Thụy Khuê

Phê bình văn học thế kỷ XX

Chương 12

Trường phái Đức

Erich Auerbach (1892-1957)

 

 

Erich Auerbach không đưa ra một phương pháp phê bình kiểu mẫu và cũng không viết lý thuyết văn học. Chỉ cần đọc những bài phê bình của ông thì sẽ hiểu cách ông làm việc như thế nào.

Đến gần cuối cuốn Mimésis[1], ông mới ngỏ mấy lời đại ý như sau: "Tôi chẳng bao giờ có ý định viết lịch sử văn học hiện thực Châu Âu. Làm như thế không những mình sẽ bị đống văn bản đồ sộ đè bẹp, mà còn rơi vào cuộc tranh luận vô ích về việc phân chia các thời kỳ văn học, phân chia các nhà văn theo khuynh hướng riêng, nhất là sẽ gặp những khó khăn trong việc định nghĩa khái niệm hiện thực. Một mặt khác để viết cho đầy đủ, tôi lại phải viết về những hiện tượng mà mình chỉ biết một cách hời hợt. Và để đáp ứng nhu cầu của đề tài, tôi sẽ phải đọc tất cả những phần mà kiến thức tôi thiếu, điều đó tôi cho là vô bổ: bởi chỉ vì cái chủ đề mà tôi chọn mà tôi phải đắm chìm trong một núi thông tin mà nhiều người đã biết hoặc họ có thể tìm thấy trong những sách tham khảo khác. Ngược lại, nếu tôi lấy một số những chủ đề đã có sẵn trong đầu mình, đem đối chiếu với một loạt văn bản quen thuộc và sống động mà mình đã nghiên cứu trong địa hạt bác ngữ học, thì việc này xem ra phong phú và có thể làm được. Bởi tôi tin chắc rằng, những chủ đề chính của lịch sử văn chương hiện thực bắt buộc phải nằm trong bất cứ văn bản hiện thực nào.

Trở về trường hợp một số tác giả thời nay, họ thích chiếu ống kính vào một vài yếu tố bình thường xẩy ra trong một vài ngày hay một vài giờ của cuộc sống, hơn là mô tả toàn diện những biến cố xẩy ra theo trình tự thời gian của một cuộc đời dài. Có thể nói nhà văn của thế hệ này đã ý thức được rằng không thể biểu hiện thật đầy đủ, cùng một lúc, những diễn biến bên ngoài, và đồng thời làm nổi bật những yếu tố chủ chốt bên trong. Họ không thể bắt câu chuyện mà họ đang viết, bắt chủ đề mà họ đưa ra, phải quy theo một trật tự mà chính cuộc đời không có. Để viết về một đời người hay một "bối cảnh toàn thể" như thế, nhà văn bắt buộc phải lược bỏ một cách tùy tiện những yếu tố này hoặc lơ là những yếu tố khác, mà chúng ta đều biết là cuộc đời đã bắt đầu và đang diễn ra trong mỗi phút, mỗi giây. Vì vậy cho nên, những gì xẩy ra cho một vài nhân vật trong vài phút, vài giờ, vài ngày, với chút may mắn, có thể biểu hiện được toàn thể."[2]

Ở một đoạn khác, Auerbach viết: "Cuốn tiểu thuyết đồ sộ của Joyce, tác phẩm bách khoa, tấm gương soi Dublin, soi Irlande, soi Âu Châu và mấy nghìn năm văn hiến, có khung cảnh là một ngày vô bổ của một anh thày giáo trung học và một anh chạy việc quảng cáo; dàn trải trong không đầy hai mươi bốn giờ, cũng giống như To the Lighthouse của Virginia Woolf,  mô tả những mảng của hai ngày rất xa nhau trong thời gian; hoặc không thể không liên tưởng đến Comédie của Dante, Proust trình bày những ngày, giờ biệt lập trong những khoảng thời gian khác nhau nhưng có ảnh hưởng sâu xa đến định mệnh các nhân vật"[3].

