Thụy Khuê

 

Tinh thần viết lại lịch sử trong Đối Thoại Sử Học



Từ khi cuốn Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo của Hoàng Xuân Hãn ra đời năm 1953 đến nay đã gần nửa thế kỷ, trong đó Hoàng Xuân Hãn chứng minh một cách khoa học về văn bản cũng như về lịch sử văn bản rằng bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn mà chúng ta vẫn dùng là bản dịch của Phan Huy Ích chứ không phải của Đoàn Thị Điểm.


Nhiều thập niên sau, Đoàn Thị Điểm vẫn được chính thức coi là dịch giả Chinh Phụ Ngâm. Tại sao? Chúng tôi có hỏi học giả Hoàng Xuân Hãn trong buổi nói chuyện trên đài RFI, tháng 10/1995 -xin nói thêm rằng buổi nói chuyện này được in lại trong cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn ở Hà Nội, mà trong đó câu hỏi này đã bị cắt bỏ- nguyên văn như sau:


-
Thưa bác, có một điều là cuốn Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo bác viết cách đây đã mấy chục năm rồi, bác đã chứng minh rõ ràng như thế, tại sao dư luận quần chúng, số đông, vẫn cứ coi là của Đoàn Thị Điểm? Có gì khó hiểu không, thưa bác?


Và đây là câu trả lời của giáo sư Hoàng Xuân Hãn:


"Cũng không khó hiểu lắm đâu. Dân mình thực ra duy tâm hết sức. Tuy là về cái marxiste, nó có thể ăn sâu vào chính trị, ăn sâu vào chiến tranh. Những người marxiste của mình cứ nói duy vật chứ không mấy người duy vật đâu. Tôi nói thực như thế. Duy tâm nhiều lắm! Trong chiến tranh, người marxiste chỉ duy vật không thì thế nào cũng thua. Staline nó đánh Đức, đến lúc phải đánh Đức cũng quay lại duy tâm, lúc ấy nó phải đề xướng ra chủ nghĩa quốc gia của Russe. Nói đến chủ nghĩa quốc gia tức là duy tâm rồi. Bên nhà cũng thế. Cụ Hồ mà nói đến sự người mình yêu nước, thương nước, vì nước vì nòi, những chữ ấy là duy tâm cả. Cho nên cái sự duy tâm ở dân mình rất lớn, từ trước tới giờ.
Cái thứ hai nữa, tôi nói cái này có nhẽ cũng mất lòng một số người, nhưng mà sự thực tôi nghĩ như thế, là sau này, họ đặt ra một cái gọi là Hội Văn Học gì đó, tức là cái nhóm người cầm đầu với lại có quyền thế trong những hội ấy, nếu họ không thay đổi, những người khác có nghĩ khác, cũng không dám nói [...]
Về đường duy vật thì có đủ chứng cớ rằng Phan Huy Ích dịch cái bản bây giờ. Tìm được thì có anh [Nguyễn Văn] Xuân tìm được một bản có Phan Huy Ích đề tựa rõ ràng đấy. Tôi lại được họ Phan Huy cung cấp cho những tài liệu từ lúc viết đấy, cho biết rằng Phan Huy Ích làm cái này [...] Người ta biết rằng có nhẽ đúng đấy, nhưng mà chưa có đủ những cái về đường chính thức quyết định rằng tác phẩm này là người này viết ra [...] Phải có một hội đồng họp lại, rồi bàn, rồi quyết định. Lúc ấy nó mới thành chính thức."
(Hợp Lưu số 29, tháng 6-7/1996, trang 62-63)
Đó là những lới phát biểu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn năm 1995.


Năm 1997, trong dịp về Hà Nội tiếp xúc với giáo sư Đỗ Đức Hiểu, chúng tôi có nghe giáo sư Đỗ Đức Hiểu tha thiết nhấn mạnh việc phải viết lại lịch sử.


