Thụy Khuê

 

Gai mây, bút pháp gió

 

Gió tang đối với tôi là một tuyên ngôn sáng tạo lạ lùng, ngôn ngữ cắt dán, câu, đoạn ghép lại, không đầu, không đuôi, dường như không phải chữ một người sống viết ra, mà tập hợp những thì thầm của một linh hồn, như những hơi gió trong nghiã địa, mỗi nấm mồ là một căn phòng chôn sâu dưới đất, phải leo thang mới xuống được.

Tôi "xuống" ngôi mộ đầu tiên, nhờ "trận gió tận của cúc vàng cúc trắng quất cỗ xe dát dày những tóc tươi xuống cõi hư minh ảo giác", và tôi "cảm thấy" trận gió thổi bay cúc vàng cúc trắng trên cỗ xe dát những sợi tóc tươi ấy như một linh hồn.

Gió tang mở đầu cuốn sách Gai mây, chữ nghiã âm u -sách kể toàn những truyện không kém phần mờ ám- chính là lời của linh hồn cất lên so sánh thác sinh với sáng tạo.

Bối cảnh Gió tang là một đám ma, dẫn đến nghiã địa, như để chứng minh: sáng tạothác sinh là hai mặt của một mề-đai, đều hiện hữu trên nghiã địa. Muốn hiểu sinh là gì thì phải hiểu thác trước, mà muốn hiểu thác là gì thì phải chết trước đã, nên tôi đồ rằng, tác giả hẳn đã qua cầu chết, hoặc ít ra cũng đã chết thử vài lần, nên mới biết chết là thế nào, mới viết truyện Giấc với cơn để phân tâm tự tử. Quan hệ thiết yếu của thác sinhsáng tạo thể hiện trong câu này: "Lúc bộ xương nhẹ đi bởi thịt đã co rút lại thì những trang giấy mất đi màu trắng, chúng dày lên, mang trọng lượng quan tài". Tôi lại đồ rằng, hình ảnh này là do ảnh hưởng của Sadegh Hedayat trong Con cú mù[1] gian phòng của kẻ viết là một cỗ quan tài, cái giường y nằm lạnh lẽo như nhà mồ. Đêm đêm bóng y phản chiếu trên tường rõ nét hơn thực thân của y. Cái bóng giống như hình thù con cú mèo cúi xuống đọc những hàng chữ y đang viết.

Kẻ viết có cảm tưởng mỗi đêm căn phòng y co dần lại, ép bẹp thân thể mọi phiá, khiến y có cảm giác như mình đang ở trong quan tài. Y sáng tạo trong mộ địa, viết trong cái quách chôn sâu dưới đất. Đời người từ lúc sinh đến lúc chết được gói trọn trong câu: "Con người, chỉ biết đặt xuống đất một cái bóng hững hờ trước khi tiếp tế dinh dưỡng cho lòng đất cái xác mình".

Gió tang thuật lại hành trình ấy: sau khi thác, người chết nằm trong căn phòng chữ nhật (quan tài) thịt da nát dần thành đất, y đã hoá thân để đầu thai trên những bông cúc, nên chỉ có y mới biết sự khải sinh của những cánh cúc vàng và trắng là dưới căn phòng sâu hút không ai thèm bén mảng. Sự thật đó được y viết lại như một tuyên ngôn sáng tạo.

Một đám tang. Quan tài phủ cúc, chôn xuống đất trở thành căn phòng riêng của người quá cố. Nằm sâu dưới mộ, thân thể người chết dần dần bị phân hoá thành dòi bọ trước, rồi thành phân bón sau. Nhờ thứ phân-bón-người này, trên mộ nẩy sinh những đoá cúc vàng... và như thế, vòng tròn tử sinh vừa xoay xong. Sự sáng tạo là một vòng tương sinh như thế.

Gió cũng là Phong, tên thật tác giả. Gió đã khải sinh[2] từ cuộc tang biến này. Hai chữ Gió tang thể hiện vòng tròn tử sinh trong sáng tạo, không những là một tuyên ngôn nghệ thuật mà còn khải sinh một cách viết mà "kẻ viết nhìn bóng mình hắt trên tường rồi cười". Hình ảnh thứ hai này vẫn mượn của Hedayat trong Con cú mù. Thủa trước, Hedayat viết riêng cho bóng mình hắt trên tường; phản ảnh nỗi cô đơn tuyệt đối. Ngày nay, kẻ viết, Gió hay Phong cũng viết cho bóng mình. Ba yếu tố bi quan, chán đời, tự tử, ngập sâu trong tác phẩm của Hedayat tái hiện tại đây, nhưng hậu sinh Tru Sa đi đường khác để thực hiện nghệ thuật của mình với những chủ đề liên quan đến lịch sử và truyền thống Việt, được viết bằng bút pháp gió hoàn toàn mới lạ, không liên hệ gì với bút pháp siêu thực của Hedayat, hay Marquez, nay đã cổ.

Trước tác của gió, ở đây, dị kỳ, vọng lên trong cơn hấp hối, gió buông tàn lực để tru lên những thanh âm lạ lùng: "Hơi gió thoi thóp, gượng chút tàn khí và tru lên thứ âm thanh cao chưa từng thấy và rồi mọi âm vọng trượt khỏi lỗ tai. Trận hú đấy cao mãi, vươn đến những tầng những tầng và bằng một sự xót thương, vực sâu đã thâu nhận, giúp các hòa âm được giấc ngủ bình yên".

Văn của gió không chỉ là chữ, là lời, mà còn là một hoà âm. Lúc tiếng gió đầu tiên vọng lên những thanh âm, thì cũng là lúc quan tài đóng nắp, ngày 5 tháng 8, ngày kết liễu cuộc đời những đoá hoa vàng, ngày bút chạm giấy, để khải sinh những dòng chữ đầu tiên: "căn buồng đóng hàm, tháng tám, ngày thứ năm, đóa cúc vàng rơi hết cánh, kết liễu những đóa vàng họ cúc. Ngón tay một khi chạm đến giấy vĩnh viễn sẽ thuộc về những dòng chữ." Đó chính là ngày bút pháp gió chào đời. Từ đây, nhiều truyền thuyết, điển tích, hình ảnh cô điển trong thơ văn, sẽ được y "viết lại".

Đầu tiên hết, thuyết luân hồi của đạo Phật được viết lại theo văn phong gió: "Cánh cúc vàng rụng rời, ươm lên cái xác ngày ngày bị róc mỏng da thịt. Nắng luôn nhảy nhót, tưới vàng khuôn mặt người còn lửa nến thì không. Ánh lửa hắt hiu rút dần khí thở trong căn buồng chật trước lúc rũ xuống thành đống sáp bầy hầy, thằng viết hít khói độc trong tiếng ho đầy máu".

Tôi chưa từng thấy một cảnh sáng tạo nào rùng rợn như vậy: Những cánh cúc vàng đắp lên cái xác tan rã dần dần thành đống sáp bầy nhầy trong căn phòng dưới đất sâu... kẻ viết rũ xuống trong tiếng ho đầy máu, y hóa thân để những đóa cúc chào đời. Những đóa hoa đẹp tuyệt trần này chính là tác phẩm nghệ thuật chui lên từ bóng tối, ăn thịt đất mẹ để trồi cao, cười tóe những cánh hoa trắng muốt.

