Thụy Khuê

Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp











Hoàng Xuân Hãn: thân thế và sự nghiệp Hồ Xuân Hương

 

Tháng 12 năm 1983, trên tạp chí Khoa Học Xã Hội số 10 và 11, xuất bản tại Paris, xuất hiện công trình nghiên cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn với tựa đề Hồ Xuân Hương Với Vịnh Hạ Long trong đó giáo sư khảo sát một cách khoa học cuộc đời và tác phẩm của Hồ Xuân Hương, xác định thời điểm Hồ Xuân Hương đã sống và những nhân vật có quan hệ tình cảm với Hồ Xuân Hương đã được phản ảnh lại trong tập Lưu Hương Ký, tác phẩm chính của Hồ Xuân Hương. Sau cùng, giáo sư đặt vấn đề phải khảo sát lại những văn bản mà từ trước đến nay vẫn được xem là của Hồ Xuân Hương.
Mười năm qua , hầu như trong nước chưa có tiếng vang nào đáp ứng lại nhu cầu đi sâu vào công việc nghiên cứu mà học giả Hoàng Xuân Hãn đã mở đường.
Với mục đích giới thiệu những công trình nghiên cứu nghiêm túc về văn học cho một quần chúng rộng rãi, chúng tôi đã tiếp xúc với giáo sư Hoàng Xuân Hãn, và buổi nói chuyện này đã được truyền thanh trên đài RFI vào những chương trình chủ nhật 9/5 và 16/5 vừa qua. Chủ nhật 23/5, giáo sư Tạ Trọng Hiệp tiếp lời học giả Hoàng Xuân Hãn để phát biểu thêm về những chi tiết sau cùng liên quan đến số phận của tập Lưu Hương Ký.

Ở đây chúng tôi ghi lại toàn bộ ba buổi nói chuyện này để độc giả có thể tiếp thu được phần tư liệu quý giá này.

*

Thụy Khuê: Thưa bác, bác đã bắt đầu công việc nghiên cứu thân thế và sự nghiệp văn học của Hồ Xuân Hương trong trường hợp nào?
Hoàng Xuân Hãn: Thực ra thì đầu tiên câu chuyện Hồ Xuân Hương là thế này: Từ xưa ai cũng thích Hồ Xuân Hương cả. Nhưng có thể có người cho rằng đó là một nhân vật tượng trưng hơn là có thực. Đến khoảng 1965 bên nhà vẫn còn đặt vấn đề không biết Hồ Xuân Hương sống vào đời nào? Có thực có một người là Hồ Xuân Hương hay không?
Đối với tôi, cái tên Hồ Xuân Hương tôi bắt đầu thấy trong cuốn Quốc Sử Di Biên của ông thám hoa Phan Thúc Trực , người Nghệ An, trong đó nói Hồ Xuân Hương là tiểu thiếp của ông hiệp trấn Trần Phúc Hiển ở Yên Quảng, tức là vùng Quảng Yên bây giờ.
Việc ông Trần Phúc Hiển bị án tử hình vì ăn hối lộ được ghi trong Quốc Sử Di Biên và cả trong chính sử Đại Nam Thực Lục. Nhưng riêng trong Quốc Sử Di Biên, ông Phan Thúc Trực có nói đến cô vợ bé tên là Hồ Xuân Hương, giỏi văn chương và chính trị, được dự vào việc xử án, phê phán với chồng. Nhưng có lẽ vì Hồ Xuân Hương có đối xử cay nghiệt với một thủ hạ của chồng (trách nhiệm về an ninh), nên hắn đã tố cáo ông hiệp trấn ăn hối lộ. Tôi để ý và chỉ biết về con người Hồ Xuân Hương là thế mà thôi, nhưng về đường văn học thì chưa thấy một manh mối gì.
Năm 1952 tôi qua Pháp, thư viện quốc gia ở đây có nhờ tôi làm mục lục về những sách chữ Nho và chữ Nôm của họ. Tình cờ nữa, tôi lại thấy một cuốn sách địa dư, trong đó nói đến tỉnh Quảng Yên. Cuối phần tỉnh Quảng Yên thấy có sáu bài thơ đề là của Hồ Xuân Hương, thành ra hai chuyện ấy nhập lại thì rất có giá trị. Bởi vì Hồ Xuân Hương đã là vợ lẽ một ông hiệp trấn ở Quảng Yên, và đấy lại thấy có sáu bài thơ vịnh Vịnh Hạ Long thì tôi chắc chắn rằng cả hai chuyện đều có thực cả. Đến lúc xét lại mấy bài thơ về Vịnh Hạ Long thì có 5 bài chắc chắn là của Hồ Xuân Hương. Còn bài thứ sáu không phải, người ta thêm vào.

