Thụy Khuê

 

Gặp gỡ giữa hai thế hệ

 

Mai Thảo, không những có công khám phá những tài năng mới, nhưng ông còn đặc biệt âu yếm tha thiết với các nhà văn trẻ có tài. Việc ông nhặt truyện ngắn đầu tiên "Rượu chưa đủ" của Dương Nghiễm Mậu từ thùng rác của toà soạn một tờ báo, về đăng trên Sáng Tạo, đã thành một giai thoại đẹp trong sinh hoạt văn học. Đối với Trần Vũ, Mai Thảo rất yêu. Nhớ có lần chúng tôi sang MỸ cùng dịp với Trần Vũ. Lại thăm ông, tôi hỏi: Vũ cũng sang đây rồi, Vũ chưa lại thăm anh à? Mai Thảo bảo: Thì cũng phải để cho nó có tự do của nó chứ!

"Tự do" ấy hôm nay sẽ thuật lại cùng chúng ta Mai Thảo.

 

Thụy Khuê: Trước hết xin cảm ơn Trần Vũ đã nhận lời nói về Mai Thảo. Nhưng trước khi hỏi anh về Mai Thảo, tôi muốn được nghe anh nhắc lại thời kỳ đầu, khi anh mới bước vào nghiệp văn. Nếu tôi nhớ không lầm thì Trần Vũ bắt đầu viết văn rất sớm, vào khoảng năm 1987-88 và anh nối tiếng ngay từ những truyện ngắn đầu. Chắc anh còn giữ một vài kỷ niệm về thời kỳ này?

 Trần Vũ: Thưa chị Thuỵ Khuê, quả tình tôi gửi đăng truyện khá sớm trên các tập san Làng Văn, Văn, Văn Học vào những năm 87-88.

Dường như chị đã viết những bài phê bình đầu tiên trên báo Văn học, cùng lúc với Nguyễn Hưng Quốc khởi nghiệp phê bình, cùng lúc khi tôi viết truyện Pháo đài, Ngôi nhà sau lưng văn miếu… Chúng ta đến với Văn học, dường như vì tư cách của chủ bút Nguyễn Mộng Giác. "Thế giá của người cầm bút", như ông thường viết, là tiêu chí, đặt lên trên, điều kiện của nhà văn đặt ra với xã hội, với trách nhiệm và vị trí của nhà văn. Thời ấy, Nguyễn Mộng Giác vô cùng ưu tư và xem trọng vấn đề này, nhưng ngược lại, ông không ép buộc thế hệ viết trẻ phải giữ "Thế giá" theo cách của ông. Nguyễn Mộng Giác gần với thế hệ đi sau bằng chính sự giản dị hoà đồng của mình. Bên cạnh đó, Mùa biển động là một trường thiên mà thế hệ cầm bút đi sau chưa vượt qua được. Thế hệ đi trước ghi lại được tâm tình, thao thức của thế hệ mình trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước, thế hệ đi sau chỉ có truyện chớp, chuyện thình lình, truyện cực ngắn, hay ký sự, "chuyện", mà tầm vóc quá khiêm tốn. Nguyễn Mộng Giác không cùng thế hệ với Mai Thảo, nhưng cùng thời với Mai Thảo, một thời đại di vật mà tôi giữ trong lòng.

 

Thụy Khuê: Mai Thảo là một trong những khuôn mặt nổi trội của Văn học miền Nam, nhưng ngoài Mai Thảo, anh còn được gặp khá nhiều bộ mặt khác của Văn học miền Nam qua những chuyến đi Mỹ, về Việt nam một dạo khá thường xuyên của anh, anh nghĩ gì về họ?

 Trần Vũ: Định mệnh đã khiến tôi gặp nhiều nhà văn miền Nam trước 75. Tất cả đều đã để lại trong tôi hình ảnh của những nhà văn đích thực, thâm trầm, miệt mài và am hiểu cõi người. Tất cả giống như tôi mường tượng qua tác phẩm của họ. Tôi vẫn nhớ ngày đến thăm Dương Nghiễm Mậu, ông thật im lặng, nỗi im lặng tinh tế, đầy phán xét, vừa cảm thông, trong trầm lặng, thông hiểu người đối diện. Thế giới của Dương Nghiễm Mậu hiện diện như tiểu thuyết của ông, sáng lạnh, không tiếng động, ngay cả khi tiếng động của nhân vật vang lên, cũng im lìm. Không có gì miễn phí, hiểu trong nghĩa phải suy nghĩ.

