Thụy Khuê

Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960)

 

Sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng dựa trên ba tiêu đề chính:

Tác phẩm lịch sử: hai tiểu thuyết Đêm hội long trì, An Tư và kịch Vũ Như Tô, sáng tác trong khoảng 1939-1945. Tác phẩm thời đại: kịch Những người ở lại và tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô, viết trong khoảng 1954-1960. Và Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng trải dài trong 30 năm, từ 1930 đến 1960.

Chúng tôi đã có dịp giới thiệu các tác phẩm lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng trong bài Nguyễn Huy Tưởng, một quan niệm về lòng yêu nước đăng trên Hợp Lưu số 46, tháng 4-5/1999, in lại trong Sóng Từ Trường II. Nhân dịp toà soạn quyết định làm số đặc biệt về Nguyễn Huy Tưởng, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị những tác phẩm thời đại và Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng.

 

 

Một nhà thơ nói rằng: "Rồi ra, những gì còn lại đáng quý hơn cả nơi một nhà văn, trên cả tác phẩm, vẫn là lòng thành thực và nhân cách". Trong điều kiện lịch sử ngặt nghèo của đất nước, bao nhiêu nhà văn còn giữ được "lòng thành thực và nhân cách" dưới chế độ toàn trị, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, trong đó có Nguyễn Huy Tưởng.

 Nhà văn trong trường hợp ấy, nếu không im lặng hoặc đổi nghề cũng khó có lựa chọn nào khác ngoài sự rập khuôn theo mẫu chính thống, sẽ phải đánh mất mình, và tác phẩm dù được trọng dụng, thậm chí trở thành sách giáo khoa trong thời này, nhưng khi đất nước bước qua thời khác, cái được gọi là "tác phẩm" ấy sẽ khó tồn tại, vì nó đã được nâng cấp một cách giả tạo, bản thân nó chưa phải là tác phẩm văn học. Văn chương là món hàng không thể làm giả, cũng không dễ cấp huân chương. Người ta có thể đi đường tắt vào lịch sử, thậm chí có thể chế tạo ra anh hùng, nhưng không thể dùng lối tắt vào văn chương, cũng không thể nặn ra nhà văn tiền chế.

Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi là ba nhà văn có tài và có địa vị cao trong thời cách mạng. Nếu Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi có công lớn trong việc xây dựng nền văn chương tiền chế, hy sinh chữ nghiã và nhân cách để tiến thân, thì Nguyễn Huy Tưởng, cùng ở vị trí lãnh đạo văn nghệ, nhưng đã bảo toàn được nhân cách nhà văn, nhà trí thức, qua hành động và những gì ông để lại trong tác phẩm và trong nhật ký.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày cách mạng tháng Tám bùng lên, ngày nay chúng ta đã có đầy đủ khoảng cách cần thiết để nghiên cứu về giai đoạn văn học cách mạng này, trực tiếp qua tài liệu của những người trong cuộc: một số hồi ký và nhật ký giá trị đã xuất hiện, trong đó phải kể đến nhật ký Trần Dần (in ở hải ngoại) và nhật ký Nguyễn Huy Tưởng.

 Trần Dần và Nguyễn Huy Tưởng ở địa vị gần như đối lập nhau, cả hai đều gửi gấm tâm sự riêng vào nhật ký, chữ nghiã của họ, có thể coi như những tư liệu ròng về giai đoạn Nhân Văn, một giai đoạn lịch sử văn học đầy biến động, cho đến nay vẫn còn bị tấm màn kiểm duyệt và tự duyệt niêm phong.

Đối chiếu hai nhật ký, một bên viết từ một người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, và một bên từ một người thuộc thành phần lãnh đạo văn nghệ, chúng ta sẽ có hai cái nhìn đối xứng đáng tin cậy. Những tư liệu nguyên chất này, ngoài giá trị văn học, còn có giá trị xã hội và nhân văn: Sự nói thẳng và nói thật trong nhật ký, sẽ góp phần không nhỏ trong việc dựng lại không khí chính trị và văn học, xác định trách nhiệm tinh thần của mỗi nhà văn trong điều kiện lịch sử mà họ đã trải qua.

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng -trải dài trên 30 năm (1930-1960)- mô tả chi tiết hành trình con người Nguyễn Huy Tưởng: sự xây dựng nghiệp văn của một thanh niên ở thập niên 30, chịu ảnh hưởng giao thoa giữa tinh thần sử thi Hy Lạp và nghiã khí Trần Hưng Đạo, hai yếu tố căn bản tạo nên tinh thần yêu nước trong con người ông và được thể hiện trong sáng tạo. Và trên tất cả là sự rèn luyện đạo đức bản thân, đạo đức của người cầm bút mà Nguyễn Huy Tưởng đã học được trong sách, trong sử, ngay từ hồi trẻ.

 Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912, tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Hà Nội. Cha là một ông Tú nghèo sống nhờ vợ tần tảo buôn bán. Bẩy tuổi cha mất, mẹ gửi ra Hải Phòng ở với gia đình người chị, học tiểu học ở trường Bonnal. Năm 1932, 20 tuổi, đậu bằng thành chung và cũng bắt đầu học chữ Hán. Sau ba năm vất vả tìm việc, đến 1935 thi đậu vào ngạch thư ký nhà đoan. 1939, cưới vợ con quan. Những yếu tố trên đây sau này sẽ ảnh hưởng đến tác phẩm của ông. Song song với đời sống công chức nhà đoan là một sinh hoạt nội tâm cô đơn và giàu có của người trí thức: chăm đọc sách, chịu khó tìm ý tưởng, hàng ngày viết nhật ký. Từ năm 1938, ông đã hoạt động cho hội Truyền bá quốc ngữ. Năm 1942 gặp Nguyễn Hữu Đang trong khung cảnh của hội, trở thành bạn đồng hành. Cuối năm 1944, bắt đầu tham dự các buổi họp bí mật của hội Văn hoá cứu quốc. Tháng Tám 1945, dự đại hội Tân Trào. 1/1 năm 1946, gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương cùng với Nguyễn Đình Thi và Lưu Văn Lợi. Giữ địa vị quan trọng trong ban lãnh đạo văn nghệ.

Nguyễn Huy Tưởng qua đời ngày 25/7 1960 tại Hà Nội, ở tuổi 48. Ông bắt đầu viết nhật ký năm 18 tuổi (1930) và chỉ ngừng lại trên giường bệnh ít ngày trước khi mất vì ung thư.

 

Con người mới trong kháng chiến

Một phần nhật ký, đã được in trong bộ Nguyễn Huy Tưởng toàn tập, quyển V (nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1996). Trong cuốn sách này, ngoài nhật ký còn có phần biên bản các cuộc họp hoặc các buổi làm việc (mà Nguyễn Huy Thắng cho biết là ông đang soạn lại để in thành sách). Sự ghi chép này rất quý, cho ta biết rõ không khí làm việc thời ấy như thế nào. Ví dụ, một số biên bản của Nguyễn Huy Tưởng (đã in trên báo Văn Nghệ, xuất bản tại Việt Bắc trong các tháng 5/11/12 năm 1949, in lại trong tập V) về những hội nghị văn nghệ quan trọng ở Việt Bắc, đặc biệt Hội Nghị Tranh Luận Văn Nghệ tổ chức những ngày 25/26/27/28 tháng 9 năm 1949, với Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Đỗ Cung cùng chủ tọa. Nhờ bản ghi khá chi tiết của Nguyễn Huy Tưởng về hội nghị này, mà ngày nay, chúng ta có thể thấy không khí thảo luận văn học tại Việt Bắc, tháng 9 năm 49, vẫn còn khá khoáng đạt, tức là tương đối dân chủ: có phê bình và có quyền trả lời, có tranh luận hai chiều giữa những người phê phán và các tác giả bị đem ra bàn cãi. Và cũng trong hội nghị, Nguyễn Huy Tưởng đã phải tự phê bình vở kịch "Những người ở lại" của mình. Nói chung, ở thời kỳ này, hình thức kiểm thảo hãy còn nhẹ nhàng, chưa đạt tới mức độ quy chụp và áp chế như trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm.

Để trả lời ý kiến của Nguyễn Đình Thi yêu cầu tác giả tự phê bình nội dung vở kịch Những người ở lại, về sự sống trong đó và về cách nhìn của tác giả và thái độ của tác giả đối với cuộc kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng có nói một câu:

"Tôi là một người ngơ ngác trong cuộc sống mới, nhiều lúc cũng dao dộng, cho nên những nhân vật của tôi, phần nhiều nhẫn nhục như anh Thi đã nói và thiếu cái phần tích cực của những con người mới, thường nắm phần chủ động trong cuộc đời" (trích biên bản Tự phê bình "Những người ở lại", Nguyễn Huy Tưởng toàn tập, tập V, trang 265).

Qua lời biện hộ cuả tác giả, chúng ta có thể có những nhận xét sau đây:

 1/ Cách mạng đưa ra khái niệm "con người mới" với hai đặc tính: "tích cực""nắm phần chủ động". 2/ Những "con người mới" này phù hợp với tính chiến đấu, với tình thế kháng chiến đương thời. 3/ Nhưng trước đó, nó cũng đã từng là nội dung "người hùng" của Lê Văn Trương trong mục đích giáo dục thanh niên. 4/ Chắc chắn người hùng của Lê Văn Trương xuất thân từ "surhomme" của Nietzsche.

Bốn nhận xét dây chuyền này dẫn đến một thực tại: triết thuyết surhomme của Nietzsche trong tay nhà văn có thể trở thành một phương tiện rèn luyện con người; nhưng khi rơi vào tay những nhà độc tài, nó có thể bị trưng dụng và bóp méo: Hitler, Mussolini xử dụng nó để vinh tôn dòng giống Arien da trắng, mắt xanh, tóc vàng và triệt hạ giống nòi Do Thái. Staline dùng nó để đề cao giai cấp lao động, triệt hạ trí thức và tư sản. Khi cách mạng kháng chiến tung ra khái niệm "con người mới" với hai đặc tính "tích cực" và "chủ động", chúng ta có thể nhìn thấy ngay trong "con người mới" này, bàn tay giảo quyệt của Staline trong cách bóp méo tư tưởng của Nietzsche.

