Thụy Khuê

 

Tưởng niệm nhà thơ Lê Đạt ( 1929-2008)

 

Nhà thơ Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, sinh ngày 10/9/1929 tại tỉnh lỵ Yên Bái. Cha là nhân viên công ty hoả xa Yên Bái, mẹ người làng Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Ông mất ngày 21/4/2008 tại Hà Nội, vài giờ sau khi bị ngã cầu thang. Lê Đạt theo kháng chiến rất sớm, hoạt động trong ngành tuyên huấn. Thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, ông là người duy nhất ở trong nội bộ của Đảng đứng lên đòi hỏi tự do dân chủ. Hoạt động của Lê Đạt dựa trên hai bình diện: chính trị qua những bài tham luận và thể hiện sự đổi mới thi ca qua những bài thơ.

 

Can trường. Thẳng thắn. Lê Đạt là khuôn mặt kiên định nhất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm: vừa duy trì được ngòi bút tự do của người trí thức độc lập, vừa sáng tạo không ngừng trong hơn nửa thế kỷ bị lưu đầy.

 Cùng với Hoàng Cầm, Lê Đạt chủ trương tờ Giai Phẩm Mùa Xuân, ra đời vào tháng Giêng năm 1956. Tờ báo mở đầu cho thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm. Giai Phẩm Mùa Xuân đăng hai bài thơ của Lê Đạt tựa đề Làm ThơMới. Hai bài thơ này có thể coi là hai bản tuyên ngôn cho một đường hướng sáng tác mới, đoạn tuyệt với lối mòn của Thơ mới cả từ hình thức lẫn nội dung. Lê Đạt viết:

Mới! Mới!

Luôn luôn mới

Bay cho cao

Bay cho xa

Trên những vết già nua cũ kỹ

Trên lề đường han rỉ

Vượt ngày hôm nay

Vượt ngày mai, ngày kia

Vượt mãi...

 (Mới)

Trong bài Làm thơ tâm sự ông trầm buồn và u uất hơn:

Đêm khuya

Bóng đầu anh

Hằn trên trang sách nhỏ

Như bóng hàng cây

Quặn gió

Lắng xuống mặt đường

Giông bão mênh mông

Anh nhìn Tổ quốc

Đất nước đêm nay trĩu đầu ngòi bút

Hàng vạn vần thơ mang nặng tình người

 (Làm thơ)

Sự đấu tranh chính trị nổi bật trên tờ Nhân Văn, dưới những bài tham luận ký tên Người Quan Sát cùng với Nguyễn Hữu Đang. Và những câu thơ như:

Nhưng đem bục công an

                              máy móc

                                          đặt giữa tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi

                             theo đúng luật đi đường nhà nước

 (Nhân câu truyện mấy người tự tử, Nhân Văn số 1)

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Ỳ như một chiếc bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại.

 (Mới, Giai Phẩm mùa xuân)

Thơ Lê Đạt có những lời tiên tri:

Lịch sử muôn đời duyệt lại

Không ai lừa được cuộc đời.

 (Nhân câu chuyện mấy người tự tử)

 

Sau hơn 30 năm bị gác bút, Lê Đạt trở lại văn đàn với những tập thơ: Bóng Chữ, Ngó Lời, Từ Tình Epphen và mới nhất là tập Từ Tình U75 vừa ra đời cuối năm 2007.

Ở thời kỳ hậu Nhân Văn, Lê Đạt vẫn là người cầm đầu ngọn đuốc sáng tạo, ông trở thành chủ soái dòng thơ Tạo Sinh mà mỗi chữ đã trở thành một thực thể độc lập, tự do, đứng vững như con người trên bầu trời mà chính nhà thơ đã quét sạch những đám mây đen.

 

*

 