Khi vòng "luân hồi" sáng tạo kết thúc thì "Gió đã tàn, trăng đã gãy. Đầu chị Hằng rụng xuống bởi nhát chém của người canh giữ cây đa, xác thỏ ngọc nhuộm ngầu cung trăng". Ở đây, lời Nguyễn Du "vầng trăng ai xẻ làm đôi" lại được viết lại theo bút pháp gió, trở thành cảnh: chị Hằng bị chú Cuội[3] chém đầu, trăng gẫy đôi, máu thỏ ngọc nhuộm đỏ cung quảng. Tôi vẫn chưa từng chứng kiến một cảnh chào đời nào của vầng trăng lưỡi liềm ghê rợn như vậy, vừa lạ lùng, nên thơ, lại vừa ma quái, máu mê, đen tối cực kỳ.

Gió tang mở đầu với bút pháp gió như thế, đồng thời khai thác sự gặp gỡ âm dương, sự lưu thông vô hạn giữa hai thế giới, sự sống chung giữa người sống và người chết trong toàn bộ tác phẩm Gai mây. Khởi đi từ địa chỉ sáng tác là căn phòng quan tài trong Gió tang, dẫn đến ngọn đồi mộ trong Nắng loá. Từ căn phòng khoá chứa bài vị trong Mưa xuyên đến Phòng ba sáu, hay 666, địa chỉ tự tử trong Giấc với cơn. Hoặc từ Một chỗ ngồi biến hoá trăm chỗ trên toa tầu trong Ga hoang đến cái gầm cầu thang biết ăn thịt trong Con hổ, hay một bãi đất trống hoặc những vết sẹo trên thân thể biến động trong Cước. Hoặc hoàn toàn vô thể như Ngày trắng, ngày moi chữ trong óc, trong Mổ sọ.

Bởi vì "đất nước nào chẳng có bóng ma, lật đất lên là vô khối xương xẩu. Xương đóng bộ, xương mủn" (Cước) vì vậy, sống là sống với người chết. Khái niệm người trong cuốn sách này là cả người sống lẫn người chết, sống chung. Đó là hiện thực có thật không thể chối cãi. Càng đúng hơn với một đất nước nhà nào cũng có ban thờ bài vị và vô địch nồi da nấu thịt trong hai mươi năm.

Các truyện trong sách này, phần lớn được viết theo lối cấu trúc mê sảng, nửa sống, nửa chết, nửa ảo, nửa thực, nên thơ và kinh hoàng, không logic, không đường lối, không rõ ràng. Mỗi truyện viết về một đề tài khác nhau, được viết với bút pháp biến thiên chớp nhoáng như gió, cũng là bút pháp của linh hồn, nên mỗi khi đọc lại bạn sẽ thấy nó như ma, nó khác lần trước.

Tru Sa đã tìm ra thứ ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ gai góc biến hoá của bóng mây. Gai mây, trong ngôn ngữ phê bình, gọi là tác phẩm mở, nhưng không phải tác phẩm mở nào cũng như vậy. Đây là tác phẩm mở của Tru Sa, cực kỳ khó đọc, với những bất ngờ không lượng trước, do gió viết ra. Tác phẩm không thể xếp loại, vì không thuộc thể loại nào, có vài truyện mang tính hiện thực nhiều hơn như Mê sảng.

 

Mê sảng viết về một tập thể. Đó là một toà nhà bốn tầng, mười bốn phòng và hơn năm mươi người. Kẻ xưng tôi, là nghệ sĩ, sống một mình, trụ ở đây được gần bẩy năm, trong khi những người khác, dị ứng với những buổi ca nhạc của khu tập thể, đều dần dần biến mất. Đặc điểm của tập thể này là thích hội họp, ăn uống, ca nhạc, vặn loa to hết cỡ. Mới đầu, tay nghệ sĩ chỉ thấy ồn nhất là tiếng máy bơm nước rè rè, rồi y quen dần. Nhưng tất cả sẽ từ từ tiệm tiến tăng dần nồng độ, cư dân mang loa thùng, micro, đôi khi là cây đàn ghita đặt giữa sân khu tập thể", y phải chịu. Họ hô hào, nhảy múa tới khuya, những tiếng hát đồng thanh thánh tướng ra quân cùng với tiếng nhạc ùng oàng như tiếng súng, tay ca sĩ uốn éo trên sân khấu và hét rống lên như bị ai chọc tiết, y chịu trận cả. Hôm ấy, được mời tham dự bữa tiệc lẩu tập thể, y miễn cưỡng nhận lời, y dự tiệc trong tình trạng quanh tôi nồng nặc mùi hôi nách, mồ hôi dầu, bít tất thối, nước hoa rẻ tiền, áo quần lâu không giặt...Mùi lẩu đang chín cũng bị lẫn trong vô số thứ mùi dơ dáy này rồi. Nghĩ đến những mùi này được khuấy lại và nấu chung với lẩu là bụng tôi lại óc ách. Tôi kìm mình bằng cách bịt miệng, vờ ho khan. Y không dám cưỡng lại, bởi lẩu là món khoái khẩu của nhân dân và ông chủ tập thể đã có lần hăm: "Bỏ thói ích kỷ tư sản đi. Tôi đã treo cổ, ném vỡ óc chục thằng tư sản. Nhưng khi được phát cái áo đồng phục cũ mèm, với con số 4 đã tàn phai, dù không muốn mặc, một tay định vứt đi, tay kia giữ lại kịp. Hình như có ai đang rình. Sự kiên nhẫn của y hoàn toàn rẫy chết. Chỉ còn nỗi sợ đang phát sốt. Nặng.

 

Nắng Loá, phản ảnh rất rõ bút pháp gió trong Gai mây. Một ngày nắng không loá, em rời thành phố lên đồi thăm anh. Câu chuyện giữa hai anh em là một cuộc đối thoại câm, đứt khúc, phi thời gian về những kỷ niệm trước khi anh dọn đến ngọn đồi này. Tất cả những dấu hiệu chứng tỏ người anh không hiện hữu bằng thân xác mà vẫn sống trên đồi. Ngọn đồi cũng là nấm mộ, mộ thật hay mộ tưởng trong đầu người em. Sự tìm mà không thấy chứng tỏ anh đã thất lạc, hay anh chính là cây phượng trước cửa bị giết, bị đốn đi, hay anh là con mèo mướp đã bị em cắt cổ... Tuyệt mù không thể đoán được. Phải chăng anh là lương tâm còn sót lại của cuộc nội chiến bạo tàn, được chôn trên đồi cao? Hay anh chính là lương tâm em do em tự tạo để có người nói chuyện với chính mình? Dù sao chăng nữa thì Nắng lóa là cuộc sống chung đầu tiên giữa người sống và người chết hay người biệt tích trong cuốn sách này.

Có nhiều cách đọc, nhưng đối với tôi, Nắng loá là hiện thân của sự chia cắt trong cuộc đời. Một thế giới phân cực. Một đất nước chia đôi. Một mẹ hai con, chia hai ngả: anh hiền, em ác. Anh ra đi, em ở lại. Anh chết, em sống.

Một người bị xé hai: người mẹ ôm chặt tấm chăn còn giữ hơi hướm đứa con biệt tích, bà thánh hoá nó và bà loại đứa còn sống bên cạnh ta khỏi "bộ yêu" của mình.

