Tự Lực văn đoàn

Văn học và cách mạng

 

35- Con đường cách mạng

 

Trước khi tìm hiểu hoạt động cách mạng của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí, ta cần nhìn qua tình hình chung của Việt Nam Quốc Dân Đảng, sau cuộc khởi nghiã Yên Bái. Việt Nam Quốc Dân Đảng gần như bị tiêu diệt năm 1930, những người sống sót, phải lui vào bóng tối hoặc chạy sang Tàu.

Theo Hoàng Văn Đào, người đầu tiên đứng ra tổ chức đảng ở hải ngoại là Nguyễn Thế Nghiệp [đã từng giữ chức phó chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng, bên cạnh Nguyễn Thái Học]. Nguyễn Thế Nghiệp bị bắt đầu năm 1929, cùng lúc với Nhượng Tống, sau vụ ám sát Bazin. Ông dùng kế thoát ra ngoài, thiết lập tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Côn Minh từ cuối tháng 9 năm 1929, với danh xưng: "Việt Nam Quốc Dân Đảng Vân Nam Đệ Nhất Đạo"; đoạn ông cử người về báo cáo với đảng trưởng Nguyễn Thái Học, đự định đem quân từ Văn Nam về tiếp cứu Yên Bái trong ngày Tổng khởi nghiã, nhưng không kịp. Vân Nam Đệ Nhất Đạo hoạt động hữu hiện khiến Pháp, qua chính phủ Vân Nam, tìm cách đàn áp, Nguyễn Thế Nghiệp và các đảng viên phải lẩn trốn ở Mông Tự, Mường Là.

Ngày 20-6-1930, Vũ Văn Giản [chỉ huy cuộc nổi dậy ở Hải Phòng, Kiến An, cùng Nguyễn Văn Chấn và Phạm Văn Tình trong Tổng khởi nghiã], trốn sang Côn Minh, đổi tên là Vũ Hồng Khanh, lập lại đảng, được cử làm Đạo Bộ Trưởng, thay thế Nguyễn Thế Nghiệp. Sau Nguyễn Thế Nghiệp trở về, giữ công tác Ngoại Vụ.

Tóm lại, sau khởi nghiã Yên Bái, Việt Nam Quốc Dân Đảng hoạt động trở lại tại hải ngoại với danh xưng "Việt Nam Quốc Dân Đảng Vân Nam Đệ Nhất Đạo" dưới sự lãnh đạo của Vũ Hồng Khanh (Vũ Văn Giản).

Tại Việt Nam, năm 1938, Nguyễn Tường Tam, lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt Dân Chính.

Năm 1939, Trương Tử Anh (1914-1946), lập ra Chủ nghiã Dân tộc Sinh tồn Đại Việt Quốc Dân Đảng với những thành viên cũ của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Ba chính đảng quốc gia này sẽ hợp nhất với nhau cuối năm 1944, và sẽ có vai trò quan trọng trên chính trường Việt Nam trong hai năm 1945- 1946. 

Chương Con đường cách mạng của nhóm Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí, sẽ chia làm bốn phần:

I- Chuẩn bị lên đường.

II- Thành lập đảng.

III- Nhất Linh xuất ngoại.

IV- Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí bị bắt.

 

***

I- Chuẩn bị lên đường

 Xếp bút nghiên

Trở lại năm 1937, về phía Tự Lực văn đoàn, ngoài hoạt động văn chương và báo chí, tháng 7-1937, Hội Ánh Sáng được thành lập. Hội Ánh Sáng là tổ chức làm nhà rẻ tiền cho dân nghèo. Tối 16-8-37, Nguyễn Tường Tam làm lễ ra mắt, diễn thuyết tại Nhà Hát Lớn Hà Nội về ý nghiã xã hội của Hội Ánh Sáng.

Việc cổ động gây quỹ cho Nhà Ánh Sáng có thể là một giải pháp để Nguyễn Tường Tam đi sâu vào quần chúng, bằng những buổi hội họp, diễn thuyết, tổ chức văn nghệ quyên tiền tại các tỉnh mà không bị phòng nhì Pháp chú ý.

Hai tuần sau khi Nhất Linh diễn thuyết ở nhà Hát Lớn, báo Ngày Nay số 74 (29-8-37) bắt đầu đăng loạt bài Vấn đề thuộc địa của Hoàng Đạo, và in những biếm họa của Nguyễn Gia Trí, chỉ trích mạnh mẽ chính sách thực dân. Hai hoạt động này đi đôi, đều lợi dụng việc chính phủ Bình Dân đang cầm quyền ở  Pháp, có chính sách nới rộng với thuộc địa. Quyết định lập đảng của Nhất Linh cũng ở trong vòng "tự do" này.

Một tháng sau, Nhất Linh không còn là Giám đốc tờ Ngày Nay, Khái Hưng thay thế với dòng chữ sau đây trên đầu báo số 78 (26-9-37): Nguyễn Tường Tam, Sáng lập chủ nhân. Trần Khánh Giư, Giám Đốc. Nguyễn Tường Lân, Quản lý.

Hai tuần sau, Nhất Linh rút hẳn tên mình, Ngày Nay số 80 (10-10-37) đề: Giám đốc Trần Khánh Giư.

Hơn bốn tháng sau, trên Ngày Nay số 99 (27-2-38), rút cả tên Trần Khánh Giư. Chỉ đề: Ngân phiếu gửi về M. le Directeur du Ngày Nay.

Và Ngày Nay, kể từ số 147 (28-1-39), Nguyễn Gia Trí cũng rút ra, Tô Ngọc Vân thay thế và ở lại đến số chót 224 (7-9-40).

Vậy ta có thể tin rằng:

Kể từ tháng 2-1938, Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí, đã rút vào "bóng tối" để lập "hội kín" Hưng Việt (viết tắt của Việt Nam Hưng Quốc Cách Mạng Đảng), sau đổi thành Đại Việt Dân Chính).

Tuy vậy, khó tìm thấy một tài liệu nào ghi ngày thành lập đảng Hưng Việt, rồi khi nào đổi thành Đại Việt Dân Chính? Nguyễn Tường Bách chỉ viết qua bối cảnh năm 1938 Nguyễn Tường Tam lập đảng, nhưng không viết rõ ngày tháng:

"Bỗng một hôm [trong năm 1938] anh Tam rủ tôi ra ngoài sân nhà báo nói chuyện. Anh nói vắn tắt là anh đã thành lập một đảng bí mật, mục đích là đấu tranh cho độc lập, phế bỏ chế độ vua quan, lập nên một nước Cộng hòa và hy vọng tôi tham gia. Sự đó không làm tôi ngạc nhiên vì tôi đã nghe nói qua, cũng rất tán thành. Song lúc đó về cách mệnh hay chính trị thì tôi rất ấu trĩ nên cũng không hỏi thêm về chi tiết nữa."[1]

Nếu dựa vào ngày Nhất Linh, Khái Hưng đều rút tên ra khỏi Ngày Nay (số 99, 27-2-38), ta có thể tạm xác định rằng Nhất Linh, Khái Hưng đã quyết định lập đảng từ ngày 27-2-1938.

 

Lý thuyết của Hoàng Đạo

Hoàng Đạo có lẽ đã sửa soạn việc lập đảng từ trước, ít nhất là từ tháng 8-1937, và trong hai năm rưỡi, ông đã giải thích và trình bày chính sách "đập tan chế độ thuộc địa" của ông và đảng ông, qua bốn loạt bài đăng trên Ngày Nay từ tháng 8-1937 đến tháng 1-1940, đó là: Vấn đề thuộc địa, Chính trị và đảng phái, Vấn đề cần lao, Công dân giáo dục[2]

Bốn chủ đề này họp thành toàn bộ lý thuyết của Hoàng Đạo, về cuộc cách mạng chống Pháp, giải phóng dân tộc.

Lập thuyết này được hình thành trong gần hai năm rưỡi (từ tháng 8-37 đến tháng 1-40), chứng tỏ Hoàng Đạo không rời cơ quan ngôn luận Ngày Nay, ông giữ nhiệm vụ công khai tuyên truyền lý thuyết của đảng trên tờ báo này, trong khi Nhất Linh, Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí đi vào "bí mật".

Chúng tôi xin nhắc lại hai điểm quan trọng trong lập thuyết của Hoàng Đạo:

1- Theo con đường của Tôn Dật Tiên:

Cùng trong cảnh đất nước bị người Âu chiếm đoạt, những gì Tôn Văn thực hiện cho nước Tàu, có thể áp dụng được cho nước Việt.

2- Theo chủ nghiã Xã hội: Hoàng Đạo giải thích:

"Chủ nghiã xã hội, mới phát sinh được gần một thế kỷ -tôi muốn nói chủ nghiã xã hội duy vật- đã được nhiều người, rất nhiều người hưởng ứng. Là vì chủ nghiã ấy lập luận chắc chắn khiến cho kẻ trí thức nhận rõ tính cách khoa học của chủ nghiã ấy, lại vì chủ nghiã ấy nêu ra sự bình đẳng cho cả nhân loại, khiến cho giai cấp thợ thuyền và những giai cấp thấp bé  thường bị đè nén trong xã hội nức lòng coi như con đường thoát ly ra khỏi vòng lao lung. (...) Ngoài ra, ta còn có thể nói rằng chủ nghiã ấy ảnh hưởng rất lớn ở bốn nước Suède, Norvège, Danemark và Finlande, bốn nước sung sướng trên hoàn cầu" (NN số 114, 12-6-38).

Vì vậy, Hoàng Đạo đã lựa chọn một chính thể dân chủ xã hội kiểu Tây phương cho Việt Nam.

Nhưng có sự khác biệt trong quan niệm cần lao của Hoàng Đạo và cần lao của Tây phương:

Cùng là sự người bóc lột người, nhưng đảng Xã hội Tây phương nhấn mạnh đến giai cấp tư bản bóc lột giai cấp lao động, còn đối với Hoàng Đạo, là sự tranh đấu kép:

- của giai cấp tiểu tư sản lao động chống lại giai cấp đại tư bản.

- của giai cấp bị trị chống lại giai cấp thực dân.

Một bên là người cùng một dân tộc tranh đấu với nhau vì giàu nghèo khác biệt.

Một bên là người khác dân tộc, tranh đấu để lấy lại quyền dân tộc tự quyết và quyền làm người.

Cuộc tranh đấu sau chính là cuộc tranh đấu của những nước bị đô hộ chống lại bọn thực dân, và cũng là trường hợp của nước Tàu và nước Việt.

Lý thuyết của Hoàng Đạo đăng trên báo Ngày Nay, từ tháng 8-37 đến tháng 1-40, chính là chủ thuyết của đảng Đại Việt Dân Chính.

Còn bản Chương trình hành động do Nhất Linh thảo ra cùng Tờ tuyên cáo quốc dân, được Khái Hưng nhắc đến trong tiểu thuyết Xiềng xích (sẽ nói đến ở dưới) hiện không còn dấu vết.

