Thụy Khuê

Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp


Anh Hiệp

 

    "Một người lặng lẽ vừa ra đi", những chữ mà Tạ Trọng Hiệp bắt đầu bài viết về Đào Duy Anh, dường như cũng phần nào diễn tả sự lặng lẽ, âm thầm, tịch mịch (cũng chữ của anh) trong cuộc đời biên khảo.
    Viết về anh rất khó. Vì anh khó và hầu như không bao giờ nói về mình, về lai lịch mình. Thậm chí anh ngại cả khi phải viết về người thầy trân kính là bác Hãn; anh cho rằng người ta hay mượn dịp tưởng niệm người khác để nói và viết về mình.
    Nhưng lại cũng không thể không viết về anh, không nói về anh. Vì những gì anh đã làm và không nói, có thể gói trọn trong đoản văn mà Vũ Khắc Khoan viết trước khi mất, cách anh 10 năm, trong Đọc Kinh, một trong những tác phẩm mà những ngày cuối đời, anh hay nhắc đến, như một sự đồng cảm giữa Khoan và Hiệp:


    "Tôi hiểu tại sao những người lớn của nhân loại tự cổ thảy đều chỉ muốn nín thinh. Khổng Khưu, Lão Đam và Thích Ca Mâu Ni. Trời không nói, ta đâu muốn nói? Ta đâu có thuyết lời nào? Cái ta muốn nói, cái đó, đâu có thể nói được? Cái đó, bất khả thuyết, bất khả tư nghì. Bất khả đạo.
    Nói ra là bị kẹt.
    Nhưng rồi Khổng Khưu vẫn nói, cả đời. Lão Đam thì nói đến 5000 chữ Đạo Đức Kinh và Thích Ca Mâu Ni trong suốt 49 năm hoằng pháp, nguyên lời Đại Bát Nhã, đã nói ròng rã tới 22 năm.
    Không nói cũng không xong.

    Nói ra là bị kẹt.
    Không nói cũng không xong.
Hai câu đầu một bài kệ của một thiền sư Việt Nam sống giữa thế kỷ XVII, thiền sư Chân Nguyên. Hai câu kệ, một thế đứng chênh vênh giữa hai ngả hữu vô. Nói hay không nói? Chung cuộc, bài kệ đành phải chấm dứt bằng một nét chấm phá lửng lơ:
    Vì anh đưa một nét
    Đầu núi ánh dương hồng."

(Đọc Kinh, Vũ Khắc Khoan, An Tiêm 1990, trang 12-13)


    Một cuộc đời làm việc âm thầm. Không nói. Rồi ra đi cũng âm thầm. Tạ Trọng Hiệp không được nhiều người biết đến như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, ... nhưng chắc chắn anh có một chỗ đứng riêng. Anh là sự tiếp nối hai bậc thầy trên bước đường xây dựng nền Việt Học. Là chứng tích cho hiện tượng: Vì muốn toàn bích nên luôn luôn dang dở. Và chính những dang dở ấy sẽ mở đường cho những nối tiếp mai sau. Cuộc đời anh dường muốn chứng minh một điều: Những đóng góp của con người cho văn hóa, đôi khi không chỉ thể hiện qua những văn bản, mà còn có thể có những ngả khác, ví dụ như qua phong cách người đó ứng xử với văn hoá, qua tính cách giúp đỡ những người làm văn hóa, qua những công việc tìm kiếm âm thầm, không để tên trên bìa sách. Nhưng nếu không có những tìm kiếm ấy, những giúp đỡ ấy, không có những fiches de base ấy, không có những chỉ dẫn căn bản ấy, thì những người làm công việc biên khảo, phê bình, sáng tác... không thể đi xa được.
 