Qua những hàng trên đây, Auerbach không những đã giải thích -trực tiếp không cần thông qua các lý thuyết văn học- phương pháp viết của những nhà văn thời nay, mà ông còn giải thích phương pháp phê bình của ông: chỉ cần dùng một vài đoạn văn, đem đối chiếu chúng với nhau, là có thể xác định cách mô phỏng hiện thực của các tác giả. Và đó cũng là phương pháp nghiên cứu văn học đối chiếuliên văn bản -dù Auerbach không gọi tên là gì- mà các nhà phê bình lớp sau sẽ chịu ảnh hưởng sâu rộng như chúng tôi đã nói ở trên.

 Cách làm việc và phát biểu của nhà phê bình lớn này cho thấy sự dung dị của ông, đối chiếu với những kẻ bất tài, mở miệng là lý thuyết này chủ nghiã nọ, nhưng thực tâm chẳng hiểu những danh từ đao to búa lớn mà họ dùng, chỉ lập lại như con vẹt.

Erich Auerbach, sinh ngày 9/11/1882 tại Berlin và mất tại Wallingford, tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ, ngày 13/10/1957, được coi là nhà phê bình lớn nhất của Đức trong thế kỷ XX. Là giáo sư bác ngữ học tại đại học Marburg, năm 1935, bị chế độ Nazi cách chức, ông chạy sang Istanbul tiếp tục dạy học trong vòng 10 năm. Chính trong thời gian lánh nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Auerbach đã viết tác phẩm chủ yếu Mimésis, in tại Berne, Thụy Sĩ, năm 1946, trong điều kiện thiếu thốn tài liệu. Mimésis được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của nền phê bình hiện đại. Năm 1947, Auerbach sang Hoa Kỳ dạy ở đại học Pennsylvania. Năm 1950, ông chuyển sang dạy đại học Yale cho đến lúc mất.

Tác phẩm Mimésis mang tựa đề đầy đủ là Mimésis, la représentation de la réalité dans la littérature occidentale - Mô phỏng, hay sự trình bày thực tại trong văn chương Tây phương, gồm 20 bài nghiên cứu, trong đó Auerbach thực hiện phương pháp phê bình đối chiếu các văn bản khác nhau. Trong phần bạt - postface, ông cho biết: Mục đích giải thích hiện thực qua cách biểu hiện (hay mô phỏng) trong văn chương, đã đến với tôi từ lâu. Đầu tiên là Platon trong cuốn République - Cộng Hòa đã xếp mimésis - mô phỏng vào hàng thứ ba sau chân lý, kế đến Dante lại cho rằng Comédie - Hài kịch là cách biểu dương thực tế đúng nhất. Đó là những yếu tố khơi nguồn cho tôi.

 Nhưng khi nghiên cứu kỹ hơn, tôi thấy có ba ý chính bật ra rất rõ:

Thứ nhất: mỹ học cổ đại phân biệt trình độ văn phong -ở đây, Auerbach muốn nói đến sự phân biệt văn chương bình dân, văn chương bác học- và cho rằng chỉ có văn chương bình dân mới viết về những chuyện "đời thường", còn văn chương cao cấp phải viết về những gì thiêng liêng cao cả, lý thuyết này được hầu hết các nhà tân cổ điển lấy lại. (Xin nhắc lại: Lý thuyết mỹ học cổ đại Hy Lạp chia văn phong thành hai nấc: cái cao cả không thể trộn lẫn với cái bình dân. Bi kịch - tragédie được xếp vào loại bác học, cao cả; hài kịch - comédie được xếp vào loại bình dân).

Nhưng khi nghiên cứu, Auerbach lại thấy trong khuynh hướng hiện thực mới, xuất hiện ở Pháp đầu thế kỷ XIX, những nhà văn như Stendhal hay Balzac đã hoàn toàn thoát khỏi quy ước mỹ học cổ điển này. Họ đưa vào văn chương những nhân vật của đời sống hằng ngày, lấy những tình huống tầm thường làm đối tượng mô tả. Sau nữa, ông lại nhận thấy cuộc cách mạng văn học đầu thế kỷ XIX, chống lại lý thuyết cổ điển phân biệt trình độ văn phong, không phải là cuộc phản kháng đầu tiên. Một mặt khác, cái thành trì phân chia ranh giới văn chương bình dân, văn chương bác học ấy, thực ra, nó mới chỉ được dựng nên từ cuối thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII, bởi những người tôn sùng văn chương cổ đại.