 

Bản tuyên ngôn của Đại Việt Quốc Gia Liên Minh

Một tài liệu khác mang tên:

Ký trình[3]

Ngày giờ đã khẩn cấp!

Báo Cáo - Cống hiến ý kiến - Yêu cầu.

 

được Nguyễn Tường Tam viết, khi ông ở Trung quốc, không đề ngày tháng. Nhưng có thể đoán là trong thời điểm 1941-1942, khi Lý Đông A chưa về lại Việt Nam.

Tài liệu này được viết với chủ đích: "Thống nhất các đảng phái quốc gia" dưới một chủ nghiã duy nhất: Duy dân (tức chủ nghiã Phan Bội Châu đổi mới) một chỉ huy, một lá cờ, một đảng ca.

Đây là tài liệu nội bộ. Dùng nhiều mật mã (chữ và số) mà người ngoài không thể hiểu. Nội dung gồm 7 điểm được đánh số từ A đến G:

A- Việc thống nhất các đảng phái quốc gia.

B- Đối ngoại

C- Đối nội

D- Tổ chức

E- Huấn luyện

F- Tuyên truyền

G- Kinh tế

Ở dưới ký tên:

Hải ngoại chấp hành bộ

Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, Lý Đông A và một nhân vật nữa, ký tên tắt.

Nguyễn Tường Tam là đại diện Đại Việt Dân Chính, Nghiêm Kế Tổ[4] đại diện Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, Vũ Hồng Khanh, đại diện Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lý Đông A, đại diện Đại Việt Duy Dân và người ký tên tắt chắc thay mặt Trương Tử Anh, đại diện Đại Việt Quốc Dân Đảng.

Liên minh này sẽ lấy chủ nghĩa Duy dân, tức là chủ nghiã Phan Bội Châu đổi mới làm "căn bản lý tưởng và thực hành". Điều này dễ hiểu vì Lý Đông A là môn đệ của Phan Bội Châu. Và bản Ký trình còn ghi rõ: Hai lý thuyết Sinh hoạt quân bình [của Lý Đông A] và Dân tộc sống còn [của Trương Tử Anh] bắt đầu từ nay sẽ đổi thành Duy Dân chủ nghiã.

"Ngoài này [bên Tàu] sẽ lập Duy Dân học xã để nghiên cứu, thảo sách, và gửi về. Trong ấy [trong nước] cũng lập Duy Dân học xã, lấy cuốn Sinh hoạt quân bình và tiếp hợp với anh A (tìm ở 64) lấy tài liệu nghiên cứu cho rộng rãi đầy đủ hơn (B và C và D cùng thương thảo ngay đi".[5]

Theo bản Ký trình này, thì tất cả các đảng phái trong Đại Việt Quốc Gia Liên Minh đều phải bỏ lý thuyết riêng của đảng mình để "hòa hợp" với chủ nghiã Duy Dân, tức là chủ nghiã Phan Bội Châu đổi mới. Và chủ nghiã này sẽ lấy cuốn Sinh hoạt quân bình [của Lý Đông A] tiếp hợp với anh A [Trương Tử Anh?] để làm tài liệu tham khảo.

Lúc này Nguyễn Tường Tam đang ở Tàu, không có Hoàng Đạo bên cạnh. Vậy lý thuyết "hợp nhất" này không có sự tham gia của Hoàng Đạo.

 

Tiểu thuyết Xiềng xích

 

Tiểu thuyết Xiềng xích, Ngày Nay Kỷ nguyên mới số 3

Sự thành lập đảng Hưng Việt, viết tắt của Việt Nam Hưng Quốc Cách Mạng Đảng, do Nhất Linh chủ xướng, nhưng sau đó, Nhất Linh, Khái Hưng thống nhất với nhau khi quyết định hành động.

Khái Hưng viết lại hành trình này trong tiểu thuyết Xiềng xích (1945) cũng như ngày trước ông đã viết lại hành trình thành lập Phong Hoá trong tiểu thuyết Những ngày vui (1936).

Vì chưa tìm ra tài liệu nào khác phản ảnh lại thời kỳ này, nên chúng tôi dùng tiểu thuyết Xiềng xích của Khái Hưng làm tư liệu tham khảo chính.

Xiềng xích là một trường thiên tiểu thuyết, đăng trên báo Ngày Nay Kỷ nguyên mới từ số 1 (5-5-45). Tờ báo này chỉ ra được tới số 16 (18-8-45), tức là một ngày trước khi Việt Minh lên năm chính quyền (19-8-45) là ngừng. Bộ sưu tập điện tử mà chúng tôi dùng, thiếu ba số 5, 6 và 7, đúng vào đoạn Khái Hưng bị bắt. Do đó, chúng ta chỉ có một phần nhỏ của cuốn trường thiên tiểu thuyết Khái Hưng đang viết dở. Sự bất hạnh về tài liệu là ở đó. Tuy nhiên, phần nhỏ này, cũng đã cho ta một số thông tin hiếm quý.

Các nhân vật chính trong truyện là: Ái (Khái Hưng), Lực (Nhất Linh), Linh (Hoàng Đạo) và  Tiến (Nguyễn Gia Trí).

Tác phẩm bắt đầu bằng cuộc đi trốn của Ái (Khái Hưng), sau khi biết tin Linh (Hoàng Đạo) và Tiến (Nguyễn Gia Trí) bị bắt; thỉnh thoảng tác giả quay ngược lại quá khứ, cho ta biết về sinh hoạt của nhóm, về tư tưởng, tính tình, của ba người bạn thân. Đặc biệt Khái Hưng nói rõ động lực nào khiến Nhất Linh cực lực chống Pháp, đồng thời chứng tỏ việc lập đảng là tất yếu.

 

***

 

II- Thành lập đảng 

Động lực chống Pháp của Nhất Linh

Như trên đã nói, đảng Hưng Việt có thể đã được thành lập vào cuối tháng 2-1938, và được tổ chức như một hội kín.

Tháng 9-1940, khi nghe tin quân Nhật đánh vào Lạng Sơn, Lực (Nhất Linh) nói với các bạn:

"- Trong đời tôi có ba lần tôi sung sướng: lần thứ nhất khi được tin Nguyễn Thái Học hạ thành Yên Bái, tuy đó chỉ là một tin mong manh, lần thứ hai là khi xem báo thấy thành Paris lọt vào tay quân Đức, và lần thứ ba là lần này, lần thất bại cuối cùng của thực dân Pháp.

Dứt lời Lực phá lên cười vui thú, rồi lôi Ái [Khái Hưng] và Linh [Hoàng Đạo] đi uống rượu. Ra đường gặp người Pháp nào chàng cũng mỉa mai mỉm cười. Và khi ngà ngà say, chàng bảo hai bạn:

- Người Pháp là cừu địch của ta gần một thế kỷ nay. Nhưng ta tốt bụng một cách hèn nhát, nên đã quá lãnh đạm đối với họ. Từ nay ta phải hết sức, cố gắng thù ghét họ và tuyên truyền sự thù ghét ấy trong dân chúng. Hai anh nhớ ghi lấy điều ấy và phải đặt lên đầu bản chương trình hành động.

Quả nhiên khi thảo bản chương trình hành động, Lực đã không quên lời cốt yếu, bản chương trình mà bọn mật thám lai vừa tóm được ở nơi trụ sở của đảng, như người ta đã báo cho Ái biết. Nhưng Lực, người thảo ra bản chương trình ấy thì chàng bặt hẳn tin tức. Lực hiện giờ ở đâu? Liệu có trốn thoát không? Ái lo lắng buồn phiền nghĩ đến Lực, linh hồn của sự hành động, nhất là trung tâm điểm của sự thù ghét người Pháp. Lực truyên truyền bài Pháp trong đám anh em và ở khắp các giới mỗi khi chàng gặp dịp, tuyên truyền không phải vì mục đích của đảng mà vì tính tự nhiên không sao kham nổi bọn thực dân kiêu căng và tàn ác ở đây. Lực tham dự vào một vài việc xã hội, nhưng tuy trong các công việc ấy, chàng là người quan trọng nhất, chàng vẫn không chịu nhận cái chức hội trưởng [hội Ánh Sáng]: chàng muốn tránh sự gặp mặt bọn đương chức người Pháp.

Ái mỉm cười nhớ tới người bạn quá kiêu ngạnh, kiêu ngạnh đến nỗi không thể đối diện tiếp chuyện một người Pháp, dù cần phải tiếp đến đâu cũng mặc.

Và Ái tưởng không bao giờ quên được câu tuyên ngôn quả quyết của bạn: "Đối với bọn họ không thân thiết cảm tình gì hết, đứng về phương diện xã hội cũng như đứng về phương diện cá nhân họ còn chiếm cứ đất nước ta, thì họ chỉ là kẻ thù của ta mà thôi". (...)

Một hôm, Lực đến toà báo -vì hai người cùng giúp việc một tờ báo- mặt đỏ bừng, chân tay run lên, hơi thở hổn hển. Ái tưởng bạn ốm, săn đón hỏi thăm, nhưng mãi năm phút sau Lực mới nói lên lời được. Và chàng rủa: "Quân khốn nạn!" Hỏi ra mới biết Lực gặp một người Pháp, đánh một anh phu xe xin thêm tiền. Lại một lần Lực và Ái cùng mấy anh em lên Chapa [Sapa] và định nghỉ mát hai tuần lễ. Nhưng hai hôm sau, Lực đã bỏ bạn ra về, duyên cớ chỉ vì chàng thấy viên cẩm Pháp ở đấy có tính hách dịch hay bắt nạt bọn dân lao động Việt Nam". (NN KNM, số 4).

Đoạn văn này cho ta biết rất rõ về Nhất Linh, vị đảng trưởng có "hành tung bí mật", về thái độ của ông đối với bọn thực dân. Sự căm thù kẻ cướp nước đã dẫn đến nỗi vui mừng khi ông nghe tin Paris lọt vào tay Đức và Lạng Sơn thoát khỏi tay Pháp. Những niềm vui này hoàn toàn có tính cách trả đũa: đáng kiếp cho kẻ xâm lược, chứ không thể coi là Nhất Linh theo Đức Quốc Xã hay theo phát-xít Nhật, như người ta lầm tưởng.

 

Buổi họp đảng đầu tiên

Khái Hưng nhớ lại buổi họp đầu tiên của đảng [Hưng Việt] ở nhà Nguyễn Gia Trí:

"Một gian phòng bề bộn, chứa đầy những bức tranh lụa, tranh sơn nhựa, những than, những vàng thếp, những vỏ trứng gà, trứng vịt, gian phòng hội họa của Tiến [Nguyễn Gia Trí]. Chính ở đó đã bắt đầu xây dựng đảng quốc gia của chàng. Và cái buổi tối hội họp thứ nhất vẫn còn ghi sâu trong ký ức chàng. Cũng như tiếng hát, tiếng âm nhạc các điã hát nhựa vẫn còn văng vẳng trong tai chàng. Vì đêm hôm ấy, trong khi ban trung ương bàn bạc chương trình hành động để chống người Pháp mà cướp lại nền độc lập và chương trình cải cách, kiến thiết một quốc gia tương lai thì ở phòng ngoài hai người ngồi canh luôn tay lên giây cho máy lưu thanh chạy.

