Thụy Khuê

Kawabata 1899-1972

Tâm hồn Nhật Bản (tiếp theo)

Nhật Bản trong Kawabata phải là người phụ nữ. Những cương cường, khí phách, những hùng tráng của nam giới trong tinh thần "võ sĩ đạo" dường như đã bị mềm đi, đã bị khuất phục trước những uyển chuyển, thướt tha trong dáng vóc, réo rắt trong tiếng đàn, khúc mắc trong ánh mắt, tâm hồn người kỹ nữ geisha. Trước tấm thân trần của "người con gái ngủ", những tội lỗi một đời được "rửa đi" như đức Phật từ bi cứu khổ, cứu nạn, cho những cuộc đời lão ông gần đất xa trời.

 Nếu tưởng tượng -nền móng của sáng tác- dựa trên bốn trụ: nước, lửa, đất, trời, như Bachelard đã hơn một lần xác định, thì vũ trụ tưởng tượng của Kawabata khởi đi từ hai yếu tố cơ bản: lửanước, để đồng quy ở người phụ nữ Nhật Bản, rồi từ nàng nhà văn dẫn chúng ta đến những chân trời khác như trà đạo, nhạc đạo... trước khi bước vào chặng chính và cũng là chặng cuối: cái chết. Hành trình đó là tâm hồn Nhật Bản trong Kawabata. Bởi chưa thấy nhà văn nào đi sâu vào thể xác và tâm hồn người phụ nữ đến thế. Như thể ông "trích dẫn" tâm hồn ấy trong não trạng dân tộc ông, trong thiên nhiên đất nước ông, một thiên nhiên kỳ lạ về mộc thảo, khắc nghiệt và tuyệt vời về khí hậu, một thiên nhiên mong manh vô cùng và cũng mạnh mẽ vô cùng.

 Gương là yếu tố thứ ba cho nhà văn tự soi mình và soi người phụ nữ. Đôi mắt sâu như đêm tối của Kawabata thôi miên người đàn bà, xoáy vào gương, nhân cảnh thật lên thành cảnh ảo, cảnh phù ảo, diễm lệ, ma quái, không từng có. Nghệ thuật huyễn hoặc hoá thực tại như thế còn được gọi là nghệ thuật huyền ảo, mà lâu nay những nhà văn Châu Mỹ La Tinh được coi như nắm tác quyền. Nhưng ở Kawabata, có một thứ huyền ảo khác, phát sinh từ thực tế không thêm bớt, từ một ảnh thực được nhân lên trên đài gương, tương tự như thủ pháp của Orson Welles trong điện ảnh. Huyền ảo ấy có một dư vị khác: nhà văn tự ngắm mình trong tinh thần Narcissisme Nhật Bản, rồi cả "mình" cả Nhật Bản hiện trở lại trong người phụ nữ, dưới các hình thức: yêu kiều diễm lệ như một geisha, dưới lớp sáp trắng là cả một trời khổ đau và bất hạnh (Xứ tuyết); "nhờn nhợt màu da" như vị trà sư có màu sắc Tú Bà, biểu hiện thời tàn phai trụy lạc của hơn ngàn năm văn hiến (Ngàn cánh hạc); âm ỷ như tiếng lòng thầm kín vô thanh nhưng vô cùng vũ bão, vô tận như sơn âm trong lục phủ một người đứng tuổi (Tiếng núi); ngây thơ như những thiếu nữ đồng trinh khoả thân nằm ngủ, búp bê sống của những lão ông gần đất xa trời, muốn xám hối tội lỗi, hay muốn lắp ghép lại những phút đắm say trong đời sống nhục dục đã qua, không có cách nào trở lại được (Người đẹp ngủ).

Mỗi tiểu thuyết của Kawabata là một đài gương cho nhà văn ngắm mình ở những chặng đời: tuổi trẻ, trung niên và tuổi già. Mỗi tác phẩm là một cơ hội phân tâm ngọn lửa tình thiêu đốt con người trong mỗi giai đoạn sống. Lửa ấy -như Bachelard đã một lần tìm ra nguồn gốc- không bắt nguồn từ sự cọ sát hai khúc gỗ khô, hay hai hòn đá, mà đầu tiên hết, lửa sinh từ sự cọ sát hai thân: con người lấy kinh nghiệm bản thân để làm ra lửa, ngọn lửa đầu tiên phát sinh từ cuộc sống và sinh ra cuộc sống, là ngọn lửa tình. Bachelard dựa trên phép luyện đan thời cổ, tương ứng với triết học đông phương, và chúng ta lại có thể kiểm nghiệm một lần nữa trong các tác phẩm của Kawabata: bởi tình yêu ở đây mang những nét tinh khôi tuyệt đối, tình đầu mà cũng là tình cuối, tình yêu đến chết. Tình trong Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Tiếng núi, và Người đẹp ngủ, là những trắc diện khác nhau của cuộc tình Roméo-Juliette, mà khiá cạnh hoành tráng bi kịch thời trung cổ đã bị xoá đi bằng thủ pháp mổ xẻ gần như lạnh lùng cái đớn đau âm thầm và khốc liệt bên trong của những giọt lệ đá. Xứ tuyết là ngọn lửa tình cháy trong băng tuyết. Ngàn cánh hạc là ngọn lửa tình xuyên hai thế hệ, thiêu rụi nghệ thuật trà đã năm trăm năm tuổi. Tiếng núi là ngọn lửa diệm sơn chôn sâu trong lòng đất những khát vọng âm ỷ của một ông già. Và những Người đẹp ngủ là những đức Phật Quan Âm, xoa dịu những ngọn lửa đớn đau thống khổ thiêu đốt bên trong những tâm hồn gần đất xa trời. Thế giới Kawabata là thế giới mà người đàn bà là ngọn lửa từ bi cứu rỗi.

 

 

 Lửa và tuyết

 Lửa và tuyết là hai yếu tố chính trong Xứ tuyết. Lửa cấu tạo nên tình yêu, thiêu đốt ba nhân vật: Shimamura, Komako và Yôko. Tuyết làm nền cho xứ mộng. Xứ tuyết lộ ra dưới "chân trời trắng" đẩy lùi bóng đêm trong đường hầm, ảnh ảo của một vùng đất có thật: đường hầm Shimizu (cách Tôkyô 175 cây số về phiá bắc) nằm trên tuyến xe lửa Jôetsu ngày trước nối liền Tôkyô với Niigata. Người đi, từ kinh thành Tôkyô, chốn thị tứ ấm áp phía nam bên bờ Thái Bình Dương qua 11 cây số đường hầm, đến vùng tuyết trắng giá băng trên bờ biển Nhật Bản. Người đi trốn Tôkyô để đến xứ tuyết, trốn cuộc đời thực để tìm đến cuộc sống mộng ảo phù du.

Xứ tuyết thoạt tiên được Kawabata cho in từng đoạn, trên nhiều báo khác nhau, từ 1935 đến 1947. Trong vòng 13 năm, từ 1935 đến 1948, các chương được ông viết đi viết lại nhiều lần. Giữa bản đầu, in năm 1937, và bản 1948, có một khác biệt sâu xa: ấn bản đầu chưa có đoạn đám cháy trên núi tuyết. Rất có thể, sau 11 năm kinh nghiệm sống và viết, nhà văn đã tìm thấy lửa như một kết cấu luân hồi: lửa sinh ra tình yêu và lửa cũng có khả năng hủy diệt, trở thành dứt điểm của tình yêu.

 Kawabata dành 13 năm để hoàn tất một cuốn truyện 250 trang. Tác phẩm như một bức họa đen trắng đệm nhạc: nổi bật trên nền trắng của tuyết, của sáp mặt kỹ nữ geisha, là sắc đen trong màu tóc Komako, trong xiêm áo của nàng, là tiếng đàn shamisen réo rắt. Nếu trong truyện thật ngắn, Kawabata chỉ họa những nét phác chính, để trống những nét phụ cho người đọc vẽ vời thêm; thì trong tiểu thuyết, bút ông chạy những nét li ti, cực kỳ chi tiết vào vật chất, vào tâm hồn. Ông tạo hình như một nhà phân tâm học vừa tìm ra một mỹ cảm mới: rọi xuống đáy sâu trong lòng người bằng ngòi bút của một nghệ sĩ sành thơ và hoạ.

 Người ta nói nhiều đến đôi mắt cực kỳ đặc biệt của Kawabata và những ai đã gặp ông, khó tránh bị thu hút bởi đôi mắt có khả năng suyên suốt ấy, nhưng những người chưa gặp Kawabata, cũng có thể nhìn thấy đôi mắt lạ kỳ ấy trong tác phẩm của ông. Nhân vật bị ông thôi miên. Khả năng hút cạn nguồn sinh lực của nhân vật để nhả vào tác phẩm có một không hai của nhà văn độc đáo này làm bật tính khốc liệt trong những động tác bình thường gần như nhàm chán của cuộc sống hàng ngày.