Hai nhận xét này dẫn ông đến ý thứ nhì: Trong suốt thời Trung Cổ và cả thời Phục Hưng, đã có một khuynh hướng hiện thực nghiêm chỉnh trong văn chương cũng như trong nghệ thuật tạo hình, với mục đích mô tả đời sống hằng ngày. Vậy, bước vượt thoát đầu tiên khỏi quy ước mỹ học cổ đại, đã diễn ra trong thời kỳ nào? Auerbach trả lời: Ngay từ khi người ta viết truyện chúa Jêsu trong Thánh kinh, người ta đã pha trộn hai yếu tố thực tế hằng ngày với cái bi thảm cao cả.

Điều này dẫn ông đến ý thứ ba: ông gọi quan niệm Hiện Thực Thiên Chúa Giáo là hiện thực Figura - Cấu tượng và theo thuyết này: mỗi việc xẩy ra trên trần không chỉ mang ý nghĩa dữ kiện đơn thuần mà nó còn gợi tới một ý nghĩa, một bình diện thiêng liêng là Chúa, là Thượng Đế[4].

Ba ý chính này liên kết chặt chẽ với nhau và được Auerbach thể hiện trong tác phẩm Mimésis. Mỗi chương trong cuốn sách nói về một thời kỳ, dài ngắn khác nhau. Tác giả công nhận giữa những thời kỳ đó còn nhiều trống vắng: có những thời kỳ không được xét đến, ví dụ, thời cổ đại, chỉ được nói đến trong bài đầu, hoặc thời đầu Trung Cổ mà ta có rất ít tư liệu.

Mimésis được viết trong điều kiện chiến tranh, thiếu tư liệu; tác phẩm xuyên suốt ba ngàn năm thực tế văn học, từ Kinh Thánh, Homère, đến Virginia Woolf, để chứng minh rằng:

Lịch sử văn học Âu Châu là lịch sử của một biến chuyển không ngừng: lịch sử thay đổi văn phong. Và ngay trong chương đầu, Auerbach đã đối chất hai loại văn phong khác nhau: văn phong Thánh Kinh và văn phong Homère.

Thực chất phê bình Auerbach hiện rõ ở bài đầu tiên trong Mimésis, tựa đề: La cicatrice d’Ulysse - Vết sẹo của Ulysse[5]. Trong bài này ông so sánh hai đoạn văn:

- Một đoạn trong L’Odyssée của Homère: khi Ulysse trở về Ithaque, giả dạng ăn mày, Pénélope chưa nhận ra chồng, nhưng người vú già Euryclée đã nhận ra Ulysse nhờ vết sẹo ở đùi.

- Và một đoạn văn khác trong Thánh Kinh Cựu Ước, viết về việc Abraham tuân lệnh Đức Chúa Trời, đem con trai duy nhất là Isaac hy sinh làm vật tế.

Hai đoạn văn rất quen thuộc đối với độc giả Âu Châu. Mục đích của Auerbach là phân tích cách viết của hai tác giả này, để tìm ra chủ đích của họ.

Đoạn thơ Homère trong L’Odyssée có thể tóm tắt nội dung như sau: Pénélope vẫn chưa nhận ra chồng dưới dáng người ăn mày, bà mắng người hầu gái đã muốn đuổi người ăn mày đi, và bà hỏi người này về tin tức của chồng. Người ăn mày cho biết chồng bà sắp về. Penélope cảm động nghe, rồi bà truyền vú già rửa chân cho anh ta theo tục lệ hiếu khách của người xưa. Vú thấy người ăn mày giống hệt chủ mình ngày trước và lại nhìn rõ vết sẹo ở chân. Ulysse ra hiệu bắt vú im đi vì chưa phải lúc để cho Pénélope biết sự thật.