 Nhưng phải công bằng mà nhận rằng: nhiều trí thức lỗi lạc cũng đã một thời say mê Staline, trong đó có J.P. Sartre. Và Nguyễn Huy Tưởng cũng đã không thoát khỏi "hiệu ứng Staline". Cho nên những câu thơ Tố Hữu:

 "Xta-lin! Xta-lin!

Yêu biết mấy, nghe con tập nói.

Tiếng đầu lòng con gọi Xta-lin"

 (trích bài Đời đời nhớ ông trong tập Việt Bắc)

thường được đem ra chế giễu, thực ra chỉ thể hiện sự ngây thơ, mù quáng chung của con người trước những nhân vật lịch sử. Câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra ngày hôm nay là tại sao một triết thuyết lớn lao như surhomme của Nietzsche, khi rơi vào tay các nhà độc tài như Staline, Mussolini, lại có thể trở thành vũ khí giết người? Vì triết thuyết của Nietzsche là cái gương nội soi trong con người, áp dụng cho việc sửa mình: con người tự soi để nhìn thấy sự yếu kém của chính mình; nhưng khi bị những nhà độc tài trưng dụng, họ dùng nó để chiếu ra ngoài, chiếu vào người khác, đặc biệt vào các thành phần ngoại vi của chính thống: đối lập hoặc giai cấp (được coi là kẻ thù) để quy kết và định tội (người khác) từ sự chủ quan của chính mình.

Nguyễn Huy Tưởng theo kháng chiến và trở thành nhà văn cộng sản. Nhưng ông khác những nhà văn chính thống theo đúng đường lối 100%. Chính ở điểm đó mà ông giữ được mình trong sạch. Khi viết về những con người "nhẫn nhục như anh Thi nói",ông đã đứng về phiá họ những kẻ nhẫn nhục, tức là ông đã bước ra ngoài vòng chính thống: ông hiểu họ bởi ông cũng bơ vơ như họ. Nếu ông có thán phục Staline, thì cũng bởi ông chưa biết được khía cạnh địa ngục của Staline, ông cũng sai lầm như những người khác. Nhưng trong thâm tâm, Nguyễn Huy Tưởng luôn đứng về phiá con người, những người tầm thường như chúng ta, không can đảm, không biết đánh nhau, đều ngơ ngơ ngác ngác trước kháng chiến và các biến cố lịch sử. Theo bên này hay bên kia, họ không dứt khoát, thường bị lôi kéo, thụ động, nói khác đi, họ thiếu cái phần tích cực như "anh Thi nói". Chính vì vậy mà những nhân vật của Nguyễn Huy Tưởng trong kịch Những người ở lại hay trong tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô sẽ sống lâu hơn những nhân vật tích cực của "anh Thi" trong Xung kích, Vỡ bờ, nói riêng, và tất cả những nhân vật tích cực khác, trong nền văn học tiền chế, nói chung. Hôm nay, đọc lại những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta vẫn còn cảm thông với những nhân vật, với những bối rối của họ, bởi họ không phải là những con người mới, con người tích cực mà chỉ đơn giản là con người với những khổ đau, dày vò trong sự lựa chọn trước mỗi hoàn cảnh.

 

 

Phê bình trong kháng chiến

Từ những cuộc thảo luận văn học thời ấy, ta đã thấy le lói thái độ chính thống hoá phê bình qua lời tuyên bố của Nguyễn Đình Thi, trong phiên họp chiều ngày 26/9/1949 tại Việt Bắc: "Vai trò của nhà phê bình là đứng trung gian giữa tác phẩm và quần chúng. Khi xong tác phẩm, nhà phê bình phải nhận xem nó là bạn hay là thù của quần chúng. Là thù (tức là thù kháng chiến của dân tộc) thì đập không tiếc tay. Là bạn thì phê bình bạn hữu để tác giả sửa chữa" (sđd, trang 219). Như thế, quan niệm phê bình "ta-địch, bạn-thù" đã được tung ra như một nguyên tắc của văn học kháng chiến, rất có thể từ hội nghị văn hoá toàn quốc đầu tiên, do Trường Chinh chủ trì tháng 7 năm 1948. Và cũng rất có thể vì phản đối quan niệm này mà Nguyễn Hữu Đang đã không tham dự hội nghị và từ đó ông ngừng mọi hoạt động với chính quyền cách mạng để trở về Thanh Hoá (xem bài phỏng vấn Hoàng Cầm, trong Hợp Lưu số 94, tưởng niệm Nguyễn Hữu Đang). Dù sao chăng nữa, nhờ vài dòng ghi chép trên đây của Nguyễn Huy Tưởng ta có thể hiểu thêm rằng: Nguyễn Đình Thi, không chỉ là người thừa hành, mà ông đã là một trong những người góp phần xây dựng nên nguyên tắc văn học kháng chiến, trong đó có quan niệm phê bình "bạn-thù". Vai trò của Nguyễn Đình Thi không chỉ nổi trội trong vụ đánh Nhân Văn Giai Phẩm, mà chín năm trước, ngay từ 1949, ông đã là một trong những người đề xướng đường lối chính thống hoá phê bình. Trường hợp Nguyễn Đình Thi khác Tố Hữu. Tố Hữu không thuộc thành phần trí thức như Nguyễn Đình Thi. Tố Hữu đi cách mạng khá sớm, vào tù ra khám, về mặt tư tưởng và lý luận văn học, Tố Hữu không chuyên. Ngược lại, Nguyễn Đình Thi là người trí thức, đọc nhiều, biết rộng, ông hiểu rõ nguyên tắc tự do sáng tạo hơn ai hết, nhưng ông đã hy sinh tự do sáng tạo để phục vụ đảng quyền. Nguyên tắc phê bình bạn-thù mà ông đưa ra, là phản văn học. Chính vì thế mà Nguyễn Đình Thi có trách nhiệm nặng hơn Tố Hữu trong việc xây dựng nền văn học xã hội chủ nghiã dựa trên quan niệm ta-địch, phủ nhận tự do, trù dập những người bước ra ngoài tư tưởng chính thống. Quan niệm văn học ta-địch này -trở thành tư tưởng chủ đạo, trải rộng sang địa hạt khác từ sáng tác đến biên khảo và được duy trì đến ngày nay- tuy đi từ chính trị sang văn nghệ, nhưng lại chính nhờ văn nghệ mà nó bắt rễ vào đời sống, ảnh hưởng đến con người, trở thành những nguyên nhân gây chia rẽ trong lòng dân tộc mà hậu quả đến nay vẫn chưa lường được.

 

Như vậy, đôi khi chỉ một vài dòng ghi chép công tâm của một nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, đã có thể giúp ta nhìn lại một số vấn đề trong kháng chiến. Ngày hôm nay, sự sùng bái cách mạng đã qua, con người đã có khoảng cách để nhìn lại quá khứ, nhìn lại không khí lãng mạn mà chúng ta vẫn thần tượng hoá về kháng chiến, nhìn lại những sản phẩm tuyên truyền của một thời: chính sự "tích cực" quá mức về lòng yêu nước đã biến con người thành khập khiễng, những nhân vật tích cực một chiều trở nên lố bịch, giả tạo, không còn chỗ đứng trong một nền văn học nhân bản. Nhờ những tư liệu đúng đắn, chúng ta có thể dần dần soi xuống chiều sâu của cuộc kháng chiến thần thánh trong một tinh thần khoa học hơn.

Trong chiều hướng đó, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng và những ghi chép của ông về sinh hoạt chính trị và văn học đương thời sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho giới nghiên cứu mai sau.

 

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng là một trường hợp văn bản đặc biệt, vì dường như nhà văn Việt Nam ít có thói quen viết nhật ký, và nếu có, cũng không mấy ai được may mắn như Nguyễn Huy Tưởng: nhật ký cũng như các tập bản thảo của ông đã được bà quả phụ Nguyễn Huy Tưởng nhũ danh Trịnh Thị Uyên lưu giữ trong suốt thời gian chiến tranh và sau này, nhà văn Nguyễn Huy Thắng, con trai ông, sưu tầm biên soạn công bố dần từ hơn 10 năm nay.

 Những dòng nhật ký sớm nhất (được in ra) ghi ngày 2/11/1930, khi Nguyễn Huy Tưởng còn là cậu học trò đang học ban thành chung ở Hải Phòng. Trang cuối cùng đề ngày 21/6/1960 viết trên giường bệnh, trước khi ông qua đời. Dàn trải trong ba mươi năm sử đời, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng xuyên suốt một thời đại với những giá trị xã hội và nhân văn đích thực.

Viết nhật ký là viết cho mình, trên nguyên tắc không phải để in ra. Nhật ký là những ý nghĩ trực tiếp ghi lên giấy, không thông qua "lập trường", cũng không sợ người ngoài biết, đọc, tố cáo: nhật ký đích thực là tư tưởng chưa bị kiểm duyệt, chưa được nâng cấp, không son phấn như những nhật ký trá hình, hồi ký tư biện, mà chúng ta thường thấy nhan nhản trên thị trường chữ nghiã. Đối với Nguyễn Huy Tưởng "Nhật ký là cuốn sách chân thật hơn cả các sách mà cũng rộng rãi tự nhiên hơn các sách khác" và ông tự răn mình: "Phàm kẻ học trò nên tập cách viết nhật ký". Nhật ký đối với ông là phép luyện văn đồng thời cũng là phép tập suy nghĩ, tập nhìn lại mình, là một đạo đức sống nữa.

