Thụy Khuê

 

 

Nói chuyện với nhà văn Nhật Tuấn về tình hình văn học tại Việt Nam trong năm năm qua
 


Nhân dịp Đại Hội Nhà Văn kỳ 6, họp tại Hà Nội trung tuần tháng 4 vừa qua, chúng tôi có dịp trò truyện với nhà văn Nhật Tuấn về tình hình văn học trong nước và vai trò của Hội Nhà Văn, nhiệm kỳ 5, trong năm năm vừa qua. Theo nhà văn Nhật Tuấn cho biết thì Đại hội 6 có 403 đại biểu được bầu từ 8 đại hội cơ sở và 20 đại biểu đương nhiên (được vào, khỏi bầu) tức là các lãnh đạo hội, bí thư Đảng, Đoàn, Hội... Có 60 nhà văn nữ trong số các đại biểu.
Thành phần đại biểu: 18 người dưới 40 tuổi (4,2%), 185 người từ 51 đến 60 tuổi (43,7%) và 131 người trên 60 (31%). Đây là đại hội những nhà văn lớn tuổi.
Trong đại hội có 9 văn kiện cơ bản báo cáo của Ban chấp hành khóa 5. Kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng về các đơn khiếu tố trước Đại Hội.
Cuộc nói chuyện dưới đây được ghi âm và phát thanh trên đài RFI (Pháp) ngày 8/4, một tuần trước ngày khai mạc Đại Hội (17/4/2000).
 


*
 


Thụy Khuê: Thưa anh Nhật Tuấn, thấm thoát lại sắp tới Đại Hội Nhà Văn lần thứ sáu, theo anh, trong 5 năm vừa qua hội đã làm được gì và vẫn còn những việc gì chưa làm được?
Nhật Tuấn: Xin chào chị Thụy Khuê, thưa chị, trước hết tôi xin nói về Ban chấp hành. Ban chấp hành khóa vừa rồi chỉ bầu ra được 5 ủy viên, như thế là số lượng ủy viên thấp nhất so với các đại hội khác (7-9 người). Mặc dầu chỉ có 5 người, họ cũng làm được nhiều việc. Họ thành lập các Hội đồng văn xuôi, thơ, phê bình, dịch thuật hàng năm có họp hành, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, tiền khách sạn, tàu xe, vé máy bay đều bằng tiền nhà nước. Cũng bằng tiền đó, họ đào tạo bồi dưỡng các cây bút trẻ, thăm hỏi các nhà văn cao tuổi. Cũng bằng tiền nhà nước, họ duy trì được sự sống của tờ báo Văn Nghệ, tờ Tác Phẩm Mới mà nếu không có tài trợ, chắc chắn hai tờ này sẽ biến mất trên thị truờng. Tóm lại, Ban chấp hành đã có một nhiệm kỳ hoạt động hăng hái và nhộn nhịp.

TK: Anh vừa cho biết về hoạt động của ban chấp hành, bây giờ xin hỏi anh về phương diện thành phần các hội viên của Hội Nhà Văn thì như thế nào?
NT: Thưa chị về thành phần của hội viên của Hội Nhà Văn VN thì bội thu, tức là kết nạp được rất nhiều hội viên, chưa thấy nhiệm kỳ nào mà kết nạp được nhiều như vậy, đưa tổng số hội viên tới 700 người nên không họp toàn thể được vì quá đông. Cho nên là phải họp đại hội cơ sở để cử người đi dự đại hội toàn quốc, với cái tỉ lệ cứ 2 người thì chọn đi dự được hơn 1 người đi. Nhưng thưa với chị là kết nạp thì đông như vậy, nhưng mà có nhiều người khi công bố tên để mà đi dự đại hội thì thiên hạ cứ tròn mắt lên không hiểu là nhà văn đó đã viết tác phẩm gì? Nhà văn đó ở đâu ra? Và nhà văn đó đã đóng góp gì cho nền văn chương nước nhà?