Đoạn thứ nhì trong Thánh Kinh Cựu Ước, viết về việc Abraham đem hiến con làm vật tế, theo lệnh của Đức Chúa Trời: "Ngươi hãy đem Isaac, đứa con trai duy nhất của ngươi lên miền Moriyya, hy sinh nó làm vật tế trên núi, ở chỗ mà ta sẽ chỉ cho ngươi". Abraham vâng lệnh Chúa, đem theo hai người hầu cùng củi lửa và dẫn con lên núi.

Trước hết, Auerbach lý giải cách viết của Homère: Tuy kể chuyện theo một mạch, nhưng Homère luôn luôn dừng lại để giải thích những biến cố, những sự kiện, những chi tiết, lần lượt hiện ra: không có sự kiện nào là không được giải thích. Khi u già nhìn thấy vết sẹo trên đùi Ulysse, u xúc động, bỏ rơi chân chủ trong chậu nước, định báo ngay cho Pénélope biết sự thật thì Ulysse đã ngăn u lại, không cho nói.

Giữa cái tích tắc từ lúc u già nhìn thấy vết sẹo ở đùi Ulyse, và lúc u định báo ngay cho Pénélope biết, trong khoảng thời gian không quá một chớp mắt ấy, Homère đã hãm thời gian lại để đưa vào 60 câu thơ giải thích sự tích vết sẹo trên chân Ulysse, đồng thời kể về dòng dõi gia đình chàng, ông ngoại và các cậu của chàng, đời sống thơ ấu của chàng, phản ứng của ông ngoại khi chàng ra đời như thế nào, rồi khi lớn lên, chàng đi săn, bị lợn lòi húc vào đùi như thế nào.

 Không chỉ trong đoạn thơ này, mà toàn thể cách viết của Homère, chẳng có một chi tiết nào là bị bỏ qua mà không được giải thích rõ ràng. Homère, không phân biệt chính diện và trắc diện, tức là tất cả mọi yếu tố chính cũng như phụ đều được trình bày trên cùng một bình diện rõ ràng như nhau. Homère tự làm công việc chú giải, không chấp nhận sự dẫn giải đến từ người khác.

Ngược lại, nếu so sánh thơ Homère với một đoạn văn cùng thời, viết về việc Abraham đem con làm vật tế trong Thánh Kinh Cựu Ứớc, mà người thuật là L'Elohiste[6], ta sẽ thấy có sự khác biệt sâu xa.

Câu đầu tiên: “Sau những biến cố ấy, Thượng Đế thử lòng Abraham và gọi: "Abraham! Abraham!" Abraham trả lời "Con đây! - Après ces évènements, il arriva que Dieu éprouva Abraham et lui dit: Abraham! Abraham! Il répondit: "Me voici!".

 Câu văn ngắn này đã bộc lộ bản chất văn phong trong Thánh Kinh Cựu Ước. Trước tiên, ta không thể biết hai vị, một đang gọi và một trả lời này, đang ở đâu? Dĩ nhiên là họ ở hai nơi khác nhau, Thượng Đế có thể ở bất cứ chỗ nào, có thể ở trên trời, dưới đất, nhưng ở chừng mức nào? Cao hay thấp, để gọi Abraham? Việc đó người viết không nói đến. Điểm thứ hai, chúng ta cũng lại không biết vì lý do gì mà Thượng Đế phải thử lòng Abraham bằng hành động khủng khiếp là phải giết con. Về phía Abraham, chúng ta cũng chẳng biết rõ gì hơn: Không biết Abraham đứng ở đâu? Hai chữ "con đây" trong bản dịch thông dụng còn cho thấy một chút gì ở chữ đây, nhưng trong nguyên tác tiếng Do Thái thì chỉ có nghĩa là "hãy nhìn con" hoặc có bản lại dịch là "con nghe đây". Vậy trong văn bản Thánh Kinh, Thượng Đế là vô hình mặc dầu Người có hiện ra. Về Thượng Đế chúng ta chỉ biết có tiếng gọi, mà không biết từ đâu đến, tiếng gọi này gọi tên Abraham, nhưng cũng không hề có một hình dung từ nào đi theo để chỉ định người đó ra sao? Béo, gầy, cao, thấp, bao nhiêu tuổi? Trái ngược hẳn với lối viết của Homère, tất cả mọi chi tiết tính tình, dung mạo, nơi chốn, đều được mô tả đầy đủ đến cả sự tích của một vết sẹo.