Nhà thơ ra đi, tác phẩm sẽ thay người ở lại. Tới một nghệ trình nào đó, tác phẩm trở thành linh hồn của nhà thơ, linh hồn của chữ và có khả năng sống lại mỗi lần có người lần dở trang thơ, tìm những hạt châu sa xuống cõi đời. Lê Đạt cùng với Thanh Tâm Tuyền là hai tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam trong thế kỷ XX, đã có khả năng tái tạo lại ngôn ngữ thơ trong một kiến trúc mới: Thanh Tâm Tuyền với thơ Tự do và Lê Đạt với thơ Tạo sinh. Tạo trong nghiã sáng tạo và sinh trong nghiã sinh sôi nẩy nở những ý nghiã mới trong những chữ đa tầng, đa ngã. Chữ của Lê Đạt trở thành bóng chữ, bởi nó đã bội sinh trong bóng của mình, như thể ta đem chữ vào trong một phòng gương trăm mặt, chữ nẩy thành trăm bóng. Sắc thái đa ngã ấy hiện rõ ngay trong khái niệm bóng chữ: Một hình ảnh vừa mơ hồ, vừa xác thực. Mơ hồ vì có ai biết thế nào là bóng chữ? Xác thực vì mỗi chữ đều có thể có nhiều nghiã, và khi nhà thơ làm lộ được tất cả những ý nghiã chìm ẩn ấy ra, là ông đã tạo được bóng chữ.

 

 Song song với tập Bóng Chữ in năm 1994, Lê Đạt còn cho ra đời tập truyện ngắn Hèn Đại Nhân, kết hợp những bài viết nói lên vị thế và nhân cách của người cầm bút. Truyện ngắn Hèn Đại Nhân, viết về ý nghĩa của cái chết, sự sống và sáng tác: Khi cần nhẫn nhục, nghệ sĩ sẵn sàng gạt cái gọi là danh dự sang một bên, để sống còn, để sáng tác. Nhưng khi tác phẩm đã hình thành, nếu tập bản thảo của mình bị chiếm đoạt, thì người nghệ sĩ lại là kẻ sẵn sàng đem sinh mệnh mình bảo vệ tác phẩm. Tập truyện xuất hiện bên cạnh tập thơ, như một quyết tâm, một định mệnh gắn bó với Lê Đạt suốt đời: đó là cuộc đời đấu tranh cho quyền tự do sáng tạo từ tuổi hai mươi, trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và cuộc đời tìm tòi sáng tạo đến hơi thở cuối cùng trong thơ Tạo sinh.

Cuộc đời đấu tranh của nhà thơ, bắt đầu với ngọn lửa "Giai phẩm mùa xuân" bùng lên vào mùa xuân năm 1956. Lê Đạt kể lại:

"Tôi là một học sinh yêu nước cho nên khi Cách Mạng thành công thì tôi tham gia Cách Mạng ngay. Từ khi tham gia Cách Mạng, hầu như tôi đều hoạt động ở ngành Tuyên huấn, rồi sau này lên làm việc ở Tuyên huấn Trung ương (ngày nay là Uỷ ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương) trực tiếp theo dõi phong trào văn nghệ, văn hóa và giáo dục. Vì thế, tôi có nhiều điều kiện để tiếp xúc với tất cả anh em văn nghệ, từ lãnh đạo đến những anh em bình thường. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về phong trào văn nghệ vì xưa nay tôi vẫn là người thích làm thơ. Năm 50, khi ở chiến dịch Lào Cai, tôi có dịp gặp một nhà thơ mà tôi chưa biết mặt, nhưng biết tên từ lâu, đó là anh Trần Dần. (....). Khi gặp Trần Dần ở Lào Cai, chúng tôi đã bàn rất nhiều về thơ ca Việt Nam, và đi đến một nhất trí như thế này: anh Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, nhưng thi pháp của anh ấy, căn bản vẫn chưa ra khỏi thi pháp thời kỳ thơ mới năm 1930, và tôi với Trần Dần nghĩ rằng: chính mình phải làm một cái gì để đổi mới nền thi ca Việt Nam. Ðó là từ năm 1950.(...) Ðến năm 1954, khi hòa bình trở lại, chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội, lại bàn tiếp giấc mộng thơ mới đó. Khi ấy, Trần Dần đã viết xong"Người người lớp lớp" và đang gặp khó khăn trong quân đội, về vấn đề các văn nghệ sĩ trong quân đội đấu tranh đòi có một kỷ luật sống, cho thích hợp với thời kỳ hòa bình. Lúc đó, Trần Dần cũng bị o ép rất ghê, anh Dần có bàn với tôi rằng: "Có lẽ ta nên tổ chức một buổi phê bình thơ Việt Bắc". Tôi hoan nghênh lắm. Vì vậy, Trần Dần tổ chức một cuộc phê bình thơ Tố Hữu ở trong quân đội.(...). Hoàng Yến lên nói về thơ Tố Hữu và bảo rằng thơ Tố Hữu bây giờ "nhỏ" hơn thơ Tố Hữu thời trước (....). Tôi lên nói một bài về thơ Tố Hữu và tôi có nhắc đến sự sùng bái chủ tịch Hồ Chí Minh của Tố Hữu (....) Sau đó ra về tôi in bài của Hoàng Yến và tiếp đó là một loạt những bài phê bình Việt Bắc. Thì tôi chắc là việc đó gây cho anh Tố Hữu nhiều bực tức lắm, tại vì các lời phê bình ấy thường thường là chê, mà ở nước Việt Nam thì người ta chưa quen chê anh Tố Hữu bao giờ cả. Về vụ phê bình Việt Bắc thì tôi được sự ủng hộ của anh Nguyễn Hữu Ðang vì Ðang lúc ấy đang ở trong tòa soạn báo Văn Nghệ với tôi (...).

