Thụy Khuê
 

Vấn đề toàn cầu hóa dưới mắt nhà xã hội học Pierre Bourdieu


    Pierre Bourdieu là một trong những nhà tư tưởng độc đáo của Pháp đã nghiêng mình xuống những số phận yếu kém, những người không có tiếng nói, những số phận nhược tiểu ... Ông đã qua đời vào tháng 2 năm 2002 vì bệnh ung thư, một nghịch cảnh gần như phi lý đối với nhà bác học lừng danh suốt đời tìm cách chữa bệnh cho xã hội con người. Pierre Bourdieu muốn chữa bệnh cho thế kỷ XX bằng chính cội nguồn của con bệnh: Ðó là căn bệnh xã hội. Bệnh người không hiểu người.

    Nhà triết học và xã hội học Pierre Bourdieu sinh ngày 1 tháng 8 năm 1930 tại Denguin, thuộc hạt Béarn miền nam nước Pháp, gần rặng núi Pyrénées phía Ðại Tây Dương. Xuất thân từ trường Ecole Normale Supérieure - Cao Ðẳng Sư Phạm của Pháp, thạc sĩ triết học, Pierre Bourdieu được bầu vào giảng đàn Xã hội học tại Collège de France từ năm 1985.

    Tác phẩm của Bourdieu vừa phê bình hai cách tiếp cận cấu trúc nhân chủng học và hiện tượng học, vừa nói lên việc phải vượt qua hai lối tiếp cận này. Bourdieu đề nghị một thuyết mới về thế giới xã hội (monde social), cơ sở dựng trên sự tìm hiểu những điều kiện xã hội đã sản sinh ra những văn bản về khoa học nhân văn, phải bỏ ảo vọng của những triết gia và những nhà xã hội học cho là họ đã khám phá ra mặt thực của xã hội một cách trung thực và khách quan. Theo Bourdieu, nhà bác học phải cho biết cái vai trò, cái thế đứng của ông ta trong xã hội, và chính ông ta cũng phải nghĩ đến hậu quả của môi trường xã hội này trên những phương pháp nghiên cứu của ông. Ông ta phải khách quan hóa sự khách quan của mình (objectiver l'objectivation). Thuyết của Bourdieu là không ngừng tìm tòi những khái niệm mới.

    Những tìm kiếm đầu tiên của Bourdieu dựa trên nền nhân chủng học mô tả, về những ngươì dân quê tại Béarn miền Pyrénées, Pháp, quê hương ông, và ở Algérie, nơi mà Bourdieu dậy học những năm 60.
    Tác phẩm đầu tay là cuốn Sociologie de l'Algérie, Xã Hội Học Về Algérie, in năm 1961, rồi đến cuốn Travail et travailleur en Algérie, Lao Ðộng Và Người Lao Ðộng Ở Algérie, in năm 1963. Ở đó người ta đã thấy chớm nở khái niệm đồng nội (champ) và khái niệm Dung Mạo (l'habitus). Dung Mạo (l'habitus) được ông định nghĩa như là một loạt những tính khí mà con người hấp thụ được sau khi ra đời. Chính những tính khí này sẽ  xác định cách hành động và cách ăn nói của mỗi cá nhân trong đời sống của họ.
    Tác phẩm của Bourdieu nhấn mạnh đến hiện tượng khống chế, domination, nói chung, vì theo ông, văn hóa chính thức là thứ văn hóa được xã hội công nhận, mà cái xã hội này, rút cục chỉ là từng lớp xã hội có thẩm quyền về mặt kinh tế và xã hội.

    Trong tác phẩm La distinction, Phân Biệt, phát hành năm 1979, Bourdieu đưa ra cách phân tích xã hội qua cái gu của con người. Theo ông, cái gu về nghệ thuật có thể là đối tượng để phân tích những điều kiện xã hội đã sản sinh ra khuynh hướng thẩm mỹ ấy. Bởi vì đằng sau những tương quan giữa cái vốn học đường hay nguồn gốc xã hội, giữa cái biết này hay cái biết khác, còn ẩn dấu những mối tương quan khác giữa những nhóm đối nghịch nhau trong văn hóa. Khi người ta phân tích nghệ thuật, thì người ta chỉ dựa vào cái gu chính thức -tức là cái gu của tầng lớp có ưu thế trong xã hội-, chỉ chú trọng vào những "nhận thức thuần túy" của tác phẩm nghệ thuật mà bỏ rơi cái đã dựng xây nên lập trường mỹ học của người phê bình, đôi khi lập trường này hoàn toàn đi ra ngoài  thực tế xã hội. Gia đình và học đường là hai nơi chủ yếu cấu tạo nên cái gu tương lai của đứa trẻ. Cái gu này cũng một phần có liên lạc với thực phẩm, quần áo, đồ đạc, với những cách ăn nói và tiêu thụ, tất cả những thứ này xác định khuynh hướng sống, tức là dung mạo (l'habitus) của mỗi cá nhân.

