Thụy Khuê

 

Hành trình đưa tranh Lê Thị Lựu về nước 

 

Dự định viết lại hành trình hội họa của Lê Thi Lựu và đưa tranh bà về nước, đối với tôi, đã bắt  đầu cách đây ba mươi năm, khi họa sĩ từ trần, năm 1988.

Nước ta chưa có truyền thống tìm hiểu sự nghiệp văn nghệ sĩ, cả đến những nghệ sĩ lớn, sống gần chúng ta như Nguyễn Gia Trí, nhưng cuộc đời hoạt động của ông, hầu như không mấy ai biết rõ. Hồ Xuân Hương, ta vẫn chưa xác định được là ai, là tác giả tập Lưu Hương Ký mà Hoàng Xuân Hãn đã khám phá ra hay là người viết những bài thơ oái oăm, phóng túng được truyền tụng? Một tình trạng như vậy không thể xẩy ra với Lê Thị Lựu, nữ họa sĩ tài hoa đầu tiên của Việt Nam.

 Lê Thị Lựu là một người cao lớn đối với dáng vóc một phụ nữ Việt. Bà đẹp toàn diện từ nét mặt, làn tóc, đến thân hình. Năm 1964, khi tôi gặp bà lần đầu, ở tuổi 53, bà đang trong thời kỳ sáng tác sung mãn, sức truyền cảm mãnh liệt chiếu ra từ đôi mắt to đen sáng và nụ cười như hoa nở nhưng luôn luôn có chút buồn bã đọng lại.

 Lúc đó ông bà đang ở một căn nhà nhỏ tại Gentilly, ngoại ô Paris. Phòng khách lúc nào cũng có hai thứ: hoa và tranh. Hoa, cỏ, cắt trong vườn, cắm bình, bày điã hay trên mảnh gỗ mục, hoà hợp với mầu sắc và hình thái trên những bức tranh bà đã vẽ xong hay còn dang dở. Đó là bài học đầu tiên, bà cho tôi biết và hiểu thế nào là nghệ thuật.

 

Khi bà mất (1988), tôi đã viết về bà, và cũng là lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc đưa tranh bà về nước. Bởi một tài năng như Lê Thị Lựu phải có mặt trên quê hương, để đồng bào chiêm ngưỡng tác phẩm. Bởi một tài năng như Lê Thị Lựu, không thể như Hồ Xuân Hương, rồi đây người Việt sẽ chỉ mơ hồ, chẳng biết bà có thật hay không, bà đã sống như thế nào? Ở Pháp, nhưng ở đâu? Tại sao tác phẩm lại hoàn toàn bị thất lạc? Tại sao trong các bảo tàng từ Nam chí Bắc, không có lấy một bức tranh của Lê Thị Lựu?

 Khi chấp nhận phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật Đài phát thanh quốc tế Pháp  RFI, năm 1990, tôi đã hé thấy khả năng có thể thực hiện được phần nào hoài bão.

 Họa sĩ Vũ Cao Đàm là người chúng tôi được bà Lựu dẫn đến chơi nhà trước tiên, vì ông ở Saint-Paul de Vence, gần Spéracèdes, nơi bà và chồng, kỹ sư Ngô Thế Tân về hưu, cư ngụ từ 1971. Nhà Vũ Cao Đàm ở số 43 Rue Grande đã là một tác phẩm nghệ thuật: dựa lưng vào triền núi, như tất cả các nhà ở Saint-Paul de Vence. Căn nhà nhỏ có nhiều tầng, cầu thang leo lên là một bảo tàng nhỏ, nơi các tác phẩm hội họa và điêu khắc của Vũ Cao Đàm đón khách.