    Tạ Trọng Hiệp là một giá trị thầm. Công việc của anh là công việc xây nền. Thường bị vôi hồ che lấp đi. Nhưng nếu không có nền, thì không thể xây dựng. Anh đã từng giúp đỡ nhiều người làm nên tác phẩm. Trực tiếp hoặc gián tiếp. Anh tìm tài liệu hộ, hoặc cho ý kiến. Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung... cũng nhắc đến anh như thế. Hầu như giới chữ nghĩa ở Paris không mấy ai là không học anh, hoặc ít ra thì cũng có lần xin chữ anh. Bác Hãn là thầy xa không mấy ai dám hỏi. Anh Hiệp là thầy gần. Khi nào bí chữ, bí sách, người ta thường điện thoại hỏi anh Hiệp. Tôi cũng ở trong trường hợp ấy. Trường hợp một người đã mang ơn anh. Dù không trực tiếp học anh, nhưng tôi vẫn thường "xin chữ" anh và quý trọng anh như một người thầy. Một chữ cũng là thầy. Anh đúng là Thầy Đồ Tây sống giữa Paris. Bao nhiêu người đã "hỏi" anh, nhưng không mấy người "nhớ" đến công anh.
Có lẽ bởi vì anh không phải là người dễ tính.
 


    Anh thuộc loại thầy đồ sửng cồ. Ăn nói lơ tơ mơ là bị anh quát. Khác xa với thầy Hãn. Bác Hãn hiền hòa, "ngu" như thế nào bác cũng không mắng mà giảng giải tới nơi tới chốn. Ai xin gặp, bác cũng tiếp. Bác sẵn sàng đến với tất cả mọi người. Anh Hiệp không vậy. Anh không mất thì giờ với loại người mà anh cho là "bố nhắng", hoặc tệ hơn, loại mà anh gọi là "machiavélique" (1). Cho nên nhiều kẻ gờm anh. Kỳ dư, những ai thành tâm, muốn làm việc, muốn học hỏi, bao giờ anh cũng giúp đỡ đến nơi đến chốn. Đang ăn cơm mà có ai điện thoại hỏi gì, anh bỏ cả cơm, tra cứu cho xong rồi mới quay về mâm cơm nhiều khi đã nguội lạnh.
 


    Cái kho kiến văn mà anh lưu trữ từ hồi trẻ, trong đầu, dường như vô tận và có thể rút ra bất cứ lúc nào để phân phát cho những ai cần đến. Anh đã giúp ích cho rất nhiều người trong các lãnh vực thông tin văn hoá: Văn, Triết, Sử... Tính tình anh trẻ trung, hay pha trò và rất có humour. Nói gọn lại, anh là hợp kim của nhiều thứ: Một tí Lỗ Tấn, một chút Phan Khôi, một khoảng trời Hoàng Xuân Hãn ... và rất nhiều Tạ Trọng Hiệp.

    Cái khí tiết nhà nho bộc lộ trong cách xử thế đã làm khó dễ không ít cho anh trong công việc cũng như trong đời sống.
Anh luôn phải về Việt Nam để khảo cổ, nhưng đối với nhà cầm quyền anh vẫn giữ thái độ cứng đầu. Anh ăn nói ngang phè. Những chuyến về Việt Nam của anh thường không xuôi xẻ mà hay có vấn đề. Lần sau cùng, vào dịp Tết năm ngoái (1996), anh đã bị lôi thôi và rút cục không xin được gia hạn hộ chiếu để ở lại ăn Tết và làm việc.

    Từ Việt Nam anh trở lại Paris vào cuối tháng 2 năm 1996. Thì ngày 10/3/1996 bác Hãn mất. Chắc chắn cái mất của bác đã gây chấn động cho anh.
Sau khi bác Hãn từ trần, tôi hỏi anh: "Bác Hãn mất rồi, người học trò gần gũi bác nhất là anh. Anh có học trò nối nghiệp không?" Anh buồn bã đáp: "Bác mất đi, chúng mình mồ côi tất cả. Tôi không có học trò Việt chăm chỉ, chỉ có một cậu học trò người Pháp đứng đắn, thông minh và chịu khó." Rồi anh hỏi lại tôi: "Bác Hãn có nói gì về tôi không?" Tôi kể lại: "Bác bảo anh là học trò giỏi của bác, nhưng tính anh cầu toàn, làm gì cũng muốn phải hoàn chỉnh, cho nên anh không viết được nhiều, đó là điều đáng tiếc."

