Thụy Khuê
 

Con Nữ của Đỗ Quỳnh Dao

 

Con nữ, giao điểm giữa nhà văn và thầy thuốc, giữa văn chương và y học. Với tác phẩm đầu tay, Đỗ Quỳnh Dao chọn con đường khó, với một bác sĩ, Đỗ Quỳnh Dao tìm cách chữa những bệnh nan y.

Con nữ  tập hợp mười trường hợp bệnh lý mà nhà văn đem ra khảo sát, mổ xẻ bằng ngòi bút. Một ngòi bút thận trọng và chừng mực, can đảm giải phẫu nhiều lớp tuổi đời: từ tuổi thơ đến tuổi dậy thì, âge ingrat, mà Đỗ Quỳnh Dao gọi là tuổi khó, rồi tuổi trung niên, tuổi già, mỗi người, mỗi chặng đường đời đều có những khủng hoảng, những tai biến, những  vết thương tinh thần, ngoài bệnh tình thể xác. Ống nghe tim mạch của người thầy thuốc nhạy cảm này, đã nắm bắt được phần tâm thần khép kín, của những người muốn dấu nỗi đau, hoặc không thể thổ lộ, biểu hiện ra ngoài, đôi khi cũng không biết là mình đang đau, đang sống trong rạn vỡ thể xác và tâm hồn.

 Ngoài hai trường hợp tương đối «cổ điển» phân tích tâm lý phức tạp và đau thương của người bị ung thư trong các truyện Sợi tìnhCuộn khói mong manh, tám truyện còn lại, khai phá những vùng đất mới :tâm bệnh của những người có vẻ ngoài lành mạnh, sống cuộc sống đầy đủ, trong một xã hội tân tiến như xã hội Pháp: không nghèo đói, không mất tự do, nhưng không ai thoát khỏi những bi kịch riêng của niềm đau không hội nhập với gia đình và xã hội, bi kịch của sự «khác người» và dịch «loại trừ» làønhững nguyên nhân gây khổ đau và rạn vỡ, không chữa trị được.

 

Đỗ Quỳnh Dao là một trong những ngòi bút hiếm hoi ở hải ngoại, đã thật sự đi vào đời sống đất ngụ cư, tìm hiểu những khía cạnh khúc mắc của xã hội này, hòa đồng, hội nhập với con người ở đất ấy để viết nên một tác phẩm văn học đích thực, vừa mang những nét đặc thù của xã hội Pháp, vừa chứa những vết hằn khổ đau, bằm vặp, của bất cứ nơi nào,thời nào, trên trái đất, khi có con người với những sinh tồn, ngộ nhận, kỳ thị, người lạ người, người loại trừ người.

 

Truyện ngắn Con nữ  trình bầy vấn đề tính nữ, trong một cơ thể nam, «nạn nhân» là thằng Nai (Nai là biệt hiệu bạn đặt vì nó hiền khô như con gái), một thanh niên đẹp trai, có thân thể cường tráng. Nếu là «người bình thường», Nai «phải» có nam tính, đằng này, thằng Nai lại có tính nữ. Con nữ là cái tính nữ, tính con gái sống âm ỷ trong não trạng thằng Nai, nó dày vò, nó đòi hỏi, nó chi phối, nó hạ lệnh cho thằng Nai phải làm cái này, cái kia, nó bắt Nai phải tìm cách thỏa mãn tính «con» của mình, không cho nó làm «thằng ».Trong cuộc chiến nội tâm dằng dai và khốc liệt này, Nai bị «phân thân» thường trực giữa «thằng» và «con» và người đọc có thể trực tiếp tham dự vào cuộc khẩu chiến ác liệt giữa «hai đứa» trong một trận địa âm u, nặc mùi tử khí, ngay giữa nghĩa trang, hôm chôn «người yêu» của «chúng nó».