Tôi cũng nhớ lần gặp Cung Tích Biền đầu tiên. Chúng tôi đánh cờ tướng, uống rượu, Cung Tích Biền cực ảo, ngôn ngữ như chiếc nỏ thần của An Dương Vương bắn nghìn phát trúng đích. Ngồi đánh cờ với ông, trong quán rượu của thi sĩ Triệu Từ Truyền, tôi ngắm ông như ngắm một nhân vật, trong tranh, vì tôi ở ngoài bức tranh. Trong bức tranh, Cung Tích Biền là một Thục Phán, đã mất thành Cổ Loa, đã mất Ngoại ô Dĩ An, tác phẩm giống những Mỵ Châu đã nuôi nấng bị Trọng Thuỷ lường gạt. Tuy vậy ông đầy biến ảo, suy nghĩ của ông tinh vi như nước Xe dàn dưới chân Sĩ. Tôi tin ông vẫn cất giữ nỏ thần.

Năm 92, đặt chân đến Cali, tôi gặp Nhật Tiến. Hoạ sĩ Khánh Trường đưa tôi đến nhà ông. Không có gì tương phản bằng Khánh Trường và Nhật Tiến, một bên du đãng văn nghệ và một bên thầy giáo văn nghệ, một bên tải đạo và một bên phá đạo. Bẩm sinh tôi mang tâm tính nổi loạn nên đi theo hoạ sĩ Khánh Trường không do dự. Nhưng tôi đến thăm Nhật Tiến, như đến chào thầy, người thầy học cũ. Chị có thể nghĩ vì kính nhi viễn chi, không sai, mà còn hơn vậy nữa, tôi đến gặp Nhật Tiến vì ông đã dấn thân trong suốt đời văn nghiệp, trong lễ đưa ma Nhất Linh đọc lời ai điếu đối nghịch với nền đệ nhất Cộng hoà, sau vượt biên tham gia hết mình Uỷ ban Cứu nguy Người vượt biển, rồi viết Mồ hôi của đá trước sự tức giận của các hội đoàn quá khích. Mai Thảo dùng chữ thật hay lúc ấy: "Nhật Tiến vẫn đứng ngoài nắng."

Thế Uyên khác hẳn Nguyễn Mộng Giác, khác hẳn Nhất Linh, tuy dùng một giọng văn cổ điển, ông chủ trương Tự lực ân ái văn đoàn. Thế Uyên hỗ trợ tuổi trẻ ra nằm ngoài Tiền đồn, thử nghiệm thân xác với nhân vật của mình. Thế Uyên giống Lê Uyên Phương, cổ võ hãy ngồi xuống trang tiểu thuyết, yêu nhau trần truồng, ngó thấy thương đau. Làm sao không thích ông?

Năm 2002, tôi tìm ra cô giáo Hoàng. Nguyễn Thị Hoàng vẫn giữ chiếc eo nhỏ nhắn của thời dạy học. Cách tiếp cận văn chương của bà đầy cá biệt. Tình yêu của Nguyễn Thị Hoàng dành cho văn chương là tình yêu của một người đàn bà dành cho một vật thể, có thể ngang bằng với một người đàn ông, thấp hơn, hoặc vượt trội, vẫn là tình yêu dành cho một vật thể. Nguyễn Thị Hoàng dễ dàng vất bỏ sự nghiệp trước tác, không luyến tiếc, hoặc viết say mê cùng cực rồi cất kỹ trong rương không bao giờ mở ra. Tình yêu quan trọng ở khoảnh khắc chọn lựa, chứ không ở những gì xảy ra sau đó. Tiểu thuyết với Nguyễn Thị Hoàng là một sự chọn lựa khoảnh khắc, của tác giả, của cả người đọc. Nhà văn, độc giả, gặp nhau trong khoảnh khắc này, những gì xảy ra trước, xảy ra sau, xảy ra chung quanh, thuộc về xã hội. Ra khỏi tiểu thuyết, nhà văn không khoát áo nhà văn, rời trang giấy, người đọc trở thành kẻ khác. Nguyễn Thị Hoàng tin, và giữ dáng dấp bí ẩn, của một miền Nam chưa biến mất, còn dấu kín.

Có thể những người khác không nhìn thấy như vậy, nhưng cá nhân tôi thấy các nhà văn miền Nam này như vậy.

