Thụy Khuê

Phùng Cung,

Ai liều tảo mộ chiều nay

 

 

 

 Phùng Cung sinh ngày 18 tháng 7 năm 1928 tại Vĩnh Yên và mất ngày 9 tháng 5 năm 1997 tại Hà Nội, năm năm sau, mùa đông 2003, nhà xuất bản Văn Nghệ  California cho phát hành cuốn "Phùng Cung, truyện và thơ", do Lâm Thu Vân ở Canada chủ trương và tập hợp  những sáng tác của Phùng Cung chưa bao giờ được xuất bản. Sách dày hơn bốn trăm trang, gồm hai phần: Phần truyện có 10 truyện ngắn cùng phụ lục in lại "Con ngựa già của chúa Trịnh", đã đăng trên Nhân văn số 4 (tháng 10 năm 1956) và phần thơ là tập "Trăng ngục" gồm 35 bài thơ làm trong 12 năm tù từ 1961 đến 1972, tại các trại biệt giam Bất bạt (Sơn tây), Yên Bái, Lào Cai, v.v...

 Nói đến Phùng Cung, chúng ta không khỏi nghĩ đến câu hỏi: "Trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, Phùng Cung chỉ là một người viết trẻ, vừa nổi tiếng với truyện ngắn "Con ngựa già của chúa Trịnh", vậy tại sao ông lại phải chịu kỷ luật khắt khe 12 năm tù như một tội nhân chính trị, khác hẳn một số đồng nghiệp nhà văn, nhà thơ đương thời đã tham gia NhânVăn Giai Phẩm. Tại sao?"

 "Con ngựa già của chúa Trịnh" là một tác phẩm đặc sắc, đầy tính ẩn dụ, viết về con thần mã Kim Bông của lão Nông ở Sơn Tây, nó có sức vượt hàng nghìn dặm với cái thế "cao đầu phóng vĩ" của nòi ngựa chiến. Bất cứ cuộc đua nào Kim Bông cũng đứng đầu. Tin đồn đến tai chúa Trịnh, nhà chúa bèn cử người đến mua con ngựa quý. Dù luyến tiếc vô cùng, lão Nông bắt buộc phải giao ngựa về kinh. "Kim Bông phi như gió, trả lại đằng sau những đồi núi, cây cỏ hỗn độn của vùng Sơn Tây. Chỉ trong nửa ngày đã về đến Thăng Long". Về kinh, Kim Bông trở thành con vật sủng ái của chúa, chuyên kéo xe hầu nhà chúa. Sống trong nhung lụa, nó được ngự trong mã đài ngày ngày chỉ có việc ăn và tắm. Nó được nhà chúa ban áo mão cân đai, đặc biệt là cái mũ cánh chuồn, như hai chiếc lá đa che tai, che mắt, chỉ để lộ mỗi con ngươi nhìn thẳng về phía trước. Rồi đến lúc can qua, chúa cần con ngựa chiến dũng mãnh ngày xưa, nhưng than ôi, con thần mã đã quen thói cung đình, bao nhiêu năm bị che tai, bịt mắt, khi tháo mũ áo ra, nó hoa mắt, đầu choàng váng, chân không phóng được nữa. Thần mã  cố sức bình sinh, dốc hết tàn lực rồi ngã vật xuống đất, đứt ruột mà chết. Kim Bông tượng trưng cho những thành phần tài năng của đất nước, nhưng khi đã một đời úp mặt phục vụ thế quyền để tìm bổng lộc thì đều trở thành những con ngựa già, vô dụng.

 Là một trong những truyện ngắn hay nhất của thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, "Con ngựa già của chúa Trịnh" mang tính chất ẩn dụ tế nhị kín đáo chứ không đả phá trực tiếp như một số những sáng tác thơ văn thời đó. Phải chăng vì nó mà tác giả đã phải trả nợ 12 năm tù, hay vì những lý do khác, trải dài trong thân thế, tài năng và nhân cách sống của Phùng Cung?

 

 

Những tác phẩm in trong tuyển tập Phùng Cung truyện và thơ, viết trong khoảng từ 57 đến 60, tức là trước khi ông bị bắt, và hơn bốn mươi năm sau mới được đến với độc giả, nhưng chúng vẫn giữ nguyên phong độ của những tác phẩm có sức vượt thời gian. Ðó là những đoản thiên hiện thực viết về những kiếp người như lão Thiều trong Mạt kiếp, sống trong cái đói triền miên, lão đục đáy cót ngô để ăn cắp, bị ngô tưới xuống đè chết. Truyện Mạt kiếp, là một trong những truyện ngắn thê thảm nhất về cái đói của con người.