 Sau vụ Việt Bắc, đến vụ Trần Dần: anh Dần lúc ấy có quan hệ với chị Khuê là vợ anh ấy bây giờ; chị Khuê là một người công giáo, cho nên người ta nghĩ rằng đó là một người công giáo cài lại làm gián điệp để tranh thủ anh Dần. Vì Trần Dần lúc đó còn ở trong quân đội nên Dần bị kỷ luật và người ta cấm trại không cho ra nữa. (....).

Khi Trần Dần được ra, thì chúng tôi mới nghĩ đến chuyện này: bây giờ làm sao mà in được một tập thơ, trái với nguyên tắc lúc bấy giờ - nguyên tắc bấy giờ là tất cả các bài đều bị kiểm duyệt. Tôi chủ trương tập này phải là một tập tự do sáng tác hoàn toàn, tức là mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm về bài của mình và không có kiểm duyệt gì cả. Tôi có bàn với Dần, Cầm, với Văn Cao, Tử Phác và mấy anh hội họa nữa là Sỹ Ngọc và Nguyễn Sáng (phát biểu của Lê Đạt trên RFI, tháng 5, năm 2004).

 

Như chúng ta đã biết, Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời tháng Giêng năm 1956, trong lúc Trần Dần đang đi công tác cải cách ruộng đất ở Yên Viên cùng với Tử Phác. Báo vừa phát hành, Lê Đạt bị gọi lên tuyên huấn và Trần Dần bị bắt (vì bài thơ Nhất Định Thắng)? Trần Dần cứa cổ tự tử nhưng không chết. Đến tháng 9/56, chính sách chính trị ở miền Bắc có vẻ cởi mở hơn: báo Nhân Văn được phép xuất bản cùng với một số báo khác, và Giai phẩm Mùa Xuân được tái bản, Lê Đạt kể về giai đoạn này, như sau:

"Tháng 5 năm 1956, bắt đầu ở Trung Quốc có phong trào Trăm Hoa Ðua Nở thì ở Việt Nam cũng bắt đầu có cuộc học tập văn nghệ về vấn đề dân chủ. Trong cuộc học tập này, anh em phê phán văn nghệ rất nhiều, trong đó nổi bật lên vai trò của anh Nguyễn Hữu Ðang. Và tôi phải nói về anh Ðang như thế này: Anh Ðang là người hoạt động lâu năm ở trong Ðảng, nhưng đã từ lâu - hình như có cái gì không bằng lòng mà trong danh từ của chúng tôi người ta thường gọi là "bất mãn" - anh không hoạt động nữa. Lúc bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng có đón anh ấy ra để làm báo Văn Nghệ, cùng với tôi. Trong buổi học tập văn nghệ đó, anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi -Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ- Ðang nói rằng: "Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm". Ðó là lời nói của Ðang như thế. (...). Ðang nói với tôi: "Thế nào cũng phải ra báo và ra báo thì chắc là tụi mày phải làm thôi." Vì tình hình Trung Quốc họ làm như thế, cho nên ở Việt Nam cũng có cởi mở hơn về vấn đề dân chủ, tháng 9 năm 1956, cho tái bản Giai Phẩm Mùa Xuân. Như thế bước đầu, có thể gọi là một thắng lợi. Và trong tình hình sôi sục như thế Ðang có đề nghị ra một tờ báo, tờ báo này chính là tờ Nhân Văn. Tờ Nhân Văn thì không do tôi đặt tên, điều đó chắc là rõ ràng rồi. Và khi Giai Phẩm Mùa Xuân được tái bản thì lập tức nó đẻ ra một loạt những giai phẩm khác: Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Ðông và bên phiá sinh viên, là tờ Ðất Mới. Tức là lúc đó tự nó hình thành một phong trào rộng lớn của trí thức miền Bắc: Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Ðông, Ðất Mới...(...).Cái đó không phải bàn bạc gì với nhau, nhưng tự nhiên nó hình thành một phong trào đòi hỏi dân chủ và cách tân văn hóa ở miền Bắc, tập trung chung quanh Giai Phẩm Mùa Xuân và nhóm Ðại Học do anh Ðào Duy Anh, anh Trương Tửu, anh Thảo (...) Vì người ta tôn trọng Giai Phẩm Mùa Xuân mà thực tế cũng là thế, nên người ta vẫn cho rằng, chính cái gốc của tất cả những giai phẩm này cũng như của Ðất Mới là Giai Phẩm Mùa Xuân. (phát biểu của Lê Đạt trên RFI, tháng 5, năm 2004).