Một sự phân chia nam-bắc, phân cực trong-ngoài, âm-dương cách biệt, một xấu-một tốt, một sự thất lạc giữa hai phần cơ thể: nửa đi biền biệt, nửa ở lại đợi chờ.

Ngọn đồi là điểm hẹn và cũng là ngôi mộ, là điểm vĩnh quyết phân kỳ. Ngọn đồi là hình ảnh Mai Thảo từ trên cao nhìn xuống Hà Nội khi rời đất Bắc. Ngọn đồi là mồ chôn chia cắt, là khối ung thư trong lòng người mẹ có hai đứa con, một tuyệt mù, một còn lại, gánh mọi tội lỗi, lượm tất cả khổ đau điên dại của bà.

Chia cắt như hai đứa con cùng từ lòng mẹ, đứa bắc, đứa nam, một ngày năm bốn (cha) bỏ quê hương, một ngày bẩy lăm (con) đứng ở cuối đường, như lời hát Phạm Duy. Chia cắt, như con thuyền giấy anh làm cho em chơi thủa nhỏ, đã chìm trong biển lửa. Chia cắt, như đã hết binh đao, vết thương đã lành nhưng vết sẹo vẫn buốt suốt đời. Chia cắt, như đứa con lưu vong bao năm trở lại, chỉ một tiếng quan họ thoắt bên tai, là cả trời Âu sụp đổ. Chia cắt, như kẻ trở về chứng kiến chiếc cầu Long Biên đã qua đời, cùng với người con gái lao mình đêm ấy. Chia cắt, như không bao giờ còn thấy lại được lũy tre xanh, con đường làng cũ, cây phượng trước nhà đã bị giết, tất cả đã thành thiên cổ. Chia cắt, chia cắt... mỗi đoạn văn là một đứt khúc, là một thảng thốt chia lìa trong tôi, kẻ đi xa, và trong em, người ở lại. Chia cắt đã mọc mầm và sống trong hai chúng ta, như chẳng bao giờ xoá được.

 

Phấn di dường như là di cảo của phấn, một vệt phấn xoá, di đi di lại, loang ra, loang mãi như nghiã của chữ, bất tận... mà phấn di cũng có thể là tâm hồn, bởi tâm hồn cũng loang, tan trong bất định... Phấn di viết về một cái quán, có tên Trạm, trạm của tâm hồn.

Trạm có địa chỉ mơ hồ, đâu như ở khuất tận cùng núi Xẻ, ẩn trong con ngõ rộng như một con đường. Quán không lúc nào đóng cửa và chỉ mở cửa một ngày trong năm, ngày mùng 6 tháng 3. Ngày lạ và bí mật như một hẹn hò. Quán là nơi hẹn của những người vắng mặt, nhưng vẫn hiện diện dù nghìn trùng xa cách, như hai thế hệ, hai bờ đại dương, hai cõi âm dương. Quán Trạm, không cần địa chỉ, không cần mở hay đóng, bởi tâm hồn con người, sống hay chết, luôn luôn để ngỏ với nghệ thuật. Từ trước đến nay, tôi vẫn tưởng ta chỉ có thể nghe nhạc với quá khứ của mình, những người không cùng chung quá khứ, khó có thể yêu cùng thứ nhạc. Tôi đã lầm. Quán Trạm tập hợp những tâm hồn đồng điệu trong quá khứ và hiện đại, cùng nghe một bản nhạc, cùng bị quyến rũ bởi tiếng hát vượt thời gian, cùng yêu một câu văn Mai Thảo, cùng xuyên đại dương, gặp nhau trong một thoáng phút giây hội ngộ và đó là khả năng siêu việt của nghệ thuật. Quán Trạm cũng là điểm hẹn của hai tâm hồn, xuyên tuổi tác, bất kể khoảng cách không gian, gặp nhau như một ngẫu hứng của đất trời.

Phấn di giải toả Nắng loá khỏi sự chia lìa, tan vỡ. Phấn di xoá những lỗi lầm xưa, gửi đến tương lai như một nguyện ước.

 

Giấc với cơn đi thẳng vào vấn đề tự tử, kẻ viết tuyên bố thẳng thừng: "Đã nhiều lần, tôi nung nấu về một cái chết". Vì y "nung nấu" như vậy, nên y phải tính toán hơn thiệt. Tôi cho rằng y đã dành toàn bộ thì giờ sống để phân tâm tự tử. Y mô tả một cảnh chết cháy như thế này:

"Một lọn khét khiến mũi tôi chun lại. Mảnh khói vấp víu, dụ khị tôi tới đám cháy nhỏ trên mặt bàn. Tờ báo đang hỏa hoạn, nguồn cơn từ điếu thuốc vẫn cắn lửa trên gạt tàn. Tôi để mặc ngọn cháy loang rộng. Khí hực làm vã mồ hôi. Những chữ, những hình rụi đi và lửa phụt cao. Chính chỗ này, tôi phác một cái chết. Tôi là sát nhân lẫn tòng phạm giết cuộc đời mình. Đứng yên thế này, tôi chẳng làm gì ngoài việc chú mục vào hỏa ngục trước mắt. Ngọn cháy sau khi ăn hết tờ báo sẽ ăn mọi vật dụng lớn hơn, uống giấy uống cả gỗ, một hình thức bành trướng tiếp diễn. Cái cháy khét thịt da. Lưỡi tôi khan, cuống họng cũng khan, da dẻ khô queo sau cuộc đổ mồ hôi. Mùi của thịt tôi cháy đấy ư, chẳng biết nữa".

Y đi từ nguồn gốc rất tầm thường: một điếu thuốc lá chưa tắt hẳn để bên cạnh một tờ báo. Vì định chết, nên y đứng yên quan sát ngọn lửa: Ban đầu nó đốt chữ trước, sau khi ăn hết chữ trên tờ báo nó ăn sang các thứ khác. Y đang phác họa một hoả ngục: Cái chết của chính y. Chết cháy. Rồi y ngửi thấy mùi thịt cháy, y nhìn thấy "dòng lửa uốn, xoắn vít kéo thành cái đuôi rắn chuông". Cái đuôi chuông tới tấp tấn công, y dùng tàn lực chống đỡ: Tôi hớp hơi lửa, khói tràn trề. Vụn của tàn giấy mỏng tang. Lúc bấy giờ y nhìn qua kẽ giấy nứt đang tan thành than, mới thấy cái dấu niêm phong đã bị xé rách, mất dần hiệu lực. Cuộc tự hủy của y phát xuát từ cuộc phần thư, đốt chữ. Bấy giờ y mới ngộ ra: chỉ có lửa mới có thể hủy hết những kiểm duyệt, bởi vì khi chữ cháy, thì sự niêm phong cũng cháy. Đồng thời, y "nghe cơn đói của ngọn lửa, mối tình si giữa lửa và giấy", y lại ngộ ra khía cạnh hủy diệt của tình yêu. Tình yêu đốt cháy tất cả. Và người người nhảy trong đuốc lửa.

Vụ tự thiêu của y liên quan tới vụ tự sát hụt của thằng Dũng bạn y, nó uống thuốc độc với rượu, trong căn phòng số ba sáu ký túc xá. Thằng Dũng gia đình nó là công an, nó cũng tự tử hụt. Cái phòng ba sáu nơi thằng Dũng tự tử còn gọi là phòng chết, một phòng trống ở tầng ba, vì đã có nhiều vụ tự sát. Phòng ba sáu bỏ hoang vì đã lấm mùi xác chết. Sau này y mới hiểu nghiã ba sáu.