Ngay dòng đầu, không khí bạo lực đã hực lên trong một mạch văn có chất họa và chất nhạc, đầy khí phách và quyết liệt : "Chiều xuống chới với trên đầu làng Chu Trần. Một con chó vàng nhạt, hơi gầy đứng trên bờ đê nghến phía tây nam nơi mặt trời như một chậu máu, loang vãi từ đỉnh Ba Vì hắt lại. (....)

Thình lình tiếng tù và rúc ba hồi dữ dằn từ cầu Ðạc Ba -điếm tuần của làng- gió tiếp âm, gom tiếng dữ trình làng. Mấy nhà gần điếm còn nghe được cả tiếng "hự hự" của kẻ phạm pháp đang chịu đòn bằng đấm đá, lên gối vào ngực, vào bụng. Nghe đủ tiếng động, đàn chó làng cất tiếng tập thể tru lên một lúc rồi im bặt, quý hồ đủ tư cách chó, bởi dẫu có mỏi mõm cũng chẳng ăn nhằm gì." ( trích Mạt kiếp, trang 27).

Ðó là khúc chó tru dạo đầu cho thân phận lão Thiều. Thiều không phải tên của lão, lão tên là Vị, Thiều là tên đứa cháu ngoại. Lão có một quá khứ tù mù, có thể trước lão đã có thời chân đi giày săng đá, đầu đội mũ chào mào khố xanh, khố đỏ thật, nhưng bây giờ lão thân tàn ma dại, vợ lão bỏ hay vợ lão chết cũng không ai biết. Lão phải ở nhờ nhà con rể cũng đến cả chục năm rồi. Ăn uống lão phải tự túc. Gặp lúc nhà người ta có việc gọi đến, lão còn được miếng no. Nhiều ngày chẳng ai đoái hoài, lão đói rã họng, đành thậm thọt vụng trộm củ khoai, bắp ngô của làng. Bị tuần bắt được trói gô vào cột đình đánh, lão chày mặt ra chửi đổng. Lão nghĩ  bụng "no nên bụt, đói ra ma", "ngũ cốc còn ghê hơn thuốc phiện, chưa rã họng chưa biết!",  "trên đời này ông sợ nhất cái đói, ông khinh nhất cái đói, ông căm thù nhất cái đói" (trang 31). Lão Thiều ăn nói phạm thượng rất Chí Phèo; Chúa, Phật lão chả coi ra gì, quỷ ma thần thánh lão  cũng theo tuốt miễn là có cái gì bỏ vào miệng. Lão làm tất tần tật, từ việc đánh thần trùng, bốc mả, nhảy xuống ao cứu trẻ chết đuối, không từ một việc nào. Vì cứu trẻ ở xóm đạo, lão đã được mang tên thánh Phê Đô Vị, rồi xóm đạo hết việc, lão mon men đến chùa, giúp bà vãi đốn tre, cạp rổ  cạp rá... Lão đã trải hết các "thời", vậy mà "ngày tháng lão lại vẫn lênh đênh trong bể trần đầy thèm khát". Cho tới cái năm ấy. Lão cố nhớ lại: "Năm ấy là năm gì nhỉ? Nước sông Hồng vua Thuỷ dâng to hơn mọi năm nhiều. Nước tràn lên đánh úp bờ bãi, cướp trắng hoa màu chưa đến tuổi thu hoạch, đe dọa đê điều đe dọa cả một vùng đói kém!" (trang 56). Chẳng biết lão Thiều có ý nói kháy đến cái đói năm nảo năm nào trùng hợp với biến cố lịch sử nào không. Dám lắm, mồm mép lão còn nể gì ai. Nhưng dù sao thì lão cứ nhấn mạnh vào cái năm thổ tả ấy làm cho người ta đâm nghi ngờ, năm ấy, lão Thiều đến bước đường cùng, lão thoá mạ cái đói "Mày đang tâm biến người thành chó, chó thành người!" (trang 67). Lão bèn tính một nước cờ chót, lão lội lụt vào tận đáy cót ngô của nhà Tư Tâm, đục cót cho ngô chảy xuống , lão hứng bằng hai ống quần, nhưng không ngờ, ngô chảy mạnh quá. "Ðói, lạnh, nặng, cả ba lực giáp công, lão không sao ngóc đầu lên được. Chỉ trong chớp mắt lão nghỉm hẳn". Truyện Mạt kiếp, được viết với một gịong văn lạnh lùng, châm biếm,   hài hước hoá nghịch cảnh khá tài tình và đó là nghệ thuật trình bày cái bi đát trong thân phận con người sâu sắc nhất. Lão Thiều bị cái đói nghiền nát nhân phẩm, lão cố ngóc đầu lên để được sống làm người, sống như người nhưng cuối cùng lão cũng bị quật ngã, bị tiêu diệt.

