Tự Lực văn đoàn

Văn học và cách mạng

 

Đôi lời cùng ông Bách Thân (*)

Trước hết, tôi xin cảm ơn ông Bách Thân[1] trên Văn Việt, hôm nay, ngày 20-10-2021, đã góp ý cho cuốn sách Tự Lực văn đoàn, văn học và cách mạng tôi đang viết và in dần trên Văn Việt. Ông đã chỉ ra những chỗ -theo ông là sai- trong chương Việt Nam Quốc Dân Đảng[2]. Vì vậy, dưới đây, tôi sẽ cùng ông, xem lại những điểm ông nêu ra, chỗ nào sai, tôi xin sửa lại.

 

1- Báo chí ngoài Bắc cũng viết vể vụ hành hình ở Yên Bái

Câu: "Báo chí ngoài Bắc lặng tiếng trước tình hình đẫm máu khắp nơi. Nhưng Phụ Nữ Tân Văn ở trong Nam tường thuật" là tôi dựa vào lời sau đây của Nguyễn Ngu Í, trong bài "Thử nhìn qua 100 năm báo chí - Báo chí hôm qua (1865-1954)"[3], phần viết về Phụ Nữ Tân Văn, có câu: 

"Hồi có cuộc khởi nghiã ở Yên Bái và vụ xử án những nhà cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng, chính độc giả ngoài Bắc lại trông đứng trông ngồi những số báo P.N.T.V. từ trong Nam gởi ra để được nghe những lời nói can đảm binh vực cho những kẻ đã hy sinh cho giống nòi và đất nước. Những lời nói như thế không thể có được ở báo giới miền Bắc hồi bấy giờ."

Nay ông Bách Thân cho biết có hai tờ báo ở ngoài Bắc là Thực Nghiệp và Ngọ Báo cũng đăng việc này, tôi xin cám ơn và sẽ bỏ câu "Báo chí ngoài Bắc lặng tiếng trước tình hình đẫm máu khắp nơi" đi.

Nhưng cũng xin nói rõ, câu "những lời nói can đảm binh vực cho những kẻ đã hy sinh cho giống nòi và đất nước. Những lời nói như thế không thể có được ở báo giới miền Bắc hồi bấy giờ." của Nguyễn Ngu Í, là đúng, vì ở Phụ Nữ Tân Văn có những bài gần như kêu gọi lòng ái quốc của toàn dân về Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhất là sau vụ hành hình ở Yên Bái, họ thông tin về các cuộc  biểu tình phản đối, đặc biệt của sinh viên Việt Nam ở Paris, họ ghi danh sách những người bị đuổi về nước, sau trở thành những nhà cách mạng tên tuổi.

 

2- Tác phẩm Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống

Nhượng Tống, khi viết Nguyễn Thái Học đã ghi rõ: "Hãy giúp thêm tôi về tài liệu để lần xuất bản sau, cuốn tiểu sử này có thể thêm đầy đủ". Nhưng không may ông mất sớm, nên không có lần xuất bản bổ sung. Ông chỉ khiêm nhượng gọi tác phẩm của mình là cuốn tiểu sử. Tuy nhiên không vì vậy mà sách Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống lại có "độ tin cậy không cao, đó không phải là sách khảo cứu, trái lại, có phần là sách tuyên truyền, lại viết vội vã" như ông Bách Thân nhận định. Độc giả đã và sẽ đánh giá tác phẩm của Nhượng Tống.

 

3- Tài liệu của Marty

Tài liệu nói đến ở đây là tập tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương, in năm 1933, trong tập gọi là Contributions à l'histoire des mouvements politiques de l'Indochine Française (Góp phần vào lịch sử những hoạt động chính trị ở Đông Dương Pháp) viết về hoạt động của các đảng phái chống pháp ở Đông dương: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đông Dương Cộng Sản Đảng, Tân Việt Cách Mạng Đảng.