Hôm ấy, Ái rất cảm động vì bản chương trình tỉ mỉ và đầy đủ do Lực thảo ra. Mà hôm nay tưởng đến, chàng vẫn còn cảm động: Anh em đã tha thiết nghĩ đến đồng bào từ việc nhỏ cho chí việc lớn, không quên một tí gì, từ cái ăn, cái mặc, nơi ở giản dị và nhất trí của toàn thể quốc dân cho chí môt chính thể nhân đạo và công bình trong phạm vi tự do, độc lập, nghiã là một lý tưởng tốt đẹp mà anh em vẫn thường mơ ước ngay từ khi chưa từng có ý tưởng gì tham gia vào cuộc cách mệnh chính trị". (NNKNM[6] số 3, 19-5-45).

Buổi họp đầu tiên này được tổ chức ngày nào, không thể biết được. Chỉ biết khi Đại Việt Dân Chính đã bị bại lộ, các thành viên lần lượt bị bắt, Khái Hưng ghi lại rất rõ các nhược điểm của đảng mình: ngây thơ, thiếu kinh nghiệm, nhưng ông vẫn tin tưởng rằng dần dần rồi sẽ có kinh nghiệm, lớp này thất bại, lớp sau sẽ đứng lên:

"Nhớ đến bản chương trình kiến thiết, và tờ tuyên cáo quốc dân sẽ đem ra đọc, Ái không khỏi chán ngán. Chàng và đám bạn chàng chỉ là những người có bàu nhiệt huyết, có chí hy sinh, và hết lòng tin tưởng vào tương lai, nhưng nay chàng nhận thấy hãy còn ngây thơ và bỡ ngỡ xiết bao!

Song chàng cũng quả quyết tin rằng kinh nghiệm sẽ đến và trong cuộc cách mệnh sau này, anh em sẽ khôn khéo và thiết thực hơn. Chàng coi như một giấc mộng vừa tan, tuy là một giấc mộng đẹp, khiến chàng đắm say không muốn tỉnh. Từ nay anh em phải luôn luôn làm việc trong thực tế, dù thực tế không đẹp bằng mộng và có khi còn gay go, khúc khủy nữa. Dẫu sao, chàng cũng không trách gì Lực, người đã dẫn dụ chàng vào con đường cách mệnh"  (NNKNM, số 4, 26-5-45)

Như vậy, các bản "chương trình hành động", "chương trình kiến thiết", "tờ tuyên cáo quốc dân"... đều đã thất lạc cả. Câu cuối cùng chứng tỏ Nhất Linh rủ Khái Hưng đi làm cách mạng, chứ không phải Khái Hưng chủ động.

Gia nhập đảng dù biết chắc là sẽ thất bại

Nhưng Khái Hưng, ngay khi vào đảng, đã biết sẽ thất bại, nhưng vẫn tiếp tục. Chẳng khác gì Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ ngày trước, dù biết tổng khởi nghiã là chết, nhưng không thể không làm. Đây là lý do tại sao:

"Vì chàng [Ái] đã biết, ngay khi vào đảng, rằng sự thất bại chiếm đến chín phần mười. Biết rằng thất bại mà chàng vẫn không ngần ngại, không lùi bước. Chàng cho rằng không bắt đầu thì không bao giờ có sự thay đổi cả; thà lùi còn hơn đứng một nơi mà dẫm dịp: Vả trong lịch sử cách mệnh, phải thất bại nọ chồng chất lên thất bại kia rồi mới thành công được. Vậy thì sự thất bại lần này, nếu quả đi đến thất bại, sẽ thêm một từng cho chồng thất bại, hay sẽ là một bước tới sự thành công.

Nhất định phải có tin tưởng ấy, nếu không, đời một người dân mất nước sẽ chỉ là những đêm  tối dài vô cùng tận trong một ngục tối mà không bao giờ sẽ lọt vào được một tia ánh sáng.

Những ý tưởng ấy, Ái thường ngỏ với Lực, và hai người quả quyết hành động khi tiếng súng đầu tiên nổ ở nơi biên giới"  (NNKNM số 4, 26-5-45).

Tiếng súng đầu tiên nổ ở biên giới: quyết định hành động

Vì họ đã quyết định như vậy, nên khi có cơ hội đầu tiên, họ đã nắm lấy ngay, đó là biến cố Pháp bị Nhật tấn công ở Lạng Sơn; Nhất Linh và Khái Hưng quyết định:

"Chàng nhớ hôm ấy hai anh em thức suốt một đêm bàn bạc về cái dịp độc nhất đã tới. Rồi mấy hôm sau khi quân đội Nhật Bản đã hạ xong thành Lạng Sơn, Lực sốt sắng đi tìm các bạn đồng chí. Chàng bảo Ái:

- Tôi có trực giác rằng chuyến này sẽ không phải là một tầng thất bại thêm lên chồng thất bại như anh tưởng, mà là sự thành công. Thành công! (NNKNM số 4, 26-5-45).

Sự tin tưởng của Lực thật mạnh mẽ sau một thời gian dài chờ đợi.

Biến cố Lạng Sơn nằm trong bối cảnh chung của tình hình thế giới và Việt Nam:

Đệ nhị thế chiến bắt đầu ngày 1-9-1939.

Ngay hôm sau, báo Ngày Nay lần đầu bị kiểm duyệt -sau hơn hai năm từ 1936 đến 1938, dưới thời chính phủ Bình dân hầu như không bị kiểm duyệt- trên NN số 177 (2-9-39), bỏ hẳn bài Hậu Tây Du của Hoàng Đạo và một trang khác. Sự kiểm duyệt này tiếp tục đến Ngày Nay số chót 224 (7-9-40).

Ngày 22-9-1940: quân đội Nhật từ Trung quốc, tràn qua biên giới Long Châu vào Việt Nam qua ngả Đồng Đăng. Máy bay Nhật bắn phá các mục tiêu Pháp trên bộ ngày từ 24-9, đến ngày 26-9, Nhật chiếm sân bay Gia Lâm, Pháp nhanh chóng đầu hàng.

Lợi dụng tình trạng khốn đốn của quân Pháp trong tháng 9-1940 ở Bắc Việt, Nhất Linh, Khái Hưng quyết định hành động. Nhưng không chỉ có một nhóm Đại Việt Dân Chính mà các nhóm  cách mạng chống Pháp khác cũng nổi lên trong dịp này, khiến chính quyền thuộc địa lo sợ và  có những biện pháp càn quét, sẽ nói rõ hơn ở dưới.

Tháng 9 năm 1940, sẽ là cái mốc quan trọng của đảng Đại Việt Dân Chính ở hai điểm: hành độngtan vỡ. Nhưng trước khi đi xa hơn, chúng ta cần nhìn lại vấn đề thân Nhật của một số đảng phái và chính khách Việt Nam, trong một thời gian dài bị kết án nặng nề, như thể: theo Tàu (Mao) là yêu nước, theo Nhật là bán nước.

Thân Nhật

Tự Lực văn đoàn và chính phủ Trần Trọng Kim, nếu chỉ kể hai tổ chức nổi tiếng nhất, mang tiếng là thân Nhật. Những "tiếng xấu" ấy có đúng hay không?

Trong thế kỷ XX, đối với Việt Nam, Nhật đã làm những gì?

Từ đầu năm 1905 đến cuối năm 1908, Nhật là nơi dung thân của bao nhiêu nhà ái quốc và bao nhiêu sinh viên du học? Nếu không có sự giúp đỡ của Nhật thì làm sao Phan Bội Châu có thể đào tạo được những thanh niên yêu nước, thấm nhuần tư tưởng và học thuật Nhật Bản, qua phong trào Đông du. Hơn ba mươi năm sau, trên báo Ngày Nay, Phan Bội Châu nhớ lại: "Trong lúc học sinh Đông du rất náo nhiệt, trường Đồng văn thư viện, trường Chấn võ học viện, vừa lớn vừa bé, đủ cả tam kỳ ước có hơn 400 người"[7]

Tháng 9-1908, chính phủ Nhật, vì lý do ngoại giao, ký với Pháp hiệp ước trục xuất sinh viên Việt Nam. Khuyển Dưỡng Nghị, giúp 50 vé tàu. Nhưng chủ yếu là Thiện Vũ Thái Lang (Miyazaki Torazo), người đã từng giúp đỡ, nuôi nấng, sinh viên du học và "khinh bỉ chính sách ngoại giao của chính khách Nhật", đã giúp Phan Bội Châu phương tiện tài chính để đưa hơn 400 sinh viên hồi hương hoặc sang Tàu, sang Xiêm. Phan Bội Châu đã viết lại toàn bộ nghiã cử của Thiện Vũ mà ông coi "hơn cha mẹ đẻ" trong cuốn Tự Phán[8] và trên báo Ngày Nay[9]

Mười năm sau, Phan Bội Châu quay lại Nhật Bản, Thiện Vũ đã qua đời, ông xây bia tưởng mộ có khắc những chữ: "Chúng tôi vì nạn nước chạy sang Nhật Bản, tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp chúng tôi trong lúc cùng khốn, rõ là một người kỳ hiệp... Thăm thẳm lòng này, trải muôn ngàn đời. Việt Nam Quang Phục đông nhân ghi[10]

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, trao lại nền độc lập cho vua Bảo Đại. Nhà vua cử học giả Trần Trọng Kim cầm đầu chính phủ.

Việc thành lập chính phủ, Trần Trọng Kim bàn với Hoàng Xuân Hãn, rồi trình danh sách lên vua Bảo Đại, ông ghi lại trong hồi ký Một cơn gió bụi như sau:

"Chừng mười giờ sáng ngày 17 tháng tư năm 1945, tôi đem danh sách ấy vào trình vua Bảo Đại. Vào đến nơi, tôi thấy ông YOKOHAMA tối cao cố vấn Nhật đã ngồi đó rồi. Ông thấy tôi vào liền hỏi: "Cụ đã thành lập chính phủ rồi à? Tôi nói: "Vâng, hôm nay tôi đem danh sách các bộ trưởng vào tâu trình Hoàng thượng  để Ngài chuẩn y".

