Thụy Khuê

Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp



 Nói chuyện với bác Hãn
 


Cũng như mọi người, tôi học bác Hãn từ thuở nhỏ, từ khi mới ê a tập đọc: "i tờ có móc cả hai, i ngắn có chấm, tờ (t) dài có ngang ." Rồi vào trung học, tôi cũng phải dùng đến cuốn Danh Từ Khoa Học như mọi người. Những thuật ngữ khai tâm các môn toán, lý hóa như nguyên tử, tam giác, đại số, phương trình, hàm số, v.v... đều do bác mà ra cả. Cuốn Danh Từ Khoa Học theo tôi sang Pháp năm 1962, nay đã vàng, sờn. Lớn lên chút nữa, khoảng đệ tam, đệ nhị, tôi vào thư viện tìm đọc Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, một phần để biết thêm về Chinh Phụ Ngâm cho việc học Việt văn, và chắc cũng có ý lòe các bạn là mình kền hơn tụi nó. Còn La Sơn Phu TửLý Thường Kiệt thì mãi đến 86, 87 tôi mới tìm đọc, bởi khi ấy tôi cần đọc thêm sử và văn để viết báo. Năm 88, bác nói chuyện về Hồ Xuân Hương, ở Paris, tôi có đi nghe (vì trước đó tôi đã đọc bài Hồ Xuân Hương Với Vịnh Hạ Long, trên báo Khoa Học Xã Hội). Từ ngày ấy, tôi mong có dịp được gặp bác để hỏi bác nhiều điều mình không biết, mà cũng không biết hỏi ai.
 


Mùa xuân năm 93, tôi đến thăm bác lần đầu tiên để phỏng vấn bác về Hồ Xuân Hương. Vì phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật hàng tuần của đài RFI , cho nên tôi đã có cớ để có thể xin gặp bác mà không ngại. Đây cũng là dịp để thực hiện một chủ đích đã có từ lâu: Giới thiệu với "cả nước" tiếng nói Hoàng Xuân Hãn và công trình nghiên cứu của bác. Mục đích của tôi là, qua làn sóng của đài RFI, thông tin, không những cho giới nghiên cứu, đọc sách mà cho toàn thể mọi người (biết chữ hay không biết chữ) không cứ ở thành thị, mà cả ở những vùng hẻo lánh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Ban Mê Thuột, Pleiku, Cà Mau, v.v... đều có thể, ít nhiều, biết được những khám phá của bác và công việc bác đang làm.
Sự giản dị và ân cần của bác khiến tôi yên tâm và mất cái mặc cảm của kẻ đứng trước núi Thái Sơn: Bác chỉ là người cha, người thầy, khoan hòa và độ lượng, sẵn sàng giảng bất cứ điều gì mình thắc mắc, và mình lợi dụng cái máy thu thanh và phương tiện truyền thông, để phát lại cho hàng triệu người cùng nghe, cùng biết. Từ đó, khi có điều gì không thể hỏi ai, tôi vẫn điện thoại hỏi bác, và lần nào bác cũng ân cần chỉ bảo.
 


Tháng tám năm 1995, tôi sửa soạn một chương trình đặc biệt cho RFI, kỷ niệm 50 năm ngày lễ độc lập, 2/9/1945. Lúc ấy, bác còn đang nghỉ hè ở Dã Thự Cam Tuyền trên bờ biển Normandie. Tôi điện thoại xin phỏng vấn bác. Bác bảo: bác có mặt ở Hà Nội hôm ấy, nhưng không tham dự, nên không biết gì về ngày này cả. Bác khuyên tôi nên hỏi bà Nguyễn Mạnh Hà, là người trong ban tổ chức, và bác cho số điện thoại của bà Nguyễn Mạnh Hà. Nhưng tôi cần một người nói tiếng Việt (bà Nguyễn Mạnh Hà là người Pháp), cho nên sau đó tôi mời ông Nguyễn Hữu Đang, trưởng ban tổ chức ngày 2/9/1945, qua sự giúp đỡ của nhà thơ Lê Đạt. Tuy vậy, bác nói thêm: "Bác sắp về lại Paris, nếu muốn hỏi gì về đường sử học, về đường văn học, thì lúc nào lại bác cũng được." Đấy là lý do đã khiến tôi lại thăm bác nhiều lần sau đó, từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10 năm 95. Bác thường hẹn ngày thứ năm, buổi chiều, bắt đầu từ 3 giờ. Giờ ấy, bác vừa nghỉ trưa xong. Từ Đài Phát Thanh, tôi đi bộ lại bác chừng 10 phút, cùng ở Paris, quận 16.
Trong ba hay bốn buổi chiều, tôi không nhớ rõ, bác đã nói chuyện không ngừng -hoặc chỉ dừng năm, mười phút để uống trà- từ 3 giờ đến 6 giờ chiều. Mình mệt mà không thấy bác mệt. Thường khi vào cuối câu chuyện, nếu bác mệt, thì sau này kiểm lại, có thể về niên đại, bác nhớ lầm độ vài năm (như trường hợp cụ Phạm Quý Thích vào Huế lần đầu, hoặc tên miền đất, nơi có thư viện đã lưu trữ bản Kiều chữ Hán xưa nhất, bên Trung Quốc), anh Tạ Trọng Hiệp đã hiệu đính lại.