Những ý kiến của hai nhà nghiên cứu lão thành này nói lên hiện tình của vấn đề nghiên cứu tại Việt Nam mà cuốn Đối Thoại Sử Học ngày nay đặt vấn đề. Như lời nhà phê bình Lại Nguyên Ân, dư luận của giới sử học Hà Nội đối với cuốn này là không muốn lên tiếng. Chúng tôi có điện thoại về Hà Nội mời các nhà nghiên cứu sử phát biểu về cuốn sách này, thì được trả lời đại loại như sau:


- Đây là cuốn sách có mục đích đánh thầy.
- Học trò mà đánh thầy là không được. Những điểm nêu ra ở trong sách không mới mẻ gì đối với giới sử học. Ai cũng biết cả rồi. Ở đằng sau cuốn sách là sự đấu đá quyền lợi, chức vị trong giới sử học v.v...


Tóm lại, rất nhiều lý do, hầu hết là duy tâm và ngoài văn bản. Nhưng có lẽ còn cái điểm sâu nhất mà học giả Hoàng Xuân Hãn nhắc đến, đó là "những người cầm đầu, có quyền thế trong những hội ấy, nếu họ không thay đổi thì những người khác, có nghĩ khác, cũng không dám nói ra."
 


*
 


Mặc nhiên, sử học là vấn đề chung của người nghiên cứu và độc giả trong và ngoài nước, không riêng gì của giới sử học. Cho nên, nếu giới sử học im lặng, người đọc vẫn có thể xét cuốn Đối Thoại Sử Học với những ưu điểm và nhược điểm của nó, ngoài mọi kiện tụng, tranh chấp quyền lợi -nếu có- ở trong chính giới sử học.
Đối Thoại Sử Học tập hợp 33 bài của bẩy tác giả: Bùi Thiết, Đinh Văn Nhật, Đỗ Văn Ninh, Lê Trọng Khánh, Lê Trọng Hoàn, Trần Thanh Lâm và Trần Văn Quý. Những bài này được viết trong khoảng 15 năm, từ 1986 đến ngày nay. Bùi Thiết là tác giả viết nhiều nhất, với 17 bài.


Nội dung cuốn sách có thể chia làm 2 phần:


- Phần những vấn đề cơ bản hay là phương pháp luận sử học do Bùi Thiết đảm nhiệm.
- Phần chứng minh những vấn đề sử học, với 7 tác giả, chia làm nhiều loại vấn đề:
 

* Vấn đề Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Nội Các Quan Bản, do Bùi Thiết, Lê Trọng Khánh và Đỗ Văn Ninh viết.
* Vấn đề Đặng Tiến Đông, do Đỗ Văn Ninh, Trần Văn Quý và Lê Trọng Khánh viết.
* Vấn đề nhận định lại các chiến thắng của Quang Trung, do Lê Trọng Khánh và Bùi Thiết viết.
* Vấn đề đính chính lại một số địa danh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, do Lê Trọng Hoàn viết.
* Vấn đề nhân vật Phan Liêu, đền Cẩu Nhi và phát hiện một số bản đồ Thăng Long thời Lê, do Bùi Thiết viết.
* và đặc biệt là những bài nghiên cứu của sử gia Đinh Văn Nhật về các địa danh thời Hai Bà Trưng: Xác định lại vị trí của Mê Linh, Lãng Bạc, và Cấm Khê tức Cẩm Khê.
 

Phần chứng minh những vấ đề sử học gồm những đối tượng phê phán cụ thể. Mỗi tác giả đưa ra luận chứng của mình để chứng minh những sai lầm của người đi trước. Người đọc có thể tìm thấy ở mỗi bài viết, tính thuyết phục hoặc không thuyết phục của từng bài.


Đối với chúng tôi, phần quan trọng hơn, đó là tinh thần viết lại lịch sử mà các tác giả đã đề ra và Bùi Thiết khái quát trong những chủ đề về phương pháp luận.


