Thụy Khuê

Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp

 

Tưởng niệm bác Hãn:
Bậc thầy Hán Nôm


Tạ Trọng Hiệp
 


1. Đọc và học qua tác phẩm của bác

Mỗi người trong chúng ta đến với bác một cách khác nhau. Riêng tôi là người được bác dẫn vào nghề nghiên cứu Hán Nôm từ 1953 trở đi, tôi bắt đầu biết bác bằng sách của bác.


Khi rời Việt Nam để sang Pháp, cuối năm 1951, năm 18 tuổi, với cái vốn văn hóa đơn sơ nhẹ nhàng như một tờ giấy trắng, tôi nhớ rõ là vài ngày trước hôm tôi xuống tàu (tôi đi tàu thủy), có đến nhà sách Vĩnh Bảo tìm xem có cái gì đáng mua, gọi là để làm hành trang cho chuyến du học của mình không, và có mua mấy cuốn phê bình của nhóm Chân Trời Mới (bộ ba tác giả Mác-xít Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc), mấy cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ của Vũ Anh Khanh. Và cuốn Danh Từ Khoa Học (bản 1948 của nhà Vĩnh Bảo)! Tôi vẫn chưa hiểu tại sao. Chỉ nhớ rằng hình như mình có linh tính rằng thế nào, ở một lúc trình độ cá nhân sẽ cao hơn, sẽ cần và đủ sức dụng cuốn sách lúc ấy vượt quá khả năng lĩnh hội của mình.


Vậy là tôi đã sang Pháp với hai tâm tình. Một tâm tình sôi nổi, đầy tính văn nghệ cách mạng (văn nghệ và cách mạng), dấu vết của hai năm lớn lên ở Sài Gòn (1949-1951), sẽ mờ dần rồi khô héo và chết hẳn, mấy năm sau. Và một tâm tình thiên về lí tính và thực chứng (rationalisme positiviste), lúc ấy còn nằm dưới đáy của vô thức (hay tiềm thức) của tôi.


Tôi đọc cuốn Danh Từ Khoa Học ở Pháp, và tôi đã gặp ở đấy (như mọi độc giả của cuốn sách ấy) cả một vũ trụ tư duy khoa học trong đó ngôn ngữ Việt Nam được sử dụng như một công cụ đầy hiệu nghiệm, đạt đến trình độ trưởng thành và chính xác. Ở đó, cả hai yếu tố Hán và Việt đều được vận dụng và kết hợp rất hợp lí để cấu tạo ra thuật ngữ chuyên môn.


Ai cũng dễ thấy là tác giả bắc được cái cầu nối cái mới với cái cũ: kiêm được cả hai cái có vẻ mâu thuẫn ấy trong một bản lĩnh thống nhất, vững vàng. Trong sự học của ta, không thể chỉ có Tây học. Trong cái vốn cổ của ta, không thể loại bỏ thành phần Hán.
 


Kết luận với tôi là ghi học Hán ngữ (qua Hoa ngữ) ở trường Sinh ngữ Đông phương. Học đến năm thứ hai, có phần cổ văn, tôi cố mày mò để học thêm Hán Việt, bằng cách tra trong Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh mà nhà Minh Tân cũng vừa chụp in và tái bản ở ngay Paris. Tôi đến tận nhà sách (ở số 7, rue Guénégaud, Paris) mà mua, thấy cả hai cuốn La Sơn Phu Tử (1952) và Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, cũng mua luôn, đem về đọc ngấu nghiến, vừa tò mò vừa thích thú. Vì tôi đã biết tên tác giả rồi, qua Danh Từ Khoa Học. Nhưng không ngờ bác có nghiên cứu cả cổ văn.