Cách viết Thánh Kinh chỉ cho biết: Thượng Đế ra một cái lệnh và Abraham lặng lẽ tuân thủ. Vẫn theo lối kể bí mật ấy, chúng ta được biết thêm: Abraham "dậy sớm" đi cùng với con và hai người nhà. Đến ngày thứ ba, Abraham "ngẩng lên nhìn và thấy chỗ đó từ xa - leva les yeux et vit l'endroit de loin". Về thời gian của chuyến đi này chúng ta cũng không biết gì cả, trừ việc Abraham đi mất ba ngày, và khi ông ta ngẩng mặt lên nhìn, có thể là vào cuối ngày thứ ba, thì ông ta thấy "chỗ đó". Cái tên Moriyya, có lẽ là về sau thêm vào, và cũng chẳng nói được gì rõ hơn.

Tất cả những phân tích trên đây của Auerbach là để làm gì? Để đưa đến lập luận sau đây: So sánh hai văn bản, ta thấy Homère trình bày hiện thực một cách chi tiết, rõ ràng, tất cả đều được đưa ra mặt tiền của sân khấu, khiến người đọc không phải đoán. Văn Kinh Thánh chỉ gợi ý mà không nói rõ. Những nhân vật trong Kinh Thánh có một hậu trường, trong khi những nhân vật của Homère tất cả đều bày rõ trên hiện trường. Những hành động của Abraham không chỉ được giải thích bằng những gì đang xẩy ra, cũng không bằng tính tình của ông ta - như tính Achille can đảm và kiêu ngạo, tính Ulysse thận trọng và khôn ngoan- mà được giải thích bằng những gì đã xẩy ra trước đó: Abraham nhớ lại, ông ta nhớ Thượng Đế hứa hẹn và bao giờ cũng chiếu cố tới ông ta. Abraham bị phân chia giữa hai tình cảm: nửa nghi hoặc bất tuân, nửa hy vọng đợi chờ. Sự tuân thủ mù quáng của Abraham không đơn giản như những hành động của Ulysse, rõ ràng đen ra đen, trắng ra trắng. Vì vậy, thơ Homère, mặc dù chất lượng văn chương và nghệ thuật rất cao so với văn phong Thánh Kinh cựu ước, nhưng lại trình bày con người dưới dạng thức tương đối đơn giản. Trong khi Kinh Thánh, mặc dù văn phong đơn giản, lại nói lên được cái dằn vặt trong nội tâm con người.

Nhiều người cho rằng Homère viết truyện bịa. Nhưng việc bịa đặt này, nếu có, chẳng làm suy giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm và ảnh hưởng của nó đối với toàn diện nền văn học Tây phương. Nhưng đối với Thánh Kinh vấn đề không đơn giản: Chủ đích của Thánh Kinh là viết về lịch sử loài người, từ thuở khai thiên lập địa đến ngày tận thế. Thánh Kinh tự cho cái quyền biểu dương sự thực tuyệt đối. Nhưng câu chuyện về hai cha con Abraham và Isaac lại cũng không có gì bảo đảm là thực hơn chuyện Ulysse của Homère. Vậy có hai khả năng:

 Một là, những người viết Thánh Kinh phải mãnh liệt tin rằng chuyện hiến con của Abraham là thực, họ phải có một đức tin thiêng liêng về câu chuyện ấy cũng như những chuyện khác trong Thánh Kinh.

Hai là, nếu nói theo những nhà chú giải thuần lý, thì tác giả Thánh Kinh phải là kẻ nói dối có ý thức. Sự bịa đặt trong Thánh Kinh, không vô hại như sự bịa đặt của Homère -Homère bịa để làm văn- mà nó có mục đích chính trị: nói dối để ngự trị.

Người ta có thể, một mặt nghi ngờ sự thực về cuộc chiến thành Troie, về cuộc viễn du lênh đênh trên biển cả của Ulysse, nhưng một mặt vẫn tìm thấy những cảm xúc mà tác phẩm Homère mang lại.

