Thụy Khuê

 
 

Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa (1913-1999)

 

 

Tiểu sử

Tự học. Là một trong những người tiên phong trong lãnh vực phê bình văn học. Trương Tửu sinh ngày 18/ 10/1913 và mất ngày 16/11/1999 tại Hà Nội. Bài viết đầu tay của ông là bài Triết lý truyện Kiều in trên Đông Tây tuần báo năm 1931, năm ấy ông mới 18 tuổi, đang tự học để thi tú tài. Từ đó ông hiện diện thường xuyên trên các tạp chí văn học tại Hà Nội.

Trương Tửu nồi tiếng từ năm 1935 với loạt bài phê bình nhan đề Văn Học Việt Nam hiện đại, tuyên bố đưa ra một phương pháp "phê bình mới" trên báo Loa, từ số 75 ra ngày 25/7/1935 đến số 86, ra ngày 10/10/1935, ông phê bình các tác phẩm: Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách, Vàng Và Máu của Thế Lữ, Lan Khai, Lưu Trọng Lư và Tam Lang. Loạt bài này bị bỏ dở.

Song song với việc viết phê bình, ông còn sáng tác một loạt tiểu thuyết tranh đấu như: Thanh niên S.O.S (Minh Phương, Hà Nội, 1937), Một chiến sĩ (Minh Phương, Hà Nội, 1939). Cùng những tiểu thuyết xã hội như Khi chiếc yếm rơi xuống (Minh Phương; Hà Nội, 1939) và Khi người ta đói (Phổ thông bán nguyệt san, số 59 tháng 5 năm 1940). Không kể một loạt tiểu thuyết khác như Một cổ đôi ba tròng (Tân Việt, Hà Nội, 1940), Trái tim nổi loạn (Văn Thanh, Hà Nội, 1940), Đục nước béo cò (Minh Phương, Hà Nội, 1940), Một kiếp đọa đầy (Hàn Thuyên, Hà Nội, 1941). Hoặc loại sách khảo luận như: Những thí nghiệm của ngòi bút tôi (Đại đồng thư xã, Hà nội, 1938). Nhưng sở trường của ông vẫn là văn nghị luận và phê bình.

Giai đoạn 1940-45, Trương Tửu làm giám đốc văn chương nhà xuất bản Hàn Thuyên và cũng là linh hồn của nhóm Hàn Thuyên, đã xuất bản những tác phẩm ký tên Nguyễn Bách Khoa gồm những cuốn: Kinh Thi Việt Nam (Hàn Thuyên, 1940), Nguyễn Du và truyện Kiều (Hàn Thuyên, 1944), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (Hàn Thuyên, 1944), Văn Chương truyện Kiều (1945), là những công trình phê bình áp dụng phương pháp duy vật biện chứng. Thời kỳ ký tên Nguyễn Bách Khoa gắn liền với nhóm Hàn Thuyên là giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp phê bình của Trương Tửu.

1946, tham gia kháng chiến, giảng dạy lý luận và văn học Việt Nam tại các lớp "văn hoá kháng chiến" ở Thanh Hóa. 1949, tướng Nguyễn Sơn mời dạy trường Thiếu Sinh Quân. 1952, làm giáo sư trường Dự Bị Đại Học ở Thanh Hóa. Sau 1954, trở thành giáo sư đại học ở Hà Nội.

1956, tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, với hai bài nghị luận hùng biện nổi tiếng "Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ đăng trên Giai Phẩm mùa thu tập II (30/9/56) và Văn nghệ và chính trị, trong Giai phẩm mùa thu tập III (30/10/56), Trương Tửu trở thành một trong nhà lãnh đạo tư tưởng phong trào cùng với Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường.

Ông bị cách chức giáo sư đại học năm 1958, tự nghiên cứu Đông y làm nghề để sống đến cuối đời.

Những năm gần đây, sách của Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa đã được in lại.

 

*

 

Sự hình thành một phong cách phê bình

Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa mất tại Hà Nội một ngày cuối đông, năm tận cùng của thế kỷ XX, trong sự lãng quên của mọi người.

Là nhà phê bình tiên phong và tài hoa đã đưa phê bình Việt Nam vào thời hiện đại, Trương Tửu xuất hiện cùng thời với Lê Thanh, Hải Triều và trước Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan; nhưng cách viết của Lê Thanh nằm trong khuôn khổ phê bình lịch sử của Sainte-Beuve, Lanson, thế kỷ XIX, Hải Triều là nhà chính trị mác-xít hơn là nhà phê bình, và cách viết của Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan cũng vẫn còn nằm trong đường lối phê bình ấn tượng và giáo khoa thế kỷ XIX, thì Trương Tửu, ngay từ 1935, đã tìm một hướng đi mới: coi phê bình là việc nghiên cứu tác phẩm chứ không phải chỉ là sự thuần túy cảm nhận cái đẹp như Hoài Thanh, hoặc sự phê phán theo quy ước giáo khoa như Vũ Ngọc Phan.

Thời kỳ báo Loa, 1935, tuy chưa có một định hướng phê bình rõ rệt, nhưng Trương Tửu đã nhận diện được mối tương quan giữa nghệ thuật và phê bình:

 "Nghệ thuật, theo ý tôi, tìm và diễn cái hoàn toàn trong tự nhiên. Nghệ sĩ là người có tài lượm nhặt được những vật liệu rải rác trong cái đại thể bộn bề và xây thành một cái chòi biệt lập, hoàn toàn ở phạm vi của nó.

Nhà phê bình không khen chê cái tính chất của của cái chòi ấy mà chỉ xét cách thức tạo tác ra nó, nghiã là khảo cứu cái hoàn toàn trong nghệ thuật.

Cái chòi của ông Khái Hưng, như tôi nghiệm thấy, không dựng trên miếng đất tâm lý hay thực tế. Nó đứng trong điạ hạt lý tưởng". (Nửa chừng xuân, Loa số 76, ra ngày 1/8/1935).

Lời mở đầu bài phê bình Nửa chừng xuân trên đây có ba yếu tố xác định phong cách phê bình mới của Trương Tửu:

 1- Nghệ thuật là một cõi riêng, ví như cái chòi riêng của mỗi nhà văn.

 2- Nhà phê bình không có phận sự khen chê cái chòi ấy.

 3- Nhà phê bình có bổn phận phân tích cách thức nhà văn tạo ra cái chòi ấy.

 Ba điểm mấu chốt này cũng chính là nguyên tắc đích thực của phê bình hiện đại mà Trương Tửu đã nhận thức được. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra nhận xét "Khái Hưng là nhà văn lý tưởng", sau này Vũ Ngọc Phan và những người khác lấy lại, tuy nhiên, nhận xét này đúng hay sai, lại là chuyện khác. Bài phê bình Nửa chừng xuân đã hé mở cho thấy khuynh hướng phê bình xã hội học của Trương Tửu, sự phát triển khuynh hướng này sẽ bắt đầu ở giai đoạn hai, 1940-1945.

Từ năm 1940, Trương Tửu đã vận dụng phương pháp luận mác-xít với chút phân tâm học Freud để đưa vào phê bình. Tuy ngày nay cả hai phương pháp này đều đã lỗi thời, nhưng lúc đó đối với Việt Nam là tân kỳ và khoa học.

