Thụy Khuê
 

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long

 

 

Chương 6

  

Chân dung vua Gia Long

 

Để có những hình ảnh đáng tin cậy về vị vua sáng lập lại nhà Nguyễn, chúng ta cần nhiều ống kính khác nhau, từ những nguồn khác nhau. Những điểm đồng quy của các tư liệu này, sẽ tạo nên chân dung vua Gia Long.

Liệt Truyện chỉ viết về các quan, không viết gì về các vua nhà Nguyễn; tuy nhiên chỉ với vài dòng, đã phác họa một chân dung đậm nét về Quang Trung: "Tiếng nói như tiếng chuông lớn, mắt sáng nhoang nhoáng như chớp, giảo hoạt khôn ngoan, hay đánh nhau, người đều sợ cả (...) Ra trận tất thân đi trước tướng sĩ, hiệu lệnh nghiêm ngặt, rõ ràng, bộ khúc đều có lòng mến phục cả"[1]. Về Gia Long, Thực Lục chỉ viết gọn một câu: "Vua chăm làm mọi việc, suốt ngày không lúc nào rỗi. Sai Thị thư viện sung chức khởi cư chú (chức quan ghi chép những lời nói việc làm của vua), phàm vua làm công việc gì đều chép hết"[2]. Và trong một đoạn khác, Thực Lục mô tả sự trung thành tuyệt đối của Nguyễn Ánh đối với Định Vương: luôn luôn kề cận, kiên trì bảo vệ vị chúa cuối cùng đến phút chót. Chúng tôi nghĩ rằng những thông tin này có thể do một vị đại thần nào đưa ra (như Tống Phước Khuông chẳng hạn), kể chuyện Nguyễn Ánh phò Định Vương đến Long Xuyên[3] để chứng minh Ánh có lòng trung quân và có chân mạng đế vương (cá sấu cản thuyền), xứng đáng trở thành nhà lãnh đạo chính thức của triều Nguyễn. Vì thế, muốn biết vua Gia Long là ai? Là người như thế nào? Ta không thể trông vào chính sử, mà phải tìm ở những nguồn khác.

 

Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc lần đầu

Sử Ký Đại Nam Việt, như ta đã thấy trong chương 5, cho biết Nguyễn Ánh thoát khỏi tay Nguyễn Huệ là nhờ đứa tiểu đồng và linh mục Hồ Văn Nghị cứu. Ở đây, chúng tôi giới thiệu đoạn kế tiếp, Sử Ký Đại Nam Việt viết về hai điểm quan trọng thời Nguyễn Ánh khởi nghiệp, là: Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc lần đầu và Nguyễn Ánh xuất hiện ở trận Long Hồ, mà chính sử nói quá sơ sài, hoặc nói sai.

Xin nhắc lại: trong hai tháng 9-10/1777, Nguyễn Huệ truy lùng gắt gao Tân Chính Vương và Định Vương. Thực Lục cho rằng lúc đó Nguyễn Ánh đang phò Định Vương. Còn Sử Ký Đại Nam Việt lại viết Nguyễn Ánh theo Tân Chính Vương. Thuyết của Thực Lục, như trên đã nói, có lẽ được chính quyền tung ra với mục đích tuyên truyền; cho nên các sử thần, khi viết về giai đoạn này khá lúng túng, sự việc trình bày không rõ ràng[4]. Thuyết của Sử Ký Đại Nam Việt phù hợp với thực tế hơn: Lúc đó Tân Chính Vương là người có khả năng chiến đấu, Nguyễn Ánh tuy rất trẻ, nhưng đã có tài đảm lược, đi theo Tân Chính Vương để chống "giặc", có lý hơn là phò Định Vương, vì ông này không thạo việc quân binh. Vì đi theo Tân Chính Vương, nên Nguyễn Ánh mới trốn thoát trước ngày 19/9/1777, ngày Tân Chính Vương bị hại. Định Vương bị bắt và bị giết một tháng sau, tức là ngày 18/10/1777.

Vẫn theo chính sử thì chỉ một tháng sau nữa, tức là đến tháng 11/1777, Nguyễn Ánh đã xuất hiện ở Long Xuyên, và cũng trong tháng này, quân Nguyễn đánh được Long Hồ. Nhận xét: Tất cả những sự kiện này xẩy ra trong vòng một tháng có vẻ khiên cưỡng. Về trận Long Hồ, Thực Lục chỉ ghi vắn tắt: "Tháng 11 [ÂL, tức tháng 12/1777] đánh úp Điều khiển giặc là Hoà ở dinh Long Hồ, (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay) cả phá được"[5]. Mà không xác định ai đánh úp?

Theo Sử Ký Đại Nam Việt, mọi chuyện dàn trải trên hai tháng: Hồ văn Nghị cứu Nguyễn Ánh, lúc đầu đem về nhà Bá Đa Lộc ở Hà Tiên, rồi cho người sang Cao Miên báo cho Bá Đa Lộc biết. Sau vì sợ bị lộ, Hồ Văn Nghị đem giấu Nguyễn Ánh trong rừng, tác giả viết tiếp: "Cũng một khi ấy Đức Thầy Vêrô [Bá Đa Lộc] ở Cao Miên mà về, tìm được ông Nguyễn Ánh; người lại đem theo một ông Langsa, tên là Gioang [Jean], có nghề võ cũng bạo dạn gan [can] đảm và có tài đánh giặc lắm"[6]. Tóm lại, Bá Đa Lộc về gặp Nguyễn Ánh và đem Jean về giúp, vậy chỉ có thể là trong khoảng tháng 11/1777.

 Trong khi đó, Liệt Truyện lại ghi như sau: "Năm Canh tý (1780), Thế tổ Cao hoàng đế lên ngôi vương ở Gia Định, Đa Lộc đến yết kiến xin cố sức giúp việc, vua nhận lời "[7]. Tức là đến năm 1780, Nguyễn Ánh mới gặp Bá Đa Lộc. Hoặc là Liệt Truyện viết sai, hoặc là câu này không có nghiã là Bá Đa Lộc gặp Nguyễn Ánh lần đầu năm 1780.

Chúng tôi tìm thấy một lá thư ngắn, Bá Đa Lộc viết cho Steiner ngày 10/7/1778, có câu: "Cám ơn ông đã gửi cho tôi 2 giáo sĩ. Có nhiều khả năng dòng họ nhà vua sẽ lên ngôi trở lại, tôi sẽ cần thêm nhiều [giáo sĩ] khác, bởi vì tôi rất thân với ông hoàng sẽ lên trị vì và các ông quan lớn ở đây. Hãy cầu nguyện Chúa trời cho việc này, bởi đó có thể sẽ là rường mối cho việc thu phục Nam Hà theo đạo Chúa"[8]. Lá thư ngắn này rất quan trọng, bởi nó xác định hai điều:

 1- Bá Đa Lộc quen thân Nguyễn Ánh trước ngày 10/7/1778, ngày mà ông viết lá thư này.

 2- Bá Đa Lộc cầu mong nếu họ Nguyễn được lên ngôi, thì Nam Hà sẽ theo đạo Chúa.

 Kết hợp với những điều viết trong Sử Ký Đại Nam Việt, ta có thể chắc chắn rằng Bá Đa Lộc đã gặp và kết thân với Nguyễn Ánh khoảng tháng 10-11/1777, khi ông từ Cao Miên về Nam Hà và đem Gioang về giúp Nguyễn Ánh.

 

Nguyễn Ánh và trận Long Hồ, theo Sử Ký Đại Nam Việt

Sử Ký Đại Nam Việt viết tiếp về trận Long Hồ như sau:

"Khi ông Nguyễn Ánh đã tu binh đặng ít nhiều, thì ông Gioang đã giúp người nhiều việc.

