Thụy Khuê

Cấu Trúc Thơ
 

 V. Ẩn dụ trong thơ








     Nghệ thuật thi ca, theo Aristote(1) dựa trên hai tính chất cơ bản và tự nhiên của con người: bắt chước (imitation) và trình diễn (représentation).
     Từ tuổi thơ ấu, con người đã biếtthích bắt chước. Khả năng bắt chước phân biệt con người với muôn loài và nhờ đó mà ngôn ngữ nẩy sinh.
     Ngoài ra, chúng ta ưa nhìn, ngắm những hình ảnh đẹp, trên màn ảnh, trong tranh hơn là nhận diện thực trạng phũ phàng, khiếp đảm của thực tế trên những xác người; nhờ đó mà vũ điệu, ca kịch, điện ảnh... ra đời.
     Anh hùng ca (épopée), bi kịch (tragédie) rồi hài kịch (comédie), theo định nghĩa của Aristote, lần lượt là những sự bắt chước: bắt chước những mẫu người cao cả (anh hùng ca), bắt chước những hành động cao cả (bi kịch) và bắt chước những mẫu người tầm thường (kịch).
     Vậy bắt chướctrình diễn là hai động lực căn bản thúc đẩy mọi sáng tác, giúp nghệ thuật sinh tồn và nẩy nở. Mặt khác, nghệ thuật -tự bản chất của nó- đã ngụ ý muốn đưa con người vươn lên cái đẹp, bằng những phương tiện khác nhau: hoặc trực tiếp dưới dạng chủ đề, hoặc gián tiếp dưới dạng ẩn dụ... Cả hai đều dẫn tới một kết quả chung: nâng cao tri thức và tâm thức con người.
     Tóm lại, nghệ thuật dựa trên sự bắt chước và có chủ đích làm đẹp: làm đẹp tư tưởng là chủ đích của văn, làm đẹp ngôn từ và tư tưởng là chủ đích của thơ.

     Ý niệm làm đẹp ngôn từ dường như phát xuất từ khi loài người có tiếng nói; chúng ta nói trái tim, quả tim mà không nói cục tim, nói cánh tay mà không nói khúc tay hay đoạn tay, nói áo gối mà không nói cái bọc gối. Từ đó, có hai giả thuyết:

 - Hoặc là: ngay trong ngôn ngữ bình thường, con người đã ngụ ý so sánh: trái tim với một trái cây nào đó, cánh tay với cánh chim nào đó, cái gối với một sinh vật nào đó có thể vận áo, mặc quần.
 - Hoặc là: ngược lại, từ cách phát ngôn trái tim, cánh tay, áo gối,... mà con người bật ra ý niệm so sánh: trái tim với trái cây, cánh tay với cánh chim,... Nói khác đi, ý niệm so sánh nẩy sinh từ ngôn ngữ.

     Cả hai giả thuyết trên đều không phủ nhận hệ quả: ý thức làm đẹp lời nói, hoặc thay đổi lời nói cho đẹp là ý thức tự nhiên của con người và thuộc phạm vi ẩn dụ (métaphore).

     Aristote cho rằng sự diễn đạt nào muốn có phẩm chất, phải đạt được hai đức tính: sáng sủa và không tầm thường, nhạt nhẽo. Ngôn ngữ bình thường, dễ sáng sủa, nhưng thường bằng phẳng, tầm thường, nhạt nhẽo.
     Ẩn dụ giúp ngôn ngữ thoát khỏi sự tầm thường, đem cái lạ vào ngôn ngữ, tạo hình ảnh và đồng thời đem đến cho ngôn ngữ một chiều sâu.
     Cho nên, từ xưa ẩn dụ đã là phép tu từ áp dụng trong hai địa hạt: Thuyết minh (Rhétorique) và Thi học (Poétique).