Thằng Nai vỏ nam mà ruột nữ, tất cả những thứ lỉnh kỉnh của con gái, như trát phấn bôi son, chẳng ai dậy nó cũng biết tự «bẩm sinh», bởi nó chỉ có cái xác nam, còn tất tật đầu óc, tâm hồn tuyền nữ, nó là một trường hợp phức tạp, đầythương tâm và khôi hài. Con nữ dùng chiến tranh du kích, mới đầu, nó chỉ lượn lờ đến chơi trong đầu Nai một vài phút, mỗi ngày. Nhưng dần dần, nó «xẹt đến bất cứ lúc nào» rồi ở rịt trong óc thằng Nai, nó cãi nhau thường trực với thằng Nai, vì nó là con gái, đanh đá,mồn loa, mép giải, nên lúc nào cũng thắng: nó làm chủ, nó bắt Nai phải thay đổi giọng nói, cách ăn mặc, phải uống thuốc, phải để dành tiền để đi giải phẫu... nhưng cái oái oăm nhất là nó dụ Nai quyến dũ thằng Gấu, đứa bạn nối khố của Nai bằng mọi cách. Sự xúi dại ấy,  đã đưa đến những nghịch cảnh không lường trước được giữa hai thằng bạn tri kỷ, chia sẻ với nhau tất cả -trừ giới tính- đã dẫn đến những cảnh tức cười mà ứa nước mắt, đã dẫn đến chỗ hủy diệt tình bạn  và tình yêu trong tình bạn. Con nữ là cuộc nội chiên toàn diện, không lối thoát, xẩy ra trong tâm tư của một người mà tâm hồn không đi đôi với thể xác, tâm hồn chống lại thể xác, cuộc xung đột nội tâm triền miên này còn bị những gáo dầu dội vào lửa của một ngoại cảnh bất dung, bất nhận của xã hôi chung quanh, của sự không hiểu, không thông cảm. Con nữ  là vi khuẩn «ngoại lai», đã xông vào lục phủ ngũ tạng của thằng Nai lung lạc tinh thần nó, phá đám tình bạn tri kỷ Gấu - Nai, nhưng nó là một con trùng bất trị bởi nó nằm trong «tính người», đặc biệt trường hợp : tính nữ bị đặt lầm trong thân thể nam, một nhầm lẫn của tạo hóa, phi lý của định mệnh. Nhưng cũng nhờ nó mà người ta khám phá ra sự hẹp hòi, độc ác của con người, trước những gì khác lạ, không giống họ: cộng đồng chỉ chấp nhận sự đồng chủng và khai trừ những hạt mầm trái chủng. Sự khai trừ là một chứng nan y trầm trọng, một căn «bệnh người», chưa có thuốc nào chữa được.

 

Ở truyện ngắn Xó tối, Đỗ Quỳnh Dao chuẩn lý một trường hợp khác: trường hợp thằng Bruno, nó «bắt đầu nghi mình thích người đồng phái, từ năm lên mười lăm», nhưng «gia đình nó rất bảo thủ, nó không thể, nó không dám tâm sự với ai». Với một ông cha nghiêm khắc, mắt lúc nào cũng quắc lửa, sẵn sàng kết tội tất cả những bọn mà ông gọi là «sa đọa,trụy lạc, mắc bệnh sida là hình phạt đích đáng cho tụi chúng» (trang 81), Bruno đã sống trọn tuổi thơ và tuổi thanh niên trong «xó tối», nó thấy mình khác người, khác lũ bạn trai ngổ ngáo, tồng ngồng, cùng tuổi. Tất cả những trò chơi nhảm nhí của lũ bạn, nó không tham dự. Nó không hiểu. Nó không biết mình là ai? mình là gì?... cho đến một hôm, nó cảm thấy tất cả giác quan của nó trào lên, rung động, vì bàn tay vỗ nhẹ của thằng trưởng lớp... Mọi trạng thái tình cảm, mọi rung động thân xác, của đứa bé là nó trước đây, của cậu con trai bây giờ, tự khám phá mình, khám phá cái thích, cái bản năng, cái khuynh hướng tính dục của mình từ a đến z, từ i tờ, đến bê a ba, từ tra vấn đến giác ngộ, đã được nhà văn thầy thuốc mổ xẻ, phân tích, trong đồng cảm, yêu thương, không phán đoán, một ngòi bút cộng hưởng với nhân vật, đi vào những dập vùi của nhân vật, như thể chị viết từ tim mạch lứa tuổi mới lớn, dạy thì, viết từ một tâm hồn và thân xác luôn phải phấn đấu với chính mình và chống lại cái xã hội khá tự do như xã hội Pháp, nhưng những thiển cận cấm kỵ không ngừng  đốt cháy, âm ỷ trong tiềm thức của mỗi người.