 

Biệt tích là truyện ông Lâm, một người thợ mộc, không thể hội nhập được với "đời sống mới". Nói đúng ra thì người thợ đầy lương tâm và nhân cách này không thể chấp nhận lối "ăn thật làm dối" trong cái "đời sống mới" này được. "Với phó Lâm, tua, mộng là tuyệt kỹ, khi vào mộng, không tháo ra, chêm lại làm đau gỗ!" (trang 155). Nhưng bây giờ ủy ban lại ra lệnh cho phó Lâm phải làm nhanh, phải đóng bàn không có tua, có mộng gì cả, chỉ ghép lại bằng đinh năm phân, chặt bỏ mũ, đóng ngậm là đủ. Ông chủ tịch xã ra lệnh:

"- Cứ mẫu ấy mà đóng!

(...)

 -Dạ! Thưa ủy ban không làm được ạ!"

Phó Lâm cứ lẩm bẩm trong miệng những: dạ thưa, không làm được ạ, dạ thưa, khó quá ạ.... cho tới lúc bị ủy ban đuổi về.

Ít lâu sau, phó Lâm đi đâu biệt tích...

Có người đồn rằng họ thấy phó Lâm, vai vác rìu, tay sách hòn đục đi ngược dòng sông lên núi Tản Viên. Phó Lâm đi trên mặt nước mà như người đi trên đường vậy. Bà Lâm được tin lạnh cả người! Ở đây ai cũng biết chuyện đức Thánh trên đỉnh núi Tản cứ ba năm lại một lần xuống núi tìm thợ giỏi lên sửa điện đài trên ấy. Bà Lâm chờ chồng ba năm, rồi sáu năm, rồi chín năm... không bao giờ thấy chồng trở lại, bà chọn tháng bẩy ngày rằm "xá tội vong nhân" làm ngày giỗ chồng

 Biệt tích có những nét thần thoại mơ hồ và đầy ẩn dụ về một thời mà sự mất tích, biệt tích của con người có nhiều ý nghiã mờ ám, tối tăm và những giá trị đạo đức nghề nghiệp không còn chỗ đứng trong sự lên ngôi của dốt nát, lười biếng, cẩu thả. Phó Lâm chỉ muốn bảo tồn đạo đức nghề nghiệp của mình, nhưng không thể được và cuối cùng phó Lâm đã phải về trời, về với thần núi Tản, để được tự do sáng tạo, giữ trọn phong cách của một nghệ nhân chân chính.

 

Mộ phách đặc sắc nhất trong mười truyện. Mộ phách viết về thời kỳ cấm ca trù, đập đàn đáy, chôn phách, vì, người ta cho rằng: " từ nay cái nghề ca trù càn rỡ dông dài phải tự tay đào sâu, chôn chặt, không để nấm mồ, không luyến tiếc" (Mộ phách, trang 204).

Truyện vợ chồng kép Tư Chản và Ðào Khuê, cả đời gắn bó với cây đàn tiếng hát, không khỏi gợi nhớ đến Cô Tơ và Chánh Thú trong Chùa đàn của Nguyễn Tuân. Ông bà Tư Chản có hai con, một trai một gái, chỉ mong sao cho chúng sau này lớn lên nối tiếp nghề tổ để một đời có đủ cơm no áo ấm. "Thằng Thuyên, con trai độc nhất, khi nó mới biết lẫy, ông đã nắn ngắm bàn tay của nó và lấy làm mãn nguyện. Ngón tay dài, ắt hẳn dài hơn tay bố, mai ngày nhẹ nhàng nhấn, vuốt dây tơ..." (trang 205).

Ngoài thằng con trai, Tư Chản chỉ còn cây đàn là quý:  "Ðàn này của cụ Kép thân sinh của Tư Chản để lại. Cụ kép Ðiều đã thành người thiên cổ; khi cụ Kép chọn gỗ, thuê thợ Kim Sa đóng cây đàn này lúc Tư Chản mới tám tuổi. Ðáy đàn bằng gỗ dâu vàng, cần đàn bằng gỗ xâng chun, trục vặn bằng gỗ sứa. Phần trên của đáy đàn, hai khoáy gỗ đối nhau như hai con mắt. Cây đàn lên tiếng ngân vang gần một nửa thế kỷ.(...) Ba ngôi âm thanh của đàn đáy "Tiếng tòng! tiếng dụng! tiếng dênh!" hợp thành đựng trong bầu đáy; nhà nghề gọi là "hồn đàn bất tử!