 Nhưng trong điều kiện toàn trị, nhật ký còn là lối thoát của nhà văn: ghi lại những dữ kiện mà mình không thể viết ra được trên tác phẩm công khai. Nhật ký là nhân chứng im lặng, một thứ ánh sáng của người dưới mộ, một thứ mémoire d'outre tombre, ký ức xuyên mồ.

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng tổng hợp những ý nghiã ấy.

So sánh nhật ký Nguyễn Huy Tưởng với những hồi ký đã được in ra trước đây của Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan v.v..., thì quả đây là bộ sách giúp chúng ta tìm hiểu rộng rãi hơn cả về thời đại và con người vì Nguyễn Huy Tưởng đã không phải tự kiềm mình khi đặt bút, vì vậy, qua những dòng ông để lại, chúng ta có thể hình dung cuộc sống của ông, một nhà văn cộng sản như nhận xét của người bạn thân nhất Lưu Văn Lợi, và cung cách sáng tác cùng những hành động chính trị của ông và bạn hữu. Trong số đó, đặc biệt nổi bật lên chân dung Nguyễn Hữu Đang, người bạn dấn thân mà ông mến phục, nhưng không cùng hướng chính trị, một người bị đàn áp trong hơn nửa thế kỷ, chân dung bị phủ mù, không được quyền tự do phát biểu từ sau vụ án Nhân Văn đến lúc mất. Qua những khuôn mặt như thế, tác giả đã vẽ lại hình hài những người bị xóa sổ trong cuốn phim ba mươi năm đời ông, và vén màn cho ta thấy thực trạng xã hội miền Bắc trong những ngày u ám nhất, bí mật nhất, mà cho đến nay vẫn còn nhiều điểm chưa ai soi rạng.

Trong bài Nhà tôi bà Trịnh Thị Uyên cho biết: "Nhớ lại giai đoạn từ giữa năm 1956 đến đầu năm 1958, tôi nghĩ đó là những ngày đau đớn nhất của anh ấy những năm cuối đời. Đêm nào nhà tôi cũng thức viết nhật ký rất khuya, dường như tất cả những gì anh ấy không thể nói ra với ai hay chưa thể hiện được lên trang in, anh ấy dồn hết vào những cuốn sổ tay chỉ viết cho riêng mình. Bạn bè biết tính nhà tôi hay ghi chép, đi đâu về thường làm quà cho anh ấy những cuốn sổ tay. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi kể trên tôi để ý thấy nhà tôi thay đến ba quyển nhật ký dầy cộp mà giá như tôi có viết cả đời cũng không hết." (trích Nhà tôi, của bà Trịnh Thị Uyên, in trên Hợp Lưu số này).

Như vậy, những gì Nguyễn Huy Tưởng viết về giai đoạn Nhân Văn, trong tình trạng in ấn hiện nay, hẳn là gia đình chưa thể công bố hết được. Và có lẽ sẽ còn phải chờ đợi một thời gian nữa, chúng ta mới có thể biết rõ toàn bộ nội dung ba quyển nhật ký dầy cộp của Nguyễn Huy Tưởng viết về giai đoạn này.

 

*

 

Từ những nhận xét của một thanh niên 18 tuổi ghi ngày: 19/12/ 1930: "Phận sự của một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi". Đến nhận xét sâu xa của một người cầm bút lúc cuối đời ghi ngày 18/1/1960: "Muốn viết một truyện xưa thật poignant [xót xa]nói về cái quý của một mạng con người, bất cứ là người gì. Mà cần phải quý phải nâng niu, mà giết một người ấy là anh mang tội lớn".

Chúng ta thấy rõ con đường đi của người thanh niên này: sống cho sáng tác và bằng bất cứ giá nào phải bảo vệ cuộc sống.

 

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, toàn bộ dày khoảng 1700 trang, được Nguyễn Huy Thắng chia làm ba tập với ba chủ đề khác nhau:

Tập một: "Đến với văn chương và cách mạng" từ tháng 11/1930 đến tháng 7/1945.

Tập hai: "Những năm kháng chiến" từ tháng 5/46 đến tháng 10/53

Tập ba: "Nghệ sĩ và công dân" từ tháng 9/54 đến tháng 6/60.

 

Cách chia này phù hợp với những mốc chính trong đời sống của Nguyễn Huy Tưởng: Tập một, viết về quãng đời thanh niên, kiếm việc làm, lấy vợ, cũng là thời bắt đầu trăn trở về chữ nghiã, tư tưởng, tìm cách xây dựng nghiệp văn. Tập hai: bỏ gia đình theo kháng chiến, giữ trọng trách trong cơ quan văn nghệ của Đảng. Tập ba: sau ngày tiếp quản thủ đô, trở về Hà Nội, sống với gia đình, tiếp tục công việc trong ban lãnh đạo văn nghệ. Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông từ nhiệm, trở về nhà sáng tác, được một thời gian ngắn thì mất vì bệnh ung thư.

Nhà văn đã ghi lại hành trình của đời mình dưới hai dạng đan cài:

Dạng thứ nhất: ngòi bút chiếu ra ngoài, vào người khác, vào sự kiện, khung cảnh, bằng những nét phác, đôi khi chỉ một câu ngắn, nhưng gợi nhiều trong tâm cảm người đọc. Dưới dạng thứ nhất này, tác giả mô tả toàn bộ đời sống của mình và những người chung quanh từ người chủ nhà, đến bạn hữu, lãnh tụ. Phần chân dung dài và kỹ nhất dành cho Nguyễn Hữu Đang, từ những ngày mới quen nhau, mến phục tài năng, sự đối chất chính trị trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm: Nguyễn Hữu Đang đã chỉ trích thẳng cánh lãnh đạo văn nghệ. Nguyễn Huy Tưởng là người bị lên án nặng nề, điều này làm ông rất đau khổ.

 Nguyễn Huy Tưởng không thích Phan Khôi, những lời ông viết về Phan Khôi khá nặng, có lẽ vì Phan Khôi đã phê phán gắt gao Truyện Anh Lục của ông và những tác phẩm khác của ban lãnh đạo văn nghệ (như Ngôi Sao của Xuân Diệu) được giải thưởng văn chương năm 55. Ông cũng không thích nhóm trẻ trong Nhân Văn Giai Phẩm, như Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, ông cho họ là bọn tự kiêu, bắng nhắng. Nhưng cuối cùng, khi Nhân Văn bị nạn, Nguyễn Huy Tưởng là người duy nhất đã dám bênh vực Nhân Văn. Ông đã, vừa nói thẳng, vừa viết thư cho Trường Chinh, để phản đối biện pháp đối xử với Nhân Văn Giai Phẩm.

Một nét đặc biệt nữa trong nhật ký là chân dung Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi, hai người bạn thân trong thời kỳ kháng chiến: Nhưng dần dần, chính những quan điểm và hành động đối với văn nghệ sĩ, đã làm cho ông thấy rõ bản tính của họ hơn, và trong thời kỳ Nhân Văn Giai phẩm thì dường như sự bất đồng đã lên rất cao. Tiếc rằng trong điều kiện hiện hành, chúng ta chưa được đọc hết những tập nhật ký dầy cộm mà bà quả phụ Nguyễn Huy Tưởng nhắc đến trong bài viết.

 

Dạng thứ nhì: ngòi bút chiếu nội, là phần tác giả viết về mình, tự phân và tự phê; ghi lại những ý nghĩ và phản ứng của mình trước sự việc xẩy ra, đồng thời phân tích và phê phán gắt gao mọi hành động của mình. Dưới dạng này, ông hiện ra như một người suốt đời bất mãn vì không tìm được con đường sáng tác đúng như ý muốn, luôn luôn trăn trở trong việc sửa mình, viết lại tác phẩm. Nhưng qua những trăn trở của ông, chúng ta có thể hiểu được những trăn trở chung của cả một thế hệ. Bởi có thể nói miền Bắc sau 1954 tập trung hầu hết nhân tài văn chương nghệ thuật và trí thức toàn quốc. Nhưng trong suốt hai mươi năm đất nước chia đôi, những nhân tài này đã không sáng tác được gì nhiều, ngoài một số tác phẩm tuyên truyền, nay đã quá đát. Có thể đổ trách nhiệm cho đảng Cộng Sản, nhưng không chỉ có đảng Cộng Sản, mà còn những nguyên do khác, xuất phát từ con người: Có trí thức xung phong, có nhà văn biết sợ, có kẻ a dua, người cầu vinh, người nhắm mắt đưa chân, người đối kháng, người đích thực có lòng: Bi kịch kháng chiến và sự thất bại của văn học kháng chiến có thể tìm thấy trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Tác phẩm vẽ nên một giai đoạn lịch sử, khá rõ, tuy chủ quan, nhưng thành thật. Khiến người đọc vừa thích thú vì tính cách linh động của hoạt cảnh chính trị xã hội, vừa đọc nó như một cuốn tiểu thuyết dù biết rằng mọi sự diễn ra là thật.

 

Sự tiếp nhận thông tin trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng

Bí mật ra hậu phương, dự hội nghị Tân Trào tháng 5 năm 1945, trở về, ông dặn vợ đưa ba con đi tản cư (rồi về thành) cùng ông bà nhạc. Trong 6 năm xa cách, gia đình tưởng như tan vỡ, vì những cán bộ có vợ trong thành như Nguyễn Huy Tưởng được quy định lấy vợ khác. Đến 1951, vợ ông mới đem được đứa con gái nhỏ nhất ra chiến khu với chồng, hai con lớn ở lại Hà Nội với ông bà ngoại. Nhạc gia thuộc thành phần quan lại, bố vợ là tri phủ, ông vợ là tuần phủ. Năm 1954, ông bà nhạc di cư gửi hai cháu ở lại để xum họp với cha mẹ. Tình cảnh gia đình Nguyễn Huy Tưởng cũng giống tình cảnh nhiều gia đình Việt Nam trong thời kỳ ấy. Cho nên đôi khi ông chỉ cần viết vài dòng về gia cảnh của mình là cũng dấy lên trong lòng người đọc những xúc động về một quá khứ đau thương chia lìa cũ.

