Thụy Khuê
 

Thi pháp Bích Khê

 

 Bích Khê xuất hiện sau Hàn Mặc Tử vài năm, chịu ảnh hưởng ít nhiều của Hàn Mạc Tử, nhưng Bích Khê cũng đã tạo ra một thi pháp mới, khác hẳn những người cùng thời.

Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (quê ngoại), nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà, tỉnh Quảng Ngãi, và mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.

Là con út, trong một gia đình tám anh chị em (4 chị, 3 anh), cha là Lê Mai Khê một nhà nho mất sớm và mẹ là bà Phạm Thị Đoan. Thủa nhỏ Bích Khê học ở Thu Xà, rồi Đồng Hới và lên trung học vào trường dòng Pellerin Huế, sau ra Hà Nội học tú tài, ban Triết. Năm 1934, bỏ học, cùng người bạn vào Phan Thiết mở trường tư, vừa dạy vừa sáng tác trong 2 năm (từ 1934-1936).

Mắc bệnh phổi từ năm 1935. Phải điều trị ở bệnh viện lao Pasquier, Huế, trong hơn một năm (1936-1937). 1938 trở lại Phan Thiết mở trường dạy học lần thứ nhì (1938-1939) và xuất bản tập thơ đầu tiên : Tinh huyết, 1939, do Hàn Mặc Tử viết tựa.

Năm 1941 về Huế dạy học, được ít lâu, bệnh phổi tái phát, lại phải trở vào bệnh viện Pasquier điều trị lần thứ nhì, năm 1942. Bích Khê mắc bệnh lao từ năm 19 tuổi (1935) và mất năm 30 tuổi (1946).

Làm thơ từ lúc 15 tuổi (1931), theo các thể cổ điển như Đường luật, từ khúc, hát nói, đăng trên các báo Tiếng dân (ở Huế), Phụ nữ tân văn (Sàigòn) và Đông Tây (Hà nội).

Khoảng 1936, Bích Khê chuyển sang «thơ mới». Tập Tinh huyết in năm 1939, do Hàn Mặc Tử viết tựa là tác phẩm duy nhất được xuất bản khi Bích Khê còn sống.

Mất đúng lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thơ ông không được nhắc đến trong một thời gian dài ở miền Bắc, phần vì người ta không hiểu thơ Bích Khê, nhưng lý do chính là vấn đề chính trị : Bích Khê dịch cuốn Retour de L’U.R.S.S (Ở Nga về) do André Gide viết năm 1936, kể lại nỗi thất vọng của mình sau khi đi thăm thiên đường cộng sản. Mặc dù cuốn sách chưa in, nhưng việc dịch này, kèm thêm việc Bích Khê tỏ ý bất bình khi nghe tin Tạ Thu Thâu bị ám sát, đã khiến người ta liệt Bích Khê vào hàng ngũ phản động Trotskite và tên tuổi ông bị chính thức loại ra khỏi danh sách những nhà thơ tiền chiến.  

Năm 1966, tại Sàigòn, báo Văn (do Trần Phong Giao trách nhiệm) làm số tưởng niệm Bích Khê (số 64, ra ngày 15/ 8/ 1966), với những tư liệu do gia đình cung cấp và bạn thân viết, đặc biệt nhờ những bài của bà Lê Ngọc Sương (chị ruột nhà thơ), của Tam Ích, của Quách Tấn... mà chúng ta biết rõ thêm những chi tiết về cuộc đời Bích Khê và một số thơ của ông cũng đến được với độc giả.

Tập Tinh hoa xuất bản sau này, gồm hai phần : Một số những bài thơ làm sau Tinh huyết và một số những bài thơ đã có trong Tinh huyết, được sửa lại, hoặc cắt ngắn đi.

So sánh hai tác phẩm thì Tinh huyết vẫn là tác phẩm chính. Những sáng tạo mới, có trong Tinh huyết. Thơ trong Tinh hoa trở lại gần với thơ truyền thống. Tinh huyết là thời kỳ sáng tạo mạnh có Hàn Mặc Tử khuyến khích. Trong Tinh huyết, Bích Khê đã hình thành cấu trúc thi ca của riêng mình, một cấu trúc hiện đại, khác hẳn các nhà thơ mới, mà cũng không giống thi pháp của Hàn Mặc Tử.

