Thụy Khuê

 

Thế giới trong bao của Tru Sa

  

Tru Sa sinh năm 1989[1] tại Hà Nội và sống tại Hà Nội. Bắt đầu viết văn từ năm 2010. Có bốn cuốn sách đã in: Hoá Trang (nxb Hội Nhà Văn, 2012) dưới tên Nguyễn Thanh Phong. Sách này bị tác giả cho là dở, bỏ, chỉ lấy lại hai truyện Đôi Cánh và Hoá Trang, đưa vào tập truyện thứ nhì Những Bình Minh vẫn ký tên Nguyễn Thanh Phong; sách chưa in, thì cuốn thứ ba, Ảo Giác Mù, viết năm 2014, ra mắt trước (nxb Hội Nhà Văn, 2016) với bút hiệu Tru Sa. Năm 2017, Những Bình Minh được nxb Hội Nhà Văn và Đông Tây phát hành và mấy tháng sau, tập Trăng Tang do nxb Hội Nhà Văn và Phương Nam in, dưới bút hiệu Tru Sa. Những truyện ngắn của Nguyễn Thanh Phong-Tru Sa đều đăng trên mạng Da Màu, từ cuối năm 2013 đến nay.

 

 

Trăng Tang Tru Sa

Tạ Duy Anh đã báo động trong bài tựa cuốn Trăng Tang (in năm 2017) rằng cuốn sách này khó nhai lắm, tất thẩy ai muốn "bập" vào, có thể bị bắn ra không thương tiếc.

Tôi thử "bập" vào hai chữ Trăng Tang, thoạt nhủ thầm: lại một hình ảnh siêu thực! Nhưng nghĩ kỹ hơn, không chỉ có thế: Trăng Tang là thứ chữ có cấu tạo đặc biệt như chữ Tru Sa vậy. Trước mắt, tôi chưa thể biết gì về hai từ bí mật Trăng TangTru Sa, mà chỉ đoán chúng gắn liền với nhau như một định mệnh. Muốn biết, phải "nhập" sách.

Ở truyện ngắn đầu tiên có tên rất thơ mộng Đôi mắt màu xanh dương, ta chạm vào chữ Moon, tên cô con gái: À, nàng cũng tên Trăng! Nhưng trăng này là trăng (tiếng) Anh. Moon trong truyện, là một đứa con gái lai Anh-Việt, nó bỏ Big Ben, về Văn Lang, tình cờ rơi vào trường trung học X "một ngôi trường nề nếp kỷ luật" ở ngoại ô, như trăm ngàn trường khác, trên vùng đất Tổ. Trường X có "một nhóm học sinh đã tự tử ở nhà kho", vì họ đã "quên béng" nội quy, nói đúng hơn, họ đã "làm bẩn" nội quy nhà trường. Vụ tự tử tập thể này được cô chủ nhiệm xác nhận là "một vết nhơ lớn của trường". Hôm đến viếng lũ trẻ tự tử, thầy hiệu trưởng đã phải hoá trước mỗi mộ của chúng một bản "nội quy chép tay, nét chữ ấn mạnh như muốn xuyên thủng trang giấy".

Tóm lại, con bé Moon với "đôi mắt màu xanh dương" rơi vào trường X như một mảnh trăng sa, nó có "khuôn mặt bầu bĩnh, đôi môi nhỏ nhắn, phơn phớt chút sắc hồng", và tất nhiên nó đã "dấy loạn" trong trường vì đôi mắt mầu xanh dương, ngoại lai ấy. Nhưng không chỉ có đôi mắt của Moon là đáng ngại (bởi nó xuyên suốt mọi hữu thể), Moon còn có tật bất trị muốn làm gì thì làm, phớt tỉnh bản nội quy dán ở góc lớp, ở khắp trường, nó bị phạt phải chép tay lại bản nội quy và đeo luôn bên mình, như bùa hộ mệnh, nhưng Moon vẫn mặc sai đồng phục và tiếp tục phạm cấm. Không những thế nó còn dụ khị được một số con trai theo. Nó phản đối cách dạy và tiếp tục khoắng, rốt cục nó bị kết tội chống đối giáo viên và tự ý về sớm. Một hôm nó nghỉ học. Số phận của Moon ra sao thì bạn đọc (thông minh hay không) cũng đoán ra rồi.

Nhập sách rồi, tôi mới quay về hai chữ Trăng Tang (in trên bià cuốn sách trong có truyện Đôi mắt màu xanh dương mà Tru Sa dúi vào tay tôi lần gặp đầu tiên và cho biết sách này cho không, không bán được) tôi mới tự hỏi: Vậy cái chết của Trăng đã được quyết định từ bao giờ? Nói đúng hơn: Trăng đã bị hành quyết tự bao giờ? khiến tác giả đã biết và đăng cáo phó ngay trên bìa cuốn truyện: dưới hai chữ Tru Sa là hai chữ Trăng Tang.

Chắc chắn kẻ chủ ý mở đầu cuốn sách (không bán được) này bằng việc vén màn lên sự tiêu diệt tất cả những gì đi ra ngoài lề, những gì phạm luật, kể cả vừng trăng, kẻ ấy phải có một cái tên phù hợp với chủ đề cuốn sách: diệt tất, diệt sạch. Kẻ đó phải có tên Tru Sa, mà tru ở đây, phải là diệt và sa là hạt cát: Vậy Tru Sa trong Trăng Tang viết về sự hủy diệt cả đến hạt cát.

Nhưng cái tên Tru Sa này, đã có trước tập Trăng Tang, có từ tập Ảo Giác Mù. Vậy Tru trong Ảo Giác Mù cũng là Tru trong Trăng Tang, nhưng ở một thời điểm khác: Thời Điểm Mù. Vì vậy, Tru trong Ảo Giác Mù, tạm gọi là Tru mù, liên quan tới bút hiệu đầu tiên: Nguyễn Thanh Phong, và tôi đoán chắc: tác giả đã cho Thanh Phong (gió xanh) chết để đầu thai thành Tru Sa (diệt cát).

Sự ra đời và cái chết của gió đã được tác giả thuật lại trong truyện ngắn mang tên Gió Tang, bằng những dòng bí mật gần như thần trú: "Tháng năm ngày thứ tám, trận gió tận của cúc vàng cúc trắng quất cỗ xe dát dày những tóc tươi xuống cõi hư minh ảo giác". Tuy vậy, tác giả lập lờ cho ta biết đại khái cốt truyện: Ngày 8 tháng 5 (năm 89?) trên một căn gác xép, trong một vòng tròn, có một đứa con so bị rạch rút khỏi bụng mẹ, rồi nó bị "cùm cứng bộ óc non". Đứa nhỏ không quyết định được sự chào đời, cũng không chống lại được cùm gông, nhưng nó có thể tự diệt trong một lần trở gió (hệt như Akutagawa đã từng biệt tích). Liên hệ những đầu mối văn tự và văn chương trên đây, ta có thể đi đến kết luận: Nhà văn Thanh Phong (gió xanh) tự hủy để khải sinh một cái tên mới, một ngôn ngữ mới: Tru Sa (diệt cát).

Vậy, Tru Sa trong Ảo Giác Mù là tiếng hú, tiếng tru của gió xanh (Thanh Phong) đang hấp hối sa xuống: đó là tiếng tru, bị sa xuống vực; tiếng hú tuyệt vọng, vô ích, không ai nghe, là cơn gió biếc chết đuối trong huyệt giếng: Gió chết để trăng mọc.

Nhưng đến tập Trăng Tang, trăng (Moon) cũng bị hành quyết nốt.

Toàn bộ truyện ngắn của Tru Sa không cho ta một niềm hy vọng nào.

Trên dưới 50 truyện, thẩy là những tiếng hú thất thanh, bị chìm, bị chết, tiếng hú sa xuống vực, với chủ đích vạch trần sự tiêu diệt những vừng trăng, những hạt cát dám chối bỏ cấm điều: Tác giả muốn vén màn lên tất cả những hình thức tiêu diệt tự do.