Tôi đệ trình vua Bảo Đại, Ngài xem xong phán rằng: "Được". Khi ấy ông YOKOHAMA nói: "Xin cho tôi xem những ai". Ông xem rồi, trả lại cho tôi và nói: "Tôi chúc mừng cụ đã chọn được người rất đứng đắn". Sự thực là thế, chứ không như người ta đã tưởng tượng là người Nhật Bản bắt tôi phải dùng những người của họ đã định trước"[11]

Trong năm 1995, chúng tôi có dịp gặp và hỏi chuyện giáo sư Hoàng Xuân Hãn về nhiều vấn đề. Khi hỏi về thời kỳ ông làm Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim, giáo sư cũng cho biết: vị Khâm Sứ Nhật ở Huế không can thiệp vào bất cứ việc gì trong nội trị Việt Nam, ông nói trên đài RFI: "Tôi làm việc ít lâu ở đấy [Huế] thì thấy Yokohama là một ông rất đứng đắn, nghiã là có chuyện gì mình hỏi thì ông ấy giả nhời, ông ấy khuyên, chứ không khi nào ông ấy bảo mình làm việc này viêc kia. Chuyện thực là như thế "[12].

Chấm dứt nửa thế kỷ Khâm sứ Pháp thay vua chủ tọa Hội đồng Bộ trưởng (Cơ Mật Viện).

Học giả Trần Trọng Kim còn thuật lại việc ông ra Hà Nội[13] gặp ông Tsuchi- Hashi Yuitsu, Tổng Tư lệnh quân đội Nhật, kiêm quyền Toàn quyền Nhật ở Đông dương, để điều đình việc tiếp thu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn hạt Nam Bộ. Ông hẹn với Tsuchi- Hashi Yuitsu, ngày 8 tháng 8 ở Sài Gòn để tiếp thu Nam Bộ và ngày 15 tháng 8 tiếp nhận sở Hoả Xa và tất cả các công sở khác.[14]

Nhưng định mệnh chiến tranh đã làm thay đổi hẳn cục diện chính trị ở Việt Nam:

Ngày 6-8-1945, Hiroshima bị Mỹ bỏ trái bom nguyên tử đầu tiên: ước lượng từ 68.000 đến 140.000 người chết.

Ngày 9-8-1945, Nagasaki, nhận trái bom nguyên tử thứ nhì: ước lượng từ 35.000 đến 80.000 người chết.

Tổng cộng: từ 103.000 đến 220.000 người chết, thảm khốc kinh hồn. Không ai dám lên tiếng buộc Mỹ tội ác chống nhân loại. Muốn hiểu hậu quả của tội ác, phải tới thăm bảo tàng bom nguyên tử tại Nagasaki.

Đối với Tự Lực văn đoàn, và riêng đối với Khái Hưng, Nhật là một nước có văn hoá cao mà Khái Hưng khâm phục và ông có những người bạn Nhật tâm giao lâu đời, từ khi ông còn đang đi buôn sơn, chưa viết văn. Tôi cũng đã nhắc lại nhiều lần: hai truyện ngắn hay đầu tiên của Khái Hưng đều có nhân vật chính là người Nhật. Truyện Kong-Ko Đai-Jin, nói đến tinh thần võ sĩ đạo và truyện thứ hai Ada Kwaben có chủ đề sự mù quáng của lòng yêu nước trong tinh thần võ sĩ đạo. Khái Hưng cũng là người đầu tiên dịch Trà đạo của Nhật sang tiếng Việt, trên Ngày Nay.

Vì những lẽ đó, đối với Khái Hưng, Nhất Linh, Nhật là bạn của Việt Nam, và khi họ thấy quân Nhật tràn vào nước Việt qua ngả Lạng Sơn, uy hiếp quân Pháp, Nhất Linh Khái Hưng đã tin tưởng rằng: đây là lúc thời cơ đến, để lên đường đánh đuổi thực dân ra khỏi lảnh thổ.

Trong tình trạng mới, hy vọng một kỷ nguyên mới đang mở ra, Khái Hưng, Hoàng Đạo, lập lại báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới cùng với các bạn cũ trong Ngày Nay như: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Tú Mỡ, Trần Tiêu, Trọng Lang, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Nguyễn Tường Bách, và những bạn cùng chí hướng nhưng ở ngoài như Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hoạt, Vũ Đình Liên, Huyền Kiêu, Đoàn Văn Cừ... tất cả đều viết cho Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, với lập trường ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim.

 

***

 

III- Nhất Linh xuất ngoại

Trở lại năm 1939, khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền Pháp ở Đông Dương bắt đầu khép lại tự do, kiểm duyệt báo chí ngặt nghèo hơn trước, Ngày Nay có nhiều cột để trống, ghi hai chữ kiểm duyệt. Pháp bắt đầu truy nã các nhà cách mạng trong Nam ngoài Bắc.

Cũng từ năm 1939 này, Nhất Linh đã bắt đầu phải sống cuộc đời trong bóng tối. Tuy nhiên ông luôn luôn trốn thoát, Thế Uyên kể lại trong bài Người bác như sau:

"Mẹ tôi[15] kể lại những thủ đoạn chống Pháp của ông thời trước: hoá trang làm ăn mày, ông già, người say rượu, mê thổi kèn, để che dấu hoạt động cách mạng. Hoàng Đạo còn bị bắt giam, chớ Nhất Linh, suốt đời tranh đấu, chưa bao giờ để đối thủ bắt được"[16]

Nhưng mùa thu năm 1940, khi Nhật chiếm Lạng Sơn; Nhất Linh và Khái Hưng quyết định nhập cuộc. Sự nhập cuộc của họ không phải là cầm súng chiến đấu chống Pháp như Việt Nam Kiến Quốc Quân ở Lạng Sơn, Trần Trung Lập làm tổng tư lệnh, đã chiến đấu và đã thất bại: Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm bị xử bắn cùng hàng trăm đồng chí. Nhất Linh, Khái Hưng chọn giải pháp lên đường: Tức là Nhất Linh phải trốn sang Tàu, để lập bản doanh ở ngoại quốc, ngoài sự kiềm tỏa của thực dân.

 Nhất Linh lên đường - Thơ và tranh tiễn biệt

Nhưng ngày Nhất Linh lên đường hoàn toàn bí mật, không ai biết, mỗi nơi chép một khác.

Theo điện thư Aki Tanaka gửi cho tôi ngày 7-9-2020, thì Komaki Omi (tên thật là Omiya Komaki) viết hồi ký kể lại rằng chính ông đã giúp Nguyễn Tường Tam sang Tàu: Đi qua Đài Loan (lúc đó là thuộc địa của Nhật) rồi mới sang Tàu. Komaki Omi cũng không ghi rõ ngày tháng. [Omiya Komaki là trưởng ban kinh tế của Trung tâm Văn hoá Nhật bản (Nippon Bunka Kaikan) tại Hà Nội].

Thật tình cờ, chúng tôi đã xác định được Nhất Linh ra đi vào khoảng thời gian nào, nhờ tài liệu sau đây:

 

 

Trăng xưa, Văn Hoá Ngày Nay số 5, trang 85

Nguyệt san Văn Hoá Ngày Nay số 5 của Nhất Linh, ra tháng 7-1958 tại Sài Gòn, trang 85, có in bức tranh Trăng xưa của Khái Hưng lồng với bài thơ Tương Biệt Dạ, dưới ký tên H.K. với lời giới thiệu như sau:

"Đây là một bức tranh chính tay Khái Hưng vẽ (mấy chữ nho bên cạnh là Khái Hưng họa) để tỏ nỗi buồn khi một người bạn văn thân thiết của ông, Nhất Linh, vì công việc chống Pháp, phải bỏ đi xa. Khái Hưng vốn không phải là họa sĩ nhưng bức tranh ông vẽ này đẹp như một bức danh họa và tả được hết nỗi buồn ngồi đối diện ánh trăng khuya nhớ tới bạn."[17]

Người viết lời giới thiệu này chắc chắn là Nhất Linh. Câu "vì công việc chống Pháp phải bỏ đi xa" cũng chỉ vào Nhất Linh, nhưng còn bài thơ Tương biệt dạ nằm trong bức tranh, ký tên H.K. là ai? Tại sao không thấy Nhất Linh nhắc tới? Và tôi đoán bài thơ này "nằm trong" bức tranh của Khái Hưng, chứ không phải Nhất Linh cắt một phần tranh Khái Hưng rồi đặt bài thơ vào. Nhưng bí mật vẫn hoàn bí mật.

Sáu năm sau, bức tranh và bài thơ này, được in lại trên báo Văn số 22 (15-11-64) số tưởng niệm Khái Hưng, tại Sài Gòn, trang 66. Bài Tương biệt dạ được đánh máy lại, in ở trang 67, và đề tên tác giả là Huyền Kiêu. Nhưng vẫn không cho biết bài Tương biệt dạ liên hệ gì với  tranh Khái Hưng, tại sao lại "lạc" vào đây?

Phải mãi đến khi tôi đọc được bài Khái Hưng và Nhất Linh trong thơ Huyền Kiêu của Quốc Nam[18], thì mọi sự rõ hẳn ra.

Lúc Nhất Linh in bài thơ Tương biệt dạ của Huyền Kiêu, năm 1958, trên Văn Hoá Ngày Nay, ông ở trong Nam, Huyền Kiêu ở ngoài Bắc, lúc đó tình hình Nam Bắc khá gay go, Nhất Linh chắc không muốn gây khó khăn cho người bạn bên kia vỹ tuyến, nên đã không đề tên tác giả.

Đinh Hùng, có lẽ cũng vì lý do đó, nên không viết gì về sự kiện này trên sách, báo. Nhưng ông kể lại cho người bạn trẻ là Quốc Nam nghe, và đến tháng 10-1997, theo lời yêu cầu của Nguyễn Thạch Kiên, Quốc Nam[19] đã viết lại những điều ông được nghe Đinh Hùng kể lại 32 năm về trước, trong bài Khái Hưng và Nhất Linh trong thơ Huyền Kiêu.

Là người thường được nghe Đinh Hùng kể chuyện những thi sĩ tiến chiến, Quốc Nam đã tìm cách ghi lại. Bài viết của ông khá dài, ở đây chúng tôi chỉ xin trích một số đoạn. Quốc Nam thuật lại "không khí" nghe Đinh Hùng kể chuyện xưa: 

"Ông nhắc đến hai bài thơ của nhà thơ Huyền Kiêu là Tình Sầu và Tương Biệt Dạ. Rồi ông ngâm nho nhỏ:

Tình sầu

Xuân hồng có chàng tới hỏi:

- Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa thắm cài đầu,

Đi đuổi bướm vàng ngoài nội.

 

Hạ đỏ có chàng tới hỏi:

- Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi khăn trắng quàng đầu

Đi giặt tơ vàng bên suối.

 

 Thu biếc có chàng đến hỏi:

- Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi tóc xoã ngang đầu

Đi hát tình sầu trong núi.

 

 Đông xám có chàng tới hỏi:

- Em thơ, chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa phủ đầy đầu

Đã ngủ trong lòng mộ tối.

Câu cuối bài thơ, Đinh Hùng ngâm rất khẽ và nhẹ, lê thê buồn. Ông nói:

- "Mỗi bài thơ là mỗi tâm sự của người nghệ sĩ. Như bài "Tương biệt dạ" dưới đây, Huyền Kiêu sáng tác nơi vườn trăng bên Hồ Tây "đầy hình ảnh Khái Hưng và Nhất Linh" đấy! (...)

