Thụy Khuê
Nho Phong trong tư thế giao thời
Nhất Linh rất nghiêm khắc với tác phẩm của mình. Trong cuốn Viết và đọc tiểu thuyết ông đã phê bình không nhân nhượng Đoạn Tuyệt, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông. Và dường như Nho Phong từ khi in lần đầu năm 1926, chưa bao giờ được ông cho tái bản. Tái bản Nho Phong hôm nay, có trái ý Nhất Linh không? - Hẳn là có. Nho Phong là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, ký tên Nguyễn Tường Tam, tức là cuốn sách thử nghiệm của một người mới bước vào nghề, nói nôm na là cuốn sách nháp, cuốn sách tập viết, cuốn sách viết thử xem sao. Một cuốn sách như vậy, viết ra, đưa cho một người thân đọc trước, bảo hay, thì in, bảo dở, chắc bỏ. Chúng ta thử tìm xem người ấy là ai? Người bạn văn và bạn thân của Nhất Linh, chắc phải là Khái Hưng. Nho Phong, như thế, có thể là đã được Khái Hưng đọc trước -bởi Khái Hưng có kinh nghiệm viết văn trước Nhất Linh- Khái Hưng "OK" nên đem ra trình làng. Nhưng không phải thế: Cuối năm 1923, đậu bằng Cao Tiểu, nhưng vì chưa đủ tuổi vào trường Cao Đẳng, Nhất Linh đi làm thư ký cho sở tài chính Hà Nội, tại đây, ông "kết duyên văn nghệ" với Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu và viết Nho Phong. Như vậy, rất có thể người đầu tiên đọc Nho Phong là Tú Mỡ. Về phần Nhất Linh, nhiều năm sau đọc lại Nguyễn Tường Tam, thấy "cổ" quá, không cho in lại. Chúng ta có thể phỏng đoán sự tình như vậy. Nhưng trong những "diễn biến" kể trên có một sự kiện không mấy ai để ý: không ai ngờ Nhất Linh tự vượt mình nhanh quá thế, kể cả Nhất Linh.
Trong một thời gian kỷ lục, chỉ gần hai năm, đến Người Quay Tơ, 1926, cuốn sách thứ nhì, Nguyễn Tường Tam đã "lột xác" để trở thành Nhất Linh. Nhiều người, trong đó có Nhất Linh, thường xem Người Quay Tơ và Nho Phong là cùng một sản phẩm, một chất lượng của một thời kỳ, thời kỳ chưa đích thực bước vào nghề văn. Thực ra có khác. Người Quay Tơ là một tập truyện ngắn, nối tiếp và gián đoạn với Nho Phong, có nhiều chủ đề khác nhau, đưa ra nhiều "cục diện" con người khác nhau. Tuy Từ Nương trong truyện ngắn Người Quay Tơ còn mang dấu ấn của Lê Nương trong Nho Phong, nhưng bối cảnh đã chuyển sang thời tranh đấu, với người chồng theo Văn Thân, bị tù Côn đảo, và một đoạn kết "không có hậu": Từ Nương hoá điên sau những bất hạnh chồng chất cuộc đời. Mặc dù Người Quay Tơ vẫn còn ký tên Nguyễn Tường Tam, và văn phong vẫn có chỗ còn cổ điển, nhưng tác phẩm đã trình bầy một bút pháp khác, một không khí khác, một không gian tranh đấu của Tự Lực Văn Đoàn. Trước hết là một xã hội lý tưởng, của Nhất Linh, trong truyện ngắn Giấc mộng Từ Lâm, mà sau này Võ Phiến sẽ chịu ảnh hưởng và lấy lại hai chữ Từ Lâm. Giấc mộng Từ Lâm, chính là tiềm thức của chương trình nhà ánh sáng Tự Lực Văn Đoàn. Rồi vẫn trong tập truyện ngắn ấy, truyện Làm gì mà băn khoăn thế, đã chớm nở tư tưởng băn khoăn, như một hoài nghi của người trí thức trước thời cuộc, không dứt khoát trong lựa chọn, băn khoăn cũng sẽ là một loại ý thức chủ yếu của Tự Lực Văn Đoàn, mà hơn 10 năm sau Nhất Linh sẽ đào sâu, tìm đến ý nghiã triết học trong Bướm Trắng, và Khái Hưng sẽ tìm cách mổ xẻ trong tiểu thuyết Băn Khoăn. Truyện Giật mình tỉnh dậy đã thực sự trình bầy một Nhất Linh nhà văn. Riêng truyện Sư bác chùa Kênh, dẫn đến bộ mặt chìm của những con người làm chính trị bị tha hoá trong xã hội kim tiền, mà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sẽ gặp trên đường tranh đấu và đường cầm bút, suốt thời kỳ còn lại: 1926, vào Nam, rồi trốn sang Cao Miên; 1927, du học Pháp; 1930, về nước với bằng cử nhân khoa học, quyết định làm báo, làm nhà xuất bản; 1932, Phong Hoá ra đời; 1933, Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện... Tóm lại, Tự Lực Văn Đoàn chính thức ra đời năm 1933, và những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn bắt đầu ra mắt độc giả trên Phong Hoá từ 1932... Nhưng mọi sự khởi đầu bằng... Nho Phong, viết năm 1924.
