Thụy Khuê

 
 
 

Phạm Thị Hoài, Chuyện Lão Tượng Phật Di Lặc Và Nàng Nậm Mây

 

Bạch Tuyết và Bẩy Chú Lùn của Jacob Grimm là chuyện nàng công chúa ngủ trong rừng. Pinocchio của Carlo Collodi là chuyện chú bé bằng gỗ. Hai nhân vật chính trong Chuyện Lão Tượng Phật Di Lặc Và Nàng Nậm Mây của Phạm Thị Hoài rất xa nhau mà cũng lại rất gần nhau vì cùng chung một biểu tượng: Biểu tượng của ngây thơ và trinh bạch trong tâm hồn: Nàng Nậm Mây là nậm rượu cổ, thuộc thế kỷ 16 và lão Di Lặc là tượng phật cười bằng gỗ xoan đực, cực quý.

Nậm Mây sinh vào thời buổi nhiễu nhương, dưới thời Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Diên Thành năm thứ ba, 1580. Nàng chắc thuộc vào dòng Bát Tràng đầu tiên, do hai người thợ đồ gốm gốc Thanh Hoá, đến lập lò nung ở Bát Tràng vào cuối đời nhà Mạc.

Còn Di Lặc, tiểu sử bí mật hơn, có thể là "con" của thiên tài họ Trương, tác giả pho tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay lừng danh của chùa Bút Tháp.

Chuyện Lão Tượng Phật Di Lặc Và Nàng Nậm Mây của Phạm Thị Hoài do nhà Văn Nghệ xuất bản năm 1999 tại Hoa Kỳ, thoạt tiên được viết với chủ ý như tác giả đề tặng cho con để đến bù "một chuyến đi chơi bị hoãn", mà thành ra viết cho trẻ con, cuối cùng trở thành chuyện cho những người trẻ từ 9 đến 99 tuổi. Một hậu ý như vậy chắc hẳn phải có Nguyễn Du đứng đằng sau gợi ý, bởi Kiều cũng là một nhân vật thoạt tiên chỉ ra đời với chủ đích "mua vui vài trống canh", rồi biến thành "bạn đường" của khắp thiên hạ: Kiều không những lọt vào mắt xanh của những kẻ biết chữ, mà nàng còn làm dâu những nhà không biết chữ, Kiều vừa để cho người bình dân ru con, vừa để cho người bác học ngẫm nghĩ những triết lý nhân sinh, vũ trụ. Chính ở điểm đó, Nậm Mây cùng duyên kiếp với Kiều.

Bởi Nậm Mây vừa là một truyện cổ tích cho trẻ con, mà lại hàm chứa nhiều ý nghĩa về thân phận con người như Kim Vân Kiều.

Như Kim Vân Kiều, nàng Nậm Mây của Phạm Thị Hoài đến với chúng ta từ những thế giới khác: Thế giới xa xưa. Nhưng nỗi cô đơn, lòng ngây thơ, trinh bạch, bị dày xéo trong một xã hội buôn nguời thời kỳ Minh Gia Tĩnh "bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng" của Kiều; hoặc ở thời kỳ hỗn độn ngầm cuối Mạc, hoặc thời kỳ ổn định chính trị, ổn định thị trường của chúng ta, là một: Cả ba đều có tính chất phẳng lặng và ổn định. Cả ba đều là đất kinh tài: Tú Bà thì lắm như rươi, Sở Khanh như khướu mà nhân tài thì rơi rụng như lá mùa thu. Nậm Mây, hậu thân của Thúy Kiều, là một thực tại văn học đầu thai dưới một căn cước khác.

Kiều sinh năm 1521 và mất năm 1566, dưới thới Minh Gia Tĩnh, được Thanh Tâm tài Nhân đỡ đầu vào văn học, rồi Nguyễn Du phục sinh và bất tử hóa.

Nàng Nậm Mây của Phạm Thị Hoài là một Pinocchio-Bạch Tuyết nước Việt, sinh đời Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Diên Thành năm thứ ba, 1580, do sinh đồ Đặng Huyền Thông tạo tác. Rồi đây không biết nàng có được "bất tử" hay không, đó là chuyện tương lai; nhưng cả hai cùng là sản phẩm Việt, cả hai cùng trôi nổi với niềm tin tuyệt đối vào nhà Phật.

Kiều, ba chìm bảy nổi cùng với Đức Phật hiện thân từ bi dưới hình bóng vãi Giác Duyên. Nậm Mây, cũng trôi nổi với Phật Di Lặc -một pho tượng Phật cười bằng gỗ, lý lịch không rõ ràng- cùng chung một số kiếp lưu đầy.

Điều khác nhau cơ bản là Đức Phật trong đời Kiều có khả năng cải tử hoàn sinh, toàn lực, toàn năng cứu nhân độ thế. Đó là Phật của thời Minh Gia Tĩnh thanh bình, của thời Nguyễn Du tao loạn cuối Lê đầu Nguyễn.