 Vũ Cao Đàm người cao gầy nhưng rắn rỏi, nước da bánh mật, có lẽ vì ông sống ở miền Nam nước Pháp, nhiều nắng, từ năm 1950. Nhìn thấy chúng tôi, mắt ông sáng lên như bắt gặp một cái gì quý lắm, và ánh mắt ấy, tôi còn gặp lại nhiều lần, mỗi khi chúng tôi dẫn đến "cho ông" một người Việt, dù là kẻ xem tranh hay họa sĩ muốn thăm bậc thầy, ông đều nhìn họ với đôi mắt trìu mến vô hạn. Tranh bán cho chúng tôi ông để nguyên khung cổ, còn trừ 30%. Bà Renée, vợ ông, có ý không bằng lòng, ông chỉ quắc mắt là xong. Mối liên lạc của ông với đất nước tồn tại qua những cử chỉ rất nhỏ, mà sâu, mà thấm, ấy. Cũng vì những chuyện nhỏ như thế, nên những khi gặp lại ông, luôn luôn có mặt bà, chỉ một lần tôi ngỏ lời xin tranh cho Bảo tàng Việt Nam, ông đồng ý nhưng bà không thuận, nên tôi không trở lại vấn đề này lần nào nữa.

Rời đất nước từ năm 1931, qua 60 năm không dùng tiếng mẹ đẻ, Vũ Cao Đàm đã quên nhiều, nhưng ông vẫn nói tiếng Việt với chúng tôi. Ông trả lời phỏng vấn bằng tiếng Pháp, tôi dịch sang tiếng Việt, phát thanh trên đài RFI ngày 24/3/1991, và thính giả trong nước đã "nghe" ông lần đầu qua chương trình ngày ấy. Lúc đó bà Lựu mất đã gần ba năm. Bên lề cuộc phỏng vấn, hoạ sĩ còn cho biết thêm về cuộc sống của ông ở bên Pháp, những chìm nổi của đời họa sĩ. Đó là những thông tin đầu tiên về trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và đời sống của những họa sĩ lớp đầu của trường sang Pháp sinh sống, mà tôi tiếp nhận được.

 Để kỷ niệm ngày giỗ thứ ba họa sĩ Lê Thị Lựu, tôi phỏng vấn ông Ngô Thế Tân, về bà và về ba họa sĩ thân nhất của bà: Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm. Buổi phỏng vấn được phát thanh trên đài RFI ngày 9/6/1991. Là một họa sĩ nghiệp dư, ông Tân theo dõi rất sát quá trình hoạt động của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và cuộc sống của các hoạ sĩ tại Pháp. Cũng trong buổi nói chuyện này, lần đầu tiên tôi hỏi ông Ngô Thế Tân: ông có ý định dành cho Bảo tàng Việt Nam một số tranh của bà không? Sự trả lời của ông lúc đó còn rất lưỡng lự: "Việc đưa tranh của Lựu vào viện bảo tàng, tôi chưa chủ trương được. Một ngày nào đó, nước ta dân chủ hóa và bảo tàng có ý yêu cầu thì ngày đó sẽ tính sau". Có thể vì việc bức tranh Phụ nữ gặt lúa bà vẽ tặng Hội Mỹ Thuật, năm 1975, khi về nước, đã bị mất tích.

 Tuy nhiên, ba năm sau, ngày 5/8/1994, ông trao cho chúng tôi sưu tập Lê Thị Lựu gồm 18 bức tranh, 1 phiên bản và một tranh bià danh mục Aux Trois Quartiers, mà ông dành riêng tặng Bảo tàng Việt Nam, với lời dặn: "Cháu chỉ đưa về, khi nào thuận tiện, nghĩa là có sự bảo đảm chắc chắn tranh không biến mất, hoặc bị sao chép hoặc bán ra nước ngoài".

 Và tôi đã chờ đợi một ngày như thế.

Họa sĩ Lê Phổ là một người vững chãi, hình thái giống nhạc sĩ Phạm Duy. Ông ở một căn hộ rộng lớn, số 235 bis phố Vaugirard, khu XV Paris. Phòng khách có bức tranh nhỏ của Victor Tardieu, ông quý mến trân trọng như chính người thầy; rất ít tranh Lê Phổ, trừ một bức lụa cổ, vẽ từ khi còn ở Hà Nội. Tất cả đồ đạc và bình cổ trong phòng gợi lên không khí Tống Minh và cái đẹp Đông phương thuần khiết, khác hẳn với phòng vẽ bên cạnh: những bức tranh Lê Phổ rực rỡ màu sắc thay cho ánh sáng.