 

Thụy Khuê: Thế hệ anh, lúc 75, vào khoảng 12-13 tuổi. Ở tuổi ấy anh đọc những gì?

 Trần Vũ: Miền Nam vào đầu thập niên 70 vô cùng phồn thịnh. Một sự trù phú tinh thần. Cho đến bây giờ tôi không thấy ở đâu người ta đọc sách nhiều như trong các đô thị miền Nam thời này, đặc biệt ở lớp học sinh. Sách báo tràn lan. Mà không đắt như bây giờ. Chúng tôi đi thuê truyện mỗi chiều, mua ngoài hiệu sách, mua ngoài sạp báo. Bố mẹ mua riêng, con cái mua riêng, mỗi người thuê theo sở thích. Lên mười hai tôi đã "xong" Về Miền Đất Hứa của Léon Uris, bản dịch của Thế Uyên, Giải khăn sô cho Huế đổ nát của Nhã Ca, Xóm cầu mới của Nhất Linh, Tù binh và hòa bình của Phan Nhật Nam, Ngàn cánh hạc của Kawabata, Đêm ở Lisbonne của Remarque, Kim Các Tự của Mishima… Tôi ngủ gật khi đọc Ngàn cánh hạc, và không hiểu hết Kim Các Tự, nhưng không khí nặng trĩu mái chùa vàng và âm vang độc thoại của nhân vật ám ảnh tôi rất lâu. Ngàn cánh hạc để lại điều gì đó thật êm ả.

Sau 75 tôi khám phá "chui" Nguyễn Nghiệp Nhượng, Thái Lãng, Thảo Trường, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Đình Toàn, Tuý Hồng. Đây là thời kỳ phá sản của Văn học Thống nhất, tuổi trẻ miền Nam tẩy chay nền Văn học Giải phóng tuyên truyền này, vì không bắt gặp mình và gia đình mình trong tác phẩm của Hội Nhà văn Chiến thắng.

 

Thụy Khuê:  Mai Thảo là người rất nhạy cảm với các tài năng trẻ, cho nên anh ấy quý mến anh ngay. Theo anh thì Mai Thảo khác ra sao so với các nhà văn anh đã gặp?

 Trần Vũ: Vâng. Mai Thảo khác những nhà văn miền Nam tôi đã gặp. Có thể vì mỗi nhà văn trong cuộc đời này duy nhất, vì ADN của mỗi con người duy nhất. Tôi không rõ. Nhưng tôi thấy Mai Thảo rất khác. Khác trong thái độ sống: Ông không thoả hiệp với bất cứ điều gì không ưa thích. Có thể định mệnh may mắn đã cho phép Mai Thảo sống như vậy. Vì Dương Nghiễm Mậu cũng không thoả hiệp, nhưng phải im lặng, Nguyễn Thị Hoàng cũng chỉ có thể xuất bản Nhật ký của im lặng, tuồng chữ chép tay phạm thánh, như bà đã viết Tình yêu của đấng trời, phải cất trong rương. Trong xã hội tràn ngập khẩu hiệu vinh quang, Cung Tích Biền phải biến ảo, huyền ảo, cực ảo, Trần thị Ngh phải ẩn vào thể loại loufoque tang bồng để sống sót… Mai Thảo may mắn sống giữa Hiệp chủng quốc để tự cho mình quyền không thoả hiệp, nhưng cũng có thể trả lời Mai Thảo đã không thoả hiệp ngay từ khi ở Sàigòn. Sau 75, tất cả các nhà văn của phía bại trận bị tập trung cải tạo, Mai Thảo nhất quyết không ra trình diện, nhất quyết không thoả hiệp với nỗi sợ hãi của mình, trốn tránh cho đến cùng, trèo lên mái ngói khi công an khám xét, để quên đôi dép đàn ông dưới gầm giường trong nhà Nhã Ca, khi Trần Dạ Từ đang bị bắt, như Nhã Ca kể lại. Mai Thảo, thủ lĩnh của văn nghệ miền Nam đã làm được điều này: Gìn giữ Tự do ở ta cho đến cùng, như chữ ông thường dùng.

Không thoả hiệp, không mang ý nghĩa duy nhất không cộng tác với chế độ. Mai Thảo không thoả hiệp với những điều bất lương, với những kẻ phi văn chương, và thói xiểm nịnh. Những ai đã từng chứng kiến Mai Thảo quát mắng ở bàn rượu những con người ông cho vô đạo, đều biết Mai Thảo không cho phép những kẻ bất xứng ngồi chung bàn với mình. Và ông mắng thẳng thừng. Ở tính cách này, Mai Thảo rất khác. Ông đại diện một tập thể, trong lúc Dương Nghiễm Mậu, Cung Tích Biền, Võ Phiến đại diện một cá nhân, chính họ.