 

Tình yêu tuyệt đối giữa Shimamura và Komako được soi trong con ngươi, con ngươi mà Apollinaire gọi là "chúa tể của mắt" (Christ de l'oeil) và Yôko hiện ra bên cạnh như chiếc bóng, trong gương của tình yêu.

Con ngươi phù thủy ấy thường trực hướng về phụ nữ. Mắt Shimamura trong Xứ tuyết (cũng như Kikuji trong Ngàn cánh hạc, Shingo trong Tiếng núi, Eguchi trong Người đẹp ngủ) đã bị đồng tử của Kawabata nhập vào. Rất có thể vì ông chưa tìm ra cách nhập được vào người phụ nữ, cho nên ông đành nhập vào những nhân vật nam trong truyện, mượn mắt của họ để chiếu vào người phụ nữ. Nhưng mỗi lần dở thủ pháp ra, Kawabata lại gặp trở ngại trước một thế giới huyền hoặc, mơ hồ, không sao soi tỏ được. Bởi mỗi người đàn bà là một hành tinh bí mật. Mỗi người đàn bà là một thái dương thần nữ, là một chủ thể của đam mê, dục vọng khác nhau.

Suối nước nóng trên núi là những điểm trọ mà Kawabata rất thích mang vào truyện của mình, bởi dòng nước là nguồn sinh lực nuôi những giấc mơ, những hồi ức. Sự gặp gỡ và chia tay không hẹn lại giữa Shimamura và Komako, như những giấc mơ trên tuyết, điệp lại ba lần, mỗi lần là một đắm say, là sống, là yêu, là sống lại, là giận dỗi, là ghen tuông, là thề thốt, là nước mắt. Tình yêu ấy được nhìn theo chiều duy nhất: chiều Shimamura hướng về Komako, qua chiếc bóng Yôko. Đó cũng là chiều mà Shimamura muốn khám phá người phụ nữ. Một chiều thất bại, không thể khám phá được: bởi không riêng gì Kamako, mà hầu như tất cả những nhân vật nữ trong tác phẩm của Kawabata, đều huyền hoặc như những áng mây. Dù huy hoàng, lộng lẫy, hay âm u, đen tối, họ luôn luôn ẩn giấu những khoảng mờ ảo bí mật không thể nào nhìn rõ được. Nhà văn bèn nhân những huyền bí ấy lên thành vô vàn huyền bí khác trên một đài gương, và không gian phụ nữ trong Kawabata trở thành một khung kính vạn hoa, muôn ngàn màu sắc.

Trên chuyến tầu từ đông sang tây, Shimamura có đó, chàng lên núi để gặp lại người tình, nhưng hôm nay chàng để ý đến một bóng hình khác: người con gái đi kèm với một thanh niên, có vẻ ốm nặng. Chàng bắt đầu lặng lẽ quan sát hai khuôn mặt:

"Trên phông kính đằng xa cảnh chiều chạy ruổi như một nền gương di động; những mặt người phản chiếu trên gương, khá rõ, giống như những hình ảnh tới tấp chồng chéo trong một cuốn phim. Những hình ảnh di động ấy tuy không liên hệ gì với hai khuôn mặt kia, vậy mà có vẻ như chúng đều chung một độ huyễn hoặc, và sự trong suốt gần như phi vật thể của hai khuôn mặt này dường như đồng loã và đồng nhất với cái mờ ám âm u của cảnh đêm, làm thành một vũ trụ duy nhất, một loại thế giới tượng trưng, siêu hình không hiện hữu. Một thế giới đẹp không sao tả xiết đang xâm nhập tim chàng, tưởng chừng có thể làm khuynh đảo tất cả, nhất là lúc từ xa trên núi một tia sáng vu vơ nào đó bỗng rạng ngời trên khuôn mặt người thiếu phụ, nâng vẻ đẹp lạ thường này lên đến mức lạ thường không sao tả xiết".

Ở một đoạn sau Kawabata viết:

"Ánh sáng yếu ớt trong toa tầu làm cho những gì Shimamura nhìn thấy qua ánh gương phản chiếu lại, không nổi và rõ như một hình ảnh trong gương thật. Khiến hồi sau chàng quên hẳn rằng mình đang ngắm một hình ảnh phản chiếu trong gương, dần dần chàng tưởng rằng có một khuôn mặt phụ nữ thật đang dập dềnh trước mắt, và khuôn mặt đó đang bị cuốn theo dòng thác chứa đầy những phong cảnh âm u quái đản đang chảy xiết ".

(trang 423 và 424, tuyển tập Kawabata, nxbAlbin Michel, 2002, trích dịch theo bản dịch tiếng Pháp của Fujimori Bunkichi với sự cộng tác của Armel Guerne)

 

Gương là một trong những "dụng cụ" Kawabata dùng để phân ảnh, ghép ảnh và bội ảnh.

Nhưng mặt gương luôn luôn phản chiếu rõ quá, thật thà và thô sơ quá. Mặt gương cho ta những bức ảnh chụp của thợ, không dùng được trong văn chương. Nhà văn bèn tạo đài gương riêng cho mình bằng khung kính trên nền tối của trời đêm: Trong toa tàu, gương đêm chiếu vào khuôn mặt nữ đầu tiên: Yôko. Và từ nàng, Kawabata tạo ra thế giới huyền ảo: ánh lập loè của những ngọn đèn xa trên núi và ánh sáng chập chờn của toa tàu chiếu vào phong cảnh và hành khách, phản hồi trên mặt kính, tạo thành một vũ trụ siêu hình ma quái.

Hầu như tất cả những hình ảnh trong Xứ tuyết, bằng cách này hay cách khác đều được chiếu theo thủ pháp gương như thế, kể cả những chỗ nhà văn không trực tiếp dùng đến gương nữa, nhưng vẫn có ánh sáng phản hồi: Yôko, qua khung kính của toa tàu, hiện ra như khúc nhạc dạo đầu, như sự hiện diện của Thúy Vân dự báo và làm trội thêm nét đẹp "Kiều càng sắc sảo mặn mà". Yôko là bóng, là âm thanh, Yôko dự báo Komako. Sự xuất hiện của Yôko làm lộ chất thi nhân trong Shimamura: với độ nhạy cảm bất thường, chàng có thể nắm bắt những ảnh thật mà thiên nhiên và con người cung cấp cho chàng để ảo hoá chúng thành thơ. Trong suốt 250 trang truyện là những bài thơ theo thể liên hoàn nối tiếp nhau tuôn theo dòng bút.

Nhờ đài gương làm trung gian, Shimamura có thể điềm nhiên ngắm người đẹp mà không sợ bị ai bắt gặp. Mà cả khung kính, lẫn nền đen của màn đêm, đều như đồng loã với chàng, chúng thay nhau phản chiếu khuôn mặt người con gái ngồi hơi xế trước mặt. Shimamura đặc biệt chú ý đến thanh âm lạ lùng thoát ra trong tiếng người con gái, sự phát âm yêu kiều quyến rũ một cách lạ kỳ, dạo đầu cho tiếng đàn shamisen của Komako. Yôko là những đam mê thầm kín, mơ hồ, chưa tỏ. Yôko chỉ là nốt nhạc đệm cho một truyện tình có âm hưởng Thúy Kiều Thúc Sinh, qua ba trường canh, mỗi trưòng canh được đánh dấu bằng một âm bậc tột đỉnh: Nhan sắc Komako. Tiếng đàn Komako và Ngọn lửa trên núi tuyết.

 

Trường canh đầu nổi lên với nhan sắc của Komako và tiếng "sét ái tình":

"Không còn hồ nghi gì nữa, chàng chỉ khao khát riêng nàng từ những phút đầu, nhưng chàng thường tự biện bạch quanh co, thay vì nhận thẳng, để đỡ mất công tìm chữ; chàng càng tự khinh, thì người phụ nữ ấy dưới mắt chàng càng thêm đẹp. Ngay từ khi nàng lên tiếng dưới rặng bách hương, chàng đã cảm thấy như một luồng gió mát xuyên suốt tâm can.

Sống mũi cao, mảnh mai, chỉ một nét âu sầu cũng đủ xúc cảm lòng người, nhưng đoá hoa môi lại xoá đi ngay: đôi môi, khi khép, khi mở, nồng nàn dao động đượm vẻ yêu kiều đến độ tham lam, man dại. Ngay cả khi nàng không nói gì; làn môi vẫn sống, vẫn động. Rạn ra hay chau lại, hoặc chỉ một chút sắc son bớt thắm, là đã hiện lên những nét phong nhu, nhưng màu môi vẫn giữ nguyên vẹn vẻ mượt mà mềm mại tươi tắn. Đường mi, không cong không dài cắt mí mắt thành một vạch thẳng gần như kỳ cục đến tức cười, nếu không có những sợi mày tơ ngắn, rậm tế nhị ôm vòng xuống. Khuôn mặt tròn trĩnh nhưng hơi quắm, thật ra không có gì đặc biệt. Nhưng nước da màu sứ hồng tuyệt vời, với chiếc cổ trinh bạch và làn vai rắn chắc tỏa ra chút gì sung mãn. Nàng đem lại ấn tượng thật tươi mát với tất cả sức quyến rũ của sắc đẹp, ngay khi chính nàng chưa hoàn toàn là một người đẹp. (trang 442).