    Trong cuốn Les héritiers, Những Kẻ Thừa Hưởng, xuất bản năm 1964, Pierre Bourdieu viết chung với Jean Claude Passeron, các tác giả mô tả những khác biệt trong điều kiện sống của sinh viên, và tính chất khả nghi của cơ năng đại học. Một nhận xét đơn giản, theo thống kê, là 58% học sinh con những người cadre supérieur, tức là những người có chức vụ cao trong công nghệ hay ngoài hành chánh, được vào đại học, trong khi đó chỉ có 1,4% học sinh con nhà nông được vào đại học. Tác giả không cho đó là vì chênh lệch lợi tức mà giải thích bằng yếu tố văn hóa.
    Ðại học đã gạt bỏ thứ văn hóa được hấp thụ từ thuở bé của những từng lớp xã hội không có ưu thế. Sự vận hành của đại học dựa trên chính sách bất bình đẳng về văn hóa xã hội. Ðại học đã xét đoán sinh viên trên những điều mà chính đại học không dậy.

    Trong suốt ba năm, Pierre Bourdieu đã điều hợp một ê-kíp những nhà xã hội học, làm enquête thực hiện những cuộc phỏng vấn những người thấp cổ bé miệng, sống ở vùng ngoại ô nghèo của các thành phố lớn. Những người sống trong những chung cư tồi tàn, trong các HLM, tức là những nhà cho thuê rẻ tiền, hay những nông dân vùng Béarn. Họ gồm đủ mọi hạng người: người Pháp, người Ả Rập, những người bị kỳ thị, những người kỳ thị, những thanh thiếu niên phạm pháp, những người thất nghiệp, thợ thuyền, quan tòa, cảnh sát, vợ cảnh sát, người vô gia cư, nhà giáo v.v...

    Hãy lặng yên nghe sự đau khổ nói,
    Hãy lặng yên nghe những lời đau khổ.

    Gần 1000 trang khổ lớn dành cho những người xưa nay không có tiếng nói, họ thuật lại chuyện mình; đọc, nghe, để hiểu tại sao họ lại sử xự như thế này mà không như thế khác. Nghe để hiểu. Ðể hiểu điều kiện sống của mỗi con người, cái khổ đau của mỗi con người, hành động của mỗi con người.
    Trong phần tái bút, ở những trang cuối, Pierre Bourdieu viết:
"Thế giới chính trị dần dần tự khép mình vào những đối nghịch nội bộ, những giành giật riêng tư. Giống như những quan lại thời xưa, những người làm chính trị thời nay ít ai hiểu và diễn đạt những đợi chờ và đòi hỏi của cử tri của họ. Những nhà cầm quyền tương lai được bầu nên qua những buổi đấu khẩu trên truyền hình hoặc trong những buổi tổ chức vận động tuyển cử.
    Những người cầm quyền lại tự giam hãm trong vòng vây của những kẻ thân cận, thường là những chuyên gia học phiệt trẻ (technocrate), không biết gì về đời sống hàng ngày của người dân.
    Còn nhà báo, hoặc bị câu thúc bởi những áp lực đến từ mọi phía, hoặc bị chính sự cạnh tranh nghề nghiệp chỉ đạo cần phải làm gấp, làm nhanh, không có thì giờ suy nghĩ, cho nên trên những vấn đề nóng bỏng, thường đưa ra những phân tích vội vàng, bừa bãi, và chính những sự ẩu tả này sẽ ảnh hưởng lên giới trí thức và chính trị gia. Còn lại những người trí thức: Trí thức im lặng."

    Pierre Bourdieu cho rằng thuốc chữa căn bệnh này của xã hội nằm ở: "Một nền y khoa đích thực, theo đúng truyền thống của Hippocrate, bắt đầu bằng cách chẩn đoán để biết những căn bệnh không nhìn thấy, tức là những điều mà người bệnh không nói ra, vì họ quên hay vì họ không nhận thức được. Một khoa học xã hội cũng vậy: Muốn hiểu những nguyên nhân đích thực đưa đến những bạo hành trong xã hội, những tội ác vì kỳ thị, v.v... thì phải tìm đến những nỗi đau khổ tinh thần ẩn dấu trong cấu trúc kinh tế và xã hội của mỗi khổ đau nhỏ nhoi hàng ngày của mỗi con người."

