Thụy Khuê

Thế hệ bắc cầu

 

 

 

 

Anh Thiết,

Rất lạ, khi ngồi trước máy vi tính để "viết" những dòng này, tôi đã gần như quên hẳn những câu chuyện lý thú chúng ta nói với nhau đêm giao thừa Bính Tuất, cách đây có hơn một tháng. Vậy mà hôm qua, khi đọc lại bài Niềm vui chết yểu của anh, những chi tiết về cái chết Nhất Linh trở lại rõ ràng như cuốn phim vừa xem xong, hoá ra tôi đã "thuộc" nội dung  bài viết ấy, mặc dầu tôi chỉ đọc có một lần, cách đây cũng đến trên dưới 20 năm, tình cờ trên một tờ báo hay một cuốn sách không nhớ rõ ở đâu. Đó là lần đầu tôi "gặp anh".

Đọc hết Nhất Linh cha tôi, thì đấy không phải là "lần đầu", còn một lần nữa tôi đã gặp anh, xa hơn, mới thật là lần đầu, gặp mà không biết anh là anh Thiết, lần ấy tôi tưởng anh là "nhà xuất bản". Một hôm (hình như vào khoảng 79-80) tình cờ đi ngang một tiệm sách Việt ở Paris, tôi  thấy họ bày bán bộ "Xóm Cầu Mới". Loại sách chụp và in lại (thời ấy rất thịnh hành), ấn bản của nhà Phượng Giang. Tôi hết sức ngạc nhiên, vì biết nhà Phượng Giang "chết" đã lâu rồi, ít ra là cùng với Văn Hoá Ngày Nay, những năm sáu mươi, hoặc sau cái chết của Nhất Linh. Và  Xóm Cầu Mới chưa hề được Nhất Linh sinh thời nói đến chuyện cho in "toàn tập". Vậy tại sao lại có bộ sách này? Cũng như nhiều học sinh, sinh viên thời ấy, tôi đã quen biết với Cô Mùi, Ông Năm Bụng... trên Văn Hoá Ngày Nay. Nhưng 1962, tôi đi du học, không biết rõ những biến cố lịch sử xẩy ra sau đó: không biết rõ về cái chết của Nhất Linh, không biết tại sao Phượng Giang tái hiện, trong hoàn cảnh nào? Phượng Giang thật hay Phượng Giang giả? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập, thục giục tôi phải mua ngay bộ sách quý giá này. Về nhà, việc đầu tiên là lật toàn bộ tác phẩm để tìm một dấu hiệu nào đó, tôi chú ý ngay đến phần phụ lục ở những trang cuối, quyển 2. Có mấy lời của Nhất Linh, có bản đồ Xóm Cầu Mới và nhất là có "Lời nhà xuất bản": "Tập bản thảo mà chúng tôi dùng để in quyển truyện này đã bị thất lạc từ mười năm nay mới được tìm thấy. Sự tình cờ là ngày tìm được tập bản thảo lại nhằm vào ngày giỗ thứ mười của cố văn hào Nhất Linh-ngày 18 tháng 5 Âm Lịch- nên chúng tôi quyết định chọn ngày này cho khởi công ngay việc chép và soạn lại toàn bộ tác phẩm Xóm Cầu Mới để đem in, đánh dấu ngày hoạt động lại của nhà xuất bản Phượng Giang do Nhất Linh chủ trương từ năm 1952".

 Bây giờ ngồi trước máy tính chép lại những "lời nhà xuất bản" trên đây, lạ thay, tôi dần dần nhớ lại hết những chi tiết khác, trong các câu chuyện mà anh nói với tôi đêm giao thừa và đêm trước, về việc tìm lại bản thảo, cũng gây cấn như chuyện trinh thám, mà trong này anh chỉ viết gọn "thất lạc từ mười năm nay mới tìm thấy". Biết mình may mắn, nhưng tôi lại tham lam, muốn có nhiều người may mắn như mình, cho nên tôi mong một ngày nào đó, anh sẽ kể lại cho độc giả, "những bí mật" về việc thất lạc ấy, tôi tin như thế, bởi nó thuộc về dĩ vãng văn chương của một văn hào. Là một trong những kẻ ưu tiên được nghe anh kể, và những điều tạm gọi là "bí mật" ấy, không những đã đọng lại trong tôi (như những chi tiết về cái chết Nhất Linh) mà nó còn làm sống lại tất cả những chi tiết khác chung quanh những câu chuyện chúng ta nói với nhau, đêm giao thừa Bính Tuất.   

