Thụy Khuê

Phê bình văn học thế kỷ XX

Chương 13

Phê bình ý thức

Phê bình ý thức, phát xuất từ Thụy Sĩ, có thể coi như chiếc cầu nối giữa hai dòng phê bình lớn: dòng ngữ học, phát triển nửa đầu thế kỷ XX ở Nga và dòng ký hiệu học, phát triển nửa sau thế kỷ XX, ở Pháp. Nếu các nhà hình thức Nga chuyên chú vào việc khảo sát văn bản, gạt ra ngoài những yếu tố khác như lịch sử, xã hội, tác giả, và các nhà bác ngữ học Đức đưa ra một cái nhìn toàn bộ về văn học sử và văn chương Âu Châu, thì các nhà ý thức ở Genève, chú ý đến quan hệ nội tại giữa người đọc và người viết.

Thập niên 50-60, khi ảnh hưởng của trường phái hình thức Nga và bác ngữ học Đức chưa phát triển rộng rãi ở Âu châu nói chung và ở Pháp nói riêng -phải đến khoảng thập niên 70, sách của họ mới được dịch sang tiếng Pháp- thì một trường phái khác, xuất hiện ở Thụy Sĩ, đã giữ vai trò chủ chốt trong việc hiện đại hóa phê bình, đó là trường phái ý thức, còn gọi là trường phái Genève, với hai khuôn mặt nổi trội: Marcel Raymond và Georges Poulet.

 Những thành viên của trường phái ý thức không chỉ là người Thụy Sĩ, và họ cũng không tự nhận là một trường phái: Đó là một số giáo sư đại học rất thân nhau, đồng ý với nhau trên một số định hướng về phê bình, rồi quy tụ lại thành một nhóm, gồm: Marcel Raymond, Jean Rousset, Albert Béguin, Georges Poulet và Jean Starobinski.

Chủ trương chống lại lối phê bình cổ điển, đặc biệt là phê bình thực nghiệm (critique positiviste) và phê bình ấn tượng (critique impressionniste) thịnh hành trong thế kỷ XIX và vẫn giữ địa vị quan trọng trong đời sống văn học Âu Châu nửa đầu thế kỷ XX, phê bình ý thức tiên phong nêu cao vai trò của người đọc.

Xin nhắc lại: Các nhà phê bình, dù dưới dạng cổ điển hay hiện đại (tức là dựa vào tiểu sử, thực nghiệm, ấn tượng, hoặc theo lối phân tích văn bản như trường phái Nga và Đức), đều ít nhiều nhắc đến việc đọc và khái niệm người đọc, nhưng họ vẫn còn tách rời hai địa hạt: phê bình và tác phẩm. Nhà phê bình đứng ngoài đọc và đánh giá tác phẩm của nhà văn. Phải đến trường phái ý thức, quan niệm chia hai này mới thực sự bị phân hoá.

 Trường phái ý thức đạp đổ biên giới giữa độc giả và tác giả, giữa người viết và người phê bình, để tìm đến mối liên lạc bên trong giữa tác phẩm văn học và người đọc, mổ xẻ hành động đọc tìm hiểu cái gì xẩy ra khi một người cầm cuốn sách đọc. Phê bình ý thức, theo Georges Poulet là sự đồng quy của hai ý thức: ý thức người viết ý thức người đọc. Do đó, phê bình ý thức thường được đồng hoá với phê bình mới ở Pháp.

 

Marcel Raymond (1897-1981)

Marcel Raymond, người Thụy Sĩ, sinh và mất tại Genève (20/12/1897 - 28/11/1981), giảng dậy tại đại học Genève, được coi là đại diện sáng lập trường phái ý thức. Kinh nghiệm thời sinh viên ở đại học Sorbonne đưa ông tới những nhận thức cay đắng, đại loại: Sorbonne làm tôi thất vọng. Nhất là cách dạy văn chương Pháp. Là nạn nhân của lối học Sorbonne mới, chúng tôi được nhồi nhét những dữ kiện, những câu chữ hơi hướng cũ, hoặc những bài giảng văn không dính líu gì đến cái chủ yếu trong tác phẩm.

