Thụy Khuê

 

 

Thày Mạnh

 

 Thế giới văn chương tuy bao la nhưng lại giống như một xóm nhỏ, người viết "thuộc lòng" nhau. Thế giới phê bình còn bé hơn, nhiều "nhà", lắm "đại gia", nhưng những người đọc được đếm trên đầu ngón tay. Phê bình cũng như thợ trạm: phải ở trong nghề mới biết thật, giả.

Không phải là học trò ông, tháng 9/1993 gặp ông lần đầu, Nguyễn Đăng Mạnh không khác những gì tôi hình dung qua văn bản. Quen phân tích người trước mặt qua lối nhìn hiện tượng, tôi thấy: Nguyễn Đăng Mạnh đẹp. Lối Bắc. Da trắng. Mắt đen. Long lanh thứ ánh sáng mà Nguyễn Du bảo là "anh minh phát tiết ra ngoài" báo hiệu một đời "nghìn thu bạc mệnh". May nhờ cái miệng kéo đi: miệng cười rộng, tươi. Môi giống hai cánh hoa chụm, không cười vẫn chúm chím như sắp nở. Thoạt nhìn có thể xếp vào loại trai Bắc lém, xạo, mắt có đuôi, miệng chưa cười, mắt đã. Nhìn kỹ không phải thế: cặp mắt biết cười đánh tan cái "bạc mệnh" của ánh mắt sáng "anh minh phát tiết"; khi nói, cảm tưởng lém và xạo tan đi, chỉ còn cái thật, cái thẳng. Thẳngthật nằm trong thanh âm tiếng nói, tiếng cười đọng lại như một yếu tố ngoài văn bản.

Bấy nhiêu ký hiệu xác định tư cách trí thức và văn học của Nguyễn Đăng Mạnh.

 

*

 

Nguyễn Đăng Mạnh là một nhà phê bình sắc sảo, ông nhận ra những gì người khác chưa thấy, và ông thấy được sợi chỉ đỏ trong tư tưởng và nghệ thuật của tác giả.

Nguyễn Đăng Mạnh là một nhà trí thức dám nói, trong môi trường ít người dám nói thật.

Ở một ngòi bút phê bình, tài năngđạo đức là hai giá trị hàng đầu. Tài năng, dĩ nhiên phải có, không tài, xin miễn, nên chọn nghề khác. Đạo đức, hiếm hơn, rất khó, đó là đạo sống, đạo làm người, đạo đức gần với lương tâm: Con người ai cũng có lương tâm, nhưng mấy ai biết hành xử theo lương tâm.

Ở người phê bình, ngòi bút đạo đức là ngòi bút có lương tâm: Không khoa trương, viết những điều mình không biết. Không viết trái với lương tâm. Không viết theo chỉ thị cũng không viết theo đơn đặt hàng. Không làm bồi bút. Nịnh trên là bồi bút vụ lợi. Nịnh bạn là bồi bút vụ tình. Nói lúc cần phải nói. Im lặng khi cần phải im lặng.

Nguyễn Đăng Mạnh là nhà phê bình có lương tâm nghề nghiệp trong một môi trường cầm bút không mấy ai chú ý đến lương tâm.

Một điểm nữa, điểm mà Tạ Trọng Hiệp lúc còn sống thường hóm hỉnh gọi là tình trạng "chạy nước rút": người ta muốn học gấp trong vài ngày, vài giờ những điều đáng lý phải học cả đời. Người ta tung ra những kiến thức sống sượng vừa sao chép được trong thời buổi điện tử, chỉ cần ấn con chuột vài cái là có đến trăm ngàn kiến thức dọn sẵn. Loại kiến thức "nước rút" đầy rẫy trong các cuộc "tranh luận văn học" trong và ngoài nước, trên mạng cũng như trên giấy.