     Thuyết minh hay biện minh là một biện pháp ngôn ngữ có hai thành tố: biện luận và chứng minh dựa trên căn bản triết lý để thuyết phục con người(2).
     Thi ca, ngược lại, không nhằm chủ đích thuyết phục ai, thi ca thanh lọc những cuồng nhiệt bạo tàn, đẩy đưa con người vươn lên, sống cao hơn trong cái đẹp.
     Từ đó, chúng ta có thể phân biệt hai trục chính của ngôn ngữ:
     Biện minh với các nét khu biệt: bằng chứng và thuyết phục, gồm nghệ thuật hư cấu và nghệ thuật chứng minh, là nguồn của văn.
     Thi ca, thuộc địa hạt bắt chước và trình diễn, là nguồn của thơ và các ngành nghệ thuật khác.
     Ẩn dụ có chân trong cả hai địa hạt thi ca và thuyết minh -hai bộ mặt tương phản của văn chương và con người- với một chức năng duy nhất: làm mới, làm đẹp, làm giàu, làm biến chuyển ngôn ngữ.
 
 

*






     Ðịnh nghĩa xa xôi và sâu xa của ẩn dụ đến từ Aristote: "Ẩn dụ là sự chuyển đạt cho một vật cái tên để chỉ vật khác, cách chuyển đạt này có thể đi từ loại sang thể loại, từ thể loại sang loại, từ thể loại sang thể loại, hoặc theo mối tương quan tương đồng.(3)"
     Trên phương diện lý thuyết, ẩn dụ là lối cấu trúc ngôn ngữ có những đặc tính sau đây:

1. Ẩn dụ là phương pháp chuyển nghĩa áp dụng cho các danh từ, biến chúng từ chức năng định danh sang chức năng định hình.
2. Ẩn dụ khỏa lấp những thiếu sót ngữ nghĩa trong ngôn ngữ bình thường.
3. Ẩn dụ vay mượn ngôn ngữ để làm giàu ngôn ngữ.
4. Ẩn dụ mang vào ngôn ngữ yếu tố lạ, làm mới ngôn ngữ.
5. Ẩn dụ dựa trên tương quan tương đồng giữa các sự vật.
6. Ẩn dụ là so sánh cộng thêm yếu tố bất ngờ để gây cảm xúc.
7. Ẩn dụ làm cho câu thơ trở nên nhập nhòe, nhiều ý nghĩa.

*






    Trên phương diện thực hành, thế nào là một ẩn dụ?
     Từ phạm trù so sánh thông thường: mắt em đẹp như nhung, nét mặt em buồn như mùa thu, khuôn mặt em tròn như trăng rằm... chúng ta có nhiều phương cách để thực hiện ẩn dụ:

     I. Cắt gọn. Nếu viết gọn lại: mắt nhung, nét thu, khuôn trăng... là ta đã làm những ẩn dụ. Sự so sánh kín đáo: mắt, nét mặtkhuôn mặt với những hình ảnh: nhung, thu, trăng, biến những danh từ thông thường, từ hình thức định danh tầm thường, nhạt nhẽo, sang hình thức định hình, lạ, đẹp, do đó ... nên thơ.
 Mắt nhung:
             Có lần tôi thấy tôi yêu
             Mắt nhung, cô bé khăn điều cuối thôn
                                                    (Hồ Dzếnh)
 Nét thu:
             Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
                                                                (Kiều)
 Khuôn trăng:
             Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
                                                                (Kiều)
     Trong câu "Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng", Nguyễn Du dùng hai ẩn dụ: Chiều xuânnét thu. Chiều xuân có thể là tình yêu hay là anh. Nét thu có thể là nét mặt em, mắt em hay chính em. Câu thơ bàng bạc nhiều ý nghĩa: Tình yêu khiến em bẽn lẽn hay anh làm em xao xuyến, thẹn thùng; tình yêu xui em ngại ngùng, e lệ... hay chỉ là một buổi chiều nắng đẹp như xuân đến thăm nàng thu ảm đạm, làm thu rung động, xao xuyến, ngây ngất tâm hồn...