Người đây là người cha, một mẫu mực giữ gìn «truyền thống» gia phong, rất universel, rất phổ quát cho cả Đông lẫn Tây, chính cái bức tường gia phong vô hình ấy đã xô đẩy bao nhiêu những tâm hồn lạc lõng Bruno vào xó tối, nó, thằng nhỏ dậy thì, một mình phải tự đương đầu với những biến chuyển bất thường trên cơ thể, nó, thằng nhỏ dậy thì, phải vừa tìm hiểu tại sao, vừa tìm cách trừ khử những «bệnh chứng» của mình «nó không còn nhỏ để vô tâm mau quên, và cũng chưa đủ lớn để biết đối phó đương đầu. Giải pháp làm thể thao chỉ giúp nó thêm cường tráng chứ không xua đuổi con bạch tuộc đến quấy phá giấc ngủ. Bây giờ, trong nó là một chiến trường không nghỉ, ban ngày ngăn cấm mình đừng nghĩ đến đứa bạn, khi tối thì phập phồng cơn ác mộng trở lại, và đến sáng thì buồn rầu nhìn dấu vết của đêm qua. Bruno trở nên ít nói và co rút trong xó tối. Nơi đây nó sống cái tính dục của mình như một chứng bệnh ghê tởm, ray rứt dày vòvì mặc cảm và lo sợ» (trang 88).

Bruno không tìm được nguồn an ủi, không ai giúp nó «đảm đương cái khác biệt và chấp nhận tính dục của mình» (trang 88).Vô vọng, nó tìm đủ mọi cách để khống chế cái khuynh hướng ngang trái ấy, cố tìm bạn gái, để ru nhủ phần giác quan đồng tính, nhưng vô hiệu «càng xua đưổi bản năng của mình bao nhiêu, nó càng trở lại mau bấy nhiêu» (trang 91)

Xó tối như một bản cáo trạng nhẹ nhàng, thầm kín, đã thấm khô nước mắt, gửi đến những quan toà mù loà, nhân danh đạo đức để kết án những trạng thái khác biệt của con người trong lãnh vực tính, kết án một vùng, một địa hạt mà họ không biết, loại trừ những khynh hướng cấu thành khác của con người mà họ không hay. Thay vì tìm hiểu, cảm thông, xã hội chính thống bịt tai, ngoảnh mặt, hoặc khai trừ và đó là mầm mống của những  nan y  không chữa chạy được, không giải hoá được,.

 

 