Vậy trước hết, khi thấy quan Nhất Trịnh[9] đã lấy đặng đồn kia, thì ông Gioang cứ phép tây mà làm nhiều trái phá, đoạn xuống thuyền lớn. Bấy giờ Nhất Trịnh chưa ngờ điều gì, thì vào Long Hồ, là nơi quân Tây Sơn đóng nhiều tầu lắm. Vậy ông Nguyễn Ánh làm tướng cai quân, và ban đêm, thình lình, thì xông vào đánh quân Tây Sơn. Khi ấy ông Gioang chỉ đốt và bắn trái phá, nên quân Tây Sơn bất thình lình nghe tiếng trái phá, và thấy nhiều người chết, thì sợ hãi lắm, vì chưa từng biết sự làm vậy, cùng chưa thấy trái phá bao giờ; nên bỏ tầu mà nhẩy xuống sông. Những kẻ phải chết chém hay là bị trái phá thì chẳng bao nhiêu; song kẻ chết đuối vì sợ mà vội nhẩy xuống sông đè lộn nhau, thì không biết là ngần nào. Trong trận nầy, ông Nguyễn Ánh đã làm tướng rất khôn ngoan và gan đảm lắm, vì cũng đánh như lính; dầu xung quanh người chết gần hết, song ông ấy chẳng phải nao. Khi đã tàn trận, mà thấy ông ấy những máu dầm dề cả mình, mà chẳng bị vết tích gì, thì ai ai đều kể là phép lạ. Những tầu quân Tây Sơn ở trong Long Hồ thì ông Nguyễn Ánh lấy được hết"[10].

Tác giả Sử Ký Đại Nam Việt thường cho Tây là nhất, điều đó dễ hiểu vì ông là người nhà dòng, nhưng điều ông kể có thể tin được: chiến thắng đầu tiên của Nguyễn Ánh là nhờ Jean (Gioang), người Pháp, kẻ biết làm trái phá, giúp. Trái phá dưới hình thức như thế nào, thì ta chưa biết được, có thể là thứ hồi đó gọi là "chấn địa lôi". Tuy nhiên, công của Jean (Gioang) không được ghi trong chính sử, và cũng không được các nhà nghiên cứu Pháp tìm kiếm hoặc nhắc tới. Tại sao chính sử chỉ nhắc đến Mạn Hoè (sẽ nói đến sau) mà không nhắc đến Gioang? Có thể Gioang ở vào thời kỳ huyền thoại "cá sấu" nên không ai dám hỏi kỹ Nguyễn Ánh, hay chính Nguyễn Ánh cũng không muốn kể gì về giai đoạn này. Nhờ chiến thắng Long Hồ, Nguyễn Ánh mới có nhiều thuyền tầu cướp được của Tây Sơn mà tiếp tục cuộc chiến với Đỗ Thanh Nhơn và quân Đông Sơn.

Ngoài ra Sử Ký Đại Nam Việt, còn cho ta những nét sơ khởi về Gia Long thời niên thiếu: "Nguyễn Ánh làm tướng cai quân, và ban đêm, thình lình, thì xông vào đánh quân Tây Sơn", "cũng đánh như lính", "những máu dầm dề cả mình"... Một thiếu niên 15 tuổi như thế, quả là can đảm và xứng đáng được tướng sĩ tôn làm đại nguyên soái ở tuổi 16. Nhưng Sử Ký Đại Nam Việt không dừng lại ở hình ảnh người thiếu niên này, mà còn vẽ rõ chân dung một vị vua trưởng thành, khá riêng tư, không có trong chính sử.

 

Chân dung vua Gia Long, theo Sử Ký Đại Nam Việt

Dưới đề tựa "Vua tốt trí khôn và gan đảm" tác giả SKĐNV viết về Gia Long như sau:

"Các quan thấy vua mau mắn dọn dẹp mọi sự, lại mau hiểu các việc thể ấy, thì lấy làm lạ lắm. Vì chưng đều [điều] gì vua chưa thấy cùng chưa biết mặc lòng, song như các quan nói một lần, thì hiểu tức thì cùng bắt chước đặng. Cho nên ai ai cũng khen vua là người tốt trí và khôn ngoan lắm. Vả lại, vua chẳng nghỉ yên bao giờ: khi thì đốc suất các thợ, khi thì đi biên các kho, hoặc coi tập binh hay là đắp lũy. Người cũng khéo bầy đặt nhiều đều khôn ngoan, lại thượng trí sáng dạ cùng chăm học hành; nên dầu người phải khốn khó từ thủa bé, những chạy đàng nọ nẻo kia, chẳng mấy khi được ngồi một nơi cho yên, chẳng kịp học hành là bao nhiêu, song cũng hay chữ nho lắm.

Khi nào thấy sự gì lạ, liền chăm học cho hiểu. Vốn vua chẳng biết chữ bên Tây, nên phải cậy các quan cắt nghiã mọi đều. Nhứt là các tờ đã vẽ hình tượng các khí giái [giới] và những cách đắp lũy xây thành, đóng tầu hay là các đều khác thể ấy, thì vua chỉ xem những sự ấy lắm. Vả lại nhiều sách và địa đồ đã mua bên Tây, thì người chăm học mà hiểu hầu hết.

Vua cũng là người gan đảm lắm, khéo bầy mưu kế mà bắt quân giặc. Người chẳng những là sai các quan đi đánh giặc, mà lại người đi cầm quân mà đánh nữa. Cho nên ai ai cũng nói rằng: "Ví bằng các quan có gan đảm và hay mưu kế như vua, thì âu là "quân giặc chẳng đặng trận nào".

Một ít đều trách nhà vua: Song cũng có kẻ chê vua rằng: chẳng được vững lòng, vì khi nào đặng thạnh sự thì vui mừng quá; bằng khi phải khốn khó ít nhiều, hay là khi bị trận, thì ra như ngã lòng và sợ hãi quá. Vậy khi nào đã được trận thì vui mừng quá lẽ, chẳng biết thừa dịp thắng trận mà theo bắt quân giặc và ép nó chịu phép cho xong. Có kẻ lại trách rằng: chẳng hay cầm giữ quân mình cho đủ, nên bắt người ta nặng việc quan quá"[11].

Đó là một giọng thành thực, thô vụng, không xu nịnh, vắn tắt cho ta những thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về vua Gia Long như: chẳng được học nhiều, nhưng cũng hay chữ nho lắm; chẳng biết chữ Tây, nên phải cậy các quan cắt nghiã mọi đều. Nhất là đoạn: vua tự học bằng cách xem sách có hoạ đồ xây dựng, rồi áp dụng mà làm. Le Labousse cũng viết tương tự như vậy.

 

Tác phẩm Nampyõki của Shihõken Seishi

Trong khi tìm kiếm những điều viết về vua Gia Long, chúng tôi thấy một tác phẩm rất đáng chú ý, đó là cuốn Nampyõki (Đắm tầu ở Nam Hải) của Shihõken Seishi do Muramatsu Gaspardone dịch sang tiếng Pháp, giới thiệu và chú giải[12]. Tác giả kể lại hành trình một chiếc tầu Nhật Bản bị bão, thuỷ thủ đoàn phiêu bạt đến Gia Định, được Nguyễn Vương giúp đỡ và gửi họ về xứ.

Câu chuyện thật này, được Kondo Morishige kể lại trong một biên bản tựa đề: Vụ những người bị đắm tầu năm Kõin [năm Dần, tức 1794] viết năm 1795-1796, khi ông phụ trách Phòng văn thư sở Quản đốc vật liệu (Secrétariat à l'Intendance) Nagasaki, với lời giới thiệu ngắn như sau: "Tháng 12 năm Otsubõ [năm Mão, tức tháng 1/1796], những nạn nhân bị bão cũa tầu Sendai, từ nước Nam trở về. Tôi phải lo vụ này ở văn phòng Nagasaki và thẩm vấn họ. Chính tay tôi ghi chép những điều họ nói và viết lại thành bản ký sự đích thực với những hoạ đồ, hy vọng sau này có thể giúp những ai muốn tìm hiểu về nước ngoài. Ngày 15/ 9 ÂL [15/10/1796]" Kondo Morishige.