 Ở miền Bắc, sau 1954, học sinh và sinh viên không được tiếp xúc với tác phẩm của Trương Tửu, cũng như Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan. Nhưng ở miền Nam, Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan trở thành những ngôi sao sáng vì được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, lối phê bình ấn tượng và giáo khoa của hai ông đã có ảnh hưởng lớn lên học sinh trung học. Phê bình mác-xít của Trương Tửu chỉ được giảng dạy ở đại học.

 Nếu ở miền Bắc sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, tên tuổi và tác phẩm của Trương Tửu bị chôn vùi, thì ở miền Nam, ảnh hưởng Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa trong đại học rất lớn. Nguyễn Văn Trung viết:

"Nguyễn Bách Khoa là người đầu tiên và độc nhất đã đưa ra một quan niệm phê bình rõ rệt và áp dụng nó một cách có hệ thống, với một lối văn lôi cuốn. Chưa xét quan niệm phê bình mác- xít đúng hay không đúng. Chỉ xét về phương diện chủ thuyết và viết thành hệ thống hẳn hòi thì phải nhận là Nguyễn Bách Khoa thành công hơn tất cả những nhà phê bình trước ông và hiện nay cũng khó tìm ra một Nguyễn Bách Khoa khác. Do đó ảnh hưởng của Nguyễn Bách Khoa vẫn còn rất mạnh ở miền Nam hiện nay như Thanh Lãng đã nhận định: "Mấy cuốn phê bình của Nguyễn Bách Khoa, nhất là từ sau 47 trở đi, đã hầu như biến thành sách gối đầu giường cho thế hệ trẻ. Ở nhà trường, từ giáo sư cho đến học sinh, tất cả đều phê bình theo Nguyễn Bách Khoa. Một phong trào rộng lớn lan tràn" (Nguyễn Văn Trung, Lược Khảo Văn Học, tập 3, Nam Sơn, Sài Gòn, 1968, Xuân Thu chụp và in lại tại Cali, Hoa Kỳ, 1990, t. 192).

Những lời trên đây của giáo sư Nguyễn Văn Trung cho thấy địa vị của Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa trong văn học miền Nam. Và điạ vị ấy, khởi đi từ thời kỳ Hàn Thuyên.

 

 

 

Thời kỳ văn học 1940-1944

Để tìm hiểu con đường tư tưởng của Trương Tửu và nhóm Hàn Thuyên, chúng ta cần phải nhìn lại thời điểm văn học mà nhóm này xuất hiện, đó là thời kỳ 1940-1945.

Giai đoạn văn học 1940-1945, trước khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ và trải dài trong thế chiến thứ hai, là một giai đoạn phong phú của văn học Việt Nam. Phạm Thế Ngũ, trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, gọi đây là giai đoạn Phục Hưng của văn học Việt Nam và ông giải thích như sau:

"Phục Hưng đây không chỉ có cái nghiã phục cổ (restauration) mà còn có cái nghĩa phục sinh (renaissance). Văn học Việt Nam sau 1940 bày ra một cảnh tượng phát sinh rộn ràng và mới mẻ. Không những phái già tha thiết với những giá trị cổ tưởng như gặp thời sống lại, mà phái trẻ cũng hăng hái góp phần. Nhiều thanh niên tân học đứng ra giải quyết lại các vấn đề mà Nam Phong còn bỏ lửng: Vấn đề học thuật và giáo dục quốc gia, vấn đề tổng hợp văn hoá đông tây, vấn đề thâu nhập khoa học Tây phương, giải quyết với tất nhiên tinh thần mới bản lĩnh mới của họ." (Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Quốc học tùng thư, Sàigòn, 1961-1965, tập 3, t. 613).

Sau thời kỳ sôi động của Tự Lực Văn Đoàn, Thơ Mới (1932-1939), và của những nhà văn độc lập như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng..., văn học nước ta bước vào một giai đoạn mới với những cây bút mới, những chiều hướng sáng tác, biên khảo khác trước.

Thời kỳ 1940-1945, cũng là thời kỳ đất nước chuyển mình, trí thức văn nghệ sĩ đồng lòng đứng lên kêu gọi lòng yêu nước bằng con đường văn hoá và lịch sử. Vì vậy, các tác phẩm trong thời kỳ này nghiêng hẳn về lịch sử và xã hội: Nguyễn Đức Quỳnh viết Gốc tích loài người, Đời sống thái cổ ; Chu Thiên viết Lê Thánh Tông, Bà quận Mỹ ; Nguyễn Tế Mỹ viết Lý Thường Kiệt ; Lương Đức Thiệp viết Xã hội Việt Nam; Nguyễn Huy Tưởng viết Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, An Tư công chúa; Hoa Bằng-Hoàng Thúc Trâm viết Quang Trung, anh hùng dân tộc; Hoàng Xuân Hãn viết Lý Thường Kiệt, v.v...

Những tác phẩm như thế vừa có tham vọng, không những kêu gọi lòng yêu nước, mà còn muốn xây dựng một đời sống tư tưởng mới cho dân tộc, thoát khỏi ảnh hưởng của nho giáo đã lỗi thời, tìm đến những triết thuyết khác, có tính chất khoa học, gắn bó với tự do dân chủ của Tây phương. Chủ nghĩa dân tộc, nằm trong nội tâm của nhiều nhà văn, đã nổi dậy dưới nhiều hình thức, tiêu biểu hơn cả là Hồ Hữu Tường và Trương Tửu.

Triết học Tây phương được đưa vào một cách có hệ thống hơn, với những phương pháp nghiên cứu khoa học hơn, đặc biệt hệ tư tưởng Mác-xít, đưa đến một lối nhìn mới, trong phương pháp phê bình, mà Trương Tửu là một đại diện. Trước đây đã có Hải Triều (1908-1954), nhưng Hải Triều là người viết về chính trị và bút chiến vận động cho chủ nghiã cộng sản, chỉ đưa ra một số bài phê bình lẻ tẻ, ngắn, chưa có một công trình đáng nói, Trương Tửu mới là người vận dụng lập luận mác-xít một cách nhuần nhuyễn, có hệ thống trong phê bình văn học.

Không khí Phục hưng này, được Phạm Thế Ngũ phân tích, trình bày khá cặn kẽ, qua ba nhóm trí thức, phần lớn là Tây học, nổi bật nhất: Nhóm Tri Tân, nhóm Thanh Nghị và nhóm Hàn Thuyên.

Tri Tân chủ trương: ôn cổ tri tân. Tờ Tri Tân số 1 ra đời tháng 6/1941. Chủ bút là Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm với những cây bút: Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đôn Phục, Tiên Đàm, Trúc Khê, Thiếu Sơn, Nhật Nham, Chu Thiên, Khuông Việt. Nghiên cứu lịch sử là một trong những mục đích chính của Tri Tân, bởi họ quan niệm: Có biết rõ lịch sử mới hiểu được công khó của tổ tiên xây dựng nước nhà và tạo được tinh thần trách nhiệm quốc gia của người công dân. Mục đích của Tri Tân dưới thời Pháp thuộc rõ ràng là mục đích ái quốc ẩn trong văn hoá. Hoa Bằng viết: "Quốc sử không phải là một nắm hoang đường mờ thần thoại. Quốc sử không phải là một tập phả ký của một hoàng gia. Quốc sử phải là những trang dưới ngòi bút thờ sự thật". (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, t. 616).