 Huyền Kiêu vốn là bạn thân thuở nhỏ của Đinh Hùng. Hai chúng tôi đều sính văn nghệ, nhất bộ môn Thơ. (...) Trở lại với bài Tương biệt dạ của Huyền Kiêu. Là hàng xóm, gần nhà Thạch Lam nơi phường Trúc Bạch, tôi thường ghé thăm Thạch Lam, bàn chuyện thơ văn rất lấy làm  tương đắc. Và rồi tôi dẫn Huyền Kiêu lại giới thiệu: "Huyền Kiêu, một nhà thơ rất có triển vọng! Tên thực anh ta là Bùi Kiều. KIÊU HUYỀN KIỀU! Huyền Kiêu, giản dị vậy!" (...)

Một bữa vào cuối hè sang thu, Thạch Lam nhắn chúng tôi (vẫn lời Đinh Hùng) đến nhà anh dùng bữa cơm tối. (...) Chúng tôi cùng cụng ly, ăn uống không khách sáo. Có điều bữa cơm gia đình hôm ấy hơi có vẻ là lạ. Từ Khái Hưng đến Nhất Linh và Nguyễn Tường Bách đều ít nói, ít cười. Thế Lữ cũng vậy. (...) Cơm xong, chuyện vãn khá lâu. Mãi khuya đêm Nhất Linh mới bảo, vẻ thật trịnh trọng: "Lát nữa tôi sẽ phải rời xa các anh em, nên có thể đây là một đêm họp mặt để tạm biệt. Chuyến hành trình này sẽ không lâu đâu. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Bây giờ chúng ta có thể chia tay nhau được rồi. Riêng tôi, tôi còn có điều nói riêng với anh Khái Hưng, vậy các bạn ra vườn chơi, hoặc đi ngủ. Thành thật cảm ơn tất cả..." (...)

Ba đứa tôi cùng kéo nhau ra vườn, ngồi nghe cá quẫy, nhìn trăng vời vợi. Có lẽ Thế Lữ đã về nhà gần đấy. Quanh quẩn vẫn chỉ có Huyển Kiêu, Thạch Lam và tôi thôi. Và Thạch Lam, lại chính là Thạch Lam, khơi mào sau khi đã nghĩ lung:

- Thơ... ra rồi! Này, hãy nghe đây! Và anh dặng hắng, ngâm:

"Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề..."

Đấy câu mở đầu đấy! Huyền Kiêu hãy làm tiếp đi!

- Được! Huyền Kiêu nói. "Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề..." Ờ, được đấy. Và anh ngẫm nghĩ. Câu mở của Thạch Lam thật tuyệt. Nó gợi ý cho tôi về một cái gì có thể gọi là... "cổ kính". Một đêm tiễn đưa nhau... Hệt đôi bạn Khái Hưng và Nhất Linh trong đêm khuya nay... trước giờ ly biệt. (...)

Chúng tôi uống trà. Trăng vừa lặn. Gà rền tiếng gáy phiá xa. Sao dần rơi... dần rơi và tôi chợt thấy lành lạnh.

Vẫn không thấy chút động tĩnh gì nơi Khái Hưng và Nhất Linh ở trên nhà. Tôi cảm nghĩ trong giờ phút thiêng liêng ấy, ta không nên vọng động. Cũng đừng hỏi han gì cả. Trời sắp sáng rồi. (...) Trong khi ấy, Huyền Kiêu thầm lặng "làm việc" (...)

Chợt Huyền Kiêu nói

- Tôi thử đọc cho các anh nghe. Bài thơ tựa đề "Tương biệt dạ". Hay dở tuỳ nghi Thạch Lam và Đinh Hùng giúp sửa lại. Và anh khe khẽ ngâm sau khi dục Thạch Lam vào nhà lấy giấy bút ghi tốc ký, bất kể trời vừa sập tối lại vì trăng đã chẳng còn.

Dưới dây là bài thơ Tương biệt dạ đầy hình ảnh Khái Hưng và Nhất Linh, với bối cảnh thư phòng nhà Thạch Lam, đã được chính Thạch Lam mở đầu và do Huyền Kiêu sáng tác...

Tương biệt dạ

Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề

Ý sầu lên vút tới sao Khuê

Quý thay giây phút gần tương biệt

Lưu luyến [Vương vấn] người đi với kẻ về.

 

Ngồi suốt đêm trường không nói năng

Ngậm ngùi chén rượu ánh vừng giăng

Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ

Có giống như mình lưu luyến chăng?

 

Đã tắt lò hương lạnh phím đàn

Thư phòng sắp sẵn để cô đơn.

Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng

Một giải sương theo vạn dặm buồn.

 

Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau

Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu.

Giăng mùa Xuân đó, ai tâm sự?

Anh đã xa rồi, anh biết đâu?

                                      Huyền Kiêu

Bài "Tương biệt dạ" của Huyền Kiêu, sáng tác vào chớm thu năm Canh Thìn-1940, chỉ mấy tháng sau là bước sang năm Tân Tỵ-1941, được nhà xuất bản Đời Nay tuyển chọn trong Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1941 cùng với bài thơ "Khúc ca man dại" của tôi (Đinh Hùng). (...)

Riêng bài "Tương biệt dạ" còn có tranh minh họa của Đông Sơn (tức Nhất Linh). Không rõ Nhất Linh vẽ lúc nào trong đêm tương biệt ấy? Chỉ biết khi hoàn thành bài "Tương biệt dạ", vào nhà thì Nhất Linh đã lên đường đi từ lúc nào rồi..."

Trên đây là vài hàng ký ức mà tôi viết lại theo lời kể của cố thi sĩ Đinh Hùng 32 năm về trước, nhân dịp tưởng niệm cố văn hào Khái Hưng đã bỏ chúng ta ra đi về bên kia thế giới, cách đây nửa thế kỷ".

Quốc Nam
(Cao Nguyên Tình Xanh
Washington tháng 10-1997)

Bài viết của Quốc Nam soi tỏ những "bí mật" xung quanh bài Tương biệt dạ của Huyền Kiêu. Những "lỗi" trong bài viết, chứng tỏ Quốc Nam đã ghi đúng lời Đinh Hùng:

1- Bài Tương biệt dạ (bản Đinh Hùng) có hai cái khác biệt so với bản Nhất Linh:

- Những chữ giăng trong bản Đinh Hùng, đã được Nhất Linh sửa lại thành trăng trong bản Văn Hóa Ngày Nay (Ngày trước ở ngoài Bắc người ta nói giăng, chứ không nói trăng. So với bản trên Internet, chép lại Giai Phẩm Đời Nay, cũng thấy viết giăng).

- Bản Đinh Hùng có hai chữ khác với bản Nhất Linh và các bản đã in, trong câu thơ thứ tư:

Vương vấn người đi với kẻ về (bản Nhất Linh và các bản in khác)

Lưu luyến người đi với kẻ về (bản Đinh Hùng)

Có lẽ Đinh Hùng đã sửa lại hai chữ Vương vấn thành Lưu luyến. Hay hơn.

2- Đinh Hùng "tưởng" Nhất Linh vẽ bức tranh "minh họa" (bởi vì không ký tên). Thực ra, Khái Hưng vẽ và có lẽ Nhất Linh đặt tên tranh là Trăng xưa (hay chính Khái Hưng đặt, ba chữ Nho, nhờ giáo sư Nguyễn Huệ Chi đọc, nghiã là: Khái Hưng họa).

Theo Đinh Hùng, thì bài Tương biệt dạ được đăng trên Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1941 cùng với bài thơ Khúc ca man dại của Đinh Hùng (sau Đinh Hùng sửa thành Bài ca man rợ). Chúng tôi không có số bào này. Nhưng một tư liệu trên Internet ghi là in trong Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1942.

Bây giờ trở lại với thời điểm bài thơ được làm ra:

Bài thơ này được làm vào mùa thu năm 40 hay mùa thu năm 41?

Không thể là mùa thu năm 1941, vì tháng 9 năm 1941, cả ba người: Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và Khái Hưng đều đã bị bắt (sẽ trở lại vấn đề này ở dưới).

Vậy bài thơ phải được làm vào mùa thu năm 1940, theo lời Đinh Hùng nói với Quốc Nam.

Bây giờ, nếu ta nhìn lại tình hình trong tháng 9-1940:

Ngày Nay số chót 224 ra ngày (7-9-40).

Ngày 22-9-1940: quân đội Nhật tràn qua biên giới vào Việt Nam, mấy ngày sau Pháp đầu hàng. Nhất Linh và Khái Hưng quyết định hành động.

Như trên đã nói, quyết định này, không thể là "tổng khởi nghiã", mà cũng không thể là đánh nhau lẻ tẻ với Pháp, mà trước tiên là quyết định xuất dương: Nhất Linh ra lập bản doanh tại nước ngoài, lãnh đạo đảng từ xa, khiến Pháp không thể theo dõi và bắt được.

Vậy bữa cơm ly biệt, ở nhà Thạch Lam, chắc phải vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10-1940, sau khi Nhật chiếm Hà Nội. Nhất Linh được ông Omiya Komaki trưởng ban kinh tế của Trung tâm Văn hoá Nhật bản (Nippon Bunka Kaikan) tại Hà Nội, giúp đỡ, đưa sang Đài Loan rồi vào nước Tàu, như đã nói ở trên.

Khái Hưng sang Tàu

Nhất Linh sang Tàu mùa thu năm 1940; đến tháng 4 năm 1941, Khái Hưng cũng sang Tàu. Việc này được ba nguồn tin xác nhận:

1- Trong tiểu thuyết Xiềng xích, Khái Hưng chỉ viết thoáng qua, không nói rõ ngày tháng, trong câu này: "Hiền [bà Khái Hưng] vốn biết chồng có chân trong một đảng kín, vì lần Ái [Khái Hưng] đi ngoại quốc một dạo, chàng đã phải nói thực với vợ, sợ thấy mình biến mất, nàng sẽ đi tìm kiếm, ầm ỹ, nhỡ làm vỡ lở việc lớn." (NNKNM, số 1, 5-5-45).

2- François Guillemot ghi lại tài liệu phòng nhì Pháp, khi bắt Khái Hưng, có đoạn sau đây:

"Ngày 31-10 vừa qua, cảnh sát đặc biệt Hà Nội đã bắt được nhà báo Trần Khánh Giư tại trụ sở của nhật báo Ngày Nay trước, ở số 80 Quan Thánh (...), cựu cộng tác viên của tờ báo này và lãnh đạo đảng Đại Việt Dân Chính. Đương sự nhận ngay liên hệ của mình với đảng.