Nguyễn Đăng Mạnh không tham dự những cuộc "chạy nước rút", hình như ông không thích ăn xổi. Nghe đâu ông "chưa biết lên mạng", và khi cần, ông phải nhờ học trò "hướng dẫn", nên thoát được tình trạng nhiễm xạ kiến thức nổi, như một số vị đồng liêu tân tiến.

Nguyễn Đăng Mạnh là một "người hiền" thênh thang trên con đường "cổ lỗ sĩ" của mình, chẳng còn mấy ai: ông là một trong những người Mohicans cuối cùng của dòng phê bình "trọng nghĩa khinh tài", bởi "quê mùa" nên giữ được tấm lòng trong sạch với chữ nghiã, sách vở.

 

*

Chẳng cần nhắc lại những bài lý thuyết văn học hay những trang viết về Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng... giọng mực thước, kiến giải sâu sắc, hiển nhiên ai đọc cũng  thấy, tôi phục nhất tác phẩm «Mấy vấn đề về phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ chủ tịch Hồ Chí Minh» được giải thưởng nhà nước năm 2000, và lại càng phục sự sáng suốt minh mẫn của hội đồng giám khảo, đã có mắt tinh đời, nhận ra cuốn sách đặc sắc của Nguyễn Đăng Mạnh.

Phục, vì những kẻ ngoại đạo như tôi thường không dám lạm bàn đến văn thơ bác Hồ. Muốn tìm hiểu văn chương của vị chủ tịch, chúng ta đã có cả một ngân khố nghiên cứu phong phú về Bác Hồ học, đủ mọi nhà, từ Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, đến Chế Lan Viên,Tố Hữu, ... chẳng kém gì ngành Việt Nam học ở nước ngoài. Nhưng cuốn sách nhỏ của Nguyễn Đăng Mạnh vượt lên trên tất cả kinh điển của các vị tiền bối và hậu bối, nếu dùng lại chữ của Nguyễn Đăng Mạnh thì đó là những "tiếng mai sau": viết cho hiện tại và cả tương lai.

 

Vì cho rằng thơ bác Hồ sáng như ban ngày, nên văn ông khi bình thơ bác cũng sáng lắm. Đọc ông, ta thấy rõ tất cả những chất thơ, chất thép trong thơ bác, rạch ròi, đâu thơ, đâu thép, và những tư tưởng cô đọng nhất, trữ tình nhất của bác khi trong tù, khi Pác-Bó. Bình bài Tức cảnh Pác Bó, Nguyễn Đăng Mạnh đã vận dụng phương thức phê bình kinh điển một cách tài tình. Jakobson và Lévi-Strauss phân tích bài Les chats của Baudelaire cũng không thú vị bằng. Họ trí thức quá, kỹ thuật quá, bài viết của họ khô khan như những công thức toán học, trong khi Nguyễn Đăng Mạnh bù khú, uy-mua, bình dân hơn, rất hợp với tinh thần dân dã, tinh thần công nông trong thơ bác, nói lên cái chí khí của bác.

Không chỉ bình thơ mà họ Nguyễn còn dựng lại cả khung cảnh sống của bác Hồ. Tại Pác-Bó, Nguyễn vẽ cái hang, đặt lại bài trí, Nguyễn đi đi lại lại, ra ra vào vào trong hang, Nguyễn bảo phải gọi là cái hốc mới đúng, rồi Nguyễn ra cửa phóng mắt, bách bộ vài trăm mét để có tầm nhìn xa, Nguyễn so sánh cảnh ở ẩn ngày xưa của các cụ với cảnh ở ẩn tiêu sơ ngày nay của bác. Không một vị trí, mưu lược, chiến lược, giả thử, giả thiết, góc độ, tọa độ, nào mà Nguyễn không thử. Nguyễn nếm rau, nếm cỏ, đi vào mộng hư hư thực thực của bác, Nguyễn  đưa mỗi chữ của bác ra để nhìn, ngắm, cảm, hiểu, lũy, tích, phân -tôi cam đoan chưa một nhà ký hiệu học nào có thể đi xa đến thế- và cuối cùng, Nguyễn đã tóm kết thơ bác thành một tổng hợp vô cùng phong phú. Nguyễn cũng không quên trích dẫn các vị hàn lâm đã bình thơ bác như thế nào, thầm nói lên cái thiếu vắng trong ngôn ngữ phê bình và lý luận của các bậc tiền bối.

