Thụy Khuê

 

U75 từ tình, tác phẩm mới nhất và cuối cùng của  Lê Đạt

 

 Nhà thơ Lê Đạt tới Paris mùa thu năm 1997 và mười năm sau, cũng vào cuối thu, ông gửi Paris tập U75 từ tình[1] như một hạnh ngộ giữa người và thành phố, giữa chữ và tình, như một giã ngộ thi ca:

Sân bay Pari cửa về Hà Nội

Cúi đầu tình chân ngỡ lối tha hương

Lời thơ xuất thần dẫn vào nguyên khởi những cuộc tình, giữa chia và nối, giữa đi và về, giữa tha hương và hồi cố, như chưa ai từng viết như thế bao giờ, chưa ai từng kết nối hai cực của cuộc sống, hai cực địa dư, địa hình thành chiếc cầu lơ lửng trên mây, tựa như cánh bay đi về giữa Paris-Hà Nội không bao giờ tới, bởi tới Paris là đã tha hương Hà Nội và tới Hà Nội là lại tha hương Paris. Không một thủ pháp nghệ thuật cổ điển hay hiện đại nào có mặt, không tu từ, ẩn dụ, hoán  dụ, chỉ còn chữ và tình. Đó là nguyên khởi của tình, là nhịp cầu giữa hai cực lưỡng nguyên của đời sống.

Tình nào cũng gắn bó với người, điều đó đã hẳn, nhưng người lại không trơ ra một mình  mà người sống với trời đất. Ở người đã có trời có đất, có vạn vật cỏ cây, có không gian, thời gian. Từ ngàn xưa người đã lưu trữ cả vạn vật lẫn sử thi trong huyết quản. Nhà thơ -là kẻ nhìn thấy những thông thương lưu trữ ấy và khi trái tim dao động dấy lên thành chữ- nhả tơ thành lời. Vì thế mà lời thơ đôi khi ứa máu:

Bôjole má mới môi ứ lửa

Xa lộ thu thương úa đỏ tắc đường

Beaujolais, tên một ngọn núi của vùng đất trồng nho làm rượu hướng đông bắc rặng Quần Sơn Trung (Massif Central, Pháp), còn là tên một thứ rượu vang; Bôjole mới, (beaujolais nouveau) cũng là tên một thứ rượu vang. Trong thơ Lê Đạt, Bôjole trở thành màu má, màu môi và trong vang rượu đã tan màu môi má. Có mùa thu nhưng lá vàng vắng bóng chỉ còn hồn úa của lá hiện diện, tim đầy thương nhớ nghẽn mạch máu, đỏ tắc đường:

Bôjole má mới môi ứ lửa

Xa lộ thu thương úa đỏ tắc đường

Những hợp tan, tan hợp, thay màu đổi sắc, thay hình đổi dạng, như một thuật luyện đan, hiện trên mỗi chữ: Bôjôle mới trở thành má mới. kết với môi trong thế liên hoàn m làm ứ lửa. Chữ , vốn nũng nịu như một thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng? Nhưng cũng là tiếng đầy nghẹn ngào nhục cảm thầm kín muốn vỡ bung ra. Chữ lửa thiêu đốt, đã cháy và đang còn cháy. Tất cả những âm thầm sôi sục trong địa tầng linh giác của tình yêu được chôn vùi trong mấy chữ: Bôjole má mới môi ứ lửa. Không một lời sàm, không một chữ sỡ, nhưng tất cả sáu chữ  kết hợp thành ngọn lửa sensuel đốt cháy thể xác và tâm hồn. Rồi tiếp đến Xa lộ thu thương úa đỏ tắc đường với chữ thương ở giữa như muốn làm dịu nhục cảm, dập tắt cơn nồng, nhưng liền sau đó mấy chữ  úa đỏ tắc đường lại dâng trào niềm đau thân xác. Dù nhà thơ không nói đến lá, nhưng trong hồn những chữ úa đỏ tắc đường đã có lá. Và nếu có lá, có thu, thì phải có vàng, nhưng màu vàng ở đây cũng lại ẩn mình, không lộ diện. Những tưởng vàng sẽ hiện lên để giập tắt lửa đỏ. Mới tưởng như thế thôi, nhưng thực sự không, không có vàng. Hoá ra, cái xa lộ thu kia chỉ đến để làm mối cho một nỗi đau khác: đó là thu thương, thu úa đỏ. Như thế, thời gian đã chen vào: thu đây không còn vàng mà đã trở thành thu úa đỏ, thu đây đã lỡ thì, đã muộn màng, đã ngả sang tuổi khác. Lại không dám chắc là thu úa hay chính niềm thương đã úa, đã cao niên, trọng tuổi. Nhưng thương càng trăm tuổi, thương càng trữ nặng thâm tình.