     "Mẹ già phơ phất mái sương" (Chinh phụ ngâm) là một cấu trúc ẩn dụ kép. Khi nói "mái tóc" ta đã có ý ví tóc với mái nhà. Mái sương là hình ảnh mái tóc mẹ đã ngả sắc tàn phai, tựa mái nhà, thấm màu thời gian, giãi dàu sương gió(4).
     Ðối với chúng ta, những hình ảnh: khuôn trăng, mắt nhung,... đã được dùng nhiều trong quá khứ, trở nên quen thuộc, cổ điển. Thi nhân hiện đại dùng những hình ảnh khác, mới hơn, lạ hơn như lệ đá xanh, mắt biếc (Thanh Tâm Tuyền), tuổi đá buồn, sỏi đá ngậm ngùi (Trịnh Công Sơn) ... Những hình ảnh này còn có tên là siêu thực (xem chương X).
 

  Lệ là những viên đá xanh
  tim rũ rượi
                (Thanh Tâm Tuyền)
    hay:
  Mắt biếc mắt biếc
  tròn như vùng chân trời thăm thẳm
  ngó vào lạc lối
                (Thanh Tâm Tuyền)
    hoặc:
 Tuổi đá buồn:
  Trời còn làm mưa, mưa rơi, mưa rơi
  từng phiến băng dài trên hai tay xuôi
  tuổi buồn em mang đi trong hư vô
  ngày qua hững hờ...
                                (Trịnh Công Sơn)

     Thơ Thanh Tâm Tuyền là sự đãi lọc và khai phá chữ nghĩa, dùng những ẩn dụ so sánh tinh vi (lệ đá, tim rũ rượi), biểu hình một nội tâm xâu xé đến chói buốt, xót xa.
 Thơ Trịnh Công Sơn phức tạp trên phương diện cấu trúc: những ẩn dụ trong thơ (phiến băng dài, tuổi buồn, đi trong hư vô, ngày qua hững hờ) mang nặng tính chất hoán dụ (chúng tôi sẽ trở lại trong chương hoán dụ). Ðồng thời kết hợp với các phép tu từ khác như láy âm (mưa, mưa rơi, mưa rơi), đảo ngữ (tuổi buồn em mang đi: em mang tuổi buồn đi) và nối tiếp (enchaînement) ngôn ngữ (mưa rơi từng phiến băng, trong hư vô ngày qua) quyện với nối tiếp âm nhạc, mang sắc thái trừu tượng rất cao, có ma lực lôi cuốn ta theo nhịp điệu và thấm vào tâm cảm vì những biến độ liên tục trong hình tượng và tư tưởng.
 
 

*






    II. Thay thế: Từ dạng thức so sánh thông thường:

  Anh như con thuyền, em như cái bến

    Anh là vế bị so sánh, thuyền là vế đem ra so sánh. Nếu người viết thay thế hẳn vế bị so sánh bằng vế đem ra so sánh, nghĩa là thay thế anh bằng thuyền, em bằng bến:

  Thuyền về có nhớ bến chăng?
  Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
                                            (Ca dao)

     Chúng ta có hình thức ẩn dụ thay thế hay ẩn dụ ví ngầm.
     Ngược lại, khi Xuân Diệu viết:

  Người giai nhân: bến đợi dưới cây già
  Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt

    thì Xuân Diệu đã mở ẩn dụ ra, nói một cách khác: Xuân Diệu khai triển để ẩn dụ trở lại thể so sánh trực tiếp.
     Câu

  Thuyền về có nhớ bến chăng?
  Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

vì đã bỏ vế so sánh "em như, anh như" nên câu ca dao trở nên lơ lửng, mập mờ, không rõ nghĩa ... để mặc cho người nghe tìm tòi, mường tượng, gán cho thuyền và bến những viễn ảnh, cận ảnh, những kỷ niệm, kỷ vật,... đã qua trong đời. Khả năng mường tượng càng dồi dào, ý nghĩa câu ca dao càng vô cùng vô tận...

     Rồi khi Phạm Duy viết "Trùng dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi" thì thi ca và âm nhạc đã mở ra vô tận: Chúng ta có thể gán ghép cho "trùng dương" vô vàn cung bậc, âm hưởng của đắng cay và hạnh phúc: Phạm Duy đem tâm hồn vào vùng không định giới, đưa con người nhập cõi bao la của tình yêu, tình người, đại dương và vũ trụ.