 

Kawabata không tả cái đẹp mà ông tả cái duyên. Bởi duyên là mệnh, là sự gặp gỡ bất kỳ, là không định trước. Komako là duyên. Chỉ có đông phương mới thấm nhuần cái duyên một cách sâu xa như thế. Komako là ảnh thật, Yôko là ảnh ảo. Komako đến từ cõi này, Yôko đến từ cõi khác. Komako không vào loại "Làn thuy thủy nét xuân sơn, mây ghen thua thắm liễu hờn kém xanh", nhưng nàng vẫn mang phận Kiều: Vì hoàn cảnh gia đình, Komako học nghề geisha. Nhưng nàng chỉ muốn đàn ca cho khách chứ không muốn tiếp khách.

Shimamura, sau một tuần trượt tuyết, trở về trạm suối nước nóng nghỉ ngơi, chàng như Thúc Sinh, chỉ muốn tìm đến một cô gái làng chơi để tiêu khiển, và cũng không muốn dây dưa phiền toái, vì có ý định sau này sẽ dẫn vợ con lên nghỉ ở miền núi này. Còn, Komako, Komako là tấm "lòng trinh" còn sót lại của một thời "vàng son" mà người kỹ nữ có thể gieo nghệ thuật cầm ca trên cuộc sống. Komako là ngọn lửa cuối cùng của một nghề sắp tàn. Nàng mang tâm hồn thuần tuý geisha, nàng là "Bến Tầm Dương canh khua đưa khách" trong không gian "quạnh hơi thu lau lách đìu hiu". Nàng là cả một trời Đông về chiều trước cơn gió Tây thổi mạnh. Nàng là chút dư hương cuối cùng của một ngành nghệ thuật sắp tàn phai, chập chờn trong buổi giao thời.

 

Trường canh thứ nhì: Tiếng đàn Komako.

 Khi Shimamura trở lại xứ tuyết lần thứ nhì, chàng gặp Yôko trên tàu. Hình ảnh Yôko trong những phút đầu, đã xóa đi hình ảnh Komako trong óc chàng. Chàng đến lữ điếm "gọi" Komako -nay đã trở thành geisha chuyên nghiệp- ra tiếp khách. Nhưng tiếng đàn của Komako -lại một lần nữa- đưa Shimamura vào đam mê, vào tình yêu, không sao cưỡng lại được. Tiếng đàn có mãnh lực phù thủy. Hình ảnh Yôko xa dần. Tiếng hát nhân ngư tiêu diệt những chống cự cuối cùng: Shimamura nghiêng mình trước đắm say, bó tay trước định mệnh huyền hoặc, mặc cho tiếng đàn hát sai khiến chàng trở lại thế giới bí mật của tình yêu:

"Nàng bắt đầu dạo bản Kanjincho.

Shimamura đột nhiên cảm thấy như bị điện giật, luồng điện chạy khắp cơ thể khiến chàng rùng mình nổi da gà đến gáy. Như thể những nốt nhạc đầu tiên đã đào một rãnh sâu trong gan ruột chàng cho tiếng đàn shamisen đổ vào trong đó. Không còn ngạc nhiên nữa mà nỗi kinh ngạc làm chàng choáng váng sây sẩm như bị trúng đạn. Một thứ tình cảm thiêng liêng gần như sùng bái, kéo chàng đi, trượt ngã, chìm nghỉm dưới một bể luyến tiếc, ngậm ngùi, không thể cưỡng lại được. Chàng sung sướng đầu hàng vô điều kiện để yên cho sức mạnh ấy cuốn đi, theo đúng sở nguyện của Komako. Nàng làm gì chàng cũng được.

Kỳ nhỉ? Một kỹ nữ miền núi, một cô gái chưa tới hai mươi tuổi mà tại sao lại tài tình đến thế! Căn phòng hai người đang ngồi không lớn lắm, vậy mà sao nghe tiếng đàn như cao kỳ cất lên cho một cử toạ đại trào? Tất cả đều bị mê hoặc bởi chất thơ miền núi. Shimamura rơi vào mộng lúc nào không biết. Komako tiếp tục lâm râm theo một độc điệu, khi khoan khi nhặt, khi đào sâu từng nốt, khi lướt thoát trên những âm giai mà lúc đầu xem ra có vẻ tẻ nhạt; nhưng dần dần, chính nàng dường như cũng bị yêu thuật lôi cuốn đi, hân hoan trong say sưa kỳ diệu. Rồi tiếng hát vút lên lôi cuốn Shimamura trong trạng thái quay cuồng đến chóng mặt. Nào biết âm nhạc có thể xô đẩy mình tới đâu, chàng cố cưỡng lại, đầu gối lên tay, làm ra vẻ xa cách, ơ hờ. Khi bài ca chấm dứt, lấy lại được bình tĩnh, chàng thầm nghĩ "nàng yêu ta, người đàn bà này yêu ta" (trang 474).

Tiếng đàn Komako, trong như tiếng hạc bay qua, đục như tiếng suối mới sa nửa vời, tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa, như tiếng đàn Kiều, là tiếng định mệnh của những tàn phai không sao cưỡng lại được. Và sự gặp gỡ giữa hai tiếng đàn cũng là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn phương Đông, Nguyễn Du-Kawabata ở tuyệt đỉnh của nghệ thuật.

 

Trường canh thứ ba mở ra với ngọn lửa.

Gươngtuyết là hai yếu tố ngoại hình tác động, lửa là kiến trúc nội tâm của tình yêu. Trong trường canh ba này, lửa chiếm trọn khán đài, lửa choán cả nội tâm lẫn ngoại cảnh. Gương vẫn phản chiếu thực tại, khi làm nhoè đi, khi rọi sáng thêm những khúc mắc của tình yêu. Tuyết là nước trong thể đặc biệt, không lỏng mà cũng chưa đặc. Tuyết ở điạ vị trung gian, trắng ngần băng lạnh, dung hoà nhiệt độ những thiêu đốt, làm sáng những đòi hỏi, giảm tính cực đoan trong tình yêu tuyệt đối.

Khi Shimamura trở lại xứ tuyết mùa thu năm sau. Nồng độ tình yêu đồng biến với nồng độ xa cách, giận hờn, ghen tuông, sóng gió. Tình yêu đã đến đỉnh và ở đỉnh chỉ còn hư không. Đám cháy tất yếu phải xẩy ra, hoả hoạn phải bùng lên đốt hết: cháy nhà kho chứa kén: kho tơ. Cháy kho tơ. Mọi chi tiết, từ kén đến , đều mang ý nghiã tinh vi, nguyên thủy. Kawabata trình bày màn cuối bi tráng huy hoàng: Lửa hồng đốt tơ trên tuyết trắng, khốc liệt như đám cháy trong lòng những kẻ đang yêu. Ai đốt kho tơ? Yôko chết trong hỏa hoạn. Tai nạn hay tự tử? Yôko đem bí mật về cõi bên kia. Komako mang xác Yôko như gánh thập tự, gánh "tội yêu" của chính mình. Shimamura nhìn lửa, soi mình, không tìm ra một đầu mối nào hết, chỉ cảm thấy sự xa lià sẽ phải đến. Những đớn đau, khúc mắc trong tim hai người đàn bà, đối với chàng vĩnh viễn vẫn chỉ là bí mật. Bí mật phụ nữ. Bí mật Nhật Bản. Trên trời, dòng ngân hà vẫn trôi như không từng có chuyện gì xẩy ra.

 

 

Ngàn cánh hạc

 Trong tác phẩm Trà sư (Le Maître de thé) của Inoué, lịch sử trà đạo ở Nhật từ thế kỷ 16 tời ngày nay, mở đầu với vị trà sư Rikyũ chủ môn trường phái nghệ thuật uống trà thanh đạm, được viết thành một tác phẩm văn học giá trị, phơi bày mặt trái của lễ nghi: trà đạo hơn bốn thế kỷ, bị thế quyền phong kiến sử dụng như một mụ mối trong chợ chính trị. Những buổi thiết trà thường là mặt tiền che đậy những cuộc thương lượng bên trong, và những vị trà sư khả kính chỉ là những quân cờ dưới trướng các lãnh chúa. Những cái chết bí mật của các thủ lãnh trường phái trà đạo, trong suốt bốn thế kỷ, nằm trong những bí mật của nghệ thuật trà trị, và họ chết đi, mang cả bí mật của trà trị sang thế giới bên kia.