 

Trăng Tang, tập truyện thứ ba, tập hợp đầy đủ và hoàn chỉnh nhất những hình thức vén màn này: Tập đầu Những Bình Minh mới là những nét phác, tác giả khởi họa những đơn vị người, vật đầu tiên: tiếng chuông, nguơ, ngôi nhà hoang, lão già và ngọn lửa, chữ, luyến... là những "nhân vật" sẽ xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết tương lai. Ảo Giác Mù đạt tuổi thành niên, xác định nền móng tư tưởng. Và Trăng Tang hoàn thành một thế giới mới.

Trong cả ba tác phẩm, tác giả đều tìm cách phát quang, Sartre gọi là vén màn (dévoilement). Vén màn lên cái gì? Người ta hay nói: Tôi vén màn lên sự thực. Nhưng sự thực nào? Để thoát khỏi hiện thực cổ điển đã trọng tuổi, nhiều người lấy tưởng tượng như một hấp lực mới, đầy tính tự do, nhưng lắm khi họ bị trượt bước, rơi vào những loại hư cấu đầu Ngô mình Sở, không ăn nhập gì với sự thểcon người, hai yếu tố nền móng để xây dựng một tác phẩm, thoát khỏi hai yếu tố đó, tưởng tượng đồng nghiã với bịa đặt. Tru Sa là trường hợp đặc biệt, đã xây dựng thế giới nhân vật hoàn toàn bằng con đường tưởng tượng nhưng không theo một mốt thời thượng nào.

 

 

Máu mê như một cái mốt

Đã có một thời kỳ, máu mê trở thành cái mốt. Cái mốt này khởi đi từ Marquez, năm 1968, với Trăm năm hiu quạnh (Cent ans de solitude). Nhưng Marquez không đưa máu mê vào tác phẩm mà chơi. Ảnh hưởng từ siêu thực, ông muốn mở ra một thế giới mới mà tất cả đều khả thể, đều được phép, kể cả đầu người mình thú, mây nói, mèo cười, người có đuôi...

Marquez đã ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều ngòi bút trẻ, tiếc rằng họ mới chỉ bắt chước ông nhưng chưa tìm đến nguồn cội tưởng tượng của ông: sự tưởng tượng của Marquez bắt nguồn từ thực tế đẫm máu của lịch sử châu Mỹ La Tinh: sự diệt chủng. Người da trắng (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) cưỡng hiếp người da đỏ (Châu Mỹ) sinh ra những dân tộc Châu Mỹ La Tinh: những dân tộc căm thù cha ông đã cưỡng hiếp mẹ mình để đẻ ra mình. Macondo là ngôi làng tổng hợp trăm năm lịch sử máu mê tàn phũ ấy.

Khi dùng tưởng tượng, người cầm bút nên điều tra nguồn phát xuất. Bởi tưởng tượng chỉ có thể trụ lại như một giá trị, khi nó có nguồn, tức là nó phải có mẹ cha. Nếu từ trên trời rơi xuống, thì đó chỉ là bịa đặt. Sự khác nhau giữa tưởng tượngbịa đặt là ở đó.

Nếu một nhà văn Chàm, đi từ việc dân tộc mình hơn ba trăm trước bị người Việt đồng hoá để tưởng tượng, thì với tài năng, với sức lao động khảo sát lịch sử, có thể anh ta sẽ viết được một tác phẩm có giá trị. Nó sẽ khác hẳn những bài thơ Chế Lan Viên, giả Chàm, khóc rỏm dân Hời trong tập Điêu tàn. Nó sẽ khác hẳn bản luận án của một ông tiến sĩ người Chăm nào đó ở Pháp, lên án vua Minh Mạng đã "man rợ giết dân Chàm" (vì họ theo Lê Văn Duyệt) với "bằng chứng" là tấm hình chụp đầu lâu những người anh hùng Yên Thế bị chém, được thực dân in thành carte postale gửi về gia đình họ.

Nhiều người viết trẻ tưởng chiến tranh Việt Nam có thể làm nguồn sản xuất những máu mê rùng rợn. Thực ra mọi chuyện không dễ dàng như vậy: Họ không thể lấy chiến tranh làm nguồn cội cho tưởng tượng bởi vì họ không "biết" sự tàn ác của chiến tranh này. Lúc họ sinh ra, chiến tranh đã chết; vậy muốn biết, họ phải tìm hiểu, phải sống lại, phải đào sâu. Những tàn bạo trong sách hình, trên cinéma, qua internet, không thể "dùng" được, vì chúng chưa kinh qua cuộc sống thật, chúng chưa được nhào nặn trong lương tri con người, chúng mới chỉ là những cú đánh mạnh, gây sốc, để đạt đỉnh cao bạo lực là cái mà nhà văn muốn tố cáo. Nhưng ở đây có sự hiểu lầm trầm trọng: bởi nghệ thuật và tư tưởng đi ngược lại hành trình này. Nghệ thuật và tư tưởng là sự xuống dốc, xuống thang của những quá độ, tìm tới sự bình tĩnh, suy tư sâu lắng, có thể làm thay đổi xã hội và con người.

Tru Sa là một trong những nhà văn trẻ đang bước vào nghệ thuật và tư tưởng bằng những bước khác người. Chọn vén màn lên một thế giới trong bao bằng một nghệ thuật đa diện.

 

 

Thế giới trong bao

Ảnh hưởng đầu tiên là từ Tchekhov, điều này do chính Tru Sa viết qua email. Tôi chỉ hỏi: Tru Sa viết văn từ hồi nào, thì được trả lời: viết từ năm 2010, sau khi đọc một tập truyện ngắn của Tchekhov, và anh cho biết thêm, còn chịu ảnh hưởng của Kafka nữa.

Nhưng tôi nghĩ không chỉ có ảnh hưởng của hai người này: Thử "mổ bụng" một đứa nhỏ mỗi ngày nuốt chữ ngấu nghiến từ sáng đến tối, bạn có thể moi ra đủ thứ ảnh hưởng: Không khí mất tích trong Kafka. Lối văn một chữ, súc tích hai-ku Akutagawa. Thằng bé có tiếng hét chát chúa làm vỡ thủy tinh, lầu lầu kinh sử từ trong bụng mẹ, ba tuổi ngừng nhớn, trong Gunter Grass... Nhưng những kinh điển này không thể tạo ra một cõi viết, nếu người viết không xây dựng được một thế giới người và vật của riêng mình.

 

Thế giới riêng này phát sinh từ đứa bé họ Tru, surdoué (siêu thiên bẩm) từ trong bào thai. Thoát bụng mẹ, nó bị nhốt ngay trong vòng tròn, rồi bị cùm óc, nhưng nó vẫn sống, vẫn tiếp tục nhai chữ đầy bụng và viết chui những điều tổ tiên cấm tiệt. Nó mô tả cái thế giới khác thường mà nó sinh ra và lớn lên, nó dựng lại thế giới trong bao.

Lực đẩy của sức viết vô cùng sung mãn và đa dạng này đến từ một nhân vật của Tchekhov trong truyện ngắn Người trong bao[2]: Bièlikok là giáo sư tiếng Hy Lạp ở một trường trung học. Trừ con đường từ nhà đến trường, Bièlikok không ra ngoài bao giờ. Tất cả sinh hoạt của ông được gói trong bao: gọt bút chì cũng trong bao, mặt cũng giấu trong bao (mặc áo cổ cao), đeo kính đen, tai đút bông, đi xe kéo mui... Tóm lại, lúc nào cũng bọc mình trong một cái vỏ: tư tưởng cũng gói kỹ trong bao, nghiã là không phát biểu về bất cứ vấn đề gì, miễn làm sao để "không có gì xẩy ra (cho mình) cả" và đến khi chết, Bièlikok đạt lý tưởng: được đóng kín trong quan tài. Nhân vật Bièlikok, về phía Tây Âu, được đọc và hiểu như một con người cực kỳ ích kỷ, mũ ni che tai, sống không cần biết đến đồng loại, miễn sao mình được an toàn không bị dây dưa dính dáng đến bất cứ sự phiền toái nào. Nhưng về phiá Đông Âu, tác phẩm được giảng theo nghiã chính trị: Tchekhov muốn mô tả một con người, giữa làn sóng cách mạng đang nổi lên chống sự thống trị độc tài của Nga Hoàng, đã hoàn toàn ngoảnh mặt làm ngơ với sự tranh đấu của dân tộc, và đã chết trong sự thờ ơ, khinh bỉ của mọi người.