Còn tất cả các việc khác, có thể hỏi bất cứ chuyện gì bác cũng trả lời, với trí nhớ phi thường, như một quyển tự điển sống, đúng hơn, một cuốn bách khoa toàn thư về Việt học, mà không cần suy nghĩ hay kiểm lại sách vở. Chỗ nào chưa nghiên cứu kỹ, bác cũng nói rõ cho người sau biết cách để tìm kiếm thêm.


Điểm thứ nhì, cũng phi thường không kém, là bác có khả năng vừa phân tích, vừa tổng hợp, và sắp xếp lại trật tự diễn biến, theo một quá trình lô-gích, như ta làm việc theo dàn bài có sẵn, khiến người nghe, dù ở trình độ nào, cũng có thể nắm được toàn bộ vấn đề một cách dễ dàng. Vì thế, trong câu chuyện, tôi tránh cắt đứt mạch suy nghĩ của bác bằng những câu hỏi, chỉ khi nào thật cần, mới hỏi. Ngược lại, bác thấy chỗ nào mình không nắm vững vấn đề, hoặc không đặt câu hỏi đúng lúc, thì bác tự đặt câu hỏi lấy hộ mình, rồi bác tự trả lời.


Điểm thứ ba, cũng phi thường, là với những chi tiết tản mạn, trải dài trong lịch sử văn học như việc các ông Vũ Trinh, Nguyễn Lượng, hay cụ Phạm Quý Thích đề từ truyện Kiều; xưa nay, có thể có người khác, ít nhiều cũng đã biết, nhưng chưa ai liên kết được những yếu tố ấy lại, thành một luận cứ chắc chắn, để đi tới kết luận: truyện Kiều viết trước thời Gia Long, như bác đã minh chứng một cách khoa học và xác đáng.


Điểm thứ tư, tôi thấy phi thường nơi bác, là thái độ của bác đối với những nhân vật lịch sử, cùng chính kiến hay không cùng chính kiến với bác, đi cùng đường hay đi khác đường, bác đều minh xét họ trên bình diện khách quan như nhau: bác kính trọng và công nhận sự thành công của những người đối lập với mình. Điều đó, ngay cả ở học giả Trần Trọng Kim, cũng ít thấy biểu lộ, và có lẽ cho đến nay, chưa mấy người Việt Nam đạt được.


Và điểm sau cùng, dù ở chính trường, trong địa hạt giảng dậy, hay trong việc tìm tòi nghiên cứu, bác luôn luôn để ích lợi văn hóa và ích lợi dân tộc lên hàng đầu, trước tất cả những lo lắng khác. Và ưu tiên trên tất cả là vấn đề đào tạo con người: Từ lớp vỡ lòng cho đến nấc thang cao nhất ở đại học là con đường nghiên cứu; ở mức độ nào, mọi người đều có thể cần đến bác, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua sách vở. Đó là cách dậy của bác và qua đó, mình hiểu được đức độ và nhân cách của người thầy.
 


*
 


Tôi đã làm việc ra sao, với năm cuốn băng cassettes, mỗi cuốn dài gần 90 phút?


Về phần phát thanh ở đài RFI, vì giới hạn thời gian của chương trình, tôi bắt buộc phải lựa chọn, chỉ sử dụng những đoạn nòng cốt, và cắt bỏ các chi tiết; rồi đặt câu hỏi cho phù hợp với những đoạn được lựa chọn, và làm công việc gọi là mixer câu hỏi với câu trả lời cho ăn khớp.


Với radio, tôi chia làm hai phần: Phần văn học, phát thanh vào tháng 10, tháng 11 năm 95. Dự định là phần chính trị sẽ phát vào sáu tháng sau. Không ngờ bác mất trước.