Ngoài đời sống và kỷ niệm, nhật ký còn có phần nhận định chính trị của một ngòi bút cán bộ, cho nên ngày nay chúng ta nên đọc nhật ký này như thế nào? Tất cả những gì tác giả ghi trong nhật ký đều có thể tiếp thu mà không cần suy nghĩ chăng?

Chắc chắn là không. Mà không chỉ riêng đối với nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, đối với những cuốn sách khác cũng vậy. Mỗi tác phẩm đòi hỏi độc giả một cách tiếp nhận. Để có thể hiểu những thông tin trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng mà không bị lôi cuốn vào những mê chấp do điều kiện lịch sử mà nhật ký này được viết ra, chúng ta phải tìm được một cách đọc sáng suốt và thích hợp.

Lấy ví dụ một số trích đoạn ghi ngày 11/7/1954: "Qua phố Hàng Lọng, không gặp bố mẹ vợ. Tới nhà cũ, mang máng là nhà ông bà nhạc, người ta đang sửa. Hỏi, một ngưòi đàn ông nói đây nhà người ta đi Nam rồi (...) Việc buôn bán càng ngày càng khó khăn. Đồng bào mừng được độc lập, vui vẻ về tinh thần, nhưng không buôn bán làm ăn được. Nhiều người vào Nam. Tây đen vào Nam. Bọn phản động xé khẩu hiệu, tung dư luận Mỹ sẽ chiếm lại Bắc bộ (...) "Thành phố vợi dần. Người đi Nam, người về nhà quê. Giời hiu hiu, mọi năm, mùa này quần áo tha thướt, nay loáng thoáng. Phản động tuyên truyền thuốc độc. Chợ giời không bán được. Kiếm được vài trăm rất chật vật. Không biết chính phủ có chương trình gì để giải quyết cho chóng (...) Rạp cải lương: Kim Xuân đông khách. Trần Việt Long dự định về. Lạc Việt vắng khách, xin hiến cho chính phủ. Đối phương công khai cưỡng ép di dân ở Phát Diệm, bắn giết lùng cán bộ ở miền Nam. Bấy nhiêu việc, không biết gì hết, chúi vào Hà Nội. (trích Nhật ký, tập 3, các trang 15, 16, 17).

 Trích đoạn trên đây cho biết tình hình Hà Nội lúc bấy giờ, những tin tức như: người dân mừng được độc lập, nhưng Hà Nội vắng đi, đời sống chật vật thêm, bớt áo quần tha thướt, người đi Nam, người về quê, cải lương Kim Xuân đông khách... v.v... có thể tiếp nhận như những thông tin trung thực, bởi tác giả đứng ngoài cuộc, ghi lại những nhận xét khách quan của mình.

Trái lại, với những câu: Bọn phản động xé khẩu hiệu, tung dư luận Mỹ sẽ chiếm lại Bắc bộ/ Phản động tuyên truyền thuốc độc /Đối phương công khai cưỡng ép di dân ở Phát Diệm, bắn giết lùng cán bộ ở miền Nam, tác giả không còn là nhân chứng khách quan nữa, mà ông đã đứng về một phiá, phiá chính quyền miền Bắc, hoặc rõ hơn, ông đã ghi lại thông tin tiếp nhận từ báo chí hoặc đài phát thanh Hà Nội. Ông dùng ngôn ngữ chính thống, với những nhận xét chủ quan ta-địch, ghi lại những dữ kiện ông chưa kiểm chứng được. Với loại thông tin gián tiếp này, chúng ta nên thận trọng: những gì mà chính quyền miền Bắc coi là phản động như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Ngô Đình Diệm, ... đối với một độc giả khách quan ngày nay, không bị chủ nghiã ta-địch chi phối, đã trở thành vô nghiã; bởi: Một là dưới cái nhìn khách quan và dân chủ, không ai gọi đối phương hay đối lập là phản động. Hai là, về những tin tức như "phản động tuyên truyền thuốc độc", "đối phương công khai cưỡng ép di dân ở Phát Diệm", "bắn giết lùng cán bộ ở miền Nam", chính tác giả đã phủ nhận nó khi ông viết: "không biết gì hết, chúi vào Hà nội". Và thứ ba, về logique: Phát Diệm là vùng công giáo, mà giáo dân thì tự động họ di cư, chẳng cần phải cưỡng bách. Ngoài ra, ai dám xác định rằng trong Nam người ta bắn giết lùng cán bộ, ngay từ 1954?

Nói chung, với những tin tức ở phiá Bắc về tình hình trong Nam ở trong Nam về tình hình ngoài Bắc, trong suốt thời kỳ chia đôi đất nước, từ hai phiá chính quyền tung ra, chúng ta đều phải đọc một cách rất thận trọng, tìm cách kiểm chứng lại; nếu không, sẽ bị rơi vào lưới tuyên truyền của chính phủ hai miền. Họ lấy hận thù làm phương pháp sách động quần chúng, lôi dân tộc vào một cuộc chiến tương tàn. Vì vậy, để thoát khỏi cái nhìn chủ quan, một chiều trong quan hệ ta-địch của thời ấy, trước hết, chúng ta phải đọc sách trong một tinh thần vô tư không thành kiến.

 

Giá trị lịch sử, xã hội và nhân văn trong nhật ký

Khi đã giữ được khoảng cách cần thiết với những thông tin thời sự chính trị, chúng ta có thể đọc lại trích đoạn trên đây trên một tầm mức khác: Tác giả cho ta thấy lại khung cảnh Hà Nội những ngày lịch sử bằng cách xen lẫn tình hình thời sự và tâm trạng con người. Lối tạp ghi báo chí, nói trống không, nêu những sự kiện mà không bàn, làm nổi bật tính khách quan, khiến người đọc tin vào tính xác thực của thông tin. Ngay cả những tin chính trị đáng ngờ mà chúng ta vừa phân tích ở trên, khi ghi lại trong nhật ký, người viết đã hoàn toàn tin tưởng như thế vì ông viết không phải cho người khác đọc mà cho mình, viết để giúp trí nhớ tồn tại. Vì vậy chúng ta có thể hiểu tại sao, người Việt Nam ở hai miền, trong thời điểm đó, đã có thể tin vào những thông tin thất thiệt như vậy, để cầm súng đánh nhau.

Mục đích của nhật ký là giúp trí nhớ tồn tại, ghi lại những xúc động tại chỗ, không màu mè son phấn, chỉ toàn các dữ kiện: "Qua phố Hàng Lọng, không gặp bố mẹ vợ. Tới nhà cũ, mang máng là nhà ông bà nhạc, người ta đang sửa. Hỏi, một người đàn ông nói đây nhà người ta đi Nam rồi". Tính cách dữ kiện làm chìm đi, chết đi, chôn vùi nỗi xúc động âm thầm của kẻ đi kháng chiến: tưởng chín năm hy sinh gian khổ sẽ được bù đắp bằng niềm vui giải phóng thủ đô, gặp lại gia đình, nhưng người thân đã bỏ đi. Lý do đơn giản: ông nhạc là tri phủ, nếu ở lại sẽ bị đấu tố. Tất cả những nỗi niềm này, tác giả không viết ra, nhưng chúng âm thầm sống trong chữ, dưới chữ, ngoài chữ, và một lần người viết đã viết ra, và người đọc đã đọc được, nó lại nổi lên, dày vò ám ảnh, như hồn vua cha theo Hamlet trong mọi ngõ ngách thâm u của tâm hồn. Theo cách nói của Sartre, người đọc đánh thức những con chữ bị bỏ quên đã lâu ngủ im trên trang giấy. Sự bỏ đi của ông bà nhạc trên sân bay Gia Lâm Hà Nội 1954, sẽ được lập lại trong những điều kiện kinh hoàng gấp ngàn lần trên bãi biển Đà Nẵng, 21 năm sau. Tất cả tính chất bi đát của chiến tranh, của hoàn cảnh lịch sử Nam Bắc, nằm trong lời ghi ngắn gọn đó: bởi chiến tranh (tất cả các thể loại loại chiến tranh kể cả chiến tranh cứu nước, chiến tranh giải phóng) chưa bao giờ là giải pháp lý tưởng. Sự tương phản, đối chất, luôn luôn dày vò con người, và chính tính tương phản đã tạo nên bi tráng kịch. Văn nghệ cách mạng chủ trương triệt tiêu một vế của bi tráng kịch, chỉ thể hiện phần chiến thắng, phần tích cực, và loại những kẻ đã bỏ đi: anh hùng cách mạng vì không có đối trọng, trở nên nhạt nhẽo, máy móc, phỗng đá. Nguyễn Huy Tưởng đã bước lên trên hùng tính cách mạng, kể cả trong nhật ký, để ghi lại những đau xót, trăn trở, to bee or not to bee của con người.

 

 Ngày 5/8/1956: Nguyễn Huy Tưởng viết: "Người ta sợ. Trai gái không ai dám khoác tay nhau. Không ai dám diện. Không ai dám mua tranh (...) Hiện nay phong trào tố khổ lên cao, có nơi tố khổ cán bộ như đấu".

Ngày 5/9/1956 Nguyễn Huy Tưởng ghi: " Đốt tay người bị tra. Nhục hình tàn khốc. Bắt anh đấu em, vợ đấu chồng, con đấu bố, bạn đấu bạn. Kích diện tích, sản lượng lên. Một thứ vô nhân đạo kinh khủng, tạo nên môt thứ căm hờn giả tạo nguy hiểm. Văn Cao nói: Không gì sợ bằng thằng dốt nắm chính quyền".