Dường như nghiã thứ hai đã được giảng dạy ở Việt Nam. Nhưng ở cậu bé sourdoué họ Tru, nó sẽ không khô cứng trong nghiã giáo khoa, mà được mở rộng, thậm chí họ Tru còn tạo ra một thế giới những kẻ sống trong bao, một thế giới bị bủa vây bởi một vòng tròn, mà các nhân vật không thoát ra được. Thế giới này được xây dựng từ những truyện ngắn đầu tiên trong tập Những Bình Minh, rồi phát triển trong Ảo Giác Mù và kiện toàn trong Trăng Tang.

Dù nhà văn có cao giọng: tôi viết (khó) như thế, ai đọc được thì đọc, ai không hiểu thây kệ; thì đó chỉ là một cách nói kiêu ngạo, bởi trong thâm tâm anh ta biết thừa rằng: nếu sách của anh không ai đọc, không ai hiểu, thì nó chưa phải là tác phẩm, nó chưa từng ra đời, nó mới là những nắm chữ nằm chết một xó. Cho nên, khi tuyên bố: kẻ nào không hiểu thây kệ, thì tình thực, dù viết khó hiểu thế nào, anh ta vẫn muốn cho một số người hiểu và vì thế anh ta bắt buộc phải có những chìa khoá giúp họ mở cửa vào tác phẩm.

Chìa khoá đầu tiên trong Trang Tang là ở câu này: "Một lũ Belicop! Chó chết cái thế hệ trong bao", do thầy giáo văn thốt lên. Câu này đối với người không đọc sách, chẳng có hiệu quả gì, họ đâu biết Belicop là ai? Nhưng với một kẻ có đọc sách ít nhiều, thế nào y chả thầm hỏi: Belicop là gì nhỉ? Vì thế, trang sau, tác giả bèn đưa ra ra chìa khoá thứ nhì: "Bài kiểm tra một tiết không rơi vào Tchekhov", thì ai cũng có thể đoán rằng Belicop là nhân vật của Tchekhov. Nhưng kẻ đọc sách chỉ ngừng sự hiểu biết ở đó, nếu y không tự hỏi tiếp: Tchekhov muốn nói gì qua nhân vật Belicop? Để trả lời câu hỏi này, y sẽ phải đọc Tchekhov, tìm truyện nào có tên nhân vật là Belicop (Bièlikok). Đọc xong y có hiểu ý nghiã không, lại là truyện khác. Nói tóm lại, có hai trường hợp:

- Nếu y không hiểu thì y vẫn không hiểu Tru Sa muốn nói gì: Chìa khoá Belicop không mở được cửa cho y vào tác phẩm.

- Nếu y hiểu, thì Belicop sẽ là một trong những chìa khoá mở cửa vào thế giới trong bao của Tru Sa.

Những tác phẩm có lối viết cần chìa khoá để mở như thế, được Eco đặt tên là tác phẩm mở.

 

Như tất cả các nhà văn chịu ảnh hưởng một nhà văn đi trước, Tru Sa dùng chữ bao của Tchekhov trong một dụng ý khác. Nếu Tchekhov dùng bao để mô tả cá tính Belicop tự khép mình, thì Tru Sa dùng bao để chỉ một xã hội khép kín. Các truyện ngắn của Tru Sa hầu như đều để khắc họa chân dung người và vật trong cái xã hội niêm phong ấy.

Bắt đầu bằng ngôi trường trung học X, mà cô bé Moon, vừng trăng đầu tiên sa vào. Con bé dại dột. Trăng sa cố vùng vẫy, cố dấy loạn, cố thoát, cuối cùng trăng kiệt sức, thiếu dưỡng khí, không bệnh, nó chết ngộp trong bao. Các bạn nó đều là Belicop. Tôi, kẻ kể chuyện, yêu Moon tha thiết, nhưng đã không dám nhận cái hôn giã từ của nó, y đã thôi viết tên nó, y đã xé ảnh nó, y đã xé nhật ký... y cũng là hiện thân của Belicop, y không muốn liên hệ, chỉ muốn được hai chữ bình yên, cuối cùng y chỉ biết sám hối trong đầu: Tôi đã bỏ lỡ nụ hôn đầu... bỏ viết tên em, tôi gây uế bầu trời xanh, làm hỏng mầu mắt, tôi giết em rồi, Moon ơi...

Bản tình ca Đôi mắt màu xanh dương không lâm ly, không bi đát, không nước mắt, tất cả đều thầm lặng rơi vào trong, trong đầu của những kẻ còn sống, có tôi, kẻ đang đọc truyện này.

Với Moon, Tru Sa đã tạo được nhân vật lớn đầu tiên trong đời.

 

Ngôi trường X sẽ là cơ sở nền móng, đào tạo những nhân vật, đồ vật, thành viên của xã hội trong bao ấy. Ở đây, Tru Sa cho người thầy đầu tiên Tchekhov giao thoa với người thầy thứ nhì Kafka, để tạo ra thế giới phong bao của chính mình: Ngưới đứng cổng, truyện ngắn thứ nhì trong tập Trăng Tang, viết theo lời kể của một người bảo vệ, có nhiệm vụ đứng canh trước một Toà kiến trúc, một công trình lớn, tầm vóc và quy mô như lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng. Toà kiến trúc tọa lạc trong một khu vực có cổng chính bằng thép, với người bảo vệ to như hộ pháp án ngữ, y được trang bị đủ loại vũ khí để đối phó với những kẻ có ý định xâm nhập. Y đứng trấn ngang, không cho ai vượt cổng. Những kẻ lăm le xông vào đều bị y đánh nát bấy, xác nằm la liệt dưới chân y. Nhưng quyền của y dừng lại ở đó, vì chính y cũng không được vượt cổng vào Toà. Những kẻ làm việc trong Toà tất cả đều mặc một bộ đồ kín mít, khăn quấn cao cổ, chặt đến nghẹt thở, nhưng không ai dám nới ra, khăn càng cao, chức càng lớn, có người dùng vải che mặt, có người đeo kính đen, có người đội mũ gắn liền cổ áo, khó phân biệt người này với người kia.

Một hôm, có kẻ đi xe lăn, mặt lở lói đầy sẹo, nhất quyết xin vào đệ đạt một cái hộp lên tầng cao nhất của Toà. Bị Người đứng cổng chặn lại, "liệt sĩ xe lăn" vẫn cố nài nỉ. Một vị chức sắc trong Toà ra nhận hộp, nhưng nhất định không cho vào. Người đứng cổng động lòng trắc ẩn, cao hứng phát biểu: Cửa xây để mở, toà kiến trúc xây để vào. Y bị cảnh cáo tức thì: "Về chỗ, thằng Cổng!" Nóng máu, y rút súng, nhưng chưa kịp bóp còi thì súng đã nhão ra, hệt như trong phim trinh thám giả tưởng, thân thể y cũng tóp teo, lún dần xuống đất, y cố sức bình sinh hét lên một tiếng, nhưng tiếng tắc ngẹn trong cổ họng, "vì miệng tôi đã bị chính tay tôi bịt lại. Tay còn lại bóp lấy cuống họng tôi"[3].

Không chút máu mê, chém chặt, nhưng truyện này vẫn khốc liệt, tạo được không khí nghẹt thở của những kẻ tự bịt miệng, sống với cái bao nylon tự mình chụp sẵn trên đầu. Kỹ thuật tạo không khí, kỹ thuật làm sợ này, không đến từ sự mô tả các chi tiết vấy máu, mà đến từ sự thay đổi vai trò giữa người và vật: những người ở trong Toà nhà, biểu dương thế quyền, đã mất nhân tính biến thành rô-bô. Còn người gác cổng chỉ có nhiệm vụ làm rô-bô lại muốn trở thành người với lòng trắc ẩn. Tru Sa đã tạo một thế giới lật ngược mà người trở thành vật và vật trở thành người.