Nhóm thứ nhì là nhóm Thanh Nghị: Tờ Thanh Nghị cũng xuất hiện tháng 6/ 1941. Nhóm này phần lớn là những nhà trí thức, nhà khoa học đã đi du học Pháp về. Mục đích của họ là "muốn giải quyết những vấn đề của dân tộc Việt Nam". Nội dung tờ báo có tính cách bách khoa: Về chính trị có Vũ Văn Hiền, Phan Anh. Kinh tế và xã hội có Nghiêm Xuân Yêm, Vũ Văn Cẩn. Sử học có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thiệu Lâu, Nguyễn Văn Huyên. Giáo dục và văn học có Vũ Đình Hòe, Đinh Gia Trinh, Lê Huy Vân. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3/45, những thành viên chính của nhóm Thanh Nghị như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, để thực hành lý thuyết canh tân và kiến thiết đất nước mà họ đã đề ra trên tờ Thanh Nghị.

Nhưng chủ trương giáo dục lịch sử của nhóm Tri Tân và canh tân kiến thiết đất nước của nhóm Thanh Nghị chưa kịp thực hành thì xẩy ra việc cộng sản cướp chính quyền năm1945, với sự thanh trừng đối lập, chiến tranh Việt Pháp sau đó, nên tất cả đều bị đình chỉ.

 

 

Con đường tư tưởng của Trương Tửu và nhóm Hàn Thuyên

Nhóm Hàn Thuyên gồm toàn bộ những nhà văn, nhà phê bình, nhà biên khảo có khuynh hướng mác-xít như: Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tế Mỹ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Lạp, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Hải Âu, Lương Đức Thiệp và Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa.

Hàn Thuyên chủ trương canh tân đất nước bằng con đường khác hai nhóm Tri Tân và Thanh Nghị. Không hoài cổ như Tri Tân, Hàn Thuyên đả phá quan niệm Khổng Mạnh. Cũng không theo con đường Âu hoá như Thanh Nghị, Hàn Thuyên chủ trương "đi tìm một triết lý mới về nhân sinh có lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại của quốc dân Việt Nam" và qua các tác phẩm của họ chúng ta thấy rõ đó là triết học mác- xít.

Hàn Thuyên lập nhóm Tân Văn Hoá, ra bán nguyệt san Văn Mới.

Căn bản tư tưởng của Hàn Thuyên dựa trên triết học Mác-xít qua hai điểm chính:

1-     Coi lịch sử nhân loại như một tiến hoá sử, là lịch sử đấu tranh giai cấp.

2-     Cho rằng sinh hoạt kinh tế -tức hạ từng cơ sở- chi phối mọi quyết định thượng từng cơ sở- nói khác đi: vật chất chi phối tinh thần.

Từ quan điểm mác-xít này, Hàn Thuyên nhìn lại lịch sử và văn học:

Nguyễn Tế Mỹ xem cuộc khởi nghiã của Hai Bà Trưng là kết quả của cuộc đấu tranh xã hội thị tộc mẫu hệ chống lại hệ thống phụ quyền.

Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa coi Ca dao là hình thức đấu tranh không ngừng của dân tộc chống lại toàn bộ hệ thống cầm quyền nho giáo.

 

Nhưng điểm khác biệt sâu xa nhất giữa nhóm Hàn Thuyên, theo quan điểm đệ tứ của Trotsky và nhóm cộng sản đệ tam, theo Staline, là Hàn Thuyên chống lại quan niệm sùng bái anh hùng. Và Hàn Thuyên chủ trương tự do tuyệt đối trong sáng tác. Sự khác biệt sâu xa này là một trong những lý do chính khiến Staline thanh trừng và tiêu diệt Trotsky.

Ở điểm chống lại sự sùng bái anh hùng, họ đã đi đúng đường lối của Karl Marx hơn những người cộng sản đệ tam chính thống. Marx cho rằng: Anh hùng hay vĩ nhân chỉ là "sản vật của một hoàn cảnh, một thời cuộc nào đó, của một sản xuất kinh tế nào đó". Anh hùng chỉ là "sự tất yếu của thời thế". Tóm lại, theo Marx, hoàn cảnh vật chất và kinh tế tạo ra anh hùng. Nước Pháp nếu không có Napoléon người Corse, thì sẽ có một Napoléon khác thay thế. Triết học ở thời điểm giữa thế kỷ XIX, nếu không có Marx, Engels thì cũng có những Marx, Engels khác. Nguyễn Tế Mỹ viết: "Sự hưng thịnh, hùng cường của một quốc gia, nhờ dân tộc tiến hoá hơn là nhờ thủ đoạn siêu việt của một thiểu số cá nhân, cho dầu cá nhân ấy là Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ".

Chủ trương tự do tuyệt đối trong nghệ thuật, của nhóm Hàn Thuyên, chịu ảnh hưởng của Bản tuyên ngôn văn học của Trotsky và Breton (Mễ Tây Cơ, ngày 25/7/1938).

Bản tuyên ngôn lịch sử này tựa đề Vì một nền nghệ thuật cách mạng độc lập (Pour un art révolutionnaire indépendant) được Trotsky soạn chung với Breton (André Breton là cha đẻ bản tuyên ngôn siêu thực). Breton cho biết vì lý do chiến thuật, Trotsky đã để Diego Rivera ký thay. Nội dung bản tuyên ngôn này có những điểm chính sau đây:

1- "Sau khi xua đuổi khỏi nước Đức tất cả các nghệ sĩ ít nhiều yêu chuộng tự do... chế độ phát-xít Hitler đã buộc những ai còn muốn tiếp tục cầm bút hoặc cầm chổi vẽ phải tuân lệnh phụng sự chế độ và ca tụng chế độ, với những điều kiện tồi tệ hơn cả những quy ước tồi tệ nhất. Ở Liên Xô cũng vậy, ngày nay tình trạng đó đang lên tới cao độ và gần như công khai".

 

2- "Một nền nghệ thuật chân chính là nền nghệ thuật không chấp nhận những biến thể khác nhau từ một khuôn mẫu sẵn có nào, mà nó cố gắng thể hiện những nhu cầu nội tâm của con người và của nhân loại ngày nay".

 

3- "Do ảnh hưởng của chế độ cực quyền ở Liên Xô và thông qua những tổ chức được gọi là "văn hoá" mà Liên Xô kiểm soát ở những nước khác, bóng đêm thù địch đối với sự nẩy nở những giá trị tinh thần đang bao trùm lên toàn thế giới. Trong bóng đêm của bùn và máu đó, những con người giả danh là trí thức và văn nghệ sĩ, lấy sự hèn hạ làm sức bật, coi sự phủ nhận những nguyên tắc của chính họ là một trò chơi xảo trá, coi sự dối trá như một thói quen vụ lợi và coi sự ca ngợi tội ác là một thú vui.