     Trên phương diện tâm lý, ẩn dụ, qua sự so sánh ngầm, gây những tác dụng:

 - Bất ngờ: do đó tạo cảm xúc.
 - Gián tiếp và kín đáo, bắt trí óc liên tưởng, rồi từ liên tưởng tới mộng tưởng.
 - Làm cho ý nghĩ câu thơ trở nên mơ hồ, phiếm định.

     Bài Trăng lên thứ nhì trong tập Tiếng thu của Lưu Trọng Lư gồm bốn câu tuyệt bút:

  Vầng trăng lên mái tóc mây
  Một hồn thu tạnh mơ say hương nồng
  Mắt em là một dòng sông
  Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em

     Qua bốn câu thơ, Lưu Trọng Lư đã dùng một ẩn dụ xác định (mắt em là một dòng sông), bốn ẩn dụ ví ngầm (vầng trăng, mái tóc mây, hồn thu tạnh, thuyền ta) và năm động từ (lên, mơ, say, bơi, lặng) để vẽ nên ít nhất hai khung cảnh lồng ấp lên nhau: hư cảnh dưới ánh trăng thu vừa nhô lên đỉnh mây, một chiếc thuyền tình lặng lờ bơi theo dòng nước; thực cảnh hình ảnh cuồng say, mộng ảo của đôi tình nhân nghiêng xuống nhau trong giây phút ái ân, đắm đuối .... Hư cảnh ôm ấp thực cảnh, hay thực cảnh tan loãng trong hư cảnh ....

     Thi nhân thường so sánh khuôn mặt đàn bà với vầng trăng. Cái khác lạ ở đây là Lưu Trọng Lư dùng vầng trăng để mường tượng vầng trán người thanh niên nghiêng xuống mái tóc người yêu: hình ảnh "vầng trăng lên mái tóc mây" vô cùng quyến rũ. Vũ Ngọc Phan là người đầu tiên khám phá ra hình ảnh ấy, ông viết: "Mượn vầng trăng nhô đầu lên đám mây đen mà tả cái phút ái ân của đôi trai gái trong lúc giáo đầu thì như thế thật là đầy tình, đầy mộng, thật là thanh cao, thật là tuyệt bút" (Nhà văn hiện đại).

    Chữ mây hàm chứa nhiều ý nghĩa: mây là óng mượt như sợi mây (dùng để đan giỏ). mây còn có thể là mây mưa, mây gió. Mây cũng là cung mây, tột đỉnh của hạnh lạc. Lưu Trọng Lư đã đặt hình ảnh: vầng trăng lên mái tóc mây bên cạnh hình ảnh thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em, để lòng ấp hai linh hồn, hai hình hài say đắm, mắt trong mắt, trong khung cảnh tuyệt đỉnh thần tiên, thơ mộng...
 

     Thế giới thơ Ðinh Hùng trong Ðường vào tình sử  và Mê hồn ca phản ảnh một hiện thực mộng ảo, một thế giới khói sương, yêu đương, huyền diệu dệt bằng những ẩn dụ kiêu sa "Ảo tưởng nghiêng vầng trán khói sương".

     Vẫn trong cấu trúc ẩn dụ, Ðinh Hùng đưa người yêu thơ bước vào không gian da diết, ẩm lạnh, nửa tỉnh nửa mê, nửa cõi không, nửa cõi biết:

  Dĩ vãng dầm mưa lén bước về
  Áo trùng, mây tỏ, mặt sầu che
  Run tay ấp nửa bàn chân lạnh
  Thương những con đường mưa cuốn đi

  Lác đác trong mê rụng tiếng đàn
  Hồn ai khóc rợn bốn giây oan
  Gót chân thuở ấy vào mưa gió
  Còn thoảng hơi sương đậu cánh màn
 Ðinh Hùng tạo nên những câu thơ tha thiết, nhói buốt, đắm say và cay đắng:
  Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
  Mùi hương sát nhân từ ngón tay