 

Sự cấu tạo người và vật của thế giới trong bao

Với Trăng Tang, Tru Sa không chỉ dựng lại một thế giới trong bao, mà anh còn phát triển cách mô tả mới thế giới này (đã có từ những truyện ngắn đầu tay): thay vì người luôn luôn là nhân vật chính, thì ở đây Tru Sa cho "các thứ khác" thay phiên nhau làm nhân vật chính trong một truyện.

Thí dụ trong truyện Bức tượng, thì bức tượng là "nhân vật" chính, đúng hơn bức tượng là "vật chính". Truyện này hoàn toàn không có "nhân" (người), người bị giáng xuống hàng "vật", trở thành vật, như sự vật, đồ vật, nghiã là người bị giáng xuống hàng thứ yếu, bị coi như cây cỏ, gió, mây, không có vai trò gì cả. Bức tượng đá kể chuyện mình, kể những thăng trầm trong cuộc đời mình, chủ yếu là tham vọng được thăng hoa: từ chân núi, y muốn leo lên đỉnh núi, là đá, y muốn hoá vàng. Những ao ước của y đều được Thượng đế cho toại nguyện. Nhưng khi đạt đỉnh cao nhất, từ đấy nhìn xuống, y không thấy gì cả, và cũng chả ai nhìn thấy y, kể cả mây gió, cũng đã bỏ đi... Y tự giết mình trong cái thế chóp bu như thế.

Cái giếng trong truyện Giếng lại là một "nhân vật" quái gở khác: "Giếng chôn trong khuôn viên trường nội trú. Năm tháng tàn mục, giếng rêu phong, hoang hoá như một phế tích cổ"[4]. Tác giả mở đầu, giới thiệu căn cước giếng bằng những chữ "chôn, khuôn viên, nội trú", là đã có ý đóng vòng, tạo cảm giác quây. Tiếp đến, những chữ tàn mục, rêu phong, hoang hoá, phế tích bồi thêm không khí hoang vu ma quái. Cả cái trường nội trú này, cũng lại có cấu trúc đặc biệt, rất "lò thiêu": "tường vôi trường tróc tan nát. Gạch đỏ lở hết. Chỗ tróc mảng to như phần thịt chảy máu."[5]. Trường này có bốn dãy nhà A, B, C, D bao quanh cái giếng, mà "toàn bộ cửa sổ đều đóng chặt". Tóm lại, ta có thể thấy: quanh giếng đã là một cấu trúc quy mô, chặt chẽ, kiểu vòng trong, vòng ngoài. Mà bản thân giếng lại tròn. Cho nên, ai rơi vào giếng là mất tích đã hẳn, mà bơi trong đó cũng là bơi tròn không lối thoát.

Nói khác đi, Giếng của Tru Sa là một thế giới phong bao toàn diện. Giếng có khả năng thu hút một cách liêu trai ma mị. Người ta đồn đại về nó, tìm hiểu những bí mật của nó, trai gái đêm khuya hẹn nhau bên bờ giếng... Nhưng bí mật ghê gớm nhất là sự mất tích: ai là thủ phạm những vụ mất tích trong làng, có phải giếng chăng? Một câu hỏi rất Kafka, không lời đáp.

Nhân vật quái gở thứ ba, trong thế giới phong bao này là một ông già sắp chết, trong truyện ngắn "Thầm". Tru Sa có cái lối đặt tên truyện một chữ, kiệm lời, rất Nhật, như để thách đố độc giả và có lẽ cũng để loại những phần tử không thông minh. Ông già chín chín tuổi ở trong tình trạng cây cỏ rồi, không biết gì nữa, ông đang từ "nhân" chuyển dần sang "vật". Đây là một trong những chủ đề rất thành công của Tru Sa, từ truyện Suỵt trong Ảo Giác Mù đến truyện Thầm trong Trăng Tang. Bút pháp lướt trên sự tàn ác, ô uế, đạo đức giả, trong một gia đình thối rữa, nhưng đã được phong bao, gói kín, cấm nói, suỵt suỵt... truyền từ đời ông đến đời cháu, lạnh như tiền, không một dấu vết từ tâm: Tất cả bi kịch xẩy ra trong chữ thầm, chữ suỵt như thầm kín, thầm lặng, im, sụyt, im bặt, cấm tiệt...

Truyện ngắn Đâu, mở vào thế giới Kafka thực thụ của sự mất tích: Đâu là vai chính trong truyện. Đâu trích từ những câu hỏi: Nó đâu? Ở đâu? Đâu ấy? Đâu rồi?... mỗi khi thấy thiếu một người, một căn nhà... là người ta hỏi Đâu? Mà lâu lâu lại xẩy ra: Người đàn ông đầu bạc (giáo dân hay tin lành), đâu? Ông giảng viên, lúc kết thúc bài giảng, nói gì gì đấy, đâu? Cô giáo dạy sử ấy, nói gì, đâu? Bà cụ hôm trước còn gánh rau ra chợ, hôm nay đâu? Căn nhà số 9 vẫn nằm chình ình ra đó, hôm nay, đâu?...

Chỉ với một chữ đâu, Tru Sa, đã tạo được không khí khủng hoảng của sự biến mất: những kẻ sống trong không gian ấy, bị hoảng loạn, mẹ gọi con, vợ gọi chồng... Đâu đâu cũng gọi, cũng hỏi: đâu? Chữ đâu có lẽ còn khủng khiếp hơn chữ thầm, chữ suỵt, bởi thầmkhẽ là có biết, suỵt là biết mà cấm nói, còn đâu thì tuyệt đối không biết, là mất tích.

Cú ngã viết truyện một gã trong đầu luôn luôn "ngập ngụa hình ảnh tưởng tượng", nông nỗi bắt đầu từ lúc sáu tuổi, gã bị ngã cầu thang: bởi gã chỉ biết leo lên mà không biết leo xuống. Từ bé gã đã vẽ những bức tranh nhem nhuốc, chẳng có nghiã lý gì, thứ mà mọi người chỉ vứt vào sọt rác. Được nhào nặn trong lò đúc tạo nhi đồng: nát bét, gã tự than. Cũng chẳng oan gì, bởi chả bao giờ gã được bằng khen cháu ngoan, lại thường xuyên không đeo khăn quàng đỏ, là bởi vụng về không biết thắt nút, đến nỗi có lần thắt lấy lại kéo nhầm nút thành thắt cổ, suýt chết. Một hôm gã lỡ làm bẩn khăn, cô giáo đay nghiến: khăn là màu cờ, làm bẩn khăn là trét bùn lên Tổ quốc. Bắn bỏ mày. Bài văn tả cô giáo, cả lớp tả một tiên nữ, chỉ mình gã tả cô có bộ mặt choắt, tai dơi, lúc nổi nóng lấy phấn ném như quăng lựu đạn.[6] Dĩ nhiên gã trở thành đại họa cho gia đình, cha chửi: Đồ quái thai. Tranh của gã bị xé, nát bét, xác nổi lềnh phềnh như những tử thi trong cống gia đình. Hôm ấy gã leo lên tầng thượng. Có tiếng niêm phong nhà. Có tiếng vấp ngã. Nhưng cả gia đình đã dọn đi, không ai để ý đến thân phận một quái thai.

Tàn qua là một truyện ngắn mà mùi là vai chính. Kẻ xưng tôi kể chuyện hắn làm gì cũng ngửi thấy cái mùi. Mùi này không phải là mùi thân thể hắn, không phải mùi toa-lét chưa giật nước, hay mùi ẩm mốc rêu phong... tóm lại, mùi này không phải bất cứ mùi nào "hiện hữu". Mùi này áp đảo hắn dù hắn đứng, ngồi, ăn, ngủ...

Tôi, kẻ đang viết bài này, cũng đã từng có một kinh nghiệm tương tự, khi một người thân bị nạn: bà cụ ở trong căn hộ có một mình, cụ bị ngã, trong hơn ba ngày đêm, không ai đến thăm, cụ không nhích dậy được. Vệ sinh cụ làm tại chỗ, cả thổ mửa. Khi tôi đến, mở được cửa vào, thì cụ đã gần xỉu vì kiệt sức. Cụ được cấp cứu và hồi sinh. Nhưng tối hôm đó và nhiều đêm sau, dù ngủ ở nhà mình, tôi vẫn không nhắm mắt được vì cái mùi nồng lên mũi. Phải nhiều thời gian sau, tôi mới tôi hiểu ra rằng: cái mùi này, nó không còn ở mũi, mà nó đã trôi vào trong, leo lên óc, trú chặt ở não thuỳ rồi. Cái mà tôi ngửi, không từ khứu giác mà từ não trạng phát ra.