Từ hai mối ấy tôi mới đi tìm xem Hồ Xuân Hương là con người như thế nào? Thứ ba nữa, từ lúc còn dạy ở trường Bưởi, tôi rất quen với ông Dương Quảng Hàm. Ông Dương Quảng Hàm lúc ấy đang viết cuốn Việt Nam Văn Học Sử, cũng đang tìm kiếm cái gốc của Hồ Xuân Hương. Có mấy người bạn là ông Nguyễn Thiệu Lâu và ông Phan Mỹ (em ông Phan Anh) lúc ấy đang tìm kiếm về đường kinh tế, đường sử học ở huyện Quỳnh Lưu. Họ có mang về một ít tài liệu, nhờ đó chúng tôi được xem một số gia phả và hương phả của mấy làng Quỳnh Đôi, trong nói rõ ràng rằng Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Phi Diễn: Do đó, ông Dương Quảng Hàm là người đầu tiên viết ở trong sách rằng Hồ Xuân Hương người Nghệ An. Sau này vào năm 1963, tôi đọc các báo ở Hà Nội, trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, ông Trần Thanh Mại và ông Hồ Tuấn Niệm lại nói rõ ràng về gốc tích Hồ Xuân Hương hơn nữa.

Thụy Khuê: Riêng phần bác, bác còn khám phá thêm rằng Hồ Xuân Hương có họ hàng với Nguyễn Huệ?
Hoàng Xuân Hãn: Sau này tôi có một phần gia phả của họ Hồ, tra ra thì thấy rằng Hồ Xuân Hương với Nguyễn Huệ cùng một thế hệ đối với gốc họ Hồ này, mà họ Hồ này bắt đầu ở Việt Nam từ đời hậu Đường lúc mình còn đương thuộc nhà hậu Đường vào khoảng thế kỷ thứ X. Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ cùng ngang hàng, vào khoảng hàng thứ 12, nhưng có lẽ đến đời thứ 5, thứ 6 thì mới chung một gốc. Có một gốc đi từ Quỳnh Lưu vào Hưng Nguyên, rồi từ Hưng Nguyên vào Bình Định, đổi thành họ Nguyễn của Nguyễn Huệ. Một gốc nữa, phần lớn ở Quỳnh Lưu, chỉ có Hồ Phi Diễn là một thầy đồ đi ra Bắc, trong họ coi như là đã ly hương với làng Quỳnh Lưu. Và hình như ông không có con trai cho nên sau này không có người nối tiếp vết tích trong gia phả. Vì thế, dấu tích của ông Hồ Phi Diễn rất ít trong các ngành gia phả. Có nhiều gia phả lắm, nhưng chỉ hai ba có dấu tích của Hồ Phi Diễn, trong ấy người ta chú rằng có người con gái sinh ở phường Khán Xuân (làng Nghi Tàm bây giờ) tên là Hồ Xuân Hương. Theo ông Trần Thanh Mại và tôi cũng đồng ý, Hồ Xuân Hương tên là Mai, Xuân Hương chỉ là tên hiệu mà thôi.

Thụy Khuê: Bây giờ sang đến cuốn Lưu Hương Ký là tác phẩm chính của Hồ Xuân Hương. Thưa bác, trong hoàn cảnh nào đã tìm thấy Lưu Hương Ký?
Hoàng Xuân Hãn: Đến lúc tôi định tìm kiếm về Hồ Xuân Hương thì tôi lục trong các báo ở Việt Nam, từ 54 trở đi có chừng 7, 8 báo văn học có nói đến Hồ Xuân Hương, nhưng cũng chỉ bâng quơ chuyện văn Hồ Xuân Hương tục hay không tục, chứ không đả động đến đời sống, mà về đường văn học của Hồ Xuân Hương cũng nói rất ít. Duy chỉ có ông Trần Thanh Mại, tình cờ, ông đọc những sách của trường Viễn Đông Bác Cổ để lại, sau bài Đi Chơi Hương Tích của Chu Mạnh Trinh thì có một bài tựa sách của một người ký tên là Nham Giác Tốn Phong, bài tựa đó có nói đến một cuốn sách tên là Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương mà ông được đọc và làm cái bài tựa này. Sau bài tựa ấy có những bài thơ của ông Tốn Phong tặng cho Hồ Xuân Hương. Ông Trần Thanh Mại mới nghĩ rằng nếu tìm được Lưu Hương Ký thì sẽ biết nhiều về Hồ Xuân Hương. Chuyện này vào khoảng 1963, ông Trần Thanh Mại kể lại trong tạp chí Văn Học như thế. Rồi ông ấy loan báo muốn tìm cuốn Lưu Hương Ký, thì có một ông cử nhân người làng Hành Thiện viết thư cho ông ấy bảo rằng cách đây 8, 9 năm trước tôi đã gửi biếu các ông cuốn Lưu Hương Ký mà tôi tìm thấy ở trong thư viện của tôi. Lúc ấy Trần Thanh Mại mới ngã người ra: à thì ra mình đã có trong tay Lưu Hương Ký gần 8, 9 năm rồi mà không biết. Từ lúc ấy, ông Trần Thanh Mại mới bắt đầu khảo cứu Lưu Hương Ký. Thì Lưu Hương Ký là một tập thơ và từ bằng chữ Hán và chữ Nôm. Theo bài tựa của Tốn Phong, chính Hồ Xuân Hương nói rằng: Đây là tập thơ của cả đời tôi. Nhưng sự thực thì không phải thế đâu. Sự thực, tâm hồn của cô ở trong tập này chứ không phải tất cả tác phẩm của cô ở trong tập này. Cả tập hình như chỉ có 52 bài: 24 bài chữ Hán, 28 bài chữ Nôm. Trong Nôm thì có thơ đường luật mà cũng có những bài từ. Phần Nôm rất đặc biệt vì nó nói hẳn cái tình cảm của mình -tình đây là tình ái- mà nói thật thà không giấu diếm, không ngượng ngùng. Phần văn chữ Hán có hơi sáo một tí bởi ảnh hưởng văn cử nghiệp. Nhưng mà thơ cô cũng không kém gì những người văn học đàn ông đời ấy.
Bằng phương tiện riêng, tôi tìm kiếm qua những bài thơ của cô và qua Đại Nam Thực Lục thì tôi đã tìm lại được một số tình nhân của Hồ Xuân Hương, trong ấy có đến bốn, năm người mình biết tên tuổi, thì người đầu tiên là cụ Nguyễn Du.