 

 Ngàn cánh hạc không viết về trà đạo, không viết về trà trị, mà dựng trên bình phong đạo trà để viết về tình yêu, và tình yêu trong tác phẩm của Kawabata luôn luôn là tình yêu tuyệt đối.

Ngàn cánh hạc có hình thức gần như cổ điển với những tình tiết éo le. Nhưng tác giả đã xóa chất éo le bằng cấu trúc đứt đoạn, bằng giọng văn ơ thờ, mỉa mai, lãnh cảm; tạo nghịch cảnh bằng cách đổi ngôi nhận vật, không cho họ đứng đúng chỗ ước đoán của người đọc: tất cả những nhân vật chính như bà Ôta, Kikuji và Kikako... đều không đóng những vai mà độc giả chờ đợi.

 Như những tiểu thuyết khác của Kawabta, Ngàn cánh hạc cũng chỉ dày khoảng 200 trăm trang, đã được đăng trên báo từ năm 1949, viết từng mảng, mỗi mảng là một truyện, cả thảy có năm truyện. Tác phẩm hoàn tất trở thành một cấu trúc tiểu thuyết chặt chẽ, ra đời năm 1952, trong bối cảnh nước Nhật đang mất dần những truyền thống cũ mà trà đạo là một.

Tác phẩm dựa trên một nền trà mà gốc rễ đã lung lay. Trà thất của những gia đình truyền thống ẩm mốc cửa đóng then gài. Những vật dụng cũ như bình, chén, bị bỏ bê lăn lóc, lọt vào tay một thế hệ trẻ không biết phân biệt thế nào là chén tống, chén quân. Trà sư Kikako, một mụ mối, lai nhiều "phong cách": mang dấu ấn Mylady với "cái bớt tím đen, to bằng bàn tay xòe, có lông cứng như lông nhím, trên vú trái", lại có cái tọc mạch lỗ mãng của một bà Phó Đoan, và có nét "nhờn nhợt màu da" của một mụ Tú Bà. Giao phó một nghệ thuật có "truyền thống lâu đời" như trà đạo vào một "tay chơi" như vậy, Kawabarta không còn ảo ảnh nào nữa về sự đào thải, mai một, của trà kinh, trà quyền.

Cậu Kikuji -nhân vật chính- thủơ bé tình cờ nhìn thấy dấu ấn "Mylady" trên ngực Kikako, người nhân tình của cha. Ám ảnh ấy không ngừng theo đuổi Kikuji. Dấu ấn mạnh đầu tiên, mà Kawabata đưa ra là cái bớt, phóng ảnh gớm giếc về sự thoái hoá một truyền thống lâu đời.

Phóng ảnh thứ nhì chiếu vào bức tranh ngàn cánh hạc in trên tấm khăn lụa hồng, đậy bộ đồ trà trên tay Yukiko, một trà sinh đang đi vào trà thất.

 Ngàn cánh hạc trên tay người đẹp đã gây ân tượng mạnh trong lòng Kikuji. Sau này, khi hình ảnh yêu kiều của Yukiko đã biến mất trong trí chàng thì bức tranh ngàn cành hạc vẫn còn đọng lại rõ nét. Ngàn cánh hạc phải chăng là hương trà đã vật chất hoá thành cánh hạc bay đi, để lại cho nhân thế những bụi bặm, cặn bã của cuộc đời mà họ "xứng đáng" được hưởng. Hay chính hương trà ngây ngất ấy cũng chỉ là những cánh hạc phù du, như cái đẹp, như hạnh phúc, như nghệ thuật, như tình yêu, sớm muộn rồi cũng cất cánh bay cao? Không sao biết được. Nghệ thuật của Kawabata luôn luôn kéo ta đến chỗ không biết được ấy, dìm chúng ta trong cõi chưa biết ấy.

Yukiko, người con gái đẹp mang ngàn cánh hạc trở thành đối tượng kiếm chồng. Yukiko là nạn nhân của "thời cuộc", thời mà người ta dùng các trà thất làm chỗ mối lái kiếm chồng. Trà mối thời nay, khác với trà trị thời trước, bởi chính trị và tình duyên không giống nhau, nhưng cùng dẫn đến một hậu quả: phong toả hương trà, làm ô uế trà đường, khiến cho hương trà phải bay theo cánh hạc.

 Kawabata vẫn vận dụng triệt để con mắt, nhưng ở đây ông không dùng mắt để nhìn, mà ông còn dùng con mắt như một điểm nội tâm, một điểm của não thuỳ, ghi nhận những hình ảnh thật đắt giá, ném chúng vào sâu trong tiềm thức, cất giấu trong vô thức, để lúc nào cần, cũng có thể phóng ra được. Cái bớt trên ngực mụ Kikako và ngàn cánh hạc trên tay Kikako, cho thấy cách nhà văn tạo ấn tượng mạnh: Hai hình ảnh, một cực kỳ xấu xa ghê tởm và một cực kỳ thơ mộng, đã không ngừng chi phối tâm hồn Kikuji, nhưng rồi cái bớt đã xua đuổi cánh hạc: đạo trà rơi vào trà sư vô đạo.

 Hình ảnh thứ ba là chiếc bình sứ shino của bà Ôta, người tình cuối cùng của ônh thân sinh ra Kikuji. Khi ông còn sống, bà Ôta đã dùng chiếc bình này để pha trà đối ẩm với ông. Sau khi ông mất và cũng theo đà mai một của trà đạo, bà Ôta dùng làm bình cắm hoa. Chiếc bình sứ shino chứng kiến những tang biến của đời bà nhưng nó cũng mang số phận truân chuyên của đời trà đến hồi mai một.

 Hình ảnh thứ tư là cái chén shino của bà Ôta, vết môi người thiếu phụ đã ngấm vào miệng chén thành vệt son không bao giờ phai lạt.

Hai hình ảnh sau cùng này vẽ nên bức phác người thiếu phụ: bà Ôta, linh hồn của tiểu thuyết, là hình ảnh của tình yêu tuyệt đối: tình Trương Chi.

Trong một buổi họp mặt ở trà đường của Kikako, Bà Ôta chỉ muốn gặp Kikuji, con trai của người tình cũ nay đã trưởng thành, để ngỏ lời xin lỗi, nhưng "tiếng sét" giáng xuống tâm hồn, bà thấy lại người xưa và đã để mặc cho ngọn lửa đam mê sống lại. Ôta xuất hiện như một thoáng chiêm bao nhưng hương thơm và sự dịu dàng của bà chính là hiện thân của tình yêu tuyệt đối, xuyên thế hệ, xuyên kiếp người. Bà như hồn Trương Chi trong chén ngọc: mất đi để hiện về trong vết son trên miệng chén:

"Nhìn kỹ mới thấy một ánh đỏ hiện lên trên nền sứ trắng ngà, đúng như Fumiki đã nói với chàng trong điện thoại sáng nay. Càng ngắm, càng thấy như ánh đỏ trong suốt lộ dần lên trên nền trắng. Vành chén màu hồng ngả sang hoàng thổ, có một chỗ hồng đậm hơn một chút.

Có phải chỗ đó nàng thường chạm môi?

Trà cũng có thể để lại dấu thấp thoáng này, mà cũng có thể đó là dấu ấn của làn son môi không biết bao lần đã nhấp lên đó.

Nhìn kỹ hơn, ta có thể thấy cả ánh đỏ trong lòng thổ hoàng. Chẳng lẽ lại đúng như Fumiko đã đinh ninh rằng môi son của mẹ nàng, ngày qua ngày, đã thấm dần vào hạt sứ ư?

Nếu thật chú ý, ta sẽ thấy sự hoà hợp vừa thấp thoáng vừa tế vi giữa sắc nâu và sắc đỏ, thấm cả lên những vết rạn chăng mạng trên mặt trà.

Một cảm giác lạ thường xáo động tim chàng, Kikuji nhủ thầm "Màu son tàn, như cánh hồng uá, tím lịm như sắc máu khô". Đột nhiên một thoáng ghê sợ, gần như lợm giọng dâng lên làm chàng hơi buồn nôn, đồng thời một sức cám dỗ mời gọi không thể cưỡng lại được đục khoét trong đầu chàng đến ù tai hoa mắt.

Mặt ngoài chén, vài nét thuần khiết vẽ một chiếc ống gầy trổ ra một cành mộc thảo, với những cánh lá rộng bản, màu lam lục, sẫm gần như đen, tưởng như có những chấm hoen rỉ, lỗ chỗ trên kẽ lá.

Những nét đơn sơ tịnh mặc của bức họa đầy phách lực, chìm sâu trong đáy mắt Kikuji, kéo chàng ra khỏi cơn chóng mặt bệnh hoạn của nhục cảm."

(trích dịch theo bản tiếng Pháp Nuée d'oiseaux blancs do Bunkichi dịch, trong tuyển tập Kawabata, Albin Michel 2002, trang 779).