Hai chữ ứa làm cho thuthương chảy trong nhau đến bạc đầu, thành máu đỏ và sự thăng hoa cao diệu đã xẩy ra trong khoảnh khắc một hớp rượu vang:

Bôjole má mới môi ứ lửa

 Xa lộ thu thương úa đỏ tắc đường

Đó mới là ngụm vang gặp gỡ. Bây giờ đến ngụm vang chia tay:

Mới Bôjôle tình e đã lỡ

Cốc một vang khuya ngỡ cạn máu mình

Trọng tâm nằm trong câu thơ thứ nhì "Cốc một vang khuya ngỡ cạn máu mình". Tất cả đều đã biến mất, cả môi, cả má, cả xa lộ, cả thu, nhà thơ chỉ còn độc một mình đối diện với những giọt vang đỏ như những giọt máu cô đơn trong đêm khuya. Chữ vang thượng thừa trong mối giao hoà giữa hai nền văn hoá Pháp Việt: nếu nói rượu vin (vanh) như cách phát âm của người Pháp, câu thơ trở nên vô vị. Nhưng khi vin được phiên âm thành vang, âm và nghiã khác hẳn. Vang với thanh âm đặc biệt của tiếng Việt, tự nó đã vang lên như tiếng cồng khua rạn những khổ đau trong cơ thể, làm nứt bung vỡ vụn; chính nó đã làm cho kẻ trong đêm khuya, nhấp một ngụm vang, tan rạn hình hài, chất rượu màu chát biến thành chất máu: kẻ âm thầm uống rượu một mình trở thành kẻ uống máu mình. Niềm cô đơn và tự hủy đã đạt tuyệt đỉnh. Mỗi khi ai đó ngồi khuya cạn chén một mình sẽ thấy vang lên trong tim những lời thơ đã biến thành giọt máu, máu của cô đơn. Tình yêu, cô đơn và vang rượu kết nối với nhau thành câu thơ trăm năm đơn độc không ai nối dõi: Cốc một vang khuya ngỡ cạn máu mình.

 

U75 từ tình chứa những lời thơ hay như thế, chỉ hai câu mà có thể gói trọn càn khôn đau khổ. Lê Đạt gọi là HaiKâu. Mỗi HaiKâu là một giây, phút xúc cảm linh thiêng, tích tụ từ nhiều linh nghiệm ép lại trong vài chữ:

Nằm bên nhau mà tình ký ức

Giường ngủ chung đêm thức một mình

Là bi kịch của những người đồng chịu nhưng không đồng tình, là những chia sẻ  rạn vỡ, là những vô cảm kéo dài, là những người bạn đường không tri kỷ, là khăn tang vô hình trên đầu những tâm hồn chung sống mà không chung giao cảm:

Chăn trở đêm dài đôi lạnh

Tình ngoảnh vào xin ấm ngoảnh ra

Những cô đơn, những ấm lạnh, những gối chăn, những đêm trắng bây giờ không còn như xưa, chúng đã thoát những đau buồn lãng mạng cũ để đi vào một trời bi đát mới, cái bi đát này không chỉ ở trong tâm trạng con người mà đã nằm trong mỗi con chữ khi chúng chưa thành thơ. Như thể chữ đã ngấm chất đau trong bào thai từ lúc chưa sinh ra thành chữ. Chúng không phải là dụng cụ vô can mà nhà thơ sử dụng để mô tả niềm đau của mình mà chính chúng, mỗi chữ, đã là niềm đau, là nỗi bi đát bẩm sinh, là bi đát của những tình ngoảnh vào xin ấm nhưng người đã ngoảnh ra.

Tình yêu như thế, trở thành sự giao cảm thuần túy xuyên thời gian và không gian giữa hai tâm hồn không cần kề cận, không cần hiện hữu. Tình yêu không địa chỉ, không cả nhân tình, là làn sóng ngang trời giữa những kẻ đồng thuyền đồng hội, giữa những người đã sống hôm qua và sẽ sống ngày mai, những kẻ bất chợt đâu đó bắt gặp một câu thơ của thi nhân mà cảm, mà dấy lên trong lòng niềm thương, nỗi nhớ, và lưu lại trong ký ức sâu thẳm của chính mình như những giọt lệ không nước mắt:

Đêm lẻ nghìn bóng thời gian thảng thốt

Thâm niên anh ngồi thiền một tên em.

Bởi những câu thơ như thế sẽ còn làm giao động hơn một kiếp người, mỗi khi ai đó nhẩm lại trên môi hay niệm âm thầm trong tâm thức.

Lê Đạt là nhà thơ của những đoạn trường, không chỉ đoạn trường chia cách mà còn cả những đoạn trường khác, như đoạn trường một thiên tài. Có ai dừng chân trước mộ Van Gogh mà không lạnh mình nghĩ về câu thơ viếng:

Chúa chẳng độ trì chết nhờ lộc đất

Trường xuân  đãi đằng thân đắp lá xanh

Nhà thơ biến đổi đoạn trường của người nghệ sĩ thành trường xuân bất tận. Câu thơ chứa hai cái chết: Bất hạnh đã chết cùng với Van Gogh. Câu thơ biến mồ Van Gogh thành mồ chôn bất hạnh. Câu thơ hồi sinh: Hoạ sĩ nằm xuống, nhờ lộc đất, mà nẩy sinh cây trường xuân. Không cứ gì Van Gogh, bất cứ nghệ sĩ nào cũng thế, khi nằm xuống là bắt đầu cuộc đời vĩnh cửu trên nấm mồ xanh, cái khác biệt giữa người đời và nghệ sĩ, giữa lời nói và lời thơ là như thế. Cho nên người ta càng chôn thơ, thơ càng sống mãi; người ta càng chôn chữ, chữ càng sống lâu; người ta càng vùi nghệ thuật, nghệ thuật càng trường cửu.