Biên bản của Kondo Morishige tóm tắt như sau:

Tầu Taijõ-maru của lãnh chúa Sendai, ở Ôshu (vùng Mutsu), gồm thuyền trưởng Seizõ, hoa tiêu Matsuhei và các thuỷ thủ[13], tất cả 16 người, khởi hành ở bến Ishinomaki ngày 16/9/1794 [23/8 ÂL] chở hàng đi Edo [Tokyo]. Ngày 23/10/1794 (30/9 ÂL), tới ngang tầm Bõshũ, gặp bão, đuôi tầu bị bể, tay lái gẫy, suýt bị lật, phải cắt đứt cột buồm và đổ gạo vận tải xuống biển. Tầu trôi giạt. Ngày 27/10/1794 (4/10 ÂL), thấy một hòn đảo, không vào được, rồi cứ trôi mãi. Ngày 10/1/1795 (20 tháng 11 nhuận ÂL) đến đảo Saisan hay Tây Sơn[14] được dân làng cấp cứu. Ngày 21/1/1795 [1/12 ÂL] hai viên chức (Nghiã Xàm và Trường Cát) đến để đưa thuyền trưởng về Gia Định, nhưng Seizõ quá yếu, thuỷ thủ Genzaburõ, biết chữ Hán, đi thay, yết kiến vua. Genzaburõ bút đàm kể lại tình cảnh, bị đắm tầu, thuỷ thủ bệnh tật. Ông được thấy cảnh vua duyệt binh. Ngày 25/1/1795 (5/12 ÂL), vua gửi hai tầu, một tầu có 2 nhân viên, 1 thông ngôn, 1 thầy thuốc và 8 lính thuỷ đi cùng với Genzaburõ và tầu kia có 7 lính thuỷ. Ngày 9/2/1795 [20/12ÂL], 16 người được dẫn về Gia Định, được cấp nhà ở với một thầy thuốc và một thông ngôn người gốc Nam Kinh. Trong thời gian ở lại Gia Định, vua cấp cho 50 kanmon[15] đủ tiêu dùng rộng rãi. Nhưng thuyền trưởng Seizõ, hoa tiêu Matsuhei, và 4 thuỷ thủ bị bệnh thủy thũng, thuốc không chữa được, đều chết, được chôn ở Vĩnh Trường Tự. Tháng 4 năm Mão [tháng 5/1795] có bốn tầu từ Macao đến, 10 thuỷ thủ sống sót được vua gửi trở lại Macao để về Nhật với thư giới thiệu, và được vua cho 16 túi gạo (mỗi túi khoảng 60 ký). Nhưng trên tầu về Macao họ bị ngược đãi, trải nhiều cam go, họ mới về được Nagasaki tháng giêng năm 1796[16].

Shihõken Seishi viết lại truyện này dưới dạng tiểu thuyết, đổi tên nhân vật, và thời điểm sai lạc chút ít so với biên bản chính thức vừa tóm lược; vì ở thời điểm đó, Nhật đang bế quan tỏa cảng, cấm dân chúng ra nước ngoài, mà cuốn sách kể chuyện hải ngoại, cho nên tác giả phải "tiểu thuyết hoá đi". Cuốn sách xuất hiện lần đầu ngày 16/2-16/3/1798 tại Kyoto, do nhà Zeniya Chõbẽ in. Sau cũng bị cấm. Tuy nhiên đối với chúng ta, nó có một giá trị lớn, nên dịch toàn bộ sang tiếng Việt, bởi vì Shihõken Seishi (chắc là tên hiệu của một thuỷ thủ sống sót) đã kể rất chi tiết về chuyến đi này, về sự tiếp đón ân cần những người bị nạn, về cuộc sống hàng ngày của người dân miền Nam, các khu buôn bán, thanh lâu... về thành Gia Định, đầu năm 1795. Thời gian đó, Võ Tánh trấn thủ Diên Khánh, tháng 11-12/1794, Trần Quang Diệu tấn công Diên Khánh lần thứ hai, và tháng 5/1795 Nguyễn Vương đem đại binh cứu Diên Khánh. Shihõken Seishi đến Sài Gòn vào tháng 2/1795, đúng lúc Nguyễn Vương đang sửa soạn binh thuyền và nhà vua đã lo cho họ trở về Nhật, trước khi xuất quân.

 Chúng tôi chọn trích dịch một vài đoạn: Phần viết về Nguyễn Vương in trong chương này, phần viết về Gia Định kinh, in trong chương 13.

 

Sài Gòn 1795, theo Shihõken Seishi

Shihõken Seishi viết về vùng Sài Gòn năm 1795 đang sửa soạn chiến tranh, như sau:

"Có núi cao đến tận chân mây, nhiều cây và một con sông nước trong. Biển [sông] bao bọc ba phiá. Những tầu buôn Hoà Lan, Quảng Đông, Macao, và những nơi khác, đỗ đầy trong cảng sông. Đó là nơi buôn bán sầm uất. Nhờ những làng chài lưới ven biển, thợ săn trên núi nên chợ búa đầy cá và muông thú, đầy dẫy cá đồng; trong số cá biển, loại akaei nhiều nhất. Quanh năm đủ thứ rau rợ, lại còn hoa quả lớn nhỏ, thêm vào thức ăn. Có thứ tre, khoảng cách giữa hai đốt dài lạ lùng. Có cả vàng, bạc. Đồng thì đến từ Quảng Đông. Một năm ba mùa gặt lúa, đậu và đậu ván cũng thế. Người nghèo không biết đói là gì. Con người tử tế và nhân từ. Vua trị vì với lòng tốt và dân chúng không khổ. Nhưng nước này ở cuối Nam Hải, nơi có nhiều đảo quốc, lúc nào cũng phải đề phòng xâm lược. Không ngừng vận dụng khí giới. Tháng tư năm Cảnh Hưng thứ 54 [tháng 5/1793)] Tây Sơn nổi lên chống kinh đô, vua đã gửi quân chinh phạt, nhưng chưa biết thắng bại thế nào. Người ta náo động sửa soạn chiến thuyền, phần đông đã khởi hành rồi..."[17].

 

Chân dung Gia Long, theo Shihõken Seishi

Các thuỷ thủ Nhật bị nạn được vua tiếp hai lần: lần đầu khi mới đến, tháng 2/1795 và lần sau trước khi đi, tháng 5/1795. Sau khi mô tả thành Gia Định và cung điện, Shihõken Seishi viết về buổi tiếp kiến lần đầu: "... Một lúc sau, thấy vua hiện ra trên ghế bành đỏ toàn bộ khảm vàng bạc và dát ngọc ở giữa chính điện. Hai hoàng tử ngồi hai bên [một người là Đông cung Cảnh, người kia chắc là hoàng tử Hy]. Vua trạc 40 tuổi (...), mặc áo gấm đen thêu rua với quần gấm đen và mang đai lưng. Một người hầu cận cầm kiếm của vua đứng sau lưng. Hoàng Thượng đội khăn lụa quấn năm vòng, đầu chỉ để hở búi tóc cài lược vàng. Hai hoàng tử cũng mặc áo đen và cài lược vàng. Các quan ngồi gần vua, đều mặc áo lụa xanh, vàng, đỏ hay trắng, mang lược đồi mồi, sừng trâu hay tê giác. Y phục long trọng, không ai mặc đồ đen, trừ vua và hoàng tử. Thái tử độ trạc hai mươi tuổi, rất đẹp và sang trọng không ai sánh nổi. Trong tất cả các nước mà tôi ghé qua trên đường trở về [Nhật], chúng tôi chưa thấy ai đẹp như ông. Sau cùng, người thông ngôn -xứ này người ta học thuyết Khổng Tử, nhưng lại không hiểu tiếng Tàu; thông ngôn là người Nam Kinh, đã làm việc lâu năm tại... (không rõ, chắc là Nagasaki), rồi từ đó sang An Nam- đến tâu vua, cúi chào ba lần, và nói với vua về chiếc tầu Hinoshita của chúng tôi bị đắm. Nhà vua bảo sẽ giúp. Chúng tôi khẩn cầu ngài cho về xứ. Hoàng thượng trả lời qua người thông ngôn, bảo được, nhưng phải đợi ít lâu, và ngay hôm nay, ngài sẽ cho thầy thuốc đến thăm những người bị bệnh. Chúng tôi cảm ơn ngài và được các quan võ tháp tùng trở ra, chúng tôi lên kiệu trở về chỗ ở vào giờ ngọ [12 giờ trưa]"[18].

 

Trích đoạn dưới đây Shihõken Seishi viết về y phục của vua và các quan, trong một buổi diễn hành, vua ra phố: "...Y phục người Việt: Giống y phục người Minh, tay áo hẹp và dài hơn khuỷu tay độ 3 phân. Quần gọi là gon [?], giống như nobakama của ta [Nhật]; có thắt lưng buộc lên trên.

Y phục của vua: Vua mặc quần áo bằng nhiễu đen, gấm đen, thắt lưng trắng, đội khăn đen, cài lược vàng và đi hài trắng. Y phục đen chỉ dành cho vua và các hoàng tử. Khi vua đi bộ ở trong cung hay ở ngoài đường, có người che lọng đi theo. Những người đi trước và đi sau ngài đều đội khăn lụa xanh, vàng, đỏ hay trắng, cài lược đồi mồi, sừng trâu hay tê giác, họ đi làm hai hàng, mỗi hàng một chục người.