Lời thú nhận của y xác nhận những thông tin ta đã thu lượm được từ trước về y, chủ yếu là chuyến đi sang Quảng Đông và Đài Loan cùng Nguyễn Tường Tam, trên một chiếc máy bay quân sự của Nhật vào tháng 4 vừa qua [4-1941] để gặp Trần Văn An tức Shibata (Trần Phước An)[20]. [Trần Phước An ở trong Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội và có dự trận Lạng Sơn].

Đây là tài liệu hiếm hoi ghi rõ việc Khái Hưng sang Tàu vào tháng 4-1941.

3- Ông Lý Thái Như, học viên Trường Võ Bị Hàng Phố khoá 19, năm 1941, kể lại:

"Tôi đã cố gắng nhớ lại khung trời tuổi trẻ trên sáu chục năm trước để ghi lại đôi điều được biết về Cách Mạng Việt Nam hoạt động trên đất Trung Hoa, kể từ năm nhà văn Khái Hưng bôn ba ra hải ngoại góp khả năng với cách mạng cũng như khuyến khích đề cao tinh thần cách mạng của các anh em đồng chí.

Trong dịp này Khái Hưng đã nhiều lần tiếp súc với các vị lãnh đạo tiền bối như cụ Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần và các ông Lý Đông A, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ... cũng như các thanh niên (ở lớp tuổi chúng tôi) đang thụ huấn tại Quân Trường Võ Bị Hoàng Phố (Tây Cán Ban) và Trường Đào Tạo Cán Bộ của Cách Mạng Việt Nam đặt tại Đại Kiều, Quảng Tây. Vì lý do chiến tranh ngày càng lan rộng nên trường được di chuyển và đặt chi nhánh tạm tại Tân Biên Dinh, huyện Liễu Châu với danh hiệu là Tây Cán Tân Diên Binh.

Ở Liễu Châu một thời gian ngắn, Khái Hưng nghe lời khuyên của các đồng chí, nhận công tác, vui vẻ gấp trở về Việt Nam. Nhưng vừa về tới Hà Nội, ông đã bị thực dân Pháp bát giam, đưa đi quản thúc ở Vụ Bản, tỉnh Hòa Bình (...)

Các anh em đồng chí của Trường Võ Bị Hoàng Phố và Việt Cán Ban ngày nào vẫn hằng tưởng nhớ đến Khái Hưng, đến những phút giờ hiếm quý khi Khái Hưng đến thăm Trường, khích lệ anh em, trong thời gian Khái Hưng quyết sang Liễu Châu cố công đi theo tiếng gọi của Cách Mạng...

Dầu chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Dầu chỉ là một thoáng mong manh. Nhưng so cuộc sống đời người, đã dễ mấy ai có được một cuộc sống lừng lẫy về Văn học và sáng chói trong Cách mạng được như Khái Hưng?"[21]

Những điều này chứng tỏ sau khi Nhất Linh sang Tàu vài tháng, Khái Hưng cũng sang Tàu. Khái Hưng có ý định ở lại Trung Hoa cùng với Nhất Linh không? Khó biết được. Theo Lý Thái Như, sau khi "nghe lời khuyên của các đồng chí", Khái Hưng sẽ hữu ích hơn cho đảng nếu ở trong nước, và ông đã quay trở về, chắc vào khoảng tháng 4 hay 5-1941, và ông bị bắt ngày 31-10-1941.

 

 ***

 

IV- Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí bị bắt

Tình hình trước khi Khái Hưng bị bắt

François Guillemot, trong cuốn Đại Việt, indépendance et révolution au Việt Nam (Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam)[22] cho biết:

"Lo lắng vì "hành động giảo quyệt và bền bỉ" của bọn mật thám Nhật cố gắng xúi giục người Việt Nam chống lại chủ quyền của Pháp, từ tháng 9 năm 1941, sở Liêm phóng thuộc địa quyết định tung ra một cuộc tảo thanh các tổ chức cách mạng quốc gia tại Bắc kỳ, trước hết, bắt những kẻ hoạt động cho Đại Việt Dân Chính, theo ghi chú của sở Liêm phóng sau đây:

"Sở Liêm phóng Bắc Kỳ đã phúc trình cho tôi [Công sứ] biết sự hình thành nhiều nhóm chính trị thành lập mới đây ở Bắc Kỳ, không có chương trình nhất định, khuynh hướng quốc gia, hình như hoặc đã có liên kết với những cơ quan chính trị Nhật Bản. Hoạt động của những nhóm này đã bị phát giác nhờ nhiều thành viên bị bắt ngày 15 tháng 9 vừa qua, đó là nhóm Đại Việt Dân Chính"[23]

Vẫn theo François Guillemot:

"Ngay từ tháng 7-1941, chỉ điểm Camille đã thông báo có 6 nhóm chính trị và đảng phái cách mạng đang hoạt động.[24]. Tháng 9 năm 1941 trở thành tháng đen tối cho mấy đảng nhỏ này.

Ngày 16-9-41, lực lượng Cảnh sát Đặc biệt ập vào lục soát bẩy nơi, bắt được tám người trong số đó có: Nguyễn Tường Long, tức Hoàng Đạo, em Nguyễn Tường Tam, và Tam cũng đang bị lùng gắt. Trịnh Văn Yên, làm thuốc súng cho Việt Nam Quốc Dân Đảng, bị bắt rồi được thả, tay này coi như có liên hệ với Nhật về việc buôn lậu Wolfram, bi bắt ở số 27 phố Takou [Hàng Cót]; Ngô Gia Trí [Nguyễn Gia Trí] một thành viên quan trọng cũng bị bắt[25].

Khái Hưng lẩn trốn trong một tháng rưỡi, đến cuối tháng 10, ông mới bị bắt, theo bản note dưới đây:

"Ngày 31-10 vừa qua, cảnh sát đặc biệt Hà Nội đã bắt được nhà báo Trần Khánh Giư tại trụ sở của nhật báo Ngày Nay trước, ở số 80 Quan Thánh (...) Lời khai của y xác nhận những thông tin ta đã thu lượm được từ trước về y, chủ yếu là chuyến đi sang Quảng Đông và Đài Loan cùng Nguyễn Tường Tam, trên một chiếc máy bay quân sự của Nhật vào tháng 4 vừa qua [4-1941] để gặp Trần Văn An tức Shibata (Trần Phước An)[26].

 

Cục diện dưới mắt Khái Hưng

Khái Hưng ghi lại thật rõ hành trình những ngày đi trốn, sau khi nghe tin Pháp đã bắt một số  đảng viên cùng Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí:   

"Đã hơn một tuần nay, Ái [Khái Hưng] sống cái đời lang thang, ẩn núp trong các nhà thành phố, nhà anh em, nhà bạn bè, nhà những người hơi quen thuộc, sống với cái ám ảnh từng phút rằng mình sắp sửa bị bắt, bị giam, bị tra tấn.

Cái đời mới ấy bắt đầu từ 6 giờ sáng hôm 16 tháng chín.(...)

Trời dần dần sáng. Xe chàng như chạy dưới ánh trăng mờ. Một làn gió lạnh thổi tạt ngang làm chàng rùng mình, ghê rợn, vội kéo cao cổ áo tơi vá cao su lên che tai. (...)

Chàng ngắm cái khoảng ửng hồng sau rặng tre đen nơi chân trời với bao nỗi cảm động đột nhiên: Một tia hy vọng cùng những tia ánh bình minh chiếu rọi vào tâm hồn ủ dột của chàng.

Sau một tuần lễ, giờ này chàng mới bắt đầu hy vọng, cái hy vọng chàng cố bám chặt lấy, chỉ sợ nó vụt bay đi mất (...)

Hồi còi điện phiá sau lưng, một chiếc ô tô kính vụt qua tung làn bụi trắng: Ái vừa thoáng nhìn thấy ngồi trong xe một người Pháp đeo kính đen và vận y phục mầu xám xanh kẻ gạch. Bất giác chàng thầm kêu lên "Đôi kính đen!" Và hy vọng mong manh lúc nãy đã tan mất rồi!

Là vì chàng chợt nhớ lại buổi sáng hôm 16 tháng chín mà có lẽ không bao giờ chàng sẽ có thể quên được. Suốt đêm hôm trước chàng không nhắm mắt, tâm trí bị lôi kéo giữa hai ý định: trốn đi và ở lại. Vì vào khoảng bảy giờ chiều chàng đã nhận được một tin dữ dội: hai đảng viên quan trọng của đảng vừa bị bắt. Chàng đã toan sau bữa cơm chiều sẽ trốn ngay, trốn đến nhà một người bạn nào đó. Nhưng ăn xong, ăn rất bình tĩnh, bỗng chàng thấy đời chàng chưa thể gặp nguy hiểm được (...) Và chàng quả quyết ở lại. (...) Nhưng chàng chỉ bình tĩnh được đến 12 giờ. Bắt đầu từ đó chàng băn khoăn chằn chọc [trằn trọc] lo lắng. Khổ cho chàng về nỗi Hiền[27] ở phòng trong cũng thức rất khuya, thỉnh thoảng lại hỏi vọng ra:"Anh chưa ngủ à?" (...)

Vào khoảng ba giờ sáng yên lặng đã hoàn toàn ở trong nhà cũng như ở ngoài phố. Bỗng một tiếng động cánh cổng sắt, khiến chàng ngồi nhỏm dậy, rón rén đi ra phía hiên, đứng nhòm qua cửa chớp xuống vườn. Một lát không thấy gì, chàng toan trở về giường thì hơi thở khẽ ở bên tai làm chàng quay lại hỏi: "Hiền đấy à?" Hiền hỏi lại:"Có biến phải không anh?" Chàng đáp lại một tiếng "không" rời rạc, rồi lảng về phòng. Nhưng Hiền theo sang căn vặn: "Anh cứ nói thực, em can đảm... Em sẽ bàn giúp anh."

Hiền vốn biết chồng có chân trong một đảng kín, vì lần Ái đi ngoại quốc một dạo, chàng đã phải nói thực với vợ, sợ thấy mình biến mất, nàng sẽ đi tìm kiếm, ầm ỹ, nhỡ làm vỡ lở việc lớn... "Không, thực đấy mà!". Chàng còn cố trấn tĩnh Hiền nhưng về sau, chẳng đừng được; chàng đành phải thú thực với vợ rằng, hai đảng viên vừa bị bắt. Nhưng chàng lại thêm để yên lòng Hiền và cũng để tự yên lòng mình nữa: "Bị bắt có lẽ vì việc khác... vì hai anh ấy có dính líu vào... vụ buôn thuốc phiện. Chàng cố ý giấu vợ, việc tổ chức buôn hàng lậu để làm tăng quỹ cho đảng. Chính chàng hiện đương băn khoăn về việc ấy: vì chàng cho dù bị nha thương chính bắt đi nữa, hai đảng viên cũng sẽ phải chịu hình phạt tra tấn- chàng còn lạ gì cái cách tìm biết sự thực, hết cả sự thực của bọn Pháp cai trị xứ này! - và sau cùng chẳng chóng thì chầy hai người ấy cũng sẽ đụng chạm tới một vài điều bí mật của đảng. Thế là người ta vớ được đầu mối, và người ta sẽ giao ngay công việc sang phòng Liêm phóng chính trị, và ở đấy sự tra tấn sẽ còn tàn ác gấp mười, gấp trăm khiến người bị bắt cung khai ra tất cả.