Thụy Khuê: Xin bác trở lại một chút về sự khác nhau giữa công việc tìm kiếm của bác với ông Trần Thanh Mại.
Hoàng Xuân Hãn: Ông Trần Thanh Mại có trong tay 2 tác phẩm và ông ấy dịch ra một phần. Ông ấy chỉ dịch ra một phần, cái khổ là thế vì bây giờ chưa chắc đã tìm lại được Lưu Hương Ký. Nhưng ông không tìm cách liên lạc các việc với nhau và ông cũng không kiếm ra những con người giao thiệp với Hồ Xuân Hương là những người nào. Tôi ở bên này, tôi chỉ tìm được những cái gì có ghi chép trong sử, còn những tên ở ngoài, nếu ở bên nhà thì may ra mới tìm được.

Thụy Khuê: Thưa bác, có phải bài Tiễn Bạn Trên Sông Bạch Đằng trong tập Lưu Hương Ký đã chứng minh rõ thêm mối liên lạc giữa Hồ Xuân Hương và Trần Phúc Hiển?
Hoàng Xuân Hãn: Đối với tôi, bài Tiễn Bạn Trên Sông Bạch Đằng rất quan trọng vì nó làm dây nối giữa hai quãng đời ta biết chắc của Hồ Xuân Hương: Đời làm bạn với Tốn Phong và đời làm vợ bé Trần Phúc Hiển. Không những trên con đường đi từ Thăng Long ra Quảng Yên lúc ấy phải đi bằng sông Bạch Đằng mà trong lời thơ mình cũng hiểu rằng có sự hứa hẹn. Ông Trần Phúc Hiển hứa hẹn sẽ trở lại cưới Hồ Xuân Hương, nhưng cô đã bị bốn năm chuyến hứa hẹn mà không thành, hoặc vì người ta hoặc vì cô, cho nên cô cũng hồ nghi. Tuy hồ nghi nhưng hơn 40 tuổi rồi, cô cũng đành lấy ông làm lẽ. Trong lời thơ mình thấy cả hai hồ nghi ấy.

Thụy Khuê: Qua bài tựa của ông Tốn Phong thì Hồ Xuân Hương là người đẹp?
Hoàng Xuân Hãn: Đối với người mà đã yêu người đàn bà thì tự nhiên ông ấy ví cô ấy như tiên, người trên trời, cái ấy thì mình cũng không biết là thế nào. Chắc đẹp lắm thì không, nhưng nói theo tiếng mình rằng xinh thì chắc là có, dễ yêu và tính cô hồn nhiên lại thơ hay. Lúc gặp ông Tốn Phong cô đã qua nhiều đau khổ và muốn kiếm chồng.

Thụy Khuê: Thưa bác, như vậy trái với những lời đồn đại về Xuân Hương, thường cho rằng Xuân Hương là người đàn bà xấu?
Hoàng Xuân Hãn: Về những lời đồn đại mình không thể tính được. Đây mình tính đến những điều người ta đã viết ra: Các ông hiệp trấn kia, nhiều người muốn gần cô như thế thì cô không xấu đâu.

Thụy Khuê: Bây giờ xin bác nói về những bài thơ trong Lưu Hương Ký phản ảnh những mối tình khác của Hồ Xuân Hương.
Hoàng Xuân Hãn: Trong những bài thơ ghi lại trong Lưu Hương Ký, tôi thấy rằng cụ Nguyễn Du là mối tình đầu của người con gái lúc 18, 20 tuổi.
Ta biết được năm sinh của Hồ Phi Diễn (1703), cho nên ta có thể đặt 1770-1772 là thời điểm Hồ Xuân Hương sinh ra. Sớm thì 70, chậm 72, khi đó Hồ Phi Diễn cũng đã gần 70 tuổi. Lại biết cụ Nguyễn Du sinh năm 1765. Khi Tây Sơn lên, Nguyễn Huệ ra Bắc thì cụ Nguyễn Du đã gần 25 tuổi (1789-90). Chuyện gặp gỡ đây, chắc là trước thời điểm ấy vì chính cụ Nguyễn Du cũng tránh Tây Sơn, bởi vì không muốn Ngô Thời Nhậm kéo ra làm việc với Tây Sơn. Vậy sự gặp gỡ một cách thoải mái phải ở trước thời điểm ấy: Xuân Hương chưa tới 20 và cụ Nguyễn Du chưa tới 25 tuổi. Mối tình đầu tiên chắc chắn là với Nguyễn Du rồi.