Y lại muốn tự tử, lần này y định treo cổ. Có lẽ vì y nghĩ rằng "Trong khi mọi quyền bị viết nháp hết bản này đến bản khác thì tự sát là một phản biện của tự do" và nhà nước có thể quản thúc được mọi thứ nhưng không thể kiểm soát được những cái chết ngoài vòng pháp luật. Lần này y định treo cổ trên cây, chết kiêu sa, thơ mộng, nơi mặt đất trải thảm bồ công anh:

"Nếu giá treo là một cành cây lớn, nơi con suối róc rách, muôn hoa đươm mầm, tiếng cá quẫy cắn mồi làm sủi tăm bóng. Bồ công anh lắc lư, đợi chờ sự tách cánh để chu du bầu trời. Chừng ấy, tôi sẽ được một ân sủng từ thiên nhiên. Không một trận mưa nào đủ lớn để gọi cầu vồng nhưng cầu vồng vẫn đu qua bầu trời. Phút cuối cùng trước khi tôi cạn sức, xương cổ gãy đôi sẵn sàng cho một tư thế gục cheo leo. Tôi sẽ không đạp được gì nữa, đôi chân khó bảo chập lại và khẽ lắc lư như quả lắc đồng hồ. Cái cây nơi tôi treo mình sẽ viết tên tôi vào chính nó, một nhân chứng trước cuộc tự tử kiêu sa này. Bồ công anh tách cánh, bay từng nhánh từng nhánh. Những lọn cánh mỏng như bông giấy, chất mịn và ngắn của vành khăn Huế. Màu trắng, loang như kéo nhạc. Nước màu tràn khỏi cốc và làm trong sạch bức tượng màu đỏ nung. Các sinh linh nhỏ giã biệt cái xác khốn khổ dưới cành cây và bay tìm thử thách mới. Linh hồn tôi được chia cho mỗi cánh bồ công anh. Mỗi mảnh đất mới, siêu độ cho linh hồn tôi đầu thai."

Một cái chết thơ mộng nhưng cực kỳ tang tóc, bởi mầu trắng loang trên vành khăn xô Huế. Màu trắng loang như kéo nhạc, mỗi cánh bồ công anh là một sinh linh rắc đầy mặt đất. Y vẫn sống. Y đã duyệt quá khứ bao lần và tìm tương lai bao lần, vẫn thế: Một dân tộc khi phải vác trên mình nhiều cuộc chiến thì chỉ những cái chết là thật hơn cả: Cha tao bắn chết em mình. Cha tao tự sát bằng một phát súng... Y ngộ ra: căn phòng ba sáu, không phải ba, không phải sáu, mà là ba con sáu 666. Người chết.

 

Ngõ Hạnh một địa chỉ, một con phố, một tác phẩm, một nhà văn hay một kẻ phê bình? Dường như là tất cả. Ngõ Hạnh sở hữu sự biến thiên nhân cách của một kẻ đóng nhiều vai. Ngõ Hạnh còn là kẻ muốn tái tạo lại bản thân, bằng sự nội soi chính mình. Ngõ Hạnh là cuộc đối thoại không ngừng của một cá thể tự xé hai: vừa viết, vừa đọc. Cũng là cuộc đối thoại ảo giữa kẻ viết và kẻ phê bình dù xa nhau vạn dặm. Câu Ngõ Hạnh không ở Ngõ Hạnh. Ngõ Hạnh không trong Giấy Vô chính là định nghiã Ngõ Hạnh và cũng là định nghĩa tưởng tượng, định nghiã sáng tạo, xác định tác phẩm nghệ thuật là hư vô, không thể nắm bắt được, bởi vì cả tác giả lẫn nhân vật đều không ở trong tác phẩm.

Ngõ Hạnh mở đầu bằng câu "Tôi đứng nội soi giữa đêm vàng". Tôi là tác giả và cũng là nhân vật chính. Lúc y xuất hiện, văn bản bắt đầu. Nhưng văn bản dù đã viết xong mà không có người đọc, thì cũng chưa trở thành tác phẩm.

Y nội soi như thế nào? Trong đêm rất vàng, y bước đi, y nghe thấy những tiếng vang trong thành phố, bỗng chốc y dừng lại, xoá hết những tiếng động trong đầu, bấy giờ y mới nhận ra: "tôi đứng và ngửa mắt lên tìm một chiếc lá. Tầm nhìn khua lên từng cành cây, bới một chiếc lá ưng ý. Số lá to nhỏ không đều, hoen đỏ như nhau, cài lên nhau che hết màu bầu trời. Có một chiếc lá đẹp nhất chếch bên trái, sẫm màu hơn số lá còn lại. Đứng mãi thế, ánh nhìn tôi xoay chuyển sang xung quanh, lúc trái lúc phải, khi men dọc xuống thân cây rồi đánh võng từ mầm cây con dưới gốc lên ngọn cây rồi lướt xuống một lần nữa về hồng tâm mình chọn, chiếc lá. Cái lá dường như to và đậm lên như một dấu son giai nhân, vết máu hoa anh đào trên mặt tuyết. Trước khi tôi ngắt chiếc lá xuống bằng phép dài tay tưởng tượng thì nó rụng xuống, không, tôi nhớ nhầm, chiếc lá đã tách khỏi cành rồi vờn vờn, vút mất, tôi lại nhầm, một cánh bướm mà thôi. Em bé ngủ gật".

Những dòng chữ này chứng tỏ y đang nội soi chiếc lá rụng. Y thấy một hiện thực hoàn toàn khác với hiện thực đường phố. Những dòng chữ này hoàn toàn vô dụng, vì nó không giúp bạn biết thêm tình tiết của câu chuyện (mà bạn đợi) y sẽ kể. Bạn có thể làm gì với một bức tranh, một bài thơ? Không làm được gì cả, bởi nghệ thuật luôn luôn vô dụng, nhờ chỗ vô dụng đó, nó mới là nghệ thuật. Nhưng nếu bạn chịu khó đọc y, bạn sẽ nhìn vạn vật khác đi, bạn sẽ biết thưởng thức mầu son của lá, mầu bạc của ánh trăng, bạn thấy mầu huyết trải trên tuyết trắng, mầu của nhớ thương, say đắm... ngần ấy thứ chỉ trong khoảnh khắc một chiếc lá lìa đời. Y, Ngõ Hạnh, cứ viết ngày này qua ngày khác, toàn những chữ vô dụng như thế cả, không ai thèm đọc, cho đến một ngày -ngày ấy có thể y đã qua đời- có một người nhặt lên đọc những dòng chữ trong Ngõ Hạnh, đó là lúc y sống lại và Ngõ Hạnh trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Theo chân Ngõ Hạnh, bạn biết thêm một bí mật khác: mực đen làm lộ tẩy chất liệu xương người cấu tạo từng căn phòng. Căn phòng ở đây là chính là quan tài chữ, bởi vì nghệ thuật ẩn sâu trong mớ chữ nằm chết trong sách, chỉ hồi sinh khi có người đọc mở sách, đánh thức dậy. Và y còn cho biết: dòng chữ đang chạy trong đầu y chưa chắc đã là của y, mà có lẽ y chịu ảnh hưởng của Ngõ Hạnh, một kẻ viết xứng đáng là nhà văn nhưng vô danh, có lẽ sẽ không bao giờ được biết đến, như cuốn sách Giấy Vô, hắn tự in ra.