Người ta có thể trách Bùi Thiết đã dùng lối viết polémique, nhiều khi gay gắt, có tính cách vấn tội, đối với những người đi trước, những thầy học của tác giả. Nhưng không thể vì thế mà bỏ qua những luận điểm khá chính xác của Bùi Thiết. Cũng như không vì những lời có tính cách vấn tội của Bùi Thiết mà coi thường quá trình nghiên cứu của những nhà sử học như Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng hay nhà nghiên cứu Phan Ngọc v.v... Vậy vấn đề Bùi Thiết và nhóm Đối Thoại Sử Học đặt ra là gì?

Trên cơ sở lý luận, Bùi Thiết nêu lên ba ý chính:


Thứ nhất, phải phân biệt hai khái niệm lịch sử và văn hóa. Từ trước đến nay, người ta hay lẫn lộn hai khái niệm này. Chủ yếu là quan điểm của Phan Ngọc được Bùi Thiết trích dẫn:
"Chúng ta thấy văn hóa Việt Nam đã chọn con đường đấu tranh dù gian khổ đến đâu cũng không quản để đổi mới truyền thống nhằm bảo vệ độc lập tổ quốc, hạnh phúc gia đình, thân phận người lao động và diện mạo người chiến sĩ của nhân loại bị áp bức."
(Truyền Thống Văn Hóa Việt Nam Và Ảnh Hưởng Của Nó Tới Lịch Sử, Văn Nghệ số 7, ngày 14/2/1988)


Phản đối quan niệm dùng văn hóa để phục vụ cho những mục đích đấu tranh chính trị, lịch sử, Bùi Thiết đưa ra một quan niệm tách bạch lịch sử và văn hóa. Ông viết:


"Lịch sử thuộc cấp độ khái niệm cao hơn văn hóa [...] (xin mở ngoặc, ở đây, nếu tác giả dùng chữ rộng thay cho chữ cao, có lẽ thích hợp hơn)
Lịch sử là nhằm để chỉ hết thảy mọi hành vi của con người [...] trong tiến trình lịch sử của mình mà cái gọi là hành vi lại bao gồm rất nhiều thứ, nhưng chung qui lại gồm hành vi có lợi và hành vi có hại [...]
Văn hóa là toàn bộ những sáng tạo nhằm mang lại lợi ích cho con người về các lãnh vực vật chất, tinh thần, ứng xử.
Như vậy văn hóa không bao quát hết lịch sử, mà để chỉ hành vi thiện của nhân loại mà thôi; và hành vi ác, có hại của con người trong lịch sử không được xếp vào khái niệm văn hóa. Hay nói cách khác: Lịch sử thì có thiện có ác, có bất lương, có đểu cáng, còn văn hóa chỉ có những gì thuộc về lợi ích và tốt đẹp [...]
Lịch sử tựa như một dòng sông, dài vô tận, trong đó có cả luồng đục và luồng trong, nhưng văn hóa chỉ có luồng trong mà thôi [...]
Lịch sử có thể làm được tất cả, kể cả hủy diệt môi sinh và cộng đồng. Còn văn hóa chỉ có thể làm đẹp thêm cho nhân loại bằng những giá trị được sản sinh ra bởi con người; lịch sử phá tan cả văn hóa, còn văn hóa muốn tồn tại, hãy tạo cho mình những giá trị vĩnh hằng."

(Lịch Sử Và Văn Hóa, trang 9)


Với những dòng trên đây, Bùi Thiết gián tiếp đặt vấn đề trách nhiệm của lịch sử: Trách nhiệm tàn phá văn hóa trong tiêu thổ kháng chiến, "buộc dân tộc ta phá đi những công trình văn hóa để giành cho được nền độc lập của dân tộc, mà những mất mát đó là mất mát vĩnh viễn." Và còn trách nhiệm ở cả những chỗ mà Bùi Thiết không nói ra, như việc tiêu hủy sách báo của văn học miền Nam. Nhưng cái thông điệp quan trọng của Bùi Thiết ở đây là: Văn hóa hãy tự tạo cho mình một giá trị vĩnh hằng. Và với cái giá trị vĩnh hằng ấy, thì không một sức mạnh nào, kể cả sức mạnh phát-xít của Hitler, có thể tiêu diệt nổi.