Trở về lúc "79-80", khi đọc xong lời "nhà xuất bản", tôi mới yên trí rằng: đây là "sách thật" và thầm cảm ơn "cái ông nhà xuất bản Phượng Giang" nào đó, chắc phải là "bạn thân" của Nhất Linh, cho nên mới thiết tha với Nhất Linh và với văn chương đến như thế. Tôi đâu có ngờ đó là anh. Anh Thiết. Cha anh đã đặt tên anh thật đúng.

Hai kinh nghiệm trên đây làm tôi hoang mang, phân vân không hiểu chính "cái viết" hay "cái kể" của anh đã mở trong óc tôi một ngăn kéo riêng "chứa" những gì về Nhất Linh, hay vì cha anh, Linh thiêng bậc Nhất, cho nên ông biết đúng yếu điểm của con người, lấy làm "căn cứ" để tồn tại, sau khi chết. Dường như cả ba yếu tố này đều có thật và chúng hội tụ trong tác phẩm của anh.

Anh viết về Nhất Linh, nhưng thật sự anh đã kể về một thời, về giai đoạn bắc cầu giữa Tự Lực Văn Đoàn và Sáng Tạo, về thế hệ "di cư", thế hệ "chúng ta". Những mẩu chuyện nho nhỏ, những chi tiết cỏn con của Hà Nội những năm 50, của Sàigòn sôi động những năm 60, những gặp gỡ và xô sát giữa cái mới và cái cũ. Trong "bọn trẻ chúng ta", "tinh thần" đã âm thầm chia hai: kẻ đọc Văn Hoá Ngày Nay, kẻ đọc Sáng Tạo. Tôi đọc cả hai, nhưng tôi thích Nhất Linh hơn; anh, con Nhất Linh, anh lại thích Mai Thảo: đó là tất cả những phức tạp trong "chúng ta", khác "trường phái" nhưng chia nhau cái tự do của tuổi trẻ.

 Biết bao nhiêu điều để kể về cái quá khứ chưa hết lãng mạn nhưng đã pha chút bụi đời  ấy. Đọc anh mới biết Nhất Linh thích thổi hắc tiêu bài Tennessee Waltz, bản nhạc đã mê hoặc "chúng tôi": vậy ra cha anh cũng chịu chơi, cũng rất gần với tuổi trẻ. Anh lén cha đưa chúng tôi vào hậu trường của một nhà văn lớn, những lúc ông khóc một mình trong đêm khuya: thì ra ông là người cô đơn, đớn đau và bí mật. Anh chẳng giấu gì, anh kể hết những việc làm hàng ngày của ông, những thói quen của ông. Nhưng cả anh, người viết lẫn tôi, người đọc, hôm nay và mai sau, sẽ vĩnh viễn không thể nào "vén" được tấm màn bí mật của ông: Nhất Linh bình thản sửa soạn cái chết của mình, ông bàn việc đó với người con, và làm việc đó trước mặt người con, anh Triệu, vậy mà anh Triệu không hay biết gì. Cái bí mật của ông là một hiện hữu,  một bản chất, một định mệnh.

Tôi còn nhớ, trong Viết và đọc tiểu thuyết ông khen cuốn Wuthering Heights là cuốn tiểu thuyết hay nhất của mọi thời. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về nhận định này, bởi ông rất khâm phục Tolstoi, kỹ thuật viết của ông dựa trên kỹ thuật của Tolstoi, vậy tại sao ông lại chọn Bronte là tác giả tiểu thuyết hay nhất của mọi thời? Và trước khi mất, ông "ngồi cạnh" Bronte chứ không phải Tolstoi.  

Bây giờ thì tôi hiểu: cái bí mật trong tiểu thuyết của Bronte đã lôi cuốn ông, Bronte đã viết được "cái bí mật" trong con người, con người còn sống và đã chết, trong đó có ông. Bronte với ông là kẻ "đồng hội đồng thuyền". Bronte ngày trước chắc cũng đã âm thầm khóc trong đêm như ông. Cho nên, trước khi xuống "dưới ấy", ông đã đọc lại Bronte, để gặp nhau "đào sâu" thêm những nghi vấn bí mật giữa sống và chết chưa giải mã được.