Ý niệm thư viện là một nghiã địa, kẻ phê bình là tay gác nghiã, y mượn của Sartre, và ở đây, y viết lại bằng bút pháp gió: "Mỗi quyển sách là một đầu lâu tươi của người chết. Tôi đi dọc ngang, lục từng hộp sọ, mở một lèo, mặc cho suối chữ chạy vọt đi, đột ngột thấy một dòng viết hay, tôi lật lại. Những khối sọ trên giá sách không hăm dọa được ai nhưng cũng khiến kẻ đọc phải chùn mình. Mỗi lần tôi vướng vào một cuốn sách, quá nhập thần, tôi ngửi thấy mùi óc tươi, nếm thấy vị thịt da quẫy đạp trên giấy".

Một ý niệm rùng rợn như thế về thư viện phải làm cho Sartre giật mình nổi gai ốc dưới đáy mồ. Cuối cùng, chính y, Ngõ Hạnh cũng về đất: Tên tôi là Ngõ Hạnh, tôi sống ở ngõ Hạnh, da tôi vàng ủng, tóc đầy đất.

Ngõ Hạnh chết. Tác phẩm bắt đầu sống. Tác giả không cư ngụ ở Ngõ Hạnh, tên con ngõ trong tập truyện Giấy vô. Bởi tất cả đều là hư vô. Tác phẩm nghệ thuật là hư vô, xây dựng trên cõi hư vô, ý cũng của Sartre, ở đây Ngõ Hạnh làm cho người viết, người đọc gặp nhau xuyên thời gian xuyên sống chết.

 

Ga hoang gồm con tầu, du khách và sân ga. Du khách nói: "Không thể nhớ lần thứ bao nhiêu tôi đến đây". Y lại nói: "Tôi thường rời xe trời vẫn hửng sáng, trời vẫn còn sáng, thứ sáng của chiều tàn, tối thật nhanh... tựu trung là một thứ ánh sáng khó tìm thấy trên trần: không sáng không trưa không chiều. Rồi y kể tiếp, khi mọi người đã xuống hết, thì con trăn sắt sau khi nuốt tôi vào bụng, bánh xe nghiền xuống đường ray, lao phăng phăng, nhà cửa cùng cây cối bay khỏi tầm mắt. Vậy y không ở lại sân ga mà lên tầu đến ga khác, nhưng y luôn luôn "xuống" trước khi tầu ngừng ở một ga, y bảo: Chỗ ngồi của tôi luôn trống khi về ga. Hôm nay có một người ngồi cạnh tôi xin lửa hút thuốc.

Dùng lôgic thông thường thì không thể hiểu được. Y là người hay ma? Chịu. Giả thử y là một kẻ vô hình (không phải xác, mà là hồn) thì mọi sự dễ hiểu hơn, vì y có thể tham dự vào tất cả những "sinh hoạt" xẩy ra trên những chuyến xe lửa, ở mọi chỗ, mọi nơi. Ga hoang thể hiện sâu sắc quan điểm: người sống và người chết sống chung trên cùng một con tầu. Mỗi chỗ ngồi trong toa xe lửa là nơi tạm cư của một sinh thể, còn sống hay đã chết.

Y, kẻ đếm lại những vé xe lửa mà mình đã tích trữ trong đầu, để ôn lại những chuyến đi, qua những chiếc ghế y đã từng ngồi. Dọc thời gian, đã có những khuôn mặt khác, chiếm cùng chỗ ấy; mỗi khuôn mặt là một định mệnh, một câu chuyện. Con tầu đi qua nhiều con đường, nhiều ngõ rẽ, nhiều ga, mình nó chở bao nhiêu nhân vật. Những kẻ này, một khi xuống xe sẽ trở nên vô hình với người sắp tới. Không biết họ còn sống hay đã chết, nhưng câu chuyện của họ sống lại từng mảng trong trí nhớ của y. Sự pha trộn sống chết tạo không khí hoang tưởng và những chuyện được kể ở đây cũng hoang đường như thế, thử xem cảnh này: "Ai cũng có vé cùng một chỗ ngồi tuỳ chọn, mềm hoặc cứng. Người ngồi cạnh tôi tặc lưỡi, hỏi xin lửa. Chỗ tôi ngồi sát cửa kính, phía ngoài đèn lúc rất mờ khi lại sáng đến loá mắt.

"Không có thuốc thì đời buồn quá "- Người khách cùng ghế nói rồi ho".

Đố bạn biết có mấy người ngồi cùng chỗ  ấy? Chịu. Chỉ có thể hiểu được bối cảnh này, nếu ta chấp nhận: mỗi chỗ trong toa tầu đều có nhiều người ngồi trong những thời gian khác nhau, nhưng khi kể, y đã xoá ý niệm thời gian, để cho những thực thể này ngồi cạnh nhau hoặc chồng lên nhau, vì tất cả đều vô hình, họ nói chuyện với nhau xuyên thời gian, xuyên thế hệ. Y, kẻ viết, đang ngồi chỗ này trên tầu, đang viết hay đang nghĩ, nhưng ký ức lại chẩy về một hướng khác, một câu chuyện khác, không liên lạc gì đến con tầu và chuyến đi: "Tôi vẫn nhớ gió đã không lên và tôi cũng rất nhớ trời lạnh đến run tay. Và rồi tôi gặp ông ngoại. Sau mấy nhát cuốc vỡ toang cửa thép, ông về với tôi sau ngày áo sương. Da thịt ông đã tan hết, áo quần được thay mới bằng lớp đất dày. Mắt ông ngoại sâu hơn thường ngày, nhìn vào đấy tôi thấy mình sảy chân, lộn nhào dưới triền dốc không mặt đất".

Rồi bi kịch trong ký ức kẻ viết cũng lộn xộn như thế: mớ ký ức được cắt thành từng miếng nhỏ, đảo lộn, để cạnh nhau, như bức tranh lập thể, không theo trật tự thời gian, giữa lúc ông ngoại y còn sống đang cuốc đất ngoài vườn, bỗng ngã: ngày ông ngoại ngã khi đang cuốc đất ngoài vườn, người nhà tôi nhìn thấy một rắn lớn vắt vẻo trên xà nhà gian thờ tổ, ông đột ngột chết. Đến khi cải mộ ông "cái quách được nhổ lên, thoát khỏi ba tấc đất", bộ nhớ của y ghi: "Họ đánh cắp ông khỏi cuộc đời tôi. Đêm đầy sao nọ, ông ngoại càng lạnh hơn, ông gầy nhom trong khung xương lem nhem đất mộ. Ngoại tôi cứng và lạnh hơn trái tim đã hết nước mắt của tôi". Bi kịch ông ngoại chết, sự cạn khô nước mắt của y... lại được hiện lên trong hình ảnh con bé bán trà và bánh rán bên đường ray mà y đã gặp mấy lần, con bé này "nhặt mãi không hết nước mắt người", tất cả chỉ vì ba chữ lệ đá xanh (của Thanh Tâm Tuyền) vừa "vờn qua óc tôi".

