Thụy Khuê

 Hélène Péras và Hàn Mặc Tử


     "Cả cuộc đời ngắn ngủi, tan vỡ từ tuổi 24 vì bệnh cùi, Hàn Mặc Tử đã dành cho thơ, dành cho những tìm kiếm trinh trắng thiết tha giao hòa một tình yêu tuyệt vọng hướng về những người con gái đã xa, và cái cõi ngoài của tình yêu trần thế ấy, ở trong những bài thơ cuối cùng, Hàn Mặc Tử gọi là Thượng Thanh Khí.
     Cho tới tận cùng của vô vọng, thơ Hàn luôn luôn là một êm ái dịu dàng, một ánh sáng vô minh, một niềm vui huyền diệu làm cho Hàn rung động đến phút cuối. Hàn viết: "Vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh".

     Những lời trên đây của nhà xuất bản mà chúng tôi trích dịch ở bìa sau tập thơ Le Hameaux des Roseaux (1), Ðây Thôn Vĩ Dạ, như lời bạt (2), nói về nhà thơ mệnh yểu, mất năm 29 tuổi, mà Hélène Péras đã dịch, và dịch với những rung động đồng điệu của hai tâm hồn thơ, một Pháp, một Việt, gặp nhau trên cung bậc tha thiết và bí mật của thi ca.

     Hàn Mặc Tử chúng ta đã biết, còn dịch giả là ai? Bà là ai mà hiểu Hàn đến thế? Ở đây chúng tôi không tìm đến những chữ hoặc những hình ảnh đôi chỗ còn có thể bàn lại, bởi vì biết dịch là khó, dịch thơ lại càng khó hơn. Và dịch thơ Hàn Mặc Tử không dễ dàng gì. Thường thường những nhà thơ lớn là những nhà thơ không thể dịch được. Nguyễn Du, từ Nguyễn Văn Vĩnh đến nay đã có biết bao nhiêu bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, nhưng thường là các dịch giả mới chỉ viết thơ Nguyễn Du ra văn xuôi. Hôm nay, đối diện với Le Hameaux des Roseaux, Ðây Thôn Vĩ Dạ, độc giả có một tác phẩm của Hàn Mặc Tử được chuyển sang tiếng Pháp, dưới ngòi bút của nhà thơ Hélène Péras.
     Tập thơ này, Hélène Péras đã dịch với sự cộng tác của Vũ Thị Bích, chứng tỏ mọi khó khăn rồi sẽ vượt qua với một tấm lòng, và từ nay, độc giả Pháp có thể tiếp cận với thơ Hàn Mặc Tử qua bản dịch, có lẽ là đầu tiên này.
 
 

     Như chúng tôi vừa nói, dịch giả là một nhà thơ, nhưng trước đó, bà đã đi theo con đường triết học và y học, rõ hơn, Hélène Péras là bác sĩ phân tâm, luận án trình năm 1956 có tựa đề La notion d'intuition en psychopathologie - Khái niệm trực giác trong Bệnh lý học tâm thần. Thiếu thời đã làm thơ, nhưng nguồn thơ thực sự trở lại từ những năm 60. Tác phẩm đầu tiên của bà xuất hiện năm 1978, tựa đề Résonances - Âm Vang. Tác phẩm thứ nhì, năm 1983, La mémoire et la voix - Ký Ức Và Tiếng Nói (Arfuyen, 1998). Tập thơ mới nhất Le dévoilement - Vén Màn, ngỏ thấy một khoảng trời thơ mà chất mãnh liệt nằm trong cái dịu dàng. Trước những hình ảnh có thể là thơ mộng, Hélène Péras vén màn vào những đau thương không hiểu được của thế giới vô minh, vô định. Bài thơ tựa đề Việt Nam, làm năm 1993 trong tập thơ này, đã giao hưởng những khía cạnh dịu dàng, tha thiết mà trào máu ấy.