 

Những tiếng gõ "Cạch! Cạch!" của Vũ Hoàng Chương trên quan tài Nhất Linh. Những tiếng bí mật của định mệnh, của một cái chết, của nhiều cái chết, trong dòng lịch sử. Dường  như anh đã ghi lại được tất cả những âm thanh vô nghiã mà lại có khả năng dội vào tâm khảm người đọc như một định nghiã. Định nghĩa của bí mật. Đọc anh, "chúng tôi" đã "biết hết" về cái chết của cha anh và hai chú anh, để rồi kết luận rằng: họ đã mang theo tất cả bí mật của đời mình, khiến "chúng tôi" ngơ ngác, không hiểu. Nhất Linh có mặt hay vắng mặt? Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, đã một lần thật sự hiện hữu?

 

Bên cạnh Nhất Linh và sự vắng mặt của Nhất Linh là sự hiện diện của những người đàn bà: những người đàn bà trong Tự Lực Văn Đoàn. Những người đàn bà không viết văn nhưng nếu không có họ thì không có văn chương, không có Tự Lực Văn Đoàn, thậm chí không có lịch sử. Anh đã vẽ những bức chân dung họ, vài nét chấm phá về bà nội anh, "thủy tổ" của Tự Lực Văn Đoàn. Những nét đậm đà về bà Cẩm Lợi, mẹ anh, người đàn bà ít học nhưng thông minh lạ thường. Mẹ anh là bà Tú Xương của Văn Đoàn, nếu không có bà thì Văn Đoàn không thể "Tự Lực" được. Trong lúc hiểm nghèo, cũng chính bà đã can trường dẫn con trai ra khỏi "chỗ chết", trong khi những người thân khác (bác anh và cậu anh) đã không đi thoát. Anh đã viết những dòng đầy thương cảm về chị Thư, chị cả anh, người con gái 20 tuổi đã dẫn 4 đứa em chạy loạn, lạc cả bố lẫn mẹ, sau này sống cô đơn, không hạnh phúc, chết trong tai nạn. Không quên được chị Đạt, người chị dâu họ, đã cơm nước cho cha anh trong thời kỳ ông lẩn trốn chính quyền (sau biến cố 11/11/60), trong "sáu mươi đêm ngày" thời gian ông viết lá chúc thư văn học "Dòng sông Thanh Thủy". Cũng chính Chị Đạt  đã giữ trọn bộ Văn Hoá Ngày Nay và một số tư liệu, bản thảo của Nhất Linh trong 40 năm sóng gió như "khúc ruột của mình".  Chị Thoa, một đời cô đơn, âm thầm sống và âm thầm chết, nhưng bên cạnh chị hiện lên cha anh, như một "bóng ma thân thiết" che chở người con gái không nhiều may mắn. Thái Vân, vợ anh, người "cầm vận mạng gia đình" ngày 30/4... Mỗi quyết định, mỗi hành động của những người đàn bà này, đều mang tính rẽ, ngoặt, thay đổi cục diện "lịch sử", dĩ nhiên là lịch sử nhỏ của anh, của gia đình anh. Nhưng tất cả những lịch sử nhỏ ấy tạo thành Lịch Sử. Bởi qua chị Thư, bao nhiêu người tìm thấy chị mình? Qua mẹ anh, bao nhiêu người tìm thấy mẹ mình?  

 Anh Thiết ạ, chúng ta có những việc làm giống nhau: anh ra đi ngày 30/4 để về lại hơn hai mươi năm sau, đem tro cha mẹ về Trung. Chị Trâm tôi cũng đã vượt biên, và cũng đã, như anh, trở về, cải mộ, đem xương cha mẹ về Bắc. Chúng ta cùng đi trên một tuyến đường. Một tuyến đường có nhiều cái chết, như chị Thùy tôi, ở lại nuôi chồng đi cải tạo và gửi dần bốn thằng con trai cho chị em vượt biển thành công, chị Thuỳ đợi chồng về đi sau, để rồi cùng chết với chồng trên đường vượt biển. Và chị Trâm tôi, cũng một thân một mình, dẫn mẹ và mấy đứa em từ hậu phương về thành: Người con gái chưa đầy hai mươi tuổi ấy, đã chân đất, mỗi bước năm ngón bặm chặt vào bờ ruộng trơn như mỡ, trên vai nặng một đòn gánh, gánh một bên thúng gạo để ăn đường, một bên thúng "đựng" đứa em út chưa đầy 5 tuổi là tôi, qua những đồn bót, ruộng hoang, nhà cháy, bom đạn, vượt hàng trăm cây số để về Hà Nội. Và vẫn người chị ấy, bốn mươi năm sau, từ Úc, về Sàigòn ôm tiểu cha mẹ về Bắc. Chị Thư anh và chị Trâm tôi, là một, phải không anh? Hay như chị Thùy tôi đã chết để các con được sống. Họ đã âm thầm gánh lương tâm của thời đại. Không có họ thì không còn anh, không còn tôi. Họ là những người đem thuốc hồi sinh cho một thế giới đầy rẫy chết chóc. Nhưng trong những người chị của chúng ta, còn hằng hà sa số những người chị khác, chúng ta không biết tên. Cho nên tôi thành thật cám ơn anh, anh đã viết về họ, anh đã viết về tất cả những bà Tú Xưong không biết viết; anh đã viết về tất cả những người chị không biết viết văn. Nhưng họ đã sống và đã hành động kịp thời. Họ thật. Và họ cần được viết lại với sự chân thật, không màu mè, bịa đặt như chúng ta thường thấy trong những hồi ký trá hình đầy dẫy trên thị trường chữ nghiã.