Nổi trôi đến thời hiện đại, Phật Di Lặc của nàng Nậm Mây hoàn toàn bất lực: Phật cũng phải ký giấy xin được tự do tôn giáo. Chính bản thân Phật còn bị chia đôi: đầu một nơi, thân một nẻo. Phật cũng bị bán đi, trao lại, cũng qua tay những phường buôn người. Rồi Phật phải lên đoạn đầu đài. Phật cứu mình chưa được, nói chi đến chuyện cứu nhân độ thế, khiến Nậm Mây phải ngậm ngùi thốt lên: "Trời cao, đấy dầy đâu mà nhà Phật ra nông nỗi này" (trang 55).

Di Lặc và Nậm Mây phiêu lưu, phiêu bạt, rất đời. Họ gặp nhau tình cờ ở nhà một tay buôn đồ cổ. Di Lặc không biết từ nơi nào đến, Nậm Mây được vớt lên từ đáy biển Quảng Ninh. Nàng là nạn nhân đầu tiên của những vụ buôn đồ cổ từ ta sang Nhật, từ thủa người Nhật còn gọi đồ gốm sản xuất ở nước ta là Kotchi (chữ Giao Chỉ viết thành tiếng Nhật). Và trong những vụ bán buôn này có một chiếc tàu Nhật bị đắm ở Quảng Ninh. Nậm Mây bị chìm xuống đáy biển cùng tầu. Rồi bốn, năm trăm năm sau mới được dân chài ở Quảng Ninh vớt lên, bán lại cho bọn buôn đồ cổ. Nậm Mây và Dị Lặc, tình cờ gặp nhau ở nhà tay buôn đồ cổ.

Kẻ buôn đồ cổ này thuộc loại Bạc Bà, Bạc Hạnh, cấu kết với một tay "nghệ nhân" thuộc phường Ưng Khuyển, chuyên làm đồ giả, chế tạo thêm hai Nậm Mây rởm, made in Khang Hy, buôn bán kiếm lời.

Tình cờ tai nạn Nậm Mây bị ngã, nứt cổ. Nhưng số nàng vẫn chưa hết sổ đoạn trường: Nậm Mây và Di Lặc lại sa cơ lọt vào tay một tên trộm. Thấy nàng nứt cổ, sợ bán chẳng ai mua, tên trộm bèn quẳng nàng vào bếp sống với bồ hóng. Nàng Công Chúa trở thành Cô Bé Lọ Lem.

Cuộc đời Nậm Mây và Di Lặc tiếp tục gian truân, cứ thế trôi đi, trôi mãi...

Rồi một ngày, Di Lặc tình cờ được hội hộ với Nậm Mây ở nhà ông Tri Kỷ. Tiếng Nhà Phật gọi là duyên. Đời tục lụy gọi là ngẫu nhiên, phi lý.

 

Duyên hay nợ thì đây cũng là cuộc phiêu lưu kỳ thú, xuyên thời gian của những đồ vật cổ.

Thế giới đồ vật, thông thường, không có tự do, vì không có hành động, bởi đồ vật không thể hành động, không biết tự di chuyển. Thế giới đó, hao hao giống một thế giới khác của sinh vật, trong đó con người không có quyền hành động theo ý mình.

Với một thế giới như thế, mọi hành động bắt buộc chỉ xảy ra trong ý tưởng, tức là tưởng tượng: thế giới tượng phật Di Lặc và Nàng Nậm Mây là một thế giới hoàn toàn tưởng tượng. Phạm Thị Hoài đã tìm được đôi đũa màu nhiệm, gõ vào những tĩnh vật như chân đèn, ống nhổ, vũ nữ Chàm... biến chúng thành những nhân vật. Chúng ta hãy đọc đoạn viết về thế giới đồ cổ đàn ông, hoàn toàn bị "rung động" trước sắc đẹp "quý tộc" khuynh thành của nàng Nậm Mây:

"Gã Chân Đèn trẻ tuổi, mở ngoặc là ba tháng nữa gã mới tròn sáu mươi, đóng ngoặc, bản tính bộp chộp, nóng nảy, lập tức vươn dài cái cổ là nguyên một con rồng uốn khúc, định rượt theo nàng. Anh chàng Lư Hương đạo mạo hơn thì thở hắt ra một luồng khói thơm còn sót lại từ đầu thế kỷ. Bác Sập Gụ, con người bằng phẳng khô ráo là thế, bỗng oằn lên một cái và đổ hai giọt mồ hôi trộm. Cậu nhóc Đỉnh Đồng non choẹt thì mặt mũi chuyển sang xanh rờn..." (trang 13-14). Và phản ứng mãnh liệt của thế giới đàn bà đối với sắc đẹp của NậmMây:

"Đầu tiên là mụ Mâm Bồng cho một cái nguýt chóng cả mặt, một cái nguýt ba trăm sáu mươi độ không sểnh độ nào. Rồi đến lượt cô đào Vũ Nữ Chàm, đương kim hoa hậu. Cô này đang bận cong tay và giơ chân... cũng liếc vội đối thủ mới, nên suýt ngã (...) Rồi bọn gái mới nổi tân thời Ấm Bát Tràng, ưỡn ngực, chun vòi, còn gọi là mũi, như sẵn sàng cho bà chị quý tộc một bài học thế nào là thờ đại chúng" (trang 14).