     Việt Nam, Hélène Péras đã đến từ khi bà bắt đầu tìm hiểu tiếng Việt gần mười năm nay, chuyến đi Việt Nam năm 1993 âm ỷ từ lâu, đã làm bà xao động, và có lẽ từ đó mà có quyết định dịch thơ Hàn Mặc Tử chăng? Le Hameaux des Roseaux, Ðây Thôn Vĩ Dạ, là một công phu, một cố gắng trong năm năm trời, với 60 bài thơ chọn lọc trong các tập Lệ Thanh thi tập, Gái Quê, Ðau Thương, Xuân Như Ý Thượng Thanh Khí. Bài Ðây Thôn Vĩ Dạ, thường được xếp vào phần Hương Thơm trong tập Ðau Thương, được dịch giả xếp vào Thượng Thanh Khí  (3).
     Hélène Péras không chỉ có dịch mà bà đã nghiên cứu về Hàn Mặc Tử, về thơ mới một cách sâu sắc, tận tình. Cuối tập thơ là một tiểu sử Hàn Mặc Tử, vừa chính xác, vừa kỹ càng. Hélène Péras đọc và viết tiếng Việt thành thạo, nhưng khi nói bà còn gặp khó khăn với những cách phát âm, e rằng người nghe khó tiếp nhận, cho nên bà nghĩ có lẽ tốt hơn hết, bà nói tiếng Pháp, rồi chúng tôi chuyển sang tiếng Việt.
 
 

*

Thụy Khuê: Thưa chị, lý do gì đã khiến chị tìm đến thơ Hàn Mặc Tử  và không là một thi sĩ khác của Việt Nam?
Hélène Péras: Tại sao tôi lại đến với thơ Hàn Mặc Tử? Mọi sự xẩy ra như sau: Khi tôi bắt đầu tiếp cận tiếng Việt, tôi học với chị Vũ Thị Bích, bạn tôi, chị Bích đưa tôi đọc vài mẩu thơ của Hàn Mặc Tử và tôi cảm thơ ông từ đấy. Lúc ấy, tiếng Việt của tôi vẫn còn thô sơ, cho nên tôi phải học thêm, đào sâu thêm, và dần dần tiến thêm, tôi đọc được thơ Hàn Mặc Tử, sau đó tôi có ý định dịch và in tập thơ này, với sự cộng tác của chị Vũ Thị Bích, bởi vì, nếu không có chị thì chắc tôi đã không hoàn tất được tác phẩm này.
 

TK: Chị và chị Vũ Thị Bích đã làm việc như thế nào?
HP: Ðây là một công việc dàn trải trên năm năm. Như tôi vừa nói lúc nẫy, bước đầu là tự tôi, phải đọc và hiểu thơ Hàn Mặc Tử, nhưng dĩ nhiên, với khả năng tiếng Việt còn non yếu, tôi phải nhờ chị Bích giúp, nhất là khi tôi dịch mà vấp phải những từ Hán Việt, hoặc những từ không có trong từ điển, chị Bích đã giúp tôi tránh dịch phản nghĩa, điều đó rất quan trọng. Và trong việc chọn lựa 60 bài thơ, chúng tôi cùng chọn với nhau. Tại sao lại 60, mà không 70 hay 50? Là bởi tôi có tham vọng in cuốn thơ này vào năm 2000, năm giỗ thứ 60 của Hàn Mặc Tử. Lục tuần là một con số quan trọng trong tuổi thọ, tuổi đời đối với người Việt. Năm đó lại là năm Canh Thìn, và cả một chu kỳ vừa chấm dứt để bắt đầu một kỷ nguyên mới. Do đó, trong thâm tâm tôi muốn tặng tác phẩm này cho Hàn Mặc Tử ở sinh nhật lục tuần ngày ông ra đi, cho nên số 60 là sự lựa chọn có ý nghĩa huyền bí.

TK: Tại sao chị lại chọn thể thơ tự do trong khi thơ Hàn Mặc Tử có vần điệu?
HP: Ðơn giản thôi: Bởi vì việc chuyển ngữ sang thơ Pháp có vần sẽ đưa đến rất nhiều phản nghĩa. Hơn nữa, cũng không thể chuyển từ một ngôn ngữ đơn tiết như tiếng Việt, với những câu thơ bẩy chữ, tám chữ, sang một câu thơ tiếng Pháp đều đặn, mà chữ Pháp như ta đã biết, thường đa tiết, làm như thế sẽ không tránh khỏi việc phá vỡ ý và lời thơ. Tôi nghĩ rằng trong việc dịch, chúng ta phải rất khiêm nhượng, cố gắng nói lên bằng giọng người dịch, cái tiếng của nhà thơ, chứ không được áp đặt một cách giả tạo những vần điệu không ăn nhập gì với ngôn ngữ thơ của tác giả.
 