Vượt trên cách dạy văn chương, lịch sử hời hợt ở các giảng đàn, Raymond muốn tìm đến lịch sử đích thực của tư tưởng từ trong lòng văn bản; tìm đến những băn khoăn siêu hình của con người được thể hiện trong tác phẩm văn học. Tác phẩm chủ chốt của Marcel Raymond là cuốn De Baudelaire au surréalisme - Từ Baudelaire đến Siêu thực, in năm 1933, được coi là một trong những cuốn sách quan trọng nhất về phê bình ra đời trước thế chiến.

Từ chối lối nhìn dễ dãi, Raymond chú ý đến tất cả sắc thái của chữ nghiã, tác phẩm của ông thể hiện một công trình suy ngẫm lâu dài về bản chất thi ca, soi rạng ba phần tư thế kỷ thơ Tây phương trong hai chức năng: đặt những câu hỏi siêu hình và đi vào vùng sâu của cá thể. Dùng lối phân tích từ chi tiết đến tổng thể, gần giống phương pháp của Léo Spitzer, Marcel Raymond lần dở từng đoạn, từng phần, để thâm nhập vào cấu trúc bên trong của tác phẩm, trình bầy quan niệm, đường hướng, triết lý thi ca của mỗi nghệ sĩ. Cuốn sách viết về 80 năm thơ, đưa ra những vấn đề mấu chốt trong sự phát triển thi ca qua các thời đại, từ lãng mạn, tượng trưng, đến tân tượng trưng, siêu thực. Marcel Raymond cho rằng: Điều quan trọng nhất là phải sáng tạo ra một đường lối phê bình ngược chiều với lối phê bình giáo khoa giáo điều, đừng chú trọng vào tiểu sử tác giả, và phải giảm thiểu tối đa phần lịch sử. Phải tìm ra "thực chất của mỗi nhà thơ, của mỗi bài thơ", bằng phong cách riêng của mình, không bắt chước hay nhái lại người khác.

 Khi bàn về Rousseau, Raymond cho rằng"Ý thức về mình nơi Rousseau là ý thức của người đọc". Mổ xẻ khái niệm "ý thức người đọc" của Marcel Raymond, Georges Poulet viết trong cuốn La conscience critique - Ý thức phê bình của ông, như sau :

"Raymond cho rằng: "Ý thức về mình nơi Rousseau là ý thức của người đọc". Mà ý thức của người đọc -tất nhiên cũng là ý thức của người đọc-kiểu mẫu (liseur-type) tức là nhà phê bình- có cái nét đặc thù là nó phải hoà đồng với một ý thức khác (ý thức của người viết). Người phê bình là kẻ dám tự biến đổi để trở nên một người khác: hắn chấp nhận sống một kinh nghiệm tinh thần khác với mình (...)

 Vậy hành động đọc quan trọng hơn những gì thoạt thấy: Nó dẫn ta, không những đến một thế giới khác, mà còn đưa ta vào một bản ngã, một hữu thể khác.

Đọc hay phê bình, là bỏ tất cả những thói quen, những khát vọng, những tín điều của mình. Trước tiên phải lột trần, dốc sạch (mình) cho trống, (tựa như việc Descartes khuyếch đại cái nghi ngờ) nhưng không phải là để trực giác sự tồn tại của mình, như trong khái niệm Cogito của Descartes (tôi suy tưởng vậy tôi tồn tại), mà ngược lại là để thấy sự hiện hữu và thấy tư tưởng của người khác" (La conscience critique, Corti, 1986, trang 103-104).

Georges Poulet vừa đưa ra một định nghĩa sâu xa về hành động đọc. Và ông nhấn mạnh:

"Phê bình của Raymond phải được định nghiã tiên thiên như một sự ý thức được ý thức" (la critique de Raymond doit se définir primordialement comme une prise de conscience de la conscience) (sđd, trang 109). Câu này định nghiã hành động phê bình. Poulet nhận định: bằng cách lý giải văn bản từ chi tiết đến tổng thể, Raymond đã tạo ra cái gọi là phê bình hợp tác (critique participatrice), thiết lập mối tương quan giữa tác phẩm và người đọc.

Marcel Raymond được coi là người dẫn đầu trường phái phê bình ý thức. Chịu ảnh hưởng những nhà bác ngữ học Đức, Raymond tìm về nguồn cội tư tưởng của một tác phẩm, của một trường phái văn chương, và ông đào sâu mối tương quan giữa nhà văn, ngôn ngữ, và thời đại đã phát sinh ra tác phẩm trong toàn bộ những nét đặc trưng của nó, đặc biệt đến vấn đề tác phẩm đã tiếp nhận những ảnh hưởng nào và chính nó đã gây ảnh hưởng ra sao đối với những người cùng thời hoặc thế hệ đi sau.