Tư Chản quan tâm đến cây đàn nằm đây như nâng giấc một người cha ốm. Trên bàn thờ sát vách bên trái, -cố để khuất mắt người lạ- cây đàn được nằm trong tư thế, dày, trục nghiêm trang. Trên đáy phủ tấm khăn the màu hoàng yến, nay đã ngả màu lõi mít che bụi và che tất cả.

Ngày nào ông cũng hai lần nâng tấm khăn, nhìn kỹ toàn cây đàn. Sóc, vọng hai lần mỗi tháng; vào buổi tối, ông đều lau bụi, và bàn tay lại chạm khẽ lên dây tơ, lặng nghe tiếng xa xưa vọng lại. Ông đứng ngẩn ngơ, quên, nhớ, mông lung. Trước khi quay lưng ông không quên chắp tay thành kính vái cây đàn đủ bốn vái." (Mộ Phách, trang 207-208)).

Rồi thời thế thay đổi, thằng con trai lớn lên đi bộ đội cầm súng thay đàn...

Vợ chồng Tư Chản "nhớ dồn thương góp", âm thầm lấy đêm 17 tháng 8, cúng tổ tiễn thu. Họ chờ lúc trăng khuya, cổng đóng then cài, tìm lại nghề cũ, tiếng đàn chen tiếng phách, nổi chìm giọng ngâm tha thiết của những đêm xưa... "Khúc  "Cung bắc" đang chơi vơi như đò chưa cập bến. Bỗng tiếng chó sủa rộ từ phía nhà thím Vượng hắt sang. Ðàn phách im bặt. Hai linh hồn đang rong ruổi quá khứ vụt trở về thực tại. Chó vẫn sủa dai dẳng. Ngờ đâu tiếng tơ, tiếng phách đã leo rào, lọt đến tai người, va vào miệng chó". (trang 210). Từ đêm đàn ca bất hạnh vụng trộm đó, hai vợ chồng nơm nớp lo sợ, sợ người và sợ chó, sợ chó dưới dạng người.

Và chuyện gì phải đến đã đến. Chính người con trai duy nhất của họ, đang đợi được kết nạp vào Ðảng, đã đứng ra xử lý cây đàn, Thuyên khẳng định: trước mắt, đồn địch là cây đàn đáy và  như một chiến sĩ, Thuyên xông vào tóm lấy cây đàn "Thuyên hăng hái nhảy tới bên cạnh bàn thờ, tóm lấy cây đàn đáy - Cây đàn va vào vách "Cang!" một tiếng từ đàn đáy vọng ra như tiếng kêu cứu thất thanh của một tội nhân đến giờ hành quyết" (trang 233). Kêu cứu thất thanh cũng vô ích, cây đàn không thoát khỏi định mệnh oan trái của mình. Sau khi bị đập tan tành nó được dùng làm củi nấu nước tắm cho cậu quý tử: "Lửa cháy vù vù dưới thùng nước tắm. Ông Chản đang loạn bước ngoài ngõ, ngoài vườn, xéo nát cả luống rau mới cấy. Tai ông nghe lửa réo và ngửi thấy mùi đàn cháy khen khét như một vật có xương có thịt. Ông thảng thốt nghe rõ tiếng đàn từ trong cháy phi ra. (...) Ông hỏi vợ có nghe tiếng gì không? (trang 234).

 Và từ đấy, ông cứ trầm trầm đi tìm lại tiếng đàn, mấy tháng sau ông mất. Bà Chản chọn ngày cúng chồng rồi tìm miếng lụa liệm cỗ phách quý của mình, nó tên là Kim phách. Kim phách cũng có một sử thi lẫy lừng không kém cây đàn đáy của chồng. Bà mai táng Kim phách trong ngôi mộ chôn cạnh bờ ao.

Mộ phách là một trong những truyện ngắn hay nhất mà chúng ta có thể đọc được trong những thập niên gần đây. Tác phẩm ngân lên như một khúc nhạc cổ điển ai oán, não nề, nó là bài điếu văn cho thi ca, cho âm nhạc trong một thời mà nghệ thuật đích thực không còn chỗ đứng. Với Mộ phách, Phùng Cung đã để lại một chứng từ, một âm giai không bao gìờ tắt với thời gian về cái chết bức tử của cây đàn và sự thủ  tiết của cỗ phách.