Chưa một kẻ viết văn nào có thủ pháp lạ lùng và ôm đồm như vậy: không những y chồng chéo nhân vật và ký ức của nhân vật lên nhau, mà y còn chồng chéo cả câu chuyện y đang kể với những gì đang hiện ra trong đầu y, tức là y thổ lộ cả hậu trường cõi viết cho độc giả biết "bí quyết viết" của y.

Ga hoang là sự gặp gỡ của những hoang tưởng trên những thềm ga không người nhưng đặc sệt hồn người.

 

Dơi Cú là một truyện cổ tích. Bấy giờ, trăng đã lên cao, mặt trăng nở tròn viên mãn, trăng đẹp vô ngần, không có tì vết nào trên mặt ngọc trắng muốt độc tôn bầu trời. Sau khi tiêu diệt tất cả những vì tinh tú khác, trăng gom xương máu muôn loài, rèn thành áo giáp, đúc thành súng ống, đúc thành xe tăng và từ biển sọ trắng xây lên triều đình và luật pháp. Trăng ngạo nghễ phun lửa trắng. Trăng đang tràn ngập bầu trời thì Dơi Cú đến. Dơi Cú trắng toát như trăng. Cuộc tranh hùng nổ ra khốc liệt và đẫm máu. Dơi cú bổ trăng nứt đôi, vỡ toác, ăn dần và thay trăng cai trị bầu trời. Chẳng khác gì trăng, sự thành công của Dơi Cú (trước đó) cũng được ghi dấu bằng chiến thắng trên các xác chết. Dơi Cú mổ, ăn các vì sao, liếm đi mọi tinh tú, uống cạn dải ngân hà để vũ trụ trơ trọi chỉ còn mặt trăng sáng rực bá quyền.

Chiến thắng, Dơi Cú bay lượn trên không trung với những vũ điệu xẻ cắt trời. Lông trắng rơi lả tả. Những sợi lông rơi xuống như những mảnh xương, mảnh vỏ bom, vỏ đạn. Nhưng không ai lượm được một cánh lông nào, bởi vì nơi lông vũ rơi không có lông vũ. Trên mặt đất là đất, dưới lòng đất vẫn là đất hoặc là xương. Màu xương cũng trắng màu lông Dơi Cú nhưng tuyệt không phải Dơi Cú. Đào đất thấy xương, xương đắp lên xương, xương lấp lên xương, chồng lấp, tầng tầng đóng thành công trình lăng mộ được tổ hợp bằng nhiều tạ xương đè nhau như làm tình. Và đó là kỳ công của chiến thắng. Sự nghiệp Dơi Cú để lại chỉ là xương, tầng tầng lớp lớp dưới lăng mộ và triệu triệu sinh linh tế cho biển. Rồi Dơi Cú cũng lại biến mất, hay ẩn thân nơi nào, hoặc trọ ở chính vầng trăng. Rồi trăng lại tròn. Dơi Cú lại đến...

Cuộc tranh hùng khốc liệt này là bản sao của một cuộc tuần hoàn miên viễn: Khi trăng đã quá tròn, sẽ hóa thân... và cũng là vòng tròn nhật-nguyệt: Trước lúc mặt trời mọc, trăng tan mất. Dơi Cú đã bay vào cõi vô thần, hoặc đã thành tro khi giọt nắng đầu tiên tưới vào.

Sự tích gấu ăn trăng được viết lại ở đây qua bút pháp gió như một huyền thoại tranh chấp bá quyền cực kỳ mới lạ, nên thơ, khốc liệt, chưa một lần diễn tả.

 

Mổ sọ là một cổ tích khác, đồng âm với Dơi cú, viết về một ngày lịch sử mừng chiến thắng: Ngày Trắng. Ngày Trắng có nguồn gốc từ mù khơi quá khứ, không được ghi trong lịch, chỉ được kể lại như một tích trong thánh kinh, với định nghiã xanh rờn: Ngày Trắng đầu tiên ở mảnh đất này, Dao Tay đã lôi ra trong sọ người chết một tờ giấy. Dân cư trong vùng đến dự xếp hình lưỡi liềm. Theo lời một vị tiền bối, thì mỗi người sinh ra với một tờ giấy trong đầu. Dĩ nhiên không ai có thể lấy tờ giấy đó được, khi kẻ ấy còn sống, cho nên phải đợi dịp thuận tiện (như ngày tảo mộ chẳng hạn). Ngày Trắng diễn ra trên chính cỗ áo quan đã nuốt người chết vào bụng. Bây giờ quan tài của kẻ được chọn mổ, được quật lên, bật nắp, Dao Tay đặt tay vào hộp sọ, vặn một cái như vặn vít, hộp sọ mở ra, y rút trong sọ một tờ giấy, rồi hai ba tờ... nhiều lắm. Ngày Trắng tất phỏng theo một tích xưa: truyện kể rằng có kẻ thư sinh lười học đã từng nuốt vào bụng cả thùng sách, rồi bị đột qụy. Khi khám nghiệm người ta thấy trong cái bụng sình như chửa hàng cân sách. Một cái chết trong biển chữ nghiã. Cố nhiên thư sinh đó trở thành tấm gương hiếu học cho đời sau. Ngày Trắng "cảm hứng" từ cổ tích trên. Một hôm, kẻ được chọn mổ sọ là một thằng đần. Khi Dao Tay quật mả, hộp sọ của nó xương rất xốp, chưa đụng tới đã mủn, chẳng có giấy tờ gì, chỉ có những ngọn gió vun vút thổi như sợi đàn và như rắn phóng tít lên cao. Người xem cứng đơ xương. Không rõ điềm gì quái gở.

Rồi Lão Tuế trở thành lãnh tụ. Lão ra lệnh đào mả tất cả mọi người, không trừ ai, nhưng lão không lôi ra được một tờ giấy nào. Lão đâm hoảng. Sinh mối lo duy nhất: sau khi chết nếu lão bị đào mả; cái đầu "trí tuệ" của lão bị mổ ra mà không có một tờ giấy nào, thì chắc lão sẽ bị bọn dân vô lại khạc nhổ, có khi chúng còn chặt, giã hài cốt lão ra thành bột rải xuống hố cống hôi thối. Cho nên trước khi chết, lão bắt con cháu chặt đầu mình chôn giấu một nơi không ai biết... Thời gian trôi qua, cuộc chiến kéo dài, bao người nằm xuống... Dao Tay xuất hiện trên đống hoang tàn trong một Ngày Trắng nhìn những con người đang nhận xác ruột thịt đã vùi sâu trong lòng đất được bới lên. Nhiều xác không đầu...

 

Mưa xuyên là một tiểu thuyết mở trong bối cảnh một căn phòng khoá, một thứ từ đường. Những nhân vật trong truyện đều liên quan tới căn phòng này, họ có mặt trên bức ảnh cũ đã phai mầu hay trên những bài vị không tên, trong căn phòng khóa không đồ đạc, ngoài chiếc ban thờ. Những gì được ghi lại là những giọt ký ức của kẻ viết như những giọt mưa, xuyên không gian, thời gian thành chữ. Nhân vật không rõ sống chết trong một không gian mập mờ không rõ ngày đêm và thời gian được xác định kiểu mơ hồ không kém cũng mấy năm rồi...

