Thụy Khuê

Nói chuyện với Mai Thảo

 

 

Nhà văn Mai Thảo, là một trong những tên tuổi đã góp phần tích cực tạo dựng nền văn học miền Nam từ năm 1954 đến năm1975. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ, và điều hành nguyệt san Văn. Trong chương trình văn Học Nghệ Thuật hôm nay, chúng tôi hân hạnh giới thiệu với quý vị tiếng nói của nhà văn Mai Thảo.

 

 

 

Thụy Khuê: Thưa anh Mai Thảo, từ trước đến nay, anh vẫn luôn luôn ngỏ ý là anh không muốn trở về nước, vậy bây giờ thì sao, thưa anh?

Mai Thảo: Về câu hỏi về Việt Nam, tôi đã trả lời nhiều lần là tôi không hề có ý định trở về quê nhà, nhưng bây giờ tôi nghĩ để xét lại điều đó xem sao, nếu thuận tiện thì tại sao tôi không về Việt Nam được, thăm mấy người bạn hữu hiện còn đang ở Việt Nam và thăm đất nước chúng ta. Tôi bỏ đi đã 16 năm nhưng không bao giờ quên.

 

T.K.: Với tất cả những thay đổi hiện nay về tình hình đất nước, từ việc Mỹ bỏ cấm vận đến việc người Việt Nam ở hải ngoại thường xuyên về nước, cái nhìn của anh về đất nước có gì thay đổi không?

M.T.: Cái nhìn về Việt Nam của tôi không được chu đáo cho lắm, không được tường tận cho lắm bởi vì vẫn là nhìn qua một khoảng cách rất xa. Nhưng qua những lời thuật lại của một số người đã về Việt Nam thì tình trạng khả quan hơn trước nhiều lắm, dễ thở hơn cho mọi người, kể cả cho những người làm văn học nghệ thuật, và những quốc gia trên thế giới, theo tôi nghĩ, đều rất muốn Việt Nam được tốt đẹp hơn về mọi mặt, về thể chế, về xã hội, về đời sống và rất nhiều quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam. Đó cũng là điều rất tốt. Trước kia người ta nghĩ đến Việt Nam là nghĩ đến một chỗ đói khổ, cùng cực, thì Việt Nam phải khắc định sự đổi khác ấy đang có, đó là Việt Nam hiện nay, năm 1994.

 

T.K.: Về giới văn học ở hải ngoại, hôm nay anh có nhận xét gì về họ?

M.T.: Về lĩnh vực văn chương, ở ngoài nước thì hình như nhịp viết của hầu hết mọi người đã chậm, đã ngưng lại. Chắc là Thụy Khuê cũng thấy điều đó. Nhất là về mặt sáng tác. Cách đây năm, bẩy năm hay ba bốn năm, viết rất khỏe, rất đều đặn, sung sức, nhưng bây giờ bớt hẳn đi. Có lẽ một phần, vì một số nhà văn, phần lớn là những nhà văn nữ khi đã có một hay hai cuốn sách được in ra thì cái viết khựng lại. Đó là một lý do mà tôi nhìn thấy. Thứ hai nữa, tôi cho là vì cái mưu sinh bây giờ hơi khó khăn, có suy thoái kinh tế cho nên không viết nữa. Sau nữa là hình như văn chương bây giờ bớt là một nhu cầu hàng đầu mà mọi người chỉ nghĩ đến vấn đề mưu sinh mà thôi. Và điều cần thiết, điều quan trọng là nhu cầu văn học bắt buộc phải trở lại với dân chúng, với người đọc, mà hiện nay sự trở lại ấy chưa có.

 

T.K.: Về việc giao lưu văn hóa, dường như từ trước đến nay anh không đồng ý với quan điểm của những tờ báo như tờ Hợp Lưu, bây giờ thì sao, thưa anh?

M.T.: Một tờ báo như tờ Hợp Lưu với nội dung và bài vở ở trong và ngoài nước là một hình thức báo chí mà tôi không đồng ý, cái sự không-đồng-ý ấy vẫn còn bởi vì tờ Hợp Lưu vẫn tiếp tục làm như vậy từ số đầu tiên đến bây giờ. Nhưng dần dần tôi thấy, tôi nói rất thành thật, sự không-đồng-ý của tôi cũng vậy thôi. Tại sao tờ Hợp Lưu lại không làm cái việc mà Hợp Lưu đang làm. Cũng là một diễn đàn anh em cả thì cứ việc mà làm và tôi cũng nghĩ rằng anh em Hợp Lưu cũng phải có tinh thần tự do dân chủ nào đó trong việc thực hiện tờ tạp chí của mình. Điều đó khiến tôi yên tâm bởi vì, không đồng ý là không đồng ý nhưng biết đâu điều đó có thể đem lại một sự kiện tốt. Tôi chỉ ở trong thái độ của tôi thôi chứ không phải vì tôi không đồng ý mà chê bai, đả kích công việc làm, không phải của Hoợp Lưu nữa, mà của những tờ báo khác không giống ý nghĩ của tôi về văn chương hay thái độ của người làm văn học nghệ thuật đối với thời thế hay đối với đất nước của mình. Nhất là bây giờ những cửa ngõ với quê nhà đã mở ra rất rộng, điều đó tôi cũng biết chứ không phải là tôi không biết.