Vậy cái mùi trong truyện Tàn Qua của Tru Sa, chính là thứ mùi đó. Tôi hiểu nhân vật xưng tôi trong truyện muốn nói gì. Càng hiểu càng hoảng, bởi cái mùi vây bủa hắn, không chỉ là mùi xú uế thông thường, mà nó đặc biệt, nó toàn diện, nó ô hợp, nó cộng hưởng: mùi xương cốt bốc mộ, mùi người vượt biển rên rỉ lúc thuyền chìm, mùi ông chú đột ngột mất tiếng, miệng ú ớ "Chữ Mẹ Việt đi từ cuống tim chú và gãy nhừ trong họng để rồi yếu ớt trôi ra dưới hình dạng lủn mủn của xương sọ bị đập vỡ bằng búa tạ"[7] mùi Nhà Vòng, buồng thờ tổ nhà họ Tru, nơi "hai đằng nội ngoại tập trung trong một gian thờ. Ảnh xếp lên ảnh. Đầu chồng lên đầu"[8], nơi cụ Lớn ngụ trên chóp đỉnh. Ở đây "mùi đổ dồn từ mọi phiá", mùi chồng chất "tầng tầng lớp lớp". Và hắn, sinh vật duy nhất còn thoi thóp trong Nhà Vòng, đang đánh vật với cái mùi tổ tông, di sản...

 

Chưa thoát khỏi cái mùi, bạn lại đụng phải con So, là con mèo, nhân vật chính trong truyện So. Tên So được chép với chữ o có chấm đen bên trong, như chữ Sọ nhưng dấu nặng bị đánh nhầm vào bụng chữ o.

Con So tự đến với chàng, chính nó chấm chàng. Chàng nuôi, nhưng dần dần nó lên làm chủ. So có một nhan sắc satan : "Mắt So không tròn mà kéo sắc cạnh, nhọn về phiá đuôi mắt. Từ hai hốc uốn như đường nứt vùng đất hạn, chiếu ra luồng xanh xẻ đôi bóng tối"[9].

Con So không thích ăn dưới đất. Nó ăn trên bàn. Nó ngoạm một miếng thịt rồi nhẩy tót lên nóc tủ. Chàng không thể chạm vào người nó vì nó vuột rất nhanh, nhưng nó càng vuột, chàng càng mê, tìm cách lấp liếm tất cả những thành tích đẫm máu của nó. Nó xác định vị trí cao hơn chàng. So xử trảm lũ chuột một cách man rợ: "... những cái đầu chuột nát nhừ, bầm giập máu... Nhiều lúc So còn ngoạm đứt cổ con chuột, nhằn nát rổi nhổ ra. Mắt chuột nhìn chàng khẩn xin một giọt xót thương. Chàng sợ những ánh mắt gần kề hấp hối. Thay vì khóc tang cho chuột, chàng ném nó cho So. Chờ khi pháp trường ráo máu, chàng sẽ quay đầu khỏi bức tường. Sau khi liếm vuốt, So bỏ đi còn chàng len lén phi tang thứ chiến lợi phẩm bốc mùi ra khỏi nhà"[10].

Chàng vừa yêu So vừa sợ So. Trong đêm tối chàng mù đường, nhưng mắt So "sáng rực như ngọn đăng biển". Chàng cũng thừa biết: "Đêm tối là lãnh thổ của loài mèo. Chỉ khi mặt trời chết đuối dưới thung lũng, điều tiềm ẩn trong loài thú lông tinh quái này mới cuộn trào (...) Nếu mặt trời rụng xuống cùng các anh em của mình, dòng tộc của So sẽ lên làm bá chủ". Và chàng đã nghĩ đến "một thời kỳ đảo ngược, khi loài mèo được rắn dẫn đường trí tuệ và đảo chính, tống loài người vào kiếp nô lệ"[11].

Biết trước nguy cơ đảo chính có thể xẩy ra, chàng đã khoá hết cửa, nhưng So vẫn chui được ra ngoài và tự do hành sự. Nhiều hung tin bay đến: Một con thú sát hại tất cả các loại thú nuôi. Một đứa bé trai mới đẻ bị gặm mất hạ bộ... Dần dần, lũ chuột bị dọn sách. Hết chuột đến gián, khiến bọn sống sót phải di tản sang xứ người. So truy quét lân bang, tiêu diệt tất cả những loại thú nuôi trong nhà: hamster, thỏ, mèo, chó... đều bị nó cắn chết. So hoạt động trong bí mật, không trả lời về những thành tích tha về và chàng thường nhắm mắt, bịt tai, âm thầm thủ tiêu những chiến tích của nó, tịnh không "dám" nghi ngờ. Đến cả cái bàn viết của chàng cũng bị So đào xới, lấy chỗ tiểu tiện, đại tiện.

Trước sự tác quái của So, lão hàng xóm già, có khuôn mặt cháy khét bởi lửa chiến trường vác khẩu AK47 đi tiễu giặc. Lão bước hụt cầu thang. Chết tốt. Miệng ú ớ trối trăng gì đó. So trấn trên ngực. So lại đại thắng.

Còn chàng, chàng vẫn đóng cửa chịu trận, nhưng "chàng không viết được gì. Những chữ cắm xuống mặt giấy nổi gồ và mảnh khảnh lông lá. Bút rỉ nước đái mèo. Bàn viết ướt nhẹp, mọi giấy tờ tan nát."[12]

Cứ như thế, cho đến khi người ta dỡ tường vào, tìm thấy nhiều thư từ viết tay... trên mặt giấy bám những dị vật tưởng là lông, nhưng xét kỹ ADN đó là những... sợi tóc.[13]

Tóc ai? Ngoài Chàng?

Chàng đã tiêu ma trong tay So chăng? Chắc thế. Bởi chàng nuôi Satan thì ắt chuốc họa quỷ. Nhưng hệ quả So chưa hết: Xã hội do So lập nên sau khi cướp chính quyền và triệt hạ tất cả các thế lực khác, kể cả kẻ nuôi dưỡng nó, là một xã hội mọc lông.

Sau So, còn có ba truyện ngắn nữa, nhưng vì lý do sách dài quá, nên khi in đã bị bỏ đi.

 

Truyện thứ nhất Cuộc Tắm Cạo Lông, viết về một cộng đồng bị lông hoá "trên người họ rất nhiều lông... dày lớp lớp như cánh rừng nguyên sinh". Người người đều mọc lông trong đêm. Sáng sớm họ phải tắm tập thể cùng lúc, cùng giờ, dùng vòi nước kỳ cọ cho hết lớp lông thú, để trước khi ra ngoài hiện diện trước công chúng, lông được cạo nhẵn nhụi. Họ sẽ tươm tất, bóng loáng vẻ trí thức. Nhưng ta cũng có thể hiểu việc mọc lông như việc trở về nguồn. Đêm đêm con người trở về nguồn, trở về với chân diện trần trụi lông lá của mình, nhưng ban ngày họ phải kỳ cọ, bỏ cái bản lai ấy đi, để nhận một bộ mặt mới, trí thức hơn.

 

Truyện thứ nhì, Dơi Cú viết về một hiện tượng thiên văn lạ đời, ít khi xẩy ra: Dơi Cú ăn trăng. Cứ những đêm trăng tròn làm chủ bầu trời bằng thứ ánh sáng trắng thì Dơi Cú đến: nó xơi trọn cả vừng trăng vằng vặc, biến bầu trời thành đen kịt. Dơi Cú có vị thế rất đặc biệt, lúc thì đứng trên Thánh Giá, khi thì mài móng trên tượng đài lãnh tụ. Để tổ chức cuộc cướp chính quyền của vầng trăng, Dơi Cú hành sự có lớp lang như sau: Cái mỏ Dơi Cú mổ, ăn các vì sao, liếm đi mọi tinh tú, uống cạn dải ngân hà để vũ trụ trơ trọi chỉ còn mặt trăng sáng rực bá quyền. Sau đó, Dơi Cú thủ tiêu trăng và lên ngôi cai trị bầu trời.