     Khả năng sáng tạo của Ðinh Hùng nằm trong kỹ thuật sử dụng ẩn dụ đến mức lọc lõi, khơi lên những hình ảnh chập chờn, hư ảo, ngất ngây giữa mộng và thực:

  Em đi rồi then khóa cả chiêm bao
  Gầy vóc mộng gói tròn manh áo nhớ

cùng trong bức họa ái ân, Ðinh Hùng vẽ những nét:

  Ta khát cuồng lưu vị biển đông
  Dìu em trên lá cỏ thu bồng
  Cơn say thấm tận lòng thương hải
  Chìm nổi vầng dương đáy thủy cung

     Hai ẩn dụ cuồng lưuvị biển đông vừa khơi lên hình ảnh nhấp nhô, bão bùng của biển cả, vừa gợi dư vị mặn nồng, của ân ái. Lòng thương hải vừa chỉ đáy sâu biển cả mà cũng biểu dương vùng sâu kín, hay hình ảnh của đáy lòng. Vầng dương vừa là mặt trời, vừa là vừng trán. Ðáy thủy cung cũng như lòng thương hải, vừa gợi chốn thâm cung huyền bí của đại dương, vừa tượng trưng vùng chìm lắng, khuất lấp trong con người mà cũng có thể là vực thẳm của tâm hồn.
     Trong sương khói chiêm bao, Ðinh Hùng bồng bềnh giữa hai vũ trụ: vũ trụ ngàn khơi, nơi bể biếc, với ánh thiều dương ngụp lặn dưới đáy thủy cung và vũ trụ yêu đương với hình ảnh thi nhân đang ngây ngất đắm chìm trong dư vị mặn nồng của đỉnh đời, hòa giao linh hồn và thể xác.
 
 

*






     III. Ðiển cố: Ðiển cố cũng là một hình thức tu từ có tính cách ẩn dụ. Ðiển cố rất thông dụng trong thơ cổ, làm cho câu thơ trang trọng hơn, ngôn ngữ đài các hơn.
     Xưa, các cụ làm thơ cho bạn đồng liêu, tri âm, tri kỷ thưởng thức. Những bậc ấy thường "lầu thông kinh sử", cho nên, khi viết:

  Áng đào kiểm đâm bông não chúng
  Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành

    Ôn Như Hầu không cần bận tâm chú giải: đào kiểm, thu ba là gì vì đã có sự tương giao, tương cảm nơi độc giả. Ðối với chúng ta ngày nay: thu ba thì còn có thể đoán, đào kiểm, không chú thích thì chịu. Vậy muốn hiểu cổ văn, trước hết phải thông điển cố tức là phải có kiến thức về văn học cổ điển.

     Về phương diện thực dụng, thế nào là một điển cố? Trước khi tìm một định nghĩa, chúng ta có thể phân biệt hai loại: Ðiển cố trực tiếp hay điển cố từ chươngđiển cố gián tiếp hay điển cố phân hóa.
 
 

    A. Ðiển cố trực tiếp hay điển cố từ chương là thay thế cách diễn đạt thông thường bằng một từ ngữ, một câu hay một sự việc chép trong sách xưa mà không chế biến gì.

     Ví dụ khi nói "mụ Tú Bà", "thằng Sở Khanh", "Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!" hoặc "Ai bảo chăn trâu là khổ?" "Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!" v.v.... là ta đã dùng điển cố. Thế hệ sau muốn hiểu rõ gốc gác những hình ảnh hoặc cụm từ trên, sẽ phải đọc những hàng chú giải: Tú Bà, điển lấy trong Kiều; Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!: Vũ Trọng Phụng; Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!, Ai bảo chăn trâu là khổ? : Quốc văn giáo khoa thư; v.v...