Nền nghệ thuật của nhà nước dưới thời Stalin thể hiện, với sự tàn bạo chưa từng có trong lịch sử, những cố gắng lừa dối một cách vô lý nhằm che giấu bộ mặt gian phi của họ".

 

4- Mác nói: "Lẽ tự nhiên là nhà văn phải kiếm được tiền để có thể sống và viết. Nhưng anh ta không có lý do gì sống và viết để kiếm tiền... Nhà văn không thể nào coi tác phẩm của mình là phương tiện. Tự bản thân các tác phẩm đó sẽ là cứu cánh [được dịch là mục đích], chứ không phải là phương tiện đối với nhà văn và những người khác. Cho nên, khi cần, nhà văn phải hy sinh đời mình cho cuộc đời của tác phẩm... Điều kiện đầu tiên của tự do báo chí chính là không coi đó như một nghề".

 

6- "Trong sáng tạo nghệ thuật, điều chủ yếu là trí tưởng tượng không bị ràng buộc, không bị áp đặt dưới bất cứ lý do nào theo những khuôn mẫu sẵn có.

Chúng tôi dứt khoát phản đối tất cả những ai, dù hôm nay hay mai sau muốn ép buộc chúng tôi chấp nhận rằng nghệ thuật phải tuân theo một khuôn phép mà chúng tôi thấy hoàn toàn không phù hợp... chúng tôi tuân theo công thức: hoàn toàn tự do trong nghệ thuật."

 

7- "Điều chúng tôi muốn: "Độc lập của nghệ thuật- Vì cách mạng- Vì sự giải phóng vĩnh viễn nghệ thuật".

 (trích theo bản dịch của Hoàng Hoa Khôi và nhóm Đệ Tứ )

 

Trương Tửu chịu ảnh hưởng của Trotsky, đề nghị một nền Tân Văn Nghệ, trong cuốn Tương lai văn nghệ Việt nam, do nhà Hàn Thuyên xuất bản năm 1945.

Đặng Thai Mai, lý thuyết gia hàng đầu của cộng sản đệ tam lúc bấy giờ, đứng ra "phê bình" cuốn sách này dưới tên Thanh Bình, qua ba bài Phê bình tập sách Tương Lai Văn Nghệ Việt Nam của Trương Tửu, in trên Tiên Phong số 2, số 3 và số 6.

Trong lời Tựa, Trương Tửu viết:

"Giờ phút này, đứng trước trạng thái biến động mãnh liệt của toàn thể nền văn minh thế giới, chứng kiến sự xụp đổ tan tành của hầu hết những giá trị tinh thần mà bấy lâu nay phần đông nhân loại vẫn tôn thờ -chúng ta, văn sĩ và văn nghệ sĩ- không khỏi hoang mang lo lắng, băn khoăn khi nghĩ đến vị trí, đến trách nhiệm của chúng ta trong hiện tại và tương lai..."

Câu này phảng phất tinh thần của bản tuyên ngôn Vì một nền nghệ thuật cách mạng độc lập của Trotsky và Breton, cũng đã mở đầu bằng câu:

"Người ta có thể nói không quá đáng rằng, chưa bao giờ nền văn minh nhân loại lại bị nhiều nguy cơ đe dọa như hiện nay. Sự phá hoại nền văn hoá bằng những phương tiện tàn bạo đã tiêu huỷ nền văn minh cổ đại..."

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi không có trong tay cuốn sách này. Nhưng dựa trên ba bài phê phán cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam của ĐặngThai Mai, ký tên Thanh Bình, in trên báo Tiên Phong (tạp chí của Hội Văn Hoá Cứu Quốc) cuối năm 1945 (số 2 ra ngày 1/12/1945, số 3 ra ngày 16/12/45 và số 6 ra ngày 16/2/46), và bài của Nguyễn Đình Chú tựa đề Đôi điều về cuốn sách Tương Lai Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Trương Tửu, trên internet, chúng ta có thể biết qua những nguyên tắc chính của Trương Tửu, để kiến thiết một nền Tân Văn Nghệ, như sau:

1- Tự do tuyệt đối cho văn nghệ.

2- Đoàn Tân Văn Nghệ sẽ không theo một mệnh lệnh của một Đảng nào.

3- Trong khi sáng tạo, những thành viên của Đoàn Tân Văn Nghệ sẽ đặt Văn Nghệ lên trên tất cả, trên mọi huấn lệnh của Đoàn, trên mọi chủ nghiã.

 4- Nếu có "một huấn lệnh, một chủ nghiã" thì "huấn lệnh, chủ nghĩa phải biến thành máu họ, để sáng tạo tự do và thành thực bằng những phương tiện thuần văn nghệ".

Quan niệm tự do văn nghệ không phục tòng sự lãnh đạo của bất cứ Đảng nào, cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam của Trương Tửu đã bị Thanh Bình (Đặng Thai Mai) phê phán trên báo Tiên Phong tháng 12/45. Nhưng sau đó là chiến tranh Việt Pháp, Trương Tửu đi theo kháng chiến, dạy học ở khu tư trong 9 năm. Đến 1956, Phong trào Nhân Văn Giai phẩm ra đời, Trương Tửu vẫn kiên quyết giữ vững lập trường tự do văn nghệ trên các tờ Giai Phẩm. Chính vì đường lối Văn nghệ tự do và độc lập đối với Đảng mà Trương Tửu đã bị những người lãnh đạo văn nghệ như Tố Hữu, Hoài Thanh, Hồng Vân, lên án và bôi nhọ.

 

 

Phê bình của Trương Tửu

Trở lại địa hạt phê bình của Trương Tửu. Câu hỏi đầu tiên là ông đã làm gì cho phê bình, ở thời điểm những năm 35- 45 của thế kỷ trước.

Trong những tên tuổi xuất hiện củng thời với Trương Tửu như Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh... thường là nhũng bài tản mạn bàn về văn chương, theo lối họ bình văn hơn là phê bình theo đúng nghiã của nó, họ chỉ trích vài câu thơ này, khen câu kia hay, dỉ dỏm, câu nọ dở, nhạt, v.v... một cách rất chủ quan.

 

Có thể tóm tắt tình trạng phê bình chung vào thời điểm 1940, qua hai ngòi bút phê bình nổi tiếng nhất là Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan. Tất nhiên không thể chối cãi những đóng góp quý giá của họ, mà chỉ nhận định lại cách phê bình của họ so với cách phê bình của Trương Tửu: Vũ Ngọc Phan phê bình theo lối giáo khoa. Ông khen, chê, tác phẩm một cách rạch ròi, đoạn này được, đoạn kia hỏng, theo chủ kiến của chính ông. Ở Hoài Thanh là lối phê bình ấn tượng, nghiã là người phê bình viết lại cái ấn tượng mà mình cảm nhận được khi đọc tác phẩm. Cả hai lối phê bình này đều chủ quan. Nhà phê bình giáo khoa đương nhiên coi nhà văn và người đọc là học trò, và khi họ sai lầm, thì cái sai lầm ấy rất tai hại, nó trở thành giáo điều và có khả năng chôn vùi tác phẩm và nhà văn. Có thể thấy rất rõ những tai hại của lối phê bình giáo khoa trở thành giáo điều này qua những ngòi bút phê bình chính thống từ 1945 đến ngày nay: họ áp đặt cái dốt nát của họ trên các nhà văn, và chính những ngòi bút phê bình «vô văn hoá» đó đã chôn vùi bao nhiêu nhân tài vửa chớm nở. Phê bình ấn tượng, cũng không thoát khỏi sự chủ quan, nó dẫn đến sự tán, đến tình trạng người phê bình tùy hứng gán cho tác phẩm những giá trị không có trong văn bản. Sau 1945, Vũ Ngọc Phan không viết phê bình nữa, nên ông vẫn giữ được tư cách của nhà phê bình, trong khi Hoài Thanh đi vào con đường quan lộ và ông đã phải cộng hưởng hai khiá cạnh tồi tệ nhất của phê bình, đó là phê bình tán dương và phê bình giáo điều để giữ vững địa vị của mình trong suốt cuộc đời còn lại.