Phần viết về Việt Nam Quốc Dân Đảng, được ông Bách Thân đưa ra và coi là "văn bản gốc" viết từ năm 1933, được dịch và xuất bản từ năm 1967, và trách tôi sao không dùng "bản gốc", mà lại dùng sách của Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào?

Tài liệu của Marty được dịch ngay từ hồi mới phát hiện (sau khi Nhật đảo chính Pháp 9-3-45), Huyền Hà dịch, in trong Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới từ tháng 5-1945. Bản dịch Huyền Hà có gọt bớt những chữ thô bạo của Marty. Đến năm 1967, Long Điền dịch lại, sát nghiã, in trong tập san Sử Địa.

Thưa ông Bách Thân, lời khuyên của ông, rất tiếc, không thể áp dụng được, bởi vì sách in tài liệu của mật thám không thể là "văn bản gốc" để viết lịch sử. Nếu dùng làm văn bản gốc cho cuốn sách, ông sẽ đứng vào vị trí kẻ cướp nước để viết lịch sử nước ông. Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào cũng chỉ dùng tài liệu này trong những trường hợp hạn hữu, thường để so sánh với những dữ kiện khác mà họ tìm được. Lý do như sau:

Bởi vì Marty coi những nhóm cách mạng (Quốc Dân Đảng- Cộng Sản) là "những nhóm nổi loạn" và ông ta còn xác định: "thật ra họ chỉ là những bọn cướp", Marty coi Quốc Dân Đảng là "những kẻ đần độn được chỉ định để trở nên những kẻ âm mưu" và "Nguyễn Thái Học là một người rất trẻ, đần độn nhưng đầy tự kiêu" lại "có chủ trương làm ô uế những người bản xứ và các cấp"...

Chưa kể những thông tin sai lầm như: Nguyễn Thái Học sang Xiêm để vân động, vào Trung để liên lạc với đảng Tân Viêt, vào Nam gặp gỡ Nguyễn An Ninh, sang Tàu hội họp với bọn cướp ở biên giới. Những thông tin này, chứng tỏ mật thám của Marty bất tài, nộp cho cho chủ những báo cáo láo. Trong tài liệu còn tập hợp những tin cướp bóc, thổ phỉ, và đều gán cho  bọn Quốc Dân Đảng chủ mưu và vinh thăng những kẻ phán bội làm tay sai cho Pháp.

Tuy nhiên, có những thông tin về hoạt động của Nguyễn Thế Nghiêp tương đối khá đúng và Marty cũng xác nhận Lê Hữu Cảnh lên lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng sau khi Nguyễn Thái Học bị bắt. Marty cũng cho danh sách những người bị bắt, ghi nghề nghiệp của họ, chứng tỏ 50% làm việc trong chính quyền, điều này khiến chính phủ thực dân lo ngại.

 

4- Trích bài viết của Phụ Nữ Tân Văn được in lại trong sách của Thiện Mộc Lan

Việc tôi dùng những đoạn báo Phụ Nữ Tân Văn, trích trong sưu tập Phụ Nữ Tân Văn phấn son tô điểm sơn hà của Thiện Mộc Lan (Văn Hóa, Sài Gòn, 2004) là nên tránh. Tuy nhiên, sau đó tôi đã kiểm chứng với bản chính của Phụ Nữ Tân Văn, và thấy sưu tập này không in sai. Duy chỉ có tấm hình 13 liệt sĩ, có lẽ Thiện Mộc Lan muốn làm cho gọn lại, không ngờ lại sai đi, và tôi không để ý, đó là điểm đáng trách, cám ơn ông, tôi sẽ sửa lại.

 

5- Nguồn của báo Phụ Nữ Tân Văn

Ông Bách Thân hỏi: dùng nguồn nào để khẳng định PNTV "chép lại thông tin của báo Pháp"? Riêng vụ hành  hình, sao phóng viên báo này lại có mặt?