    Không biết có phải vì tôi nhắc lại lời nhận định hơi có ý khiển trách của thầy Hãn, mà từ lúc ấy (vào khoảng tháng 4 năm 1996), dường như có một động lực ngầm nào thúc đẩy anh làm việc hăng hái hơn.
    Vào khoảng tháng 5, anh đã bắt đầu thấy đau lưng, nhưng không rõ bệnh trạng của mình. Bác sĩ cho đó chỉ là chứng đau lưng thường, khuyên anh đi đấm bóp (tháng 7), rồi đi châm cứu (tháng 8).

    Ngoài công việc nghiên cứu Hán Nôm của trường Viễn Đông Bác Cổ, đọc Bi Ký (2) Việt Nam thế kỷ XI, XII, XIII, thường trực từ 15 giờ đến 19giờ30 tại nhà bà Claudine Salmon, cho tới ngày vào bệnh viện. Anh còn muốn dành thì giờ làm một số việc khác cho văn học hiện đại mà từ trước tới giờ anh không chú ý. Trong đó, ngoài các tác giả thời trước như Phan Khôi, Nhượng Tống,... còn cả mảng Văn Học Miền Nam.
    Trong chương trình làm việc của anh, đáng lý ra, anh sẽ phải cùng về nước với bà Claudine Salmon vào khoảng tháng 9, về công việc Bi Ký với viện Hán Nôm, và đồng thời làm lễ cưới chị Đoàn Thị Tuyết, người bạn mà anh gặp gỡ từ năm 1979. Sau bao gian truân trong cuộc tình của hai người, chị Tuyết vừa xin được ly dị. Nhưng rồi anh phải vào bệnh viện ngày 21/9/1996. Không đợi được, bà Salmon lên máy bay ngày 28/9/96. Và một tháng sau, anh mất, ngày 25/10/96, bên cạnh những người thân: mẹ, hai con trai Tạ Huy Tuân và Tạ Huy Kim và người em gái (cùng mẹ khác cha). Mặc dù với cố gắng phi thường của Tuân, chị Tuyết không xin kịp giấy tờ để sang vĩnh biệt anh. Chị sang Paris sau tang lễ một ngày, và trở lại Hà Nội, 2 tuần sau. Một mình. Thân gái dặm trường.
 


*
 


    Về Phan Khôi, ngay từ khoảng năm 90, một hôm tôi đến thăm anh, tình cờ thấy bên cạnh bàn sách, một đống photocopie, ít ra là hai chồng, mỗi chồng cao đến nửa thước. Anh chỉ tay, cười: "Phan Khôi cả đấy, tôi vừa mới lấy về. Thụy Khuê có thì giờ sắp xếp lại và đọc đi. Rồi ta làm chung một cái gì đó về Phan Khôi. Còn cuốn Việt Ngữ Nghiên Cứu Thụy Khuê lấy về đọc qua, rồi xem nếu đưa được sang Mỹ in lại thì tốt." Lúc đó tôi chỉ cười, vì tôi không có thì giờ và biết mình chưa đủ khả năng để "làm việc" với anh. Tôi mới viết được vài năm, kiến thức không có gì. Nhưng tôi cũng sao chụp cuốn Việt Ngữ Nghiên Cứu để gửi sang Mỹ cho thầy Từ Mẫn -bây giờ là anh Võ Thắng Tiết- nhưng chẳng may, nhà xuất bản Văn Nghệ lúc đó không chú ý đến Phan Khôi.