Nhưng vô phúc cho kẻ nào không tin vào Kinh Thánh. Bởi bất cứ ai không tin vào câu chuyện đem con làm vật tế của Abraham, thì không thể sử dụng câu chuyện này đúng vào cái nghĩa mà nó được viết ra. Nhìn xa hơn nữa: Thánh Kinh Cựu Ước không chỉ tự coi là biểu dương sự thật, thật hơn tác phẩm của Homère, mà nó còn ngự trị một cách độc đoán và gạt bỏ tất cả những cái khác. Thế giới của những kinh sách tôn giáo về Thượng Đế đều như thế cả. Không những tự coi mình nắm sự thật lịch sử, mà còn tự coi mình là sự thật duy nhất của lịch sử. Đó là một thế giới trị vì duy nhất, loại trừ tất cả những cái khác.

Auerbach đã dùng cách so sánh hai văn bản cùng phát xuất từ thời cổ đại, một của Homère và một của Thánh Kinh để làm điểm khởi hành cho tác phẩm Mimésis. Qua bài viết này, ông đã trình bày cho chúng ta thấy cách viết hiện thực của hai tác phẩm được coi là thủy tổ của nền văn học Châu Âu, hai chủ trương biểu hiện thực tế hoàn toàn khác nhau: Homère mô tả thực tế bằng cách làm hiển lộ những yếu tố, thực trạng ra ngoài, liên tục làm rõ, làm sáng, không bỏ quên chi tiết nào. Lối viết của Homère không cần giải thích. Thánh Kinh khi mô tả hiện thực, chỉ đưa ra một vài yếu tố, cốt ý để chìm những yếu tố khác trong hậu trường, trong bóng tối. Lối viết này đòi hỏi một sự dẫn giải, một sự tin tưởng tuyệt đối, bởi nó có tham vọng viết lại lịch sử nhân loại, và tự cho là lịch sử duy nhất đúng. Hai lối viết có hai kỹ thuật và hai mục đích hoàn toàn khác nhau, đều đã ảnh hưởng sâu xa đến cách biểu dương hiện thực trong văn chương Âu Châu từ xưa đến nay.

Auerbach nhận định về phương pháp phê bình của mình: Phương pháp tôi dùng là đem một vài văn bản của mỗi thời ra để đối chiếu với những ý tưởng của tôi, những ý tưởng dẫn thẳng vào trung tâm của đề tài, để cho độc giả hiểu ngay vấn đề trước khi đưa ra bất cứ một lý thuyết nào. Phương pháp phân tích cho người nghiên cứu một sự tự do nào đó: tức là tự do lựa chọn và tô đậm chỗ nào anh ta thích. Tuy vậy, cái điểm mà anh ta muốn tô đậm luôn luôn phải có trong văn bản. Những cách giải thích của tôi, chắc chắn là bị hướng dẫn bởi một ý hướng nhất định, nhưng ý hướng này không có sẵn mà nó được hình thành dần dần, từng trang, từng trang, cùng với luận điểm dẫn giải văn bản mà tôi đang nghiên cứu.

Cũng như Léo Spitzer, Erich Auerbach không đưa ra những lý thuyết cao xa, khó hiểu, cũng không hề giữ bí quyết nghề nghiệp mà ông sẵn sàng chỉ cho các nhà phê bình trẻ đường lối làm việc của mình. Auerbach đã mở đường cho các khuynh hướng: đối chiếu văn học và liên văn bản và ảnh hưởng sâu xa đến thế hệ phê bình nửa sau thế kỷ XX.


 

[1] Mimésis, bản dịch tiếng Pháp của Cornélius Heim, Gallimard 1968.

[2] Mimésis, trang 543-544.

[3] Mimésis, trang 542.

[4] Sđd, trang 549-550-551.

[5] Sđd, từ trang 11 đến trang 34.

[6] Elohisme là "trường phái" lịch sử miền Bắc Israel, gọi Thượng Đế là Elohim, để phân biệt với những người Yahviste, phía Nam Israel, gọi thượng đế là Yahvé. Elohiste là người viết Thánh Kinh theo trường phái Élohim.

 

© Copyright Thụy Khuê 2005, 2012