Một kẻ xưng tôi, muốn chống lại, Dơi Cú bổ mỏ xuống. Cuống tim tôi bị cắt lià trong tiếng kéo cắt giấy ngọt lịm. Trước lúc quả tim nóng bị nhổ lên, trôi thẳng vào bụng Dơi Cú, tôi vươn mình. Đôi tay tôi bóp cổ Dơi Cú..." Nhưng rồi tôi cũng thất bại.

 

Và truyện thứ ba, Vật Choàng, viết về một thế giới bị bóng đêm phủ choàng lên tất cả (sau khi Dơi Cú toàn thắng): "Khi nắng xuống mồ cùng mặt trời, bóng đêm kéo đến và phủ vùi bất cứ nơi nào không chịu thắp lửa".

Đúng lúc "tận thế" ấy, lại có một kẻ, xưng tôi, muốn kéo sập bóng đêm. Không được. Hắn muốn xé đêm ra từng mảnh. Cũng không được. Hắn bèn quyết định không ngủ để gác cho đèn khỏi tắt. Cuối cùng hắn vẫn bị đêm xâm lấn. Hắn biến thành đêm. Hắn bèn cấu xé con đêm trong hắn. Hắn ăn đêm. Hắn nhai hắn...

Ba truyện dị kỳ này có vị trí cốt yếu đối với lịch sử hình thành xã hội trong bao. Để riêng ra sẽ càng khó hiểu và mất nghiã. Vậy nếu tái bản Trăng Tang, hay in sách khác của Tru Sa, xin chớ bỏ qua.

 

Căn phòng và những người gù, là truyện ngắn chót trong tập sách Trăng Tang quái gở này. Ở đây, vai chính là con đườngcăn phòng, được mô tả như sau: "Đường dài. Sâu hút. Chưa thấy lối. Cả con đường lẫn cánh cửa dẫn vào căn phòng đều được bao bọc bởi tường đá. Vách tường hai bên dày và kiên cố. Trần được xây rất cao" [14].

Tác giả vẫn dùng kiến trúc giao thoa giữa baotường. Nhưng ở đây có thêm chuyển động nữa: Một đại lộ thênh thang sâu hút đến vô tận nối với một căn phòng trần cao không thấy đỉnh trong đó có một bọn người thênh thang đi ngang dọc, zigzag, hồ hởi thở hít khí trời. Nhưng rồi đại lộ dần dần hẹp lại, đám người phải xếp hàng dọc, bọn trước đi rất nhanh, để hắn, kẻ xưng tôi, kẹt lại phiá sau, một mình. Cuối cùng hắn cũng đến được căn phòng trần cao... Nhưng bốn bức tường của căn phòng từ từ dịch lại, trần nhà thấp dần xuống, hắn phải cúi xuống, cúi xuống mãi, cuối cùng hắn trở thành... người gù.

Tôi nhớ đến hai câu thơ Văn Cao:

"Cái bức tường lê từng bước một

Đến gần chân chúng tôi hàng ngày"

Phải trải ba mươi năm sa mạc, Văn Cao mới làm được câu thơ như thế. Hậu bối Tru Sa sanh năm 89, làm sao biết chuyện tường lui, anh nói: Tôi nghĩ rằng mỗi người khi sinh ra đã gánh trong mình một phần ký ức của lịch sử (bià sau Trăng Tang). Còn tôi, người đọc, tôi cho rằng Tru Sa là thứ surdoué, hoặc một kẻ đã sống nhiều đời trước khi ra đời.

 

Đến đây, ta cần phải trở lại với "nhân vật" chính trong truyện Khải Tritáo. Bởi vì Táo là một trong những đầu mối của thế giới phong bao, nói khác đi táo là nguồn dinh dưỡng các sự kiện xẩy ra trong thế giới phong bao này.

Thủa nhỏ, ai mà chả sợ ăn quả nuốt hột thì cây sẽ mọc trong bụng, cành lá lòi ra miệng? Đấy là cái sợ nguyên khởi. Nhưng cây táo trong truyện Khải Tri không phải táo ta, màu xanh chanh vô hại, mà là thứ táo Tây nhập cảng, đã được bồi dưỡng bắng đủ thứ truyền thuyết Tây phương: đại loại như táo là trái cấm, trên thiên đường Adam lấy trộm cho Eve ăn, nên cả hai bị đầy xuống trần... hay táo của mụ phù thủy tẩm thuốc độc, lén cho Bạch Tuyết ăn, Bạch Tuyết chết giấc, ngủ một trăm năm, v.v... Thứ táo Tây này màu đỏ tươi, thắm như môi nàng Bạch Tuyết. Chính cái màu đỏ ấy mới quyến rũ, chết người.

Truyện Khải Tri viết về một xứ đã rinh thứ táo Tây, màu đỏ này về trồng mà không biết, họ nuôi cho nó lớn, họ gây giống, gieo hạt khắp nơi. Nhân dân nước này chế biến đồ ăn, đồ mặc toàn độc một vị táo: "Cơm vị táo, bánh táo, súp táo, sữa bột hương táo, nước ép táo, bánh bao nhân táo, cháo quảy vị táo, rồi thì hàng loạt những vật dụng cá nhân từ cái áo, cái quần, lược, bàn chải, dầu gội, sữa tắm, được làm từ quả, vỏ và gỗ cây táo. Chúng tôi xây nhà bằng gỗ cây táo và đóng quan tài cũng bằng gỗ cây táo. Thị trấn được rào quanh bởi một dãy táo trồng san sát theo kiểu hàng rào vòng tròn"[15].

Tóm lại, một nước táo, một dân tộc táo. Nhà nước táo bắt đầu phát triển từ khi vị táo trưởng lão, tức Táo Cụ, còn được gọi là Ông Cả được rước về trồng trong Nhà Vòng. (Sau này ta sẽ biết rõ hơn về Nhà Vòng). Táo Cụ hay Ông Cả bao trùm bầu trời bằng lớp lá cây rậm rạp không ngừng phát triển, khiến bầu trời thị trấn hoá đen ngày cũng như đêm toàn phải bật đèn. Nguồn sống ở nước này được duy trì nhờ món táo. Ăn táo xong, sẽ thở ra mùi thơm. Ợ cũng thơm tợ như được ăn lại lần nữa... Có năm hạn hán, Táo Cụ không sai quả, nạn đói lan tràn; nhưng cũng không thể làm khác, vì nhân dân đã ăn quen món táo, nên cứ nuốt thứ khác vào là mửa thốc mửa tháo, chưa kể kẻ nào ăn món ngoại, còn phải xưng tội ở Nhà Vòng. Có kẻ muốn bỏ món táo, cũng bị chết. Đặc điểm của thị trấn này là thường xuyên có người mất tích, nhưng đây có cái lạ là mỗi người mất tích lại mọc lên một cây táo. Do đó ta có thể suy ra rằng nhân sự táo dần dần thay thế nhân sự người. Một kẻ bảo: chúng ta là những côn trùng cộng sinh. Cuối cùng việc gì phải đến đã đến: sau bữa đại tiệc, táo dân mắc chứng điên dại, trở lại thời hồng hoang, trần truồng uốn éo trong một vũ điệu man sơ, tìm nhau mở cửa Thiên Đường. Còn Ông Cả như con bạch tuộc già hấp hối trong Nhà Vòng. Táo dân đã khải tri quá trễ về việc chỉ ăn độc một món. Thương thay!

Tuy vậy, táo vẫn chưa phải là nguyên nhân gây ra những điên dại ở xứ này, tất cả bắt nguồn từ cái vòng tròn và ngôi nhà vòng.

 

 

Vòng TrònNhà Vòng

Đặng Đình Hưng viết: "Tôi lại đi... jữa cái nong hình záng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân, zính zính... những con 8 lộn zọc...", lúc ông đang trên giường bệnh. Ông mất năm 1990 tại Hà Nội. Năm sau, 1991, tập thơ Bến Lạ của ông được in ở Sài Gòn, Tru Sa mới 2 tuổi.