Chung quanh vua: Có độ hai chục người, cũng ăn mặc như trên.

Đồ dùng riêng của vua: Một hộp bằng bạc đựng đồ hút, một ống điếu, một hộp thuốc, một thanh gươm nắm trạm trổ vàng bạc, và nhiều vật dụng nhỏ khác, mỗi vật đều có người cầm riêng.

Kiệu của vua: Lớp dưới cùng bằng lưới gỗ đan mắt cáo (treillis de bois). Giữa nâng cao làm chỗ ngồi, có tay vịn. Dưới chân lát thảm quí. Trên đỉnh có vật trang hoàng bằng vàng.

Thương: ngắn như những chiếc kích. Đầu phủ nhiều loại vải dệt. Có năm mươi tới sáu mươi [người cầm] thương đi làm hai hàng.

Hoàng phái: Quần áo bằng lụa xanh, vàng, đỏ hay trắng, thớ dệt khác nhau. Khăn và quần cùng mầu. Trừ vua, không ai được thắt khăn lưng trắng. Tất cả đều đi ngựa đến cung điện qua cửa chính.

Các quan: Y phục cũng giống như trên. Tuỳ theo ngạch trật, có từ 3 đến 5 người hầu cận cầm đồ dùng theo; tất cả đều đi ngựa. Trong thành không dùng kiệu.

Người dân trong thành: Mặc quần áo vải hay lụa. Mầu sắc đã nói rồi. Quấn quanh đầu một khăn vải dài khoảng 10 pieds [3m24]. Búi tóc cài lược gỗ, ngà, hay chất liệu khác. Họ dắt trong khăn quấn đầu một cái quạt, một cái điếu hay một gói thuốc lào. Dân trong thành hay dân quê đều mặc quần. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều không mặc shitaobi hay yumaki[19] nên họ mặc quần.

Kiếm: Lưỡi mỏng nhưng không sắc. Rất uyển chuyển, không chém, chỉ đâm.

Thầy tu: Có nhiều thầy tu theo lối zenshũ và tendaishũ. Đều mặc áo xám"[20].

 

Sau đây là đoạn Shihõken Seishi viết về lần thứ hai được tiếp kiến vua trước khi về nước: "Vào khoảng hạ tuần tháng tư ÂL [trung tuần tháng 6/1795][21], vua cho gọi cả 10 người chúng tôi đến cung điện. Sáng sớm chúng tôi đã đến trình diện. Cũng như lần trước được vua chiếu cố tiếp kiến, ngài nói, qua viên thông ngôn, rằng từ lúc chúng tôi đến đây, gió bắc thổi mạnh, ngài không thể gửi chúng tôi về nước được, nhưng bây giờ gió nam bắt đầu thổi, việc đi biển dễ dàng hơn. Ngài cũng muốn thiết bị một chiếc tầu chở chúng tôi về tận Hinoshita, nhưng từ tháng tư ÂL [19/5/1795 đến 17/6/1795], vì việc xuất binh tiễu trừ Tây Sơn, hơn một nửa người đã đi theo chiến dịch, và hiện giờ, mỗi ngày đều phải gửi thêm tầu chiến, vì thế không có người chở chúng tôi về tận Hinoshita xa xôi. Ngài nói thêm, may có một tầu buôn Macao đến đây, vài ngày nữa sẽ quay trở về, và ngài đã gửi chúng tôi về theo, chúng tôi có thể lên tầu bình yên, để đi từng chặng, về nước. Chỉ cần đợi thêm vài ngày nữa, vừa đủ thời gian sửa soạn mọi việc, có gì cần cứ hỏi các quan viên phụ trách. Như vậy, nhà vua, qua viên thông ngôn, đã cho chúng tôi biết tất cả mệnh lệnh của ngài. Được ra hiệu xin cáo lui, chúng tôi đã cúi mình cảm tạ lòng độ lượng sâu xa của vua đối với chúng tôi từ tháng 11 ÂL năm trước đến bây giờ. Chúng tôi kính chào các hoàng tử và các quan đại thần rồi trở về nhà "[22].

Những dòng bình dị trên đây của Shihõken Seishi, cho thấy một Gia Long, lo toan mọi việc lớn nhỏ, để ý tới con người, không chỉ những người có chức tước công trạng, mà tất cả mọi người.

 

 

Diện mạo và tính tình Gia Long, theo Đức Chaigneau

Nếu Shihõken Seishi, người Nhật, cho ta biết sơ lược cảnh vua tiếp triều, diện mạo hoàng tử Cảnh, thì một người Pháp lai Việt, Michel Đức Chaigneau, mô tả dung mạo và tính tình vua Gia Long, trong cuốn hồi ký Souvenirs de Huế (Kỷ niệm ở Huế). Michel Đức sinh năm 1803 tại Huế, đã sống ở kinh đô từ nhỏ đến năm 21 tuổi, ông là con trưởng Jean-Baptiste Chaigneau, người đã theo giúp vua Gia Long và làm quan trong triều, đến 1824 mới về hẳn Pháp. Michel Đức viết:

"Vua Gia Long cao trên trung bình, thân thể cường tráng, tướng đạo mạo đáng kính tương xứng với tầm vóc, nét mặt đầy trang nghiêm và có sắc diện, chứng tỏ một tâm hồn cao đẹp; dáng điệu rất sang trọng và tính tình rất hoà nhã, nhất là trong lúc trò chuyện thân mật; nhưng bản tính náo động tự nhiên cũng làm ông dễ chuyển từ sự điềm đạm tử tế sang sự giận dữ thái quá, khi mệnh lệnh không được thi hành đúng mức. Da trắng[23], mắt sáng, chòm râu hoàn toàn bạc và dầy hơn râu những người đàn ông khác trong xứ. Mỗi bên má của ông có một hột cơm đen, râu bọc chung quanh, làm thành một chòm râu nhỏ mỗi bên, cạnh chòm râu lớn ở chính giữa, nhưng không hoàn toàn pha trộn vào nhau. (Con trai ông là Minh Mạng, lên ngôi sau ông, cũng có hai nốt ruồi đúng chỗ như vậy, người ta bảo đó là dấu vết riêng của nhà Nguyễn). Gia Long là người tài trí, có tư tưởng lớn. Trải nghiệm gian khổ, ông biết cách đánh giá đúng mức người và vật và hiểu rõ guồng máy nhà nước hơn tất cả các thượng thư trong triều, thường bị ông bắt lỗi. Ngoài những lúc bàn luận nghiêm chỉnh, ông là người vui tính nhất và dễ thương nhất trong triều; trong chỗ thân mật, đôi khi ông thích nói tục khiến mọi người phải đỏ mặt"[24].

 

Chân dung Gia Long, theo Le Labousse

Pierre-Marie Le Labousse, sinh ngày 22/1/1759 tại Pluneret (Morbihan, Pháp), đi truyền giáo từ ngày 20/9/1787, có thể ông đã mất ở Chợ Mới, tỉnh Khánh Hoà, ngày 25/4/1801[25]. Giáo sĩ Le Labousse là một trong những người phụ tá thân cận nhất của giám mục Bá Đa Lộc, ông đã đưa thi thể vị giám mục từ Quy Nhơn về Gia Định và ông đã ghi lại chúc thư của vị giám mục. Ông còn để lại nhiều thông tin đáng tin cậy khác về giai đoạn ông phục vụ hội truyền giáo ở Việt Nam. Trong số đó có chân dung vua Gia Long trong lá thư ông viết ngày 1/5/1800 ở miền nam Nam Hà gửi các vị giám đốc viện Thừa sai. Lá thư này rất dài, đề ngày 1/5/1800, được in đầy đủ trong bộ Les Nouvelles Lettres Edifiantes (Tân Huấn Thư)[26]. Nhưng Launay cho biết bản viết tay đề ngày 24/4/1800[27]. Đoạn ông viết về chân dung vua Gia Long, như sau:

"Dù thư đã dài, tôi cũng không thể bỏ qua không nói với các ông về tình trạng chính trị của Nam Hà và của hội truyền giáo; nhưng trước khi đi vào chi tiết, tôi xin tả cho các ông vài nét về nhà vua, về tính tình, tài năng và phẩm chất của nhà vua.