 

Ông thực sự yêu mến những nghệ sĩ lớp sau. Khi các họa sĩ Võ Đình, Trịnh Cung sang Paris nhờ tôi dẫn đến thăm ông, ông đều mời ăn tối ở tiệm nổi tiếng La Coupole - Montparnasse. Ông có cốt cách sang trọng của một quý tộc, điềm đạm, ít nói, nhưng rất có uy. Bà Lê Phổ hết sức nể chồng. Khi ông bán tranh cho người Việt, bà luôn luôn tế nhị tránh sang phòng khác. Vì vậy, ta có thể tin rằng mọi sự ông quyết định khi còn sống, bà sẽ thực hiện khi ông mất.

 Ngày 3/3/1993, tôi phỏng vấn họa sĩ Lê Phổ, về trường Cao Đẳng Mỹ thuật và về sự lập thân của ông trên đất Pháp. Họa sĩ nói tiếng Pháp, tôi dịch sang tiếng Việt, phát thanh trên đài RFI ngày 7/3/1993 và in lại trên tạp chí Hợp Lưu số 10, tháng 4 năm 1993. Bài phỏng vấn này có những thông tin quan trọng, đặc biệt lần đầu tiên tôi hỏi họa sĩ Lê Phổ:

- Bác có dự định cho Bảo tàng ở Việt Nam tranh của bác không?

- Có. Tôi đã dặn kỹ nhà tôi: nếu tôi mất đi, nhà tôi sẽ gửi cho Bảo tàng ở Hà Nội, khoảng 20-30 bức.

- Bác dặn bác gái giữ khoảng 20-30 tranh cho Hà Nội? Giữ như thế nào?

- Tức là biếu, là tặng Bảo tàng ở Hà Nội với điều kiện là phải làm việc đứng đắn.

- Thế nào là đứng đắn, thưa bác?

- Tôi kể cho cô nghe chuyện này: Một lần người ta đã hỏi tôi -lúc đó dưới thời Diệm, Nhu thì phải- gửi tranh về để triển lãm ở Sài Gòn. Tôi gửi 5 bức và sau đó biệt tích cả năm không còn dấu vết gì. Vì thế mà tôi muốn nói rằng: nếu tôi biếu một chính phủ nào, thì phải có sự đứng đắn nghiêm chỉnh. Đây là những bức tranh do chính tôi lựa chọn và để riêng để đóng góp vào văn  hoá nước nhà. Nếu tôi không còn nữa thì nhà tôi được dặn là sẽ phải làm theo ý tôi.

- Ví dụ Hà Nội xin ngay bây giờ, bác có cho không?

- Nếu họ xin ngay bây giờ thì tôi sẽ biếu một phần thôi. Điều mà tôi đòi hỏi là phải làm việc đứng đắn. Tôi không lựa chọn chính phủ, nhưng cần những người thật sự nghiêm chỉnh, biết tôn trọng giá trị nghệ thuật"[1].

 

Kiên trì với chủ đích xin các họa sĩ nổi danh ở Pháp dành tác phẩm cho Bảo tàng Việt Nam, ngày 12/6/1994, chúng tôi phát thanh trên đài RFI, hai buổi phỏng vấn, một với ông bà Lê Phổ, một với ông Ngô Thế Tân, trong đó, cả ba xác nhận lại một lần nữa, ý định tặng Bảo tàng Việt Nam những tác phẩm của Lê Phổ và Lê Thị Lựu. Ông Ngô Thế Tân còn nói ý định biếu Bảo tàng trong nước những tranh Vũ Cao Đàm mà ông sở hữu; sưu tập này ông trao cho con trai ông là Ngô Mạnh Đức lưu giữ. Nhưng không có tiếng vọng nào đến từ phiá Bộ Văn Hoá Việt Nam.

 Từ ngày ấy đến bây giờ, đã 24 năm qua.

Sau chuyến về Việt Nam tháng 11 và 12 năm 2017, thấy tình hình đất nước đã thay đổi. Vấn đề bảo quản di tích lịch sử và mỹ thuật đã có những bước tiến lớn, tuy vẫn còn tình trạng triển lãm tranh giả ở thủ đô Hà Nội, đây là một bệnh chứng cần loại trừ, bởi bảo tàng là mặt tiền văn hoá dân tộc, là nơi người ngoại quốc đến chiêm ngưỡng đầu tiên, chúng ta không thể phô tranh giả cho người ngoại quốc xem. Đất nước đang cố gắng tiến lên để theo kịp đà thế giới. Chân Thiện Mỹ phải có mặt đầu tiên trong bảo tàng, nơi trưng bày các thành tựu văn hoá của dân tộc. Không thể để đồ giả lẫn vào.