Ngày 11/9/1956: "Đại biểu khu phố Hà Nội là một con sen. Đi vận động các nhà làm sao được. Than ôi! Thành phần chủ nghiã, cứ nhắm mắt mà làm"

Ngày 19/9/1956: "Rất buồn cho cái lối tuyên truyền láo toét của mình. Lên báo cáo với bộ chính trị về tình nhóm Nhân Văn. Gặp Bác. Nghe thảo luận của bộ chính trị. Bác ngồi chủ toạ. Ngày 23/9/1956: "Gặp Nguyễn Hữu Đang. Giữa lúc gay go. Đang nói Nhân Văn là con bài cuối cùng (...) Vấn đề của Đang, một trí thức tiểu tư sản khi vào đảng là muốn đem trí tuệ của mình phục vụ, đóng góp cho đảng, không phải là vấn đề thừa hành một cách ngoan ngoãn. Muốn bảo vệ chế độ này, phải phát huy dân chủ, làm cho đảng liên hệ mật thiết với quần chúng. Ngày 24/10/1956: "Ta muốn duyệt lại các tác phẩm cổ điển. Muốn duyệt lại đường lối chính sách cải cách ruộng đất. Muốn duyệt và có khuynh hưóng bỏ công việc. Phủ nhận tác dụng của chỉnh huấn: nguồn gốc sai lầm trong cải cách ruộng đất". Ngày 28/10/56: "Qua hồ Gươm, bẩn quá, mùi khai, bùn. Xơ xác. Mất cả vẻ mỹ quan của Hồ Gươm (...) Đồng bào miền Nam ăn mặc lam lũ. Người bồng con, người túm năm túm ba, người đứng một mình ngơ ngác(...) Ôi! Những nét mặt thân yêu, đau khổ, của những kẻ xa cha mẹ, vợ con, hàng xóm! (...) người như bị cắt khúc làm đôi. Ngày 6/11/56: Một điều chua xót: Ta nói dối. Chế độ dậy nông dân nói dối". Ngày 10/11/56: "Chiều gió lộng. Đến thăm Nguyễn Xuân Khoát. Trên gác ba. Hai buồng, một lớn, một nhỏ. Nước, vệ sinh dưới nhà. Ngoài 2 đứa con, còn người em vợ mới được gọi ra để cho đi học: nhà bị quy là địa chủ, không có gì ăn (...) Thương bạn. Nghệ sĩ nghèo quá, nghèo mà lại không sáng tác được. Chế độ thực là phí các nhân tài. Ngày 1/12/56: "Cái độc đoán về tư tưởng thật là ngột ngạt. Cái danh từ vì Đảng, vì Dân đã phạm bao nhiêu tội lỗi". Ngày 9/12/56: "Viết thư cho ông Trường Chinh phản đối biện pháp đối với Nhân Văn. Chả biết ông ấy nghĩ sao!". Ngày 11/12/56: "Nghĩ thương anh em Nhân Văn, thương Đang, Lê Đạt, Hoàng Cầm, v.v... 13/12/56: "Gặp đồng chí T.C. Khi mình nói không nên có thành kiến vói Nguyễn Hữu Đang, thì thiếu bình tĩnh ngay. Rồi quay ra vặc: Sao anh chỉ trách Đảng mà không trách bọn họ?" Ngày 14/12/56: "Anh em nghe nói Nhân Văn không ra nữa! Buồn. Người dân Hà Nội cũng buồn. Hoàng Lập Ngôn nói: Thôi thế là lại: thứ nhất ngồi lỳ, thứ nhì đồng ý!

20/6/58: Muốn viết một kịch về "Nhân Văn".

 

Nhật ký khép lại ở thời kỳ bản lề: năm 60, nhà văn mất. Chưa kịp viết kịch về Nhân Văn. Chính quyền miền Bắc vừa dẹp xong Nhân Văn và cả hai bên Nam Bắc đang dồn lực lượng vào trận chiến kéo dài 15 năm. Nguyễn Huy Tưởng, người suốt đời vận động cho cuộc sống, đã khỏi phải nhìn thấy cảnh huynh đệ tương tàn.

Ngay từ 18 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã có ý thức xét tự mình và muốn xây dựng sự nghiệp văn chương. Ông cho rằng: viết văn quốc ngữ là để tỏ lòng yêu nước và là phận sự của một ngưòi tầm thường như ông. Như vậy quan niệm văn chương của Nguyễn Huy Tưởng gắn bó với quan niệm yêu nước. Và lòng yêu nước ở ông, được nung đúc từ những vị anh hùng trong lịch sử mà hai khuôn mặt tiêu biểu là Trưng Vương và Hưng Đạo. Để dựng lại những chân dung anh hùng, Nguyễn Huy Tưởng đã tiếp cận kỹ thuật sáng tạo sử thi Hy Lạp, nhưng Homère không phải là nguồn duy nhất, còn một nguồn khác, ảnh hưởng Đông phương, mà ông tiếp thu qua sách vở chữ Hán. Người thanh niên này đọc nhiều sách Tây phương, ảnh hưởng những tư tưởng dân chủ của thời kỳ ánh sáng. Những thanh niên có học thời ấy thường rất Âu hoá: đọc sách Tây, nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, nhật ký có đoạn viết tiếng Tây. Lan Khai, Khái Hưng là hai nhà văn mà ông mơ ước đều là những tiểu thuyết gia lịch sử nổi tiếng.

Về khuynh hướng chính trị, ông xác định trong nhật ký ngày 20/6/38: " Tôi chán với cái thuyết thế giới đại đồng. Tôi không muốn trông xa, tôi không ước vọng gì cả: tất cả mục đích của tôi chỉ gồm trong hai chữ: quốc gia. Tôi chỉ biết có nước Việt Nam, có một góc đất ở hoàn cầu nó đau khổ và chỉ biết làm thế nào cho nó được giải phóng mà thôi. Tôi hoàn toàn theo chủ nghiã quốc gia". Vẫn trong nhật ký, có chỗ ông ghi là có đọc Mác mà không thích. Một chỗ khác: đọc Gide giới thiệu Nietzsche, say mê tư tưởng của triết gia này. Ngày 20/10/38: "Tôi cảm phục nhà triết học thâm trầm ấy, ngạo mạn ấy. Cái người đã ca tụng sự sống một cách thiết tha, cái người đã khuyên ta nên sống một đời mãnh liệt, can đảm, mạo hiểm, không biết sợ là gì".

Trong tác phẩm, Nguyễn Huy Tưởng đã ca tụng sự sống một cách thiết tha, và khi bênh vực nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, dường như ông đã không biết sợ là gì. Khi cáo ấn từ quan sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông không bị chính quyền sách nhiễu. Đó là phong cách Nguyễn Huy Tưởng. Khác với Nguyễn Tuân, một nhà văn biết sợ. Câu nói nổi tiếng của Nguyễn Tuân trở thành phương châm cho một thế hệ văn nghệ sĩ biết sợ để sống còn, cho đến nay họ vẫn còn trích, trương lời Nguyễn Tuân để biện hộ cho sự nhát sợ của chính mình. Đó là lý do giải thích cao trào bồi bút trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm và giải đáp câu hỏi tại sao trong hơn nửa thế kỷ qua, miền Bắc giữ gần trọn bộ nhân tài của đất nước mà không làm nên được một nền văn học đích thực: bởi dường như hầu hết đều đã và còn đang biết sợ.

Nguyễn Huy Tưởng trở thành mẫu mực duy nhất của người trí thức cộng sản không biết sợ dưới chế độ cộng sản.

 

Những người ở lại

Tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng hoà hợp hai yếu tố: tinh thần yêu nước và tình yêu sự sống, cùng phát xuất từ chữ yêu nhưng đối lập và bổ xung cho nhau để giữ thế quân bình. Nếu chỉ yêu nước mà không yêu sự sống, sẽ dẫn đến mù quáng, đến thái độ cực đoan, diều hâu, chủ chiến: sẳn sàng hy sinh sự sống của mình và của người khác nhân danh tổ quốc. Nhưng nếu chỉ thích sống mà không màng đến số mệnh của dân tộc, con người trở nên ích kỷ, tham sống, sợ chết, thành kẻ nô lệ. Giành độc lập cho quê hương bằng giải pháp hoà bình, Gandhi đã hoà hợp tình yêu nước và tình yêu sự sống.

Nhật ký 17/1/32: "Tôi chỉ hiểu một chữ: là chữ yêu. Tôi không muốn thù ghét". Yếu tố tình yêu bao trùm tình yêu nước lẫn tình yêu sự sống của ông đối chất với hệ căm thù chính thống đã làm cho tác phẩm của ông đứng vững đến ngày nay. Khác với những tác phẩm cùng thời, viết theo quan niệm phân chia giai cấp, ta-địch, gây chia rẽ, hận thù giữa người trong nước, giữa người với người, tác phẩm của ông -dù viết về chiến tranh Việt - Hoa dưới thời nhà Trần, như Đêm hội long trì, An tư hoặc về chiến tranh Việt - Pháp như Những người ở lại, Sống mãi với thủ đô- luôn luôn giữ thế quân bình, nhân bản: không hạ bệ quân thù, không coi đối phương như những kẻ bạo tàn, như loài vật, mà tôn trọng con người, nhìn đối phương như một khách thể. Phô bày những phức tạp của chiến tranh, những tàn mạt của con người trong trận chiến, đưa ra những giải pháp khác, ngoài biện pháp chiến tranh, ông muốn tránh chém giết, nhìn nhận trách nhiệm của dân tộc trong thái độ chủ chiến, chứ không đổ riệt lỗi cho quân thù, không kéo dân tộc vào một cuộc hận thù khác, bằng cách gây căm phẫn giữa người với người.