Thi pháp Bích Khê

Thơ Bích Khê là sự giao lưu giữa thơ cổ và thơ hiện đại, trong một kiến trúc nghệ thuật âm nhạc và hội họa. Đặc biệt trong lối tạo hình, ông đã sử dụng một phương pháp mới, lúc ấy chưa thịnh hành ở Việt Nam : phương pháp cắt dán (collage).

 Bài Tỳ bà của Bích Khê là một khúc ngâm mới, dựa trên tinh thần Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, bản dịch của Phan Huy Thực (nhiều nơi ghi là của Phan Huy Vịnh, con trai Phan Huy Thực), với những lời tuyệt bút :

Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt,

Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ.

Ôm sầu, mang giận ngẩn ngơ,

Tiếng tơ lặng ngắt, bấy giờ càng hay.

Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước

Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao.

Cung đàn trọn khúc thanh tao,

Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.

Thuyền mấy là đông tây lặng ngắt,

Một vầng trăng trong vắt lòng sông  (Tỳ bà hành diễn nôm)

Bích Khê chỉ mượn tinh thần của Tỳ bà hành, nhưng đã thay đổi toàn diện bối cảnh, kiến trúc âm nhạc và kiến trúc hình ảnh, để tạo ra một tác phẩm hiện đại. Tỳ bà là một cấu trúc mới, hoà hợp hai yếu tố chính: Âm nhạc và hình ảnh.  

Vàng sao nằm im trên hoa gầy

Tương tư người xưa thôi qua đây

Ôi ! nàng năm xưa quên lời thề

Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Tôi qua tim nàng vay du dương

Tôi mang lên lầu lên cung Thương

Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi

Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

Buồn lưu cây đào xin hơi xuân

Buồn sang cây tùng thăm đông quân

Ô ! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi ! Vàng rơi: Thu mênh mông (Tỳ bà)

Phạm Duy, vẫn lại là người nghe được tiếng nhạc lạ trong Tỳ bà và ông đã tạo ra một bản nhạc réo rắt, âm hưởng giao thoa kim cổ.

Kiến trúc âm nhạc trong Tỳ bà của Bích khê dựa trên âm bằng (dấu huyền hoặc không có dấu). Toàn bài hầu như không có âm trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng). Lối lập âm này, trong thơ mới, có một số người đã làm nhưng không mấy ai thành công như Bích Khê. Vì chỉ có âm bằng nên nhạc trong thơ đổi hẳn cung bậc, không còn giống thơ cổ điển và cũng khác hẳn thơ mới.

Về mặt tạo hình, lần đầu tiên, trong bài Tỳ bà, một thi sĩ Việt áp dụng thủ pháp cắt dán trong thơ. Nói cách khác, các hình ảnh được «cắt dán» rồi ghép cạnh nhau, cho nên ảnh sau, không dính dáng gì đến ảnh trước.

Ví dụ, trong câu Vàng sao nằm im trên hoa gầy, hai hình ảnh vàng saohoa gầy, tuy không dính dáng với nhau, nhưng được tác giả cho chúng nằm im trên nhau, sự kiện này không thể có trong thơ cổ điển và thơ mới, mà các yếu tố có một liên hệ chặt chẽ, để tạo thành một câu «có nghiã». Trong khi «vàng sao nằm im trên hoa gầy» của Bích khê là một câu gần như «vô nghiã».

Lại cần phải phân biệt một điểm nữa : việc Bích Khê đem hình ảnh sao vàng (ở trên trời) xuống, cho «nằm im» trên hoa gầy (ở dưới đất) là một động tác cắt dán, không giống với động tác của Hàn Mặc Tử trong những câu « Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối» hay « Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ / Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu» là những động tác tưởng tượng. Và trong câu : «Bóng gương lồng bóng đồ mi chập chùng », Nguyễn Gia Thiều dùng biện pháp ẩn dụ : bóng gương để chỉ nhà vua, bóng đồ mi là người cung nữ. Tóm lại, cùng mô tả một «việc» ấy, mà mỗi nhà thơ có một thủ pháp khác nhau, để cùng đi tới mục đích diễn tả nhục cảm xác thịt.