Hình ảnh cái nongcon số 8 lộn ngược của Đặng Đình Hưng theo dõi tôi, kẻ đã đọc thơ ông như một ám ảnh, một ảo giác mù: tôi cố lần mò, muốn thử sống lại cái cảm giác đi vòng tròn trong một cái nong, dù chỉ chốc lát, là như thế nào, để hiểu những người như ông. Nhưng không thể được, không bao giờ tôi có thể tìm được cái cảm giác ấy ngoài văn chương.

Bây giờ, gặp cái vòng tròn của Tru Sa, tôi thót mình như bị điện giật: ông Hưng về! Nhưng cái vòng tròn của ông Hưng chỉ dành cho một người, hay một vài người. Còn cái vòng tròn của kẻ hậu sinh Tru Sa, sanh năm 89 này, nó khoanh cả một cộng đồng có vẻ như tự nguyện: "Chúng tôi vẽ vòng tròn bằng chính cơ thể mình. Đấy là đi vòng tròn. Ai nấy đều đi vòng tròn"[16]. Ở đây, tác giả mô tả một xã hội sống trên một hòn đảo mà những người trên đảo làm cái gì cũng tròn: đi vòng tròn, nấu ăn vòng tròn quanh bếp, bàn cơm hình tròn: bàn xoay, khiến đứa nhỏ chóng mặt ộc hết các thứ trong bụng... Người lớn sống và chết trong quỹ đạo tròn, quan tài, huyệt mộ, đều tròn cả. Đứa nhỏ không chịu đi tròn mà đi thẳng, bị ngã, người mẹ chìa tay đỡ con dậy:

"Mẹ một bên, ngoại một bên. Hai bàn tay mẹ và ngoại bóp cứng bàn tay tôi. Tôi được kéo dậy và hai cánh tay bị kéo mạnh và căng một lần nữa bởi mẹ và ngoại. Vai tôi bị đau như xé xác. Rồi cánh tay mẹ và ngoại cũng dang hết cỡ bởi tay người hàng xóm, rồi đôi tay người hàng xóm cũng mở rộng bởi những người hàng xóm lân cận, cứ thế... Những bàn tay nắm lại và nối thành một vòng tròn khổng lồ. Tất cả chuyển mình, tay khoá tay và đi vòng tròn."[17]

Vòng tròn là hình ảnh chủ yếu thứ nhất của Nguyễn Thanh Phong-Tru Sa trong tập sách đầu tay Những Bình Minh.

Nhà Vòng là hình ảnh chủ yếu thứ nhì, trong truyện Tường Sắt, in trong tập Ảo Giác Mù.

Đây là hai chìa khoá mở vào thế giới vòng, trong đó người người tự khoá tay, tự đi vòng tròn.

Truyện Tường Sắt viết về một gia đình kiểu mẫu sống trong Ảo Giác Mù. Cột trụ là ông nội. Gia đình này là nguồn cội của thế giới vòng, tức thế giới trong bao. Trong truyện của Tru Sa, người cha thường vắng mặt hay đã chết, người mẹ câm nín chịu mọi áp lực, kể cả bị đánh. Kẻ kể chuyện, xưng tôi, là một thằng nhỏ cha chết từ lâu, nghiện viết từ bé, được cưng chiều hết mực. Một lần nó thấy ông nội cầm ba-toong đánh chết một con chó hoang, nó bèn cử hành lễ tang cho con chó trên giấy và nó tạo thêm nhiều con chó giấy khác đi đưa. Đám ma "đầu đời" này dẫn đường trên giấy cho nhiều đám ma khác...

Ông nội là một thứ tướng về hưu đầy quyền lực, chuyên độc thoại trước đám người khúm núm, tán dương. Ông như con đại bàng già trên đám gà cụt chân đầy nghịt huân chương khắp ngực. Hành động đánh chết chó hoang là hành động sát sinh vô cố đầu tiên mà thằng nhỏ mục kích, đã khiến nó "cầm bút". Với bút, nó biến những tiếng chó thành tiếng người và ngược lại. Thằng nhỏ âm thầm tự nuôi mình bằng những thứ sách vở không học ở trường mà nó moi ra từ nhà kho. Thế giới nó xây dựng trên giấy là một thế giới ngoài cái học thầy cô mà nó cho rằng chỉ chứa rặt những câu chữ bốc mùi và xám đen như những con gián. Thằng nhỏ giả bộ ngoan ngoãn uống bài giảng giáo dục công dân, nhưng khi cô giáo quay đi, nó tống khứ hết. Dĩ nhiên nó sống ngoài vòng kiểm soát của ông nội.

Thằng nhỏ kỵ nhất là phải vào Nhà Vòng với ông nội. Thực thể Nhà Vòng lần đầu tiên xuất hiện ở đây, được nó giới thiệu như sau: "Tôi gọi gian nhà thờ họ Tru là nhà Vòng. Mỗi tuần tôi phải vào đấy để thắp hương cho cha và đấng tổ tiên. Ông nội tôi cũng ở đấy".

Tóm lại, Nhà Vòng là một cơ chế thiết lập bởi tổ tiên, thờ tổ tiên, và chính những tổ tiên đã chết ấy ra giáo lệnh cho thằng nhỏ qua ông nội, một kẻ còn sống có tính hung thần.

Một hôm, ông nội hứng chí dọn sạch sách:

"Tất cả sách ở nhà kho được chất đống và đang cháy đen...

Ông nội xách cổ tôi lên. Mắt tôi nhìn vào đám cháy...

"Tru Sa. Nghe ông nói đây! Tru Sa!

Ông đốt cả cháu rồi..."

Chữ của nó bị đốt. Thằng nhỏ bụng đầy chữ thấy mình bị hoả thiêu từ bên trong.

Cuộc phần thư mở đầu cho một định mệnh: Trên đống tro tàn, một cái tên mới ra đời: Tru Sa. Việc đầu tiên của "đứa trẻ sơ sinh" này là bỏ kính. Nói khác đi, "đường văn" của nó bắt đầu bằng một tia nắng trổi lên từ đống lửa phần thư trong bụng.

Trong truyện thứ nhì Khởi Đầu, tia nắng mới này sẽ chiếu vào vô vàn dạng thức đã trở thành ảo giác chung cho một cộng đồng giã từ ánh sáng, nhìn đời qua những cặp kính râm đen và sống rút mình trong hang hốc thời tiền sử. Từ đây, những tia nắng mới sẽ chiếu vào thế giới của những kẻ đeo kính râm, những kẻ mang ảo giác mù.

Nhưng tất cả bắt đầu từ truyện ngắn thứ ba, có tên Xe Ngựa.

Một cỗ xe ngựa do tên xà ích Cốt Đột cầm cương. Cốt Đột, chính là hậu thân Ngột Đột Cốt vua nước Nam man (Ô Qua) có đạo quân bách chiến bách thắng, mặc áo giáp mây, chém không dứt, dìm không chìm. Vì Mạnh Hoạch cầu cứu, Đột Cốt ra quân, Khổng Minh bèn dùng kế lùa vào hang Xà Bàn, đốt sạch.

Tay Cốt Đột hiện đại, lèo lái chiếc xe bít bùng chở dân Nam đi tìm một nước có tên là Minh Quốc. Không ai biết nước ấy ở đâu, như thế nào. Xe vượt trở lực như bay, xuyên mọi miền đang chìm trong lửa đỏ, thiêu rụi mọi sinh linh và chữ nghiã: "Con quỷ đỏ đã chiếm được ngôi nhà cùng những sinh linh đang co quắp bên trong", "tên tôi vẫn vọng từ đám cháy nhưng chúng đang đứt thành các mẫu tự rời rạc"...

Mặc sức tàn phá của hỏa ngục, Cốt Đột vung roi quất ngựa... người trong xe mất dần, mất dần... tất cả ra tro, cuối cùng... tới phiên Cốt Đột.