Rồi tôi say mê tác giả, và nhờ nhà sách của anh Cang (1ter, rue de la Huchette, lúc ấy tên là nhà sách Lê Lợi, sau mới đổi tên là nhà sách Việt Nam, khi qua tay ông Đào Khiết) đặt mua tất cả các tác phẩm mang tên Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt (1949-1950), Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (1949), Hà Thành Thất Thủ Và Hoàng Diệu (1950), Mai Đình Mộng Ký và Thi Văn Việt Nam, tập I (đều xuất bản năm 1951). Với cuốn này (là cuốn cuối cùng mà bác in được ở Việt Nam trước khi sang ngụ cư ở Pháp) tôi học được một tuyên ngôn, ngắn gọn và tường tận, về phương pháp xử lí bản văn Nôm cổ, như đã áp dụng trong toàn bộ các cuốn khác. Với ngành Hán Nôm, nay tuyên ngôn ấy, nằm trong Lời nói đầu, vẫn còn nguyên giá trị. Nên tôi xin trích vài đoạn cốt yếu (sách ấy nay rất khó kiếm, chưa hề tái bản) để ta hiểu thêm một hoạt động đã thu hút sức lao động học thuật của bác suốt 50 năm vừa qua, đến ngày tạ thế vẫn còn đeo đẳng bền bỉ:


Trích từ sách Thi Nhân Việt Nam (1951):
[Sau khi nhắc đến công lao của các vị tiền bối, như Dương Quảng Hàm, Lê Dư, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố, nhất là ông này đã tìm cách kiểm soát lời văn đích xác, bác nhận xét:]
"Nhưng chưa có ai đã thử tìm tòi, xếp đặt, kiểm soát các văn cũ một cách có qui mô. Vì vậy mà chương trình cũng như sách học về quốc văn chỉ quanh quẩn trong các phạm vi và đề tài hẹp và không chắc chắn ..."
Tuy không chuyên môn về văn chương và văn khoa, tôi đã để ý đến sự thiếu thốn ấy từ lâu, và đã có đề cập đến cách cải thiện trong một luận thuyết đăng ở báo La Patrie Annamite vào năm 1935 (nhan đề là: Quel sera l'avenir de la langue annamite?, số báo 146 (2/5/1936) và tiếp theo) ...
 


Về văn từ thì tôi rất chú trọng để giữ được nguyên cổ văn. Sự ấy rất khó, vì phần lớn các văn đã bị phiên âm thất cách, hoặc còn bản Nôm, nhưng đã bị sao lại nhiều lần. Các người phiên âm hay sao [chép] thường không hiểu tiếng cổ, nên đã tự ý chữa đi.

Tôi đã cố tìm những bản Nôm, cũ được chừng nào hay chừng ấy, hoặc tìm nhiều bản gốc khác nhau để so sánh. Tôi đã kê các tiếng cổ thành tự vị, rồi vin vào cách viết Nôm, [và] ý trong câu, mà đoán âm và nghĩa. Với sự kinh nghiệm ấy, tôi đã đọc và hiểu nhiều từ ngữ xưa. Rồi tôi vin vào tự dạng, vào âm, vào nghĩa, để tái lập được nguyên thoại.

Ai có đọc sách cổ văn do bác biên tập (không kể các bài đã đăng trong các tạp chí từ 1942 đến khi bác mất), các cuốn kể trên (trước 1953) cũng như các cuốn sau 1953 (Bích Câu Kỳ Ngộ, 1964; Truyện Song Tinh, 1987; Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du, 1995) đều có thể thấy là bác đã thực hiện đúng như đã đúc kết đoạn cuối, trích ở trên đây. Và sẽ còn thấy trong bản Kiều di cảo, mà tôi cầu mong là gia đình giao sớm cho một nơi xuất bản đứng đắn trong nước công bố một cách xứng đáng với tài nghệ của hai con người xuất chúng của quê hương Hà Tĩnh: Nguyễn Du và Hoàng Xuân Hãn.

Và không biết có cách nào hợp lí nhất (và có tài nguyên) để công bố các tự vị kê tiếng cổ mà bác đã bỏ ra một công sức phi thường để ghi vào fiches (phiếu), từng tác phẩm cổ văn một, kèm với xuất xứ tỉ mỉ từng câu, mà tôi đã được bác cho xem ít nhiều từ khi tôi được trực tiếp đến học Hán Nôm ở nhà bác, từ cuối 1953.