 

Georges Poulet đã giới thiệu rành rọt tư tưởng của Raymond trong cuốn La conscience critique, ông đưa ra cái nhìn tổng kết về những nhà phê bình được ông xếp vào khuynh hướng ý thức và đồng thời ông cũng định nghiã khuynh hướng phê bình ý thức bằng cách xây dựng chân dung của họ. Tác phẩm chia làm hai phần:

Phần thứ nhất, viết về những nhà phê bình: Madame de Staël, Baudelaire, Proust, nhóm N.R.F (La Nouvelle Revue Critique, 1930, với: Albert Thibaudet, Jacques Rivière, Du Bos, Raymond Fernandez), Charles Du Bos, Marcel Raymond, Albert Béguin, Jean Rousset và Gaëtan Picon, Georges Blin, Gaston Bachelard, Jean-Pierre Richard, Maurice Blanchot, Jean Starobinski, Jean-Paul Sartre và Roland Barthes.

Phần thứ nhì, Poulet đúc kết phương pháp luận của ông.

 

Dòng đầu tiên trong bài tựa, Georges Poulet xác định ý nghĩa việc đọc: "Hành động đọc (mà mọi tư tưởng phê bình đích thực quy tụ vào) tiềm ẩn sự trùng hợp giữa hai ý thức: ý thức của người viết và ý thức của người đọc"[1].

Tiếp đó, Poulet nhắc đến mối tương quan giữa phê bình mới và tiểu thuyết mới: "Người ta nói đến "phê bình mới" cũng như người nói đến "tiểu thuyết mới". Có tiểu thuyết mới của Michel Butor, Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Claude Simon thì cũng có phê bình mới của Gaston Bachelard, Marcel Raymond, Maurice Blanchot, Jean Rousset, Jean-Pierre Richard và Jean Starobinski. Hai phong trào này quy tụ những cá tính khác nhau nhưng cùng quan tâm đến một số vấn đề tương đồng. Riêng về phía những nhà phê bình mới, họ gặp nhau vì cùng khai thác những hiện tượng của ý thức: Mỗi người (phê bình) cố gắng sống lại và nghĩ lại những kinh nghiệm và những tư tưởng mà người khác (nhà văn) đã sống và đã nghĩ."[2]

Như vậy, ngoài những tên tuổi "chính thức" trong nhóm, Poulet còn xếp vào "loại" phê bình ý thức những người như Bachelard, Blanchot, bởi vì ở họ, theo ông, ý thức phê bình được xây dựng trên ý thức hiện hữu. Nói khác đi, khởi điểm phê bình của họ là sự nhận thức chính mình, trước khi nhận thức người khác. Và một định nghiã rộng như vậy, dẫn đến rất nhiều ngòi bút phê bình khác nhau. Nhưng điểm đáng chú ý đầu tiên của nhóm phê bình ý thức là bác bỏ một cách hệ thống các quan điểm phê bình cũ, xuất hiện trong thế kỷ XIX, đặc biệt của Sainte-Beuve.

 

Chống Sainte-Beuve

Georges Poulet phân biệt cái mới với cái cũ: Cái cũ là gì? Đối với ông, cái cũ là lối phê bình thực chứng hay thực nghiệm (critique positiviste) đã có ảnh hưởng lớn ở Châu Âu trong thế kỷ XIX và phê bình ấn tượng (critique impressionniste), xuất hiện cuối thế kỷ XIX. Sự đả kích của Poulet nhắm vào những đại diện chính thức của hai khuynh hướng này. Mà Charles-Augustin Sainte-Beuve (1804-1869) là khuôn mặt phê bình lớn nhất của Pháp trong thế kỷ XIX, đại diện cho lối phê bình thực chứng, chủ yếu dùng lịch sử -bối cảnh lịch sử và tiểu sử tác giả- để giải thích tác phẩm. Sự nghiệp phê bình đồ sộ của Sainte-Beuve bao trùm lên toàn cảnh văn học Pháp từ Marguerite de Navarre (1492-1549), Rabelais (1494-1553) đến anh em Goncourt, Edmond (1822-1896) và Jules (1830-1870).

 Phương pháp phê bình Sainte-Beuve dựa trên những yếu tố:

- Dùng bối cảnh kịch sử và cuộc đời tác giả để giải thích tác phẩm.