Cuốn sách đầu tiên, luôn luôn là một chập chững. Có thể là một thành công như Mai Thảo với Đêm Giã Từ Hà Nội. Nhưng cũng có thể là một cái gì quá non nớt mà tác giả muốn chối từ. Nho Phong, không non nớt, nó mới chỉ là Nguyễn Tường Tam, chưa phải Nhất Linh, cho nên nó không được Nhất Linh cho in lại. Nhưng tại sao chúng ta làm trái ý Nhất Linh? Bởi vì chúng ta có một lý do khác: Cuốn tiểu thuyết này, văn hẳn có vài câu cổ, kiểu "Lê Nương năm ấy tuổi mới trăng tròn", hoặc "bóng hoa thấp thoáng dáng liễu thanh tân", và nó còn có sự dàn xếp tình tiết éo le, có những sự tình rút trong cổ tích, cổ văn, truyền kỳ, mạn lục... Nhưng nó không chỉ có thế. Cuốn tiểu thuyết này là một cuốn sách nháp, một cuốn dàn bài cho sự nghiệp văn học Nhất Linh, khởi sinh từ cái tên Nguyễn Tường Tam do cha mẹ đặt. Cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm giao thời trong tất cả mọi khiá cạnh của hai chữ giao thời. Nó biểu trưng con người giao thời và xã hội giao thời mà Nhất Linh sinh ra và tồn tại.
Không nói về giá trị văn chương tư tưởng, hãy chỉ nhìn đến khía cạnh hành văn của ba cuốn tiểu thuyết in gần như trong cùng thời điểm đó: Hồ Biểu Chánh, trong Ai làm được, tác phẩm đầu tiên, viết năm 1912, in năm 1922, viết: "Khiếu Nhàn bước vào kéo ghế mà ngồi, ngó quanh quất không thấy khách ăn uống, duy có một người trai trạc chừng mười bẩy, mười tám tuổi, đương ngồi tại bàn gần cửa mà viết". Hoàng Ngọc Phách, trong Tố Tâm, viết 1922, in 1925, viết: "... từ đây sẽ vắng tanh tin nhạn, bao nhiêu chuyện tình xưa nghiã cũ, sẽ theo mây bay gió thổi mà mơ màng như giấc chiêm bao. Những khi canh tà giăng xế, khi mưa sa trước cửa, khi gió thổi bên màn, khi em soi gương thấy bóng..." Nhất Linh, trừ một số câu kiểu cách như vừa trích ở trên, viết Nho Phong như sau: "Trong sân vắng vẻ, một mình Lê Nương đứng lượm rau bên dàn thiên lý; có mấy chùm đương nở, rủ xuống gần mái tóc mầu hoa tươi mà thanh như nét mặt dịu dàng". Hồ Biểu Chánh mớỉ nhất, rồi Nhất Linh, sau cùng mới đến Hoàng Ngọc Phách. Tại sao? Bởi Hồ Biểu Chánh nhắm vào dáng điệu, cử chỉ hành động của nhân vật để xác định con người. Ông sống ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà ông nghĩ và viết, hệt như chúng ta. Hoàng Ngọc Phách, vẫn còn ở quỹ đạo văn chương thế kỷ XIX, lời văn biền ngẫu, vế đối vế, vần đối vần, giống như tiểu thuyết thơ. Nhất Linh đang ngập ngừng bước vào thế giới hiện đại, nhưng lòng còn quyến luyến văn chương lãng mạng. Đó là Nho Phong.