Cho nên, Nguyễn Đăng Mạnh là nhà nghiên cứu bác Hồ một cách đầy đủ và chân thực nhất mà chúng tôi có dịp đọc từ trước đến giờ. Bí quyết tìm thấy sợi chỉ đỏ trong thơ bác Hồ ấy, đến từ đâu?

Có phải Nguyễn hơn người vì đã tự hoà mình trong sự vui vẻ phóng túng của vị nguyên thủ lúc làm thơ, thấm được được cái vui, cái phóng túng ấy, hay chính nhờ cái duyên thầm, nhờ cặp mắt sáng có đuôi, nhờ cánh môi hoa nụ, nhờ những ký hiệu ẩn của một thần thái khác thường, mà Nguyễn đã có thể cảm thông sâu sắc với thơ bác hơn những vị chức sắc, cao hàm kia, họ quá trịnh trọng, không biết cười, mắt không có đuôi, lại ít sáng, nên dù được ở gần mặt trời mà vẫn không lãnh hội được ánh sáng?

 

*

 

Lâm Ngữ Đường kể một chuyện về Kim Thánh Thán đại để như sau: ông này tự đặt hiệu là Thánh Thán (nghiã là tiếng thở dài của Thánh) vì theo ông (Thánh Thán), lúc ông sanh ra, ở miếu Khổng Tử trong làng bỗng phát ra một tiếng thở dài bí mật.

Chuyện của họ Lâm và họ Kim thì chịu không biết ai bịa.

Nhưng có một điều rất lạ: khi đọc hồi ký của một số tiền bối, kể cả những bản "di cảo" với những lời xám hối rất lâm ly, hoặc khi đọc nhật ký của chư vị liệt sĩ, kể lại những cảnh sa trường máu lửa, với những hy sinh cao cả của liệt vị anh hùng, lắm chỗ bi đát, hùng tráng lắm, vậy mà khi đang xúc động với những tang thương ngẫu lục như thế, bên tai chúng tôi bỗng lại nghe thấy tiếng thở dài bí mật của Khổng Tử...

Còn khi đọc hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, tuyệt không nghe thấy tiếng Tử thở vắn thở dài. Té ra là thày Mạnh không bịa tý nào (chúng tôi cũng đã thử điều tra hư thực bằng cách hỏi một bạn đồng nghiệp trong nước về những điều Mạnh viết, thì được khẳng định chắc nịch "trăm phần trăm"). Thế mới chết. Ở cái chỗ mình đang mong thày Mạnh nói bịa như thày Lâm, thày Kim, thì lại không. Tức là thày Mạnh luôn đánh trúng chỗ mình đuối nhất, không ngờ nhất.

 

*

 

Nhiều nhà đạo đức chê Mạnh là nhà giáo nhân dân, đường đường một đấng... mà lại "hạ mình" viết "hồi ký", thứ hồi ký thấp kém rặt chuyện thị phi, nghe người này kể, người kia mách, toàn chuyện tầm phào, không xứng miệng người... quân tử!

Chê như vậy là rất rành... luân lý nhưng không mấy sành... văn.