Về phần in trên Hợp Lưu, tôi ghi lại trọn năm cuộn băng theo đúng như cassettes. Khi chép lại, chỉ bỏ bớt thì, mà, là... và những chữ hoặc những câu lặp lại không cần thiết. Tôi giữ nguyên văn nói, để người đọc, nếu là người thân, có thể tìm thấy cách nói chuyện của bác, với những ngôn từ thân quen mà bác vẫn dùng.

Trong những buổi nói chuyện, hôm đầu sơ ý, tôi dùng pile cũ, nên hơn một cuộn băng tiếng nói biến dạng, không thể phát thanh được. Nhưng cassettes vẫn có thể sử dụng được như một sử liệu. Những chi tiết của buổi nói chuyện ấy, tôi lựa lọc và xen vào những chỗ thích hợp của các buổi nói chuyện sau, để soi tỏ thêm các vấn đề. Vì là những cuộc nói chuyện cách xa nhau hàng tuần, và trong khi nói chuyện, nhiều lúc đang từ vấn đề này nhẩy sang vấn đề khác, cho nên khi soạn lại, đôi khi tôi phải chuyển một vài đoạn, từ chỗ nọ sang chỗ kia, để có thể phân thành ba phần rõ rệt:

- Phần thứ nhất: Bước đường nghiên cứu, bác nói về hơn nửa thế kỷ tìm tòi và nghiên cứu của mình, từ những bước khởi đầu.
- Phần thứ nhì: Chứng nhân lịch sử, bác nói về vai trò của bác trong giai đoạn lịch sử cận đại, và bác nhận định những nhân vật lịch sử như Trần Trọng Kim, Bảo Đại, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm v.v...
- Phần thứ ba: Nghiên cứu Kiều, bác nói về công việc nghiên cứu Kiều của bác từ hơn 50 năm nay.
 


Tất cả những cassettes này  tôi trao lại một bản cho gia đình bác, để giữ làm tư liệu, sau này có thể sẽ có dịp dùng đến.
Đây là những tư liệu quý giá. Dường như bác cũng linh cảm thấy là không còn đủ thì giờ để viết hồi ký, cho nên khoảng tháng giêng năm 96, khi tôi điện thoại lại hỏi bác một vài điều thắc mắc, sau khi đã ân cần chỉ bảo, bác còn dặn: "Sau Tết, lúc nào rảnh, cô mang máy lại, bác còn một số việc nữa, lại bác kể thêm." Rồi vì quá bận công việc, tôi chưa kịp lại thăm bác, bác đã mất. Đấy là điều tôi ân hận suốt đời.


Trong trường hợp bình thường, bản thảo những buổi nói chuyện này, phải được bác duyệt lại và sửa chữa những sai lầm -chắc chắn sẽ có- bởi vì bác nói giọng Nghệ, nhiều chữ nghe không rõ, tôi phải đoán, và cũng có chữ không thể nào đoán được -trước khi in lên báo-. Nhưng nay bác đã mất rồi. Tôi nhờ anh Tạ Trọng Hiệp đọc lại bản thảo; và chính anh Hiệp đã hiệu đính và viết những chữ Nôm cần thiết cho phần nghiên cứu Kiều của bác.
 


*
 


Trong bài tựa cuốn Danh Từ Khoa Học, mùa xuân năm 1942, bác viết: "Tôi cũng là mù trong bọn mù, điếc trong làng điếc; nhưng mù phải lần đường, điếc nên dạn súng cho nên không quản ngại khó khăn."
Trong bài Tựa cuốn Lý Thường Kiệt, bác viết: "Những việc tôi kể trong sách hoàn toàn có chứng và được dẫn chứng. Cũng trong các hạng chứng, tôi chỉ để ý đến những chứng chính xác mà thôi."
Tinh thần khoa học đó, đã là những viên đá đầu tiên xây dựng cho nền nghiên cứu khoa học xã hội của nước nhà.
Trong suốt nửa thế kỷ này, người thầy dậy chúng ta từ hai chữ i tờ, đến những bài tính đố, vẫn còn đấy, như cây đại thụ tỏa bóng mát, che chở cho những kẻ đến sau. Bây giờ, bác mất đi, mỗi chúng ta, ai cũng mồ côi. Cái học của bác, nhân cách của bác, dù ít dù nhiều, cũng đã nuôi nấng đời sống tinh thần của chúng ta trong nhiều thế hệ.
Từ nay, có điều gì không biết, còn ai để hỏi?


Yên Cơ, miền Nam nước Pháp, 7/5/1996
Hợp Lưu, số 29, tháng 6-7 năm 1996,
số tưởng niệm học giả Hoàng Xuân Hãn.