 

*

 

Tôi gọi thơ Lê Đạt là thơ tạo sinh. Vậy ông đã tạo sinh bằng những phương pháp như thế nào?

Ngoài những thủ pháp thông thường, như ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ, ... Lê Đạt còn sáng tạo ra những cách tạo hình, tạo nghiã khác, như cắt chữ: Một đóa mimosa cắt thành ba mảnh: mi - môi - xa:

Mimoza chiều khép cánh mi môi xa

Hoặc ông mở ẩn dụ mây mưa cổ điển, cắt mây mưa thành hai:

Mưa mấy mùa

                       mây mấy độ thu.

 Hoặc di động mạch văn, bỏ sự ngắt câu cố định, chuyển sang cách ngắt câu bất định:

Câu thơ: Tóc hoa đèn tim lần giở trang em có thể đọc theo những lối ngắt câu khác như:

 Tóc hoa/ đèn tim/ lần giở trang/ em.

Hay: Tóc/ hoa/ đèn/ tim/ lần giở trang/ em. Mỗi lần thay đổi lối ngắt câu, chúng ta có một câu thơ với ý nghiã khác.

 Rồi ông chuyển hoá những hình ảnh cổ điển như "mắt xanh" thành hiện đại:

Mắt vạn niên thanh trưa hồ thủy.

 Mắt xanh là một hình ảnh cổ điển, thuần việt, nhưng khi thêm yếu tố hán việt vạn niên thanh (cổ hơn) lại hoá mới. Trưa là nôm để cạnh hồ thủy hán việt mà không chướng, tất cả tạo nên câu thơ ấp ủ giấc mộng trường sinh trong biển lục. Sự giao hoà kim cổ ấy, nẩy ra những câu thơ:

Mắt chuyển làn mày cau mi chớp giật

Tim đài xanh bão thổi cấp mười hai

Hình ảnh lạ, rất trẻ, tăng tốc, của bức tranh lập thể với nhiều phiến hình chồng chéo lên nhau trong khoảnh khắc: mắt chuyển/ làm mày cau/ mi chớp giật/ tim đài xanh/ bão thổi/ cấp mười hai. Dông tố trong mắt đã chuyển thành dông bão trong cơn lốc trận cuồng phong. Lê Đạt đập tan lãng mạn cổ điển thành những mảnh lãng mạn tạo sinh, táo bạo và quyết liệt trên một trời bão mới.

 Dưới dạng tung bay nhẹ nhàng gần như đùa nghịch, thơ haikâu của Lê Đạt mang một quá trình tìm tòi sâu xa và cá biệt trong sự bắc cầu giữa xưa và nay. Ông bỏ trật tự chữ trong câu, ông phá câu, xé chữ để sáng tạo một lối thơ rất mới, một cách ngó lời trong cấu trúc cách ly tạo sinh toàn diện. Nếu ở tập Bóng Chữ đã có những biến ảo chữ, tức là mỗi chữ giấu những bóng mình trong cách trượt âm, trượt nghĩa, tạm gọi là biến tấu ngang. Thì ở tập Ngó Lời, in năm 1997, ngoài biến tấu ngang ông còn tạo ra biến tấu dọc, nghiã là có những câu thơ trong đó ta có thể thay đổi vị trí của chữ một cách bất kỳ, đem chữ từ câu trên xuống câu dưới hoặc ngược lại, để "làm" ra những câu thơ khác, vì ông đã tạo được sự độc lập gần như toàn diện giữa những chữ trong thơ:

               Trang thiên thanh ấp xanh mùa cốm tiếc

               Thư ủ tình thu ép biếc hơi hương

không chỉ có một kiếp sống, mà vẫn 16 chữ đó, chúng có thể có những kiếp sống khác, tùy sức tái tạo của người đọc, tức là tùy cách hoán vị chữ, chúng ta có thể có những câu thơ khác nhau:

- Trang thư ủ tình thu mùa cốm biếc.