 

 

 Trăng ngục 

 Như trên đã nói, hầu hết những truyện ngắn của Phùng Cung đều được viết trước 1960, thời kỳ chưa bị bắt, có lẽ vì vậy mà nhà văn còn giữ thái độ tương đối ôn hoà, ông dùng rất nhiều hình thức ẩn dụ để nói lên bộ mặt thực của đời sống hàng ngày. Tuy vậy, những vấn đề mà Phùng Cung đưa ra, thường có tính cách xoáy sâu vào nền tảng của chế độ cực quyền, mà thực chất dựa trên sự kiểm soát gắt gao mỗi hành động của người công dân. Một mặt khác, tư tưởng của Phùng Cung, không chỉ khoanh vùng trong sự đả phá chế độ chính trị mà còn mở rộng ra nhiều lãnh vực, đặc biệt trong phạm vi chống chiến tranh, đả phá sự kích lệ lòng căm thù, đả phá chính sách tuyên truyền giục giã con người xung trận và đó là điều ông trình bày rất rõ, trong thơ.

 Ðiểm khác biệt sâu xa giữa Phùng Cung và phần lớn những thành viên trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và tất cả các nhà văn nhà thơ miền Bắc có lẽ là ở chỗ ấy.

Bởi hầu như tất cả đều chấp nhận cái lý tưởng chung ở miền Bắc thời ấy là "giải phóng dân tộc", nói đúng hơn là thống nhất đất nước bằng mọi giá xương máu; chỉ có một vài người như Phùng Cung... ở ngoài Bắc và Trịnh Công Sơn... trong Nam, nhìn thấy tính cách bạo tàn của chiến tranh nồi da xáo thịt và họ đã cất tiếng thơ, tiếng hát, hát cho những xác người. Sự phản đối chiến tranh của Trịnh Công Sơn, thời ấy được một nửa nước say mê, tôn thờ. Còn sự phản chiến của Phùng Cung đã bị vùi sâu trong ngục thất, rất có thể là vì nó mà tác giả đã phải trả giá 12 năm tù, hoặc vì những lý do khác, trải dài trong thân thế, "lý lịch" của Phùng Cung.

 Nhưng trước khi đi xa hơn, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn về thân thế, lý lịch của Phùng Cung.

 

 Phùng Hà Thủ, nay cũng đã qua đời, kể lại trong bài viết "Nhà thơ Phùng Cung" như sau: "Là con trưởng của một gia đình đông con và giàu có. Ngay từ lúc nhỏ, bố tôi đã được cha mẹ gửi trọ học ở Sơn Tây. Ðến khi Nhật đảo chính Pháp mới trở lại quê nhà. Khi cách mạng nổi dậy cướp chính quyền (9-1945), vốn tuổi trẻ, năng nổ lại là người có văn hoá, bố tôi được dân bầu làm chủ tịch liên xã Hồng Châu - Liên Châu năm mới 17 tuổi. Và tên của địa phương do bố tôi đặt vẫn còn giữ cho đến tận bây giờ. Làm chủ tịch được vài năm thì "phá tề", thực dân Pháp quay trở lại càn quyét tái chiếm, bố tôi phải trốn lên chiến khu Việt Bắc và kéo theo mấy em trai còn ít tuổi theo cùng. Tại quê nhà, gia đình họ hàng bố tôi gồm bố, mẹ và các anh chị em khác đều bị liên lụy vì có con trốn đi làm cách mạng.(....)

Trong suốt thời gian tham gia cách mạng, bố tôi ít có điều kiện trở lại quê nhà (...). Một lần nhân dịp tết Nguyên đán, về thăm gia đình, thấy cảnh tượng cửa nhà, ruộng đất bị chia cướp, phá phách. Ông nội tôi rất lo lắng vì gia đình đang sợ bị quy là thành phần đia chủ cường hào. Bố tôi có an ủi động viên ông: "Con đi làm cách mạng, thoát ly đã lâu thì thế nào gia đình mình cũng được chiếu cố. Cùng lắm là nhà nước lấy lại hết ruộng đất chia cho người nghèo hơn, bố cứ yên tâm, đừng lo lắng gì cả, vả lại bố cũng nhiều tuổi rồi". Nhưng thật không ngờ,  sau đợt về thăm nhà và trở lại cơ quan được ít lâu, thì bố tôi được tin gia đình bị quy là địa chủ cường hào ngay trong đợt phát động tiếp theo. Thực ra, ông nội tôi là người sống rất phân minh và tốt bụng, rất quý người và không ai trong số họ đứng ra tố cáo ông cụ. Sau khi bị tổ chức đấu tố tại địa phương mất mấy ngày, ông cụ lại tiếp tục bị bắt đưa đi giam ở trại Cò Nỉ - Thái Nguyên.(...) Trong một lần kết hợp đi công tác, bố tôi có tìm lên thăm và những mong gặp mặt để tiếp tế cho cụ. Nhưng tới nơi thì được một người bạn tù già cùng lán với cụ, chưa kịp nói câu nào vội vã dẫn bố lên khu đồi trọc phiá sau trại giam và chỉ cho bố lùm đất mà ngọn sắn làm dấu mới héo lá. Quá bất ngờ trước cái chết của ông cụ, bố tôi quay ngay về Hà nội, rất buồn, suy nghĩ nhiều và tránh tiếp xúc với bên ngoài.