Câu chuyện quái gở này là hiện thân chính yếu của Ảo giác mù, nó có tham vọng giải thích sự mù loà của một cộng đồng bị bịt mắt, dõi theo một thiên đường ở phương Bắc, cuối cùng họ bị chính bắc phương thiêu rụi trong hỏa ngục đỏ, chẳng khác gì câu chuyện Ngột Đột Cốt sa vào ngọn lửa Khổng Minh. Tru Sa cho biết anh đã viết Ảo giác mù, năm 2014, trong biến cố dàn khoan.

Sau cùng, ta mới hiểu: Tru Sa, cái tên sống dậy từ đống tro tàn, sau hai lần bị diệt: lần đầu trong đống lửa người ông đốt sách và lần thứ nhì trong ngọn lửa Khổng Minh đốt Đột Cốt, vua nước Nam man. Tru Sa, cái tên nẩy lên từ sự huỷ diệt đến cả hạt cát, tự coi có sứ mệnh viết lại câu chuyện diệt cát này trong các ngục lửa.

Ảo Giác Mù đã thành công trong việc mô tả một thế giới của những người mù sống trong ảo giác tiến tới thiên đường qua 13 truyện ngắn. Họ tự bịt mắt (Khởi Đầu, Tháo Mắt), bịt miệng (Suỵt), vô cảm (Xác Ướp), tàn ác (Con Mồi, Kẻ Bên Ngoài), không đọc chữ (Người Gù), và sau cùng tiến dần tới sự tự sát (Giấc với Cơn).

Hiếm thấy một tác giả nào có tham vọng lớn lao như vậy, thực hiện được tham vọng trong một thời gian kỷ lục như vậy, ở một tuổi trẻ như vậy.

 

Sự tìm kiếm của một nhà văn trong cõi không chữ

Từ một môi trường đã bị gột sạch chữ qua các cuộc phần thư, những kẻ dám viết, trở thành kẻ không nương náu.

Truyện ngắn Kẻ không nương náu, trong tập Trăng Tang có thể coi là một tự truyện: Khiếm Thư, một kẻ viết nhưng không in được, không thể sống bằng nghề văn, thường trực đói, bởi y có một quan niệm khác thường: "Viết văn, cần thiết phải là con đường không biết lối. Một cánh rừng bạt ngàn sói, ưng, rắn, thổ dân. Không trăng, không mặt trời, chẳng tinh tú, chỉ có ta với muôn lối rẽ"[18]. Quyết xông vào con đường ghê gớm ấy, Khiếm Thư vẽ lại hành trình mười năm của y, một kẻ bị coi là "con bọ chét núp dưới lông chuột": Được một ông chủ báo giao cho việc viết về những huân chương, hắn dám hạ bút coi huân chương là "những cục máu của đồng đội", "nhìn đằng sau là suối thịt người..." Lập tức hắn nhận được hồi âm từ ông chủ: "Mày làm thối văn chương. Đồ mất gốc, tên quái thai, thằng phản động..." Sau cú đó, bài hắn gửi đi đâu cũng mất tiêu. Hắn phải sống bám vào thằng út. Nó mở mắt cho hắn: "Anh sống tử tế cho tôi nhờ!" Nhưng hắn không thể sống tử tế như lời thằng út khuyên. Hắn tiếp tục bồi lấp sự khiếm thư (thiếu chữ, vắng chữ) quanh hắn. Hắn viết như một kẻ tội đồ, hắn viết để khai quật và tẩy uế tội ác tổ tông. Mỗi truyện ngắn của hắn là một viên đạn bắn vào tội ác. Nhưng đạn của hắn không phải là thứ đạn thường, bởi vì, đạn của hắn là chữ, và chữ của hắn cũng khác thường, chữ hắn nặn ra những đồ vật, sự vật, hơn là nhân vật.

Ngay từ truyện ngắn đầu tay, Tiếng Chuông trong tập Những Bình Minh, nhân vật chính đã không phải người. Truyện này viết về hai thằng bạn đi phượt, đến một thị trấn. Tiếng chuông mới đầu chỉ mơ hồ, dần dần bao trùm lên thị trấn. Một thị trấn bạt ngàn nghiã địa, gấp mấy lần Quảng Trị. Một trong hai thằng bạn, Đán, bắt đầu có những giấc mơ quái dị: ông bố (chết đã lâu) găm vào người y những ống sắt: "gã co ro vào một góc, cặp mắt mở lồi ra, chỉ khác là khi ấy trên người gã chi chít lỗ thủng"[19]. Rồi Đán mất tích.

Nhân vật xưng tôi, tức thằng bạn còn lại, bị dìm trong tiếng chuông. Tiếng chuông trở thành bá chủ "thứ âm thanh này trùm xuống cả thị trấn, khiến bóng tối thêm dày đặc". Rồi tôi chạy, chạy, vấp ngã... "Mỗi bước lùi của tôi đều chạm vào một tấm bia. Hẳn rằng chúng đang chụm quanh tôi, rào kín lại để xây thành một nhà mồ"[20]. Cuối cùng, tôi tìm được một que diêm "cơ thể tôi thành một ngọn đuốc.... Trước lúc chuông reo...". Lúc tôi tưởng tìm thấy lối thoát khỏi tiếng chuông và bóng tối, cũng là lúc tôi dí diêm vào hai bên áo: tôi trở thành ngọn đuốc. Tôi đã thành lửa và chuông vẫn reo...

Tru Sa mở đầu đường văn của mình bằng một truyện ngắn có cấu trúc mê lộ như thế. Người đọc bị lạc giữa bạt ngàn ngôi mộ, vấp ngã giữa những hồi chuông, khủng hoảng như bị ma làm, cuối cùng cũng tự đốt mình và không tìm thấy lối thoát...

 

Tchekhov có lần nói với một người bạn: anh chỉ cái gạt tàn thuốc lá, ngày mai tôi sẽ viết cho anh một truyện ngắn về cái gạt tàn thuốc lá. Mai Thảo cũng có lần nhắc Trần Vũ: cái bạo liệt, máu mê không phải là nghệ thuật. Nghệ thuật là cái bình thường. Em phải tả được cái tẩy trước khi viết cái khác. Alain Robbe-Grillet dùng nhiều chương sách để tả vết con gián chết dí trên tường... Dĩ nhiên, không phải nhà văn nào cũng quan niệm như vậy. Nhưng tôi tin rằng Tru Sa đã tìm ra bước đường nghệ thuật độc đáo của mình.

Đi từ tiếng chuông để đến hậu quả tàn phá xuyên thế hệ của chiến tranh. Đi từ chữ nguơ để đến sự sống đóng băng vĩnh viễn của một con người chưa thực sự là người. Tru Sa, vì sao mới mọc, đã mở một lộ trình mới cho sáng tạo, từ bấy lâu nay, tưởng như bị tắc nghẹn. 

Paris, tháng 1/ 2018.

Thụy Khuê

 

 


 

[1] Trên bià trong cuốn Trăng Tang, Phương Nam in nhầm là 1988.

[2] Bản dịch tiếng Pháp: L'homme à l'étui, in trong tập truyện Tchekhov viết 1989-99.

[3] Người đứng cổng, trong tập Trăng Tang, t. 55.

[4] Giếng, trong tập Trăng Tang, t. 63.

[5] Giếng, trong tập Trăng Tang, t. 63.

[6] Cú ngã, trong tập Trăng Tang, t. 232.

[7] Tàn qua, trong tập Trăng Tang, t. 252-253.

[8] Tàn qua, trong tập Trăng Tang, t. 255.

[9] So, trong tập Trăng Tang, t. 261.

[10] So, trong tập Trăng Tang, t. 265.

[11] So, trong tập Trăng Tang, t. 268-269.

[12] So, trong tập Trăng Tang, t. 275.

[13] So, trong tập Trăng Tang, t. 276.

[14] Căn phòng và những người gù trong tập Trăng Tang, t. 277.

[15] Khải Tri, trong tập Trăng Tang, t. 123.

[16] Vòng tròn, trong tập Những Bình Minh, t. 138.

[17] Vòng tròn trong tập Những Bình Minh, t. 142.

[18] Kẻ không nương náu, trong tập Trăng Tang, t. 83.

[19] Tiếng chuông, trong tập Những Bình Minh, t. 19.

[20] Tiếng chuông, trong tập Những bình minh, t. 29.

© 2018 Thụy Khuê