Ông hoàng này có lẽ là người sắc sảo nhất và sôi động nhất trong vương quốc ông, nhưng như tôi đã nói ở trên, những lời can gián của Đức Giám Mục Bá Đa Lộc cũng làm giảm bớt bầu nhiệt huyết này.

Ông không còn là ông vua chỉ biết cai trị bằng roi, kiếm và nói chuyện chết chóc nữa. Bây giờ ông là một vị đế vương, biết mình là cha của thần dân, chứ không phải là nhà độc tài của họ. Ngày trước, ông vẫn được lòng dân, nhưng không phải lúc nào ông cũng biết cư xử khéo léo mềm dẻo với các quan và quân lính. Họ sợ ông nhưng họ không thích ông. Ngày nay, ông đối đãi với họ khác hẳn, nếu trước đây họ chẳng bao giờ nghe được một lời êm tai, nay ông đã tìm được bí quyết thu phục lòng người. Ông cứng rắn nhưng không tàn ác; ông nghiêm trị nhưng theo đúng nguyên tắc pháp luật.

Ông có đủ tất cả các đức tính của lương tâm lẫn trí tuệ. Ông có lòng tri ân, hào hiệp, tinh tế về điểm danh dự; anh hùng trong nghịch cảnh, chịu đựng thất bại với lòng can đảm xứng đáng với vị hiền nhân [chỉ Bá Đa Lộc] đã rèn luyện ông.

Thời trẻ, ông có say mê rượu chè, nhưng từ khi thấy mình phải cầm đầu sự nghiệp, đã hoàn toàn tự sửa không nhấp một hớp rượu. Ông thường nói: "Không có gì làm cho con người mất phẩm giá bằng nghiện rượu, không có gì làm cho con người mất hết khả năng bằng rượu, không có gì dẫn đến phạm tội và bất hạnh bằng rượu. Kẻ say rượu không thể điều khiển ai được. Một kẻ không làm chủ được mình, thì làm sao có thể cai trị được người khác?" Vì vậy, ông đã ra những huấn lệnh rất nghiêm khắc cấm say rượu và ông quyết đoán như vậy.

Những đức tính trí tuệ nơi ông không làm giảm đức của lòng thương yêu; linh lợi, sâu sắc, thẳng thắn, nhìn thoáng qua là nắm bắt được trọng tâm của những sự thể phức tạp nhất. Nhờ có trí nhớ hơn người khiến ông ghi nhớ tất cả, cũng như dễ dàng thiên bẩm bắt chước được tất cả. Những công binh xưởng, và những bến tầu chiến của ông làm cho người ngoại quốc thán phục và con mắt cả châu Âu sẽ khen ngợi nếu châu Âu có thể đến đây chứng kiến. Một bên, người ta thấy súng ống, đại bác đủ kiểu, đại bác dã chiến (pièces de campagne) giá súng đại bác (affuts), đạn đại bác, vv... Một bên là thuyền tầu không đếm xuể, những chiến hạm lớn lao, đủ loại hình thái, kiên cố đến độ làm cho ta kính nể.

Tất cả đều là sản phẩm của nhà vua, một người vừa năng động vừa khéo léo[28]. Mặt trời vừa ló dạng, ông đã ra khỏi cung điện, đến bến tầu, ông chỉ rời khỏi đây vào giờ ăn; chưa kể ông còn thường hay ở lại cả ngày để điều động các quan, mỗi người một chức, một việc; khi ấy ông ngồi chung một bàn với họ. Không có gì đập vào mắt hơn, khi ta thấy hàng ngàn người say mê làm việc dưới con mắt của nhà vua. Ông trông coi tất cả, điều khiển tất cả, có khi ông còn chỉ định cả các kích thước.

Ông đã làm được những chiến hạm Âu Châu, chỉ với toàn người Việt. Ông bắt đầu bằng cách mua một chiếc tầu, tháo tung ra từng mảnh, rồi cho lắp lại, khéo đến mức đẹp hơn nguyên bản. Sự thành công đầu tiên này đã khuyến khích ông làm một tầu mới hẳn, và ông đã làm được; từ đó ông làm thêm hai chiếc nữa. Bốn chiếc tầu này là niềm vinh hạnh của ông. Ông đã làm rất mau chóng: chỉ mất ba tháng ở xưởng đóng tầu, có khi còn ít hơn: thế mà tầu rất lớn, cái thì chuyên chở được 26 đại bác, cái thì 36 đại bác. Mỗi chiếc có thể chở được hơn 300 thủy thủ đoàn. Ba chiếc trong số này mỗi chiếc được một sĩ quan Pháp điều khiển[29], chiếc thứ tư vừa xuống nước, sẽ do chính nhà vua điều khiển. Các ông sẽ ngạc nhiên khi nghe nói vua nước Nam có thể lái một chiếc tầu [do ông] làm và có cả các thuyền cụ theo lối Âu Châu; các ông sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa, nếu các ông thấy tất cả những gì nhà vua làm ở đây. Ông có kiến thức về tất cả mọi sự và có năng khiếu làm tất cả, ông có cái tài, có thể nói là độc nhất vô nhị, về chi tiết. Tất cả những gì tôi tả lại ở đây, chưa thể giúp các ông có một ý niệm đúng mức được.

Ông cực kỳ siêng năng. Ban đêm ông ngủ ít, đọc nhiều. Ông có tính hiếu kỳ và thích học hỏi. Trong cung của ông có nhiều sách Pháp viết về kiến trúc, thành đài. Ông thường giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước[30]. Mỗi ngày, ông có một bước tiến mới. Nói tóm lại, ông là vị vua lớn nhất tới nay chưa bao giờ có ở nước Nam"[31].

Bức chân dung Gia long của Le Labousse có những điểm đồng quy với Sử Ký Đại Nam Việt về tính tình vua Gia Long: sự sáng dạ, dễ bắt chước, ham học. Ngoài ra, về những tài liệu học hỏi của nhà vua, vị linh mục này cũng ghi gần giống như Sử Ký Đại Nam Việt: "Trong cung của ông có nhiều sách Pháp viết về kiến trúc, thành đài. Ông thường giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước". Tóm lại, Le Labousse và tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, đều không nói gì đến việc Bá Đa Lộc dịch sách chiến lược và xây dựng thành đài cho Nguyễn Ánh, bởi nếu có thì nhà vua đã không phải giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước và chắc chắn Le Labousse là người đầu tiên phải biết và ông đã viết ra rồi. Về sự mô tả các công binh xưởng của Nguyễn Vương, Le Labousse cho một cái nhìn tổng quát, nếu muốn biết rõ hơn, chúng ta có thể đọc Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức.

 

 Chân dung Gia Long, theo Barrow

Barrow tuy chưa gặp, nhưng tả Nguyễn Vương cũng rất kỹ, ông đã dựa vào lời Barisy, và hai người Anh đã sống ở Sài Gòn. Barrow viết:

"Từ năm 1790, năm Gia Long về lại Nam kỳ, tới 1800, chỉ có hai năm không đánh nhau là 1797 và 1798, cũng chính là hai năm quan trọng nhất dưới triều đại của ông, cho tới nay đầy bão tố. Dưới sự trợ lực của giám mục Adran, mà ông tham vấn như một người thông bác, ông đã làm hết sức để đất nước tiến triển: lập xưởng làm thuốc súng ở Fen-tan [Hội An?] (thuộc đất Chàm trên bản đồ), mở mang đường xá, trồng cây, trồng mía, trồng trầu cau đã bị chiến tranh tàn phá, khuyến khích việc nuôi tằm, dệt lụa, lập xưởng điều chế nhựa thông, hắc ín; chế tạo hàng nghìn súng hoả mai, khai mỏ sắt và xây lò nung. Lập quân đội chính quy và lập trường võ bị, với các huấn luyện viên người Âu luyện tập cho các sĩ quan cách bắn và phóng pháo. Adran còn dịch sang chữ Hán một bản nghiên cứu chiến lược để dùng trong quân đội.

Trong hai năm này, nhà vua đã cho đóng ít nhất 300 chiến thuyền có đại bác hoặc ghe chèo, 5 thuyền 3 cột buồm, một chiến hạm theo lối Tây phương. Ông sáng chế ra một chiến thuật mới cho thủy binh và dạy sĩ quan hải quân biết dùng dấu hiệu. Một trong những người Anh mà tôi đã nói ở trên, cho biết đã nhìn thấy ở Sài Gòn, năm 1800, một hạm đội 1200 thuyền buồm do chính ông điều khiển, nhổ neo và tiến trên sông với một trật tự thật đẹp, chia làm ba đoàn, thẳng hàng tiếp chiến, mở, đóng hàng ngũ và thi hành tất cả những thao tác theo đúng hiệu lệnh.