 

T.K.: Những người cầm bút cùng thế hệ với anh hầu hết đã ngưng sáng tác hoặc sáng tác rất ít, tại sao vậy?

M.T.: Những người ở lớp tuổi của tôi, bây giờ đã nhiều tuổi rồi. Tâm trạng chung là muốn nghỉ ngơi. cách đây ít ngày tôi có gặp anh Như Phong, tôi có hỏi anh ấy rằng: Nghe nói là bạn nghỉ ngơi một thời gian rồi bạn sẽ viết hồi ký, hồi ký trong tù, hồi ký miền Nam, thì Như Phong trả lời tôi là không viết gì cả nữa, bây giờ còn viết gì nữa, nhiều tuổi quá rồi thì thôi, nghỉ. Tâm trạng của Như Phong cũng giống như tâm trạng của một số người không có diễn đàn của riêng mình. Nhà văn nào cũng thích có cái diễn đàn của riêng mình, hoặc của những người thân thiết như những bạn đường của mình. Vì không có cái gọi là đất dụng võ thì người ta cũng bớt muốn tiếp tục lại công việc văn chương. Hai nữa là ở đây chúng tôi không có sinh hoạt, văn chương đòi hỏi phải có sinh hoạt, phải có gặp nhau, phải có bàn chuyện, phải có bàn tròn. Phải có các sinh hoạt chung với nhau, rồi bảo nhau viết, bảo nhau thực hiện một số báo. Sinh hoạt đó ngày xưa ở nhà có.  Mỗi nhóm có cái sinh hoạt của mình. Như tôi cũng có một sinh hoạt với anh Nguyễn Sỹ Tế, anh Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Bây giờ đâu còn nữa. Bây giờ thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm nhau chứ làm gì còn có sinh hoạt. Đó cũng là lý do để cho việc ngồi trước bàn viết của từng người bớt đi.

 

T.K.: Tại sao anh chưa viết hồi ký?

M.T.: Tôi không thích viết hồi ký. Trong ý nghĩ của tôi, có thể là một ý nghĩ hữu hạn hoặc một ý nghĩ sai lầm, nhưng tôi không muốn viết hồi ký. Ở nơi tôi cho là đời sống của tôi và đời sống của những người cùng một thời với tôi, trong đó có những sự việc, những này nọ của văn chương, tôi cho là cũng thường thôi. Những việc đó có một giá trị nào đó khi nó còn. Đại khái như những tờ bào như Sáng Tạo hay Nghệ Thuật tôi làm, sau đó tôi cho là những việc đã qua đi thì cũng vậy thôi, không có gì ghê gớm cả. Trong ý nghĩ làm nền cho việc viết hồi ký, tôi đã nghĩ như vậy. Ý nghĩ nằm trong chữ KHÔNG. Không viết. Không viết. Điều nữa rất thực tế là viết hồi ký chắc chắn phải khá dài chứ không thể thu gọn lại như hồi ký của một số nhà văn Pháp, họ viết ngắn. Cái đó tôi viết không nổi, rồi cũng phải kể ra những sự việc này nọ, năm này, thập niên 50, thập niên 60, thập niên 70... Dù muốn thu gọn lại thế mấy chăng nữa thì cũng là khoảng thời gian gần một đời người rồi. Lúc đó phải nhớ lại và phải có một số tài liệu để căn cứ vào đó mà viết thì tôi quên hết, gần như tôi quên hết. Nếu phải đi tìm lại tài liệu, ghi chép lại sự việc này nọ thì là một việc rất mất công. Sức làm việc của tôi bây giờ bớt đi rất nhiều, tôi làm biếng lắm. Trở lại nhịp làm việc như ngày xưa rất khó.

 

T.K.: Trong tủ sách anh không có quyển nào của anh, tại sao vậy?

