Thụy Khuê

Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp


 


Nói chuyện với giáo sư Tạ Trọng Hiệp về văn bản Lưu Hương Ký
 



Thụy Khuê: Thưa anh, theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì Lưu Hương Ký đã thất lạc, anh là người được giáo sư Hãn giao phó trách nhiệm về Việt Nam tìm lại tập Lưu Hương Ký, xin anh thuật lại sự việc đã xảy ra?
Tạ Trọng Hiệp: Về phần tư liệu, những gì Trần Thanh Mại đã giới thiệu trong tạp chí Văn Học (Hà Nội), năm 1964, thì trong bài biên khảo tác giả Hoàng Xuân Hãn đã giới thiệu lại hết. Tổng cộng ông Trần Thanh Mại mới giới thiệu 16 bài trong số 52 bài (24 bài chữ Hán và 28 bài chữ Nôm). Sau đó miền Bắc đi vào chiến tranh chống Mỹ nên bẵng đi một thời gian rất dài, không ai trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương và không ai mở lại Lưu Hương Ký mà đọc nữa. Rất tiếc ngoài số 16 bài đã được giới thiệu mà qua phiên âm nhiều khi thất cách. Trong bài của tác giả Hoàng Xuân Hãn đã điều chỉnh một vài tiếng cổ rất quan trọng bị đọc sai. Còn những bài chưa được giới thiệu thì bây giờ không có hy vọng gì được đọc nữa, bởi vì cuối năm 1988, khi tôi có dịp đi công tác ở Hà Nội, tôi đã cố gắng thực hiện một lời dặn của thầy Hãn là yêu cầu anh em trong nước cho phép chụp hay chép lại những bài chưa được Trần Thanh Mại giới thiệu và cả những bài Trần Thanh Mại chỉ phiên âm, dịch theo kiểu của mình. Việc sử dụng 16 bài đó rất bấp bênh.
Khi tôi đến Viện Văn Học là nơi có chức năng bảo tồn bản Lưu Hương Ký quý báu đó thì không tìm ra. Các vị chuyên gia về văn học cổ Việt Nam đều cho biết cuốn ấy đã mất rồi. Tôi hỏi: Mất như thế nào? Trong trường hợp nào? Năm nào? Ai làm mất? Thì được biết sau ông Trần Thanh Mại (sau loạt bài viết về Hồ Xuân Hương, bài cuối cùng năm 1964, ông ấy bị bệnh, mất), người kế tục công tác nghiên cứu Hồ Xuân Hương, lại là người giữ công việc gần như quản thủ thư viện sách Hán Nôm của viện Văn Học, ông Hồ Tuấn Niệm.
Trong những năm sơ tán để tránh bom Mỹ, ông Niệm đem theo trong ba lô cuốn Lưu Hương Ký mà không để lại Hà Nội một bản chụp nào cả và ông ấy cũng đã chết, không biết chết trong đợt sơ tán hay chết vì bệnh. Trong khi ông ấy chết thì số phận của tập Lưu Hương Ký cũng biến mất theo cái ba-lô của ông. Điều tra mãi mới bật ra được sự thật ấy.


Thụy Khuê: Còn có một hy vọng nhỏ nào tìm thấy Lưu Hương Ký không, thưa anh?
TTH: Tôi còn một hy vọng bé tí. Có thể một người duy nhất ở Hà Nội may ra còn giữ được bản chép tay toàn bộ 52 bài thơ trong Lưu Hương Ký. Đó là một tác giả khác cũng viết về Hồ Xuân Hương: ông Đào Thái Tôn. Trong cuốn thơ Hồ Xuân Hương của Nguyễn Lộc có nói rằng Đào Thái Tôn là người đã được giao cho đọc tập Lưu Hương Ký và đã dịch trọn vẹn 52 bài. Nếu không may cho chúng mình thì Đào Thái Tôn chỉ làm bản dịch mà không chép lại bản chữ gốc. Còn nếu ông ấy là người có lương tâm nhà nghề thì sẽ chép bản chữ Hán và bản Nôm để dùng và kiểm tra, rà đi rà lại bản dịch của ông cho tốt. Trong đợt về Việt Nam công tác, tôi cũng có yêu cầu cho tôi được gặp ông Đào Thái Tôn. Dù được nhiều người giúp đỡ, nhưng không may gặp dịp ông đi công tác ở chỗ khác, hơn nữa, tôi được biết quan hệ của ông với các chuyên gia của Viện Văn Học không được tốt lắm. Ông công tác ở viện khác cho nên cũng không dễ bắt liên lạc. Vậy chỉ còn hy vọng cuối cùng là hôm nào được gặp ông Đào Thái Tôn để hỏi: Anh còn giữ được bản chép tay Lưu Hương Ký không? Nếu không thì đây là một tổn thất không thể nào cứu vãn được nữa.