Năm 1956, một nhóm văn nghệ sĩ gồm những người tham gia kháng chiến cũ tập họp nhau đứng ra thành lập báo Nhân Văn và Giai phẩm. Ông Nguyễn Hữa Ðang đến gặp và bảo bố tôi tham gia viết bài. Truyện  Con ngựa già của chúa Trịnh đăng trên báo Nhân Văn ngay sau đó." (Phùng Cung truyện và thơ, trang 16- 17).

Như chúng ta đã biết, rồi báo Nhân Văn ra được sáu số thì bị đình bản. Trong thời kỳ này, Phùng Hà Thủ kể tiếp: "Cũng trong thời gian này, bố tôi bị đình chỉ công tác để làm kiểm thảo. Bố tôi ít đến cơ quan và chỉ viết lách ở nhà, (...)

Một buổi sáng như thường lệ, khi mẹ tôi đi làm (lúc đó hai anh em tôi còn nhỏ, chưa đến tuổi đi học), thì ở nhà, căn hộ mà gia đình tôi ở bị công an mang xe ô tô đến vây bắt khám xét. Sau khi khám nhà và tịch thu toàn bộ sách vở, tài liệu, bố tôi bị đưa ngay vào giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà nội). Ðó là tháng 5, 1961. Kể từ ngày đó mãi cho tới thời gian chuẩn bị ký hiệp định Paris, tức là 12 năm sau, bố tôi mới được tha về nhà. Thời gian đầu bố tôi bị giam ở Hỏa lò, sau đó đưa lên Bất Bạt (Sơn Tây), rồi Yên Bình (Yên Bái), Phong quang (Lào cai).

Bố tôi bị bắt và giam giữ nhưng không có án mà gọi là đi tập trung cải tạo(....) Khi bố tôi mới bị giam giữ thì nghe nói thời hạn tập trung là ba năm, sau đó là sáu năm và chín năm hơn cũng chẳng thấy được tha về."(trang 18).

Qua lời chứng của Phùng Hà Thủ, chúng ta được biết, tháng 11 năm 1972, Phùng Cung được tha về cùng với hai người nữa là Ông Vũ Thế Hùng bên công giáo và ông Doãn tỉnh trưởng Vĩnh Yên cũ. Bài viết này làm lộ một số uẩn khúc trong cái án không có án của Phùng Cung   và làm sáng tỏ thái độ tư tưởng của Phùng Cung.

Tập thơ Trăng ngục biểu hiệu cho chiều hướng tư tưởng đối lập đầy chất bất khuất, tác phẩm chứa đựng những lời thơ mạnh, khẳng khái, "có chất thép", như những mũi dao nhọn đục thủng màng lưới bủa vây  nhà thơ, chọc thủng bức tường tù tội, để lộ diện con người tự do, sẵn sàng chịu trả giá cho hành động và tư tưởng của mình.

Vào đầu là bài Biển cả, làm tại trại biệt giam Bất Bạt năm 61. Nhà thơ ví chế độ cực quyền như biển:

Biển cả khoác triều phục đại dương

Hợm mình - uy nghi đồ sộ

Song đòi phen

Nghiêng ngửa- đáng thương (...)

Hỡi biển cả !

Diện tuy rộng

Nhưng thiếu những giác quan cần thiết

Lòng tuy xanh - sâu

Xanh sâu đầy mặn chát....

Nộ cuồng sóng vỗ

Trống trải bơ vơ

Chiều quả phụ

Bình minh vô vọng phương mờ...

Ôi! Bao yên lặng thanh cao

Ðều chìm

Trong thét gào man rợ...

Ðối diện với một thế quyền vũ bão như thế, con người là gì? Phùng Cung trả lời:

Biển cả mênh mông

Như biển cả

Trước mắt trẻ thơ

Mỗi tinh cầu

Chỉ là chấm nhỏ

Càng tối đen càng nhìn rõ xa xanh.

Lời thơ hào hùng bầy ra trước mắt chúng ta hai thực thể: một bên là cái thế quyền lồng lộng, khoác triều phục đại dương, mênh mông như biển cả, sẵn sàng vùi sâu mọi sinh linh, nhưng  trước mắt đứa bé, thế quyền lồng lộng ấy là gì?