    Bẵng đi một thời gian, đến khi Khánh Trường hai lần nêu lên ý kiến làm số Hợp Lưu đặc biệt về Phan Khôi, lần đầu anh không sốt sắng lắm, nhưng lần sau, từ khi bác Hãn mất đi, anh hăng hái hơn nhiều. Chính anh đã chủ động hẹn tôi buổi thu thanh nói chuyện về Phan Khôi vào tháng 7/96, mà bình thường anh hay lần lữa dời hẹn nhiều lần.
    Thu thanh xong, nghe lại thấy anh nói mạnh quá, tôi bèn quyết định tạm hoãn phát thanh, vì ngại có thể gây lôi thôi cho anh, trong chuyến về nước sắp tới. Cũng hôm ấy, anh đưa cho tôi hầu hết những bài báo của Phan Khôi mà 5 năm trước tôi đã thấy chất đống. Bây giờ, nhờ bàn tay chị Tuyết trong ba năm chung sống, đã sắp xếp thành từng hồ sơ văn học tươm tất cho anh, trước khi chị tạm biệt anh để về nước thu xếp chuyện gia đình.

    Hình như anh muốn nối tiếp công việc của bác Hãn một cách trực tiếp và tích cực hơn. Anh thấy có nhiều việc cần làm và chưa làm đủ. Anh bảo: "Tôi tiếc là đã không chú ý đến Văn Học Miền Nam. Tôi có món nợ với Văn Học Miền Nam. Lúc nào mình phải làm về cái này." Và anh liệt kê những tác giả cần làm trước tiên, sau Phan Khôi là Lan Khai và Nhượng Tống.
    Trên giường bệnh, anh vẫn luôn hy vọng: Khi nào tôi khỏi, ta sẽ làm về Nhượng Tống và Lan Khai. Tôi thích Nhượng Tống lắm, thích hơn cả Phan Khôi nữa. Đấy mới là sở trường của tôi. Ông này "có văn". Ở anh, văn chương, văn hoá, tư tưởng và điều kiện lịch sử thường đi chung với nhau. Anh không phải là nhà biên khảo hiền lành, chìm trong sách vở mà quên thời sự, chính trị. Anh thuộc loại học giả "nổi loạn", thích Cao Bá Quát, thích Kim Thánh Thán. Anh chú ý đến những tác giả "có văn", có tư tưởng mà bị dập vùi vì lẽ này hay lẽ khác. Anh muốn khai quật sự thật, phục hồi những tài năng mà người ta đã hãm hại, chôn vùi.

    Khi bệnh đã nặng lắm, anh vẫn làm việc. Cuốn Thiền Uyển Tập Anh (bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga) bên cạnh giường với bản chữ Hán đối chiếu. Chân tay đã khó chuyển động, nhưng sách vẫn bên giường. Lại thăm anh, lúc anh tỉnh là anh thao thao nói chuyện văn học. Anh kể: "Ban đêm, không ngủ được, có những cuồng vọng dị kỳ, kinh lắm. Tôi phải "nói" văn thơ một mình để đuổi "chúng nó" đi. Những lúc ấy mình nghĩ ra được nhiều điều hay lắm. Nếu có máy thu thanh bên cạnh thì "viết" được cả quyển sách đấy." Rồi anh dặn: "Lần sau vào, Thụy Khuê nhớ mang máy để mình làm việc." Theo lời anh, hôm sau tôi mang máy đến, thì anh lại mệt, không nói được gì. Thời gian này, anh hay nhắc đến Nam Hoa Kinh, đến cách Nhượng Tống dịch Nam Hoa Kinh mà anh đã khâm phục từ lúc 14 tuổi, đến Maurice Blanchot... những tác giả mà anh thích. Nhất là Blanchot, dường như đến đây họ gần anh hơn và anh cũng vô cùng gần họ trong cách phân tích và kiểm nghiệm những biên thùy chênh vênh giữa không và có, giữa ở và đi. Một hôm thấy cuốn "Poèmes chinois d'avant la mort "(3), bìa đỏ (hình như của Demiéville), tôi trợn mắt hỏi anh: "Anh đọc cái này làm gì?" Anh cười: "Bây giờ mới là lúc đọc nó chứ còn lúc nào nữa? Tụi Tây viết rất sâu, hơn ta nhiều lắm. Đông phương chưa có ai đạt tới mức sâu xa, sắc sảo như vậy."