 

Trương Tửu đưa ra một quan niệm khách quan về phê bình. Quan niệm này được ông xác định trong bài đầu tiên, khi phê bình Tố Tâm, năm 1935, trên báo Loa, như sau: «Phê bình từ nay, theo tôi muốn, không thể, không nên, chỉ là một sự thưởng thức của từng người. Nó phải là một nghệ thuật, một khoa học, căn cứ vào lịch sử quan, với những luật tâm lý, xã hội, nghệ thuật để nghiên cứu».

Và trong cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều, in năm 1942, đi vào chi tiết hơn, ông viết:

«Bởi vậy, bổn phận nhà phê bình không phải chỉ đi tìm tâm sự nhà văn trong tác phẩm văn chương. Nhà phê bình cần phải tìm hiểu đến cá tính nhà văn - vì cái này mới là tất cả nhà văn. Cái này mới thành thực, mới không bị che đậy hoặc xuyên tạc. Nó là phần sâu thẳm nhất, tiềm tàng nhất, mạnh mẽ nhất của cơ thể, của khối óc, của tâm hồn. Cá tính, đó mới là cái phần cống hiến riêng của nhà văn đem dâng trong linh từ văn học.» (trích Nguyễn Du và Truyện Kiều, trang 22).

Phải nói ngay rằng cả cách phê bình xã hội học, sử học và tâm lý học của Trương Tửu, ngày nay cũng đã lỗi thời -vì sao nó lỗi thời, điều này chúng tôi sẽ đề cập đến sau- nhưng ở thời điểm 1940, ông là ngòi bút phê bình hiện đại nhất. Áp dụng nguyên tắc phê bình khoa học, Trương Tửu đã đi xa hơn những người cùng thời: ông có một cái nhìn tổng thể về xã hội, về tính chất đấu tranh trong xã hội. Nhà văn vừa được coi là sản phẩm của xã hội vừa phản ánh lại bản chất của xã hội, bằng tính chất đặc thù của mỗi cá nhân nhà văn. Và ông đã thiết lập được mối tương quan mật thiết giữa ba yếu tố: cá nhân, xã hộitác phẩm. Trong khi phần lớn những nhà phê bình khác chỉ mới nêu lên được một vài khía cạnh tương đối hiển nhiên của tác phẩm hoặc một số chi tiết khá đặc sắc về cách cảm nhận của họ khi đọc tác phẩm, thì Trương Tửu đã nhìn thấy cái sườn chính của tư tưởng, tức là sợi chỉ đỏ xuyên suốt con đường nhận thức của tác giả, xuyên qua các tác phẩm. Cái phần chìm ấy, không hiển hiển nhiên và không phải người đọc hay người viết phê bình nào cũng thấy được, mà chỉ những nhà phê bình có kiến thức và có thực tài mới tìm ra.

 

Trương Tửu là một nhà văn, nhà tư tưởng của những người nghèo. Trong tiểu thuyết cũng như trong phê bình, ông luôn luôn bênh vực giai cấp vô sản, khuynh hướng ấy đã gặp ở triết học Karl Marx những mẫu số chung cần thiết, đặc biệt cho việc phê bình văn học. Sự tiếp cận triết học Mác-xít và tìm thấy ở đó một đường lối mới cho phê bình không chỉ có ở Trương Tửu mà một số người cùng thời với ông như Tam Ích, cũng thừa nhận, khoảng năm 1936, đã tiếp xúc với chủ nghiã này: «Trong các sách Mác-xít, tôi để ý đến biện chứng pháp duy vật nhiều nhất, là vì tôi cần biết để để dùng làm phương pháp phê bình» (trích thư trả lời Nguyễn Văn Trung về câu hỏi «Tiếp cận đầu tiên với Mác-xít và Cộng sản»).

Về phần Trương Tửu, ngoài một phương pháp luận cho phê bình, ông còn tìm thấy ở triết học Mác-xít, những giải pháp phù hợp với lý tưởng đấu tranh xã hội của ông. Trong bản Tuyên ngôn cộng sản năm 1848, hàng chữ đầu tiên của Karl Marx là: «Lịch sử tất cả mọi xã hội cho đến chúng ta, là lịch sử đấu tranh giai cấp». Cho nên, ngay từ năm 1935, khi phê bình các tác phẩm của Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng, Nhất Linh, Tam Lang, Trương Tửu đã dùng tính chất đấu tranhmâu thuẫn, như hai yếu tố nòng cốt để biện luận. Ông vạch ra tính đấu tranh và mâu thuẫn giữa tự do cá nhân và nền luân lý độc tài của xã hội Khổng Mạnh. Ở tác phẩm của Tam Lang là tính chất đấu tranh giai cấp giữa nghèo và giầu. Sau này, khi Trương Tửu quay lại công kích Nhất Linh, Khái Hưng, cũng lại là một hình thức đấu tranh giai cấp: bởi Tự Lực Văn Đoàn tiêu biểu cho giai cấp trí thức tiểu tư sản còn Trương Tửu là chiến sĩ của giai cấp vô sản.

Sự nghiệp phê bình của Trương Tửu có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất ký tên Trương Tửu gồm loạt bài phê bình trên báo Loa năm 1935, mang tựa đề «Văn học Việt Nam hiện đại» và cuốn Kinh Thi Việt Nam do Hàn Thuyên xuất bản năm 1940, ký tên Trương Tửu.

Trong giai đoạn này, tính đối kháng nổi bật. Trong Nửa chừng xuân, Tố TâmĐoạn tuyệt là sự đối kháng cá nhân chống lại gia đình; và trong Kinh thi Việt Nam là sự phản kháng của giai cấp bình dân chống lại hệ thống chính trị nho giáo của giai cấp cầm quyền.

Giai đoạn thứ nhì, gồm các tác phẩm như: Nguyễn Du và truyện Kiều (1942), Nhân loại tiến hoá sử (1943), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1944) v.v... ký tên Nguyễn Bách Khoa, là giai đoạn phân tích xã hội. Ông đi sâu hơn vào duy vật biện chứng, nhất là ở cuốn Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ ông đã sử dụng duy vật biện chứng như một phương pháp phê bình mà ông cho là: «phương pháp khoa học cao nhất, hiệu nghiệm nhất trong tư tưởng hiện đại».