     Lối điển cố trực tiếp có hiệu quả tức khắc: tạo hình ảnh sống động cho ngôn ngữ. Thay vì phải miêu tả dài dòng về sắc diện, tính tình của người đàn ông chuyên nghề quyến rũ và lường gạt phụ nữ, người viết chỉ cần dùng hai chữ sở khanh là đã nói lên đầy đủ ý nghĩa và tạo được hình ảnh gã "Sở Khanh" sờ sờ trước mặt người đọc. Vậy điển cố trực tiếp có ưu điểm tạo hình, rút gọn lời nói, gây hiệu quả mạnh mẽ và tức thời, nhưng cũng mang nhược điểm chỉ có giá trị tạo hình trong một giai đoạn nhất định mà không vượt thời gian, không gây được cảm xúc cho thế hệ sau. Ví dụ bài hát "Em bé quê" của Phạm Duy: "Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ! ..." hay bài thơ "Quê hương" của Giang Nam:

  Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
  Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
  Ai bảo chăn trâu là khổ
  Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

chỉ gây xúc động cho các thế hệ đã trải tuổi thơ trên Quốc văn giáo khoa thư, đã thuộc lòng những đoạn "Ai bảo chăn trâu là khổ? -Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Ðầu tôi đội nón mê như lọng che ...", khơi gợi trong lớp người ấy một dĩ vãng xa xôi, thời "Xuân đi học coi người hớn hở. Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng ...". Thế hệ sau, không chung dĩ vãng ấy, không thể có những xúc động tương tự được. Vì thế, điển cố từ chương chỉ có giá trị đối với độc giả đương thời. Ðối với các thế hệ sau, những "câu cẩm tú đàn anh họ Lý" những "nét đan thanh bậc chị chàng Vương" của Ôn Như Hầu chỉ còn sức hấp dẫn giới hạn trong thành phần giàu kiến thức văn chương cổ điển.
 
 

    B. Ðiển cố gián tiếp hay điển cố phân hóa là dùng một câu văn hay một sự việc chép trong sách cũ rồi chế biến thành của mình.
     Nguyễn Du sử dụng thần tình cả hai loại điển cố trực tiếp và gián tiếp. Khảo sát về cách dùng chữ của Nguyễn Du, Phan Ngọc tìm thấy: Riêng tích liễu, hình ảnh biệt ly trong thơ cổ điển(5), Nguyễn Du chỉ khai thác một lần theo lối điển cố từ chương "khi về hỏi liễu Chương đài". Ngoài ra, Nguyễn Du tìm mọi cách để cá biệt hóa hình tượng liễu quen thuộc trong sách cổ, cho chúng ta dáng vẻ muôn chiều của liễu:
            "Lơ thơ tơ liễu buông mành" khi Kim Trọng trở lại vườn thúy,
            "Hoa trôi dạt thắm, liễu xơ xác vàng" khi Kiều nhớ Kim Trọng,
            "Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha" khi Kim Trọng từ giã Kiều,
            "Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân" khi Kiều nhớ Từ Hải.
     Nguyễn Du đã biến liễu ước lệ trong điển tích thành liễu tâm hồn: nó loi thoi, nó lơ thơ, nó hờn, nó chán, ...(6)
.
     Trong thơ mới, những người sành thơ hầu như ai cũng biết "không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" của Huy Cận mang nét Thôi Hiệu:

  Nhật mộ hương quan hà xứ thị
  Yên ba giang thượng sử nhân sầu
           (Quê hương khuất bóng hoàng hôn
           Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)
                                                (Tản Ðà dịch)

cũng như "yêu là chết ở trong lòng một ít" của Xuân Diệu đi từ "Partir, c'est mourir un peu" của Edmond Haraucourt; "Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu" là biến dạng của "Offrir beaucoup, et recevoir bien peu de choses" của Arvers.

     Trong "Confession d'un poète" (Thổ lộ của một nhà thơ), Xuân Diệu tâm sự: biết bao lần ông đã mượn ý thơ, tứ thơ, kỹ thuật âm thanh của người trước để biến chế thành của mình:

              Người giai nhân: bến đợi dưới cây già
              Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt
phát xuất từ:
            Sống làm vợ khắp người ta
              Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

     Qua Alfred de Vigny, Xuân Diệu đem nghệ thuật láy phụ âm vào thơ Việt:
            Những luồng run rẩy rung rinh lá

            Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
              Em, em ơi, tình non đã già rồi
sáng tác theo giai thoại văn chương Pháp: có lần Alfred de Musset nói với George Sand: "Dépêche-toi, George, mon amour est vieux" (George, mau lên em, tình ta đã già rồi).