Thụy Khuê: Thưa bác, có phải là họ gặp nhau, họ xa nhau, rồi lúc Nguyễn Du đi sứ thì họ có gặp lại nhau lần nữa?
Hoàng Xuân Hãn: Tôi chắc là không. Trong những bài thơ không thấy có sự tái lại. Cụ Nguyễn Du chắc là tránh không muốn gặp. Không dám gặp vì Nguyễn Du là người rất dè dặt. Hai nữa, đối với cả hai bên câu chuyện tình tứ lúc trẻ có thể cũng mạnh đấy. Nhưng cụ Nguyễn Du lúc ấy là phương diện quốc gia đi sứ, lại một quan lớn nữa thì cũng không thể nhắc lại chuyện xưa. Thêm nữa, Hồ Xuân Hương là một người đặc biệt, từ trong sử sách, bạn bè, những văn nhân, không có người nào dám nói đến tên cô cả. Lúc ấy không phải họ tẩy chay -như tiếng bây giờ- nhưng không ai dám nói tới. Nhất là về sau này cô lại là vợ ông Trần Phúc Hiển, một ông quan bị xử tử thì lại càng không dám nhắc tới, thành ra sau này cô quạnh lắm cũng là vì thế.
Câu chuyện tình duyên giữa cụ Nguyễn Du với Hồ Xuân Hương, nói thực ra ở trong nước người ta không tin lắm. Tôi có đọc đâu đó người ta đặt nghi vấn rằng: Một người đứng đắn như cụ Nguyễn Du mà lại đi gian díu hồi trẻ thì người ta không muốn. Về mặt ấy, bên nhà còn đương bảo thủ lắm.
Bài thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký đề rõ ràng là gởi Nguyễn Hầu người Tiên Điền và trong lại nói đến chuyện đi sứ. Với tên ấy và sự việc ấy thì tôi chắc chắn là Nguyễn Du.

Thụy Khuê: Bài thơ ấy nói lên tấm lòng của Hồ Xuân Hương đối với Nguyễn Du, còn Nguyễn Du đối với Xuân Hương như thế nào? Nguyễn Du có để lại dấu tích gì về mối tình đó không, thưa bác?
Hoàng Xuân Hãn: Cụ Nguyễn Du đối với Hồ Xuân Hương là như thế nào? Cái ấy có nhẽ là tôi phát hiện ra. Tôi thấy rằng trong lúc viết quyển Kiều cụ không thể không nghĩ đến mối tình cũ với Hồ Xuân Hương hồi xưa.
Về thân phận đàn bà cụ rất tế nhị. Người ta nói rằng chính mẹ cụ Nguyễn Du ngày xưa cũng là người con gái đẹp ở Bắc Ninh, làm hầu, làm thiếp. Cụ Nguyễn Nghiễm hồi đó nhiều hầu, nhiều thiếp lắm. Cô hầu ấy có con thì có thể nói là có chút danh giá. Nhưng trong gia phả cũng không thấy nói gì đến người mẹ của Nguyễn Du có lẽ chỉ vì là người thiếp mà thôi. Cụ Nguyễn Du, qua người mẹ, thấy phận đàn bà bạc bẽo lắm, nên trong thơ cụ, chữ Hán cũng như trong Kiều, khi nào nói đến danh phận của người đàn bà thì tấm lòng của cụ rất cảm động.
Trong những tập thơ chữ Hán cụ để lại tôi thấy có hai bài cụ nhắc đến đời trẻ của cụ có quan hệ đến hai người đàn bà. Bài đầu Long Thành Cầm Giả Ca (Bài ca người gảy đàn đất Long Thành) nói về một người đàn bà hồi xưa là cung nữ vua Lê, thời anh cụ Nguyễn Du là Nguyễn Lễ làm quan lớn của Tây Sơn ở Hà Thành, một hôm có bữa tiệc mời những người con hát tới hát, cô ấy cũng được mời, ngồi trong tối, ngồi xa. Nguyễn Du lúc ấy còn đương trẻ, độ 20, 25 tuổi (hồi đang gian díu với Hồ Xuân Hương) cụ có mặt và cũng nghe tiếng đàn ấy, rồi quên đi. Sau đến lúc Nguyễn Du đi sứ (1815) qua Hà Thành, các quan Hà Thành mời cụ tới dự tiệc, cũng có mời những con hát tới hát. Người đàn bà ấy được mời, khi ấy già rồi, ngồi trong tối. Cụ Nguyễn Du nghe tiếng cầm, nhớ lại tiếng cầm hồi xưa, cụ hỏi ra thì chính là người đàn bà ngày xưa cụ đã nghe đàn. Bài Cầm Giả Hành ấy, theo tôi, đứng về phương diện Hán văn của Việt Nam, là bài hay nhất. Cụ viết trong tập Bắc Hành Thi Tập.
Bài thứ hai đặc biệt nữa là bài Hái Sen Ở Hồ Tây. Người nào để ý thì cũng phải tự hỏi: Trong các bài thơ khác nói về chuyện giao tế, thơ sáo, thơ thù tiếp, thì tự nhiên có một bài souvenir nói về một người con gái cụ gặp, đã hái sen với cụ ở Hồ Tây. Bài này ông Lê Thước có dịch, đối với tôi, thì bài thơ đó nói về Hồ Xuân Hương. Tức nhiên không nói rõ tên, nhưng tôi có linh cảm rằng người con gái ấy là Hồ Xuân Hương. Trong bài ấy có những câu ngụ ý rằng: Yêu sen, ai cũng vì cái lá xanh và cái hoa tím đẹp nhưng không ai nghĩ rằng trong sen có cái ruột, trong ruột có tơ, dù có bẻ đi nó vẫn còn giăng díu. Dặn người ta có hái sen đừng bẻ ngó bởi vì sau nó không sinh hoa được. Rồi trong Kiều cũng có câu:
Những từ sen ngó đào tơ
Mười lăm năm mới bây giờ là đây.
Theo ý tôi, khi viết câu ấy cụ Nguyễn không thể nào mà không nghĩ tới chuyện hái sen với Hồ Xuân Hương.
Một câu nữa:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Lúc cụ viết là để chỉ mối tình Kiều với Kim Trọng tuy đã xa cách nhau lâu thế rồi mà không thể dứt được, không thể không tưởng nhớ tới nhau, thì cái ý về tình nó cũng đúng như thế và dùng về cây sen ngó ý và tơ lòng cũng đúng. Tôi nghĩ rằng bài hái sen trên đây và những câu thơ trong Kiều phù hợp với mối tình của cụ với Hồ Xuân Hương lúc trẻ .