Bởi tất cả đều không chắc vì đều phụ thuộc vào trí nhớ đã suy tàn[4] của kẻ viết. Y liếc nhìn vũng ký ức chiếu trong đầu mình, và đầu tiên hết y được kỷ niệm dẫn về hình ảnh hai mẹ con một thằng bé, đã sống ở phố cũ, cạnh nhà y thủa trước, nhưng không biết họ đã ra đi như thế nào, năm nào, thằng lỏi tên L hay gì gì, kẻ viết không nhớ rõ, dù y cố gắng để sự nghĩ xuyên thủng thước đo thời gian về ngày đêm. Y đi vào căn phòng khoá trong căn hộ có ba phòng, số 606, ở chung cư, tầng 19, khu đô thị Gate, dãy nhà D. Đó là nhà y, thực thể duy nhất được y ghi lại rõ ràng.

Phòng khóa là của riêng y, không dành cho bất kì người khách lạ nào. Tuy y gọi nó là phòng khóa, nhưng phòng này lại không khoá, không có nắm đấm cửa. Bước vào phòng khóa, y thấy khuôn mặt nhỏ trong phòng nhìn y, nó có tầm mắt buồn thiu, sầm xuống. Khuôn mặt này không bất động, khi khác y lại thấy khuôn mặt thằng oắt lờ đờ trong nước ảnh đen trắng, mơ màng trong hơi nước. Mắt mũi thằng khốn như loà khỏi khung ảnh, cái miệng tủm tỉm cười sắc như lưỡi câu. Cả đến cái phòng khóa cũng kỳ lạ quái đản: tôi bước ra ngoài và thấy mình vẫn ở phòng khóa. Nghiã là chính y có lúc cũng không làm sao ra khỏi phòng khóa, dù đi ngang đi dọc thế nào, y vẫn thấy mình đứng trước ban thờ.

Còn tôi, kẻ đang đọc truyện này, không có cảm tưởng là đọc truyện ma, lại cũng không nghĩ rằng những nhân vật, sự kiện y viết ra ở đây là có thật, theo nghiã người thật việc thật đã một thời làm mẫu mực viết. Tôi đồ rằng tất cả đều chỉ có trong đầu y, nói cách khác, y đang ghi lại dĩ vãng với những nhân vật đã khuất được y "làm lại" như còn sống. Phòng khoá chứng kiến và lưu trữ nhiều cái chết Một cú ngã, lại thêm một cú ngã, trong căn phòng này. Cha ngã rồi qua đời, Vũ ngã rồi cũng qua đời. Tôi lại đồ rằng phòng khóa là không gian riêng do y sáng chế ra, giam bí mật của đời y, cấm mọi người vô, để chỉ mình y độc quyển xử lý quá vãng; nhưng chính y cũng tự giam mình trong đó và thế giới y ghi lại chính là sự sáng tạo bằng chất-liệu-người, người sống và người chết, tất cả đều bị biệt giam trong phòng khóa.

Thế giới kín này giao lưu với cõi âm, bởi vì "Trong nhà ngày cũng như đêm, tịch không còn gì ngoài những bài vị tối cổ không tên không ảnh, khói hương nghi ngút, lập loè như mắt ma, tiếng kẽo kẹt trên cầu thang gỗ dấu hiệu cho sự có mặt của người, chân họ vẫn chạm đất còn đôi mắt sâu hoắm như vỏ ốc rỗng ruột". Đến cả đường phố xung quanh chung cư cũng vậy: hồn người ruỗng đi, ruỗng như bị sâu ăn và cứ thế, đến ngút ngàn... Y sống chung với người quá cố như dân tộc y từ ngàn xưa đã thế: nhà nào cũng có ban thờ. Y cảm thấy mình lửng lơ giữa đời sống như con chồn tàn tật ngoắc đuôi treo mình trên cành gạo.

Những loáng đời, hiện ra như những que diêm, sáng lên trong đêm âm u của ký ức. Y, kẻ viết, viết trong tình trạng "bộ nhớ của não, nơi lưu trữ ký ức trong tôi luôn trong tình trạng mở". Y bảo: "Mấy năm rồi còn gì, tôi đã nằm ngủ trong [phòng] này", và y xác định Tôi tạt qua các cuộc đời. Vậy y còn sống hay đã chết? Không thể biết được.

Mưa xuyên là cuốn tiểu thuyết mở, được viết với những mảnh sáng loé lên trong óc kẻ viết như những tia lửa của đứa bé bán diêm đêm Noel trong truyện cổ tích Anderson, và bạn, kẻ đọc, có thể góp phần vào, nhất là đoạn kết, hoàn toàn mở, đợi ý kiến của bạn. Chuyện y kể là chuyện thời nhỏ, thời lớn, bạn bè, hàng xóm, bạn văn, gia đình, đất nước, di tản, chiến tranh... trong khoảng thời gian bất định, đã được trộn trạo và giã ra trong ký ức suy tàn của y, bôi lên như những bức tranh trừu tượng vẽ dở. Những nhân vật trong Mưa xuyên đều đã đi vào phòng khóa từ thằng Vũ, xâm mình, một thời phá phách, rượu chè, đua xe, đánh bạc, đi gái, chết sau khi bị y đánh, thằng Châu tự đập vỡ đầu mình, đến thằng Lâm, chị Kim, đến người cha đã chết sau khi cãi nhau với y, và chính y đích danh là thằng Hải... đều đã xuyên qua cơn mưa chữ, khải sinh từ khi y chào đời ngày 5 tháng 8 năm nào.

Tôi, kẻ đọc, gọi đó là bút pháp gió, bởi nó luôn luôn quất vào mặt mình những cái tát bất ngờ, tỷ như bọn bạn bè đang chuyện trò rôm rả, đang cá cược nhau, y tương ra một câu quái gở: "Bọn mày lờ phờ quá đi. Cá cược làm gì nếu đã chết rồi", tức là y đã chuyển hẳn không gian trên trần xuống không gian dưới huyệt, chỉ bằng một lời nói ngắn gọn. Hoặc như đang nói đến huyền thoại thiên thai, y phang một câu: "Thiên thai trắng tơ bẩy kiếp, người người nhìn nhau, nhẩm một tiếng nhạc nhưng lưỡi đã cụt ngủn, tiếng đàn Trương những tưởng sẽ vuốt sáng con mắt lòa, ai dè tròng mắt đã bị trùng ăn, ngón tay trượt vào hốc sọ". Bạn lại bị cú tát nữa, bởi không ai có thể tưởng tượng cảnh thiên thai thơ mộng tiếng ai hát chiều nay vang lừng trong gió được y hoá kiếp thành đám người hát nhẩm văn cao vì lưỡi đã bị cắt; tiếng đàn Trương Chi tưởng vuốt sáng con mắt nghệ sĩ mù loà, nhưng tròng mắt đã bị trùng khoét đục rữa tự bao giờ.

Đọc y, bạn đừng tìm hiểu, vô ích. Y viết để bạn đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc, bạn lại khám phá ra một cái khác trong lời văn của gió, bởi nó biến hoá chứ không nằm yên một chỗ, bởi y là chuyên gia hóa kiếp cho những huyền thoại, sử thi, những hình ảnh hàn lâm, cổ điển, bởi y thấy chúng sống lâu gai mắt nên y tạo ra bút pháp gai mây.