Bài phê bình cuốn Tố Tâm có thể coi là một trong những bài viết đầu tiên xác định phong cách phê bình của Trương Tửu, mở đầu, ông giải thích vì sao sự nghiên cứu tác phẩm Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách phải bắt nguồn từ xã hội:

«Mấy ngàn năm nay, trong xã hội Việt Nam vẫn tiềm tàng sự xung đột âm thầm của cá nhân và gia đình. Quá trọng lý tính, nho giáo đàn áp những tình cảm thiên nhiên của lòng người. Bao nhiêu lễ nghi, phong tục ở gia đình -gốc của xã hội- kiềm chế sự phát triển tự do của cá nhân. Mỗi người chỉ là chiếc vòng trong chuỗi xích, một cái gạch ngang của hai thế hệ. (...) Vì thế nên trong cái yên lặng giả dối của xã hội Việt Nam, vẫn ẩn nấp một sức phá hoại. Dân tộc ta sống theo hai dòng sinh khí ngược nhau. Ở tầng trên, các đồ đệ trung thành của đạo Khổng chịu hy sinh cá thể cho chế độ tổ quyền. Trái lại, đám bình dân quê mùa, thô lỗ vẫn chạy theo tự nhiên. Những câu ca dao tụ cngữ, tự tình, chỏng lỏn, mánh khóe, theo ý tôi, chính là sự trả thù cái quan niệm nhân sinh khô khan của Nho giáo.

Những câu ve vãn, bỡn cợt (...) những ngạn ngữ phóng đãng, táo bạo (...) chứng thực rằng dân chúng Việt Nam vẫn khao khát sống một cuộc đời đầy đủ, lý thú hơn cái đời nhân tạo ngoài xã hội.» (trích bài Tố Tâm của Song An, in trên báo Loa số 78-79 ra ngày 15-22/8/1935)

Đời sống xã hội Việt Nam như thế, nhưng, theo ông, nhờ sự tình cờ của lịch sử, đầu thế kỷ hai mươi, văn chương Pháp trở thành môn học bắt buộc của thanh niên - và chính những cái phải học một cách bắt buộc ấy đã mở cửa cho thanh niên Việt Nam bước vào hai thế giới tân kỳ: Mỹ thuậtÁi tình và dẫn họ vào vũ trụ lãng mạn. Và Trương Tửu cho rằng: với cuốn Tố Tâm, Song An muốn «đánh hai cái dấu hỏi thật lớn vào trang đầu của thời đại» đó là:«Đôi trai gái «lãng mạn» gần nhau có tránh thoát được ái tình không?» «Ái tình ấy, ở hiện trạng xã hội bây giờ gặp những trở lực gì và gây ra những tai hoạ gì?

Một vấn đề tâm lý và một vấn đề xã hội. Toàn truyện là một bài khảo cứu cái nguyên nhân và cái kết quả của thời bệnh (le mal du siècle)»( trích Tố Tâm của Song An, in trên báo Loa số 78-79 ra ngày 15-22/8/1935). Qua một bài phê bình ngắn, Trương Tửu đã đặt tác phẩm vào trong lòng xã hội, và từ những vấn đề nóng bỏng của xã hội thời ấy, ông làm lộ những vấn đề trong tác phẩm: Trong một xã hội có truyền thống «nam nữ thu thụ bất thân», «ái tình», hay tình yêu tự do bị coi là «căn bệnh của thế kỷ» thì những câu hỏi «lớn» phải là: đôi trai gái gần nhau có thoát được sự tự do luyến ái hay không? Và tình yêu này dẫn họ đến đâu?

Lối phê bình của Trương Tửu do đó cũng là một cách nghiên cứu xã hội qua tác phẩm văn học: ông đọc Tố Tâm không chỉ để thưởng thức tác phẩm, mà để tìm ra những điều tiềm ẩn đằng sau chữ nghiã, tức là phần hồn của tác phẩm, và ở Hoàng Ngọc Phách, đó là tình yêu tự do, là «căn bệnh của thế kỷ» lần đầu tiên được mổ xẻ sâu sắc trong một cuốn tiểu thuyết quốc ngữ.

 

Khi phê bình Nửa chừng xuân, Trương Tửu nhận xét: «Trong Tố Tâm, cá nhân xung đột với một cảm tình». Còn trong Nửa chừng xuân «cá nhân chiến đấu với một chế độ». Khi phê bình Đoạn tuyệt ,Trương Tửu nêu lên trục chính của tác phẩm:

«Đoạn tuyệt nêu ra một vấn đề điều kiện. Viết nó, Ông Nhất Linh muốn:

1- Tuyên cáo cho mọi ngưòi biết rằng mới và cũ hay cá nhân và gia đình vì điều kiện thành lập trái ngược nhau không thể đi đôi được.

2- Nhân đó bày cho thanh niên còn lưỡng lự một phương pháp xác định: hoàn toàn theo mới.

3- Công bố sự phá sản hoàn toàn của gia đình cũ.

4- Phác họa cho thanh niên một tương lai rực rỡ.

Và trong bài so sánh ba tác phẩm, Trương Tửu rút ra những nhận xét sau đây:

«Tố Tâm bày ra một hiện trạng. Nửa chừng xuân phác ra một lý tưởng. Đoạn tuyệt vạch ra một con đường. Song An tả, Khái Hưng nghĩ, Nhất Linh phá (...)

Trước sức mạnh của chủ nghiã gia đình, Song An phục tòng than khóc, Khái Hưng cười nụ trốn đi, Nhất Linh gióng trống đánh lại. (...)

Song An là nhà tâm lý. Khái Hưng là nhà tư tưởng. Nhất Linh là nhà cải cách».

Như thế, trong thời kỳ phôi thai của nền phê bình văn học Việt Nam, Trương Tửu là người đầu tiên đã có cái nhìn phân tích và tổng hợp về tác giả và tác phẩm.

 

Trong cuốn Kinh Thi Việt Nam, ông bắt đầu áp dụng một cách hệ thống lối phê bình sử học và xã hội học mác-xít. Vận dụng thuyết của Marx vào trường hợp Khổng giáo, ông viết:

«Trong Khổng giáo, tất cả triết lý và chính trị đều dựng trên sự nhận định này: con người là một động vật sống trong xã hội. Không có xã hội thì không có Khổng giáo. Đạo của Khổng Tử là một hệ thống triết lý chỉ có thể xuất hiện trong một xã hội đã tổ chức, hơn nữa một xã hội nông nghiệp đang ở thời kỳ hỗn độn của chế độ phong kiến có xu hướng tiến đến thời kỳ trật tự của chế độ quân quyền. Bởi phát sinh từ cỗi rễ ấy nên Khổng giáo mới coi con người sống trong xã hội là con người muôn thủa và mới tin ở sức mạnh cùng cực của chế độ chính trị trong việc cải tạo con người. Theo Đức Khổng thì tình cảm con người thiện hay ác là do chính trị tốt hay xấu.» (Kinh Thi Việt Nam, Liên Hiệp tái bản, Sàigòn 1950, trang 35-36).