- Tin tưởng vào cảm quan mãnh liệt của tâm hồn.

- Tin tưởng phương pháp khoa học.

- Tin vào ảnh hưởng kỳ lạ của đời sống thể xác trên đời sống tâm linh.

- Dùng phương pháp giáo khoa: Sainte-Beuve đứng ở địa vị ngự sử văn đàn, khen chê rạch ròi, chỉ ra những trang nào đáng giữ lại, những trang nào phải bỏ đi, trong văn chương Pháp.

Ảnh hưởng Sainte-Beuve rất sâu rộng, tác động lên nền phê bình Pháp tới những thập niên đầu thế kỷ XX.

Người ta thường nói đến cuốn Contre Sainte-Beuve - Chống Sainte-Beuve của Marcel Proust (1871-1922) như một cuốn sách quan trọng đả phá lối phê bình cổ điển. Tác phẩm này được in hơn 30 năm sau khi Proust mất, cái tên Contre Sainte-Beuve là do người ta đặt ra. Thực ra, cuốn sách chỉ là bản sơ thảo của tác phẩm A la recherche du temps perdu - Đi tìm thời gian đã mất, một thứ bản nháp Proust viết dở rồi bỏ. Đến năm 1954, Bernard de Fallois tập hợp lại và cho nhà Gallimard in lần đầu. Đây là một tác phẩm pha trộn giữa tiểu thuyết và suy tư nghệ thuật, Proust viết trong khoảng từ 1905, đến 1912 thì ông bỏ hẳn, để viết Đi tìm thời gian đã mất. Để chống Sainte-Beuve, một nhà phê bình quyền uy, Proust -lúc bấy giờ chưa nổi tiếng- lưỡng lự giữa lối viết tiểu luận hay dùng kiểu truyện trò với mẹ trước khi đi ngủ. Và ông đã chọn nói lối mạn đàm với mẹ.

Sainte-Beuve thường xây dựng chân dung nhà văn bằng cách thu thập rất nhiều tài liệu về đời sống của nhà văn, tìm những trao đổi thư từ của tác giả và phỏng vấn những người đã quen tác giả. Ví dụ khi viết về Madame de La Fayette (1634-1693), Sainte-Beuve mô tả rất kỹ đời tư của bà, coi mối tình của bà với La Rochefoucauld như một cuốn tiểu thuyết, thậm chí ông còn in cả thư riêng của bà La Fayette viết cho địch thủ -người tình trước của La Rochefoucauld- để giải thích ý nghĩ của La princesse de Clèves - Công nương Clèves, tác phẩm chủ yếu của bà La Fayette.

Marcel Proust chỉ trích Sainte-Beuve ở điểm đã đồng hoá tác phẩm với tác giả. Phản bác lại, ông cho rằng chẳng có mối liên hệ nào giữa "cái tôi bên trong" (le moi intérieur) của kẻ ngồi viết tác phẩm với "cái tôi bề ngoài" (le moi extérieur) của nhà văn mà xã hội trông thấy. Để chứng minh cho lập luận này, Proust phê bình Baudelaire, de Nerval, Balzac,... và ông tìm thấy ở Baudelaire sự pha trộn hai yếu tố nhậy cảmbạo tàn, rất gần gụi với ông.

Marcel Proust là nhà văn Pháp đầu tiên thể hiện phong cách phê bình của người sáng tạo, ông sống tác phẩm từ bên trong. Marcel Proust đi từ tác phẩm để tìm tới tác giả. Ngược với Sainte- Beuve, đi từ đời tư tác giả để giải thích tác phẩm. Vì vậy, Proust được coi là một trong những ngòi bút phê bình sáng tạo tiên phong trong thế kỷ XX.

 

Georges Poulet chọn đánh vào một trong những yếu tố chính của phê bình Sainte-Beuve: đó là sự tin tưởng vào cái cảm quan mãnh liệt của tâm hồn, ông trích dẫn một vài câu văn của Sainte-Beuve để chỉ trích. Ví dụ, Sainte-Beuve viết: "Tôi cố gắng nhập vào những nhân vật mà tôi phản ảnh". Hoặc: "Tôi cố gắng đưa tâm hồn mình vào tâm hồn người khác; tôi lìa mình; tôi kề má họ, tôi trang phục cho họ, tôi cố gắng ngang hàng với họ" v.v...