Với tôi, Mai Thảo còn đặc biệt ở một điểm khác. Tôi biết đến các nhà văn miền Nam qua Mai Thảo, qua các tuỳ bút, bút ký, sổ tay, hay kỷ niệm của riêng ông. Tôi ‘‘thấm đẫm’’ những trang viết này, mà Mai Thảo viết hay vô cùng, thể tuỳ bút là sở trường của ông. Lần ông đến thăm Thanh Nam cuối cùng, Thanh Nam ung thư cuống họng không nói được nữa, nhưng hai người bạn vẫn trao đổi bằng bút đàm, chữ viết rào rào, giấy xé soàn soạt, giống họ vẫn hãy còn ngồi cùng toà soạn, cùng viết báo. Kỷ niệm với Dương Nghiễm Mậu, lần cuối gặp nhau, đi ngược chiều, một Dương Nghiễm Mậu cầm dù đen lầm lũi dưới mưa Sàigòn, một Mai Thảo đang bị truy nã, cố dấu tung tích, cả hai nhận ra nhau, có biết bao điều để nói với nhau sau đổi đời, nhưng phải lẳng lặng bước đi, tránh phiền phức cho nhau. Cả hai tiếp tục bước trên hè phố của mình, cho đến lúc Mai Thảo quay lại, chỉ còn trông thấy ô dù đen của Mậu và giữ mãi hình ảnh của ô dù này cho đến khi ông mất. Cho đến 96, ông hãy còn nhắc cái ô dù màu đen này. Kỳ diệu siết bao, khi tôi trở về Sàigòn, buổi tối hẹn anh Mậu ở quán Thanh Niên, trời mưa tầm tã, tiếng mưa át tiếng nhạc, dưới thác nước Dương Nghiễm Mậu hiện ra, ông hạ dù, những giọt nước chảy lăn trên lớp vải đen cũ mà bền bỉ. Tôi đã nhớ Mai Thảo thật nhiều tối ấy, buổi tối tháng ba năm 2002, trong quán Thanh Niên tôi muốn khấn thầm: Bác ơi cháu đã gặp lại anh Mậu.

Tôi chưa bao giờ gặp Dương Nghiễm Mậu trước đây. Nhưng vẫn cảm giác gặp lại Dương Nghiễm Mậu. Gặp thay Mai Thảo, vì Mai Thảo.

Tháng 3 năm đó, tôi cũng gặp lại Nguyễn Thị Hoàng. Cô giáo Trâm của Đà Lạt, mà tôi si mê đem theo trong trí nhớ, chép lại truyện Vòng tay học trò bằng trí nhớ, trong những ngày nội trú ở cô nhị viện. Cô giáo Trâm đã hiện ra, bằng xương thịt, ngồi đó, trước mặt tôi, hút thuốc, pha rượu, đầy bí ẩn, quyến rũ. Cô giáo Hoàng làm tôi nhớ đến một nhận xét của Mai Thảo: ‘‘Nguyễn Thị Hoàng là một người đàn bà’’. Còn bao nhiêu mẩu chuyện khác, ông kể với tôi trong những quán rượu ám khói, trong nghĩa trang Père La Chaise, về nhiều nhà văn khác: Bình Nguyên Lộc vắt vẻo trên xích lô, Bùi Giáng làm thơ dán lên cửa sắt toà soạn báo Văn, dán la liệt, dán cùng khắp, hay Sơn Nam "mắt toét"… mỗi người một dáng vẻ, một phong cách, một chi tiết. Mai Thảo không biết ông khắc hoạ nhân dáng, thần thái của cả một giai đoạn văn học, giúp tôi đi tìm lại từng di vật qua những phát hoạ này. Những trang tuỳ bút của Mai Thảo giống một sơ đồ giúp kẻ đi sau lần theo dấu vết đến kho tàng. Kho tàng văn học miền Nam.

 

Thụy Khuê: Cảm tưởng đầu tiên khi đối diện với Mai Thảo, anh xưng hô thế nào? Anh thấy xa cách hay là gần gụi ngay từ đầu? Mai Thảo có phân biệt chiếu trên chiếu dưới không? Nếu vẽ chân dung Mai Thảo thì anh thấy những nét gì hiện ra?