Mưa xuyên thu thập những giọt nước rỏ xuống đời người cho bộ nhớ lưu trữ. Câu hỏi của Vũ Đình Liên những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ? được trả lời trong Mưa xuyên: Diện tích đất đai có hạn nhưng con người vô hạn, nên mỗi khoảng không gian mình đang sống là nhiều không gian ép lại, một hình ảnh lưu trữ nhiều hình ảnh khác, quá khứ và hiện tại chồng chất lên nhau từ khung cảnh đến con người: chung cư cao tầng hôm nay nằm đè nên dãy phố hôm qua, đứa bé ngày xưa trở thành nhà văn hôm nay, trong một không gian dầy đặc những linh hồn. Mưa xuyên viết lại sự thông đồng ấy qua cái nhìn biến ảo của kẻ viết. Tấm hình đứa nhỏ trên bàn thờ, có phải là thằng oắt tên Lãng? Hay là con trai y, đứa con y không bao giờ thổ lộ? Hay là thằng Vũ, y lỡ tay đánh chết? Bài y đang viết có phải của y hay là văn của hồn thằng Vũ mà y đã hoá trên mộ nó?

Điều chắc chắn là cái chết đã ở trong đầu y. Cái chết ấy không bao giờ buông tha, không bao giờ rời khỏi não bộ y, nó bám chặt lấy y, như tất cả những đau thương, tang tóc, phản bội, chia lìa, một lần đã đi qua, là chúng đóng thành sáp, ép lại thành lớp trong ký ức, thỉnh thoảng bương ra một mảnh như trái phá. Nhưng ký ức không chỉ lưu trữ những khắc nghiệt, cũng có lúc nó cho y những hình ảnh mộng mơ kỳ đời về người chị "ký ức trong tôi là những cuộc tắm mê man mỗi khi nhìn chị Kim trong chiếc áo dài màu nắng, hoàng lan buông thơm mái tóc chị.". Chị Kim ngự trên bức ảnh bạc mầu trong phòng khóa, mà chị đã xé đôi, như xé kỷ niệm, chị nổi trôi theo phận nước, mỗi lần chị về, lấp một lỗ hổng quá khứ trong đời y.

Mưa xuyên gieo những hạt nước. Có người nhận như những ân sủng của đất trời. Có người khó chịu, gạt phăng những giọt nước làm ướt bộ đồ xịn đang mặc. Tôi cảm nhận sự xuyên suốt trong hồn đến từ những giọt mưa xuyên thế hệ.

 

Lửa mờ là một chân dung tự thuật, ký tên Sa. Sa đã từng viết văn, hiện đã thôi văn, sống với một người chú, họa sĩ. Hai chú cháu ở chung nhà, chú tầng dưới, cháu gác xép, "giao lưu" tối thiểu, lười nói. Vật duy nhất chia nhau là những điếu thuốc lá. Họ chả thiết ăn uống gì, ngày đêm no khói. Sa đói nhưng không buồn đụng đũa. Sa ăn những hơi dài và phì ra những hơi dài. Gia đình không ai quan tâm đền sự hiện hữu của Sa, hoặc có, thì cũng chỉ coi Sa là thằng bất trị. Giữa hai đàng nội, ngoại, Sa như lớp cỏ hoang rìa mộ. Sa vụng về, tất cả những cố gắng "giao lưu" đều thất bại. Bạn bè thấy Sa đến, họ khó chịu, đứa dễ thương nhất cũng coi Sa như đống thịt bù nhìn. Sa vô tâm, đốt thuốc mà quên hút, vứt cả một tủ sách lúc nào mà cũng quên. Đi qua tượng Đức Bà, Sa lại thấy một bát hương lớn. Vào nhà thờ, làm dấu thánh giá, nhưng Sa làm sai, đánh lộn ngược thánh giá. Nghe linh mục giảng, buột miệng phê bình chẳng có gì mới, bi đuổi khỏi thánh đường. Tìm đến gái đứng đường, Sa nằm chết cứng, người đàn bà chuyên nghiệp ồ oạp một lúc, không triệu hú được con thú điên trên thân xác lạ, chị chửi thề coi như tao xúi quẩy.

Người bạn duy nhất hiểu Sa, coi những trang viết của Sa như đóa hoa trong ruột quan tài. Những gì mày viết không thể giúp người, không thể giúp ai, mày viết như tự cứu mình nhưng càng cứu càng hủy, cho đến ngày mày lìa đời khi lang thang trong cõi gió. Không gian Sa sống xác thuốc đổ tàn khắp nơi. Bởi cái gạt tàn đã đầy ứ tự lúc nào, nó nguyên là cái hộp, trước kia lưu trữ ý tưởng.

Rồi người chú ra đi... Căn nhà ngày trước có hai hơi khói cháy cùng nhau nhưng không cùng lúc. Nay chỉ còn một. Bàn tay hồi trước chú cháu giao nhau, lúc Sa từ tầng xép với xuống trao thuốc trong tay chú, bây giờ trơ trọi: bàn tay với thuốc, tay kia đánh lửa. Sự "giao lưu" cuối cùng chấm dứt. Chú đã xé tên trong sổ hộ khẩu trước khi đi. Sa nhặt tấm sổ, xé nốt trang có tên mình.

Mắt Sa mở cũng như khép. Từ ngày thôi chữ…

Lửa mờ là kết từ của Gai mây cũng là chân dung tác giả, một bóng bí mật chiếu trên tường, cô đơn không thể hòa hợp với ai. Sự cô đơn ở đây đã hoá khói, hình thức khác của mây. Sa không hút thuốc. Sa chỉ đốt thuốc để ăn khói thay cơm, để thấy chữ nghiã hoá thân về chốn khác. Tàn thuốc hay tro văn của Sa bay lên như mây khói, bởi vì đất này không ai nhận diện ra nó.

Yên Cơ cuối tháng 3-2020
Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


 

[1] Sadegh Hedayat (1903-1951) người Iran, gia đình quyền quý, thấm nhuần văn hóa Pháp. Năm 1929, ông tự tử lần đầu trên sông Marne (gần Paris), khi còn là sinh viên, nhưng được cứu sống. Năm 1951, ông tự tử lần thứ hai, bằng gaz, ở Paris, toại nguyện. Con cú mù, sáng tác khoảng 1936-1937, là tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên của Iran (trước đó Iran chỉ có văn vần) nội dung pha trộn mộng và thực, hiện tại và quá khứ, xuyên qua những hình ảnh hoảng loạn, hoang tưởng, đầy đam mê, cuồng bạo, dấy lên như những điệp khúc trong đầu một họa sĩ nghiện rượu và thuốc phiện (bản thân tác giả nghiện thuốc phiện và rượu Vodka, luôn luôn chán đời, có ám ảnh tự tử). Khi bản dịch Con cú mù sang tiếng Pháp (La Chouette aveugle) được in năm 1953 (hai năm sau khi Hedayat qua đời), André Breton, chủ soái trường phái siêu thực Pháp, xưng tụng là tác phẩm siêu thực phổ quát đầu tiên (của nhân loại). Có lẽ nhờ lời ca tụng này mà Hedayat trở thành nhà văn nổi tiếng nhất Iran, được thế giới biết đến.

[2] Khải sinh là sinh ra trong khải hoàn, chữ của Tru Sa.

[3] Tru Sa gọi là người canh giữ cây đa vì không tin trên cung trăng có chú Cuội.

[4] Mượn chữ của Nguyễn Bình Phương.

 

© 2020 Thụy Khuê