Lisa, thỏ mười sáu là một trường hợp bệnh lý đặc biệt của các xã hội phát triển, mà có lẽ ở những nước nghèo như Việt nam, chưa xẩy ra: Lisa đã có một tuổi thơ hết sức nuông chiều, nhưng càng lớn, nó càng thấy sự vắng mặt của cha mẹ, sự thờ ơ của cuộc sống chung quanh: nó từ chối lớn -nó muốn ở mãi tuổi thơ, nó muốn mãi mãi là con thỏ con của mẹ. Truyện Lisa, bi kịch kín của  đứa bé thông minh khác thường, có độ nhìn đời của thi nhân hay hiến triết, cô đơn ngay từ khi biết nhận xét, nhìn thấy sinh hoạt quanh mình, nhìn thấy sự tất tưởi của con người trước những điều không đáng tất tưởi, nhìn thấy sự bon chen, chụp giật của cuộc sống, mà quên mất lẽ sống, nhìn thấy cha mẹ hàng ngày bỏ qua hạnh phúc trong khi  đi tìm hạnh phúc. Bé Lisa là niềm hạnh phúc của cha mẹ nó, nhưng nó bị cha mẹ bỏ quên, trên đường  làm ăn sinh sống. Bao nhiêu trường hợp như Lisa trên cuộc đời này? Nhưng những đứa bé kia không thông minh như Lisa, đành cam phận, Lisa «biết» hết cho nên nó sơ ï: nó sợ cõi lớn, nó sợ người lớn và nó không muốn nó sẽ trở thành những người như người lớn. Nó thể hiện dự định của mình trên thân xác vì nó ý thức rõ ràng thân xác là «của nó» của riêng nó mà thôi, và nó có cái quyền tuyệt đối trên cái thân xác này : mày là của tao, mày là tao, vậy tao bảo sao mày phải nghe vậy, nó bèn ra lệnh cho thân xác không được lớn nữa. Khi bắt gặp những nẩy nơ û«bất thường» trên thân thể nó phải chặn đứng ngay những thay đổi tai hại đó: Lisa nhịn ăn. Ở một người bình thường nhịn ăn là để giữ «ligne»,  nhưng ở Lisa, nhịn ăn là từ chối những gì đến từ bên ngoài, những gì có thể làm vẩn đục nó, làm ô uế nó, làm biến dạng nó, biến nó trở thành người lớn. Ăn là phải nhớn, nó không muốn nhớn, nên không ăn. Nó muốn mãi mãi chỉ là «con thỏ bông» mà nó nâng niu chiều chuộng. Thỏ không lớn. Tại sao nó lại không thể được như con thỏ? Lisa là một trường hợp tâm bệnh, phát xuất tự môi trường sống mà cuộc đời quá ư tất bật, đã đưa đến sự thờ ơ, lãnh cảm, người xa lạ người. Lisa là một sự từ chối xã hội loài người, từ chối cuộc sống tiêu thụ,chạy đua kiếm tiền,chạy theo đồng hồ với những bon chen không cần thiết, không còn thì giờ dành cho tình cảm, cho những  chất sống mong manh, những hồng huyết cầu của một hạnh phúc đích thực.

 Lisa là sự phản kháng của một đứa bé, muốn cự tuyệt lối sống đó nhưng nó không có phương tiện, không có sức mạnh chống lại, trừ phủ nhận và sự phủ nhận cơ bản nhất là tuyệt thực.

 

Lisa được tiếp tay bằng một đứa bé khác trong truyện Phải chi, đứa bé này không có tên nữa, vì người ta đã hoàn toàn «quên» sự có mặt của nó. Đôi khi, người ta gọi nó là «fifille» (con nhỏ). Hồi bé, mẹ nó gọi nó là Bambi. Bây giờ, nó không có tên, không còn tên vì nó không «giao tiếp» nữa, nó không nói chuyện với ai và cũng không ai nói chuyện với nó, nên chẳng cần tên làm gì. Bé Bambi, con cưng của mẹ, sau một tai nạn xe hơi, bị liệt, phải ngồi xe lăn. dần dần, hình hài nó xuống cấp trong lòng mẹ, trong lòng gia đình, «nó không còn là nó nữa, nó là giọt nước, giọt nước rơm rớm, tức tủi, nghẹn ngào, giọt nước khóc mà không biết vì sao khóc… phải chi nó cũng nghịch ngợm, nhảy tót vô vũng đọng cho nước tung toé khắp quần áo, phải chi nó cũng tung tăng đến trường, cặp sách trên lưng, vừa đi vừa trả bài trong đầu, phải chi nó, phải chi nó quậy phá... như mọi đứa trẻ...» (trang164).