TK: Thưa anh như anh vừa nói là nhà văn thì được kết nạp đông như vậy, nhưng còn về giá trị tác phẩm của họ thì như thế nào?
NT: Thưa chị, muốn biết về giá trị của tác phẩm của các nhà văn, thì tốt nhất là ta cứ nhìn vào giải thưởng hàng năm của hội. Hàng năm Hội Nhà Văn huy động bộ máy tính ra cả trăm người để cố chắt lọc ra được các tác phẩm để trao giải thưởng hàng năm. Riêng năm 99 thì hội chỉ chọn ra được một giải B cho một tập thơ, và 1 giải B nữa cho một tập sách lý luận phê bình. Kết quả đó thì cho thấy là năm 98 qua đã mất mùa văn học. Thế còn những năm trước thì sao? Quả thật mới có vài năm mà những cuốn được Hội trao giải đã biến mất trong ký ức văn học, ít ai còn nhớ tới chúng, cũng chả có ai còn bàn soạn tới... Vài năm trước, sau một cuộc thi thơ ở thành phố Hồ Chí Minh, người ta đã in hẳn một tập gồm những... một trăm bài thơ hay, cho tới nay, mới vài năm trôi qua, thật khó kiếm được ai thuộc nổi lấy một bài, trừ... tác giả của chính nó. Một nhà thơ trung niên, khá nổi tiếng, nhận xét: "Qua hàng loạt các tập thơ in trong vòng vài năm nay, ta có thể thấy rõ chúng có chung một đặc điểm: Sự tầm thường. Người viết dường như không sống hết những điều anh viết ra. Nửa vời, làm dáng, xúc động giả. Thơ tình rất nhiều nhưng không có thơ... yêu, bởi lẽ "nhà thơ" đâu có "yêu", hoặc giả cũng có "yêu" đấy, nhưng là thứ tình yêu thời... thị trường, cảm sao được người đọc? Thơ đang "lạm phát" đấy, buồn thay, không có thơ hay..."

TK: Anh vừa cho biết cái nhìn của anh về tình trạng thơ hiện nay, thưa anh thế còn về tiểu thuyết và truyện ngắn thì anh thấy thế nào?
NT: Thưa chị về tiểu thuyết và truyện ngắn tức là về văn xuôi thì số phận của nó cũng hẩm hiu chẳng kém gì thơ. Có lần tôi ghé một siêu thị sách, tôi có hỏi một cô bán hàng: Thưa cô sách văn học có bán được không ạ? Cô lại tưởng là tôi muốn mang sách của tôi tới xin ký gửi, cô vội lắc đầu quầy quậy: "Nói thực với anh... ít người ngó tới quầy văn học lắm... thậm chí khi ai đi tới, tôi có cảm giác người đó là một thứ vật thể lạ mới tới từ vũ trụ..." Tuy nhiên theo tôi (NT) nghĩ thì nếu người đọc không chịu bỏ tiền ra mua sách văn học thì lỗi ấy chẳng phải ở nơi độc giả. Bởi vì khi mà nhà văn không còn khoác sứ mệnh "lương tâm thời đại" nữa, không còn là "thư ký thời đại" nữa, không còn là "kỹ sư tâm hồn" nữa, không còn phản ảnh và khám phá hiện thực nữa, nhà văn không còn dự báo tương lai nữa, không còn đứng về phía cái thiện chống lại cái ác nữa, thì sản phẩm của anh ta dần dà sẽ biến thành một thứ giả sản phẩm, và người tiêu dùng sẽ quay lưng đi là điều hiển nhiên. Các nhà văn đã đánh mất độc giả, đó là một thực trạng đau lòng, nó không khác gì cảnh nhà sản xuất không có đầu ra. Nó gây nên một tình cảnh nghịch lý là sách của các nhà văn tên tuổi lại khó bán hơn là sách của các cây bút mới, là vì độc giả còn trông đợi ở các cây bút mới một cái gì mới mẻ, còn các nhà văn tên tuổi thì không.