 Sự chuyển hoá bất hạnh thành trường xuân nơi Lê Đạt, đã có từ trước, từ kinh nghiệm bản thân. Sự chuyển hoá này, cũng có thể gọi là lòng hoá giải đối với kẻ khác, không chỉ xuất hiện khi Lê Đạt nói về người nghệ sĩ mà ngay chính khi ông nói về mình, sức hoá giải này có thật, đã sống trong ông ngay từ thời trẻ, thời phải đi chăn bò sau đại họa Nhân Văn:

Thủa chăn bò cỏ bãi xanh đầu tuổi

Côn Sơn trăng vườn vải nỗi thông reo

Chòm Yên Tử gió triều neo mây nổi

Suối Giải Oan chân lội tội trần.

Người thanh niên hơn hai mươi tuổi theo nghiệp chữ nghiã, bị đầy đi chăn bò. Chăn ba mươi con bò trên Côn Sơn, như một rớp oan đã có từ trước: oan vườn vải người xưa để lại. Dù Nguyễn Trãi không xuất hiện nhưng hồn Nguyễn Trãi có đây trong gió thông, trong vườn vải, hồn Nguyễn Trãi phù hộ người thanh niên này, phù hộ chữ nghiã này. Dù Nhân Tông không có đây, nhưng tâm hồn đạo sĩ thoát tục của vì vua quán thế đã bao trùm lên Yên Tử, ẩn trong  nước suối, giải oan cho người thi sĩ trẻ vừa bước vào đời thơ đã mắc nợ trần.

Mối liên lạc giữa thiền và thơ, trong Lê Đạt, từ đấy khôn xiết, khôn nguôi:

Dốc tùng gậy trúc mây vô sự

Kho tàng kinh động chữ đa mang

Thiền vào thơ tự nhiên như trời đất có từ nguyên thủy: một tùng, một trúc, và một người vắng bóng. Bốn chữ dốc tùng, gậy trúc vang tiếng chân leo, tiếng vô âm của bậc lão trượng vô hình, tiếng thanh tao của người quân tử ẩn mình như trúc như tùng. Nghệ sĩ có đó mà cũng như không, nghệ sĩ đã lên cao, như trúc, như tùng, lên mãi, chạm đến trời và gặp mây vô sự, mây thanh lọc, mây thoát sự đời, mây là cõi thượng thanh của nghệ thuật, của đạo. Lời thơ trước: Dốc tùng gậy trúc mây vô sự, thoát tục, vô âm, âm đã lẩn trong thượng tầng khí quyển, người cũng có có không không. Lời thơ sau như gọi người trở lại trần: Kho tàng kinh động chữ đa mang.

 Kho tàng kinh là một thực thể sờ mó và đọc được, nhưng kinh lại dính liền với động. Hai chữ động kinh là những tia chớp sáng tạo làm kinh động câu thơ và cõi thiền lặng.  Chữ động kéo theo chữ đa mang, tức là kéo theo cái đa mang hỗn tạp của kiếp người, bởi động đến kinh là động đến chữ mà đến chữ là làm thức tỉnh ngữ sự, và ngữ sự là sinh chuyện, là đa mang đau khổ.

Thiền và tu trong thơ Lê Đạt không thuần túy tu thiền mà luôn luôn nhuốm mùi tục lụy như đoá hoa đại mọc trước cửa thiền:

Nghìn năm tu chưa thành chính quả

Hồn hoa bay bướm thả trắng rừng.

 

 Như kẻ chân tu đứng trước cửa tu từ:

 Một chữ niệm hoài tâm vẫn lạ

Tu từ chưa chín quả mười năm.

 

Lê Đạt, tuổi càng hạc, thơ càng đớn đau:

 Một bến  đau một trường giang khổ

Xếp hàng xin kiếp nữa bên nhau.

 

 Lê Đạt, tóc càng bạc thơ càng trẻ:

 Những xác hôn đầu sông trôi về biển

Trăng mòn đăng ký bến cô đơn.

 

U75 từ tình là chuỗi dài những lời tình một đời gửi đi tám hướng cho tình yêu, tình người. Những chữ đã sống trong bào thai đắm say phiền muộn, đã vào tù ra khám, đã quằn quại đớn đau, đã trải đời tu, đời tù, đã giã ngộ nhau trong trận đồ tình yêu để đạt thành chính quả:

Nắng tắt tuổi chiều mưa nặng hạt

Đầu hồi nghe tóc bạc lạnh rơi.

Paris tháng 2-2008

Thụy Khuê


 

[1] U75 là thuật ngữ thể thao, các đội tuyển bóng tròn thường được gọi là U20, U25... theo lứa tuổi, 20, 25 của những người trong đội tuyển.

 

© 2008 Thụy Khuê