    Vấn đề toàn cầu hóa được Pierre Bourdieu đề cập đến một cách gắt gao trong những năm cuối đời. Trong một bài viết tựa đề La nouvelle vulgate planétaire, Sự phổ thông toàn cầu mới, in trên tờ Le Monde Diplomatique ngày 1/5/2000, viết chung với Loic Wacquant, một nhà xã hội học dạy ở Collège de France và đại học Berkeley, Hoa Kỳ, ông đả kích kịch liệt hiện tượng toàn cầu hóa dưới sự chỉ đạo của Hoa Kỳ. Các tác giả cho rằng hiện nay, trong tất cả những nước tiên tiến, từ những người đứng đầu các xí nghiệp hay có địa vị cao trong chính quyền cho đến những trí thức thời danh hay những nhà báo nổi tiếng, tất cả đều đồng thanh ca cẩm một thứ ngôn ngữ mới rất kỳ lạ, thứ novlangue, không biết từ đâu đến, mà ở trên miệng tất cả mọi người, nào là toàn cầu hóa, nào tính linh động, nào chủ nghĩa cộng đồng, chủ nghĩa đa văn hóa, hậu hiện đại, tính sắc tộc, v.v... Trong mớ kiến thức phổ thông toàn cầu này, người ta thấy đặc biệt thiếu vắng các từ như tư bản, giai cấp, bóc lột, bất bình đẳng v.v... Mớ kiến thức phổ thông toàn cầu ấy là sản phẩm của một thứ đế quốc đặc biệt biểu trưng, và hậu quả của chúng lại càng mạnh mẽ và độc hại hơn bởi cái đế quốc mới này được thành hình từ những đồng chí cách mạng Tân Tự Do. Những ngươì này, dưới danh nghĩa toàn cầu hóa, muốn làm lại thế giới bằng cách gạt bỏ hết những thắng lợi xã hội và kinh tế mà con người đã đạt được, qua hơn một trăm năm tranh đấu xã hội. Những thắng lợi ấy bây giờ bị người ta coi như là cổ lỗ, trở ngại cho cái trật tự của xã hội. Giống như sự ngự trị của chủng loại hay bộ tộc, đế quốc văn hóa cũng là thứ bạo lực tượng trưng dựa trên những tương quan giao dịch cưỡng bách, áp đặt sự thần phục của mọi người. Với đặc điểm là đế quốc văn hóa muốn toàn cầu hóa những sắc thái liên hệ với một kinh nghiệm lịch sử riêng biệt của một vùng, một nước, bằng cách làm cho người ta không nhận ra bản diện của chúng, và công nhận chúng như một giá trị phổ quát.

    Phải nhấn mạnh rằng không chỉ có Hoa Kỳ giữ độc quyền tự cho mình là phổ quát. Nhiều nước khác như Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Nhật, Nga ... cũng đã hoặc đang làm như thế, tức là tìm mọi cách để phát huy ảnh hưởng của nước họ trên những địa bàn của họ. Họ muốn phát triển một thứ đế quốc văn hóa tương tự như Mỹ. Chỉ khác một điều rằng đây là lần đầu tiên trên thế giới, có hiện tượng một nước duy nhất đứng ở vị trí bắt thế giới phải thần phục mình.

    Tất cả những tổ chức mang tên có vẻ toàn cầu như Ngân Hàng Thế Giới, Ủy Ban Châu Âu, Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế, hoặc những lò tư tưởng rất bảo thủ như viện Manhattan ở New York, viện Adam Smith ở Luân Ðôn v.v..., những cơ quan từ thiện, những trường đào tạo chính trị như trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po ở Pháp, trường Kinh Tế Luân Ðôn, trường Havard Kennedy của chính phủ Mỹ ... đều góp phần vào công cuộc "toàn cầu hóa" này. Những tờ báo lớn không ngừng phân phối ngôn ngữ passe-partout, tức là thứ ngôn ngữ phổ thông toàn cầu rất kêu, làm cho những kẻ viết xã luận vội vàng và những nhà chuyên môn lật đật xuất nhập văn hóa, có cái ảo tưởng họ là những người "cực kỳ tiến bộ".

    Cái quyền uy độc nhất của Thánh Ðịa (La Mecque) mới, biểu tượng cho thế giới hiện nay là gì? Ðó là sự cố tình phá hủy nhà nước xã hội và triệt để phát huy nhà nước hình luật. Sự triệt hại tổ chức công đoàn và độc tôn quan niệm xí nghiệp chỉ dựa trên một giá trị duy nhất, giá trị của những cổ phần. Tất cả đưa đến hậu quả là đồng lương chết đói trở nên phổ biến cùng với nỗi bất ổn về an ninh xã hội.

    Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Pierre Bourdieu vẫn hăng say tha thiết đặt lại vấn đề toàn cầu hóa. Không thể tránh khỏi toàn cầu hóa nhưng làm sao cho mọi diễn biến xẩy ra công bằng hơn, nhân bản hơn. Tư tưởng của Pierre Bourdieu mở đầu cho những suy nghĩ của chúng ta trong thế kỷ XXI.

Thụy Khuê
Paris , tháng 2/2002

 
© Copyright Thụy Khuê 2005