 Ấp thiên thanh xanh ép tiếc hơi hương

 

- Biếc trang tình ép thư xanh mùa cốm

Tiếc hơi hương ủ ấp thu thiên thanh

 

- Ép thiên thanh ủ cốm xanh mùa tiếc

Ấp hơi thu hương tình biếc trang thư

v.v...

 

Hoặc câu :

Điện tắt thu tàn trăng cuối tháng

Lời thầm hoa phát sáng thư hương

 

Có thể đọc:

- Trăng cuối tháng thu tàn điện tắt

Hoa thư hương phát sáng lời thầm

 

- Điện phát sáng thư tàn trăng tắt

 Lời hoa thầm cuối tháng hương thu

v.v...

Lê Đạt đã phá câu tiếng Việt, cởi chữ khỏi sự trói buộc của câu, để mỗi chữ có thể di chuyển trong câu thơ, ông đã tạo ra câu thơ bất định trong cấu trúc cách ly toàn diện. Mỗi chữ trong thơ Lê Đạt, có thể đứng vững như một thực thể độc lập, tự do.

Đó là hình thức thực hiện dân chủ trong trận đồ chữ nghĩa của Lê Đạt. Điều không thể thực hiện được trong đời, Lê Đạt đã thực hiện trong thơ, để lại cho đời. Đời sau.

 

 

Những giây phút cuối

Sau đây là những lời của anh Đào Công Uẩn, con trai nhà thơ Lê Đạt, kể lại những giờ phút cuối của nhà thơ.

 

Thụy Khuê: Cảm ơn Uẩn vô cùng, đã nhận lời nói về bố trong hoàn cảnh bối rối này. Xin Uẩn cho biết trước khi bị ngã, bố có tỏ dấu hiệu gì như là sức khỏe của ông bị giảm sút đi không?