 


2. Học trực tiếp
 


Vâng, cuối 1953, bác có nhận dạy chữ Hán cho một vài anh em, chừng 10 người, mỗi tuần một hai buổi tối. Tôi được học bác từ đấy, đúng lúc tôi đang học cổ văn với giáo sư Pháp ở trường Sinh ngữ Đông phương, nhờ vậy đã được bác dậy cách đọc âm Hán Việt, nói nôm na là học chữ Nho như thời còn Hán học ở nước ta. Sau vài tuần, số người thưa dần, rồi bỏ hẳn (vì các anh ấy bận chuyện khác, chuyện chính trị và chuyện nghề nghiệp). Còn lại một mình tôi thôi, kể cũng buồn cho bác vì bác rất ham giảng dạy. Tôi thì cứ bám riết, lại được bác cho mượn sách mà học thêm (như cuốn Sin Kouo Wen của Henri Lamasse). Mỗi tuần ba bốn buổi tối. Sau sáu tháng, chính bác quyết định dạy tôi đọc chữ Nôm. Không giảng lí luận và phân loại kềnh càng. Mà bắt đầu mở một cuốn Kiều nôm, bác ngồi nghe và nhìn tôi dò dẫm từng chữ một, mỗi lần vài câu. Khi tôi bí, bác mới gỡ cho, và đưa một chuỗi trường hợp đồng loại (ví dụ, ngay chữ trăm ở đầu câu 1: Sao lại dùng lâm mà viết cái từ ngữ mà nay ta đọc là trăm? Vì xưa ta đọc tl-ăm, kl-ăm; và chữ Nôm xưa dùng hai chữ cá+lâm mà về sau người ta chỉ giữ lại một âm thôi).


Cứ thế mà tiến nhanh, học một biết mười, đi từ dễ đến khó, từ cái quen thuộc (=truyện Kiều) lan dần sang cái cổ hơn, chưa quen. Cả thảy độ chừng một năm, đi từ chữ Hán đến chữ Nôm, tôi đã tạm đủ sức để đọc dần mấy chục truyện Nôm trong thư viện trường Sinh ngữ Đông phương. Ở nơi này, năm thứ ba tôi đã đủ sức đọc được trọn vẹn cả một cuốn sách chữ Hán của Trung quốc. Vậy cũng có thể bớt đến "quấy rầy" bác. Và nhân bác vắng nhà, vì suốt thời gian hội nghị Genève bác được phái đoàn Phạm Văn Đồng (trong đoàn có bạn cũ của bác như ông Phan Anh) gọi sang góp ý kiến, thì tôi cũng thừa dịp ấy mà không đến nhà nữa.

 



3. Phong cách

Vỏn vẹn chỉ có một năm học tại nhà bác, tôi đã thấy rõ công phu sâu rộng của bác về chuyên môn Hán Nôm. Qua nội dung các bài mà bác bình giảng, qua sự quan sát về con người học giả Hoàng Xuân Hãn, tôi lại nhận ra tính tình và ít nhiều nét chính kiến của bác: Một nhà giáo giỏi, một tâm hồn trung thực và vui vẻ hài hước, say mê chuyện giáo dục và văn hóa cho dân tộc Việt Nam chứ không thiên vị đảng phái và chủ nghĩa nào, không ưa các áp lực của chuyên chế, vì tính bác là khoan dung đại độ.
Trong con người thầy Hãn, hai mặt khoa học hiện đại và vốn cổ của truyền thống dân tộc không mâu thuẫn với nhau mà kết hợp hài hòa, gây nên một bản lĩnh vững chắc để xây dựng và sáng tạo.


Tạ Trọng Hiệp
27-3-1996
(Hợp Lưu số 29, tháng 6-7/1996)