TK: Thưa anh, như vậy, anh nghĩ rằng các nhà văn VN có nhận ra được nguy cơ đó không?
NT: Thưa chị, tôi không biết. Chỉ thấy rõ một điều là trên báo Văn Nghệ, trên tạp chí xuất bản mới, trên các kệ sách mới ra lò của các nhà xuất bản, chỉ thấy nhan nhản một thứ văn chương nhàn nhạt vô tích sự, xa rời đời sống, xa rời các chức năng xã hội của văn học, một thứ văn chương không có "tâm trạng", và thẳng thắn ra mà nói thì chúng ta đang sản xuất ra một thứ văn chương dưới văn chương, ở đây cũng phải ghi nhận thêm một tình trạng: sự giữ gìn đến nhát sợ của các biên tập viên của hai tờ báo của hội. Họ chỉ chọn in những gì thật an toàn cho chiếc ghế của chính họ, và như thế thì không loại trừ khá nhiều tác phẩm hay đã bị lọt lưới.

TK: Thưa anh đứng trước tình trạng đó thì ban chấp hành của Hội Nhà Văn có phản ứng như thế nào?
NT: Ban chấp hành vừa rồi đã kêu gọi với các đại hội cơ sở đang được tiến hành: "Vấn đề đặt ra hàng đầu là nâng cao chất lượng của văn nghệ phẩm và nâng cao tính tích cực của nhà văn". Nhà văn phải viết hay hơn và có trách nhiệm với xã hội nhiều hơn. Đó là hai yêu cầu bức thiết đối với nhà văn, vì các nhà văn trong mấy năm gần đây, viết thì chưa hay mà lại lảng tránh những vấn đề bức xúc của xã hội.

TK: Thưa anh việc kêu gọi nhà văn viết cho hay hơn, có dễ dàng không và có đem lại hiệu quả gì không?
NT: Theo tôi, sáng tác bao giờ cũng là một việc khó khăn. Cái khó nhất là nhà văn viết để cho sách bán chạy, chiều theo thị hiếu của độc giả, hay là viết để diễn tả những suy tư, những dự báo, những cảm nhận về xã hội. Đó là về mặt chủ quan của nhà văn. Còn về khách quan thì phải nói là các nhà văn hiện nay đang kẹt đầu ra. Tức là nhà văn sản xuất ra hàng hóa mà không tiêu thụ được. Nó bị kẹt bởi hàng hàng lớp lớp những cuốn sách giải trí vô thưởng vô phạt, đến mức là trong một cuộc chuyện trò đầu năm giữa ông Hữu Thọ, người giữ chức Trưởng Ban Văn Hóa Tư Tưởng của Đảng, với nhà thơ Trần Đăng Khoa, cuộc nói chuyện này có ghi lại trong tập Chân Dung Và Đối Thoại, ông Hữu Thọ đã phải thừa nhận rằng, những cuốn sách này, tức là những cuốn vô thưởng vô phạt ấy, đơn giản hơn, nhưng cũng nguy hiểm hơn vì khó nhìn thấy, nó chỉ tạo ra một thị trường sách dưới văn hóa, một công chúng dưới văn hóa, một nền văn hóa dưới văn hóa, điều ấy thật là kinh khủng. Thưa chị, nguy cơ chúng ta đang tạo ra cái nền văn hóa này thì người phụ trách văn hóa của Đảng đã nhìn ra, nhưng các ông bên Chính Phủ thì cứ ký giấy đều đều cho in ra những tác phẩm làm nên cái nền văn hóa dưới văn hóa ấy. Như thế là người ta chỉ chăm chú gạn lại những tác phẩm đồi trụy và phản động thôi ạ. Nếu không phạm vào hai cái cấm kỵ đó thì được ra tuốt luốt, và một thị trường sách dưới văn hóa đã ra đời vì sự buông lỏng của sự thẩm định chất lượng nghệ thuật, chất lượng tư duy của các ấn phẩm, mà theo tôi công việc này thì đội ngũ biên tập bây giờ cũng như là trình độ quản lý thật khó mà đáp ứng cho được.