 

Mặc nhiên, chúng tôi thấy điều kiện đòi hỏi về sự bảo quản đứng đắn những tác phẩm nghệ thuật có thể thực hiện được, nên đã quyết định đưa hai bộ sưu tập tranh Lê Thị Lựu của Ngô Thế Tân và của Thụy Khuê - Lê Tất Luyện, về nước, trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác phẩm sẽ trao tận tay cho ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng, tại Paris, vào tháng 6/2018, để kỷ niệm ba mươi năm ngày họa sĩ qua đời (6/6/1988).

Đây là đợt đầu, sẽ có những đợt sau, với tác phẩm của các họa sĩ nổi danh khác trong sưu tập riêng của chúng tôi.

 Sự kiện đưa hội họa Lê Thị  Lựu về với dân tộc sẽ được đánh dấu bằng tác phẩm Lê Thị Lựu Ấn tượng hoàng hôn do Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Tác phẩm dựa trên những tài liệu do chính Lê Thị Lựu và Ngô Thế Tân cung cấp.

 Kể từ ngày 8/5/1994, khi được ông Ngô Thế Tân giao phó sưu tập tranh Lê Thị Lựu, chúng tôi âm thầm sửa soạn một ngày sẽ đưa tác phẩm của bà về nước theo đúng ý nguyện của ông. Biết ông rất yếu và tuổi đã cao, chúng tôi đã đốc thúc ông viết về cuộc đời bà, vì ngoài ông ra không ai có thể biết hơn được. Ông đã cẩn trọng làm việc và hè năm sau, 1995, ông hoàn tất văn bản mà chúng tôi đặt tên là Cuộc Đời Lê Thị Lựu. Ông cũng đã trao lại cho chúng tôi tất cả những phong bì lưu trữ thư từ, sổ tay, giấy rời, chi chép của bà, mà có lẽ ông không mở ra đọc bao giờ. Hai năm sau ông mất, năm 1997, tại Peymeinade. 

Tác phẩm Lê Thị Lựu Ấn tượng hoàng hôn, ngoài chủ đề chính về họa sĩ Lê Thị Lựu, còn có những nét đặc thù về Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và các họa sĩ tiên phong sống ở Pháp, qua những bài phỏng vấn các họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ và ông Ngô Thế Tân. Họa sĩ Mai Thứ (Mai Trung Thứ) đã từ trần ngày 14/10/1981 (có nơi ghi ngày 10/10/1980) nên chúng tôi không thể tiếp cận được. Để tránh tình trạng sai lệch thông tin, chúng tôi in lại tất cả những bài phỏng vấn với lời phát biểu của chính các họa sĩ, để không những, chúng ta có thông tin chính xác về trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương những năm đầu và cuộc sống trên đất khách của các họa sĩ, mà còn hiểu được tấm lòng của các họa sĩ đối với quê hương đất nước.

 

Sau cùng, trở lại việc Lê Phổ hứa sẽ tặng Bảo tàng ở Hà Nội 20-30 bức tranh, chúng tôi nghĩ lời hứa của họa sĩ vẫn còn giá trị. Bà Lê Phổ hiện đã lẫn. Biết đâu họa sĩ chẳng dặn con ông thực thi ý nguyện của mình. Cần có một cố gắng về phía chính quyền, may ra đưa đến kết quả tốt cho di sản văn hoá. Bởi nguyện vọng lập một viện bảo tàng mỹ thuật cho nước nhà, Lê Phổ nung nấu từ thời Bảo Đại, và Vũ Cao Đàm cũng đã từng dự định xin tranh Fernand Léger, Pignon, Picasso cho Việt Nam. 

Paris ngày 16/3/2018

Thụy Khuê

  (Trích Lê Thị Lựu Ấn tượng hoàng hôn, Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh và nxb Tổng Hợp Thành phồ Hồ Chí Minh, 2018)


[1] Trích bài Nói chuyện với họa sĩ Lê Phổ, phát thanh trên RFI ngày 7/3/1993. 

 

© 2018 Thụy Khuê