Lối vận dụng khéo léo này của ông, khiến ta có cảm tưởng rằng Khổng đã nghĩ như Marx, tức là Khổng cũng cho rằng: «con người là một động vật sống trong xã hội». Ông lồng tư tưởng Marx vào Khổng như vậy để làm gì? Để trả lời câu hỏi: «Tại sao Khổng Tử san định Kinh Thi» và để trả lời câu hỏi này, ông viết:

«Khổng Tử san định Kinh Thi bởi vì Khổng Tử tìm thấy ở Kinh Thi một phương pháp trị dân Khổng Tử tin rằng nghệ thuật là sản phẩm của tình cảm. Vì thế, cái khởi điểm giáo hoá của Khổng Tử là chỉnh lại nền tình cảm của con người. Muốn chỉnh lại tình cảm của con người, Ngài cho học Thi vì thơ chính là tiếng nói của tình cảm (...). Ngài cho rằng thơ, nhạc vả tình cảm có ảnh hưởng mật thiết với nhau. Tình cảm trong sạch thì thơ nhạc thiện, tình cảm vẩn đục thì thơ nhạc ác: Ngược lại, thơ nhạc dâm oán thì lôi cuốn tình cảm vào tội lỗi, thơ nhạc khoan hoà thì biến tình cảm theo điều thiện» (trang 34-35).

Chúng ta có thể nhận ra đây cũng là lập luận của Socrate về thi nhạc. Vậy thì, đi từ một lập luận như thế về Khổng Tử, Trương Tửu tiến đến «đoàn thể», một ý niệm mới mẻ nữa của triết học Mác-xít, ông viết:

«Muốn biết rõ tình cảm của một đoàn thể, không gì bằng xét những phát hiện tinh thần của đoàn thể ấy. Cái phát hiện thuần khiết nhất của nó là thơ và nhạc, vì thế nên Khổng Tử đã nói trong Nhạc ký: «Thanh âm chí đạo, dữ chính thông hỷ: đạo thanh âm thông với chính trị vậy» và lại nói: «Thẩm nhạc dĩ tri chính: xem kỹ âm nhạc thì biết cách chính trị». Đã nói: «thơ nhạc do tình cảm con người mà sinh ra» lại nói: «tình cảm con người do chính trị tạo thành» thì có khác gì nói: «thơ nhạc bắt nguồn ở xã hội»? Cái mối tương quan của nghệ thuật và nhân sinh diễn đạt đến như trong Khổng giáo thật cũng đã cặn kẽ và đanh thép lắm. Từ cái thuyết: «thơ nhạc gốc ở tình cảm, tình cảm gốc ở chính trị», Khổng Tử đã đi đến một kết luận rất hợp lý, là: «Có thể dùng thơ nhạc để cải tạo tình cảm và luôn thể cải tạo xã hội» (trang 38-39).

Tất cả những dẫn chứng và biện luận trên đây của ông để đưa đến luận điểm then chốt sau cùng: «Chúng ta cũng có một Kinh Thi quý giá không kém gì Kinh Thi của người Tàu. Bổn phận chúng ta ngày nay là phải ghi chép nó, san định nó, chú thích nó, như Chu Công đã ghi chép, Khổng Tử đã san định, Chu Hy đã chú thích kinh Thi của Trung Hoa» (trang 23).

 

Với những ai cho rằng không phải Khổng Tử san định Kinh Thi, thì chỉ cần thay Khổng Tử bằng những người cầm quyền, là lập thuyết của Trương Tửu vẫn đứng vững: Khi người cầm quyền lấy văn hoá, lấy nhân nghiã mà cai trị thì sẽ đạt được kết quả tốt. Văn chương là sản phẩm của môi trường, vậy muốn biết môi trường như thế nào thì phải khảo sát văn chương. Hai luận điểm này đã dẫn ông đến việc phê bình ca dao. Và khi phê bình ca dao, ông dùng các phương pháp sử học, xã hội học và tâm lý học và nhất là ông dựa trên tư tưởng nòng cốt: Lịch sử tiến hoá của nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp.

Con người là sản phẩm của môi trường. Tác phẩm văn chương do con người làm ra, vì vậy, nó vừa phản ảnh cái môi trường sống ấy, và nó cũng phản ảnh cá tính riêng của tác giả và tâm lý dân tộc. Từ luận điểm đó, Trương Tửu chủ trương phải san định lại ca dao Việt Nam. Bởi ca dao mới là tiếng nói của dân tộc Việt Nam qua các thời đại. Qua ca dao, người ta biết được phong tục tập quán của dân tộc Việt. Ca dao chính là tiếng nói phát xuất từ quần chúng đối kháng lại giai cấp cầm quyền. Ca dao là những mũi tên phản kháng bắn vào hệ thống đạo đức cổ hủ của nho gia, chống lại chế độ phụ quyền, chống lại đạo đức nam nữ thụ thụ bất thân của Khổng Mạnh, đòi tự do nhục dục, chống lại vấn đế trinh tiết, chống lại vấn đề lẽ mọn, v.v...

Tóm lại, ca dao là hình thức phản kháng thường trực của người dân.

Để chứng minh phản ứng của dân tộc Việt Nam trong ca dao đối với nho giáo. Ông thiết lập một bảng thống kê những luật tắc của Nho giáo:

1. Tôn trọng quyền đàn ông và áp chế quyền đàn bà.

2. Tôn trọng quyền chồng và áp chế quyền vợ.

3. Tôn trọng quyền cha và đoạt mất quyền con.

4. Tôn trọng quyền vua và đàn áp quyền dân.

5. Tôn trọng lý tính và toả chiết tình cảm cùng bản năng.

 

Và ông viết: «Chân tướng của nho giáo là vậy đó. Chính cái thứ nho giáo này đã được quyền tràn lấn sang xứ Việt Nam ta, hồi đầu Tây lịch kỷ nguyên. Và tôi phải nói ngay rằng nó đã bị dân chúng Việt Nam nổi lên chống lại rất dữ dội. Vì ở một hoàn cảnh kinh tế và xã hội khác với Trung quốc, dân ta không thể chịu đồng hoá theo cái triết lý ngoại bang ấy. Suốt khoản lịch sử mấy nghìn năm của xứ Việt Nam chỉ là cuộc xung đột gắt gao giữa dân chúng Việt Nam và nho giáo. Tổ tiên ta đã chứng tỏ một tinh thần độc lập hùng mạnh vô cùng. Cho nên tuy được giai cấp cầm quyền (vua, quan, sĩ) cần cù truyền bá và ủng hộ, nho giáo vẫn phải luôn luôn lùi bước trước sức phản kháng của dân chúng Việt Nam» (trang 79).

 

Nhưng để hiểu ca dao tức là Kinh Thi Việt Nam, thì không những phải tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến ngày nay, mà còn phải hiểu cả bản chất của Kinh Thi và xã hội Trung Hoa nữa. Sự tìm kiếm này dẫn ông đến lập luận: Kinh Thi là một tài liệu xã hội học. Và ông chứng minh lập luận này qua ba yếu tố sau đây:

1- Nó đánh dấu sự xuất hiện của văn tự.

2- Nó là bức họa chân xác của những tín ngưỡng, tư tưởng, chính pháp, phong tục trong một xã hội.