Kịch Những người ở lại và tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô viết về giai đoạn then chốt của cuộc kháng chiến chống Pháp xẩy ra trong tháng 12/46, thời điểm gay go nhất, trước khi nổ súng. Theo Đoàn Thêm, trong cuốn "Hai mươi năm qua 1945-1965, việc từng ngày", diễn biến lịch sử đã xẩy ra như sau: 3/12/46: Lính Nhảy dù mũ đỏ của Pháp phá phách, giật cờ, xé ảnh ở phòng thông tin Hà Nội. 7/12: Võ Nguyên Giáp ra lịnh chuẩn bị tấn công. 8/12: Các đoàn thể Việt Minh kêu gọi dân chúng đoàn kết ủng hộ chánh phủ, chuẩn bị kháng chiến, đào hầm đục tường xuyên nhà nọ nhà kia, tản cư khỏi các thành phố... 10/12: Dân chúng Hà Nội đã bắt đầu tản cư khá nhiều về các vùng ngoại ô. Hàng ngày có nhiều tin đồn: đánh mấy Pháp kiều ở khu phố này, giết mấy lính Pháp ở khu khố khác. Các công sở được lệnh thu xếp hồ sơ, dụng cụ để đem đi các nơi an toàn. 17/12: Tự vệ khu Quan Thánh Hà Nội giết vài lính Pháp. Pháp phản công, bắn phá ở đường Hàng Bún, chết 17 thường dân Việt. 18/12: Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Nội vụ, họp công chức tại Bắc Bộ phủ, cho chỉ thị tản cư, phòng gian, liên lạc với các cơ quan sau khi ra khỏi Hà Nội. Tự vệ và lính Pháp bắn nhau gần chợ Đồng Xuân, một số chết và bị thương. 19/12: Bộ Tư Lệnh Pháp gửi thư cho Hoàng Hữu Nam, phản đối về thái độ của Tự Vệ, đòi chấm dứt mọi sự bạo động, dẹp bỏ các chướng ngại vật đặt ở nhiều đầu đường, v.v... Hoàng Hữu Nam trả lời sẽ trù liệu các biện pháp cần thiết để giải quyết mọi vụ xung đột. Vào khoảng 20 giờ, nhà máy điện bị phá, điện tắt và súng nổ tại Hà Nội.

Trong đêm nay, ở khắp các nơi có quân đội Pháp đóng, cuộc giao tranh bắt đầu. Hồ Chí Minh và một số cơ quan trọng yếu lánh vào tỉnh lỵ Hà Đông và các vùng phụ cận như Chùa Trầm. (Trích Đoàn Thêm, "Hai mươi năm qua, 1945-1964, việc từng ngày" xuất bản tại Sàigòn).

Tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng xoáy vào những ngày lịch sử ấy. Những người ở lại dựng trên một bi kịch gia đình. Sống mãi với thủ đô vẽ nên toàn cảnh Hà Nội trong những ngày sửa soạn chiến tranh. Trong nhật ký ngày 22/7/56, Nguyễn Huy Tưởng cho biết: ông dự tính viết môt cuốn tiểu thuyết về cuộc kháng chiến, chia làm ba giai đoạn: Từ chiến đấu Liên khu I đến Việt Bắc 47. Từ Việt Bắc 47 đến Biên giới. Và từ Biên giới đến Điện Biên Phủ. Nhưng ông mới chỉ viết được cuốn đầu tiên thì mất.

 

Kịch Những người ở lại, đặt trọng tâm trên sự đối chất giữa hai cha con: bác sĩ Thành và Sơn. Bác sĩ Thành là một trí thức tiếng tăm đã từng ở trong chính phủ Trần Trọng Kim. Sơn con trai ông, vì hoàn cảnh gia đình (cha mẹ bỏ nhau) đã từ cha, không gọi ông là bố. Sơn làm công nhân, theo Việt Minh, vào Tự vệ. Trong giây phút nghiêm trọng của Hà Nội trước khi nổ súng, Sơn được "tổ chức" gửi về để thuyết phục Bác sĩ Thành ra hậu phương theo kháng chiến. Bác sĩ Thành tin là mình có một vị thế đặc biệt đối với Pháp và với quốc dân, ông muốn ở lại trong thành, giữ vị trí trung gian để điều đình với Pháp.

 

Kịch bản trình bày hai khuynh hướng chính trị đối lập nhau qua lời đối thoại giữa hai cha con Bác sĩ Thành và Sơn:

Bác sĩ Thành: "Cái lầm lẫn là ký hiệp định sơ bộ mồng sáu tháng ba"

Sơn: "Thưa ông, nó đã cứu sống nước ta thì đúng hơn"

Bác sĩ Thành (cười nhạt) : Mất thủ đô!

Sơn: Con tưởng mất thủ đô mà giữ được nước thì mất hai ba thủ đô cũng được. Con xin ông trở lại vấn đề

Bác sĩ Thành: Về việc tôi rời Hà Nội!

Sơn: Vâng

Bác sĩ Thành: Nhiều người đã bảo tôi ra

Sơn: Con biết lắm. Không những chính phủ, các bạn hữu, mà toàn thể dân tộc đang mong mỏi thế. Riêng một cử chỉ ra cũng làm cho mọi người nức lòng rồi.

Bác sĩ Thành, hoài nghi: Tôi không tin

Sơn: Đó là một ảnh hưởng tinh thần rất lớn

Bác sĩ Thành: Anh cũng nói đến tinh thần?

Sơn: Vâng

Bác sĩ Thành: Tôi tưởng anh là một người theo chủ nghiã duy vật

Sơn: Vâng, nhưng lúc này không phải là lúc thảo luận về lý thuyết. Việc cứu nước cần hơn. Người Việt Nam bây giờ chỉ có một chủ nghiã là cứu nước. (...)

Bác sĩ Thành trầm ngâm: Yêu nước không phải cứ tranh đấu bằng gươm súng. Làm cho nền khoa học rực rỡ cũng là yêu nước. Tôi chọn con đường ấy."

(trích Nguyễn Huy Tưởng tác phẩm chọn lọc, nxb Hội Nhà văn, 1994, trang 577-578).

 

Kịch bản đề cao giải pháp điều đình. Bác sĩ Thành nói với con gái: "Cậu tin rằng bây giờ điều đình lợi hơn kháng chiến. Pháp nó cũng không muốn kéo dài chiến tranh đâu. Nhưng Cụ Hồ đứng ra điều đình thì không được, vì bọn Pháp nhiều amour propre lắm. Cậu tin rằng cậu có thể làm việc ấy. Cậu quen nhiều Pháp, cậu là người trung lập, chỉ biết yêu nước thôi, không theo chủ nghiã nào, thứ ba nữa là cậu cũng có ít nhiều uy tín đối với quốc dân". (sđd, trang 704). Người đọc tìm thấy ở bác sĩ Thành, hình ảnh của một người trí thức quốc gia, muốn ở lại Hà Nội, để làm nhịp cầu thương thảo Pháp-Việt. Bác sĩ Thành có thể là một Hoàng Xuân Hãn, một Phan Anh hay một Vũ Văn Hiền, qua cách phân tích, suy luận và xử trí với tình hình đất nước. Họ biết vị trí và uy tín của họ đối với giới trí thức, trọng lực của họ đối với Pháp. Yêu nước, nhưng không theo cộng sản, họ băn khoăn, suy tính, tìm cách hành động theo con đưòng riêng của mình.

Những người ở lại, không những nói lên tính cách đối lập mà còn biện hộ cho những lập trường đối lập, những lập trường chống/tránh chiến tranh, không coi chiến tranh là con đường duy nhất để giải quyết các vấn đề của đất nước.

Bên cạnh bác sĩ Thành là những thanh niên trẻ theo kháng chiến trong nghĩa lãng mạn nhất, khía cạnh mà Nguyễn Tường Bách đã mô tả những thanh niên Quốc dân đảng trong hồi ký "Việt Nam những ngày lịch sử", khiá cạnh mà Phạm Duy, Văn Cao và các nhạc sĩ tiền chiến đưa vào ca khúc: theo kháng chiến vì cảnh quyến rũ của núi rừng, vì tiếng suối reo, vì giọng ca sơn nữ. Đi biểu tình như trẩy hội. Không ai thực sự ý thức được những chết chóc đợi chờ. Những người ở lại viết về khoảng thời gian lơ lửng trên cao ấy, góc trời mơ mộng của thanh niên về kháng chiến, trước thực tế chiến tranh, phũ phàng và tàn bạo.

Tâm sự của Bác sĩ Thành có thể là tâm sự của một Hoàng Xuân Hãn, hay một Phan Anh, đứng trước sự lựa chọn ở lại trong thành hay ra hậu phương theo kháng chiến. Hoàng Xuân Hãn ở lại, tiếp tục công việc nghiên cứu và để lại những tác phẩm như chúng ta đã biết. Phan Anh ra hậu phương và chúng ta cũng biết con đường ông đi.

Nhưng tâm sự này cũng còn là tâm sự riêng tư của Nguyễn Huy Tưởng. Ông cũng là người theo "chủ nghiã quốc gia", ông cũng muốn sống để sáng tạo. Suốt đời ông chỉ muốn phụng sự đất nước bằng ngòi bút sáng tạo. Và ông cũng như bác sĩ Thành, bất đắc dĩ phải theo con đường kháng chiến.

Quyết định nổ súng là một thất bại nặng nề giữa đôi bên Pháp Việt và cũng là thất bại chung của con người khi đã quyết xông vào vào vòng chiến.

 

Sống mãi với thủ đô

Những người ở lại viết năm 47, in năm 48, gây tranh luận, Nguyễn Huy Tưởng bị phê bình, phải viết bài tự kiểm điểm trên báo Văn Nghệ cuối tháng 12/49. Tuy địa vị văn nghệ của ông không thay đổi, nhưng ông đã phải thay đổi cách sáng tác, viết những tác phẩm như Anh Sơ đầu quân, Ký sự Cao Lạng, mang tính cách tuyên truyền. Ký sự Cao Lạng được giải thưởng văn nghệ 51-52. Nhưng tháng 1/52 không hiểu vì lý do gì, ông lại phải viết một bản tự kiểm thảo. Sang năm 53-54, ông tham gia công tác giảm tô và cải cách ruộng đất, và cũng lại phải viết bài tự kiểm thảo về thời kỳ này.