Đào Công Uẩn: Thưa cô, trước đó 20 ngày, bố cháu có nói chuyện với cháu là có người mời đi Tây Nguyên chơi, cháu trả lời là: Tùy bố, bố phải xem lại sức khỏe, liệu có đảm bảo được cuộc đi chơi dài này không. Bố cháu bảo: Bố rất khỏe, con cứ yên tâm và bố cũng muốn có cuộc đi chơi này, biết đâu chẳng là cuộc đi chơi cuối cùng của bố. Bố cháu đi thứ năm tuần trước nữa, đến thứ năm tuần rồi (tức là ngày 16/4) là tròn một tuần, nhưng bố cháu đi quá đến chủ nhật 20/4; về đến nhà là 21 giờ 10 phút, cháu mở cửa đón bố cháu lên. Cháu hỏi bố cháu là bố đi có vui không ạ. Bố cháu bảo bố đi rất vui. - Bố có khỏe không? Bố cháu bảo mọi người trong đoàn thì mệt nhưng bố rất khỏe. Ngồi nói chuyện với bố cháu được mấy câu, cháu có khoe là con mới đóng được bộ bàn ghế mới bố xem có được không ạ. Bố cháu bảo bộ này cũng đẹp, hiện đại đấy. Xong rồi bố cháu uống nước, bố cháu bảo thôi anh rót nửa cốc nước đi, bố chỉ uống được một nửa thôi chứ không uống được cả cốc nước này. Rồi bố cháu lên xem vô tuyến. Khoảng độ 22 giờ 20, bố cháu xuống lấy nước uống thì không biết là do đột quỵ trước rồi ngã, hay trượt chân ngã; cháu chỉ biết bố cháu ngã, con nhỏ nhà cháu đang xem vô tuyến nó hét: Bố ơi, ông ngã! Cháu chạy xuống, thấy bố cháu đã nằm dưới đất rồi. Cháu và vợ cháu vực ông lên để cho máu đỡ chảy ở đầu ra và dùng mọi cách để bịt nhưng máu vẫn chẩy ra. Cháu với mọi người lấy chăn quấn bố cháu, đưa đi bệnh viện cấp cứu. Cháu điện cho các chị cháu và ngay lập tức 2 chị cháu và các anh rể có mặt rồi cùng đưa bố cháu đến bệnh viện Việt Đức. Lúc ấy khoảng 11 giờ. Bác sĩ bảo tiên lượng thì tôi chưa thể nói trước được nhưng anh nên xác định là có thể xấu đi, vì cụ bắt đầu hôn mê sâu rồi. Cháu bảo thôi thì các anh, có thể làm thế nào giúp được gia đình tôi, để cho bố tôi tỉnh lại và khỏe lên thì bằng mọi cách, các anh cứ làm. Bác sĩ bảo anh cứ yên tâm vì tôi có trách nhiệm. Mọi người cũng kêu là muộn rồi, hôn mê sâu lắm, nhưng vẫn cố gắng vùi sức cấp cứu lại để cho bố cháu đi chụp, chiếu... để có kết luận. Cháu cũng đi làm hết mọi thủ tục chụp chiếu. Bác sĩ kéo cháu ra bảo có thể cụ đi trong đêm nay và cũng có thể là trên đường đi chụp chiếu là cụ cũng tử vong, vậy thì anh cho quyết định. Cháu bảo thôi anh ạ, nếu để bố tôi nằm đây mà có thể kéo dài sự sống cho bố tôi thì các anh cứ để cho bố tôi nằm đây, sẽ tìm mọi biện pháp để hồi sức cho bố tôi khỏe lên. Đến lúc này, chị em cháu quyết định điện cho những người bạn hữu của bố cháu: chú Ngọc Thụ (sân khấu), chú Dương Tường và Hữu Việt (con nhà văn Hữu Mai) - người mà bố cháu coi như con. Bác sĩ bảo, khó lắm, tôi không dám trả lời anh trước, nhưng anh đã nói thế thì cứ để cụ ở đây. Thế là để đấy, tiếp nước, theo dõi đến 3 giờ kém, cháu bắt đầu nhìn thấy (ở trên màn hình) đường đi nhịp thở bắt đầu yếu lắm rồi. Thở bằng máy. Cháu cùng các chị quyết định đón mẹ cháu vào. Đón mẹ cháu vào lúc 3 giờ mẹ cháu ở trong viện thì 3 giờ 15 bố cháu đi. Cả gia đình cháu và Hữu Việt đã ở bên cạnh bố cháu những giây phút cuối.

 

Thụy Khuê: Trong khoảng thời gian gần đây, Uẩn có dịp nào nói chuyện với bố về dự định viết lách, về dự định in ấn... và xin hỏi thêm Uẩn một điều nữa là hiện nay việc giữ gìn di cảo của bố, Uẩn đã có dự trù gì chưa?

Đào Công Uẩn: Cháu có hỏi là dự định của bố có gì không thì bố bảo là bố thì dự định nhiều lắm, bố ấp ủ nhiều thứ lắm, bố sẽ phải làm việc rất nhiều và cực lực để may ra kịp với thời gian. Còn phòng của bố cháu thì cháu quyết định là đặt bàn thờ bố cháu ở đấy và giữ cái phòng ấy làm phòng lưu niệm để mọi người đến thắp nén nhang cho bố cháu. Họ sẽ nhìn thấy phòng của Lê Đạt đã từng làm việc và đã từng ở đây. Mọi di cảo và mọi tác phẩm của bố cháu, cháu cũng để nguyên, dẫu rằng chị Hà, phó tổng biên tập báo Tia Sáng đã xin mua bản quyền những di cảo của bố cháu, gia đình cháu cũng chưa trả lời. Cháu xin cám ơn cô và qua đây cháu cũng nhắc lại là cháu thay mặt gia đình cám ơn cô và qua cô gửi lời cám ơn tới tất cả mọi người đã kính trọng, đã quý bố cháu và đã có lời chia buồn, cháu xin cám ơn. Hôm nào cô về cháu lại mời cô đến nhà cháu như ngày nào bố cháu còn sống cô đã đến, và cô thắp cho bố cháu một nén nhang.

 

TK: Xin thành thập cảm ơn Uẩn, cô sẽ không quên những điều em vừa dặn.

 

Thụy Khuê

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật RFI ngày 26-4-2008

 

© 2008 Thụy Khuê