    Niềm ân hận lớn của anh là đã không được thu xếp việc kiểm lại bản thảo Truyện Kiều của bác Hãn, cùng với anh Hoè (4), mà đã vội ra đi.
Về Hoàng Xuân Hãn học, anh là người biết rõ nhất. Anh thuộc từng tập bản thảo của thầy. Thuộc giọng nói và nét chữ của thầy. Nếu không có anh giúp đỡ, tôi đã không thể nào viết lại được một cách hoàn chỉnh, những băng phỏng vấn bác Hãn. Chính anh đã nghe lại những cuốn băng để chữa những chỗ tôi đã chép sai. Hoặc những chỗ bác nhớ nhầm.
    Anh đã giữ Đạo với Thầy, trong truyền thống sâu xa và cao quý của nhà nho.
    Tuy phải hiệu đính, nhưng anh không muốn nói trái lời thầy. Tôi còn nhớ đoạn bác Hãn nói về những bản Kiều chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân, trong có bản gọi là bản Thánh Thán (theo bác Hãn thì đó là bản mà Thánh Thán viết Tựa). Anh biết thầy mình nhớ nhầm vì Thánh Thán không hề viết Tựa truyện Kiều, nhưng anh tìm cách dặn tôi chú thích thế nào cho nhẹ bớt đi.


"Bản Thánh Thán này, nhà xuất bản có đề trên bìa là "Kim Vân Kiều truyện, Thánh Thán ngoại thư" khiến ta có thể hiểu lầm là sách này có qua tay Thánh Thán giới thiệu" (Hợp Lưu, số 29, trang 100)
 


    Lại một chỗ sau, bác nhầm địa điểm nhà xuất bản Xuân Phong (ở Thẩm Dương, phía bắc Đại Liên), bác nói ở gần Shantung. Anh không hiểu tại sao thầy mình lại có thể nhầm xa đến như vậy. Và anh cũng tìm cách chú thích nhẹ nhàng, vừa nói lại địa điểm của nhà Xuân Phong, vừa cho độc giả biết thêm về lịch sử thư viện Đại Liên.
    Đoạn bác nói về câu thơ:


Nằm tròn như cuội trong mây


mà bác tái lập lại là:


Vuông tròn nhờ cậy khung mây


anh đã thay đổi trật tự giải thích trong câu nói của thầy, để người đọc hiểu được ý của thầy Hãn. Mặc dù anh không đồng ý lắm với lập luận của thầy.
 

    Có một chữ bác Hãn hay dùng, đó là chữ "duy tâm". Cả anh lẫn tôi đều đồng ý là nhiều chỗ không thích hợp. Và bàn đi bàn lại: "Hay ta sửa: Chỗ này phải dùng chữ chủ quan mới đúng!" Bàn thế, nhưng rút cục không ai dám lấy trách nhiệm sửa chữ của bác Hãn. Sau anh nhường trách nhiệm cho tôi: "Thụy Khuê thực hiện thì có quyền biên tập lại." Cuối cùng, tôi cũng không dám sửa, cứ giữ nguyên những chữ "duy tâm" của bác, và chua thêm chú thích: "Bác Hãn hay dùng chữ duy tâm, có chỗ với ý chủ quan, có chỗ với ý cảm tính". Khi báo lên rồi, anh đọc lại, cười thú vị lắm, có lẽ vì tôi đã làm đúng ý anh: "Phải triệt để giữ đúng lời thầy."