Trong khoảng thời bình này ông còn sửa đổi cả luật pháp nữa, và chắc là có bàn tay giám mục giúp sức. Ông bỏ những hình phạt tàn ác vẫn được áp dụng cho tới đó... ông lập trường công, bắt trẻ con từ 4 tuổi trở lên phải đi học. Ông xác định hệ thống lãi xuất hợp pháp cho ngành thương mại, xây cầu trên sông, làm cầu phao, đặt phao nổi trên biển báo hiệu những nơi nguy hiểm có đá ngầm, thanh tra các hải cảng và những vịnh chính, gửi nhiều phái viên về các rừng núi miền Tây nơi có người Mèo và người Lào sinh sống trong tình trạng bán khai để dẫn họ về với đời sống văn minh hơn, những người miền núi này mà người Tầu vẫn gọi một cách hạ thấp là "người có đuôi", mặc dầu, có thể, tiền nhân của họ ngày trước đã xây dựng nên nền văn minh của đế quốc hiện thời.

Vị vua này, hết sức chuyên tâm về mỹ thuật và công nghệ, ông sánh ngang hàng với Đại đế Pierre của nước Nga, nhưng không tàn bạo kích động như thế, bởi cái gương đặc thù của ông, bởi nghị lực của dân tộc ông, và giống như Alfred[32] bất tử của chúng ta ông không ngần ngại làm bất cứ việc gì để hồi sinh đất nước.

Để có một ý niệm về hoạt động và thiên tài của ông, chỉ cần xem những tình huống mà ông đã trải qua: mới đầu chỉ có một chiến hạm, mà trong vòng không đến 10 năm, đã có một hạm đội 1200 chiến thuyền, trong đó có 3 tầu kiến trúc Tây phương, khoảng 20 thuyền buồm lớn theo kiểu Trung quốc hoàn toàn trang bị võ khí, chỗ còn lại là tầu chuyên chở, trang bị đại bác.

Gia Long được miêu tả như một người lính hoàn hảo, trong nghiã mạnh mẽ nhất. Người ta kể ông thích là tướng quân hơn đế vương. Người ta tả ông can đảm, không thô bạo, lắm mưu. Những nhận thức của ông thường đúng; khó khăn không chán nản, cản trở không lùi bước; thận trọng trong mỗi quyết định, mau lẹ và rắn rỏi khi thực hành điều đã định, luôn luôn ở vị trí chủ chốt trong trận, đi tiên phong trước ba quân. Tính tình vui vẻ dễ chịu, nhã nhặn, lắng nghe quan quân dưới quyền, tránh ban ân huệ riêng tư; có trí nhớ đặc biệt, ông nhớ hầu hết tên của lính trong quân: ông thích thú nói chuyện với họ, nhắc họ hành động và chiến công của họ, hỏi thăm vợ con họ, hỏi đã cho con nhỏ đi học đều chưa, hỏi chúng muốn làm gì khi lớn, ông biết hết những chi tiết nhỏ nhất về gia đình họ.

Đối với người ngoại quốc, ông rất tử tế và ân cần. Ông quý mến những sĩ quan Pháp giúp ông: đối xử với họ lịch sự, thân tình và rất tốt. Không bao giờ ông đi săn hay dự cuộc vui nào mà không mời một người trong bọn họ tham dự. Ông tuyên bố công khai lòng kính trọng của ông đối với các tôn chỉ của đạo thiên chúa, ông dung đạo chúa như các đạo khác trong nước: ông cực kỳ tôn kính đạo nghiã gia đình như Khổng Tử dạy trong kinh sách; đứng trước mẹ, bà hãy còn sống, ông tôn kính như đứa bé đứng trước mặt thầy. Ông thông thuộc những tác giả lớn của Trung Hoa. Nhờ giám mục Adran dịch một số mục từ trong Bách Khoa toàn thư sang chữ Hán, ông biết được khoa học và nghệ thuật Tây phương, đặc biệt ông chú trọng đến thuật hàng hải và thuật đóng tầu. Người ta đồn, điều này không được phép nói ra, rằng để kết nối lý thuyết kiến trúc tầu với thực hành, ông đã mua một chiến hạm Bồ, rồi tháo ra từng mảnh, từng tấm ván một, bắt chước đúng kích thước đó mà làm lại, cho đến khi ông thay thế tất cả các bộ phận bằng những mảnh mới làm, để hoàn thành một chiếc tầu mới.

Nghị lực trí thức của ông ngang bằng với khí phách và hoạt động thể xác. Chính ông chủ động sự bùng lên mọi mặt của đất nước, chính ông quản đốc các hải cảng và các công binh xưởng, chính ông là giám đốc xây dựng những xưởng đóng tầu, chính ông chỉ huy các kỹ sư trong tất cả mọi công việc, không có gì thực hiện không có gì chấp hành mà không hỏi ý kiến và nhận lệnh của ông. Không ai chế tạo một bộ phận nào mà không hỏi ông; không ai lắp một khẩu đại bác nào mà không có lệnh của ông. Không những ông trông coi từng chi tiết nhỏ, mà còn phải làm trước mặt ông.

Để điều khiển tất cả công việc của mình một cách vững vàng, ông đặt ra một thời biểu sống cố định và kỷ luật. Sáng dậy 6 giờ, tắm nước lạnh; 7 giờ, các quan vào chầu, mở tất cả công văn đến từ hôm qua, ông truyền lệnh cho các thư ký ghi chép, sau đó ông ra xưởng tầu thủy [Xưởng chu sư] duyệt lại tất cả những gì đã làm xong lúc ông vắng mặt, rồi ông tự chèo thuyền đi khắp bến cảng, kiểm soát các chiến hạm, đặc biệt chú ý đến súng đại bác; ông đi thăm lò đúc súng, đúc đủ loại đại bác ngay tại công binh xưởng [Cục chế tạo].

Đến 12 hay một giờ trưa, ông ăn cơm ở xưởng đóng tầu [Xưởng chu sư]. Cơm với cá muối. Hai giờ ông về cung ngủ tới 5 giờ; sau đó ông tiếp các quan võ thuỷ bộ, các quan toà, hay quan cai trị, ông đồng ý, hoặc bãi bỏ hoặc sửa chữa những kiến nghị của mọi người. Thường thì công việc triều chính kéo dài đến nửa đêm, ông mới trở về phòng làm việc, ghi nốt và chú thích thêm cho những việc ngày hôm nay; rồi ông ăn một bữa cơm nhẹ, gặp gia đình độ một giờ, đến 2, 3 giờ sáng ông mới đi ngủ. Ông chỉ ngủ 6 giờ một ngày.

Ông không uống rượu, ăn ít thịt, cá, cơm, rau, hoa quả, chút bánh trái và uống trà, đó là tất cả đồ ăn của ông. Như một vị dòng dõi vua Minh bên Tầu, mà ông công nhận, ông ăn cơm một mình, không cho phép vợ con ngồi cùng mâm. Vẫn nguyên tắc kiêu kỳ này, ông không tiếp những người Anh đến chào năm 1799, lấy cớ lúc này tình hình lộn xộn không cho phép sửa soạn tiếp đón theo đúng nghi lễ. Ta sẽ lầm nếu phê bình sự từ chối này như [thái độ của] một ông vua nước Tầu; nhưng với ông, chẳng vì hiềm tị mà ông không làm thoả mãn lòng hiếu kỳ của người ngoại quốc. Trái lại, họ có thể tự do đến thăm xưởng đóng tầu, thăm những tháp canh, những thành đồn. Ông tiếp họ dễ dàng trong tư thế tướng quân. Nhưng với tư thế đế vương, ông không tiếp.

Người ta bảo ông dáng tầm thước, nét mặt đều đặn dễ coi. Da hung hung nâu đỏ vì giãi dầu nắng gió và hiện nay [1806] ông độ khoảng 50 tuổi.