Ái suy nghĩ yên lặng.Vợ chàng cũng yên lặng ngồi chờ. Bỗng nàng hỏi:

- Hai người bị bắt có phải là bạn anh không? Nghiã là có phải ở trong số những người bạn thường đến chơi đây không?

- Không... Ái đáp rồi nói tiếp liền: "Dẫu sao cũng cứ không lo... Bây giờ thì đi ngủ, khuya lắm rồi."

Hiền đứng dậy quay sang phòng bên. Từ đó, Ái cố nằm im không động đậy để vợ tưởng mình đã ngủ, tuy không một phút chàng chợp mắt." (NNKNM, số 1, 5-5-45).

Tuy biết tin các bạn bị bắt, nhưng Khái Hưng vẫn còn "tin tưởng" mình chưa "việc gì", phải đến:

"Sáng hôm sau, vào khoảng sáu giờ, Ái đương soạn các giấy tờ hơi có dính líu tới đảng đem hủy đi, thì Trang [Nguyễn Thị Thế] đến. Trang, em gái Linh là một liên lạc viên của đảng. Thoáng nhìn vẻ mặt hốt hoảng của nàng, Ái khẽ kêu:

- Linh...

Trang ngồi phịch xuống ghế đáp:

- Vừa bị bắt.

Và nàng thổn thức thuật lại cuộc bắt bớ: cái xe ô tô sở Mật thám đỗ ở đầu phố từ hồi ba, bốn, giờ sáng, trong xe có hai người Pháp, một người mặc bộ da xám và đeo kính râm...

Nay bộ y phục xám và đôi kính râm của người Pháp ngồi trong xe hòm vừa vượt qua lại nhắc Ái nhớ cái buổi đầu những ngày khốn đốn của chàng. Chàng lo lắng nghĩ thầm: "Hay chính hắn là người mật thám ấy đấy?" Mãi khi qua khỏi tỉnh lỵ Hà Đông một quãng xa chàng mới tự trấn tĩnh và quên được cái người mặc y phục xám và đeo kính, để tưởng tới Linh." ((NNKNM, số 1, 5-5-45)

 

Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí

Trong nhà giam Hoàng Đạo, bắn tin cho Khái Hưng:

"Luôn ba hôm nay những tin tức về Linh và Tiến từ sở Liêm phóng đưa ra nghe như dữ dội lắm: hai người bạn thân của chàng bị tra tấn một cách tàn ác, dã man. Đến nỗi thân hình gầy xọp, má lõm xuống, mắt sâu hoắm và râu ria mọc ra tua tủa. Chưa được mục kích một cuộc tra tấn nào nên chàng không thể tưởng tượng những trận đòn ấy ra sao. Nhưng chỉ bốn nét chì nguệch ngoạc trên một mảnh giấy nhỏ nát nhầu và viên tròn lại mà Trang tìm đến được nơi trốn tránh để đưa cho chàng cũng đủ tả hết nỗi ghê gớm rùng rợn hiện hai người đương chịu đựng. Bốn chữ ấy là: "Anh trốn đi ngay!"

Đọc bốn chữ viết vội vàng ấy, Ái tự phác họa hẳn ra một cảnh cảm động: Chàng thấy Linh và Tiến bị hành hạ đau quá đến nỗi ngất đi. Người ta đem nước lã vẩy vào mặt những kẻ bị tra tấn cho tỉnh lại. Và chính trong lúc tỉnh lại ấy, Linh đã vạch mấy nét chì gửi cho chàng. Vì chàng biết Linh yêu chàng lắm, nên không muốn để chàng phải chịu những nhục hình khốc hại mà mình vừa trải qua. "Linh bảo mình trốn đi để tránh khỏi những cuộc khảo vấn mà chắc anh cho là mình không thể kham nổi". Ái vốn tạng yếu đuối, nhất lại mắc bệnh đau tim, anh em ai cũng biết thế, và có lẽ sợ chàng sẽ chết sau một cuộc tra điện. Ái không biết tra điện ra sao. Chàng chỉ nghe nói đến. "Chừng người ta dùng roi điện như các nhà dạy thú dữ ấy chứ gì!" Ái nghĩ thế mà thấy rùng rợn cả người. Chàng chau mày thốt ra một tiếng chửi: "Quân sài lang! Chính chúng nó là thú dữ chứ còn ai nữa!"

Chàng thấy hình ảnh tiều tụy của hai người bạn thân hiện ra trước mặt, như hồn ma hiện về trong những giấc chiêm bao, hay trong những chuyện quái đản của Hoffman. "Nhỡ hai anh ấy chết thật!" Chàng sợ hãi tự nhủ thầm.

Bây giờ đối với chàng, Linh và Tiến không còn là hai đồng chí nữa, mà chàng cũng không tưởng tới việc đảng như luôn mấy hôm nay ở Hà Nội nữa. Chàng chỉ nhớ tới tình mật thiết của hai người bạn thân. Chàng quen biết Linh đã mười năm, và Tiến đã bảy, tám năm. Trong thời gian ấy không mấy khi ba người xa nhau. Họ cùng là dân Hà thành và cùng sống trong một xã hội, xã hội nghệ thuật. Ái và Linh là hai nhà văn và Tiến là một họa sĩ. Hằng ngày họ gặp mặt nhau. Mùa hè họ đi nghỉ mát cùng một nơi, cùng một dạo, nhất là Ái và Linh, vì hai người cùng ở trong toà soạn một tờ báo,"Thanh Niên Tuần Báo".

"Lần này là lần đầu tiên anh em xa nhau chăng?" Ái nghĩ thầm. "Hay số mệnh lại bắt ta phải vào đó để họp mặt với bạn? Chàng mỉm cười nghĩ tiếp: "Nếu ta nói thẳng cái ý tưởng này với Hiền thì thế nào cũng được nghe hai tiếng "Phỉ phui!" đáp lại liền. "Ừ mà sao ta lại không vào trong ấy được? Đó cũng là một cách chia sẻ đau đớn với anh em. Nếu ta ở ngoài này mà không giúp ích được gì cho đảng, cho anh em thì thà ta vào đấy để an ủi, để khuyến khích anh em còn hơn. Ít ra cái đời thừa của ta cũng ích lợi cho một việc gì". Ý định hy sinh đã một lần lởn vởn trong óc Ái, một hôm chàng chán nản cực điểm về tình hình đảng và buồn phiền vì nỗi anh em đồng chí bị tản mát, mỗi người một nơi, người thì bị bắt, người thì đi trốn, nhất là chàng lại lúc nào cũng cảm thấy mình như con sói lạc đàn đương bị bọn chó săn vây đuổi. "Thà để chúng bắt giam còn hơn là kéo dài vô cùng tận cái đời trốn tránh lẩn lút như đời một tên tù vượt ngục!" (NNKNM, số 1, 5-5-45)

 

Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí bị tra tấn

"Đã ba hôm nay, giờ ấy là giờ sắp kéo màn bắt dầu diễn tấn thảm kịch ở trại giam sở Liêm  phóng. Đã ba hôm nay, vào khoảng giờ ấy, anh em bị giam lại lắng tai chờ nghe hai tiếng rùng rợn  sởn gáy: một tiếng "két" rít lên và một tiếng "thình" rập lại. Đó là tiếng mở và tiếng đóng cái cánh cổng nặng nề của trại giam. Rồi một phút sau hai tiếng ấy, một tiếng "tách" kéo then ô phòng sàn lim: Người ta xuống giải lên buồng giấy một nạn nhân để hỏi cung. (...)

Mấy hôm đầu chân bị cùm, tay bị xích, chàng [Linh tức Hoàng Đạo] chỉ là cái mồi cho đàn rệp và đàn muỗi, chúng kéo đại đội đến tấn công, đại đội tàu bò và máy bay. Mấy hôm ấy, loài người như quên hẳn chàng, như đẩy hẳn chàng vào một thế giới côn trùng; vì người ta không hỏi gì đến chàng, không nói gì đến chàng, không tưởng gì đến chàng, ngoài một ngày hai lần đem cho chàng một nắm cơm kèm thêm miếng cá mè luộc búi rau muống nửa sống nửa chín,  mà chàng cầm ăn bằng hai bàn tay xích chặt vào với nhau. Bấy giờ chàng chỉ mong người ta hỏi cung, người ta tra tấn, người ta hành hình ngay mình đi cho thoát hẳn cái nạn muỗi và rệp cùng sự bất động hành hình một cách lặng lẽ, thong thả và thấm thiá.

Nhưng năm hôm sau, vào giờ này người ta gọi chàng lên phòng giấy, và từ đó chàng bắt đầu làm quen với sự khủng khiếp của bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa. Tự nhiên chàng tưởng tượng ra ngay những tấm thân cởi trần với cái đầu súc vật nghếch mõm lên mà chàng thường thấy vẽ ở tường các chùa chiền. Bọn người thú ấy hoạt động, kẻ cưa dọc mình, kẻ rút dài lưỡi tội nhân, kẻ ném tội nhân vào vạc dầu đương sôi trên ngọn lửa xanh lè...

Két!... Linh giật mình kêu khẽ: "Giời ơi!" "Thình!" Chàng lặng người như lịm đi, những quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa nhốn nháo, lộn xộn chạy toán loạn chung quanh chàng. Và chàng không nghe thấy gì nữa, không nghe thấy tiếng đọc to tên con số ở phòng chàng, số 13, cũng không nghe cả tiếng vặn khoá và kéo then cùng những tiếng cười nói của người cai ngục và người lính mật thám xuống lấy tù.

Cánh của mở ra: ngọn đèn điện ngoài hiên rọi vào ô phòng tối một làn ánh sáng chói lọi (...)"

 (NNKNM, số 4)

Phần viết về việc Linh và Tiến ở trong tù, ngừng ở đây, cả việc Khái Hưng bị bắt, vì chúng tôi thiếu ba số báo 5, 6 và 7.

 

Nghe tin Nguyễn Gia Trí chết

Vào khoảng ngày 20-9-1941, khi Khái Hưng đang trốn ở nhà một người bạn làm tri phủ, cách Hà Nội 30 cây số, thì được tin dữ:

"Sáng hôm sau, vào khoảng mười giờ, anh hầu trà báo cho Ái biết có người ở Hà Nội đưa các thức vào cho chàng. Chàng lo lắng ra tiếp. Thì đó là một đảng viên mang một tin dữ dội: Tiến chết.

Tiến chết! Chàng vừa sợ vừa buồn, run lên, nói không ra hơi. Tiến là người can đảm quả quyết  vào bực nhất của đảng...

- Chết? Chàng hỏi.

- Tự tử.