Thụy Khuê: Thưa bác, bây giờ đến mối tình thứ nhì của Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký. Mối tình thứ hai là ông Mai Sơn Phủ?
Hoàng Xuân Hãn: Vào khoảng năm 1787, lúc Nguyễn Hữu Chỉnh lên làm tướng thì họ Nguyễn ở Tiên Điền đã mất thế ở ngoài Bắc rồi, lúc ấy cụ Nguyễn Du có lẽ đã có vợ, làm rể một ông tiến sĩ và làm bạn với những người văn học giỏi ở ngoài Bắc. Mấy ông anh rể theo Tây Sơn. Cụ không theo. Cụ bấy giờ có lẽ đã rút lui về vùng quê vợ là Nam Định. Cho nên sự quen biết gặp gỡ Hồ Xuân Hương có thể coi là chấm dứt vào khoảng 87-89. Từ lúc ấy cho đến suốt cả đời Tây Sơn, trong hơn 10 năm, Hồ Xuân Hương ở một mình hay có lấy chồng không, cũng không biết nữa, nhưng còn dấu tích một mối tình rất nồng nàn với một người tên là Sơn Phủ. Sơn Phủ là hiệu. Chữ phủ ta hay dùng làm hiệu. (phủ là mới, phủ là tên một người ẩn dật). Nhưng đây là một chàng trai, tôi chắc cũng người Nghệ và mối tình sâu sắc lắm. Bởi vì qua những bài thơ cô để lại, mình thấy rõ ràng không những là mối tình bề ngoài nhưng có thể thành vợ chồng. Sau có những bài từ cô viết tặng Sơn Phủ rất tha thiết. Sơn Phủ ra đi rồi không thấy trở lại nữa. Tôi nghĩ bấy giờ vào khoảng trước lúc Tây Sơn mất.
Từ đấy cho đến năm 1807 mới gặp ông Tốn Phong. Ở giữa thì mình không biết. Trong đời sống của Hồ Xuân Hương mà dân gian truyền lại có nói đến ông Tổng Cóc, ông thầy thuốc... nếu là thực thì có thể trong quãng ấy.

Thụy Khuê: Thế còn về ông phủ Vĩnh Tường?
Hoàng Xuân Hãn: Về việc phủ Vĩnh Tường, tôi chắc không phải đâu. Cái tên phủ Vĩnh Tường mãi đến năm 1822 mới có. Phủ Vĩnh Tường hồi xưa là Tam Đối, ta gọi là Tam Đái. Tam Đái là ba con sông châu lại với nhau: Sông Lô, sông Đà và sông Thao. Đấy là vùng Bạch Hạc, Việt Trì bây giờ. Ông Trần Phúc Hiển là tri phủ Tam Đới, nói rằng Hồ Xuân Hương là bà phủ Tam Đới còn có lý ít nhiều, chứ gọi là bà phủ Vĩnh Tường thì không đúng. Mà gọi là bà phủ Tam Đới cũng không đúng bởi vì cô ấy lấy ông Phúc Hiển sau khi ông ấy làm hiệp trấn rồi, thì không đời nào người ta trở lại gọi là bà phủ nữa.
Vậy, nếu có bài thơ khóc ông phủ Vĩnh Tường thực do Hồ Xuân Hương làm ra thì là làm cho một bà phủ Vĩnh Tường khác, mà chồng chết, Hồ Xuân Hương làm để rỡn bà kia. Nhưng tôi cũng nghi rằng chưa chắc đã phải, bởi vì phủ Vĩnh Tường đến năm 1822 mới có mà Hồ Xuân Hương có lẽ đã mất năm 1820 rồi.
Những bài thơ người ta gán cho bà, nhiều khi chỉ nghĩ một tí ti thì thấy rằng là không phải.