 

Ngàn cánh hạc là một truyện tình giấu nhiều truyện tình xuyên thế. Bà Ôta tìm lại ngưòi tình đã mất qua qua hình dáng phong độ của người con trai, kém nàng 25 tuổi. Như thể đạo trà đến giờ lâm chung muốn được hồi sinh trở lại trong hơi thở thanh niên. Rồi đến lượt Kikuji, lại theo vết cũ, tìm nàng trong Fumiko, con gái của nàng.

Ôta mang tất cả dịu dàng âu yếm của một người mẹ, nhưng lại có những nét ngây thơ mê đắm của một Juliette đang độ thanh xuân, có những đớn đau từng trải của một Anna Karénine bất hạnh, và ở nàng, còn một hồn Đạm Tiên linh ứng, hiển hiện. Ôta chỉ sống có vài ngày trong đời Kikuji, yêu chàng trong vài khắc nhưng vết môi nàng đã tạc trong da thịt chén, đã thành gợn chén, nằm trong vật chất, đã trở thành một hữu thể. Đời Ôta là đời trà trong buổi hoàng hôn, nàng như tia sáng cuối loé lên trước khi tắt, nhưng hồn trà không đi được, cứ về trong chén. Trà và chén, như vết môi và con người, chẳng khác gì tác phẩm nghệ thuật. Người ta có thể bỏ bê trà, chén trong bóng tối, trong ẩm ướt của một trà thất không người; cũng như người ta có thể để sách ẩm mốc trong thư viện tối tăm mối mọt. Nhưng mỗi lần có một tâm hồn tri kỷ nâng chén, là vết son lại hiện lên cùng với hương trà, hồn trà, cũng như mỗi lần có người dở sách ra đọc, những con chữ trong tác phẩm sẽ lại động đậy, thì thầm nói chuyện.

Ôta cũng như Eva, sau khi phạm cấm, tất phải đọa đầy: hối hận, mặc cảm, tội lỗi, đẩy nàng vào cái chết. Tất cả được xây dựng như một bi kịch cổ điển Shakespeare, nhưng vô cùng thanh thoát như vòng luân hồi bể khổ, bến mê của nhà Phật.

"Nàng đã đi tìm cái chết vì mặc cảm tội lỗi, vì không có lối thoát ? hay nàng chết dưới mãnh lực của tình yêu mà nàng không thể dập tắt được.

Vì tội lỗi hay vì tình yêu? Câu hỏi ấy ngày đêm không ngớt dày vò Kikuji, từ một tuần nay, không lời giải đáp.

Giờ đây chàng nhắm mắt quỳ trước bàn thờ người đã khuất, chàng thấy mùi hương nồng ầm tuyệt vời của nàng vẫn bao bọc mình như trước, thanh tịnh không gợi chút nhục thể nào. Chàng đón nhận một cách tự nhiên sự hiện diện này, hiện diện hữu tình nhưng vô thể, vọng âm hơn vọng hình, đúng với bản tính sâu sắc của nàng.

Từ khi biết tin nàng mất, Kikuji hầu như không ngủ được dù đã uống cả rượu trộn thuốc ngủ. Trong những giấc chập chờn ngắn ngủi, chàng luôn luôn giật mình tỉnh dậy, nhưng những thoáng chợp mắt ấy lại không có ác mộng mà đầy mộng mơ: những giấc mơ tràn đầy nhục cảm bào mòn thật lâu sau khi tỉnh giấc. Chàng lấy làm lạ tự hỏi, tại sao một người đã chết mà hương thơm ngây ngất của vòng tay cứ còn tồn tại mãi trong ta? (trang 750)

 

Ôta đi, nhưng hương nàng còn lại. Kikuji ngậm ngùi day dứt với một mùi hương, mùi hương mà chỉ có những ngòi bút tuyệt vời mới tìm thấy chữ: "hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình". Ôta như Giáng Kiều muốn bám chặt vào cuộc đời mà bỏ lửng cuộc sống trong tranh. Nhưng nếu Giáng Kiều chỉ thuần là những đường nét thì Ôta là xương thịt, nàng thật như thân xác, nàng thật như hương trà, nàng thật như đắm say, nàng thật như tình yêu xuyên cõi chết. Kikuji tiếp tục sống những giây phút thần tiên của nhục cảm với hương nàng, cho đến ngày chàng nhận thấy mùi hương ấy không chỉ là mộng ảo, mà còn hiện hữu trên tấm thân người con gái của nàng: Fumiko. Và đúng như ước muốn của Ôta, Kikuji theo con đường cũ nàng đã đi: chàng yêu người con gái qua hình ảnh người mẹ. Nhưng Kikuji sẽ chỉ sống như một người trần, chàng không bao giờ đạt được đỉnh cao của Ôta, bởi chàng chưa đi đến thử nghiệm cuối cùng: cái chết.

Cái chết của Ôta liên quan đến cái chết của Kawabata: "Chết là vĩnh viễn từ chối mọi lý giải của người khác. Không ai biết lý do hành động tự hủy của một người, cũng không ai có quyền phán đoán người đi tìm cái chết" (trang 756).

Nhưng chết chưa hẳn là hết, mà nhiều khi chỉ là khởi hành. Kawabata rõ hơn ai hết về cái chết của nhà văn sau mỗi tác phẩm: Ôta đã hoàn tất "tác phẩm", đã đi trọn cuộc tình xuyên thế hệ: nàng đã tìm đến tình yêu bên kia cõi sống, và kinh nghiệm có một không hai này của nàng để lại cho trần thế một ý nghĩa mới về đam mê, về nhục dục.

 

 

Sơn âm

 So với Xứ tuyếtNgàn cánh hạc, Tiếng núi mở ra phong cách mới thứ ba trong nghệ thuật Kawabata. Tiếng núi trần trụi là tiếng cuộc sống hàng ngày, không có cốt truyện, không tình tiết, không cả bút pháp hư ảo như trong Xứ tuyết, cũng không có những hình tượng phi thường, tạc vào ký ức người đọc như trong Ngàn cánh hạc. Tiếng núi là tiếng bên trong, tiếng ở dưới, tiếng thầm rạn vỡ, không thể nghe thấy trong đời sống hàng ngày. Ở đây là tiếng rạn của một cá nhân, một gia đình, như tất cả mọi gia đình bình thường khác, trong cuộc sống tầm thường gần như vô vị, "không có gì để viết" như Samuel Beckett đã từng thốt lên.

Như hầu hết những tiểu thuyết khác của Kawabata, Tiếng núi cô đọng trong hơn 200 trang, và cũng được đăng từng mảng trên báo từ năm 1949. Đến 1954, sửa chữa lại và in thành truyện. Tính chất fragment, từng mảng, trở thành yếu tố cấu trúc chính trong tác phẩm và cũng là thủ pháp lắp ghép của tiểu thuyết hiện đại, với chủ đích tiến gần đến sự thực hơn.

Tiếng núi, tuy được viết cùng thời với Ngàn cánh hạc, nhưng với một quan niệm khác Ngàn cánh hạc. Nếu Xứ tuyếtNgàn cánh hạc -chiếu vào những chân dung phụ nữ, đặt trong bối cảnh xã hội Nhật Bản xa rời truyền thống- là những tiếng xưa gọi về hiện tại; thì Sơn âm, là tiếng núi vọng lên từ lòng đất, không màng quá khứ hiện tại, bỏ cả bối cảnh xã hội, để chỉ giữ lấy phần phi thời gian, chiếu thẳng vào nội tâm con người, một người đàn ông: Ogata Shingo.

Tiếng núi xoay quanh nhân vật chính Ogata Shingo, 62 tuổi. Ở Nhật, ở Tàu hay Việt Nam, tuổi 50 đã là "già": ngoài việc được con cháu tôn vinh, chính đương sự cũng muốn tự phong mình lên lão để được hưởng địa vị một kẻ đạt đến cái tuổi, vẫn được người ta lập đi lập lại một cách xáo mòn là "xưa nay hiếm". Hiếm đối với thời xưa, thiếu thuốc thang chữa bệnh, sang thời nay, tuổi năm mươi, sáu mươi, không còn hiếm nữa, nhưng hình như người ta vẫn tồn cổ, vẫn thích "được già", vẫn muốn bắm chặt vào địa vị khả kính giả tạo đã mất của "lão ông" trong xã hội phương Đông ngày trước. Sơn âm là tiếng vọng trong tâm hồn những lão ông, chưa đủ già để an phận và đã qua thời trẻ để có thể xây dựng lại cuộc đời. Sơn âm cũng là ngọn đồi chôn những tạp âm chồng chất của cuộc sống bị dồn ép trong cõi không nói được, không thổ lộ được, của một kiếp người đã trọng tuổi.

Shingo là một ông già có địa vị cao trong xã hội, làm giám đốc một công ty ở Tokyo, sống trong biệt thự ở Kamakura, với một gia đình bề ngoài cao sang, con cái nền nếp.