 Trần Vũ: Mai Thảo hay sắm vai trưởng thượng và nhập vai y như thật, y như khi ông nhập vai nhân vật bước chân vào các vũ trường Arc en Ciel, Majestic, Đêm Mầu Hồng… lắc ly rượu, trầm ngâm, nhìn quanh những mặt người, tìm một nét của A Sầu trong Để tưởng nhớ mùi hương, tìm một nét ở Châu của Sống chỉ một lần, tìm Hạnh phúc đến về đêm. Không nhất thiết để ân ái với phụ nữ, nhưng phải là phụ nữ, sinh vật tiểu thuyết mà Mai Thảo quý trọng vô cùng. Tôi vẫn muốn hỏi: "Bác còn nghĩ đến Cẩm Nhung?" Nhưng không bao giờ tôi dám hỏi. Ông im lặng hàng giờ và tôi ngồi đó, thừa thải. Đôi khi tôi hiểu, vì Nửa đường hương gãy trên nghìn biển. Tôi chưa thấy ai dùng chữ "Nghìn biển" hay như vậy. "Nghìn" làm câu thơ rộng ra, "hương" không bay hết khiến không gian bất tận.

Mai Thảo hay ngâm thơ Tô Thuỳ Yên: Ba trăm hải lý nhớ không tới/ Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ và sau câu thơ, ông lắc ly rượu: "Tôi cho câu thơ này tuyệt diệu". Tôi nghĩ khác, chữ "Nghìn biển" và "hương gãy" mới thật sự tuyệt diệu.

Những khi đi uống rượu với Mai Thảo, tôi cảm giác đi uống rượu với phu huyệt, sau xẻng đất, sau cốc rượu, bảo những hồn ma cũ Huyệt đã chôn rồi lấp đã xong. Mai Thảo sống với Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, những tửu đồ, đã khuất. Ông thuộc thơ nhiều vô cùng, ngâm liên tục, những tài thơ lớn. Còn thơ của ông? Thơ Mai Thảo rờn rợn, những giấc ngủ đen, những hồn ma thức giấc gây thành dông bão, của thần chết đã trở thành bạn, ngồi trên giường. Của lưu đày. Nhiều lần tôi tự hỏi: Mai Thảo có vô thần không? Nhiều lần tôi tìm thấy câu trả lời: Không, Mai Thảo xem Phật là bạn. Trong bài thơ in trên Văn, Mai Thảo tả mình trở về phòng một đêm khuya, ở giấc nửa khuya về sáng, giấc của ma quỷ, và thấy Phật nằm ngủ trong giường mình. Đỗ Ngọc Yến đã làm hư câu thơ này khi trách: Cho Phật ngủ trong giường thành gay. Mai Thảo chữa lại thành Phật ngủ trong vườn. Ý nghĩa intime biến mất. Mà chính sự thân mật với thượng đế mới làm câu thơ sáng giá.

Một lần khác, Mai Thảo lên lớp Tô Thuỳ Yên điều gì đó, Tô Thuỳ Yên phản ứng, đập bàn ghế. Tôi thấy ông buồn vô cùng. Tất cả chúng tôi ngồi ở bàn rượu đều buồn bã. Thau tiết vịt ở quán Cổ Vịt chảy máu. Tôi ngắm ly rượu trong tay Mai Thảo, màu hổ phách, màu đồng thau, màu buồn bã. Nhưng cũng là màu vĩnh cữu. Rượu là sông Hằng của Mai Thảo. Rượu chứa tất cả. Một thứ nước sông Hằng pha đá. Viên đá cục chứa cuộc đời ông, như hạt cát của sông Hằng chứa đại dương. Tôi ít đọc thơ, tôi thuộc thơ qua giọng ngâm của ông.

Ngày trước, Mai Thảo nhập vai nhân vật bước chân vào vũ trường. Trong feuilletons, ông hóa thành nhân vật ăn chơi. Sang đến Mỹ, chính nhân vật nhập vai Mai Thảo, bước chân vào tiểu thuyết. Trong Một đêm thứ bảy, Nhuận ngồi ở vũ trường nhìn một vũ nữ bị hành hung, thay vì can thiệp, như đã cứu A Sầu, Nhuận đứng lên lặng lẽ ra khỏi phòng trà, vứt tàn thuốc xuống bãi cỏ và đứng nhìn cho đến khi đốm lửa tắt ngấm. Truyện kết thúc trong bóng tối. Không phải nhân vật cũ, hay chính nhân vật cũ đã nhập vai Mai Thảo ở Hoa Kỳ, bất lực, nhoà bóng.