Ông chỉ biết đến người Anh qua tên gọi; nhưng nghe nói rằng, trong mọi trường hợp, ông luôn luôn tỏ dấu rất kính trọng dân tộc này; và nhất là nếu đó lại là những điều do người Pháp mách lại [ý nói do Barisy], thì càng đáng tin. Điều chắc chắn rằng ông luôn luôn tỏ những ý định tốt đối với nước Anh. Ông đã tuyên bố qua một đạo dụ, rằng tất cả những hạm đội của chúng ta [Anh] đều được miễn thuế vào các hải cảng lớn, nhỏ.

Một lần, sự rộng lượng của vua đã rõ thực ngời sáng: Người thuyền trưởng và viên đệ nhất sĩ quan một tầu buôn Anh, cả hai đều bị chết, khi tầu đi từ Quảng Đông tới Sài Gòn. Để đề phòng cướp bóc, gian lận, có thể gây thiệt hại cho chủ tầu, vì hai người chỉ huy đều chết cả; vua bèn gửi thuyền trưởng Barisy với một đội quân cấm vệ, đi hộ vệ chiếc tầu Anh yên lành trở lại Quảng Đông hay Macao, để trả cho chủ hay viên đại lý đang còn ở đó (...).

Người ta nói vợ ông là một bà hoàng đạo đức gương mẫu, có một tâm hồn cương quyết đã nâng đỡ và an ủi ông trong những thất bại chua cay nhất. Họ có 7 người con. Hai con trai đầu giao cho Adran dạy dỗ. Đông cung, ông hoàng trẻ, mà giám mục đưa sang Paris, chết sau thầy ít lâu. Tính tình hiền lành, sốt sắng và bặt thiệp, thiên tư đạo đức; những đức tính hợp với một đời sống yên lành của một tư nhân, hơn là với địa vị cao cả đã dành cho từ lúc sinh ra. Người em, thừa hưởng sự kế vị, là một quân nhân ưu tú. Ba năm đi lính, năm năm làm hạ sĩ (caporal) rồi lên trung sĩ (thầy đội, sergent), và đã phụng sự đắc lực trong những năm chiến tranh. Năm 1787, được lên cấp Cai đội (lieutenant-colonel); và năm sau, được thăng trấn thủ một vùng ven biển. Năm 1800, được thăng tướng (géneral) cai quản một dinh quân 35.000 người. Chính trong năm này, ông đạt chiến thắng quan trọng nhất đối với quân Bắc Hà, họ để lại trận 9.000 người chết và bắt được tất cả voi và đại bác.

Đây là sức mạnh quân sự của vua Nam Hà, năm 1800, theo đại uý Barisy:

 

Bộ binh

24 đội kỵ binh (cưỡi trâu)[33]

 6.000 người

16 đội voi (200 con)

 8.000

30 đội pháo binh

 15.000

25 chi đoàn 1.200 người trang bị vũ khí Âu Châu

 30.000

Bộ binh trang bị kiếm và súng cổ trong nước

 42.000

Vệ binh tập luyện theo lối Âu Châu

 12.000

Tổng cộng bộ binh

113.000 người

 

Thủy binh

Lính thợ trong xưởng đóng tầu

 8.000

Lính thuỷ, mộ hay nối dõi (cha, anh), trên những chiến hạm đậu ở cảng

 8.000

Lính biệt phái sang những tầu chiến kiểu Tây phương

 1.200

Lính biệt phái thuyền buồm (jonque)

 1.600

Lính biệt phái 100 thuyền chiến chèo (galère)

 8.000

Tổng cộng thủy binh

 26.800

 

Tổng cộng toàn bộ: 139.800 quân

(Barrow II, t. 224-238).

 

Sau đây là một số nhận xét về chân dung vua Gia Long do Barrow khắc họa:

1- Về bản kê khai sức mạnh quân sự của Gia Long do Barisy cung cấp, chúng tôi sẽ trở lại trong chương sau, viết về tác phẩm của Montyon, vì Montyon ghi chép cặn kẽ về quân đội Gia Long hơn Barrow.

2- Bà Chính hậu, tức Thừa thiên Cao hoàng hậu, là con gái thái bảo Tống Phước Khuông, mẹ họ Lê, lấy Nguyễn Ánh năm 1778, hơn Ánh 2 tuổi. Liệt Truyện ghi: "Sinh được 2 con trai, con cả là Chiêu, chết sớm, con thứ là Cảnh", "mỗi khi vua đi đánh giặc, Hậu thường đi theo" "tự dệt vải mỏng, dầy cho quân lính", "phần nhiều khuyên chăm chính sự" "giúp vua trong lúc gian nan" (...) Trước kia trong lúc xiêu giạt, phụng dưỡng Hoàng Thái hậu, nếm trải mọi mùi gian nan hiểm trở, thường thân hành dệt cửi, chính tay may lấy áo trận, để cấp cho quân sĩ. Một hôm thuyền đi gặp giặc, vua đốc quân cố sức đánh, hậu cũng cầm dùi đánh trống, quân lính tranh nhau phấn khởi thành ra đánh được." Bà mất ngày 22/2/1814 (3/2/Ất Mùi)[34]. Những điều Barrow ghi về bà đúng cả, chỉ có 7 người con là sai, vì nhầm với con của các bà phi khác, mà bà trông nom. Minh Mạng cũng do bà nuôi. Hoàng tử Hy, con thứ nhì của Nguyễn Vương, không biết tên mẹ. Hoàng tử Tuấn, mất sớm, mẹ là Chiêu Dương. Đến Minh Mạng, thứ tư, là con Thuận Thiên Cao hoàng hậu, con gái Thọ Quốc Công Trần Hưng Đạt.

3- Về hai Hoàng tử Cảnh và Hy, Barrow ghi tính tình khá đúng, nhưng ông không biết việc hoàng tử Hy mất sau anh 2 tháng.

4- Việc Barrow tưởng vua Gia Long miễn thuế cho các tầu Anh là sai. Thực Lục ghi 2 lần người Anh đến, tháng 4/1798: "Người Hồng Mao đến hiến phương vật" không nói thêm gì. Và tháng 5/1801 ghi: "Nước Hồng Mao sai người đem thư đến dâng phương vật mà xin miễn thuế cảng cho thuyền buôn. Vua hạ lênh cho lưu trấn Gia Định viết thư trả lời, đánh thuế theo như thể lệ thuyền buôn Quảng Đông"[35].

5- Việc Adran dịch sang chữ Hán một bản nghiên cứu chiến lược để dùng trong quân đội, không biết Barrow lấy ở đâu, vì không thấy nơi nào nói đến. Sau đó, Maybon sẽ dùng thông tin này của Barrow và phóng đại thêm, rồi những người khác chép theo. Còn câu "giám mục Adran dịch một số mục từ trong Bách Khoa toàn thư sang chữ Hán" có thể đã rút ra trong chúc thư của Bá Đa Lộc do Le Labousse viết: "Đức Cha tặng vua một hộp đựng thuốc bằng vàng nạm kim cương, điểm một viên kim cương trạm công phu, kính thiên văn và kính viễn vọng của người, bốn quyển Bách Khoa Toàn Thư..."[36] đây là nơi duy nhất nói đến Bách Khoa Toàn Thư, chính Le Labousse cũng không nói gì đến việc dịch sách, mà Sử Ký Đại Nam Việt cũng không. Nhưng câu này của Barrow cũng sẽ được Faure, Maybon và những người tôn vinh Bá Đa Lộc chép lại và phóng đại lên sau này. Xin nói thêm: hộp thuốc lá bằng vàng nạm kim cương, theo Faure, là vua Louis XVI thưởng cho vị giám mục, sau khi ký hiệp ước 28/11/1787 với Montmorin. Nguyễn Vương không nhận các món quà của Bá Đa Lộc.

6- Việc một người Anh nhìn thấy năm 1800, Nguyễn Vương có hạm đội 1200 chiến thuyền, trong đó có 3 tầu kiến trúc Tây phương, chắc không sai, chúng ta chỉ cần lướt qua con số thuyền và tầu chiến các kiểu, ghi trong Thực Lục mà Nguyễn Ánh cho đóng từ tháng 4/1778 đến năm 1800, thì đủ biết, dù những thuyền, tầu này có bị đắm, bị đốt, bị hư hại, số còn lại vẫn rất cao.

