Thụy Khuê

 

Về những lời tuyên bố của Nguyễn Huy Thiệp tại Paris





 Những lời tuyên bố của Nguyễn Huy Thiệp tại Paris đã được trích lại và phổ biến, thoát hẳn bối cảnh của câu chuyện, tạo sự hiểu lầm cho những ai không dự buổi nói chuyện này.
 Là bạn của Nguyễn Huy Thiệp và cũng là người có mặt trong các buổi Nguyễn Huy Thiệp tiếp xúc với nhà báo tại Paris, tôi có bổn phận phải lên tiếng để nói rõ thêm về sự kiện này.

1. Buổi nói chuyện vấn đáp ngày 10/4/2002 của Nguyễn Huy Thiệp tại nhà sách Le Phénix, Paris quận I, đã diễn ra trong một bầu không khí hơi đặc biệt, Thierry Leclère, phóng viên báo Télérama, tường thuật lại khá trung thực bối cảnh hôm ấy như sau:

 "Bà chủ nhà xuất bản hơi (bị) bối rối. Có tin đồn rằng Ðại sứ quán Việt Nam sai hai cá chìm (sbire) lại để giám sát nhà văn. Nhưng họ lặn ở đâu? Ðằng sau micro của anh nhà báo trẻ của đài phát thanh (RFI) đang ghi âm buổi nói chuyện? Hay dưới mặt nạ của một độc giả hâm mộ (Nguyễn Huy Thiệp) không ngớt "quay" nhà văn bằng những câu hỏi chẳng có mạch lạc gì? Cử tọa bị (Thiệp) chinh phục, tỉnh bơ, vỗ tay hoan hô lối châm biếm tuyệt vời của nhà văn: "Văn chương? Một nghề thổ tả! Tôi bảo đảm ..." Với nụ cười bối rối, nhà văn cáo lỗi: "Tôi đã không lịch sự, tôi đã không làm vừa lòng người đọc, từ lâu". Hai dịch giả của tiên sinh (maitre) hỏi nhau: Nghề thổ tả dịch thế nào? Métier de chien (nghề con cầy). - Không, mạnh hơn, một khán giả lên tiếng: Chiant có lẽ hơn. - Ðúng đấy, tất cả cử tọa (trừ hai người) đều tán thành. "Tôi xin  nhắc lại, nghề văn là một nghề thổ tả! Ðể viết thật chân thực anh phải dày vò, anh phải đớn đau. Cả tình yêu của một người đàn bà, lẫn tiếng tăm, tiền bạc cũng không thể an ủi anh được, chẳng như hồi mới viết tôi cứ ngây thơ tưởng vậy. Nhưng đó là số phận của tôi." (1)

 Trên khán đài, Jean Lacouture hỏi Thiệp một cách vụng về, (chẳng biết) ông quên hay không biết sự hiện diện của những tai mắt (les grandes oreilles) trong đám cử tọa cho nên cứ "đâm" (crible) Thiệp bằng những câu hỏi về việc kiểm duyệt tại Việt Nam. Thiệp trả lời bằng một câu ngạn ngữ, rút từ một truyện cổ tích Việt Nam, (lấy tay) phác một cái tháp bí truyền tiêu biểu cho xã hội và quyền lực. (2)


*

 Buổi nói chuyện vấn đáp giữa Jean Lacouture, Nguyễn Huy Thiệp và độc giả nhân dịp bản tiếng Pháp của tập truyện ngắn Vàng lửa và kịch bản Suối nhỏ êm dịu do Kim Lefèvre dịch, được ra mắt ở Paris, dài hơn hai tiếng đồng hồ. Một số câu trả lời đã được người ta trích ra khỏi bối cảnh của câu chuyện, thêm bớt tùy tiện, đôi khi với ác ý, nhằm hạ uy tín của Nguyễn Huy Thiệp. Dưới đây, tôi ghi lại  nguyên văn những câu trả lời ấy, trích từ băng thu của đài RFI để độc giả có một cái nhìn đúng đắn hơn về buổi nói chuyện này.
 

1. Câu hỏi về Tự Do.

Jean Lacouture (do Kim Lefèvre dịch thoát, nguyên văn tiếng Pháp có hơi khác): Cách đây hai năm, ông (Lacouture) có đặt một câu hỏi cho anh rằng: Ở Việt Nam, người dân có đòi hỏi thêm sự tự do không, thì lúc đó anh trả lời rằng: Người Việt Nam không có đòi hỏi nhiều lắm về tự do. Bây giờ anh vẫn trả lời như vậy hay là không?