Theo Poulet, lối viết ấy cho thấy nhà phê bình cũng có nhiệt tâm đấy, cũng muốn hoà đồng với nhân vật và tác giả đấy, nhưng lối hoà đồng này trơ trẽn quá, lộ liễu quá, không thật. Nếu có một mối giao cảm thật sự bên trong giữa người phê bình và tác phẩm thì hay biết mấy, nhưng Sainte-Beuve chỉ nói miệng mà không làm, không có gì cho ta thấy đã có một mối giao cảm thực thụ ở bên trong (tâm hồn) giữa Sainte-Beuve và người viết (sđd, trang 11-12).

Sau Sainte-Beuve vài thập niên, từ 1880 đến 1914, ở Pháp xuất hiện lối phê bình ấn tượng (critique impressionniste) với những tên tuổi như Jules Lemaitre, Anatole France, Emile Faguet...

Georges Poulet trích Jules Lemaitre: "Dưới bầu trời âm u, bão tố trong lòng quê hương gắn vào đất mẹ, tôi vừa đọc lại một mạch sáu cuốn truyện của Pierre Loti. Khi lật xong trang chót, tôi cảm thấy lòng mình ngây ngất, tràn đầy hồi tưởng dịu dàng buồn bã về muôn vàn tình cảm sâu xa, lòng nặng một mối xúc động mơ hồ, toàn diện." Và ông nhận định: "Đọc những dòng này, chúng ta thấy ngay tác giả dễ mềm lòng qua lối đọc đồng loã và mơ mộng đồng tình; ông thả tâm hồn trôi theo những ấn tượng đến tự bên ngoài. (...) Cái say sưa mà ông nói đến ở đây, không phải là cái say sưa từ tác giả (qua tác phẩm) truyền sang ông mà là cái say sưa tự ông cảm thấy. Một thứ tình cảm chủ quan, nửa thật, nửa giả, không phải là sự giao cảm đích thực giữa tác phẩm và người đọc" (sđd, trang 12).

 

Trở lại phê bình Việt Nam, chúng ta có thể thấy ảnh hưởng hai trường phái thực nghiệm và ấn tượng này rất rõ trong cách phê bình của Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh. Vũ Ngọc Phan đối với văn học Việt Nam có địa vị tương tự như Sainte-Beuve đối với văn học Pháp. Nhờ ông mà chúng ta có cái nhìn gần như toàn diện về những nhà văn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Là mẫu mực phê bình của một thời, Vũ Ngọc Phan đã đóng vai trò gần như ngự sử văn đàn, khen chê rạch ròi và sự khen chê của ông trở thành chuẩn mực cho nhiều thế hệ sau. Chịu ảnh hưởng Sainte-Beuve và Lanson, thiên về lối phê bình giáo khoa thực chứng, Vũ Ngọc Phan thường trích một đoạn văn, rồi ông phê phán đoạn đó hay hoặc dở, đôi khi khá độc đoán, có khi thêm chút lý giải thực nghiệm, có khi không lý giải gì cả.

Ví dụ, khi phê bình Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, ông viết: "Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một quyển tiểu thuyết hoạt kê, nhưng một lối hoạt kê không lấy gì làm cao cho lắm.

"Xuân tóc đỏ", một gã nhặt ban ở sân quần chỉ nhờ ở sự may mắn, ở "số đỏ" mà thấm thoắt từ cái phận một gã lang thang trở nên được một tay đắc lực cho một hiệu may tân thời, rồi dần dần đóng vai đốc tờ, đóng vai diễn giả, đứng lên cải cách Phật giáo, rồi lại trở nên một tay cứu quốc, một bậc vĩ nhân!" (Nhà văn hiện đại, quyển 3, trang 582).

