hàng phần đông là người Âu. Bất đắc dĩ, chàng phải thuê thợ, đó là một điều làm chàng khó chịu. Vì có lúc chàng cáu kỉnh thấy mình trở thành một ông chủ thầu hơn là một nghệ sĩ."

Người anh này là giáo sư Nguyễn Gia Tường, xưởng thợ này có lẽ là xưởng vẽ Quần Ngựa.

Đoạn dưới đây có thể làm tài liệu để hiểu về kỹ thuật sơn mài của Nguyễn Gia Trí:

"Ông giáo G. thầy học yêu mến của Nam, viết một bài phê bình đăng báo để ca tụng học trò, nói Nam đã nâng sơn Việt Nam lên bực "đại nghệ thuật". Phe phản đối chẳng chịu yên lặng. Họ công kích Nam kịch liệt, nói Nam làm mất hẳn giá trị và ý nghĩa của sơn Việt Nam, cái ý nghiã và giá trị trang hoàng của nó. Và để đánh đổ cái thuyết của ông giáo kia, họ nêu ra một họa sĩ chuyên vẽ sơn Việt Nam đã nổi danh khắp thế giới, ông Dunant: Ông Dunant không vẽ rập rạp, tỉ mỉ như Nam bao giờ.

Anh em bạn Nam giục Nam trả lời, Nam chỉ cười  và đáp lại vui vẻ:

Tôi vẽ cho tôi, chứ tôi không vẽ cho ông Dunant đâu!

Bức bình phong ấy chàng bán được ngay, bán theo giá trường Mỹ thuật đã định. Chàng mừng rỡ bảo anh em:

- Hòa vốn, may quá!

Thế là chàng dùng ngay tiền nhận được để làm bức bình phong thứ hai. Bức bình phong ấy có lẽ trong một năm nữa sẽ hoàn thành. Vì cách chàng làm việc khác hẳn người thường, làm việc để làm việc không cần mau, chậm: Thời ấy chàng chưa mượn thợ. Chàng vẫn nói: "Làm sơn ta sướng hơn làm sơn dầu. Có nhiều cái bất ngờ lắm. Mà cái bất ngờ bao giờ cũng đẹp, cũng đẹp hơn cái mình định trước."

Ai đã nhìn chàng mài than một bức sơn mới hiểu câu nói của chàng là đúng. Có khi sau hàng giờ, nét vẽ mới thành hình. Từ lúc ấy họa sĩ phải gượng nhẹ: Tùy mình mài sâu hay nông, nền mầu sẽ hiện ra nhạt hay sẫm. Tới một màu ưng ý, chàng nghiêng nghiêng tấm gỗ ngắm nghía, miệng lẩm bẩm:"Pas bête! Pas bête!"[9] Rồi thét vang, rồi hát ầm nhà. Hôm ấy, thế nào chàng cũng tìm bạn thân, nhất là Ngọc, đến xem cái màu lạ lùng, "sung sướng" kia. Và thế nào Ngọc cũng khen không tiếc lời: "Ngon lắm, anh ạ. Trời ơi! C'est charnu! C'est bon à croquer! C'est sensuel![10] Nam yên lặng mỉm cười, bẽn lẽn như đứa trẻ đứng im cho người mẹ vuốt ve, âu yếm. Về sau Ngọc nói:

- Còn đợi gì mà không ăn mừng?

Thế là hai người đưa nhau đi cao lâu.

Nhờ bài phê bình của ông giáo, nhiều người Âu biết chuộng tài Nam, đến đặt tranh nhà Nam. "Thế mới chết chứ!" Đó là câu nửa bỡn cợt, nửa thành thực mà Nam thốt ra với anh em bạn, khi ông giáo cũ đưa tin cho biết có nhiều người đặt "hàng". Chính từ đó Nam bắt buộc phải mở xưởng riêng ở Yên Phụ. Và cũng từ đó chàng bận tíu tít quanh năm, vì khách hàng một ngày một thêm đông. Các người Âu giàu sang hình như đua nhau có một bức bình phong sơn bày trong nhà."(Trang 10-12)

Ông giáo G. chẳng cần suy nghĩ lâu, ta cũng đoán là ông Inguimberty, người thày mà Gia Trí rất mực quý mến. Ngọc bạn thân chính là họa sĩ Tô Ngọc Vân. Khái Hưng lấy một chữ trong tên, như G trong Inguimberty, Ngọc trong Tô Ngọc Vân.

Mục đích ghi lại tiểu sử Nguyễn Gia Trí đã rõ ràng, còn về cuộc tình chênh lệch tuổi tác giữa Nam và Lan có lẽ cũng không hoàn toàn hư cấu: Họa sĩ yêu con gái bạn ư, ai? Con gái Nhất Linh chăng? Chỉ Nhất Linh mới có con gái lớn. Nhưng không thể biết chắc được, chỉ có thể đoán đó là lý do tại sao Nguyễn Gia Trí sống độc thân lâu như vậy.