Thụy Khuê: Thưa bác, còn những mối tình sau đó của Hồ Xuân Hương.
Hoàng Xuân Hãn: Sau ông Sơn Phủ đến ông Tốn Phong. Ông Tốn Phong là một ông thầy đồ Nghệ ra dạy học ở phường Bích Câu bây giờ. Rồi có người bạn là ông Cư Đình ở Thăng Long mách với ông Tốn Phong rằng: Ở đây có người con gái người Nghệ có tiếng là hay chữ, nếu ông muốn gặp thì ông lên Hồ Tây mà hỏi thăm. Ông này lên gặp, lấy làm ngạc nhiên thấy một người con gái Nghệ nói rằng cô là em của ông Hồ Phi Đống (là ông Thượng Thư), lại người Nghệ nữa cho nên gặp gỡ cũng dễ. Đến lúc gặp gỡ làm thơ họa với nhau thì thích thú lắm, nhưng đi sâu tới mức lấy nhau thì chắc ông này cũng muốn cưới cô đấy, nhưng xem trong các thơ ấy thì có nhẽ cô không muốn, bởi vì ông ta chưa có công danh gì, rồi sau chấm dứt bởi vì ông này về Nghệ để đi thi (khóa thi đầu tiên của đời Gia Long là 1807). Đến 1814, ông trở lại Hà Nội, gặp lại Hồ Xuân Hương, Xuân Hương mới đưa tập thơ Lưu Hương Ký cho xem và nhờ ông viết bài tựa. Nhờ hai thời điểm 1807 và 1814 mình biết về khoảng thời gian bảy năm ấy của Hồ Xuân Hương, vì ông ta có viết rằng: Cô ta lúc ấy mẹ già nhà khó. Ta biết chắc chắn như vậy. Hơn nữa, có một nghị luận về thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký, ông viết rằng: Người về đường chữ nghĩa rất nhiều, về đường tình tứ cũng lắm nhưng biết dừng ở chỗ lễ giáo, tức là không lả lơi. Tình là tình thực cả.
Ngoài ra, lại có những bài thơ xướng họa với những ông hiệp trấn Sơn Nam Thượng và hiệp trấn Sơn Nam Hạ. Cả hai cùng họ Trần. Sơn Nam hồi xưa có hai Trấn: Sơn Nam Thượng là Hưng Yên bây giờ; Sơn Nam Hạ là Châu Cầu, vùng Nam Định. Xem trong Đại Nam Thực Lục thì có thể biết rằng ông trước, Trần Quang Tĩnh, hiệp trấn Sơn Nam Hạ là người theo Gia Long, quê ở Gia Định, đã nhiều tuổi, nguyên làm cai bạ Bình Định. Ông sau là Trần Ngọc Quán, hiệp trấn Sơn Nam Thượng, trước làm cai bạ Quảng Đức (Thừa Thiên). Lại có sự thú vị như thế này: Bài thơ Hồ Xuân Hương trả lời ông Quán thì lại tìm được trong Thanh Hóa. Còn bài của ông ta viết cho Hồ Xuân Hương thì lại tìm thấy trong Lưu Hương Ký. Thành ra có những nguồn rất khác nhau, nhưng khi nhặt lại thì nó hợp, điều đó chứng minh sự thực của những bài thơ, chứ không phải người ta bịa đặt ra.