Thưa ông Bách Thân, người viết PNTV có nói rõ trong bài báo, và ngay trong đoạn tôi trích dẫn cũng mở đầu bằng câu: "Cứ theo như các báo Tây ở ngoài Bắc gửi vào, thì Nguyễn Thái Học...", nhờ vậy mà họ biết những thông tin mà báo (Việt) khác không có.

Họ cho biết, vì phòng xử chật chội, 87 bị cáo ngồi gần đầy. [Nên không có chỗ cho nhà báo Việt chăng?] Nhờ thông tin của báo Pháp, nên PNTV ghi được cả lời nói, thái độ của Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính trong phòng xử. Những lời này cũng được những bị can có mặt trong phòng xử kể lại với Nhượng Tống, và Nhượng Tống ghi lại trong sách của ông, nhưng tôi đã dùng tài liệu bên ngoài đảng, phía nhà báo Pháp, vì nghĩ họ khách quan hơn.

Còn hành hình ở ngoài trời, có thể ai muốn đến dự cũng được, tôi đoán là phóng viên PNTV có mặt, vì bài viết của họ bị kiểm duyệt đúng chỗ Nguyễn Thái Học định nói gì, nếu họ lấy lại của báo Pháp, thì không bị kiểm duyệt.

 

5- Lê Hữu Cảnh

Khi ông Bách Thân cho rằng chỉ có một Ký Con là Trưởng ban Ám sát, tôi e rằng ông không rõ về tổ chức của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đó là một tổ chức cứ sáu tháng bầu lại Tổng bộ (ban lãnh đạo) một lần. Và không chỉ có một Ký Con làm trưởng ban ám sát.

Trưởng ban ám sát đầu tiên của Việt Nam Quốc Dân Đảng được bầu vào Tổng bộ ngày 25-12-1927 là Hoàng Văn Tùng, thuộc nhóm Thanh Hoá (cùng nhóm với Hoàng Văn Đào).

Người kế tiếp Hoàng Văn Tùng là Nguyễn Văn Viên.

Người kế tiếp Nguyễn Văn Viên là Lê Hữu Cảnh.

Ký Con, tuổi trẻ nhưng can đảm được chọn làm Trưởng ban Ám sát ở Hà Nội, trong cuộc Tổng khởi nghiã.

Nhượng Tống trong các bài  viết về: Ký Con, Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Văn Viên Lê Hữu Cảnh trên báo Chính nghiã[4], năm 1946, đã viết rất rõ tiểu sử những liệt sĩ này.

Hoàng Văn Tùng bị bắt đầu năm 1929, sau vụ ám sát Bazin, cùng với Nhượng Tống, vì đã từng là trưởng ban ám sát "anh đã bị tra tấn cực kỳ khổ nhục. Tuy vậy, anh không chịu nói gì cả, tha hồ cho chúng đánh đập, đã làm cho anh đau gan và lá lách và chết ở sàn lim". Nguyễn Văn Viên, người đã ám sát Bazin, "sau khi bị bắt, biết mình không thoát nổi nào, liền thắt cổ chết ở trong buồng giam".

Lê Hữu Cảnh, tức Đội Cảnh, thuộc phe ôn hoà, thường đối đầu với Nguyễn Thái Học. Nhưng sau thất bại Yên Bái, đảng truởng phải trốn tránh, Lê Hữu Cảnh liên kết chặt chẽ lại với đảng và khuyên Nguyễn Thái Học ra ngoại quốc, nhưng ông nhất định ở lại với anh em. Chính trong lúc khó khăn này, Cảnh đã nhận chức Trưởng ban Ám sát, vì đảng cần thanh lọc hàng ngũ những kẻ phản bội, và tổ chức lại đảng, Cảnh kết hợp với Ký Con. Bị bắt, Lê Hữu Cảnh định giật súng ám sát Arnoux, Giám đốc Công an Bắc bộ, nhưng không thành, ông nhấy qua cửa sổ từ gác ba xuống đất, không chết, đau đớn trong ba tháng trước khi bị hành hình.