-Chẳng là gì cả, nó chỉ là con số không, bởi vì, dưới mắt trẻ thơ: "mỗi tinh cầu chỉ là chấm nhỏ, càng tối đen, càng nhìn rõ xa xanh".

Và đối với người lớn - người lớn ở đây là những con người bất khuất, trải nhiều đau khổ, đã chịu những đè nén nhục nhằn, nhưng không hề quy phục -  thì họ làm gì?

 Thì nhắm mắt

Thì bưng tai

Nhưng phải đâu khiếp sợ

Chỉ điếc đui vừa đủ

Để làm ngơ.

Giọng thơ hào hùng, phù hợp với tinh thần kẻ sĩ của một thời, thời Nhân Văn Giai Phẩm, nay không còn nữa

 Bài Biển cả tung ra trên trang đầu tập thơ Trăng ngục như một thách đố đầy tính cách trí tuệ,   gói gọn triết lý tương đối và trung dung của tác giả, đòi hỏi sự hài hoà trong vũ trụ, đòi hỏi quyền sống cho những cái nhỏ, bên cạnh cái lớn, đòi hỏi sự bình đẳng không những về mặt chính trị văn hóa mà cả về thiên nhiên môi trường để cùng nhau hiện hữu.

Vẫn giọng hào hùng ấy, tiếng thơ không dứt được lãng mạn của tình riêng, bài Trăng ngục  chỉ có vài câu, nhưng đã tập trung tất cả những tái tê bất hạnh của người tù, tình tù mà chỉ có vầng trăng, chỉ còn vầng trăng, vầng trăng thay áo, vầng trăng là người bạn tri kỷ để nhà thơ tâm sự:

Trăng qua song sắt

Trăng thăm ngục

Bỗng ta chợt tỉnh- sững sờ

Trên vai áo tù

Trăng vá lụa

Ngày xưa ơi!

Xa mãi đến bao giờ...

Hình ảnh "trên vai áo tù trăng vá lụa" thật đẹp, thật êm ái, thật tri âm tri kỷ, đó là sự hài hoà giữa cái lớn và cái nhỏ, giữa xa và gần, người và trăng, biển và người như nhà thơ thầm ước,  trong bài biển cả, nhưng không thấy biển cả trả lời mà chỉ có vầng trăng đáp lại.

 

Phản chiến là tư tưởng chủ yếu trong tập Trăng ngục. Phản chiến toàn diện, bất cứ "thể loại chiến tranh" nào. Trong bài Gãi đất Phùng Cung gọi những  kẻ chủ trương chiến tranh là bọn:

Lái buôn binh lửa

Ôi! binh lửa triền miên

Tuổi trẻ gái- trai

Bị lôi đi- hết

Dờ dịt sức già gãi đất.

Chiến tranh nào cũng chôn hết những tài hoa anh hùng , chỉ để lại người già ngồi gãi đất.

 Bài Thu xa viết nên những lời tâm sự tha thiết của người chinh phụ trong chiến tranh, Thu xa  đẹp như một giấc mơ cổ điển của thời nay, với những yếu tố, vần điệu đầy những nét thơ mộng của thời xưa:

 Gió vàng đếm lá vàng rơi

Mười hai bến nước

Em ngồi quay xa

Xa quay gấp

Làn tơ vội đứt

Em nhủ lòng

Tơ đứt vì xa

Tơ vương vó ngựa quan hà

Xa in dấu ngựa

Canh gà gọi thu

Quan hà lộng gió chinh phu

Rừng thu tắm máu

Máu thu gội chiều

Tơ vàng nhỏ giọt lệ điều

Đăm đăm tay vẫn chiều chiều quay xa

Xa quay nhẹ

Làn tơ vẫn đứt

Em hỏi lòng

Tơ đứt vì đâu

Sông ngân lỡ bắc nhịp cầu

Mà người trần thế

Mang sầu thiên cung.