 

Trong câu chuyện ngoài lề, Hélène Péras đã nói nhiều về trường thơ loạn, về Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê, như thể một dịch giả, ngoài việc tìm hiểu nhà thơ mà mình dịch, còn phải đi xa, đi càng xa càng hay, về những bối cảnh xung quanh nhà thơ, về thời đại của tác giả và về những người cùng thời với tác giả. Những nhận thức đó của Hélène Péras dẫn chúng tôi đến câu hỏi:

TK: Chị nghĩ gì về "Trường thơ loạn", về những người bạn của Hàn Mặc Tử như Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê... mà chị rất biết về họ?
HP: Thời kỳ ấy, như mọi người đã biết, là một thời kỳ lịch sử đầy xao động, khó khăn và những biến cố lịch sử kinh hoàng của thế giới đang ngấm ngầm chuẩn bị. Tôi rất xúc động nhìn thấy, giữa những xáo động ấy, có một nhóm người Việt trẻ tuổi, sau này trở thành nhóm nhà thơ trẻ Bình Ðịnh, xoay quanh Hàn Mặc Tử; họ trao đổi với nhau, đưa ra những tranh luận sôi nổi về thi ca, những người viết trẻ này rất quý mến nhau, họ say mê thể loại Thơ mới vừa ra đời ít lâu trước đó, nhưng phải nói là nhờ họ mà phong trào Thơ mới được mở rộng: những cấm kỵ, những niêm luật khắt khe của thơ đường luật đã tan vỡ để nhường chỗ cho một cách diễn đạt mới, một trữ tình cuồng nhiệt và thành thực, và tôi nghĩ rằng những điều đó rất đáng được chú ý. Trong số những người ấy phải kể Chế Lan Viên, Yến Lan, sau nữa là Bích Khê và Quách Tấn, bạn thân của Hàn Mặc Tử. Tuy Quách Tấn là một nhà thơ cổ điển, nhưng ông vẫn giữ mối liên lạc chặt chẽ với nhóm này. Hiện tượng những nhà thơ trẻ này cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng, nhất là người ta tìm thấy trong ngôn ngữ thơ của Hàn Mặc Tử, những điểm mà người ta lại thấy trong cách diễn tả của những người khác. Ví dụ có những điểm tương đồng trong thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê, Hàn Mặc Tử và Yến Lan. Tôi nghĩ rằng đây có một hiện tượng mà người ta gọi là liên văn bản - l'intertextualité rất thú vị.

TK: Trong thơ Hàn Mặc Tử, chị có thấy một liên hệ tương quan nào đó giữa Hàn Mặc Tử và những thi sĩ lớn của Pháp, như Baudelaire chẳng hạn?
HP: Tôi nghĩ rằng phải cân nhắc kỹ khi trả lời câu hỏi này. Dĩ nhiên là có dấu ấn của việc đọc những nhà thơ lớn của Pháp, những nhà thơ lãng mạn, hậu lãng mạn và tượng trưng. Nhưng nếu có những dấu vết ấy thì nó đã được tiêu hóa nhuần nhuyễn, được hội nhập sâu xa, trong tinh thần và cảm xúc thi ca Việt Nam. Chắc chắn là qua những tiếp xúc với các nhà thơ Pháp, có sự giàu thêm, phóng khoáng hơn, tự do hơn, về cách diễn tả những trữ tình và cảm xúc, nhưng ở Hàn Mặc Tử không bao giờ có sự bắt chước hay sao chép dưới bất cứ hình thức nào, mà ảnh hưởng này đã tan ra, biến vào thơ ông, để trở thành một nghệ thuật hoàn toàn Việt Nam.
 Lúc nãy chị có nhắc đến Baudelaire, tất nhiên là có dấu vết  Baudelaire, ngoài ra, chính Hàn Mặc Tử cũng đã giải thích điều đó trong một bài viết về quan niệm thơ của ông. Trong bài này, Hàn vừa công nhận món nợ với Baudelaire, lại vừa giữ khoảng cách với Baudelaire, mà theo ông tự nhận xét, thì những đam mê của mình nghiêng về tinh thần, còn ở Baudelaire, những đam mê nghiêng về thể xác. Dĩ nhiên là ở Hàn Mặc Tử cũng có những đam mê thể xác, rất mãnh liệt nữa, nhưng chúng luôn luôn hướng thượng, về phía đạo. Chúng ta đừng quên Hàn Mặc Tử là nhà thơ công giáo, và điều này là cốt yếu trong tác phẩm của ông, nhất là trong phần cuối, ông đã nuôi dưỡng nguồn thơ của mình, không những qua thi ca mà còn qua cả thánh kinh, phúc âm, qua các lễ thức thánh giáo nữa.
 