Bởi văn chương không sang hèn, không giai cấp, không chiếu trên chiếu dưới. Văn chương khác y phục, càng không phải lễ nghiã, bài vị, mâm cao, mâm thấp, hạng nhất, hạng nhì: Kẻ bình dân, thậm chí ăn mày có thể làm thơ sang trọng, biếm vua. Bị bắt, truy tội phạm thượng, phải chết, nhưng chẳng vua nào "sai bảo" được văn chương hắn. Những điều vua áp dụng trên thân xác hắn không có tác dụng gì trên văn chương hắn. Văn chương đích thực luôn nhởn nhơ bay. Chỗ nọ cấm, chỗ kia in. Chỗ này chôn, chỗ kia quật. Văn chương đích thực là một thực thể ngoài lằn ranh: kẻ đạo đức vẫn có thể viết truyện về du đãng, nhà giáo có thể kể chuyện thị phi, miễn sao "lọt tai độc giả".

 

*

 

Lại có người bảo viết hồi ký thì phải cho ra hồi ký, phải trúng cách hồi ký. Nói thế là  hơi... chấp. Hồi ký chỉ có nghiã hồi tưởng lại quá khứ mà viết, tức là viết chuyện quá khứ có mình, có người. Còn cách viết hồi ký như thế nào, xưa nay chưa ai dám xác định.

 Nguyễn Đăng Mạnh dựa trên những điều ghi được, nhớ được, đôi khi nghe người này người kia kể về một nhân vật, một hiện tượng. Có chỗ nói quá, ghi sai, nhưng hồi ký không nhất thiết phải đúng 100%. Bởi không ai xử dụng hồi ký làm tư liệu chính xác nghiên cứu mà nếu dùng cũng chỉ để so sánh với những nguồn tư liệu khác.  

Hồi ký cũng không phải cứ bịa ra viết mà xong. Người đọc hồi ký thường so sánh với những sự thật xẩy ra ngoài đời và nếu thấy quá nhiều chuyện bịa thì người ta không tin, người ta vứt sách đi. Viết hồi ký cũng giống như viết truyện hư cấu: phải làm sao cho người đọc thấy được sự thật bật ra trong tác phẩm.

 

Sự thật ấy là gì trong cuốn hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh?

Sự thật ấy không phải là cái đúng, cái sai khi tả Xuân Diệu thích ăn ngon, khi kể chuyện ai đó đi giật lùi trước mặt Tố Hữu.

Sự thật mà chúng ta đòi hỏi là Nguyễn Đăng Mạnh có tái tạo được chân dung những vị  quan văn lớn... qua những chuyện thị phi, những nét biếm, nét thậm xưng, mà người ta đồn nổi, đồn chìm đó không?...

Sự thật ấy là Nguyễn Đăng Mạnh có tái tạo được bối cảnh văn trường nửa sau thế kỷ XX với những luồn cúi, những tiến thân, những bầy nhầy, nhếch nhác.

Sự thật ấy là qua cách biếm họa chân dung những nhà văn danh tiếng, Nguyễn Đăng Mạnh có phác thảo được bộ mặt văn học thời ông sống hay không?

Thích hay không thích, tùy quan điểm của người đọc, nhưng dứt khoát hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh là một phụ bản của đời sống văn học, là sự kết hợp giữa sáng tác và phê bình, giữa ánh sáng và bóng tối.

*

 

Người phê bình thường không mấy khi sáng tác, mà giới sáng tác nếu viết phê bình cũng không chuyên. Phê bình không sáng tác vì lẽ giản dị: đã khen chê người khác thì dại gì để người khác khen chê mình.

 Phê bình và sáng tác là hai địa hạt khác nhau: viết phê bình phải học, đọc kiểu phê bình, phải nghiền ngẫm các lý thuyết văn học, triết học, ngôn ngữ học, ký hiệu học, v.v... toàn những học là học cả, rất khó nhai và không hứng thú. Trong khi viết văn không nhất thiết phải đọc những thứ khó tiêu này, nay lẩy dăm ba câu Kiều, mai vài điệu Xuân Hương... đại khái đọc gì cũng được, tùy sở thích.