Còn lại vai diễn nào nữa ngoài trưởng thượng?

Mai Thảo vào vai trưởng thượng, mặc dù ông không hề muốn làm trưởng thượng. Một phần nào đó, chính lớp viết trẻ đã ủng hộ ông làm trưởng thượng. Võ Phiến quá xa cách, quá nghiêm trang, quá đạo mạo, Nguyễn Mộng Giác quá lành, cả hai, văn tài cùng công sức vun bồi văn học đều dầy, nhưng cả hai không uống rượu. Và điều này "không chấp nhận được", như Hemingway, trong quán rượu, cứa cổ một chai whisky dốc ngược vào cuống họng, rồi cuống họng phán xét William Faulkner "giống Virginia Woolf." Faulkner, kẻ chay tịnh, bị Ngư ông từ chối. Lớp viết trẻ chọn Mai Thảo, như  Hemingway chọn rượu cay. Như một cách hoài niệm một giai đoạn văn học quá cố, của Nhất Linh, của Phan Khôi. Không phải vì ưa thích chiếu trên, chiếu dưới, mà vì thương kính ông, yêu mến ông. Vì hãnh diện có một trưởng thượng không thoả hiệp, đề cao Tự do ở ta, biết phất cờ, đã ra khơi, lên đường. Không phải tất cả, nhưng một số đông ngấm ngầm chấp nhận sự hiện diện của Mai Thảo ở vị trí trưởng thượng. Không nói ra, mà là một mặc nhiên. Nhiều thi sĩ đã than phiền Mai Thảo trịch thượng, bản gắt, hay quát mắng, nhiều văn gia đã giận dữ thái độ của Mai Thảo trên bàn rượu. Với cá nhân tôi, ông có quyền này.

 

Thụy Khuê:. Trong những buổi đi chơi, hoặc uống rượu với  Mai Thảo, điều gì ở ông làm anh  nhớ nhất?

 Trần Vũ: Điều gì khiến tôi nhớ nhất? Nét buồn bã là điều tôi nhớ nhất. Gương mặt ông buồn đắm. Chỉ cần Mai Thảo xuất hiện, sự cô đơn vây lấy mọi người, lấn tràn sang mọi người. Ông ngồi đó, im lặng, rồi ra về. Ông mang nỗi cô đơn của Nhị trong Ngọn hải đăng mù.

Một đêm đi uống rượu chia tay với Nguyễn Hưng Quốc. Bữa rượu trở nên cuộc tiễn đưa. Mai Thảo không ưa phê bình, không cho phép phê bình đứng ngang hàng. Với ông, phê bình là bọn mọt sách. Nhưng Mai Thảo quý mến Nguyễn Hưng Quốc, và cả chị nữa, chị Thụy Khuê. Dường như chị và Nguyễn Hưng Quốc làm thay đổi hình ảnh phê bình trong mắt Mai Thảo. Không có nghĩa ông cho sánh vai ngang hàng. Sáng tác không bao giờ chấp nhận điều này, như Mai Thảo khẳng quyết. Nhưng với chị và Nguyễn Hưng Quốc, ông dung thứ. Buổi tối đó, chúng tôi tiễn Nguyễn Hưng Quốc đi Úc, trong cái quán nhỏ gần bờ sông Seine. Mai Thảo ăn ít. Chúng tôi uống với ông. Bình thường anh Quốc không uống rượu. Nhà phê bình, giống hầu hết giới phê bình, muốn tỉnh táo, mà điều này sáng tác ghét thậm tệ. Tuy nhiên, tối đó, Nguyễn Hưng Quốc cố gắng theo chúng tôi. Anh không gìn giữ, không chiếu lệ, mà uống thật tình, vì anh cũng thương Mai Thảo. Nếu lý trí Nguyễn Hưng Quốc gần với Võ Phiến, tình cảm anh dành cho Mai Thảo. Uống chia tay, như một vĩnh quyết. Đến một lúc, anh ngã bật ra bàn và nôn thốc tháo, rồi bất tỉnh. Chúng tôi kêu hầu bàn thay khăn, kêu thêm rượu. Khuya lắm, đến khi quán đóng cửa, phải ra về, tôi khiêng vai Nguyễn Hưng Quốc, trong lúc Mai Thảo khiêng hai chân, chúng tôi khiêng dọc bờ sông phủ hơi ẩm của đêm hè. Chúng tôi khiêng trong im lặng. Không ai nói với ai lời nào. Cho đến khi ra xe, tôi muốn chở Mai Thảo về trước, nhưng ông lắc đầu: "Đưa Quốc về nhà." Gương mặt ông nhăn nhúm vì buồn.