Nhưng chỉ hai năm sau, đến tác phẩm Giật mình tỉnh dậy, trong tập truyện ngắn Người quay tơ, Nhất Linh đã tạo ra một "không khí" căng thẳng, khác hẳn: "... Sát vào nhà lều có một cái bãi vào độ một mẫu đất, nổi lên trên mặt nước. Trên bãi có vài cái mả Khách đã lâu ngày lắm. Chen vào đám cỏ rậm có một con chó đá ngồi yên lặng như để giữ cổ lăng (...) Ngoài lều vẫn mưa to, lắng tai nghe chỉ thấy gió ào ào như sóng bể vỗ vào bờ. Tôi nhắm mắt sắp ngủ, sau thấy bụng lành lạnh và như bị cái gì đè lên, bèn lấy làm nghi, lặng yên, cố sức nghĩ xem vì cớ gì, rồi lần lần đưa tay lên bụng sờ thấy một vật tròn và nhờn nhờn... Tôi lấy tay sẽ lật chăn lên, thì vừa có một cái chớp lên sáng rực. Trên bụng, tôi trông thoáng một con rắn bằng cổ tay nằm vắt ngang". Với những dòng này, Nhất Linh đã bước một bước khá dài: từ một Nguyễn Tường Tam kể chuyện và làm văn, sang một Nhất Linh nhà văn. Tại sao như thế? Bởi vì người làm văn chưa thoát ra được lề lối kể chuyện: chuyện mình, chuyện cha mẹ mình, chuyện bạn bè, thân thuộc... ngay cả khi họ tạo ra những nhân vật, thì những nhân vật ấy vẫn lấy yếu tố chủ quan làm nền. Trong khi những nhân vật của nhà văn đã bước ra khỏi thế giới chủ quan của tác giả, tự xác định như một con người độc lập, thoát khỏi sự kiềm chế và mong muốn của tác giả. Cũng là một người mẹ, nhưng người mẹ của người làm văn, là một người mẹ nhân từ, hiền hậu, đạo đức, cả đời hy sinh cho chồng con... còn người mẹ của nhà văn không từ chối một tính từ nào: có thể là một người làm điếm, nghiện hút, đanh ác, đầy tật xấu, hư hèn, tồi bại, như những con người khác... Nói tóm lại, người mẹ của người làm văn là người mẹ mà tác giả mong muốn có, còn người mẹ của nhà văn là một con người. Nhà văn ứng xử với nhân thế và vật thế, trong vị trí tương đồng, cả người lẫn vật, đều có khả năng tác động vào môi trường, làm thay đổi thực tại, biến sự tầm thường thành khác thường, và đó là nhiệm vụ của sáng tạo. Ở đây, trong Giật mình tỉnh dậy, những yếu tố sáng tạo trổi dậy bắt người đọc đi từ ngạc nhiên sang kinh ngạc: tức là, từ cảnh "bình thường" của một người đàn ông "thường" đi câu cá đêm trong đầm sen... cảnh này ban ngày chắc là nên thơ lắm. Đêm nay, thanh vắng, lặng lẽ... nhưng những yếu tố lạ bắt đầu xuất hiện: cái bãi cát nổi, vài cái mả Khách, một con chó đá... rồi mưa sập đến, sấm chớp... và sau cùng là con rắn... nằm vắt ngang bụng... Điểm quái lạ là sự "rùng rợn" đến từ một thứ ngôn ngữ thản nhiên, không hề rùng rợn, làm cho ta "rởn tóc gáy". Và đó chính là nghệ thuật.
Nho Phong chưa có cái "không khí" đó. Nhưng Nho Phong có một "không khí" khác. Nho Phong chứa đựng "không khí giao thời". Giao thời giữa một truyền thống cổ xưa đang tàn tạ và một ngã ba đường. Giao thời giữa một nền nho học đã suy và một nền tây học đang thịnh. Giao thời giữa kỳ thi hương, thi hội cuối cùng và những tú tài, cử nhân, hậu bổ... Giao thời giữa một nền văn chương Nôm, Hán và một nền văn học quốc ngữ phôi thai. Giao thời giữa những người phụ nữ truyến thống và những người đàn bà hiện đại.