    Kinh qua tinh thần trên đây, người làm văn học mới hiểu: Tại sao có sự tam sao thất bản. Và sự tìm kiếm văn bản gốc, lời nói gốc, khó khăn là chừng nào? Một sự cẩu thả, sửa chữa tùy tiện của người hôm nay, có thể làm người sau phải mất cả một đời để tìm lại: Kiều Tầm Nguyên của bác Hãn, công trình nghiên cứu một đời cũng chỉ để tìm lại những chữ mà người ta đã sửa của Nguyễn Du. Tạ Trọng Hiệp tìm lại cách đọc Vân Đài Loại Ngữ cũng trong tinh thần nối nghiệp thầy, điều chỉnh lại công việc của người trước, một cách khoa học hơn giúp cho người sau có phương tiện để tiếp thu sách cổ một cách chính xác hơn.
 


*
 


    Còn một điều anh mang nặng trong tâm. Anh có kể cho tôi nghe một lần, khi anh còn khỏe. Và anh căn dặn lại tôi một lần nữa, trước khi mất, ý chừng muốn nhắc tôi nhớ thanh minh cho anh. Đó là sự kiện về văn bản Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Việc này đã gây ra sự hiểu lầm giữa hai thầy trò trong nhiều năm. Khoảng năm 79, anh tìm thấy trong thư viện riêng của giáo sư P. Demiéville -nhà Đông phương học nổi tiếng và là thày dạy chữ Hán của anh-, bản Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tục gọi là bản Nội Các Quan Bản (5) mà E. Gaspardone đã nhắc(6) đến  nhưng chưa ai tìm ra. Cùng dịp ấy, giáo sư Trần Kinh Hòa (Chen Ching-ho) cũng đang tìm cuốn này. Nhân dịp ông qua Paris, ông có nói chuyện với giáo sư Demiéville. Giáo sư Demiéville hỏi Tạ Trọng Hiệp. Anh Hiệp cho biết là cuốn sách đó hiện đang ở trong thư viện của thầy. Do đó mà có sự giao kết giữa Demiéville và Trần Kinh Hòa: Demiéville sẽ cho Trần Kinh Hòa mượn "Nội Các Quan Bản" để sao chụp và khảo sát với điều kiện học trò của ông là Tạ Trọng Hiệp sẽ qua Hương Cảng cộng tác nghiên cứu trong bốn tháng.
    Việc này đến tai thầy Hãn, đã làm thầy Hãn nổi giận. Thầy Hãn có gọi anh Hiệp lên để quở: "Tại sao anh đem tài liệu bán cho Trung quốc?"
    Anh Hiệp không làm cách nào cho thầy nguôi giận để nghe lời giải thích của mình. Rồi tin này mau chóng truyền về Việt Nam và anh Hiệp bị báo chí, dư luận, công an... bôi nhọ. Sau này anh có hỏi lại thầy Hãn vì sao trong nước biết, thì thầy bảo chính thầy nói ra vì giận anh quá.
    Sau bốn tháng ở Hương Cảng và ba tháng về Việt Nam, khi anh Hiệp trở lại Paris, giáo sư Demiéville đã mất, và phải đợi đến lúc tủ sách của giáo sư được giao phó cho thư viện của hội Á châu, thì anh Hiệp mới có cơ hội mời thầy Hãn (cùng vài người nữa) lên nhận diện bản "Nội Các Quan Bản" vẫn còn nguyên bên Pháp. Anh không bán cho Trung quốc. Sau đó thầy Hãn có xin lỗi người học trò của mình về sự hiểu lầm này, nhưng bên ngoài thì không ai biết và tiếng oan "bán Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho Trung Quốc" anh không gột rửa được.
 