Sự tật nguyền khác biệt là mấu chốt cho mọi tan vỡ trong nó và trong gia đình... Thế giới này là của «người lành», không có chỗ cho người tàn tật... Trong đầu óc non nớt của Bambi, ngày một rõ hơn, nó quen dần và chấp nhận trạng thái liệt nhược của thân thể. Nhưng thân thể nó càng héo mòn, teo quắt bao nhiêu, thì tinh thần nó càng sáng suốt bấy nhiêu: nó hiểu rõ thế giới người lớn hơn, nó quyết định đoạn tuyệt, không giao thiệp nữa, không tiếp xúc nữa, chỉ thêm phiền nhiễu cho cả hai bên. Bây giờ, đối với người mẹ «nó kề cận bên nhưng không phải như một người mà như cái tủ cái bàn vì nó cũng im lìm tựa gỗ» (trang 170). Bé Bambi là trường hợp mà người Pháp gọi là mắc bệnh autisme, từ chối tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nếu Lisa nhịn ăn, từ chối thực phẩm đến tự bên ngoài, thì Bambi nhịn nói, nó không muốn đối thoại với ai, vì nó biết trước, nó «linh tính thấy» sẽ chỉ là chuyện trò với những bức tường, ông nói gà bà nói vịt, không thể có sự cảm thông giữa thế giới người «lành» với thế giới tật nguyền vĩnh viễn như nó, cho nên từ nay, nó quyết định  chỉ nói chuyện một mình, với mình, khi không có kẻ khác.

 Khảo sát những trường hợp này, Đỗ Quỳnh Dao, thật sự, đã khai phá vùng đất lạ của nhân tâm, sự biến dạng của tình yêu, tình mẫu tử khi hai «đối tác» không còn tương đồng, trên bình diện thể xác, mối quan hệ giũa cá nhân và gia đình, thế nào là «lành», thế nào là «bệnh»? Người tàn tật trong cơ thể đáng chữa chạy, hay chính cái cơ thể lành lặn, mà đầu óc đã trở thành chai cứng tình người ấy, đáng ngại hơn?

 

Truyện ngắn Nói một mình cũng lại là một trường hợp từ chồi đối thoại khác. Người bệnh ở đây là một phụ nữ bị chồng hành hạ. Gã đàn ông đầy tế nhị, yêu thương săn sóc «thủa ban đầu», khi trở thành chồng, đã dần dần lộ rõ chân tướng: vũ phu, độ đoán, ác khẩu... 

Người vợ âm thầm chịu trận, riết dần thành quán tính, nàng không đối đáp, chấp nhận tât cả để được yên thân: từ một người tự do, nàng biến dần thành kẻ nô lệ, vì sợ hãi,vì không dám và không thể đối thoại với bạo lực, nàng đã mất tiếng, nàng nói một mình.  Nói một mình viết về trường hợp hành hạ thể xác, Đối gương đưa ra trường hợp «sách nhiễu tinh thần». Người chồng ở đây, không đánh đập, nhưng hành hạ tinh thần, đúng theo kiểu Việt Nam «dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về»; khác chăng là ở xã hội Pháp, một xã hội nổi tiếng về nhân quyền, về bình đẳng nam nữ, thì những tàn nhẫn này còn mang một ý nghĩa nặng nề hơn, nó nói lên sự bất lực của pháp lý, đối với những xung đột gia đình, nó chứng tỏ sự thờ ơ của của láng giềng, trước những người lâm nạn. Với Nói một mình  và Đối gương, Đỗ Quỳnh Dao đã khắc tạc được hai loại chân dung điển hình: nạn nhân và thủ phạm. Kẻ đánh, hoặc đàn áp tinh thần vợ, trong xã hội tân tiến này, thường thường, không chỉ là những gã võ biền, ít học, nghiện rượu như những hình ảnh típ mà chúng ta thường thấy trong những trường hợp «cổ điển». Ở đây là những người đàn ông «bình thường», học thức, có địa vị trong xã hội. Đó là cái vỏ bề ngoài, nhưng bề trong thực sự là những «con bệnh», mắc chứng tự kỷ ám thị, đàn áp vợ để khỏa lấp cái thấp kém của chính mình. Còn nạn nhân? Nạn nhân ở đây có phải là những người đàn bà kém cỏi, vô học, sống bám vào chồng không? - Không, họ cũng là những người đàn bà «bình thường», thông minh, có sắc đẹp, có khả năng nghề nghiệp, nhưng dần dần sự chịu đựng, nhẫn nhục, đã khiến họ leo thang xuống dốc, đánh mất nhân phẩm, không còn sức phản kháng, trở thành một sinh vật vô tri «mắt bà giờ tắt ngúm, còn lại chỉ là cái nhìn không hồn, không phương hướng. Bà thờ thẫn đứng dậy ra ngoài ban công, bước đi xiêu xiêu như chực ngã» (trang 145).