 

*





     Câu chuyện đến đây đã dài, Hélène Péras muốn từ giã thính giả bằng hai bản dịch thơ  mà chị đã lựa:
 
 

              Gái quê

 Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự
 Tôi đều nhận thấy trên môi em
 Làn môi mong mỏng tươi như máu
 Ðã khiến môi tôi mấp máy thèm

      Từ lúc tóc em bỏ trái đào
      Tới chừng cặp má đỏ au au
      Tôi đều nhận thấy trong con mắt
      Một vẻ ngây thơ và ước ao

 Lớn lên em đã biết làm duyên
 Mỗi lúc gặp tôi che nón nghiêng
 Nghe nói ba em chưa chịu nhận
 Cau trầu của khách láng giềng bên.
                                  Hàn Mặc Tử

 


 

                        La jeune fille du village
 
Le printemps jeune, tendre, sage,
Je le reconnais sur tes lèvres,
Tes lèvres fines, éclatantes de vie
Qui font frémir les miennes de désir

       Depuis le temps où tu laissais les mèches de tes cheveux
       Frôler tes joues vermeilles
       J'ai toujours vu dans tes yeux
       L'innocence et l'espoir

En grandissant tu as appris le charme
Chaque fois que tu me rencontres tu te caches en inclinant ton chapeau
On dit que ton père ne consent pas encore
À recevoir de l'étranger voisin l'arec et le bétel.
                                           Hélène Péras dịch


 
 

             Ðây thôn Vĩ Dạ

 Sao anh không về chơi thôn Vĩ
 Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
 Vườn ai mướt qua xanh như ngọc
 Lá trúc che ngang mặt chữ điền

         Gió theo lối gió, mây đường mây
         Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
         Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
         Có chở trăng về kịp tối nay?

 Mơ khách đường xa, khách đường xa...
 Áo em trắng quá nhìn không ra
 Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
 Ai biết tình ai có đậm đà?
                                    Hàn Mặc Tử

 


 
 

                    Voici le Hameau des Roseaux
 
Pourquoi ne pas retourner au Hameau de Roseaux
Voir le soleil levant sur les rangs d'aréquiers
Un jardin tout luisant comme de jade vert
Le visage parfait au travers des bambous.

        Le vent suit le chemin du vent, les nuages la route des nuages,
        Tristesse de l'eau qui coule, frémissement des mais en fleurs,
        À qui est cette barque à l'amarre là-bas aux rives de la lune
        Et pourra-t-elle à temps la transporter ce soir?

Rêve le voyageur sur la route lointaine, lointaine...
Ta robe est par trop blanche, je ne la discerne pas
Ici les êtres sont voilés de brume et de fumée
Qui connait la profondeur d'un tel amour?
                                           Hélène Péras dịch


 
 
 
 

Thụy Khuê thực hiện,
phát thanh trên đài RFI ngày 27/04/2002


 

Chú thích:
(1) tập thơ song ngữ Pháp Việt do Hélène Péras và Vũ Thị Bích dịch, nhà xuất bản Arfuyen, Paris 2001.
(2)Chú thích của Hélène Péras: Người xuất bản Gérard Pfister cũng là nhà thơ, đã viết lời bạt ở bìa sau.
(3) Chú thích của Hélène Péras:
    Trần Thanh Ðịch, trong Lời nói đầu tập Ðau Thương (1993), khẳng định trên cơ sở bản gốc: " Ðây Thôn Vĩ Dạ: Bài này Hàn Mặc Tử đặt vào tập Thượng Thanh Khí".