Một lần khác nữa, đi dạo trong nghĩa trang Père La Chaise, tôi với ông bách bộ giữa những dẫy thập tự, giữa hàng bia. Mai Thảo bảo tôi dẫn ông đến mộ của Simone de Beauvoir. Tôi không biết ở đâu. Một lát, ông nói tựa truyện Cái chết sau quá khứ của tôi hay. Tôi hiểu ông tự biết ông đã trở thành di vật.

 

Thụy Khuê: Anh gặp Mai Thảo lần chót, năm nào, anh có nhớ?

 Trần Vũ: Mùa thu 96, tôi gặp ông lần chót. Ông nằm im trong căn phòng không bật đèn. Đôi mắt nhìn trừng trừng lên trần. Ông không động đậy. Ông giống một xác chết. Tôi nhận ra tức khắc, tôi đang nhìn một di vật. Thời ông đã đi qua. Thời đại ông biến mất. Sách ông bị thiêu huỷ. Bạn bè ông quá vãng. Ông tồn tại di vật. Phải mất mấy phút tôi mới cất được tiếng chào ông: "Cháu đến thăm bác." Ông gật đầu. Căn phòng trống, chỉ còn mỗi cái tủ lạnh còn sự sống, còn nước đá, còn tiếng máy chạy rù rì. Còn ánh sáng bên trong. Tôi đi rửa ly, đập nước đá, rót đầy hai ly, đặt lên bàn đêm. Lúc xưa tôi hay uống nhanh, rót, uống, rót, có lần ông đùa: "Em phải để cái ly nó nghỉ."

Cuối năm 96, ông bất động, nhìn trừng trừng lên trần vào một chỗ duy nhất. Ngõ hẻm Song Long xế chiều tắt nắng, chúng tôi trò chuyện trong bóng âm.

Tôi hỏi ông về Nhất Linh, Mai Thảo nói "Tôi xem cái chết ấy là uổng phí. Vì sao phải chết như vậy. Ông ta có cả một sự nghiệp và còn cả một sự nghiệp chưa hoàn thành."

Tôi không rõ Mai Thảo đang nhắc đến tiểu thuyết Xóm Cầu Mới dang dở hay sự nghiệp chính trị của Nhất Linh. Nhưng Mai Thảo không giải thích. "Tôi cho cái chết ấy là uổng." Ông lập lại. Bàn về một cái chết, mà Mai Thảo xem lãng phí, trong lúc chính ông, đang tự huỷ, bằng cách không ăn uống, ngoài rượu. Mai Thảo đợi chết. Đợi chấm dứt kiếp người. Ông muốn chết và bực dọc vì thần chết không làm công việc của mình. Mai Thảo đành chọn cái chết chậm, từ từ. Ông không còn đủ sức đi đứng, không còn sức để lấy rượu dưới gầm giường, đập nước đá, chọn chai nào ngon, căn phòng trống rỗng, tất cả sách báo đã cho hết, văn chương ra khỏi cuộc đời, mà đã nhiều năm ông không còn muốn đọc nữa, chỉ còn những con người, những người bạn, những nhà văn, đã chết, vẫn ở lại. Ông nhắc lạng trà Kỳ Chưởng của Vũ Hoàng Chương trên Gác bút. Vũ Hoàng Chương pha trước khi đi tù. Chảo rau sào sau bếp đãi bạn của Thanh Nam, trên bếp lửa phừng phừng. Chai Jack Daniel’s không bao giờ vơi của Vũ Khắc Khoan. Chiếc mũ phớt sờn cũ của Cao Lĩnh, ô dù của Dương Nghiễm Mậu, rồi quay về Nhất Linh: "Ông ấy là một nhà văn. Tôi cho cái điều ông ấy muốn luận đề là cũ, nhưng cái ông ấy tả thực, là hay. Em phải học cách tả cái bật lửa, cái cục tẩy…"