 Phê bình phải đọc những thứ khó nhai để dựng kiến thức "vĩ mô", nhưng cũng không thể bỏ qua mớ kiến thức "vi mô", tức là những chuyện "tầm phào", kiểu: nhà thơ X thích ăn gì? Có mấy cô bồ? Bài thơ này làm tặng ai?... nên tuy bề ngoài hắn có vẻ trí thức, đạo mạo, nhưng bên trong hắn bị nung nấu bởi những thông tin thượng vàng hạ cám, óc hắn rối bời như mớ bòng bong, không còn "tâm địa" nào để sáng tác. Nói trắng ra kẻ phê bình luôn luôn bị trói chân trói cẳng, hắn phải theo đúng "đường lối" của chính hắn đề ra: tức là phải tìm cho được cái sườn tư tưởng của nhà văn, theo một quy định mỹ học mà hắn đã lựa chọn.

 Tất nhiên nếu bí quá, không nghĩ được gì độc đáo, hắn sẽ ba hoa chích choè, viện dẫn mớ lý thuyết học lóm hoặc "chạy nước rút", để lòe bịp độc giả, nhưng không bao giờ hắn có thể qua mắt được bọn thức giả.

Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh phối hợp cả hai tầm kiến thức "vi mô" và "vĩ mô" ấy trong cùng một ngòi bút, là cuốn sách bình dân thông tục do một trí tuệ quen lập luận bác học viết ra. Đó là điểm lạ và hấp dẫn của tác phẩm.

 

*

 

JP Sartre ví kẻ phê bình như một tên gác nghiã địa. Nghèo đói, vợ con nheo nhóc, luôn luôn bị vợ chửi vì kiếm không đủ tiền nuôi gia đình. Mụ chửi vì mụ chẳng thấy những xâu chữ rủng rỉnh của hắn bán được đồng xu nào, chỉ đem lại những phiền nhiễu, khốn nạn. Mụ xỉa xói, đôi khi thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Mụ hát như hát hay, những lý lẽ của mụ, hắn không bao giờ cãi lại được, mặc dù hắn là kẻ chuyên biện luận. Muốn thoát cõi trần ai khổ ải, hắn chỉ có cái thú duy nhất: mở cửa thư phòng, nhào vào, lật vài trang sách, tìm sự cứu rỗi: bao nhiêu con chữ nằm chết khô trong sách, chỉ đợi đôi mắt sáng của hắn rọi vào là chúng sống dậy, nhẩy múa tung lên, chúng cho hắn niềm vui và hạnh phúc, chúng đưa hắn phiêu lưu hết tinh cầu này đến vũ trụ khác, bọn bạn ma chữ ấy lai tỉnh, nói chuyện với hắn như gạo rang, và như thế hắn thoát khỏi cõi đời phiền toái, hắn nhập mộng...

 

Người Pháp rất hóm hỉnh, khi muốn bảo kẻ nào khùng, họ không chỉ thẳng mặt kẻ đó mà bảo mày khùng, làm thế vô phép và dễ gây án mạng; họ dùng ngón trỏ chỉ vào thái dương mình xoáy tít mấy cái. Nếu xoáy trước mặt đối phương như thế sẽ không ổn, có thể bị ăn tát, họ bèn đợi lúc kẻ kia quay đi, mới dí tay lên lên trán mình, chỉ có cử tọa thấy mà thôi. Cái lối gây sự kín đáo, nhã nhặn, lịch sự, như thế, người Pháp tuyệt hảo. Người mình chắc chắn không thèm làm như vậy, vì mình vốn được tiếng anh hùng, mà đã anh hùng thì không thể làm cái cử chỉ ám lậu, lén lút, sau lưng như thế. Người mình tuyên chiến với nhau đường đường chính chính, ba mặt một nhời, dân mình đầy ắp chiến thắng trên khắp mình mẩy đất nước và cũng để lại nhiều vết sẹo. Còn Pháp, may ra có vài trận đánh tép riu trên lãnh thổ, Napoléon suốt đời đánh giặc trên đất người, chẳng để lại vết sẹo to nào trên mình mẩy quê hương. Cá tính các dân tộc khác nhau là như thế.