 

Phạm Thị Hoài đã tìm được cách đi về giữa hiện tại và quá khứ qua ngả hoạt họa của cổ vật và cũng là cách phá tan hàng rào giữa nhân vật và tĩnh vật để đưa đến thế giới tĩnh nhân. Trong không gian này, tất cả mọi ràng buộc đều trở nên vô nghĩa. Bởi cho dù có bị kết án chung thân trong im lặng, khả năng sống tĩnh vẫn cho phép con người sống đời thứ nhì, trong tư tưởng, trong tưởng tượng.

Xã hội đồ cổ là một xã hội tĩnh nhân, có ký ức văn hóa và có khả năng kéo dài đời sống hàng mấy trăm năm, mấy nghìn năm. Đồ cổ, gần với các vị thần linh, có thể trở thành bất tử, nhưng sợ và chờ một tại nạn: sự tình cờ, để xoay số kiếp.

Nàng Nậm Mây đã có tuổi thọ bốn, năm thế kỷ, nhưng chỉ một sự xúc động làm ngã, là mang thương tích trọn đời. Tượng phật Di Lặc, chỉ vì một tai biến hữu cơ phi lý, mà bị đứt đôi, đầu một nơi, thân một nẻo. Tính chất bất kỳ, tình cờ và phi lý nằm trong thân phận con người. Di Lặc, sau nhiều thăng trầm, đầu và thân phiêu du hai nẻo. Một hôm, cũng lại rất tình cờ đầu và thân được châu về hiệp phố. Tóm lại "của Di Lặc lại về Di Lặc", và đây là tâm cảm Di Lặc lúc gặp lại Di Lặc:

"Mới gặp lại nhau, tôi thật không tiện tra hỏi tấm thân mình, nhưng một năm qua nó sa vào môi trường nào mà giờ đây thành kẻ lạ? Nó có vẻ lạnh lùng mà cứng rắn (...) Từ bên trên, tôi kín đáo quan sát chiếc bụng. Bề ngoài nó không khác, vẫn vĩ đại như bao giờ. Nhưng tôi ngờ bên trong là một cảnh tượng khác. Tiếc rằng xưa nay người ta không tự đi guốc trong bụng mình để biết đầu cua tai nheo thế nào, thậm chí tôi chẳng biết những băn khoăn trong đầu mình có lan xuống bụng, hay giữa đôi bên có một giới tuyến chia cắt? Tình trạng mờ mịt về chính mình này thật khủng khiếp" (trang 67).

Ôi, cái tình cảnh trên đây của Di Lặc có khác gì tình cảnh của nước Việt bị xé đôi làm hai nước trong hai mươi năm. Rồi khi tình cờ được ráp lại với nhau, có người gọi là thống nhất, có người gọi là giải phóng, có người gọi là mất nước... thì mới thấy cái cảnh đầu cua tai nheo, bởi không biết hai chục năm qua, đầu và thân, chúng nó sa vào môi trường nào mà nay ráp lại, chúng thành hai kẻ xa lạ. Đúng là Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt.

Di Lặc đầu thai trong một nước Việt hiện đại Đầu Trương Ba Da Hàng Thịt, hoàn toàn bất lực không cứu nổi Nậm Mây và cũng không cứu nổi bản thân mình. Tại sao? Tại vì "xưa nay người ta không tự đi guốc vào bụng mình". Lời Di Lặc thật là chí lý.

Xưa nay, người ta, nhất là người nước ta, không quen và không thích tìm hiểu về mình, về cái thân thể và nhất là bản thể của mình. Ngược lại, còn có vẻ khinh thường cái tôi, cái cá nhân, cho đó là cái hèn mọn, không đáng nói và chỉ quen tìm hiểu và vinh thăng những điều cao cả, tức là những cái trừu tượng, những cái không thể sờ mó được. Do đó, người Việt phải trải cuộc sống ba chìm bảy nổi, hơn bốn, năm trăm năm qua: nhờ Nậm Mây và Di Lặc mới tìm được ít nhiều ánh sáng.

Thụy Khuê

2/10/1999


© 1995-2001 Thụy Khuê