Thụy Khuê: Anh nghĩ sao về sự coi nhẹ việc bảo tồn những văn bản cổ của nước nhà như vậy?
TTH: Khi được biết những tin đó, tôi quay sang một viện khác. Đó là Viện Hán Nôm. Viện này có chức năng -do sắc lệnh của hội đồng chính phủ ghi rất rõ khi sáng lập- là hễ có phát hiện những tư liệu quan trọng về cổ văn, cổ sử thì Viện Hán Nôm phải có một bản chụp hay bản sao. Tôi có hỏi tại sao các anh không có sáng kiến chụp một bản Lưu Hương Ký cho mọi người dùng? Thì lúc đó tôi lại biết thêm một lầm lẫn khác cũng rất đáng tiếc:
Đầu mối của sự phát hiện ra Lưu Hương Ký, lần đầu tiên, là năm 1963. Trần Thanh Mại đọc một cuốn bản thảo trong Viện Hán Nôm, không mang tên Lưu Hương Ký mà mang tên khác, nó là tác phẩm được ghi vào phiếu thư viện dưới nhan đề Du Hương Tích Động Ký, cả thảy gồm 9 tờ (bài ký chiếm khoảng một nửa), 4, 5 tờ còn lại chép 31 bài thơ chữ Hán của một người mình chỉ biết bút danh là ông Tốn Phong (là người bạn thơ và bạn tình của Hồ Xuân Hương), trong ấy có bài tựa ông ấy viết cho tập Lưu Hương Ký và 31 bài thơ của ông ấy tặng bà Hồ Xuân Hương. Khi tôi đặt yêu cầu của thầy Hãn là muốn có một bản chụp Lưu Hương Ký thì Viện Hán Nôm rất dễ dàng chụp cho tôi bài tựa Lưu Hương Ký và 31 bài thơ của Tốn Phong và tưởng rằng đây là Lưu Hương Ký của Viện Văn Học.
Đến khi tôi nói với họ chỉ có thơ Tốn Phong thôi, còn các thơ khác của Hồ Xuân Hương và những bài thơ Nôm trong có một bài tặng Nguyễn Du thì không có (mà Viện Hán Nôm lại tưởng mình có rồi nên không chụp bản của Viện Văn Học). Ngày hôm nay, chúng ta phải chua chát nhận rằng: Tài liệu vẫn chưa được bảo tồn tốt.

Thụy Khuê: Thưa anh, từ 1983, sau công trình nghiên cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho tới bây giờ, ở trong nước đã có ai tiếp tục công việc mà bác Hãn đã mở đầu?
TTH: Theo tôi biết thì chưa có và không có vì khi đã mất Lưu Hương Ký, khó mà tiến hành được. Ông Đào Thái Tôn đã tìm một hướng khác: Nhân ông ấy tìm được tập bản thảo mang tên Xuân Đường Đàm Thoại có một số bài thơ của một người cũng ký tên Hồ Xuân Hương.