Ông già -cực kỳ nhậy cảm- này, đặc biệt thính tai, đã nhận thấy những tín hiệu đãng trí, lãng tai của mình. Chúng ta đã thấy đôi mắt lạ lùng của Kawabata trong Xứ tuyếtNgàn cánh hạc, thì ở đây là sự tung hoành của đôi tai. Với độ nhạy cảm bất bình thường, suốt đời Shingo đã nghe, và cảm thấy tất cả âm thanh của cuộc sống chung quanh, từ tiếng hạt dẻ rơi trong bữa tiệc cưới, tiếng ngáy của người vợ già, đến tiếng sương rơi trên lá... Ở độ nhạy cảm như thế, cuộc sống tầm thường sẽ có một ý nghĩa khác thường. Ví dụ nghe thấy tiếng quả dẻ rơi:

 

"Thân phụ Yasuko muốn làm đám cưới con gái ở nhà để tiễn cô út. Shingo không bao giờ quên được, đúng lúc mọi người cùng nâng chén, một quả dẻ rơi.

Quả dẻ rơi xuống viên đá lớn trong vườn, nẩy lên rồi rớt xuống suối. Mặt đá có lẽ dốc lắm, cho nên hạt dẻ mới bật lên đẹp lạ lùng như vậy.

 Suýt thốt tiếng kêu kinh ngạc. Chàng vội nhìn quanh. Chẳng ai để ý đến một hạt dẻ rơi."

(trích dịch bản tiếng Pháp, Le grondement de la montagne, do Suematsu Hisashi dịch, trong tuyển tập Kawabata, Albin Michel, 2002, trang 862).

 

Shingo nghe thấy tiếng dẻ rơi, cũng như người lữ khách trong truyện thật ngắn "Bồ tát O- Nobu" đã nghe thấy tiếng dẻ rơi hôm trước, như tiếng tan vỡ xác thân người con gái thanh lâu, tiếng vỡ của tất cả cuộc đời những người con gái giang hồ.

Tiếng dẻ rơi trong Tiếng núi là thanh âm của chính cuộc đời Shingo, vang lên ngay từ ngày cưới; giống như tiếng dẻ rơi xuống đá, nẩy lên, bắn xuống suối, tạo những vòng tròn đồng tâm chu vi lan ra vô tận. Tiếng dẻ ở đây là âm thanh của những hạt cát đớn đau trong vũ trụ vô cùng của bể khổ. Kawabata dùng yếu tố thật nhỏ, thật chẳng đáng gì, để khơi động những cơn dông tố lớn, như người nhạc trưởng bằng chiếc đũa con, thức động những nốt nhạc kinh hoàng trong bản hợp tấu tịch lặng của sơn âm:

 

"Chưa tới mồng mười tháng tám, mà côn trùng đã bắt đầu rả rích. Lắng nghe, đôi khi còn thấy cả tiếng sương đọng trên quả rơi xuống lá.

Bỗng đâu, tiếng núi vọng đến Shingo.

Không một ngọn gió. Trăng tỏ như trăng rằm. Ðêm ẩm ướt. Bóng cây trở thành những gò núi nhỏ, mờ mờ, bất động, in trong không gian im ắng.

Những chùm dương xỉ, dưới mái hiên, như cứng lại. Có những đêm, trong lòng thung lũng Kamakura, còn nghe cả thấy tiếng sóng rì rầm; Shino tự hỏi hay là tiếng sóng, nhưng không, rõ là tiếng núi rền rỉ.

Tiếng rền này, Shino tưởng như tiếng gió xa vọng lại, nhưng không phải, đây là một âm thanh mạnh mẽ sâu thẳm, như tiếng gầm đến từ lòng đất. Shingo tưởng nó dội ra từ trong đầu, như tiếng ù tai. Ông lắc đầu.

Tiếng rền ngừng bặt.

Shingo đâm sợ.

Ông rùng mình như giờ chết đã điểm.

 Shingo tưởng mình đang bình tĩnh suy nghĩ đến tiếng gió, tiếng sóng hay tiếng ù tai, nhưng biết đâu tiếng rền chẳng đã thật sự vang động?

Đúng là Shingo đã nghe tiếng núi, như tiếng ma quỷ vãng lai chập chờn.

Trong ánh sáng mờ nhạt của đêm đen ẩm ướt, ông trông thấy trước mắt mình sừng sững có cái gì đổ xuống dốc ngược như một bức tường đen tối. Ðó là ngọn núi nhỏ, hình như là ngọn đồi trong sân nhà. Nó đứng im như nửa quả trứng luộc khổng lồ. Có những đồi khác, bên cạnh, đằng sau, nhưng chắc chắn là nó, là ngọn núi này đã lên tiếng". (trang 823-824)

"Vào nhà đi ngủ, Shingo không dám đánh thức người vợ 63 tuổi dậy để kể lại sự sợ hãi của mình khi nghe thấy tiếng núi" (trang 825).

 

Tiếng núi trong đêm khuya tịch lặng và bí mật, có thể chỉ là tiếng báo hiệu tuổi già, là tiếng sợ hãi, tiếng nội tâm, tiếng mà ngoài Shingo, có lẽ chỉ có một người nữa có thể cảm thấy: Kikuko, người con dâu trong gia đình. Bởi Kikuko cũng đã từng kể cho cha chồng nghe một chuyện mà nàng chưa từng kể với ai:

"Khi nàng sinh ra, người mẹ cao tuổi không muốn có con nữa và cũng vì ngượng ở tuổi mình còn có mang- đã rủa thầm thân xác mình. Bà đã nhiều lần phá thai nhưng vô hiệu. Sinh khó, người ta phải dùng kẹp lôi đầu đứa bé ra, vì vậy mà nàng có sẹo trên đầu.

Người mẹ kể lại cho Kikuko chi tiết này, và nàng lại kể cho bố chồng nghe. Shingo không hiểu tại sao người mẹ lại kể cho con nghe một chuyện như vậy, và cũng chẳng hiểu tại sao con dâu lại kể cho mình nghe một chuyện như vậy.

 Kikuko chỉ cho ông thấy vết sẹo nhỏ trên trán khi nàng rẽ tóc.

 Từ đấy, mỗi khi nhìn thấy vết sẹo ấy, Shingo cảm thấy dao động trước người con dâu, một thứ dao động như tình yêu.(...)

Kikuko có gì thiên bẩm dễ mến. Khi nàng vừa về làm dâu, Shingo đã để ý đến vẻ yêu kiều ấy, cách nhún nhẹ vai làm cho nàng càng đáng yêu thêm. Kikuko lại gầy và trắng như người chị cả của Yasuko. Shingo, hồi trẻ đã yêu người chị vợ." (trang 830).

 

Nguồn sơn âm bùng ra từ hôm ấy, từ hôm Shingo nghe thấy tiếng núi, như ông đã tình cờ nghe được tuổi già. Shingo tính lại "sổ đời". Một cuộc đời thành công đầy thất bại. Cả cuộc đời Shingo là những toan tính thất bại: Vì yêu người chị cả đã có chồng nên khi người ấy mất, Shingo cưới Yasuko, cô em út. Nhưng em không là chị. Sinh con gái đầu lòng, Shingo hy vọng nó sẽ có chút gì giống người đã khuất, nhưng không, tuyệt đối không, con còn xấu hơn mẹ. Người con gái đi lấy chồng, lục đục với chồng, vác hai con về nhà cha mẹ ở. Shingo để hết hy vọng vào con trai, nhưng vừa lấy Kikuko được hai năm hắn đã bồ bịch lung tung. Người con dâu xinh đẹp, yêu kiều, bị chồng bỏ lửng. Người bố chồng ở tuổi lục tuần và người con dâu xinh đẹp hiếu thảo như xích lại gần nhau, trong cảm thông giữa hai tâm hồn đồng điệu. Bản sơm âm trong họ là tiếng thầm của núi. Shingo để ý đến tất cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong tiếng nói, nét mặt, trên thân thể người con dâu. Và Kikuko âm thầm đem lại cho cha chồng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống đổ vỡ tàn tạ bên cạnh những người thân không cùng chung cảm xúc và định hướng. Hạnh phúc của hai người nằm trọn trong những giây phút ngắn ngủi: ông già chỉ cho con dâu cây bạch quả vườn nhà đang ra nụ. Kikuko bắt gặp cha chồng đang ngắm cành hướng dương hàng xóm. Nàng ví những đoá hướng dương như những đầu óc vĩ nhân, khi bão đánh gẫy cành hướng dương, ông già cảm như cành hoa bị chặt đầu. Tiếng núi là những âm thanh vô thường ấy của cỏ cây, của cuộc đời, mà chúng ta hàng ngày bước lên trên, chúng ta lkhông đủ thính tai để nghe thấy. Nhà văn lượm lặt trong vũ trụ sống quanh mình, một vũ trụ tưởng như đằm thắm, tươi đẹp nhưng chứa ngầm bao nhiêu đổ vở bên trong. Dưới lớp bề ngoài của một cuộc đời "thành công", Shingo âm thầm đi từ thất vọng này sang thất vọng khác, bắt đầu bằng tình yêu. Shingo đã yêu một người con gái bằng tuổi chị mình, như Nguyễn Bính yêu chị Trúc, như Hoàng Cầm yêu lá diêu bông. Nhưng các "chị" thường đi bước trước, để lại cho "em" một tiếng gọi xa diêu bông hời! Để lại cho em những bẽ bàng. Shingo chưa bao giờ tìm lại được chút hương thừa của "chị", ngoài tiếng "ngáy" của người em:

"Yasuko ngủ ngon, có lẽ vì sức khỏe tốt. Tiếng ngáy của bà thỉnh thoảng đánh thức Shingo. Ðây cũng là thói quen có từ thủa dậy thì, cha mẹ nàng đã cố chữa chạy nhưng vô hiệu. Rồi khi lấy chồng thì hình như có bớt đi và nó lại xuất hiện ở tuổi năm mươi. Mỗi khi bà ngáy, thì Shingo bịt mũi vợ, lắc nhè nhẹ, nếu vẫn không ăn thua gì, ông bóp cổ. Những lúc vui chuyện thì ông kể lại như thế. Còn những lúc bực bội, cái thân xác mà Shino đã sống bao năm bên cạnh chỉ để lại cho ông cảm giác tởm lợm.

 Đêm đó, ông già đang quạu. Ông bật đèn, liếc nhìn mặt Yasuko, nắm cổ, lắc lắc. Bà có làn da nhớp nhớp. Ông chỉ sờ đến bà khi muốn chặn đứng tiếng ngáy -nhận thức này dâng lên trong lòng ông một chút thương hại pha lẫn nhạo báng." (trang 822-823).

 

Kawabata hay làm cho những gì tầm thường nhất trở thành khốc liệt như thế: từ tiếng ngáy của người vợ, nổi lên cả bi kịch chồng chất một đời, mỗi đêm đều có thể dẫn đến cố sát. Nếu tình yêu người chị ở Hoàng Cầm, Nguyễn Bính vẫn còn trong không khí lãng mạn, thì Kawabata luôn luôn tìm cách đập vỡ gương xưa, cho sự thật lộ diện, cho thấy bao nhiêu độc dược mà hàng ngày, hàng đêm, những "người thân nhất" vẫn đổ cho nhau.

Bên cạnh những oan trái đó, nỗi chết chờ chực cận kề: những người bạn già, lần lượt ra đi. Toriyama mới chết, nghe đâu vì bị vợ bỏ đói. Vốn sợ vợ, Toriyama, tan sở không dám về nhà, đi lang thang đến khuya cả nhà đi ngủ mới lần về. Mizuta chết bất thình lình trên tay một cô gái điếm, trong khách sạn của một trạm suối nước nóng. Nhưng có lẽ lạ lùng nhất là cái chết của Kitamoto, người từ chối già, người nhổ dần dần những sợi tóc bạc trên đầu, cho đến khi không còn sợi nào. Rồi tóc cũng chịu thua: những sợi mới mọc trở thành đen mướt. Nhưng mặc dù đầu đã xanh trở lại, Kitamoto cũng không thoát được.

"Ông ta nhổ từng sợi một, rất cẩn thận để khỏi nhổ nhầm phải sợi đen, mà cũng không đau. Nhưng khi nhổ nhiều tóc như thế, thì da đầu bị căng, trở nên nhạy cảm, tuy chẳng chảy máu, nhưng sọ bong da, đỏ lên, sưng phồng. Sau cùng người ta nhốt vào nhà thương điên. Vài sợi tóc còn lại, Kitamoto nhổ nốt trong nhà thương" (trang 902).

 

Tiếng núi là đường đời, là cõi tạm, cõi trọ để đi về cõi chết. Con đường đầy những âm thanh vang lên trong tịch lặng của tâm hồn. Mỗi người mang một niết bàn hay địa ngục của riêng mình: là tiếng cô đơn buồn bã của một toàn thể chất đầy như núi những nhỏ nhặt tầm thường trong cuộc sống hàng ngày, mà chúng ta đã trải qua, mà chúng ta đã mục kích, mà chúng ta đã dẵm lên: những sự kiện vu vơ, tầm thường không tên tuổi. Kawabata thảo ra hết, liệt kê hết, mô tả hết những giờ khắc trôi qua: trong mỗi giây phút là một cái chết âm thầm, một cái chết tịch lặng như sơn âm. Nhưng trên đường đến nghiã địa, ông không quên những tiếng hạnh phúc, mà nếu chúng ta không chịu khó lắng nghe, không chịu khó chụp bắt lấy chúng, thì trần ai sẽ thật sự chỉ là bể khổ.

 

 

Người đẹp ngủ

 Dường như có sự e ngại, sợ scandale đối với Người đẹp ngủ. Không phải ai cũng thích. Không phải ai cũng đọc. Những người có nhiệm vụ giới thiệu Kawabata, thường né tranh, ít nhắc đến tác phẩm này, hoặc có nhắc đến, thì cũng lướt qua, như một tác phẩm "ngoại vi", trò chơi của một ông già sinh tật. Người thì cho rằng đây là cuốn dâm thư, người thì cho rằng đây là một thứ "tội lỗi hủ hoá" của tuổi già, mà Kawabata là một trường hợp. Người thì dứt khoát cho rằng Kawabata bịa, nước Nhật "đứng đắn" như thế làm gì có những lữ điếm "đồi trụy" như trong truyện. Những phản ứng trên chẳng qua cũng chỉ là thứ tự ái dân tộc đầy mặc cảm, một thứ đạo đức bảo thủ, phi văn nghệ. Bởi chẳng một độc giả đích thực nào lại mất thì giờ quan tâm đến chuyện ấy "có thật" hay chỉ ở trong trí tưởng tượng của nhà văn. Bởi chuyện "có thật" hay không đó chẳng có gì là quan trọng, mà chính cái không khí lơ lửng, bấp bênh, mơ hồ, treo trên sợi tóc, chính cái lung linh giữa hư hư thực thực, giữa sống và chết, giữa tội lỗi và trinh bạch, giữa thiên đàng và địa ngục ấy mới đáng kể, nó xác định giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Điều chắc chắn là Kawabata khi viết kiệt tác cuối cùng của đời mình đã cố tình "xoá" tác phẩm, làm mờ đi, tiện cho những cách đọc, đoán khác nhau.

Lão Eguchi, ở tuổi 67, tuy chưa lụ khụ nhưng cũng đã gọi là già. Eguchi, biết mình già nhưng cũng biết mình chưa thuộc loại bại xuội, không còn là đàn ông nữa, tức là chưa thành cụ. Chính cái tình huống bắc cầu ấy, cho phép Eguchi, nhìn nhận một cách sáng suốt, minh mẫn, hành động và tâm tư các cụ. Eguchi là tấm gương phản chiếu những fantasme tối tăm, những bi đát khó nói trong tâm thức người già.

Như một bác sĩ tâm thần, Kawabata đưa bệnh nhân của mình vào một bối cảnh lạ lùng, để buộc họ phải tự bật ra lời khai, khai quang những ngõ ngách thâm u trong tâm hồn họ. Eguchi là con bệnh, Kawabata là bác sĩ mà cũng là bệnh nhân, vì cũng như trường họp Shingo, Kawabata để rơi nhiều "mảnh mình" trong Eguchi.

Eguchi được đưa vào một nhà khách đặc biệt tiếp các cụ gần đất xa trời; ở đây, các cụ có thể qua đêm bên cạnh một cô gái đẹp khỏa thân đã bị đánh thuốc ngủ mê mệt: những người đẹp ngủ. Một bối cảnh thần tiên như cổ tích công chúa ngủ trong rừng, nhưng cực kỳ tha hoá, cực kỳ oái oăm, cực kỳ xót xa, gần gụi với tội ác. Một cuộc xuống địa ngục, như Kawabata đã nói: "Lên niết bàn dễ, xuống địa ngục mới là khó". Lão ông suy nhược đã mất hẳn nam tính được đặt bên cạnh một sự cám dỗ cực kỳ. Lão sẽ làm gì? Lão suy tính và hành động ra sao? Trên bờ vực giữa ham muốn và bất lực, giữa xót xa nuối tiếc tuổi trẻ và hối hận ê chề của cuộc đời, toàn bộ tất cả từ tình yêu đến những tham vọng và thất vọng, những sai lầm và tội ác được trưng ra, chiếu đi chiếu lại, nhìn ngắm, soi tỏ, rồi lại được xoá đi, trong giấu diếm, trong im lặng không có người chứng hay người chứng chỉ là một cô gái trần truồng ngủ say. Nàng là chứng nhân vô ngôn vô hồn, nàng là niết bàn giữ những bí mật của vực thẩm tội lỗi.