Có lẽ trong các thi sĩ Việt Nam, nhất là miền Bắc, chưa ai dám đả động đến "chính nghĩa của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc" như thế. Đó là một "chân lý tuyệt đối", đụng đến khói hương là trở thành "phản quốc", cho nên chưa ai dùng hoặc dám dùng những hình ảnh đẹp và khốc liệt như "Rừng thu tắm máu, máu thu gội chiều", để viết về một mùa thu như thế. Rồi tất cả những chữ khác như quay xa, tại sao nhà thơ lại viết "quay xa" mà không viết quay tơ, bởi vì chữ xa nhập nhoè nhiều ý nghĩa: xa vừa là bánh xe của guồng tơ guồng cửi, xa còn là bánh xe chiến tranh, chiến xa, xa còn là xa lià đứt đọan. Người chinh phụ thời mới này, không chỉ là nạn nhân của chiến tranh, chịu hậu quả của chiến tranh như những người chinh phụ thời xưa, mà chính nàng cũng góp phần vào bộ máy chiến tranh, nàng cũng quay bánh chiến xa,  nàng cũng "tắm máu rừng thu" như chồng. Đó là cái nhìn táo bạo và độc đáo của nhà thơ, người đã sáng suốt nhận thức được trách nhiệm mỗi cá nhân trong chiến tranh, nam cũng như nữ. Phùng Cung không chỉ dừng lại ở đấy, để truy lùng thủ phạm chiến tranh, ông còn đi sâu hơn, ông đã đụng đến cả những biểu tượng được tôn sùng nhất:

Cờ máu rợp trời

Lợm gíó!

Tiếng quốc thiều tăng âm

Cực đại thét gào

 ...."Thề phanh thây uống máu!..."

Ta lùng trong kho nhớ

Nhẩm biên niên sử

Xin hỏi loài người

Có quốc thiều nào man rợ thế không.

Bên cạnh những lời hỏi tội tầy đình như vậy, là những lời thơ trữ tình đẫm lệ, bài Quê hương, đưa ra một hình ảnh đất nước tang thương đầy máu và nước mắt:

Quê hương ơi!

Ðường quan lầy nước mắt

Ðiệu sáo hết du dương

Mây chìm

Gió ngủ (...)

Sông sâu bặt tiếng gọi đò

Chim hãy cùng ta

Gọi cành xanh ngóc dậy

Để một lần

Quê hương thấy lại quê hương

Ráng chiều ngụy tạo bình minh

Lá thuyền tình

Chỉ lênh đênh giữa dòng.

Trên mảnh đất quê hương này, dưới mắt nhà thơ, chiến tranh không chỉ là những tiếng thúc giục giã lên đường, không chỉ là những tiếng hô thắng trận, mà đằng sau tất cả những cờ xí rợp rã đó là bộ mặt kinh hoàng của thần chết:

"Phát lệnh chia bôi...

Ngọn gió giao liên

Gửi tiếng xa gần

Trống phát dẫn

Gia nô thần chết cầm dùi

Dấm dúi vùi nông

Chiều bạc mệnh

Khói hương ơi!

Ðền miếu tan rồi!...

Năm tận tháng cùng

Hòng hõng mong thư tuyến lửa".

Những hình ảnh chết chóc cứ sừng sững và rũ liệt đi vào lòng người đọc như thế. Những cái chết "không trẻ ", "không mới" như hình ảnh "người chết hai lần" của Trịnh Công Sơn (ra đời cùng thời với thơ Phùng Cung, nhưng ở phía Nam). Thơ Phùng cổ điển hơn lời ca của Trịnh, có lẽ vì Phùng lớn tuổi hơn, vì không cùng một hệ suy tưởng, cho nên thơ Phùng đạo đức "gia tiên" hơn nhạc Trịnh. Tuy cùng viết về một nỗi đau, nhưng Bắc Nam giọng điệu có khác, Phùng Cung viết:

Bấm dốt ngón tay (....)

Nhớ người thiên cổ

Cạn máu kho thiêng

Kho thiêng rạn vỡ

Tiếng gia tiên

Thổn thức dưới mồ

Những lúc chim về

Tím lịm chân mây

Ai liều tảo mộ chiều nay

Mà hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn.

Và để tạm biệt Phùng Cung, chúng tôi gửi đến các bạn bài thơ Vay tuổi, như một điếu văn những linh hồn trẻ đã mãi mãi nằm xuống, và cũng để khâm liệm tâm hồn những bà mẹ già trong đêm tối  bạc đầu vì nhớ thương, hương khói:

Con vừa mười sáu tuổi đời

Nửa đêm vay tuổi lấy người chiến tranh

Ðèn con tiễn đến cổng đình

Quay về hụt bước ngỡ mình chiêm bao

Khe Sanh- Dốc miếu là đâu

 Vắng con nhớ đến bạc đầu cô đơn

Máu chiều gội đỏ hoàng hôn

Nghiã trang mồ giả, nắm xương không mồ

Ðồng chiều gió tím mấp mô

 Nén hương đẹn khói, mấy mùa khóc vay.

Dưới mồ, dường như có tiếng Phùng Cung nhắn lại: thanh niên ơi! Đừng bao giờ chọn giải pháp chiến tranh cho đất nước này.

Thụy Khuê, tháng 3, 2004


 

© Copyright Thuy Khue 2004