    Điều tế nhị và cũng là chỗ khác nhau giữa hai thầy trò có lẽ là:
- Thầy Hãn muốn rằng sự phát hiện Đại Việt Sử Ký Toàn Thư phải được phía Việt Nam công bố.
- Nhưng anh Hiệp ở thế không thể thực hiện được điều mong muốn của thầy Hãn, vì anh không thể đem tư liệu của thầy Demiéville trình lên thầy Hãn xử lý được. Kỳ dư còn phải dùng đến phương tiện của giáo sư Trần Kinh Hòa mới có thể đối chiếu với nhiều bản khác mà giáo sư Trần Kinh Hòa đã có trong tay để xác nhận -và công bố - bản Chính Hòa (1697).
Và cũng là dịp để anh Hiệp sang Hương Cảng, tìm kiếm thêm về hồ sơ Vân Đài Loại Ngữ(7). "Ở đất cảng, tôi đã có thể dành mỗi ngày chừng bốn năm giờ mà tập trung cân não vào việc đọc sách để khảo duyệt Vân Đài Loại Ngữ, khám phá ra nhiều điều bất ngờ trong văn bản Vân Đài Loại Ngữ (8) hiện hành." 
 


*
 


    Viết lại những dòng này, tôi mong rằng đã nói được phần nào ý anh gửi lại. Ý ấy, còn hướng về người bạn đường thứ nhì: Đừng quên công lao của Tuyết. Chính chị, trong ba năm chung sống với anh, đã sắp xếp sách vở, chỉnh đốn những bản sao chụp tài liệu trong thư viện của anh.
    Ngày anh đưa chị từ Hà Nội sang Paris, hai người đã phải vất vả trăm bề về giấy tờ, hộ chiếu biên giới: Từ Hà Nội qua Liên Xô, Paris, đã có lúc phải vứt sách lại ở khoảng biên giới nào đó, bên Trung Âu. Nhưng chính chị Tuyết đã lặn lội vực từng cuốn sách lên, và kéo theo đem về Pháp cho anh.
    Viết về các nhà văn, về các nhà văn hóa, xưa nay người ta thường quên công lao của người vợ. Văn hóa được nuôi dưỡng và lớn mạnh, không chỉ, trông nhờ vào tên tuổi một người, mà ở đằng sau tên tuổi lớn đó, bao giờ cũng có một rường cột, một người bạn đường, một nền móng, âm thầm, dựng xây, chăm chút. Và rường cột đó thường không có tên trong sử sách.
    Nhưng văn hóa phải biết ơn Người.

 

Thụy Khuê
Paris tháng 3/1997
Hợp Lưu số 34, tháng 4-5 năm 1997

 

Chú thích:

(1) giảo quyệt
(2) Bài ký khắc trên bia.
(3) Thơ Trung quốc trước khi chết.
(4) giáo sư Trương Đình Hòe.
(5) Từ năm 1988, ở trong nước có cuộc tranh luận chung quanh Nội Các Quan Bản. Cuộc tranh luận này nằm trong bối cảnh lớn hơn về việc đặt lại một số vấn đề nghiên cứu sử học. Riêng về Nội Các Quan Bản, sử gia Bùi Thiết cho rằng bản "Nội Các Quan Bản" không phải là bản khắc xưa nhất, trong bài viết tựa đề Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Nội Các Quan Bản Không Phải Được Khắc In Từ Năm 1697, in trong tập Đối Thoại Sử Học, nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 2000. Và sự tranh luận được kéo dài thêm trong cuốn Thực Chất Của Đối Thoại Sử Học, nhà xuất bản Thế Giới, 2000. Trong bối cảnh đó, những điều mà Tạ Trọng Hiệp đã kể và được ghi lại trên đây sẽ có giá trị riêng của nó, cho những người nghiên cứu về sau. Cần chú ý một điểm : cả Tạ Trọng Hiệp lẫn Hoàng Xuân Hãn không dự vào việc khảo sát văn bản Nội Các Quan Bản.
 (6) Việc này giáo sư Phan Huy Lê có nhắc đến trong bài viết "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Tác giả - Văn bản - Tác phẩm" - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập I, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1983, trang 40
(7) Trong bài nghiên cứu "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chi soạn tu dữ truyền bản" của Trần Kinh Hòa. (theo Phan Huy Lê, bài đã dẫn)
(8)  trích Vân Đài Loại Ngữ, Tập san Khoa Học Xã Hội, số 6, tháng 12/1979.