Nguyễn Huy Thiệp: Tự do thực sự cũng là một khái niệm và một điều mới lạ đối với người dân Việt Nam. Ngay bản thân tôi là một nhà văn, thú thực tôi cũng chưa bao giờ nghĩ nhiều về cái khái niệm tự do. Rất nhiều người Việt Nam nghĩ đến chữ miếng ăn và áo ấm nhiều hơn là chữ tự do. Tôi nghĩ rằng ở trong cách sáng tạo từ ngữ của con người thì bao giờ người ta cũng sáng tạo ra tức là người ta cũng nghĩ đến chữ ăn no hay là áo ấm trước rồi sau đó đến một lúc nào đấy, người ta mới bắt đầu nghĩ đến cái khái niệm tự do, hay là dân chủ v.v...

Trong phần trả lời khán giả, một người hỏi: Tôi muốn trở lại những chữ Tự Do mà tác giả nói ở trên, tôi không đồng ý ... (nghe không rõ).
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi không hiểu rõ những điều mà anh muốn diễn đạt. Không biết là anh đã nuôi trẻ con bao giờ chưa? Nếu chúng ta nuôi một đứa  hài nhi mới sinh ra, thì nó cũng phải qua dần từng bước. Anh phải cho nó uống sữa, anh phải cho nó ăn bột, rồi sau đó anh phải tập cho nó nói. Cái việc tôi ví những nhu cầu về miếng ăn, về áo ấm và tự do nó cũng giống như quá trính chúng ta nuôi một đứa trẻ con vậy. Chúng ta phải bón sữa cho nó, phải cho nó ăn bột và phải ủ ấm cho nó, thì lúc đấy nó mới bắt đầu tập nói được. Và khái niệm tự do, tôi nghĩ rằng nó là một khái niệm (chỉ có) khi mà trình độ hiểu biết của đứa trẻ hay là của xã hội phải đạt đến một cái mức độ nào đấy.
 
 
 

2. Câu hỏi về văn học hiện đại.

J. Lacouture(Kim dịch thoát): Trong số những nhà văn hiện đại của Pháp trong 50 năm trở lại đây có tên tuổi nào (gợi) hướng cho anh? (J. Lacouture: ... tạo cảm hứng cho anh, làm mẫu mực hoặc kỹ thuật cho anh?)
Nguyễn Huy Thiệp: Việc giới thiệu những nhà văn hiện đại trên thế giới, đối với Việt Nam rất hạn chế vì  mắc (vào) việc dịch thuật. Công tác dịch sách ở Việt Nam, tôi cảm thấy rất là hạn chế, gần như là những tác giả hiện đại nổi tiếng trên thế giới ít được giới thiệu tại Việt Nam.

J.Lacouture (Kim dịch thoát): Văn của anh không có ảnh hưởng các nhà văn nào khác? dẫu là các nhà văn Trung Quốc hay là Nga, hay là Gorki, Tam Quốc  chẳng hạn, không có ảnh hưởng gì đến văn chương anh?
(Nguyên văn câu hỏi của J. Lacouture: Trong tác phẩm của anh, không thấy có ảnh hưởng ngoại quốc, như Âu châu, Trung quốc, Nga, Gorki, hoặc những truyện kể của Trung Hoa như Tam Quốc Chí?)
Nguyễn Huy Thiệp: Những sách về văn học cổ điển được dịch khá đầy đủ tại Việt Nam. Dù là của Pháp, của Nga hay của Trung Quốc. Thế hệ chúng tôi thì hầu như chúng tôi chỉ được tiếp xúc với văn học cổ điển thôi, chứ còn văn học hiện đại thì rất hạn chế.

J. Lacouture (Kim dịch thoát): Chính quyền trách cách viết của anh giống cách viết của J.P. Sartre. Ðây là sự ngẫu nhiên hay không mà anh lại viết giống J.P. Sartre?
(Nguyên câu hỏi của J. Lacouture: Trong những lời chỉ trích của chính quyền Việt Nam thời đó đã có chỗ viết rằng: anh viết như Sartre. Ðấy là một sự tình cờ, anh không biết Sartre, nhưng anh có sự tương đồng với Sartre, thật sự tình cờ?
Nguyễn Huy Thiệp: Tôi cũng gần như là chưa đọc được gì về những tác phẩm của J.P. Sartre. Tôi chỉ biết một chút về tiểu sử của ông ta và cuộc đời tình ái của ông ta mà thôi (cười).
 