Thụy Khuê: Xuân Đường Đàm Thoại Đào Thái Tôn đã tìm ra trước khi bác Hãn công bố bài viết về Hồ Xuân Hương?
TTH: Bác Hãn có biết Xuân Đường Đàm Thoại. Nhưng tập này gây phiền phức cho vấn đề Hồ Xuân Hương, vì nó cho mình biết ít nhất có hai Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương của Xuân Đường Đàm Thoại là người đời Tự Đức, lúc đó thì bà Hồ Xuân Hương kia cũng đã về núi từ 3, 4 chục năm rồi. Ông Đào Thái Tôn có đưa ra một nhận xét hồi đó tôi rất tán thành: Có nhiều Hồ Xuân Hương!
Có một Hồ Xuân Hương chân chính như thầy Hãn đã cố dựng lại sự nghiệp và tiểu sử và sau Hồ Xuân Hương chân chính ấy thì có một vài Hồ Xuân Hương khác mình chưa biết sự thật thế nào.
Còn riêng giả thiết cá nhân của tôi thì tôi nghi rằng có rất nhiều thơ về sau được đem vào cái gọi là thơ Hồ Xuân Hương, của nhà nho đàn ông, có thể là nhà nho vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, là đám thầy đồ rất giỏi chữ và rất tinh nghịch. Hiện bây giờ thì sau bài của Hoàng Xuân Hãn in trong tập san Khoa Học Xã Hội năm 1983, sau đó hay trước đó một chút có tác phẩm của Nguyễn Lộc đề là thơ Hồ Xuân Hương, tuyển những bài mà Trần Thanh Mại đã giới thiệu, còn những bài Trần Thanh Mại chưa giới thiệu thì ông Nguyễn Lộc nói là Đào Thái Tôn sẽ xuất bản 52 bài kia. Sau đó rồi thôi. Đào Thái Tôn lúc này làm gì tôi cũng không biết rõ.

Thụy Khuê: Anh có thể cho biết đích xác năm nào mất Lưu Hương Ký không?
TTH: Trong những năm sơ tán sau 64. Bởi vì từ bài của Trần Thanh Mại Bản Lưu Hương Ký Và Lai Lịch Phát Hiện Của Nó đăng trong tạo chí Văn Học tháng 11 năm 1964, sau đó không có một công trình nào khác trở lại vấn đề khảo chứng và giới thiệu một cách khoa học như thầy Hãn đã thử làm về thơ Hồ Xuân Hương. Những bạn ở Viện Văn Học thông tin cho tôi về trường hợp đã để mất tập Lưu Hương Ký cùng số phận với cái chết của anh Hồ Tuấn Niệm. Tôi không ghi được cái chết của anh ấy là năm nào, có thể vào những năm sơ tán, khoảng 68-70.
Nhân tiện, xin thêm một hai câu về tác giả Đào Thái Tôn vì ông này có đưa ra một quan niệm xử lý tôi cho là khá linh hoạt về vấn đề những Hồ Xuân Hương. Về mặt sử học thuần túy, như thầy Hãn đã chứng minh, thì khó có thể chấp nhận có hai, ba Hồ Xuân Hương tài năng ngang nhau. Nhưng tôi biết Đào Thái Tôn có đủ cái độc đáo để dựng ra một khả năng: Sau Hồ Xuân Hương thật có nhiều Hồ Xuân Hương tạm gọi là giả đi, mà cũng không dở đâu. Và từ đó nẩy sinh ra một thứ trường phái gọi là thơ Hồ Xuân Hương, như gần đây ở Việt Nam nẩy trường phái thơ Bút Tre: Một người đã có công mở một con đường và những người khác ùa vào, núp dưới tên người kia.
Đào Thái Tôn, theo tôi được biết, là người có nhiều ý kiến độc đáo, cho nên sự chung sống hòa bình của ông với các bạn nghiên cứu văn học ở Việt Nam không dễ. Là một người nghe nói cũng hơi bướng bỉnh, thích cãi, vì thế nhiều học giả thuộc các viện chính qui không ưa. Tôi không may về Việt Nam làm việc với các ông chính qui, lại nhờ mấy ông này đặt môi giới để gặp Đào Thái Tôn, thành ra hơi mệt. Kỳ sau tôi sẽ đi con đường khác.

Thụy Khuê: Xin cảm ơn anh Tạ Trọng Hiệp.
 



*

 


Sau này chúng tôi được một người trong giới nghiên cứu kể lại là những nhà nghiên cứu ở Hà Nội thời ấy, có cuốn Lưu Hương Ký nhưng không muốn cho thầy trò anh Hiệp (Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp) sử dụng.
Xin ghi lại ý kiến này với tất cà dè dặt thường lệ.