Và người mới đến thuật cho Ái nghe cái chết oanh liệt ấy: sau một cuộc tra tấn dã man, bọn mật thám lại đem giam Tiến vào một ô phòng sàn lim. Đêm hôm trước, vào khoảng hai ba giờ sáng, nghiã là liền sau cuộc hỏi cung, người ta nghe có tiếng rầm rầm trong ô phòng sàn lim  giam Tiến. Người canh sàn lim vội mở cửa phòng chạy vào thấy Tiến chân vẫn bị cùm, tay vẫn bị xích, nhưng đầu thì buông rũ bên thành sắt khung sàn lim và máu chảy ở trán ra như suối xuống nền xi măng ráp. Thế rồi, sau chỉ dăm phút ồn ào, người ta đã khiêng đi đâu mất cái xác không hồn của Tiến, và yên lặng hoàn toàn lại trở về với cái thế giới của địa ngục.

Hai dòng châu lặng lẽ trào ra chảy dài hai bên má Ái. Và lặng lẽ hiện ra hai con mắt vàng thẳng thắn của Tiến. Mãi một lúc lâu chàng mới nói nên lời, và nói một mình:

-Chết! Vô lý!"  (NNKNM số 2, 12-5-45)

Buổi tối hôm ấy, Cường người bạn mà Ái trốn ở nhà, cho Ái biết:

 "- Tôi vừa được tin người bạn anh, anh Tiến ấy mà.

Ái giật mình hỏi lại:

- Anh Tiến?... Anh Tiến sao thế?

- Anh ấy hiện nằm ở nhà thương Phủ Doãn. Không chết.

- Không chết?

Ái hốt hoảng, mồ hôi ướt trán. Nhưng Cường vẫn thản nhiên:

- Anh ấy tự tử, nhưng không chết. Đêm hôm qua người ta khiêng anh ấy vào nhà thương, và ai cũng tưởng anh ấy chết, nhưng anh ấy chỉ ngất đi vì chảy nhiều máu quá... Anh Biên vừa cho tôi biết tin ấy, vì Loan, một sinh viên trường thuốc và hiện đương chăm nom cho Tiến đã kể lại với anh ấy" (NNKNM số 4, 19-5-45).

Nguyễn Tường Bách, người em út trong gia đình Nguyễn Tường, kể lại việc Nguyễn Gia Trí được đem vào bệnh viện: 

"Lúc ấy tôi đang tập sự môn ngoại thương ở nhà thương Phủ Doãn (...) bất ngờ tôi gặp anh Nguyễn Gia Trí trong vòng Ngoại khoa. Theo tin riêng, chúng tôi đã biết các anh Long, Khái Hưng, Gia Trí, đều bị giam trong sở Mật thám và đều bị tra tấn khá dữ kể cả bằng roi điện. Nhưng bỗng một buổi sáng tôi đương làm trong một phòng Ngoại khoa ở tầng dưới thì thấy hai hộ sĩ đẩy một xe cáng vào, một bệnh nhân không rõ mặt nhưng lạ là có hai người mặc quần áo thường kèm sát. Khi bác sĩ thường trực bắt đầu khám, người bệnh quay mặt lại, hai luồng mắt chúng tôi gặp nhau thì tôi không khỏi khẽ rùng mình. Đó tức là anh Gia Trí. Đôi mắt xanh của anh lờ đờ hơn lúc thường nhiều, tóc dài tận gáy, bộ râu quai nón của anh ngày  thường đã rậm, thì nay chiã ra tua tủa, trông rất đáng sợ. Tôi phải cố hết sức giữ vẻ tự nhiên  khi xem những vết thương do tra tấn của anh. Được cái là những vết thương này cũng không nặng lắm nhưng những vết thương vì điện nhiều khi bề mặt không đáng sợ song ảnh hưởng rất sâu đến tinh thần. Sau này chỉ nghe các anh kể việc tra tấn bằng điện, một khi tra là rùng buốt khắp mình, đầu óc choáng lên một cách ghê sợ, khiến phải rú lên kinh khủng. May mà bọn mật thám không nhận được ra tôi, vả lại cũng không ngờ đến, nên trong khi băng bó tôi có thể trao đổi vài lời. Tôi nhận thấy tinh thần của anh vẫn vững".[28]

Trên Ngày Nay Kỷ Nguyên mới số 16, Khái Hưng cho biết những thông tin cuối cùng:

"Sau nửa tháng nằm ở nhà thương, Tiến trở về trại giam. Trước khi lên phòng giấy cung khai không rõ vì sự vô tình hay cố ý của bọn thanh tra mật thám, chàng được gặp mặt Linh và trao đổi ý kiến với bạn. Vì thế, những lời khai của hai người đúng khớp nhau một cách rất khôi hài.

Bắt đầu từ đó anh em trong đảng Việt Nam sống vô tư giữa khoảng ba giãy nhà giam để đợi sự định đoạt về tương lai còn mờ mịt khiến họ bàn tán đến luôn." (NNKNM số 16, 18-8-45).

Không ai có thể biết và viết rõ sự thực đã xẩy ra bằng Khái Hưng.

Trong niềm bất hạnh thiếu tài liệu, chúng ta vẫn có may mắn còn ngòi bút Khái Hưng. 

(Còn tiếp)
Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


 

[1] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Nhóm nghiên cứu sử địa, Montréal, 1981, trang 35.

[2] Vấn đề thuộc địa, từ NN số 74 (29-8-37) đến số 81(17-10-37). Chính trị và đảng phái, từ NN số 98 (20-2-38) đến số 114 (12-6-38). Vấn đề cần lao, từ NN số 125 (28-8-38) đến số 159 (20-4-39). Công dân giáo dục, từ NN số 160 (6-5-39) tới số 196 (13-1-40).

[3] Ký trình đăng trên báo Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến, số 3, tháng 7 năm 1985, tại California, Sau được in lại trên Kỷ Yếu Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, Người Việt, California, trang 296-300) kèm với bản viết tay của Nhất Linh.

[4] Nghiêm Kế Tổ, nguyên đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học. Năm 1942, gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần ở Hoa nam.

[5] Theo bản Ký trình đăng trên Văn Học Nghệ Thuật, số 3, tháng 7 năm 1985, tại California, trang 316.

[6] Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới.

[7] Phan Bội Châu, Tết tha hương, Ngày Nay số 149 (15-2-39).

[8] Trong chương Nghiã hiệp của một danh nhân Nhật Bản ông Thiện Vũ Phan Bội Châu, Tự phán, Nhân Chủ Học Xã, California, 1987, trang 134- 142.

[9] Trong bài Tết tha hương, NN số 149 (15-2-39).

[10] Phan Bội Châu, Tự Phán, trang 139-140.

[11] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, viết tại Nam Vang 1949, Việt Books in lại, California 2010, trang 53.

[12] Thụy Khuê, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trong Hiệp, Nxb Văn Nghệ, California, 2002, trang 141.

[13] Thủ Tướng Trần Trọng Kim đi cùng với ba bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền và Phan Anh.

[14] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, trang 78-82.

[15] Tức bà Nguyễn Thị Thế, em gái Nhất Linh.

[16] Thế Uyên, Người bác, Văn, số 14 Tưởng niệm Nhất Linh, ra ngày 7/7/1964, t. 67.

[17] In lại trên Báo Văn số 22 (15-11-64) tưởng niệm Khái Hưng, Sài Gòn, trang 66, bài Tương biệt dạ in ở trang bên và đề thơ Huyền Kiêu. Còn Kỷ Yếu Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, Người Việt, California, 2014, trang 277, in giống như bài trên Văn Hoá Ngày Nay.

[18] Quốc Nam, Khái Hưng và Nhất Linh trong thơ Huyền Kiêu, in trong tập Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, tập 1, do Nguyễn Thạch Kiên thực hiện, Phượng Hoàng, California, 1997, trang 357.

[19] Quốc Nam đã cộng tác với báo Tinh Hoa của Nguyễn Thạch Kiên từ năm 1964. Năm 1965, ông được Nguyễn Thạch Kiên giới thiệu với Đinh Hùng.

[20] Nguyên văn tiếng Pháp: "Le 31 octobre écoulé, la police spéciale de Hanoi a arrêté au siège de l'ancien journal "Ngày Nay", no 80 avenue du Grand Bouddha, le publiciste Trần Khánh Giư  [...] ex-collaborateur de ce journal et dirigeant du parti "Đại Việt Dân Chính". L'intéressé n'a fait aucune difficulté pour reconnaître son affiliation au parti. Ses aveux confirment les renseignements précédemment recueillis sur son activité, notamment en ce qui concerne  le voyage qu'il a effectué à Canton et à Formose en compagnie de Nguyễn Tường Tam, à bord d'un avion militaire nippon au mois d'avril dernier pour y rencontrer Trần Văn An  dit Shibata [Trần Phước An]"  Note Công an số 23670, Hà Nội ngày 3/11/1941, về Đại Việt Dân Chính "Hoạt động quốc gia chống Pháp", CAOM, Toà Công Sứ Bắc Kỳ; in trong François Guillemot, Đại Việt, indépendance et révolution au Viêt-Nam, L'échec de la troisième voie (1938-1955) (Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam, sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955), Nxb Les Indes savantes, 2012, Paris, t. 87.

[21] Lý Thái Như, Một thoáng mong manh còn nhớ mãi, in trong sách Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, Quyển I, Nguyễn Thạch Kiên biên soạn, Phượng Hoàng, California, 1997, trang 206 và 235.   

[22] François Guillemot, Đại Việt, indépendance et révolution au Việt Nam, L'échec de la troisième voie (1938-1955) (Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam), Sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955), Nxb Les Indes Savantes, Paris, 2012.

[23] CAOM, RST/NF 6495d. Đại Việt dân Chính, RST, Service de Sureté, Note số 1133 S/CB, Hà Nội ngày 22-9-1941, (François Guillemot, Đại Việt, t. 86-87).

[24] Đó là: Đại Việt Xã Hội Quốc Dân Đảng [tức Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam], Thanh Niên Cách Mạng Đảng, Đông Dương Liên Đoàn, Việt Nam Dân Chính, Đông Dương Lập Hiến và Đại Việt Quốc Dân Đảng [của Trương Tử Anh], François Guillemot, Đại Việt, độc lập và...note 20, t. 87.

[25] CAOM, RST/NF 6495d. Đại Việt Dân Chính, RST, Service de Sureté, Note số 19720, Hà Nội 16 9-1941,   in trong François Guillemot, Đại Việt, t. 87.

[26] CAOM, RST/NF 6495, Đại Việt Dân Chính, Note số 23670, "Hoạt động quốc gia chống Pháp", Hà Nội ngày 3-11-1941, in trong François Guillemot, Đại Việt, t. 87.

[27] Tức bà Khái Hưng nhũ danh Lê Thị Hòa, biệt hiệu Nhã Khanh.

[28] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Tủ sách nghiên cứu sử địa, Montréal, 1981, t. 37.


© 2021 Thụy Khuê