 

3. Câu hỏi về báo Văn Nghệ
J.Lacouture (Kim dịch): Tờ báo Văn Nghệ đã ủng hộ anh ngày xưa và đã bị cấm. Bây giờ có được xuất bản ra không hay là vẫn bị cấm?
Nguyễn Huy Thiệp: Tờ báo Văn Nghệ thì nó vẫn tồn tại. Chỉ có ông tổng biên tập thời gian ấy, thì ông ấy không còn làm tổng biên tập của tờ báo ấy nữa, một phần vì ông ta cũng già rồi! (cử tọa Pháp cười ầm sau khi nghe Kim dịch ra tiếng Pháp).

J. Lacouture: Il est vieux mais en liberté (cười) (ông ấy già nhưng tự do).
Nguyễn Huy Thiệp: Ông ấy được tự do.

J. Lacouture: Une bonne nouvelle (cười) (một tin vui).
Nguyễn Huy Thiệp: Già thì ... (suy nghĩ) tức là ... già ... tức là ở Việt nam có câu tức là già thì không bị mắc tội gì nữa, tức là đến người già, dù "hư hỏng" thế nào thì người ta cũng có thể tha tội cho (cười). Ðấy cũng là một cái tục, cái tập quán của những người ở nông thôn Việt Nam: Người ta không hay xét đoán hay là người ta không chấp những người già! Tôi cũng già rồi! (Cử tọa cười lớn)
 
 

4. Về câu vẫn được xem là Nguyễn Huy Thiệp "trả lời" Jean Luc Douin trên Le Monde về sáng tác của Dương Thu Hương. Thực ra là như thế này: Buổi phỏng vấn Nguyễn Huy Thiệp được tổ chức trong một bữa ăn thân mật ngày 4/4/2000, gồm có 7 người: Nguyễn Huy Thiệp, Jean Luc Douin, Marion Hennebert (chủ nhà xuất bản Aube), ông bà chủ nhà sách Le Phénix, Kim Lefèvre và tôi. Jean Luc Douin phỏng vấn Nguyễn Huy Thiệp trong khi ăn, ghi âm bằng cassette. Khi phần phỏng vấn gần xong thì bữa tiệc cũng gần tàn, đến hồi chuyện vãn, mọi người đùa cợt về các món ăn vừa qua, về nhà bếp nấu ăn như thế nào, v.v... thì ông chủ nhà sách Le Phénix hỏi đùa Nguyễn Huy Thiệp một câu về Dương Thu Hương, ngoài micro, và yêu cầu Jean Luc Douin tắt máy cassette. Tôi không còn nhớ đích xác từng chữ, từng lời, nhưng chắc chắn chỉ là trong nghĩa vui đùa bè bạn, trà dư tửu hậu. Chẳng may Jean Luc Douin đã không giữ lời hứa và đưa câu nói đùa này lên báo như một lời tuyên bố "trịnh trọng" của Nguyễn Huy Thiệp về Dương Thu Hương (lời "tuyên bố" này lại được dịch đi dịch lại, không biết có còn gì gần gũi với câu nói đùa của Nguyễn Huy Thiệp sau bữa ăn ấy hay không?). Nhưng đó cũng là một thói quen của nhà báo thích tìm những gì gây cấn để cống hiến cho độc giả, ngay cả một tờ báo đứng đắn như Le Monde. Cho nên, trong một bài viết trước đây trên Talawas, tôi đã nhắc đến việc chúng ta nên thận trọng khi đọc những lời "phỏng vấn" trên báo chí.
 
 

5. Kịch của Nguyễn Huy Thiệp chưa được dựng trên sân khấu tại Pháp vì có quá nhiều nhân vật nên cần nhiều diễn viên, do đó phí tổn cao nên chưa tìm được người  bỏ vốn. Kịch bản Quỷ ở với người đã được trình diễn dưới dạng truyền thanh  nhiều lần  trên các đài phát thanh France Culture, Radio France Internationale (RFI), Radio France d'Outre Mer (RFO). Ông Jean Jourdheuil, một đạo diễn kịch lão thành của Pháp, đã về Việt Nam tiếp xúc với Nguyễn Huy Thiệp và đã vận động việc dịch kịch bản Suối nhỏ êm dịu của Thiệp sang tiếng Ðức để có thể trình diễn cả ở Pháp lẫn ở Ðức, nhưng việc không thành.