Bây giờ ta đọc Đẹp như một cuốn tiểu thuyết.

Khái Hưng diễn tả cuộc đời của một họa sĩ mà cái đẹp đã đi vào tâm hồn, vào tư tưởng, biến thành luồng dưỡng khí để thở, để sống và để yêu. Bé Lan thông minh, khôn sớm, yêu "chú Nam" từ lúc tám tuổi. Rồi gia đình Lan dọn nhà, xa chú mấy năm. Găp lại, Lan đã lớn, Lan ngượng, không dám gọi chú, mà gọi ông, xưng con, rồi dần dần Lan bỏ chữ con, xưng em... Mối tình tiệm tiến, Lan đi trước, dẫn đường cho "chú Nam". Thoạt tiên Nam chỉ coi Lan như một "cái đẹp" như bao nhiêu cái đẹp khác mà chàng đưa vào tranh, và chàng không phân biệt rõ giữa Lancái đẹp, có khoảng cách gì, như thế nào, chàng yêu Lan hay yêu cái đẹp.

Với Đẹp, Khái Hưng trở lại với sự trẻ trung, nhẹ nhàng có từ Hồn bướm mơ tiên, quên đi những tác phẩm có màu sắc tranh đấu xã hội, để bước vào một thứ hạnh phúc nhẹ nhàng như nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí.

Đẹp là một cuộc đối thoại dài giữa Nam và Lan, một nghệ sĩ và một người yêu nghệ sĩ, nhưng chưa chắc đã là hai người tri kỷ. Khái Hưng ghi lại ở đây những mẩu trò truyện với Nguyễn Gia Trí về cái dẹp, về quan niệm hoàn tất một bức tranh, về sự khó khăn khi đi tìm cái đẹp...

Lan chính là Khái Hưng, người trò truyện, trá hình là gái. Nam, trong cuộc đối thoại này, đã chỉ cho ta những cái đẹp lặn trong đôi mắt người con gái, trong làn tóc, đôi môi, trong nụ cười, trong sự ngây thơ, trong một câu nói đùa, trong mầu xanh biếc họa sĩ vừa tìm thấy, trong đoá hoa mới nở trong vườn, trong tia sáng lùa trên kẽ lá...

Thiêng liêng nhất, Đẹp còn là tình bạn kết tinh như một tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta chỉ nghiệm thấy trong khối Tự Lực văn đoàn, ở đây Khái Hưng tung Nguyễn Gia Trí lên, như một cái đẹp toàn diện. 

(Còn tiếp)
Thụy Khuê

thuykhue.free.fr

Đọc thêm về Khái Hưng


 

[1] Có ba người tên Nguyễn Đức Nhuận: Nguyễn Đức Nhuận  (1900-1987) Bút Trà, chủ nhiệm sáng lập báo Sài Thành, rồi Sài Gòn, sau đổi thành Sài Gòn Mới; Nguyễn Đức Nhuận (1901-1970) tức nhà văn Phú Đức và Nguyễn Đức Nhuận (1900-1968), chủ nhiệm Phụ Nữ Tân Văn. (Theo Thiện Mộc Lan, Phấn son tô điểm sơn hà, nxb Văn Hóa Sài Gòn và Công ty sách Thời Đại, 2004, trang 9).

[2] Thiện Mộc Lan, Phấn son tô điểm sơn hà, nxb Văn Hóa Sài Gòn và Công ty sách Thời Đại, 2004, trang 15-18.    

[3] Nguyễn Ngu Ý, 100 năm báo chí Việt nam: Báo chí hôm qua, 1865-1954, Bách Khoa số 217 (15-1-1966), số kỷ niệm 100 năm báo chí Việt Nam, trang 29.

[4] Theo Thiện Mộc Lan, sđd, trang 16.

[5]Dưới bóng tre xanh, in trên NN từ số 1 (30-1-35) đến số 13 (21-5-35), truyện đang in dang dở thì ngừng, rồi không in tiếp nữa.

[6] Gia Đình, NN số 30,18-10-36, sách do nxb Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 2001, trang 8 . Chúng tôi dùng bản đã in thành sách, Khái Hưng có sửa đổi đôi chút.

[7] Thoát ly, bản Đại Nam chụp lại ở Mỹ, không đề năm, trang 13.

[8] Xem chương: Trường Mỹ thuật Đông Dương, phần II.

[9] Không tệ! Không tệ!

[10] Có da có thịt lắm! Ngon lành lắm! Gợi cảm lắm!

 

 

 


© 2021 Thụy Khuê