Những phương pháp khác nhau đó, phản ánh thời đại, lối viết và cá tính của nhà thơ : Ôn Như Hầu dùng ẩn dụ, cách tạo hình trong thơ cổ điển. Hàn Mặc Tử dùng tưởng tượng, một phong cách sáng tạo hiện đại, phát triển từ Thi sơn (Parnasse). Và Bích Khê dùng phương pháp cắt dán (collage) của hội hoạ hiện đại, nhưng việc để những yếu tố hoàn toàn khác nhau lại cạnh nhau, còn là phương pháp của Siêu thực nữa.

Cho nên có thể nói rằng ngay từ năm 1936, Bích Khê đã áp dụng những phương pháp rất mới của Tây phương để làm thơ, trong một tinh thần hết sức Đông phương.

Cấu trúc gián đoạn

Hình ảnh trong thơ Bích Khê là sự cát dán lắp ghép, hình ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử là tưởng tượng, vì vậy khi nhìn bề ngoài có vẻ giống nhau nhưng thật ra rất khác : thơ Bích Khê «mới» hơn Hàn Mặc Tử, vì Bích Khê tiếp nhận thêm được những kiến thức siêu thực, mà Hàn Mặc Tử chưa kịp tiếp thu, đã mất. Nhưng cùng trong hoàn cảnh bệnh hoạn, Bích Khê không cô đơn, tuyệt vọng như Hàn, nên thơ Bích Khê không đạt được mức đớn đau tuyệt tác như thơ Hàn Mặc Tử.

Phong cách siêu thực trong thơ xẩy ra ở cả mức độ chữ, lẫn câu : Bích Khê không chỉ để hai hình ảnh khác nhau cạnh nhau, mà còn để hai câu thơ hoàn toàn khác nhau cạnh nhau, như: Vàng sao nằm im trên hoa gầy / Tương tư người xưa thôi qua đây. Câu trên là một câu mô tả sự khăng khít xác thịt : Vàng sao nằm im trên hoa gầy.  Câu dưới : Tương tư người xưa thôi qua đây, mô tả sự tan vỡ, nói đúng ra là, vừa đang yêu : tương tư vừa tan vỡ : người xưa thôi qua đây. B

ích Khê đã đảo lộn trật tự thời gian sống, để tạo một nghịch cảnh, nghịch lý mới: thường thì người ta tương tư, rồi khăng khít và sau cùng mới lìa nhau, đằng này, người  ta khăng khít trước, rồi mới tương tư, rồi xa  nhau.

Tóm lại câu thơ của Bích Khê không có logique, vì vậy mà Hoài Thanh và nhiều người khác đọc không hiểu.

Tỳ bà là một trong những bài thơ đầu tiên của Việt Nam có cấu trúc gián đoạn : Bích Khê dán những chữ không liên lạc gì với nhau cạnh nhau, dán nhũng câu không liên lạc với nhau lại gần nhau, để tạo ra những hình ảnh hoàn toàn siêu thực: tay-đêm, giăng-mền,  trăng – đan, mây-nhung, thuyền -hồn...

Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mền

Trăng đan qua cành muôn tay êm

Mây nhung phơi màu thu trên trời

Sương lam phơi màu thu muôn nơi

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ

Dây đàn yêu đương run trong mơ

Hồn về trên môi kêu : em ơi

Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu

Sao tôi không màng kêu: em yêu

Trăng nay không nàng như trăng thiu

Đêm nay không nàng như đêm hiu. (Tỳ bà)

Mỗi câu thơ của Bích Khê là một sự đứt đoạn : Bích Khê là nhà thơ tiên phong, đã đi trước thời đại, thể hiện sự đứt đoạn trong không gian và trong thâm hồn. Sự đứt đoạn của đời sống là một trong những khám phá của nghệ thuật hiện đại trong toàn bộ thơ, văn, nhạc, hoạ, từ đầu thế kỷ XX. Bởi mỗi ý nghĩ của chúng ta là một đứt đoạn, mỗi hình ảnh chúng ta nhìn thấy trong đời sống là một đứt đoạn.

Bích Khê đã nhìn thấy sự đứt đoạn đó từ những năm 1936-39. Và bẵng đi một thời gian dài, mãi sau này, đến thập niên 60, mới thấy xuất hiện ở Thanh Tâm Tuyền và Trịnh Công Sơn.


 

© Copyright Thụy Khuê 2009