TK: Thưa anh trong tình trạng mà anh vừa nói đó nếu có những nhà văn viết các tác phẩm có giá trị thì làm thế nào để cho những tác phẩm này lọt được vòng kiểm duyệt hoặc là lọt được mắt các nhà quản lý văn học để ra đời?
NT: Tôi cho rằng hiện nay người ta chỉ duyệt những tác phẩm đọc mà nó rõ ràng là không có vấn đề gì tức là những tác phẩm viết theo bút pháp hiện thực, không có thể hiểu theo nghĩa nào khác, chứ nếu tác phẩm nào mà viết với một bút pháp có ý thức canh tân một chút, thì phải nói là lọt qua được vòng kiểm duyệt hơi khó. Vì nếu họ nghe một cái giọng văn hơi lạ tai một chút là họ hơi chột, vì thế nếu tác phẩm mới, canh tân bút pháp, hay theo giọng ý thức, hay bút pháp mới thì khó lọt qua giàn biên tập của nhà xuất bản. Mặt khác nữa, nếu đưa vào thị trường thì độc giả cũng không chấp nhận mua sách mà đồng thời báo chí cũng không lăng xê, nên nó sẽ rơi vào quên lãng. Tôi đưa một thí dụ là có một cây bút trong mấy năm qua tôi biết, một nhà văn là anh Nguyễn Bình Phương, một nhà văn trẻ, anh ấy cho ra một tác phẩm có tên là "Những đứa trẻ chết già", thì, mặc dầu anh ấy viết rất tốt, nhất là mấy chương đầu, có tìm tòi được cái bút pháp mới, thế nhưng cuốn sách này, sau khi ra, cũng chìm nghỉm, hình như là giới cầm bút cũng không nhậy bén trong việc canh tân về bút pháp, mà thị trường thì người ta cũng không mua các tác phẩm như thế. Cho nên câu chị hỏi về các tác phẩm có giá trị ấy thì tôi xin trả lời là: một là, nếu nó lọt qua được vòng kiểm duyệt thì đã hơi khó, cái thứ hai nữa: đến tay độc giả hay không thì mấy năm nay thị hiếu độc giả cũng đã xuống cấp nhiều, thành ra những món ăn cao cấp như thế, độc giả cũng không tiêu hóa được. Thành ra, các cuộc cách tân trong bút pháp tiểu thuyết và truyện ngắn thì rơi vào cái số phận như thế.

TK: Thưa anh như anh vừa nói, nhà văn khi viết thì bị kẹt như thế, như vậy thì hội nhà văn có kế hoạch gì để giúp đỡ nhà văn trong địa hạt in ấn và phát hành hay không?
NT: Thưa chị một khi sách đã được trở thành hàng hóa thì nó phải được đến giai đoạn quảng cáo, nhưng tiếc thay việc quảng cáo lại nằm trong tay các phóng viên của các tờ báo, mà việc thẩm định văn chương thì lại không phải là sở trường của họ, và cũng không phải chức năng chính yếu của tờ báo, nhưng mà họ lại được độc quyền lăng xê các cuốn sách. Cho nên, trong khi họ (các phóng viên) nhào nặn thị hiếu văn chương, dẫn dắt dư luận độc giả, thì báo Văn Nghệ của hội, tạp chí Tác Phẩm Mới của hội, ngay cả Hội Nhà Văn lại mải lo các chuyện khác, chuyện này chuyện kia, còn lâu họ mới lo đến việc marketing cho sách của các nhà văn, cho xứng với danh nghĩa một hội nghề nghiệp. Đáng nhẽ ra việc marketing rơi vào hai tờ báo của hội thì họ lại buông lơi việc này mà lâu lâu có một chuyện giới thiệu sách thì đó là một chuyện thù tạc chứ không phải là một lệ, cứ hễ sách của nhà văn ra thì được marketing. Trong đại hội cơ sở vừa rồi có ý kiến đề nghị hội nhà văn thành lập một công ty phát hành sách, riêng cho các nhà văn.

TK: Anh vừa nói đến công ty phát hành sách cho các nhà văn thì liệu điều đó có thể thành hiện thực được không?
NT: Thưa chị điều đó thì tôi không biết nữa, cái đó sẽ tùy thuộc vào thiện chí và tinh thần của ban chấp hành khóa mới. Nhưng mà tôi cũng tin rằng, bằng vào những bước đường đã trải qua trong nửa thế kỷ cầm bút, thì những nhà văn VN sẽ vượt qua mọi khó khăn và sớm trở lại vị trí được yêu mến trong lòng độc giả.

TK: Xin cám ơn nhà văn Nhật Tuấn.

Thụy Khuê thực hiện
Tháng 4/2000

© Copyright Thuy Khue 2000