 

Léo Spitzer, một nhà phê bình lớn của Đức kể lại một chuyện lý thú khác: Spitzer bảo hồi còn là sinh viên khoa bác ngữ học (philologie) ông bị nhồi nhét nhiều thứ lý thuyết ngữ học, nhưng rút cục, về môn Pháp văn, ông chỉ biết đại khái: nếu tiếng la tinh có a, thay e vào thì ra tiếng Pháp... còn thày chẳng dạy gì về người Pháp cả. Mãi đến khi một đoàn kịch Pháp qua diễn tại Vienne, Spitzer đi xem: mở màn ra thấy một tay Majordome (quản gia nô trong các nhà quyền quý) trịnh trọng nện cán gậy xuống sàn ba cái, cất giọng rổn rang hô "Madame est servie!" (Rước Bà Lớn nhập tiệc!). Spitzer mới ngộ ra cái dí dỏm khôi hài trong tính tình người Pháp, và từ đó ông dẹp tiệm ba cái bác ngữ học lôi thôi vô bổ để đọc thẳng tiểu thuyết Pháp và nghiên cứu Rabelais, nhà văn cự phách đặc biệt khôi hài. Như vậy đủ biết tiếng cười hiếm quý như thế nào.

 

*

 

Dông dài như vậy là để giải thích tại sao tôi phục ông Mạnh. Ông dạy học suốt đời, ông là nhà giáo nhân dân. Ở địa vị cao quý như thế trong nước Việt Nam, chắc chắn ông phải đạo mạo, phải đứng đắn như... Khổng Tử. Nhưng ông lại không vậy, ông lại biết ... cười.

 Tôi thấy thầy Mạnh không mấy thầy, mà lại rất... Pháp, rất nghịch và có duyên thầm.

Khi ông sang Pháp, tôi có được tiếp ông, nghe chuyện ông cả ngày không chán. Không phải nghe chuyện ai mình cũng thú đâu, nhiều người nói năng nhạt như nước ốc mà lại thích thao thao, ta đành phải chịu trận.

 Nghe chuyện thày Mạnh khoan khoái cả "tinh thần" lẫn "vật chất", bởi ông là một nhà giáo chính hiệu xã hội chủ nghiã mà lại pha trộn cái duy tâm với cái duy vật một cách tài tình. Thí dụ về Xuân Diệu, đang mô tả Xuân Diệu làm cơm như thế nào, thích món gì, thèm món gì, "đột xuất" ông quẹo sang thơ Xuân Diệu, sang cuộc đời tình ái của Xuân Diệu, không thèm "chuyển đoạn" gì cả. Lối kể của ông luôn luôn như đánh du kích, rất hấp dẫn. Ông kể chuyện Trần Dần bị bắt, bí mật giật gân như xem phim trinh thám.

Trong suốt thời gian ở Pháp, ông không hề "tâm sự" về vụ hồi ký hồi kiếc gì. Có lẽ vì ông dư biết người ta viết chán ra rồi, bấy lâu nay đang có sự lạm phát hồi ký, loạn di cảo, nên ông chả dại đem con đi bán chợ giời làm gì.

Nhưng đùng cái ông đổi ý. Một hôm, tôi nhận được cuốn... hồi ký của thày Mạnh qua Email học trò ông. Lần thử vài trang, không ngờ đêm đó, tôi đọc một mạch đến hết, vẫn còn ngẩn ngơ, giật mình. Hoá ra những mảnh chuyện ông kể như chuyện tầm phơ, như chuyện tiếu lâm, bây giờ đã "lên sách" "trăm phần trăm". Lại một lần nữa ông "đột xuất" vào những chỗ mình không ngờ nhất. Thế mới phục. Điện thoại hỏi ông: Anh viết để dành sau khi quá cố hả ? Ông cười bí mật không trả lời.