Thụy Khuê: Trở về với văn phong trong Lưu Hương Ký và những bài thơ mà Xuân Hương làm ở vịnh Hạ Long, văn phong ấy rất khác với những bài thơ được truyền lại bây giờ là của Hồ Xuân Hương. Bác giải thích ra sao chuyện đó?
Hoàng Xuân Hãn: Bây giờ nói đến cái văn in bằng quốc ngữ từ trước đến bây giờ mà người ta gán cho Hồ Xuân Hương, thì phải nhìn những bài thơ ấy như thế nào? Và những bài thơ ấy lấy đâu ra?
Sang bên Pháp này tôi lục được một tập văn của một người Pháp tên là Antony Landes, ông là người sang Nam Kỳ thời Pháp chiếm Nam Kỳ, ông học tiếng Việt ở trường Thông Ngôn thành ra giỏi tiếng Việt lắm, ông có dịch cả Nhị Độ Mai. Vào khoảng năm 1892, ông được bổ làm đốc lý ở Hà Nội. Landes có nhẽ là người Pháp đầu tiên ra Bắc tìm kiếm các tác phẩm của người Việt Nam, rồi thuê hay sai người chép lại. Nhưng những người đó làm để lấy công, lấy tiền, hay lấy tiếng chứ không có trình độ hoặc thực tâm, cho nên tuy góp được khá nhiều văn nhưng không chắc chắn lắm. Những văn mà ông góp lại, chỉ về tuồng không cũng có độ mười cuốn dày. Tập thơ, nhiều thơ lắm do con cháu ông Landes cho Société Asiatique trữ lại. Trong đó có hai ba người chép lại thơ, gọi là thơ Hồ Xuân Hương. Gốc tích đầu tiên về văn học mà sau này bên ta in ra thơ Hồ Xuân Hương, tôi chắc là ở trong ấy!
Xét ra thì thấy họ hoàn toàn bịa. Ở trong ấy có nhiều thoại khác nhau. Cái anh viết nhiều nhất thì một bài thơ anh ta bịa ra hết cả những chuyện đã xảy ra, rồi thì mới đến bài thơ ấy. Ví dụ như bài thơ Bù Nhìn (bây giờ nhiều người nói là của Lê Thánh Tông) thì trong ấy họ cho là của Hồ Xuân Hương. Anh ấy kể chuyện rằng một hôm Hồ Xuân Hương về già đi bộ giữa đồng, thấy một con bù nhìn, thế rồi làm bài thơ này. Thì mình biết rằng bịa. Nhưng trong ấy cũng có một quãng thơ không biết là bịa hay lấy ở đâu mà cũng có thể nhận là của Hồ Xuân Hương được.
Những bài thơ dịch trong Văn Đàn Bảo Giám hay là in trong các sách quốc ngữ đều lấy ở đấy cả. Mình không tin được phần nào đâu. Trong mười bài có thể có 1, 2 bài có thực. Người ta bịa ra để tuyên truyền rằng Hồ Xuân Hương là người hay chớt nhả, hay đùa, hay nói một cách tục tĩu: Những người đàn ông đặt ra những bài thơ tục tĩu cho vui rồi gán cho Hồ Xuân Hương. Bài thơ Quả Mít là cũng bịa ra cả một câu chuyện: Hôm ấy Xuân Hương tới nhà ông quan huyện, ông đang xử kiện, quan huyện trỏ một cây mít rồi đố Xuân Hương làm một bài thơ, nếu không làm được thì phải đòn... Kể chuyện như thế để có một cái ngoại tưởng là thực. Thực ra thì họ bịa.
Các bài thơ đó đối với tôi, tôi coi rằng nếu có thì là thơ lúc Hồ Xuân Hương còn trẻ. Vì sự đừa bỡn của Hồ Xuân Hương thì chắc là có bởi vì cá tính của Hồ Xuân Hương khác với những người con gái thời ấy. Ông Hồ Tuấn Niệm là người trong họ kể lại là cô có về làng và đùa với ông Dương Trí Tạn. Ông Tạn có làm một bài thơ vịnh cái điếu để mà bỡn cô và cô chấp nhận đùa với những người như thế thì đủ biết cô không phải là người con gái nhút nhát gì cả: Nếu người nào kích thích cô thì cô cũng trả lời quá cả con trai nữa. Cho nên một số những bài thơ đùa bỡn có tính dục tình có thể có nhưng chỉ làm lúc còn trẻ, đùa bỡn thôi, chứ không phải là bản chất thơ của cô. Sau lúc cô ấy quá lứa rồi, chắc cũng kén lắm mà không lấy được chồng thì mình thấy thơ của cô trữ tình rất nhiều nhưng không còn chất cợt nhả như hồi trẻ nữa.

Thụy Khuê: Thưa bác, với tất cả những khó khăn như thế, thì giới văn học phải làm thế nào để lựa chọn những văn bản của Hồ Xuân Hương?
Hoàng Xuân Hãn: Tôi thấy rằng bổn phận của những người làm văn học sử nên họp nhau mà xử định trong số thơ truyền lại nói là của Hồ Xuân Hương bài nào đích thực, bài nào phải bỏ đi.
Bỏ đi thì cũng có nhiều loại: Chỉ một vài câu thì thấy rõ là không phải của Hồ Xuân Hương. Có người nói là ông thầy đồ đi dạy ở chỗ nào rồi nghĩ đến vợ ở nhà thì chắc chắn không phải là của Hồ Xuân Hương. Những bài ấy thì phải vứt đi.
Bài phủ Vĩnh Tường theo nhẽ tôi vừa nói trên, cũng không phải của Hồ Xuân Hương. Một số bài tục tĩu, bông đùa không sâu sắc, không hay gì thì cũng không nên để vào tác phẩm của Hồ Xuân Hương.
Lúc mà sách quốc ngữ đã in về phong trào Hồ Xuân Hương đã làm cho nhiều người thích rồi thì ở hàng Gai cũng có người khắc lại một số bài thơ chữ Nôm, dưới có khắc chữ quốc ngữ. Tuy những bài ấy cũng có vài bài có thể nói là của Hồ Xuân Hương được, nhưng có nhiều bài người ta cho là của bà Huyện Thanh Quan, thì cũng phải tồn nghi mà xét lại.
Chắc chắn nhất là Lưu Hương Ký. Về thơ chữ Hán thì có mấy bài về Vịnh Hạ Long và hình như có 16 bài về Đồ Sơn mà ông Trần Văn Giáp đã trình bày trên tạp chí Văn Học ở Hà Nội, tôi chưa được xem nhưng tôi nghĩ rằng có nhẽ cũng đúng. Đấy là những bài của Xuân Hương thực, các giáo viên hoặc các viện Văn Sử Học nên xét lại vấn đề này.
Trong bài viết trên tạp chí Khoa Học Xã Hội năm 1983, tôi cũng đã bắt đầu làm công việc ấy. Tôi trình bày những bài thơ bằng các dấu hiệu bài nào có thể tin được, bài nào không tin được, tức là bước đầu, nhưng tôi ở xa, không thể làm công việc ấy một mình được.