M.T.: Tôi không bao giờ giữ. Điều đó đã có ngay từ ở Sàigòn. Tôi cũng không hiểu tại sao cả. Nhưng những sách của tôi đã được in ra bao giờ họ cũng tặng cho tác giả một số sách, số sách ấy nhiều khi tôi cho hết sạch. Tôi không giữ. Tôi không muốn giữ cái gì của tôi cả. Bảo tại sao thì tôi không trả lời được nhưng tôi không giữ. Trong chỗ tôi đang ở hiện thời, giá sách không bao giờ có sách của tôi hết. Có người hỏi xin thì tôi phải ra tiệm sách để lấy cuốn sách nếu muốn biếu người ta. Những điều mình viết ra thì cứ để cho nó cầm bằng theo gió bay đi. Đối với riêng tôi nhiều khi nhảm lắm vì sách vở của mình, mình không giữ thì còn ai giữ cho mình nữa, thế nhưng tôi thản nhiên khi không có một cuốn sách nào của tôi ở cạnh mình hết. Hình như nó lại đem cho tôi một sự nhẹ nhõm.

 

T.K.: Thế có nghĩa là anh không bao giờ đọc lại những điều mình viết?

M.T.: Đọc lại thì không. Tôi nói cũng không phải là nhũn nhặn đâu, tôi nói thành thật đó, tôi cho là những điều tôi viết ra thì cũng vậy thôi, cũng không có gì đáng kể cho lắm. Nhiều khi mình cũng khôn lắm chứ, đọc lại nhiều khi mình thấy dở chết. Sao ngày xưa lại viết lách như thế này chẳng hạn. Không đọc lại thì không có chuyện gì. Không có chuyện.

 

T.K.: Thì cũng phải có một vài cuốn sách anh thích chứ?

M.T.: Gọi là có những cuốn sách tương đối được hơn những cuốn khác. một người cho mình là không bao giờ đạt tới mức độ nào đó, thì ở tôi là tôi không bao giờ thích những cuốn sách tôi viết ra. Những sách tôi viết ra, cho là có may mắn có người đọc. Có thời kỳ tôi được coi là một trong những tác giả có sách nhiều người đọc nhất, thì tôi vẫn nghĩ là có một cái may mắn nào đó mà thôi.

 

T.K.: Cũng phải có những cuốn mà anh cho là "được" chứ?

M.T.: Cho là được thì không phải là do tôi mà là do người khác, do người đọc, do bạn hữu. Đại khái, tôi cũng rất ngạc nhiên, là tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền, tôi làm thơ chơi thôi, buồn thì làm thơ, ban đêm uống rượu, chưa ngủ, làm thơ chơi. Bất đồ có anh, nhà xuất bản Văn Khoa, nói là tôi rất thích mấy đoạn thơ ngắn của ông, ông cho chúng tôi xuất bản mấy bài thơ. - Thơ, bán cái gì được mà xuất bản? - Không, kệ tôi, ông cứ bằng lòng cho chúng tôi xuất bản, chúng tôi trả bản quyền như một cuốn truyện của ông vậy. Thế thì cuốn thơ được in ra và tôi cũng ngạc nhiên là nó được rất nhiều người yêu mến lắm. Thì cái được, cái khá cũng không ở tôi. Tôi ngạc nhiên cơ mà. Đại khái như tập thơ hay như một số truyện trong thởi trẻ tuổi, gọi là lối viết mới, lúc ấy không ai viết như vậy, rồi thì nó lãng mạn, lúc đó người ta yêu nhất. Thụy Khuê phải nhớ là trong chiến tranh, tinh thần lãng mạn của con người tăng lên để chống lại những thảm kịch, những khốc liệt của thời chiến. Có một số truyện có lẽ được, tôi cứ tính bằng con số nhà xuất bản đã tái bản rất nhiều lần, như tập Sống chỉ một lần, tái bản 5 lần, tập Để tưởng nhớ mùi hương 4 lần... Như tôi vừa trả lời, cái được ấy là do người đọc, do nơi bằng hữu, do nơi những nhà phê bình nói rằng cuốn này được, cuốn kia khá hơn cuốn nọ. Còn tôi, tôi thấy sách tôi thường thôi.

 

T.K.: Hình như là anh không thích giới phê bình văn học, anh không thích những người viết phê bình?

M.T.: Có chứ, tại sao lại không. Bởi vì nếu không có thì chẳng có văn học nào có hết. Người viết phê bình có một vai trò rất quan trọng trong văn học, trong văn chương của tất cả mọi quốc gia và của bất cứ thời nào. Nhưng viết phê bình có thẩm quyền, có uy tín lại là một chuyện khác. Theo tôi nhà phê bình ở trước nhà văn là do trí tuệ tiền phong, hay là do kiến thức về văn học, nhiều khi người sáng tác không có, họ chỉ có năng khiếu viết văn thôi, còn kiến thức nằm ở nơi những người phê bình văn học. Thành ra chuyện, ta đã thấy chữ phê và chữ bình ở trong đó, phê bình đến nơi đến chốn rất khó chứ không phải là dễ.

 

T.K.: Xin cảm ơn anh Mai Thảo.

 

Thụy Khuê

RFI ngày 28-08-1994

 

 

© 1994 Thụy Khuê