  

Chân thật đối với anh không khó, bởi nó là "cái vốn" của gia đình anh. Thạch Lam có viết trong Theo Giòng, đại ý: sự chân thật không làm nên nhà văn, nhưng một nhà văn đích thực không thể không chân thật. Sự chân thật ấy, từ bà cô Nguyễn Thị Thế, ông chú Nguyễn Tường Bách, đến các anh em họ, như Duy Lam, Thế Uyên, khi viết về gia đình anh đều toát ra, khiến những dòng hồi ký của họ luôn luôn gây xúc động. Còn anh, anh viết: "Chú Sáu. Thạch Lam. Tôi không biết làm sao khởi đầu. Tôi không biết gì về chú. Tôi không có một kỷ niệm nào với chú. Tôi không hình dung nổi ngay cả một khuôn mặt rõ ràng của chú. Nghĩ mãi sau cùng chỉ có một hình ảnh duy nhất gợi lên trong tôi về chú. Đó là cây liễu... Cây liễu ven hồ... Thế là tôi bắt đầu."  Nào ai bắt anh phải thực thà như thế? Ở một cây bút khác, chắc gì người ta đã tự nhận là mình bí. Nhưng trong thực thà có sự thực. Anh có thể viết khác đi, nhưng người ta sẽ không đọc anh như đọc một sự thực. Và sự thực là điều quý giá nhất mà người đọc  mong mỏi và tìm kiếm khi mở một cuốn hồi ký. Sự thật không cạnh tranh với văn chương, không làm hao mòn văn chương, không đe dọa văn chương, cho nên dù viết thật thế nào, cuốn hồi ký của anh cũng vẫn là một cuốn hồi ký văn chương: mộng và thực giao thoa trong những mảnh đời anh, mảnh đời gia đình, được cắt dán chồng chéo một cách rất hiện đại, không theo thứ tự thời gian, không trước sau, không thống nhất, như trong lối viết hồi ký cổ điển.

Hồi ký của anh giống những truyện ngắn, hay nói đúng ra là anh viết truyện ngắn về gia đình. Nhưng những "truyện ngắn hồi ký" này vừa có chất "thực" rất thực, mà còn chở những giấc mơ huyền ảo mà hồi ký truyền thống không có. Anh vừa sáng tạo ra một thể loại mới, anh Thiết ạ. Hôm nọ trong câu chuyện đêm giao thừa: tôi có mạo muội "khuyên" anh: Nên rút ông Nhất Linh ra ngoài, để đi con đường riêng của mình. Và trong thư mới viết cho tôi, anh có ý ngại, anh băn khoăn: nếu "bỏ Nhất Linh đi" thì liệu có còn cảm hứng để viết nữa hay không? Bây giờ đọc xong hồi ký của anh thì tôi chắc chắn hai điều: về cảm hứng, tôi nhớ Nhất Linh có khuyên Bình Nguyên Lộc: "Không có chuyện cảm hứng gì cả, mỗi ngày bắt buộc mình phải ngồi viết một hai trang, thì cảm hứng sẽ đến". Điều này trước đây tôi cũng đã học được của Nguyễn Hiến Lê. Còn câu "rút Nhất Linh" ra, thì nay tôi xin "rút lại", kể như không nói, anh muốn viết gì thì viết, miễn là anh thành thực với chính mình như anh vẫn làm từ trước đến nay, như trong cuốn sách này. Chính cái thành thực đã khiến anh gần gụi với độc giả, và tôi là một trong những độc giả ưu tiên được đọc anh và tôi đã tìm thấy ở anh, dấu ấn của một nhà văn đích thực.

 

Paris, 27/3/2006

Thụy Khuê


------------

In trong cuốn Nhất Linh, cha tôi của Nguyễn Tường Thiết, Văn Mới, california 2006

 

 

© Copyright Thụy Khuê 2006