*
 


Điểm thứ hai mà Bùi Thiết đề cập đến là "Bi kịch của những nhà cải cách trong lịch sử trung và cận đại Việt Nam".
Qua bi kịch của những Chu Văn An, Hồ Quý Ly, Bùi Sỹ Tiêm, Quang Trung và Nguyễn Trường Tộ, Bùi Thiết phân tích sự thất bại của họ. Theo ông, họ thất bại chỉ vì họ "tìm cách tân trang lại một xã hội phong kiến vốn đã rách tả tơi." (trang 77)
Mà "nhiệm vụ lịch sử ở các thời điểm đó, không phải là cứu vãn chế độ phong kiến, mà thúc đẩy xã hội vượt khỏi cơn khủng hoảng do chế độ cũ tạo ra, và bước hai là xây dựng một chế độ xã hội tiến bộ hơn chế độ phong kiến lỗi bước." (trang 77)


Và Bùi Thiết viết tiếp:


"Từ vấn đề trên, chúng ta thấy, khi một hệ tư tưởng nào đó, trong bước lỗi thời của lịch sử mà vẫn còn thống trị xã hội và tai hại hơn nữa là trùm lên bộ máy nhà nước, thì vấn đề không phải là cải cách bộ máy và thể chế hiện hành, mà phải tiến hành cách mạng, rũ bỏ hệ tư tưởng cũ đó, xây dựng một mô hình nhà nước phi tư tưởng cũ, (vì) chính hệ tư tưởng đó với thiết chế của nó, đã kìm hãm xã hội, đẩy xã hội hiện thực vào khủng hoảng triền miên. Không thể tân trang lại xã hội trong lồng kính của tư tưởng mục nát." (trang 78-79)


Những nhận định trên đây của Bùi Thiết có một giá trị nhất định trong bất cứ thời điểm nào, và càng đúng đối với lịch sử chính trị hiện hành.
 


*
 


Điểm thứ ba và cũng là điểm quan trọng nhất, đó là việc viết và dạy lịch sử theo nhu cầu chính trị.


Bài Trở Lại Vấn Đề Chế Độ Chiếm Hữu Nô Lệ Trong Lịch Sử Việt Nam là một bài mấu chốt, chứng minh khuynh hướng dùng lịch sử để phục vụ chính trị của những người đi trước. Bài này có nhược điểm là tác giả vận dụng khá nhiều kinh điển Mác-Ănghen nhưng dù sao cũng là bài cơ bản, phản bác tinh thần sử dụng lịch sử cho mục đích chính trị. Lại Nguyên Ân đã trình bày cặn kẽ những luận điểm này trong bài phỏng vấn, chúng tôi chỉ sơ lược nhắc lại.


Chiếm hữu nô lệ là một thuật ngữ trong khoa học lịch sử mác-xít, nhằm để chỉ giai đoạn đầu trong lịch sử nhân loại. Thuật ngữ này tương đương với thuật ngữ xã hội cổ đại, hay thời kỳ cổ đại trong khoa học nhân văn nói chung.
Về việc các sử gia thời kỳ 60-70 (như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh) chứng minh Việt Nam bỏ qua giai đoạn chiếm hữu nô lệ (tức thời kỳ cổ đại) để tiến thẳng đến giai đoạn phong kiến, theo Bùi Thiết, có những chủ đích: "Khách quan mà nói thì việc khẳng định không tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ ở nước ta, xem ra rất phù hợp với lý luận về sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản, khích lệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho cuộc đấu trang giải phóng miền Nam." (trang 41)


Và, vẫn theo Bùi Thiết, đã có các cuộc thảo luận về vấn đề có hay không có chế độ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam, nhưng sau khi luận điểm "khẳng định không có chế độ chiếm hữu nô lệ" thắng thế, thì các sách báo về khoa học lịch sử từ bậc phổ thông cho đến đại học, các cấp, v.v... được biên soạn theo quan điểm này. Những khuynh hướng sửa đổi lịch sử cho phù hợp với đòi hỏi chính trị xuất hiện trong các sách giáo khoa. Chủ yếu trong giáo trình lịch sử tập I cho bậc đại học (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh), trong đó các tác giả :