Sau 54, về Hà Nội, ông viết Truyện anh Lục, một tác phẩm tuyên truyền, được giải thưởng văn học 54-55 cùng với tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu. Cả hai tác phẩm đã bị Phan Khôi chỉ trích nặng nề trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ in trên Giai phẩm mùa thu, tập một. Truyện anh Lục dựa trên truyện thật của một gia đình nhưng tác giả đã biến đổi đi cho phù hợp với đòi hỏi của cách mạng. Không ngờ sự hư cấu này lại gây nên thảm họa cho gia đình ấy, khiến Nguyễn Huy Tưởng phải ghi trong nhật ký ngày 6/11/56 như sau: "Không ngờ hậu quả tai hại thế. Không nên bao giờ viết người thực việc thực cả. Một điều đau xót: Ta nói dối".

Tất cả những yếu tố trên đây giải thích lý do tại sao khi viết Sống mãi với thủ đô, trong lúc vụ án Nhân Văn xẩy ra, ông đã chọn trở lại với văn học đích thực, giữ khoảng cách với văn chương tuyên truyền, điều có thể gây nguy hiểm cho ông.

Tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô, khởi viết tháng 7 năm 1957 và viết xong tháng 4 năm 1958, trong thời kỳ gay go nhất của Nhân Văn Giai Phẩm. Viết xong cuốn một, tuy chưa in, nhưng có lẽ ông đã thấy trước là sách có thể gặp khó khăn, cho nên, thay vì viết tiếp cuốn hai, ông ngừng lại để viết truyện phim Lũy hoa. Lũy hoa được coi như bản sơ thảo toàn bộ Sống mãi với thủ đô, "tích cực" hơn với ngày về chiến thắng của Trung đoàn thủ đô, dưới rừng hoa, biển cờ.

Nguyễn Tuân, trong hai bài bạt cho Lũy hoaSống mãi với thủ đô, tin rằng sau khi xong tập đầu Sống mãi với thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng đã dừng lại để viết chuyện phim Lũy hoa theo đơn đặt hàng thương mại (rất có thể chính Nguyễn Huy Tưởng đã nói ra điều ấy để che mắt thế gian). Nhưng ngày nay, chúng ta có thể hiểu một cách khác: tác giả viết Lũy hoa theo lối tuyên truyền, phim Lũy hoa sẽ ra trưóc, sẽ là lá chắn, lá bùa hộ mệnh cho tác phẩm Sống mãi với thủ đô. Sống mãi với thủ đô mới đích thực là Chiến tranh và hoà bình của Nguyễn Huy Tưởng, tác phẩm mà ông nung nấu và muốn nó được tồn tại mãi mãi.

Đây là một tiểu thuyết viết về kháng chiến, nhưng không ca ngợi anh hùng, không đề cao kháng chiến. Tác giả nhìn về phiá con người, mô tả thái độ của mỗi cá nhân khi cuộc chiến bắt đầu: họ đã bị lôi kéo vào cuộc chiến, lạc vào chiến tranh như thế nào, với những lý do, những tâm tư, những phản ứng khác nhau. Đủ mọi hạng người: Người theo kháng chiến, người theo Pháp, người quốc gia, người cộng sản, người Việt, người Pháp, kẻ xâm lăng, người cứu nước, kẻ Việt gian, người anh hùng, kẻ tiểu nhân, người quân tử, kẻ hèn nhát, người can đảm, kẻ sống, người chết, v.v... Mỗi người có một định mệnh, một tự do trong mỗi quyết định của mình, và chịu hậu quả của sự lựa chọn ấy.

 Ngay cái tựa "Sống mãi với thủ đô" Nguyễn Huy Tưởng đã loại trừ chữ "chết" trong khẩu hiệu "Sống chết với thủ đô" được tung ra thời ấy. Dường như chữ chết không có trong ngôn từ và tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Huy Tưởng, dù chết vì gì đi chăng nữa. Đây là một đặc điểm khiến ông khác người cùng thời, khác dân tộc ông: trong khi quốc ca quốc kỳ, của cả hai miền Nam Bắc đều cất tiếng gọi máu, gọi cờ, gọi chết cho tổ quốc. Một nước mà có hai tổ quốc khác nhau. Vậy tổ quốc nào là thật, tổ quốc nào là giả?

Nhà văn đã giữ được khoảng cách với những khái niệm dễ bị trưng dụng ấy. Ông chọn đường sống cho dân tộc, cho con người.

 Trong kịch Vũ Như Tô, Đan Thiềm hai lần khuyên Vũ Như Tô lựa chọn đường sống, phải sống còn để sáng tác.

Trong Sống mãi với thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng mở rộng sự sống ra ngoài địa hạt nghệ thuật, để đến với nhân sinh: "Con bé sống sót của chiến tranh, trở nên quý giá vô ngần. Mùi thơm của cái chăn và mùi sữa hoi hoi như át đưọc mùi tanh tưởi của máu và mùi khét của súng đạn đầy trong không khí của cái đêm giá lạnh" (sđd, trang 296). Một nhân vật của ông đã khen người Pháp biết đầu hàng để bảo toàn Paris văn hoá, Paris lịch sử và Paris con người. Một nhân vật khác cho rằng kẻ bắn súng khai chiến là kẻ xuẩn ngốc.

Sống mãi với thủ đô không phải là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến đấu oanh liệt của Trung đoàn thủ đô những ngày cuối cùng năm 46, như nhiều người lầm tưởng. Ngược lại, trong tác phẩm, người đọc hầu như không thấy sự hiện diện của Trung đoàn thủ đô, mà chỉ thấy những người dân vừa xung vào tự vệ, súng chưa biết cầm, chưa kịp học nạp đạn. Những người tự vệ chưa hề biết đánh nhau, đã phải đơn phương, bảo vệ những chốt điểm, mà bộ đội chính quy đã âm thầm rút khỏi Hà Nội. Một Bắc bộ phủ không người, một hiệu triệu, một truyền đơn, một mệnh lệnh chiến đấu đến từ xa, từ những người vắng mặt.

Hà Nội bỏ ngỏ, hầu như không có người chỉ huy, không thấy người chỉ huy. Hà Nội không hào hùng, như trong các bài hát, mà lầm lũi trong u tối, lo sợ. Hà Nội đắng cay, tủi nhục. Hà Nội lam lũ tản cư. Hà Nội hôi của. Hà Nội chém chó. Hà nội tự vệ ô hợp. Hà Nội không biết đánh nhau. Hà Nội không có súng ống. Hà nội không biết bắn súng. Hà Nội được lệnh đào hầm. Hà Nội loạng choạng trong đạn lạc. Hà Nội đem con bỏ chợ. Con gái Hà thành đi cứu thương: "Các chị bảo học tiêm thì tay Lan run bắn. Nó bắn vào chợ. Lan chết khiếp đi" (trang 167). Con trai cũng không khá hơn: "Mấy tay công tử phất phơ ấy, đi đào hố một tí đã xin về tắm rửa, bắt đầy tớ xoa bóp" (trang 175). Tình hình Hà Nội:"Toàn Liên khu một, chúng ta không đầy một trăm đồng chí. Vào dân chăng? Thì Hà Nội là đất của tiểu tư sản, bấp bênh và quay quắt, cách mạng lên thì nó ào ào đi, cách mạng xuống thì nó quay lưng lại, Pháp cũng theo, Nhật cũng theo, và nếu Mỹ vào thì cũng đi với Mỹ" (trang 181).

Vậy mà Hà Nội đã tuyên chiến. Tiếng ông bí thư: "Các đồng chí, tám giờ tối hôm nay, trước cái hạn tối hậu thư, thủ đô sẽ nổ tiếng súng đầu tiên của kháng chiến" (trang193).

Hàng trăm bộ mặt khác nhau của người Hà Nội, được phác hoạ như thế. Nhưng có thể nhận diện được bóng hình Nguyễn Huy Tưởng qua nhân vật Trần Văn.

Trần Văn, dạy học, "anh chỉ là một kẻ bị trôi theo thời cuộc" (trang 22). Anh không muốn học trò anh xông vào kháng chiến vì trong thâm tâm: "Anh chợt thấy bất nhẫn không muốn để cho những người đang tuổi đi học kia phải xếp quyển vở lại để cầm một thứ võ khí nào đó" (trang 21) và "Tự đáy lòng anh, anh ghét chiến tranh, ghét cả cái tên của nó" (trang 23). Nhưng Trần Văn đã tham gia kháng chiến, với tính mẫn cảm, anh dần dần nhận ra những điều khó hiểu chung quanh:"Trần Văn đứng gác sau cái ụ bao cát sông Hồng, tần ngần nhìn theo một tốp người mà anh biết chắc là bộ đội, lặng lẽ rời phố kéo đi. Những cái bóng nhấp nhô không quay lại. Tiếng giày bước đều, tiếng võ khí chạm vào người mà cái tĩnh mịch rì rầm và ran ran của chung quanh khuấy động thêm lên. Họ đã đi xa rồi mà những tiếng ấy vẫn còn vọng lại, khẽ dần, khẽ dần và lâu lắm còn lích kích bên tai Trần Văn. Cái thành phố đã vắng và rỗng lắm rồi lại vắng và rỗng thêm, mềm nhẽo hẳn đi, như thân thể một con người không còn xương sống. Một nỗi buồn làm rã người xâm chiếm lòng anh. Bộ đội đi đâu? Anh tự hỏi và đứng ngây người nhìn ra phiá Hàng Gai mà gió lạnh đánh vật vờ mấy mẩu thuốc lá còn cháy vứt trên đường" (trang 211).