Lê Nương chính là người đàn bà giao thời ấy, nàng đã cam phận, đã chịu dựng, đã hy sinh. Nhưng nàng cũng đã trổi dậy để đấu tranh, chống cuộc hôn nhân dàn xếp. Nàng tần tảo gánh trách nhiệm ngoài đời như một người đàn bà tân tiến nhưng nàng vẫn ham say một lọng vàng vinh qui bái tổ muộn màng của một thời đại đang qua. Tất cả những gì phát xuất từ Lê Nương của Nguyễn Tường Tam, sẽ là những yếu tố xây dựng nên những nhân vật khác của Nhất Linh sau này. Từ cái nền "đất tổ" ở ấp An-Thi, Tường Tam đã xây dựng nên một lâu đài băn khoăn, hoài nghi, buồn bã khôn nguôi trước cuộc đổi đời: "Càng nghĩ càng buồn vì cuộc đời thay đổi, càng lo sợ khi về biết nương dựa vào ai". Đó là tâm sự của một cụ phủ về hưu, nhưng phải chăng đó cũng là tâm sự của một Nhất Linh, từ khi còn là một Tường Tam, ngập ngừng bước vào văn nghiệp, rồi kháng chiến nghiệp? Suốt cuộc đời thăng trầm chìm nổi, luôn luôn mang một tâm sự "càng nghĩ càng buồn" từ những ngày đầu tiên bôn ba trên đất khách đến khi về xứ, vẫn "sợ khi về biết nương dựa vào ai", một tâm sự cô đơn tuyệt đối của nhà văn, nhà cách mạng, mang theo cho đến ngày quyết định đoạn tuyệt cuộc đời. Trên nền đất An Thi, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã dựng sườn cho cuốn tiểu thuyết đời mình, giao thoa giữa một nền nho học đang tàn và một nền tây học đang thịnh, giữa hành động chống thực dân như mục đích cuối cùng của độc lập và sự hấp thụ văn hoá Pháp như con đường duy nhất dẫn đến tự do, dân chủ, tiến bộ. Giữa cuộc đấu tranh chống Pháp và tranh chấp đảng phái bằng bạo lực, và con người nhà văn muôn thủa ghét chiến tranh ghê tởm bạo lực. Trên nền đất An Thi, Nhất Linh, cũng đã phác ra khung cảnh của một cuộc đời "lý tưởng", một đời quê mùa điền dã, chậm rãi, bình thản của người dân quê, không bon chen, không ham bạc tiền, danh vọng. An Thi chính là giấc mộng Từ Lâm, mà Nhất Linh đeo đuổi suốt đời. An Thi chính là tên khai sinh của những Cẩm Giàng, những Xóm Cầu Mới, những dòng suối Đa Mê... Lê Nương là chị của Từ Nương, là tiền thân của những Cô Mùi, trong giai đoạn giao thời nhiều oan nghiệt. An Thi chính là thế giới đầu tiên mà Nhất Linh dựng nên cho tiểu thuyết của mình và cho đời mình, với những con người sống trong buổi giao thời, đong đưa giữa cuộc đấu tranh cách mạng và đấu tranh văn hoá. Nho Phong chớm lửa đốt lên những tranh chấp đầu tiên của hai ý thức hệ nho giáo và tây học, cũng là tiền trạm của sự tranh chấp giữa cái mới và cái cũ, ở thời điểm phôi thai, chưa ai định nghiã được mầu sắc của những cuộc đấu tranh.
Tất cả những cá tính, những tâm lý, những xác định, trong cuốn tiểu thuyết đầu tay này còn mơ hồ. Bức tranh đưa ra mới chỉ là những nét phác. Những nhân vật mới được trình bầy chỉ có cái sườn. Những quyết định chưa hề dứt điểm, đoạn tuyệt. Dường như đến kết, chính tác giả cũng còn lưỡng lự chưa biết nên cho thi cử cựu trào bước vào nghiã trang hay còn để kéo thêm nhiều năm tháng nữa. Một sự dang dở, âm thầm, không lối thoát, đến với Lê Nương, trước giờ phút sinh tử, bên cạnh đàn con cháu thơ dại, như một tương lai vừa sáng vừa tối, mở ra cục diện hoang mang của đất nước và con người. Dĩ nhiên còn nhiều sơ hở, còn nhiều cliché, còn nhiều dàn xếp vụng về, trong Nho Phong. Nhưng đã có Nhất Linh, đã thoáng Nhất Linh, đã một phần Nhất Linh, đã toàn vẹn Nhất Linh, ở chỗ chúng ta không ngờ nhất: một Nhất Linh thử bút, một bản nháp Nhất Linh, vẫn là Nhất Linh. Thụy Khuê Paris 25/9/2015
|