- Đã thu hẹp triều đại An Dương Vương và bỏ qua nhà Triệu, là những người cai trị có nguồn gốc Tàu.
-Đã chiến tranh hóa lịch sử Việt Nam, cho sinh viên, học sinh học một thứ lịch sử toàn các cuộc kháng chiến.
- Đã quan trọng hóa văn minh sông Hồng, đã độc nhất hóa Việt tộc và loại bỏ các dân tộc khác sống trên đất Việt.
- Đã lãng quên phần đất Nam Bộ.
- v.v...


Về các sách giáo khoa lịch sử, như Truyện Kể Lịch Sử (dành cho cấp I) và Giáo Khoa Lịch Sử (cấp II và III), Bùi Thiết cho biết: Thay vì trình bày quy luật phát triển chủ đạo của lịch sử, Truyện Kể Lịch SửGiáo Khoa Lịch Sử lại làm nổi bật quy luật chiến tranh "lấy sự trình bày về chiến tranh làm động lực phát triển của lịch sử, và được trang bị rất khéo trong khuôn sáo của cái được gọi là lịch sử dựng nước và giữ nước, nhưng thực chất của dựng nước là chinh chiến, sau chiến tranh mới có nước và nhà nước "đẻ ra từ họng súng", còn giữ nước thì rõ ràng được thực thi bởi chiến tranh bảo vệ đất nước, và chưa bao giờ người ta trình bày việc dựng nước và giữ nước như là việc kinh dinh phát triển đất nước về mặt kinh tế, xã hội, lấy kinh tế làm chủ đạo, theo kiểu "có thực mới vực được đạo". Xin đơn cử: Trong Truyện Kể Lịch Sử lớp 4, có 27 bài, gồm 53 bài đọc thì đến một nửa dành cho chủ đề chiến tranh[...]. Trong Truyện Kể Lịch Sử, lớp 5, với 28 bài học, gồm 69 bài đọc, thì hơn 45 bài đọc dành cho chủ đề chiến tranh. Những học sinh ở lứa tuổi non trẻ và ngây thơ được trang bị toàn những kiến thức theo kiểu "chưởng" lịch sử như vậy, ngoài chuyện đánh đấm, mưu mẹo, hơn thua mưu bá đồ vương, tranh hùng xưng thế... che lấp hết mọi chuyện làm ăn ở đời, dường như mọi của cải đã có sẵn đâu đó từ trong chiến tranh mà ra.
Tiếp theo Truyện Kể Lịch Sử là các sách giáo khoa lịch sử của 7 lớp còn lại, định hướng chinh chiến, chiến tranh, vũ lực vẫn chi phối toàn bộ giáo trình. [...]
Đừng để chiến tranh làm lu mờ lịch sử, hay lịch sử của đất nước chỉ là lịch sử của chiến tranh triền miên" (trang 125)
 


*
 


Ngoài phần nghiên cứu lịch sử thuần túy thì đó là những tư tưởng chủ đạo của cuốn Đối Thoại Sử Học. Đây là bước đầu cho việc đặt lại vấn đề nghiên cứu sử, viết sử và dạy sử ở Việt Nam. Nhiều nhà văn trong nước đã thực hiện việc đổi mới tư duy từ 1986, tại sao những nhà viết sử chưa bắt đầu? Đó là câu hỏi cần được đặt ra và thế hệ trẻ có quyền được học lịch sử, không phải lịch sử tuyên truyền mà là lịch sử trung thực, lịch sử tôn trọng sự thật.

Thụy Khuê
Tháng 3/2000


-----------------
Chú thích:
Nhà xuất bản Thanh Niên vừa cho xuất bản Việt Nam Thời Cổ Xưa của Bùi Thiết, viết theo quan niệm mới mà ông đề xuất trong Đối Thoại Lịch Sử.
 

© Copyright Thuy Khue 1999