 

Truyện ngắn Sau cô, cơn bão sóng gây ấn tượng sâu sắc về sự cô đơn, bất hạnh, của tuổi già, trong những xã hội tân tiến. Nguyên do có thể đã bắt nguồn từ trạng thái cá nhân hoá xã hội, cũng như từ  thái độ tôn trọng tự do và độc lập của con người. Tính ưa độc lập, đã khiến bà cụ già, gần đất xa trời, không muốn phiền hà con cái, khiến bà cụ muốn muốn dấu diếm khuôn mặt bệnh tật của mình, với các cháu, muốn chúng giữ nguyên vẹn hình hài sống động của mình khi còn mạnh khoẻ, hoạt động. Người bạn duy nhất được cụ chấp nhận, là cô bác sĩ, đã hàng ngày đến thăm bà. Sự ràng buộc giữa hai người đến một cách tự nhiên như cái dây liên lạc giữa quá khứ và hiện tại. Người thầy thuốc trẻ, tìm thấy ở bà cụ, hình ảnh người bà đã khuất, có thể bà cô, đã qua những đằn vặt, khổ đau, bệnh tật như vậy. Và bà cụ tìm đến người thầy thuốc như một cột níu cuối cùng, khi tất cả mảng đời đã đắm chìm trong bão tố. Cụ tin người bác sĩ này sẽ cứu cụ, giúp cụ ra đi, nhanh chóng, nhẹ nhàng, tránh khỏi những ngụp lặn triền miên, trong bão sóng, bằng một cử chỉ cỏn cỏn, bằng mũi thuốc tiêm kỳ diệu. Cụ thều thào: «cho tôi chết... giúp tôi đi». Người thầy thuốc trẻ chỉ cần «với tay lấy túi thuốc cấp cứu trên bàn. Dễ lắm, chỉ một mũi thôi», vậy mà sao cô không làm được? Sao không làm được? Cô tự hỏi: «Bây giờ chiếc áo tình người cô khoác lên bà có còn đủ ấm hay chỉ là mớ chữ rườm rà để lấp liếm cái độc ác của đau khổ, để che dấu sự dửng dưng của người «đứng» nhìn người «nằm» (trang 160). Vấn đề Euthanasie - trợ tử, được đặt trực tiếp giữa lương tâm người thầy thuốc và cái đau của người bệnh. Người bác sĩ không biết lương tâm mình phải đặt ở chỗ nào, dường như sự sợ hãi đang làm chủ: sợ pháp luật trừng phạt hay sợ chính hành động bóp cò đơn phương của mình. Tất cả không có gì rõ ràng, chỉ có sự bất lực là rõ ràng và tàn nhẫn hơn cả.

 

       Nếu kỹ thuật viết của Đỗ Quỳnh Dao còn đôi chỗ sơ hở, thì những vấn đề mà nhà văn đặt ra, thật sự sâu sắc, nó đã cào cấu lương tâm con người, với những ai còn có một lương tâm; Đỗ Quỳnh Dao đã viết với một ngòi bút thành thực, rỏ máu như nằm trong vết thương mà viết , nhưng đồng thời cũng là giọng một luật sư dùng chính tâm huyết  mình để biện hộ cho những trường hợp đau thương, đơn lẻ, không ai biết đến, từ trẻ đến già, trong một xã hội mà con người đầy đủ về mọi mặt, kể cả cô đơn và bất hạnh.


Paris tháng 4-2003
Thụy Khuê

© Copyright Thuy Khue 2003