 

*

 

Trong hơn 40 năm ở Pháp, tôi có đọc ít nhiều tiểu thuyết Pháp, nhưng phục không bao nhiêu, ngẫm lại thì nước mình cũng nhiều nhà văn hay lắm, chẳng kém gì Pháp. Thơ Hugo sao bằng thơ Nguyễn Du. Le Clézio vừa được giải Nobel 2008, cũng vào loại "thường thường bậc trung" thôi. Ông du lịch nhiều, thế giới Trung Mỹ dẫn ông vào những nền văn minh da màu bị người da trắng tiêu diệt, ngòi bút ông trăn trở một thứ "tự vấn đớn đau" (conscience malheureuse, chữ của Sartre) và ông muốn trở thành cái "lương tâm tự hối" của người da trắng trước các nền văn minh da màu bị phá huỷ. Tư tưởng cao đẹp ấy xứng đáng lãnh Nobel. Nhưng đọc kỹ ông, vẫn thấy như có một cái gì đó chưa thật đạt: ông vẫn chỉ là người đứng đứng ngoài, nhìn cái khổ đau của thổ dân da màu.

Cho nên, tuy Le Clézio viết về những huyền thoại của họ một cách rất thơ mộng, nhưng không thể bằng Asturias (Nobel 1967) kể lại huyền thoại ngô của người Mayas, không thể bằng Phạm Duy Khiêm viết truyện Trương Chi, kể truyện Trầu Cau, không thể bằng Nguyễn Tiến Lãng viết về Thiếu phụ Nam Xương được, bởi Le Clézio chưa đi sâu vào da thịt của các nền văn minh ấy, bởi muốn thấm nhuần một nền văn minh, xem chừng phải sống đến... ba đời. Trường hợp mới học tiếng Pháp mấy năm mà đã viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp như các ông Kundera, Cao Hành Kiện, đều không mấy thành công: Những gì họ viết tiếng Pháp không thể bằng những tác phẩm tiếng mẹ đẻ; kịch phi lý của Cao Hành Kiện rất nhạt vì thiếu  uy-mua Pháp.

Rabelais là bậc thày hài hước, là tinh anh của uy-mua Pháp. Một trong những ngón tuyệt diệu là ông sáng chế chữ, ví dụ để nói về bọn giáo sư "phản động" Sorbonne, Rabelais bịa ra một lô từ, nào là: sorbonages, sorbonigènes, sorbonicoles, sorboniformes, sorbonisèques, sorbonisans... đại để như bọn sorbonne rắn rết, bọ cạp,... ấy.

 

Nguyễn Đăng Mạnh cũng rất hóm, ông hóm cách Việt. Không chơi chữ, không vòng vo tam quốc, ông vẽ chân dung. Khôi hài. Trực tiếp. Biếm hoạ. Giao thoa con người và tác phẩm như một hình thái mới, giới thiệu văn và người rất sốc, ngoại trường quy, trên húy kỵ, đánh đổ sự thần tượng hoá qua văn bản biếm. Ông đường hoàng đi vào sáng tác như một mụ phù thủy cao tay, đem phê bình vào hồi ký bằng cửa lớn hài hước. Bất cứ nhà văn nào trong đám tác giả ông đã phê bình mà sống lại, đọc hồi ký của ông cũng phải giật mình, thấy bị cướp cờ. Bởi ông đã vẽ trọn bộ mặt "nhếch nhác" của môi trường văn học, chả kém gì các vị đàn anh quá cố, lại thêm nụ cười Pháp, rất Rabelais.

Ở đấy Nguyễn Đăng Mạnh chính là thày Mạnh, dẫn đường cho lớp trẻ đi sau, dám viết, dám làm.

 

Paris tháng 7/2009

Thụy Khuê


 

© Copyright Thụy Khuê 2009