 

Kết luận

Barrow là người không gặp Gia Long, nhưng bức chân dung Gia Long do ông khắc hoạ rất đầy đủ và có nhiều điểm giống với những điều do Le Labousse và Sử Ký Đại Nam Việt viết. Barrow cho biết ông dựa vào bản thảo Hồi ký Barisy. Mà Barisy, qua những lá thư để lại, là người thực lòng, chính ông đã làm bản thống kê lực lượng quân đội Nguyễn Ánh trên đây và những điều về cuộc sống hàng ngày của nhà vua chỉ có thể do Barisy cung cấp, bởi Barisy là người được gần gụi vua và Đông cung Cảnh.

Một điểm đáng chú ý: Barisy, cùng thời và là bạn đồng hành của Puymanel, Dayot, Vannier, Chaigneau... nhưng ông không hề nói đến việc Puymanel "xây" các thành Gia Định và Diên Khánh, hay việc Dayot làm "tổng tư lệnh hải quân".

Các nhà nghiên cứu Pháp không nhắc đến Hồi ký Barisy. Cadière cho công bố hai bức thư dài Barisy viết về trận Thị Nại và trận Phú Xuân. Taboulet cho biết Hồi ký Barisy đã thất lạc[37]. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Hồi ký Barisy thật sự thất lạc hay chính các ngòi bút thuộc điạ thấy nó không phù hợp với những điều mà họ muốn, nên đã không dùng hoặc coi như thất lạc. Khi trích dẫn Barrow, Taboulet đã bỏ đoạn Barrow viết về kỹ nghệ đóng tầu thuyền ở Việt Nam và khi trích đoạn chân dung Gia Long, ông khôn ngoan cắt làm hai bài, để loại trừ những dòng Barrow xác định chính Nguyễn Vương quản đốc các hải cảng và các công binh xưởng, chính ông là giám đốc xây dựng những xưởng đóng tầu, chính ông chỉ huy trong tất cả mọi công việc...

Về phần Maybon, để đả kích Barrow, trong cuốn Histoire moderne du pays d'Annam và trong bài Introduction in trong La Relation de La Bissachère (chúng tôi sẽ giới thiệu sau), Maybon đưa ra một vài chi tiết mà ông cho là sai của Barrow về sự xung đột giữa Bá Đa Lộc và de Conway tại Pondichéry; và việc văn bản hiệp ước cầu viện 28/11/1787 trong sách, khác với văn bản "chính thức", để kết luận rằng cuốn sách của Barrow đưa toàn những thông tin sai lầm vô căn cứ mà lại được nhiều người chép lại.

Ngoài việc Barrow vẽ một chân dung Gia Long không phù hợp với những điều các tác giả Pháp mong muốn, có lẽ còn một lý do nữa khiến Maybon loại bỏ Barrow, bởi trong sự tranh giành thuộc địa mà Anh là kẻ thù không đội trời chung của Pháp, Barrow đã vạch rõ những ý đồ của Bá Đa Lộc và của thực dân Pháp.


 


[1] LT, 2, t. 534-535.

[2] TL, I, t. 257.

[3] TL, I, t. 204, 205.

[4] TL, I, t. 204-205.

[5] TL, I, t. 205.

[6] SKĐNV, t. 13.

[7] LT, 2, t. 505.

[8] Launay, III, t. 17.

[9] Nhất Trịnh có lẽ là Điều khiển Hoà, Điều khiển là chức, tên là Hoà, không rõ họ.

[10] SKĐNV, t. 12-14.

[11] SKĐNV, t. 57-58.

[12] In trong Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême-Orient (BEFEO), 1933, t. 35-120.

[13] Seizõ, Chũkichi, Kõtarõ, Heigorõ, Minomatsu, Genzaburõ, Shũzõ, Monjirõ, Seinojõ, Sõhachi, Tõkichi, Hisanojõ, Yogorõ, và đầu bếp Heikichi.

[14] Tác giả cho biết đảo này ở trên cửa sông Sài Gòn, nhưng chúng tôi chưa nhận diện được là chỗ nào.

[15] 1kanmon tương đương với nghìn đồng tiền (mille sapêques).

[16] Tóm tắt theo bài Introduction, BEFEO, 1933, t. 35-40.

[17] BEFEO, 1933, t. 57.

[18] BEFEO, 1933, t. 60-62.

[19] Khăn quấn như quần của người Nhật.

[20] BEFEO, 1933, t. 82- 83.

[21] Thư bảo lãnh của triều đình đề ngày 2/4 ÂL [22/5/1795] (BEFEO, 1933, t. 112).

[22] BEFEO, 1933, t. 90-91.

[23] Michel Đức tả vua lúc về già, ở trong cung, da trắng, còn Barrow tả vua lúc trẻ, xông pha chiến trận, ở trong Nam: da nâu.

[24] Michel Đức Chaigneau, Souvenirs de Huế, Imprimerie Impériale, Paris, 1867, t. 110-111.

[25] Launay III, t. 214.

[26] Tập VIII, Paris 1823, t. 147-202.

[27] Lá thư quan trọng này viết sau khi Bá Đa Lộc mất, được các tác giả rút ra từng đoạn, theo chủ đề (Launay, III, t. 374-382 và Cadière, Doc. Rel. t. 38, đề ngày 24/4/1800. Taboulet, trong La Geste française en Indochine, I, t. 268, đề ngày 14/4/1800). Le Labousse tường trình với hội thừa sai về sự nghiệp lớn lao của Ba Đa Lộc, về cái chết của vị giám mục (vì bệnh kiết lỵ ngày 9/10/1999) và về đám tang long trọng mà vua Gia Long dành cho ông. Lời lẽ có chỗ ca tụng vị giám mục thái quá, bởi là lời xúc động của một môn đệ sau khi thầy vừa qua đời, với chủ đích đánh động hội thừa sai về công lao Bá Đa Lộc trong sự mở mang việc truyền giáo ở Việt Nam: ông trình bầy Bá như "cha đỡ đầu" của Gia Long và vì "sợ" Bá Đa Lộc mà Tây Sơn không dám tấn công Sài Gòn! Những lời này trái hẳn với những điều ông viết trong thư ngày 12/7/1796 gửi giáo sĩ Boiret, ông cho biết: trong 7 năm (1789-1796) vị giám mục không gặp vua quá 10 lần. (Launay, III, t. 309-310).

[28] Đoạn in trong La Geste française en Indochine, Taboulet thêm câu này: "luôn có các sĩ quan Pháp giúp, bởi vì kỹ thuật và nghề nghiệp ở đây còn kém tinh xảo rất xa Âu châu" (Taboulet, I, t. 268).

[29] Đoạn Taboulet trích, thêm câu: Phượng Phi do Vannier điều khiển, có Renon phụ tá; Bằng Phi do de Forçanz điều khiển và Long Phi do Chaigneau (Taboulet, I, La flotte cochinchinoise en 1800 (Hạm đội Nam Hà năm 1800), t. 257).

[30] Câu in trong Taboulet I, như sau: "Trong cung của ông có nhiều sách viết về kiến trúc, thành đài. Ông thường giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước, khỏi cần đọc những lời giải thích bằng chữ Pháp vì ông không đọc được" (Taboulet I, t. 268).

[31] Taboulet thêm vào đoạn sau đây: "Đức Giám Mục Bá Đa Lộc và ông hoàng này là hai người xuất chúng, mà sử sách của triều đình sẽ lưu danh thiên cổ. Thế kỷ của họ sẽ làm nên thời đại. Người ta sẽ ngạc nhiên khi đọc thấy rằng vị quân vương có khả năng học hỏi nhất, xứng đáng được cai trị nhất, đã có hạnh phúc (bonheur) được gặp người có khả năng nhất, dậy ông và rèn luyện ông trong việc cai trị" (Taboulet, I, t. 268).

[32] Alfred đại đế của Anh (871-899).

[33] Về đội kỵ binh cưỡi trâu, bản của Montyon ghi thêm: "Trâu thay ngựa trong chiến trận xưa, nay đã bỏ". Taboulet ghi lời giải thích của tướng Lemonnier: "Đội kỵ binh cưỡi trâu có lẽ là một thứ kỵ binh có nhiệm vụ an ninh gần. Không thấy nói đến các hành động sốc của đội quân này. Cũng không có chiến tích gì, nên đã bị bãi bỏ ngay" (Taboulet, I, t. 257, note 1).

[34] LT, 2, t. 25-27-32.

[35] TL, I, t. 366, 438.

[36] Launay, III, t. 384.

[37] Taboulet, I, t. 256.

Thụy Khuê

 

© Copyright Thuy Khue 2015