Đó là những thông tin tôi chép trong các chân dung do Nhượng Tống viết về những nhân vật này trên báo Chính Nghiã. Ông Bách Thân chắc không tin. Vì Marty không viết như thế. Ông Bách Thân viết theo giọng Marty, cho rằng Lê Hữu Cảnh cũng chỉ là bọn "ám sát, cướp tiền":

"Trước đó, hầu hết các lãnh đạo VNQDĐ đã chết hoặc bị bắt, làm gì còn người và có tổ chức cuộc họp nào để cử ra Trưởng Ban Ám Sát?[5]Lê Hữu Cảnh nằm trong số ít người còn hoạt động, đứng đầu nhóm cải tổ, và làm tất cả mọi việc: tổ chức lại, ám sát, cướp tiền... và cũng chỉ hơn 4 tháng sau là bị bắt (10/7)".

 

6- Vi Văn Định

Để biện hộ cho Vi Văn Định, ông Bách Thân cho rằng báo chí Bắc Kỳ không nói gì về hoạt động của Vi Văn Định, và cho Phụ Nữ Tân Văn là bịa đặt, ông trích những lời trên Trung Hoà Nhật Báo 865 (20-2-1930): "Lính khố xanh ở Hà Nội "sắp đi dẹp quân nghịch", "đi để lập trật tự trong miền phủ Ninh Giang, Phụ Dực, Vĩnh Bảo và Cổ Am, tảo trừ cho hết bọn khởi nghịch ở đấy..." để chứng tỏ Vi Văn Định vô can.

Nhưng ông đã quên, không nhắc đến bản "văn bản gốc" của Marty, trong đoạn bắt được Lê Hữu Cảnh, có hai tài liệu đi kèm, gồm bản án xử tử Toàn quyền Pasquier do Nguyễn Thị Giang đọc cho Lê Hữu Cảnh viết tay và bản án xử tử Vi Văn Định. Giám đốc Mật thám Marty viết:

"Một bản án xử tử khác cũng được công bố; bản án của quan Vi Văn Định, tổng đốc An Nam tỉnh Thái Bình, đã góp phần đắc lực vào công cuộc đàn áp những mưu toan cách mạng ở tất cả những nhiệm sở ông phục vụ. Kẻ ám sát được chỉ định thi hành, bị bắt ngày 26 tháng 7 năm 1930, mang trong mình một khẩu súng lục, đã nạp đạn và một lá thơ ghi bản án tử hình" (Tập san Sử địa số 6, trang 116).

Ông Bách Thân không tin những điều ghi trên Phụ Nữ Tân Văn, bỏ qua lời Nhượng Tống, nhưng chắc ông tin những lời Marty trong "bản văn gốc", ghi rõ công lao của Vi Văn Định đối với chính quyền thực dân: "đã góp phần đắc lực vào công cuộc đàn áp những mưu toan cách mạng ở tất cả những nhiệm sở ông phục vụ".

Vì vậy, ông bị Việt Nam Quốc Dân Đảng kết án tử hình cùng với Toàn quyền Pasquier.

 

Cảm ơn ông Bách Thân về ngày xử tử hình Ký Con và Trần Quang Diệu, ông chép trên báo Thực Nghiệp.

Paris, ngày 20-10-2021
Thụy Khuê

(*) Bài viết của Bách Thân trên Văn Việt


 


[2] Tự Lực văn đoàn văn học và cách mạng (40), in trên Văn Việt ngày 25-9-2021.

[3] Đăng trên Bách Khoa số 217 ra ngày 15-1-66, tại Sài Gòn.

[4] Ký Con, hiện thân của kỷ luật đảng, Chính Nghiã số 1 (20-5-46), ký T;  Hoàng Văn Tùng và Nguyễn Văn Viên, trên Chính Nghiã số 14 (2-9-46), ký T, và Lê Hữu Cảnh, trên Chính Nghiã số 16 (16-9-46) và số 17 (23-9-46), ký T.

[5] In đậm trong nguyên bản.

 


© 2021 Thụy Khuê