Thụy Khuê

Chú thích:

(1) Nguyên văn câu tiếng Việt của Thiệp: Tôi luôn luôn nghĩ rằng có nhiều người viết văn hay hơn tôi hoặc là hiểu biết hơn tôi. Nhưng viết một cách chân thực thì thực sự là một điều rất khó, và khi mà phải chân thực với bản thân mình thì đấy là một sự hành hạ về tinh thần và tình cảm rất lớn. Anh H., anh cứ viết văn một cách trung thực đi thì anh sẽ thấy điều ấy nó thổ tả như thế nào. Anh chỉ gặp toàn những rắc rối thôi và lúc đó thì tất cả không có gì an ủi anh được, tình yêu một cô gái cũng không an ủi được anh hoặc là tiền bạc hay là danh tiếng cũng không an ủi được anh Thưa quý vị, nghề văn thực sự là một nghề thổ tả. (Cử tọa vỗ tay).

(2) Trích và phỏng dịch bài Good morning Vietnam. Ses coups de canif dans l'histoire officielle du Vietnam ont fait de Nguyên Huy Thiêp une légende en son pays. Mais l'écrivain reste toujours sous surveillance, qu'il soit à Hanoi ou à Paris (Chào Việt Nam. Những nhát dao đâm vào lịch sử chính thống của Việt Nam đã khiến Nguyễn Huy Thiệp trở thành một huyền thoại trong nước ông. Nhưng nhà văn vẫn bị canh chừng dù ở Paris hay Hà Nội) Thierry Leclère, Télérama N 2738, 3 juillet 2002.
 

Tài liệu đọc thêm:

- Rois et bagnards - Le Vietnamien Nguyên Huy Thiêp évoque dans trois nouvelles la conquête du pouvoir par Gia Long au XIXe siècle, et campe dans une pièce de théâtre les dirigeants de son pays comme de sinistres Jean Valjean (Vua chúa và tù khổ sai - Nhà văn Việt Nam Nguyễn Huy Thiệp gợi lại trong ba truyện ngắn, sự chinh phục quyền lực của vua Gia Long thế kỷ XIX và trong một vở kịch miêu tả những người cầm quyền của nước ông như những tay Jean Valjean khủng khiếp). Bài của Jean Luc Douin trên Le Monde, 26/4/2002
 

- Good morning Vietnam. Ses coups de canif dans l'histoire officielle du Vietnam ont fait de Nguyên Huy Thiêp une légende en son pays. Mais l'écrivain reste toujours sous surveillance, qu'il soit à Hanoi ou à Paris (Chào Việt Nam. Những nhát dao đâm vào lịch sử chính thống của Việt Nam đã khiến Nguyễn Huy Thiệp trở thành một huyền thoại trong nước ông. Nhưng nhà văn vẫn bị canh chừng dù ở Paris hay Hà Nội) - Thierry Leclère, Télérama số 2738, 3 juillet 2002
       

- Un franc-tireur vietnamien - A 52 ans, l'auteur d"Un général à la retraite" est le plus grand, le plus féroce et le plus libre des écrivains vietnamiens. Jean Lacouture l'a rencontré (Một người Việt Nam đơn thương độc mã - Ở tuổi 52, tác giả "Tướng về hưu" là nhà văn lớn nhất, dữ dội nhất và tự do nhất trong những nhà văn Việt Nam. Jean Lacouture đã gặp), Jean Lacouture, Le nouvel observateur, số 1957, ngày 9/5/2002
 
Jean Lacouture là nhà báo lão thành của Pháp. Ông đã đến Việt Nam nhiều lần, lần đầu năm 1946, bốn năm trước khi Nguyễn Huy Thiệp chào đời. Cảm phục tài năng của Nguyễn Huy Thiệp qua những tác phẩm ông đã đọc trước đây, đặc biệt là Tướng về hưu. Trong bài viết này ông nhiệt tình giới thiệu hai tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mới được dịch sang tiếng Pháp: Vàng lửaSuối nhỏ êm dịu. Qua  Suối nhỏ êm dịu, ông nhận định Nguyễn Huy Thiệp như một kịch tác gia mà óc trào lộng làm ông nghĩ đến Ionesco.

  

© Copyright Thuy Khue 2002