Thụy Khuê: Thưa bác, tập Lưu Hương Ký hiện giờ ở đâu?
Hoàng Xuân Hãn: Không biết là ở đâu. Tôi có nhờ nhiều người ở Hà Nội hoặc chép lại hoặc photocopie lại cho tôi. Cuối cùng có người nói với tôi: Khi các ông trong ban văn học muốn nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, các ông cầm về nhà. Đến khi Mỹ ném bom, các ông tản cư rồi thất lạc. Bây giờ thì người ta chưa thấy. Tôi mong rằng chưa mất. Nếu người nào ở Hà Nội còn giữ mà muốn làm về công việc ấy thì phải tiếp tục mà làm. Ít ra thì cũng phải in hoàn toàn những bài thơ ấy ra và dịch ra để lưu lại một cái dấu tích của Hồ Xuân Hương.

Thụy Khuê: Vậy tổng kết về Hồ Xuân Hương, bác có lời gì nhắc với giới nghiên cứu, nhất là giới nghiên cứu trong nước?
Hoàng Xuân Hãn: Tôi mong rằng bên ấy đọc bài viết của tôi một cách cẩn thận và thêm vào vì nhiều chỗ vẫn còn khuyết lắm. Về mặt thân thế của Hồ Xuân Hương, về tác phẩm của Hồ Xuân Hương, trong giáo giới và trong văn học sử phải xét lại mà nhất quyết một số nhất định những bài nào có thể cho là của Hồ Xuân Hương được. Công việc này mình phải làm. Nếu mình không làm thì hiện giờ các nước quốc tế người ta để ý đến văn học Việt Nam mà trong ấy những người như người Nhật Bổn là những người biết Hán tự, biết chữ Nôm, họ đi sâu lắm. Mình mà như hồi xưa, dùng một cách -có thể nói là bịp người ta- không thể được nữa đâu. Hồi trước, cũng không phải là mình có ý bịp đâu nhưng là vì cái dốt của mình nên nhiều khi nó sơ sài quá. Phải quan tâm lại.

Thụy Khuê: Xin cảm ơn giáo sư Hoàng Xuân Hãn.


Thơ HỒ XUÂN HƯƠNG

Cảm cựu kiêm trình
Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu
(Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền Nhân)

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đây gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vạn
Giấc mộng rồi ra nửa sắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong
(Lưu Hương Ký)


Thơ HỒ XUÂN HƯƠNG đề Vịnh Hạ Long

Độ hoa phong

Phiến phàm vô cấp độ Hoa Phong
Tiệu bích đan nhai xuất thủy trung
Thủy thế mỗi tùy sơn diện chuyển
Sơn hình tà kháo thủy mông thông
Ngư long tạp xử thu yên bạc
Âu lộ tề phi nhất chiếu hồng
Ngọc động vân phòng tam thập lục
Bất tri thùy thị Thủy tinh cung

Qua vũng hoa phong

(Đường Luật)
Lá buồn thủng thỉnh vượt Hoa Phong
Đá dựng bờ son mọc giữa dòng
Dáng nước lần theo chân núi chuyển
Mình làn nghiêng để lối duềnh thông
Các rồng lẫn nấp khơi thu nhạt
Âu lộ cùng bay bóng xế hồng
Băm sáu phòng mây cùng động ngọc
Đâu nào là chốn thủy tinh cung?




(Lục bát)
Buồm êm vượt vũng Hoa Phong
Giữa dòng đá dựng vách hồng bao quanh
Nước theo mặt núi chuyển mình
Núi ngăn cửa lạch nép mình nước thông
Khơi thu che dấu cá rồng
Bóng chiều âu lộ nhuốm hồng cùng bay
Kìa kìa động ngọc buồng mây
Thủy tinh cung biết chốn này nơi nao?
(Hoàng Xuân Hãn dịch)

Thơ NGUYỄN DU

Mộng thấy hái sen

Xắn gọn quần cánh bướm
Chèo thuyền con hái sen
Nước hồ đầy lai láng
Dưới nước bóng người in
Tây hồ hái hái sen
Hoa gương bỏ lên thuyền
Hoa tặng người mình sợ
Gương tặng người mình quen
Sáng nay đi hái sen
Hẹn cô kia đi với
Chẳng biết đến lúc nào
Cách hoa nghe cười nói
Hoa sen ai cũng ưa
Cuống sen chẳng ai xót
Trong cuống có tơ mành
Vấn vương không thể dứt
Lá sen màu xanh xanh
Hoa sen dáng xinh xinh
Hái sen chớ đụng ngó
Năm sau hoa chẳng sinh.
(Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch)