Thụy Khuê

 

Anh Yến

 

 

Côte d'Azur không có mùa, quanh năm nắng, nhưng trời và biển họp nhau thành vạn mùa. Lê Đạt có hai câu thơ làm năm 97:

Maxi váy chân trời thu đứng sóng

Biển đưa tầu đong biếc mắt âu xanh.

Hình như ai xuống "đấy" cũng thấy biển, tầu, hải âu, mắt biếc... đong đưa, chân trời chùng xuống, chạm sóng trong một chuyển động thoát y, hoan lạc. Côte d'Azur đầu tháng ba, sau Tết, là mùa mimosa, vẫn thơ Lê Đạt:

Mưa úa xuân gầy lửa hoa lụi khóm

Thương tình mimôza hàng xóm vàng sang

Năm ấy là 1992, đầu tháng ba, chúng tôi xuống Côte d'Azur cùng chị Kiều Chinh và anh chị Yến. Năm ấy, chưa có thơ Lê Đạt, nhưng đã có trời, biển và mimosa. Hôm nay, hơn 13 năm sau, người ta đã cắt mimosa, đã san bằng nhiều vùng đồi hoa, sau những vụ hoả hoạn cháy rừng năm 2003. Họ bảo, mimosa mang tội chuyển lửa, gây cháy rừng. Mimosa là dân imigré, là kẻ ngụ cư đến từ Úc, dễ bắt lửa, mimosa không phải là người bản xứ, khác màu da, lại mọc nhanh, lấn đất, lấn người.

Những hình ảnh Côte d'Azur, xuân 1992, mà chúng tôi giữ lại chỉ còn là kỷ niệm. Năm ấy, gặp nhau ở Paris, đông lắm, có Kiều Chinh, có Nhã Ca, Trần Dạ Từ, có Lệ Thu... và tất nhiên là có anh chị Yến, nhân dịp ra mắt cuốn Kiều Chinh Hà Nội Saigòn Hollywood. Sau những buổi họp mặt thật vui trong không khí nghệ sĩ của Paris những năm 90, chúng tôi cùng chị Kiều Chinh và anh chị Yến xuống Côte, đưa chị Chinh xuống Marseilles thăm ông bác là cụ Nghị (bác sĩ Nguyễn Văn Nghị, nay đã mất), rồi anh chị Yến và vợ chồng tôi lên đường về Yên Cơ, Issambres.

 Tháng ba là tháng của mimosa, ngôi nhà Yên Cơ của chúng tôi đang phủ mimosa. Mimosa mới nở màu vàng chanh, khôn như con Titi sắp nghĩ ra trò chơi khăm anh Gros Minet to xác mà ngố, hương thơm rất nhẹ chỉ đến với những người sành điệu. Sắc vàng và hương thơm biến đổi không ngừng theo chiều gió và độ sáng. Tháng ba, biển xanh, trời biếc, lọc và phản hồi ánh sáng trên hàng vạn những chú Titi nhỏ bằng những hạt trai, thay lông mỗi lần ánh sáng thay sắc, từ vàng chanh sang vàng bích, vàng hoàng yến, vàng mơ... trong khoảnh khác từ sáng đến trưa, rồi từ trưa đến chiều mimosa lại đổi gam màu lần nữa, khi bóng đêm sà xuống, những chú Titi chuyển hẳn sang màu hoàng thổ trước khi đi ngủ, để sáng mai trở dậy lại bắt đầu một ngày vàng mới.

Anh Yến đặc biệt chú ý đến mầu sắc và ánh sáng trên Côte d'Azur, làm tôi thật cảm động. Cho đến hôm ấy, tôi vẫn tưởng anh là nhà báo, tức là một người chuyên chú đến tình hình thời sự. Nhưng không phải thế, lần ấy và một lần sau nữa, anh chị sang Paris, chúng tôi dẫn anh chị đi thăm những lâu đài trên sông Loire, tôi càng biết thêm một vài khía cạnh khác của anh. Cách anh trầm ngâm, nhìn những gì ít ai chú ý và lâu lâu hỏi một câu bất ngờ, làm người được hỏi ngỡ ngàng, thú vị, vì không chờ đợi. Cách anh chú ý đến thiên nhiên, đến lịch sử, tuy không thật sự "để tâm", chỉ như vô tình, vậy mà rất sâu. Anh Yến thích nghe và ít nói, một điều rất hiếm, vì thường người ta thích nói, mà ngại nghe. Cách anh nhỏ nhẹ gợi lại kỷ niệm, những kỷ niệm sống bất ngờ nhất của anh trong quá khứ, và quá khứ của anh như giếng không đáy. Trong suốt dọc những chặng đưòng đi chơi với nhau, anh lác đác đưa ra những chân dung nghệ sĩ mà anh đã biết, đã sống, đã gần, đã xa, anh đều bắt được cái thần của họ. Anh rất chú ý đến chi tiết, hầu như điều gì anh cũng biết hết, nhưng khi sử xự anh lại bỏ qua chi tiết để chỉ chú ý đến đại thể, và có lẽ cái đó là điều chủ chốt trong cuộc sống và là nghệ thuật đắc nhân tâm.

 

Tôi sang Mỹ nhiều lần và lần nào cũng ghé thăm anh chị Yến. Đối với tôi, anh Yến không chỉ là người cầm bút đi trước, mà anh còn là một người anh, một người đỡ đầu cho những người đi sau, một chỗ trọ cho những ai đến Cali. Nhiều người đồng hoá anh chị Yến với báo Người Việt. Điều đó đúng mà cũng chưa hẳn như thế: phải nói là báo Người Việt mang tinh thần của anh Yến (tất nhiên là cả chị). Anh tế nhị, anh luôn luôn đứng ở đằng sau để dặn dò đằng trưóc, anh không quên điều gì, kể cả khi anh không có đó, anh cũng đã lo lắng chu tất hết cả mọi việc từ trưóc, đó là những đặc tính của một người "thủ lãnh" cao cường. Khi anh Mai Thảo còn sống, anh Yến luôn luôn săn sóc Mai Thảo bằng sự hiện diện âm thầm gần như vắng mặt: anh Mai Thảo đi đâu là có anh Yến "tháp tùng", nhưng anh Yến luôn luôn đứng đằng xa, gần như vắng mặt. Tôi thích thái độ vắng mặt của anh. Khi anh Phạm Duy còn ở bên Mỹ, anh Duy đi đâu cũng có anh Yến: anh Yến âm thầm bảo vệ Phạm Duy trong tất cả mọi tình huống. Tôi thích thái độ bảo vệ nghệ sĩ của anh.

Chính anh Yến cũng là một nghệ sĩ cho nên anh hiểu nghệ sĩ hơn ai hết, anh có tâm hồn nghệ sĩ cho nên anh biết nghệ sĩ đích thực rất hiếm, nhân tài lác đác một, vài trong thế kỷ, mà kẻ giả nhân thì như rươi, và kẻ vùi dập nghệ sĩ thì không thiếu, kẻ không hiểu nghệ sĩ như rừng, kẻ muốn nghệ sĩ phải làm theo ý mình như biển...

 Trong cái chợ trời muôn mặt ấy, anh Yến trầm tĩnh đứng nhìn bằng đôi mắt đeo kính cận rất dầy, anh cận thị nặng, bỏ kính ra thì hình như chẳng nhìn thấy gì cả, vậy mà anh lại rõ mọi chuyện hơn ai hết, thì ra anh nhìn bằng trái tim, anh thấy hết: thấy Mai Thảo lúc nào cần uống thêm, thấy lúc nào phải đưa Mai Thảo về... thấy lúc nào nên tổ chức đêm nhạc Phạm Duy, thấy lúc nào nên tổ chức đại nhạc hội mừng Thái Thanh, thấy nên vinh danh Kiều Chinh trong trường hợp nào, thấy nên tiếp đón các nhà văn trong nước và giúp đỡ họ trong những ngày ở Mỹ ... đấy chỉ là những chuyện ta có thể thấy trong bề mặt, còn bề sâu anh đã âm thầm giúp đỡ bao nhiêu người khác, từ thủa anh chân ướt chân ráo tới Mỹ, làm báo trong garage, rồi cũng từ garage ấy, anh xây dựng nên cơ sở Người Việt, cho bao nhiêu người có công ăn việc làm. Tôi thích sự âm thầm ấy của anh. Trong chợ đời hữu danh vô thực, ai chẳng thích đặt mình dưới ánh sáng, trên trang nhất, anh xuống trang cuối, anh bước ra ngoài, anh không tham dự vào những thậm xưng, thậm ngôn, thậm vị...

Tôi muốn biết nguyên do nào làm cho anh trỏ thành một cái "mythe" như thế? Anh dáng người thấp nhỏ, hơi gù, mắt cận thị nặng, nhiều bệnh, ăn ít mà làm việc nhiều. Anh mang hình hài của một người làm công bị đàn áp, hơn là một ông chủ có thể hét ra lửa. Tất cả trong anh và ngoài anh, đều toát ra những nét "anti héros", phản ảnh điều trái ngược: Dáng người thấp nhỏ, gù, làm như cơ thể cô đọng lại để chỉ giữ lại phần "thực chất". Mắt cận thị để nhìn xa, nhìn sâu hơn những con mắt "cửa sổ của linh hồn". Tất cả ngoại hình không có vẻ quyến rũ của anh, ẩn một nội tâm phong phú, đầy tình cảm, biết mình, biết người, một lòng tốt, một sự hy sinh gần như không có giới hạn. Cái cười của anh biểu lộ rất nhiều: nó vừa cho thấy sự khiêm tốn của anh, hở lợi, nó nhả ga, thẳng thắn như muốn buông hết tất cả những giữ gìn, bực dọc, phiền muộn. Từ tiếng cười, anh lấy nghị lực để tiếp nối công việc hàng ngày. Khi anh đang suy nghĩ lung lắm, mặt anh có những nét cau đặc biệt, nhưng chỉ thoáng qua rồi biến mất ngay, chắc bởi anh suy nghĩ nhanh và tìm ra lối giải quyết cũng rất nhanh.

Tôi nghĩ anh là một trong những người đầu tiên đã có đủ tài năng và can đảm để xây dựng nên cái mà chúng ta gọi là cộng đồng người Việt hải ngoại tại Cali. Paris không có cộng đồng người Việt như thế, dù người Việt đến Pháp từ trưóc thế chiến. Bởi tất cả đều bắt nguồn từ ngôn ngữ. Một cộng đồng không thể trổi dạy và có sức sống mạnh, nếu không có ngôn ngữ riêng. Đỗ Ngọc Yến đã từ tay không xây dựng nên cơ sở báo chí vững mạnh đầu tiên, cho một cộng đồng mới chân ướt chân ráo, chưa tìm ra chỗ dựa của mình. Và điều ấy ngoài anh ra, chưa mấy ai làm được.

 

 Thụy Khuê

Paris, tháng 12/2005

 

 

 

© Copyright Thuy Khue