Rồi Trần Văn nhìn kỹ hơn vào tâm trạng và tình trạng của chính mình:

"Trần Văn nhìn cái ụ bao cát, do những bàn tay không biết đánh nhau là gì chồng chất lên, mảnh như đồ mã. Mấy cái hố đào bên vỉa hè mà ban đêm anh tưởng là sâu lắm, nay thấy nó nông choèn. Anh rùng mình nghĩ đến những trận đánh. Anh sẽ nấp ở đấy mà ném lựu đạn vào quân Pháp tiến vào. Anh nghĩ đến bài giảng của Văn Việt: "Khi xe tăng giặc đến thì mình phải nhảy ra mà ném chai ét xăng cờ rếp, rồi quăng lựu đạn. Dũng cảm hơn, phải lao vào xe, cầm một khúc gỗ đút vào xích xe cho nó bật ra khỏi bánh. Anh vốn chậm chạp, anh không hiểu con người phải nhanh đến như thế nào mới làm được ngần ấy việc trong nháy mắt. Anh lè lưỡi sợ hãi một mình, tưởng như cả cái khối sắt kia sẽ đè lên anh và nghiến nát. (..) Sao những người thiện chiến là bộ đội lại đi? Họ có trở về không? Anh tự nhủ: Dù sao thì mình cũng chỉ biết được cho mình. Anh đã ở lại. Anh đã chia tay với mẹ. Anh đã bỏ cái nhà ấm cúng, cuộc đời dạy học mà anh thiết tha, công việc nghiên cứu sử anh đã làm trong mấy năm nay. Anh đã viết cái lời thề sống chết. Quen hay không quen, sống hay chết, anh vẫn cứ phải đi vào cuộc chiến đấu" (trang 214).

 Vài giờ trước khi đánh nhau, tình cờ Trần Văn được mời dự bữa tiệc của một kẻ lập dị, có lẽ trước viễn tượng cái chết cận kề, anh nhận lời. Bữa tiệc đưa Trần Văn sang vị trí khác hẳn: anh có cảm tưởng như mình bị hất ra ngoài cuộc chiến, và chính anh cũng cảm thấy cái vô lý và vô ích của chiến tranh, anh thấy mình hữu ích hơn trong việc cứu người trực tiếp và anh đã chọn dẫn hai mẹ con người tình cũ, thoát khỏi vòng khói lửa.

 Trinh, người tình cũ của Trần Văn, đã bỏ anh để lấy chồng giàu, quen cuộc đời xa hoa đài các, khinh bỉ kháng chiến. Khi súng nổ, chồng Trinh đang sửa soạn đưa gia đình đi Pháp thì bị chết. Trinh ngơ ngác như đứa bé lạc mẹ, lang thang trong thành phố với người vú ẵm con cho nàng, người vú trúng đạn chết. Trinh rũ ra như chiếc lá, nàng chịu hậu quả tàn ác của chiến tranh mà không hiểu gì cả.

 

Những hoàn cảnh khi khôi hài, khi bi đát chồng chất lên nhau. Mỗi người là một bi kịch riêng tư, một nỗi lo âu khác biệt, một sự đổi hướng từng giây từng phút. Kẻ theo kháng chiến thuyết phục người đứng ngoài và kẻ ở ngoài phê bình người cầm súng. Kính trọng độc giả, ông không chỉ trước cho biết, ai đắt giá hơn ai, ông giữ khoảng cách với quan niệm chính tà, ta-địch và ông để độc giả tự nhận thức. Nói khác đi, Nguyễn Huy Tưởng để nhân vật thoát khỏi tay mình, họ có quyền tự do suy nghĩ, tự do phát biểu và hành động độc lập. Nếu dùng chữ của Bakhtine, thì có thể nói Sống mãi với thủ đô là một tác phẩm đa âm, theo đúng nghĩa của nó, tức là tác giả không đứng trên lập trường cách mạng để tạo ra nhân vật, cũng không dựa vào sự chủ quan của mình để sáng tác, mà ông giữ vai trò nhạc trưởng điều khiển một bản giao hưởng, trong đó mọi âm giai trầm bổng xen kẽ nhau, tác động lên nhau, trong cảnh đời chìm nổi.

Tác phẩm viết về kháng chiến, ở thời điểm Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng không ca tụng kháng chiến mà nói lên cái thất bại của chiến tranh, cái thất bại của sự chủ chiến. Tác phẩm vén màn lên những cay đắng của những người lính tự vệ ngơ ngác bị bỏ rơi, cầm cuốc xẻng xông vào địch thủ có đội ngũ với võ khí tân kỳ. Nhà văn soi ánh sáng vào những hành động đáng ngờ của bộ chỉ huy, những quyết định bí mật đảng bộ, gạt những người chiến đấu không có chân trong Đảng ra ngoài. Dường như có chủ trương bí mật để quân tự vệ, không có kinh nghiệm đánh nhau, ở lại đương đầu với Pháp: dùng tự vệ làm lá chắn cho bộ đội chính quy rút lui. Nhà văn soi ánh sáng vào những chỗ đáng ngờ ấy, vào những xác chết Pháp Việt, vào những bức tường đục nham nhở, vào số phận bọt bèo của những cụ già, phụ nữ, trẻ thơ chạy loạn, lạc mẹ, lạc nhà. Sống mãi với thủ đô tìm hiểu mọi hành động của con người, tìm hiểu mỗi lựa chọn của cá nhân dù hùng hay hèn, dù hay hay dở, phải hay trái, dường như đều có những lý do sâu xa.

Về mặt kỹ thuật Nguyễn Huy Tưởng ghi lại cục diện cuộc chiến trong thành Hà Nội qua những tài liệu chính xác. Cuộc chiến bày ra không có gì là hoành tráng, ở đây là kháng chiến cuốc xẻng, kháng chiến đục tường, chặt cây, tự vệ cảm tử với những phương tiện thô sơ nhất mà lòng người thì không hề hợp nhất: những Diên Hồng, những Bình Than chỉ là ảo ảnh của lịch sử, chỉ có trong trí tưởng tượng của con người. Ở đây, Hà Nội trước giờ nổ súng: "Hồ gươm nằm dúi dụi trong bóng tối.... Hàng Trống đen như làng xóm trong đêm khuya" (trang 280), "Ở bên hồ bỗng có mấy tiếng cú kêu buồn thảm tanh tưỏi. Lần đầu tiên giữa Hà Nội người ta nghe thấy cái tiếng ghê rợn báo chết này" (trang 291).

Hà Nội chở những thói tật của toàn dân: ngay trong những lúc ngặt nghèo nhất, dân Việt vẫn tranh giành thua đủ, tranh nhau vì một cái lỗ trong tường. Tranh giành giữa các lực lượng Vệ quốc quân, Công an và Tự vệ. Tình cảnh này trở lại 29 năm sau, trên bãi biển Đà Nẵng: dày xéo nhau để chiếm chỗ lên tàu. Dân mình đầy tính đố kỵ. Ai cũng muốn cướp lấy độc quyền yêu nước. Cách làm ăn tài tử, luộm thuộm, hiếu kỳ, lộ ra trong mọi trường hợp: "Tất cả láo nháo bần thần, ngơ ngác gần như chẳng có ai chỉ huy cả và họ cứ đi. Hiếu kỳ nhiều hơn là hăng hái... (trang 288). Sự phân chia giai cấp, gây phân hoá trầm trọng trong hàng ngũ những người chiến đấu: "Không biết tiểu tư sản thì có tội gì? Đi Nam đánh chết thôi cũng tiểu. Xin thêm bộ đội vào đây cũng tiểu. Bảo trưng dụng quốc xẻng cũng tiểu. Còn cái gì không tiểu nữa." (trang 75). Lệnh theo dõi những người ngoài Đảng đã manh nha. Những thành phần trí thức tiểu tư sản dù có hết lòng cũng chỉ là những kẻ ngoại cuộc, chưa thể tin dùng. Văn Việt, một chiến sĩ, nói: "Tôi chỉ có 2 tội: tôi là tiểu tư sản và tôi là người ngoài đoàn thể" (trang 424).

Hà Nội trong trận chiến thủ đô chỉ là một chốt mốc, một tọa điểm để Nguyễn Huy Tưởng thu gọn tình hình đất nước và mô tả bản chất người Việt trong chiến tranh chống Pháp: tình thế ấy và bản chất này là một thực tại. Ông đã gián tiếp giải thích tại sao chúng ta thất bại trong mối giao tình giữa người Việt với người Việt. Thông điệp của nhà văn: chúng ta nên sáng suốt hơn, khi nghĩ và viết về dân tộc mình, và phải giữ khoảng cách với những quan niệm diều hâu trong lòng dân tộc.

Về những cuộc chiến, kháng chiến hay nội chiến, con người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Hiếm hoi là những tác phẩm viết nên được cả hai khía cạnh định mệnh và phi định mệnh ấy. Những nhà văn tầm thường tìm cách minh họa cho một đường lối duy nhất: nếu viết về kháng chiến thì coi người mình là nạn nhân, luôn đứng về phe ta. Rất hiếm nhà văn có thể đạt tới thịt da, cân não của chiến tranh, để tìm hiểu nhân tâm con người. Nguyễn Huy Tưởng là một trong những cây bút đã đạt đến chiều sâu ấy, để biện hộ cho sự sống ông đã không ngại đến gần sự thật tàn khốc, lật ngửa những dối trá của chiến tranh, chạm đến sự thoái hoá của dân tộc. Tác phẩm của ông đã thoát ra khỏi những hào nhoáng của văn bia, văn bài, của lịch sử giản lược và tô hồng.

Thụy Khuê

Paris 3/8/2007

 

© 2006 Thụy Khuê