     Xuân Diệu công nhận Baudelaire đã giúp ông nhận thức sức thâm nhập và chiều sâu của cảm giác, độ nhạy của khứu giác qua sức quyến rũ của hương bưởi, hương cau. Ấn tượng dấy lên từ những mùi hương quay cuồng trong âm sắc qua Âm chiều (Harmonie du soir) của Baudelaire đẩy đưa Xuân Diệu viết những hàng:

  Gió nọ mà bay lên nguyệt kia
  Thêm đem sương lạnh xuống đầm đìa
  Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ
  Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya

và cấu trúc bài "Ca tụng" sau đây thoát thai từ cấu trúc "Le balcon" của Baudelaire:

  Trăng vú mộng đã muôn đời thi sĩ
  Giơ hai tay mơn trớn vẽ tràn đầy
  Trăng, hoa vàng lay lắt cạnh bờ mây
  Trăng, đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí
  Trăng, vú mộng đã muôn đời thi sĩ
  Giơ hai tay mơn trớn vẽ tràn đầy

     Xuân Diệu sử dụng tài tình điển cố gián tiếp, mang vào thơ Việt nguồn sinh lực mới với kỹ thuật âm thanh, ngôn ngữ và tư tưởng Tây phương: dùng vốn của người để tạo nên nghệ thuật của mình. Ðiển cố gián tiếp trong các tác phẩm Nguyễn Du, Xuân Diệu ... có giá trị đương đại và lịch đại: hình ảnh không phôi pha theo thời gian. Thế hệ mai sau không cần biết nguồn của điển cố, cũng vẫn tận hưởng được giá trị nghệ thuật.
     Một cách khoáng đại hơn: Truyện Kiều là một điển cố phân hóa, Nguyễn Du đã sử dụng tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, đãi lọc qua suối nhiên liệu văn hóa, rồi trăn trở, biến hóa, nhào nặn, đốt cháy đi để sáng tạo tác phẩm của mình. Ðiều đó chứng minh tại sao lập luận: mọi sáng tác nghệ thuật dựa trên sự bắt chước và trình diễn  của Aritote đã đứng vững trên hai mươi thế kỷ. Nói khác đi, người nghệ sĩ tận dụng nguồn tri thức -hay cái vốn chung lãnh hội của người xưa- rồi thêm vào đó chữ tâm và chữ tài -tức cái vốn riêng của mình- tạo nên tác phẩm nghệ thuật.

Tháng 10/1991
Thụy Khuê

Chú thích:
1. Poétique, Aristote (384-322 trước dương lịch).
2. Phương pháp thuyết minh hay thuật hùng biện được các chính trị gia lỗi lạc Ðông Tây dùng làm khí giới để thu phục địch thủ bằng ngôn từ, thịnh hành đến giữa thế kỷ 19; rồi bị sa thải vì biện minh tách rời khỏi địa hạt triết lý, trở nên phù phiếm, văn hoa, dông dài.
3. La métaphore est le transport à une chose d'un nom qui en désigne une autre, transport ou du genre à l'espèce, ou de l'espèce au genre, ou de l'espèce à l'espèce ou d'après le rapport d'analogie (Poétique).
4. Cũng có thể đưa ra lập luận khác: ẩn dụ "mái sương" mang nặng tính chất hoán dụ, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong chương giải thích hoán dụ.
5. Hoài Thanh trong bài "Buồn như liễu" in trong Tác phẩm mới, tháng 4 năm 1974, in lại trong Chuyện thơ (1978), đưa ra một thuyết khác: Liễu xưa không buồn: Liễu trong Hoa Tiên, liễu chung quanh nhà Thúy Kiều không buồn. Chỉ buồn từ Xuân Diệu: "Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang". Không biết chữ saule pleureur (cây liễu khóc) trong tiếng Pháp có trách nhiệm gì không?
6. theo Phan Ngọc: "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều" (NXB Khoa Học Xã Hội, 1985).

© 1991-1995 Thụy Khuê