 

Ngựa quen đường cũ, lão Eguchi đến nơi này cả thảy bốn lần. Cùng trong căn phòng phủ trướng nhung màu huyết dụ, trang trí như mộ huyệt. Mỗi lần lão gặp một người con gái ngủ khác, và mỗi lần lão tìm lại được những giấc mơ, những cơn ác mộng, những thức tỉnh sâu xa trong cuộc đời quá khứ. Lão đến để "cầu cơ" về quá khứ của mình, lão tìm lên cung quảng với Hằng Nga để sống những ngày còn lại. Mỗi lần nằm bên người đẹp ngủ, Eguchi hồi nhớ một mối tình khác, một kỷ niệm thân xác khác của ngày xưa. Người con gái ngủ, là một thực thể đang tồn tại nhưng cũng lại là một sự vắng mặt sâu xa. Nàng là tác phẩm nghệ thuật: có đấy nhưng im lặng, nhưng vắng mặt, có đấy để làm dấy lên nhũng tình cảm chưa hề có nơi "người đọc". Eguchi là một "người đọc" lạ lùng trước tấm thân trần, vừa có sức quyến rũ phi thường của tuổi đôi mươi, nhưng bất động không phản ứng như đã chết. Nàng là tấm gương phản ảnh sâu xa tâm linh và thể xác ông già: có đấy nhưng cũng như đã chết. Nàng là trạng thái bắc cầu giữa sống và chết. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, con người tự nhiên tính lại sổ đời của mình. Người con gái ngủ cho phép ông già thổ lộ tất cả những gì không thổ lộ đưọc trong cuộc đời, thoả mãn tất cả những khát vọng không thể thoả mãn được. Nàng là "nguời bạn trăm năm" im lìm đầy cảm thông và quyến rũ.

Những chuyến đi về quá khứ của Eguchi, bắt đầu như thế này. Đến lữ quán bí mật, Eguchi được người đàn bà nửa quản lý, nửa mụ dầu, dặn đi dặn lại:

"Bác đừng tìm cách đánh thức con nhỏ, mà có làm thế nào thì nó cũng không mở mắt ra đâu...Nó ngủ li bì chẳng biết gì cả.

"Bác đừng có lo. Nó ngủ một mạch từ đầu đến cuối chẳng biết trời đất gì. Nó cũng chẳng biết mình ngủ với ai..."

Eguchi đâm nghi, nhưng không nói gì.

"Con nhỏ đẹp lắm! Ở đây chúng tôi chỉ tiếp các cụ thật an tĩnh".

(dịch theo bản tiếng Pháp của René Sieffert, Les belles endormies, trong tuyển tập Kawabata, Albin Michel, 2003, trang 1160)

 

Sau những căn dặn giáo đầu, ông lão được dẫn vào "hiện trường":

"Chà!

"Eguchi ngạc nhiên thốt lên như thế trước tấm trướng nhung màu huyết dụ. Dưới ánh sáng khuếch tán, các màu sắc sâu đậm thêm, đem lại cảm tưởng như trước trướng có một vùng sáng mỏng như thể ta đang nhập vào một thế giới yêu ma. Bức trướng bao trùm căn phòng cả bốn bề, che cả cánh cửa mà Eguchi vừa vào, mép chỗ đó hơi bị nhầu. Eguchi khóa cửa, vạch trướng, nhìn cô gái ngủ. Ngủ thật, không phải giả vờ, bởi lão nghe hơi thở biết ngay là cô ta đang ngủ say lắm. Trước vẻ đẹp bất ngờ của cô gái, lão muốn ngừng thở. Không chỉ có sắc đẹp mà cả tuổi trẻ nữa hiện ra trước mặt lão. Cô gái nằm nghiêng về phía trái, chỉ thấy mặt, không thấy thân nhưng có lẽ chưa đến 20 tuổi. Ngực Eguchi như có một trái tim mới đang vỗ cánh đập" (trang 1164).

 

Người con gái đẹp, khoả thân trong chăn, ngủ chẳng biết gì, nàng đã bị đánh thuốc mê. Nhưng sự sống của nàng chưa ngừng. Nàng chỉ bị chìm vào vực thẳm không đáy. Điều đó không làm nàng thành con búp bê sống, bởi làm gì có búp bê sống. Điều do chỉ chứng tỏ con người không ngừng sáng kiến, chế tạo ra những thứ đồ chơi mới, cả trên thân xác con người.

"Nếu bác muốn bóp cổ con nhỏ, cũng dễ như vặn tay đứa bé con" (trang 1216). Lời mụ dầu. Người con gái ngủ, không phải là búp bê, cũng không phải là gái điếm, nàng là sự vong thân của con người trong tình huống bi thảm nhất: không còn là người mà cũng chưa là đất. Eguchi là kẻ mục kích và tham dự vào sự vong thân của chính mình và của nhân thế.

Eguchi vừa khinh miệt hành động của mình, vừa tiếp tục hành trình xuống địa ngục với bọn đồng loại đáng khinh. Eguchi tự thấy mình đê tiện, nhưng bi kịch của Eguchi, là lão còn sáng suốt quá, lão đã không lẩm cẩm như các bạn đồng hành, lão còn đủ khả năng phân tích:

"Dưới cái duyên của nàng -dù ngủ với đôi môi hé mở- lão nhìn thấy dấu hiệu của tuổi trẻ.

 Có thể do phản úng trước người con gái còn quá trẻ, mà Eguchi cảm thấy một sự cám dỗ đen tối chi phối trong tim, nhưng trong tất cả những ông lão bí mật đến lữ điếm "Người đẹp ngủ" này, ,ta có thể tưởng tượng rằng không phải tất cả đều chỉ đến đây để buồn rầu nhâm nhi những tiếc nuối tuổi thanh xuân đã mất, mà còn có kẻ đến để quên những tội ác mà mình đã phạm trong suốt những ngày tháng dài của cuộc đời. Lão Kiga, người giới thiệu cho Eguchi căn nhà này, cũng đã úp mở cho Eguchi biết những bí mật của những ông già khác. Những người trong hội không nhiều, mà phần lớn, những ông lão này, nói nôm na, toàn là những kẻ thành công chứ không phải thất bại trong đời sống. Tất nhiên, có những kẻ, để thành công đã làm những chuyện tồi bại và để giữ vững địa vị vẫn tiếp tục con đường tội ác. Những kẻ đó, không yên trong lòng, họ là những kẻ lo âu, những người thất thố. Những gì dâng lên trong lòng họ khi được nằm cạnh, được va chạm thịt da với người thiếu nữ ngủ khoả thân, có lẽ chỉ là nỗi kinh hoàng về cái chết sắp đến và sự tiếc thương vô vọng tuổi xuân đã mất. Có thể còn có sự hối hận những hành động hủ bại trong quá khứ, những bất hạnh hàng ngày trong cuộc sống gia đình của kẻ gọi là thành công. Có thể là đối với họ không còn một ông Phật nào để quỳ gối. Nhưng với một cô gái đẹp trần truồng trong vòng tay, họ có thể rơi những giọt lệ lạnh giá, họ có thể chìm đắm trong những tiếng khóc nghẹn ngào, những lời rên rỉ bi thương, nhưng người con gái ngủ không biết và không hề tỉnh dậy. Những ông lão đó không cảm thấy xấu hổ và lóng tự ái của họ không bị tổn thương. Họ tự do luyến tiếc, tự do than vãn. Nhìn dưới góc cạnh này, những "Người đẹp ngủ" chẳng phải là những ông Phật sống sao?" (trích dịch trang 1210).

 

Năm 1960, khi Kawabata bắt đầu viết Người đẹp ngủ, ông 61 tuổi. 12 năm sau, ông tự tử. Cái chết của Kawabata, không ầm ỹ, không dàn cảnh như cái chết của Mishima, đệ tử của ông, hai năm trước. Hai tài năng khác nhau, hai cá tính khác nhau, hai phong cách văn chương khác nhau: một người tìm tĩnh và một người tìm động. Cái chết của Kawabata âm thầm rền như tiếng núi; cô đơn lạnh lẽo như những người con gái ngủ trong lữ quán tối tăm, vì bị tiêm quá liều lượng hay vì một cụ già nào đó, trong lúc lẫn, kể cả cụ Eguchi, chưa lẫn, đã tưỏng nàng là con búp bê có thể "làm gì " cũng được. Người con gái ngủ là một tuyệt tác chua cay nhất và cũng đau đớn nhất mà người ta có thể viết được về những kiếp người gần đất xa trời, về cái gọi là chết thật và cái gọi là chết mê. Nó là những lời thăm dò cuộc sống đang chết và sau chết, cũng là lời chót Kawabata gửi lại cho nhân thế.

Paris tháng 12/2004- 11/2005


 

© Copyright Thụy Khuê 2005