Lần nào Mai Thảo cũng dạy tôi từng ấy. Học cách tả cái bật lửa, cái cục tẩy. Những lần trước tôi cãi: "Cháu biết tả nhiều thứ kinh hơn nữa." Những lần trước, Mai Thảo gắt: "Im để tôi nói." Lần này, tôi không đủ can đảm để chọc ông, tôi thấy ông sắp chết, ông nằm thẳng chân như đã nằm trong hòm. Tôi hỏi chuyện, để ông có người trò chuyện. "Bác có nói chuyện với Nhất Linh không?" Tôi từng hỏi ông như vậy. "Sao bác không trò chuyện với Nhất Linh?" Cách đây nhiều năm, ông gắt: "Sợ chết khiếp, không phải như chúng mày bây giờ." Lúc xưa, câu trả lời này làm tôi tức cười. Bây giờ ông im lặng, không gắt, không cáu, nhìn lên trần. Một lúc Mai Thảo trả lời: "Ông ta không nói chuyện với tôi. Chúng tôi cùng viết báo. Cùng viết trên một mặt bàn. Ngồi cạnh. Tôi đọc báo của ông ta làm, tôi biết thất bại. Ông ta không nói chuyện. Tôi cho cái chết ấy là uổng."

Hóa ra Nhất Linh cũng giữ vị trí trưởng thượng đối với Mai Thảo. Nhất Linh chết, Mai Thảo kế tục. Mai Thảo mất, văn học Việt Nam ở góa trưởng thượng.

 

Thụy Khuê: Khi anh viết: phải chặt đứt quá khứ để lên đưòng là anh có ý muốn chặt đứt với thế hệ Mai Thảo phải không?

 Trần Vũ: Không. Khi tôi viết Tàu đã tách bến, đã ra khơi, chất nổ đã ném vào, cờ đã phất lên, tôi lập lại những khẩu hiệu của Mai Thảo. Càng sao chép, tôi càng không thể chặt đứt. Tôi đã dùng suy nghĩ của Mai Thảo, văn của Mai Thảo để hô hoán đoạn tuyệt, hô hoán lên đường. Những điều này Mai Thảo đã viết để thủ tiêu Nhất Linh. Nhưng Mai Thảo không thủ tiêu Nhất Linh, ông kế thừa. Đoạn tuyệt là chữ của Nhất Linh. Mà Nhất Linh cũng đã muốn thủ tiêu Phạm Quỳnh, thủ tiêu Hán-Việt, rồi Nhất Linh cũng phải kế thừa. Mai Thảo làm Sáng Tạo lập lại Phong Hoá của Nhất Linh đã muốn chôn Nam Phong. Đến cuối đời Mai thảo khẳng quyết: "Văn chương là sự kế thừa." Tôi sớm  tin như vậy.

 

Thụy Khuê: Nhưng vì sao anh vẫn muốn chặt đứt?

 Trần Vũ: Tôi muốn Đoạn tuyệt vì hai chữ Đoạn tuyệt đẹp bất ngờ. Thập niên 80, văn học Việt Nam chết đuối trong hiện thực. Hiện thực Xã hội chủ nghĩa và hiện thực bị Giải phóng. Trong nước Khẩu đội 12 ly 8 của Lê Quốc Chí, Con mắt người trinh sát của Khuất Quang Thụy, Hai ông già ở Đồng Tháp Mười của Nguyễn Khải, Chuyện tổ trinh sát của Bùi Bình Thi… Ngoài nước Cùm đỏ của Phạm Quốc Bảo, Màu cỏ uá của Nguyễn Ngọc Ngạn, Vườn thượng uyển bỏ hoang của tôi… Đoạn tuyệt trở nên cần thiết.

 

Thụy Khuê: Trước khi kết thúc, anh muốn nói điều gì nữa về Mai Thảo?

 Trần Vũ: Lúc sinh tiền, Mai Thảo thường nhắc: "Em không dụng chữ cho mục đích phi văn chương. Không chửi ai cả. Văn chương không phải là chỗ cho em bựa. Em không được quyền." Những khi cáu, ông gắt um. Không phải một lần, mà nhiều lần, lời khuyên, mệnh lệnh. Bây giờ Mai Thảo mất rồi, tôi cũng không còn trẻ nữa, nhưng những khi nghĩ đến ông, tôi lại nhớ đến lời dặn này. Hôm qua, bây giờ, tôi vẫn giữ tròn lời hứa với trưởng thượng của mình.


Thụy Khuê: Xin cảm ơn Trần Vũ.

 

 

Thụy Khuê thực hiện, 5 tháng 6, 2008

 

 

© 2008 Thụy Khuê