Vũ Ngọc Phan có con mắt tinh đời, những nhà văn được ông lựa chọn đưa vào bộ Nhà văn hiện đại, phần lớn đều có giá trị. Tuy nhiên không phải lúc nào ông cũng đúng, và ông có quyền sai. Nhưng cái lầm của ông về Vũ Trọng Phụng là khá lớn và cả về Hàn Mặc Tử cũng vậy. Trích đoạn trên đây khá tiêu biểu cho lối phê bình của Vũ Ngọc Phan: rất giáo khoa, nhà phê bình có ý "dạy" cho nhà văn phải viết như thế này, không được viết như thế kia. Ông chê lối hoạt kê của Vũ Trọng Phụng là hoạt kê thấp, nhưng lại không nói rõ thế nào là hoạt kê thấp, thế nào là hoạt kê cao. Tiếp đó, ông tóm tắt tiểu sử Xuân tóc đỏ, có ý phân trần rằng: Vũ Trọng Phụng viết như thế đấy, mà tôi thì tôi thấy rằng một thằng cha cò bơ cò bất như thế thì không thể nào leo lên dốc thang xã hội nhanh như vậy được. Tóm lại, nhà phê bình lấy kinh nghiệm sống và ý kiến chủ quan của mình để "đàn áp" nhà văn, phê phán đúng sai theo cái lô-gíc của mình mà bỏ qua phần nghiên cứu văn bản, nghiên cứu tư tưởng và văn phong của tác giả.

Hoài Thanh cũng là một tên tuổi lớn, cho đến bây giờ lối phê bình của ông vẫn còn được nhiều người tôn sùng. Ông đã trình bày khá đầy đủ bộ mặt thi ca Việt Nam thời tiền chiến. Hoài Thanh có trực giác mẫn cảm về thi ca. Khi dùng trực giác để cảm nhận thì ông thường thành công, đó là sự bình thơ. Nhưng khi dùng ấn tượng để cảm nhận thì ông đi vào sự tán thơ. Ông là nhà phê bình được tán tụng và bắt chước nhiều nhất, ở trong cũng như ngoài nước. Nhưng tiếc rằng ít ai học được cái hay của ông mà họ chỉ bắt chước cái dở, tức là rơi và việc tán thơ hơn là bình thơ.

Hoài Thanh chịu ảnh hưởng rất rõ lối phê bình ấn tượng, ví dụ khi phê bình thơ Nam Trân, ông viết: "Huế đẹp, Huế nên thơ. Ai chẳng nói thế? Ai chẳng thấy thế? Nhưng sao hình ảnh Huế trong thi ca lại tầm thường thế? Có lẽ cảnh Huế quá huyền diệu, quá mơ màng không biết tả thế nào cho thoát sáo. Cũng có lẽ ngắm cảnh Huế, người ta khó tránh được cái buồn vơ vẩn nó là khí vị riêng của xứ này và lòng người ta không đủ thản nhiên để ghi lấy hình sắc riêng của mỗi vật. (...)

 Nhưng tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân. Nam Trân không rơi vào khuôn sáo là vì người không mơ màng cũng không buồn vơ vẩn. Ở Huế mà ghét Nam Ai, nội chừng ấy cũng đã lạ. Người chỉ thản nhiên nhìn cảnh vật chung quanh và ghi lại bằng những nét già giặn" (Thi nhân Việt Nam, trang 180).

Đoạn văn trên đây rất gần với lối viết của Jules Lemaitre, nghĩa là Hoài Thanh cứ phóng ra những câu rất dễ dãi, rất xáo, đại loại như: "Huế đẹp, Huế nên thơ, cảnh Huế quá huyền diệu, quá mơ màng..." rồi lại: "Ai chẳng nói thế? Ai chẳng thấy thế?". Rõ lẩn thẩn, bởi nếu ai cũng biết như thế thì nhà phê bình còn phải nói làm gì nữa. Tiếp đến: "ngắm cảnh Huế người ta khó tránh được cái buồn vơ vẩn". Có thể khi Hoài Thanh ngắm Huế thì ông thấy cái ấn tượng buồn vơ vẩn thật đấy, nhưng ông chẳng nên mang những cảm giác, những ấn tượng rất hời hợt của riêng mình ra để gán cho thiên hạ. Những chữ ai ở đây (ai chẳng nói thế, ai chẳng thấy thế, ai bằng Nam Trân...) cho thấy ông quá chủ quan trong việc nhận định và đánh giá, và ông đem tình cảm riêng của của mình ra để gán cho mọi người.

Tóm lại khi nhà phê bình lấy cái ấn tượng trong lòng mình ra mà viết, mà không đi sâu vào thực chất chữ nghiã của văn bản, thì chưa có sự gặp gỡ đích thực giữa tác phẩm và người phê bình, nói khác đi, nhà phê bình chưa thực sự ý thức được "ý thức phê bình".


 

[1] La conscience critique, trang 9.

[2] Sđd, trang 9.

 

 

 

 

© Copyright Thụy Khuê 2005, 2012