3- Nó điểm chỉ cho nhà xã hội học những vết tích của một cuộc sinh hoạt kinh tế.

Xuyên qua những dẫn chứng trong kinh Thi, ông tái tạo bộ mặt xã hội Trung Hoa cổ, với những nề nếp, phong tục của người Tàu:

"Nghiên cứu theo quan điểm xã hội học và tâm lý học, Kinh Thi của Trung quốc đã cho ta những tài liệu quý báu như trên. Nhờ Kinh Thi, ta đã tìm đến được cỗi rễ xã hội và cỗi rễ luân lý của Khổng giáo.Chính cái Khổng giáo này vào khoảng đầu Tây lịch kỷ nguyên, đã tràn sang xứ ta. Phải nhìn thấu suốt được chân tướng nó, lại phải am hiểu được tình trạng xã hội đặc biệt của xứ Việt Nam mới có thể hiểu được cái xu hướng chống nho giáo của nền thơ phong dao Việt Nam - Kinh Thi của nước nhà". (trang 72-73).

Trong những chương kế tiếp ông đã căn cứ vào ca dao, để «truy cứu tới cái cơ sở hạ tầng và cái kiến thiết thượng tầng của xã hội Việt Nam».

 

Ở thời điểm những năm ba mươi của thế kỷ trước, Trương Tửu đã góp phần như một nhà phê bình văn học có tư tưởng cấp tiến, dùng một phương pháp khoa học để hệ thống hoá tiến trình cải cách xã hội mà ông đã nhìn ra trong một số nhà văn đương thời, và nhất là ông đã tìm thấy ở ca dao, hình thức thi ca lâu đời nhất của dân ta, như một cuôc cách mạng thường trực. Và ông đã dấn thân vào cuộc cách mạng văn hoá xã hội ấy, vừa như một chứng nhân, vừa như một tác tố, kích động tiến trình dân chủ hoá xã hội qua ngả nghiên cứu và phê bình văn học.

 

 

 

Thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm

Để tìm lại tầm quan trọng của Trương Tửu trong thời kỳ này; không gì rõ hơn là đọc lại những bài đánh Trương Tửu của những nhà văn lãnh đạo thời ấy. Qua lời buộc tội Trương Tửu của Tố Hữu, Hoài Thanh, Hồng Cương, Như Phong, Bùi Huy Phồn v.v... chúng ta có thể biết được đường hướng hoạt động của Trương Tửu và ông được xem như là một trong những nhà tư tưởng "đầu sỏ" cùng với Trần Đức Thảo, cầm đầu phong trào đấu tranh ở đại học, khuyến khích và nâng đỡ tinh thần cho sinh viên.

Tố Hữu viết: "Chúng -tức là Trương Tửu và Trần Đức Thảo- muốn biến đại học thành một "pháo đài" phản cách mạng như bọn chúng thú nhận, và thật sự từ vị trí ấy, chúng đã tung ra trong giới văn nghệ sĩ trí thức những sách báo phản động nhất, những tác phẩm của Trốt- Ky phương Tây, cùng những tài liệu của bọn phản cách mạng, bọn xét lại quốc tế". "Trong những tập giai phẩm mùa thu, mùa đông, Trương Tửu đưa ra luận điệu "văn nghệ sĩ chân chính xưa nay đều chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền" (Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận, t. 161).

Hoài Thanh viết: "Trương Tửu nhắc đi nhắc lại lời Gide khuyên các nhà văn nhà nghệ sĩ hãy giao rắc vào tâm trí mọi người chất men bất phục tùng và phản kháng (...) Trương Tửu chủ trương thành lập một đoàn Tân văn nghệ, không chịu sư lãnh đạo của một đảng nào hết, mà chỉ có thể hợp tác với đảng chính trị một cách hãn hữu" (sđd, trang 65).

Vẫn lời của Hoài Thanh trong bài "Thực chất của Trương Tửu", viết: "Trong ba tập Giai Phẩm liên tiếp, nó đả kích thậm tệ vào toàn bộ cán bộ Đảng phụ trách công tác văn nghệ, phủ nhận tính chất mác xít, tính chất vô sản của đảng. Vẫn một lối huênh hoang và bịp bợm cũ, nó làm như chỉ có nó mới là triệt để cách mạng. Một mặt nó bóp méo, bịa đặt sự việc để vu khống... một mặt khác nó xuyên tạc lời nói của các lãnh tụ" (sđd, trang 66).

 

Như vậy, phương pháp luận và hành động của Trương Tửu lúc bấy giờ thể hiện trên hai lãnh vực: Là giáo sư đại học và là ngòi bút chính trực tiếp trông nom bài vở các tờ Giai Phẩm Mùa Thu và Mùa đông, về tư tưởng, Trương Tửu chủ trương thành lập một phong trào Tân Văn Nghệ, theo đường lối Trotsky, không chấp nhận sự lãnh đạo tư tưởng. Về hành động, ông tìm cách tác dụng mạnh mẽ lên sinh viên và văn nghệ sĩ bằng những bài bút luận lôi cuốn, đầy tính thuyết phục.
Ông đã phê phán trực tiếp tư cách của những nhà văn nhà thơ lãnh đạo thòi ấy, từ Lưu Trọng Lư đến Tố Hữu. Theo ông, đó là những kẻ có tâm lý "bảo hoàng hơn vua". Trong bài "Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ" đăng trên Giai Phẩm mùa thu tập II, ra ngày 30/9/56, Trương Tửu viết:
"Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, những người của Đảng phụ trách lãnh đạo văn nghệ, trong kháng chiến cũng như sau khi hoà bình lập lại, đều có thứ tâm lý nói trên. Ở cửa miệng họ, bao giờ ta cũng bắt gặp cái điệp khúc bất di bất dịch này: Đảng không bao giờ sai lầm. Rồi từ chỗ nói: Đảng không bao giờ sai lầm, họ tiến đến chỗ nói: các cá nhân lãnh đạo Đảng không bao giờ sai lầm" [...]
Họ sùng bái một người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ cá nhân họ. Nhờ phương châm ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban khác, leo dần lên thang danh lợi, oai quyền hống hách, đàn áp cấp dưới, khinh miệt quần chúng, báo cáo lên trên thì xuyên tạc sự thực có dụng ý, lãnh đạo anh em thì mệnh lệnh độc tài. Họ sùng bái cá nhân là để trục lợi. Họ chỉ có thể tiến thân bằng đường lối ấy.
Cho nên, khi vị lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu chỉ thị bỏ những tranh tĩnh vật trong một cuộc triển lãm hội hoạ (1955) thì họ bỏ hết những tranh tĩnh vật; khi ông Tố Hữu tấm tắc khen bức tượng "Hướng điền" của Song Văn thì họ xô nhau vào tấm tắc khen theo; khi ông Tố Hữu chê hai bức sơn mài "Trăng lên" và "Niềm vui" của Nguyễn Sáng trong kỳ triển lãm năm ngoái thì họ ùa vào chê theo mặc dầu họ đã khen Nguyễn Sáng lúc ông Tố Hữu chưa có ý kiến [...]
"Thêm vào tư cách lãnh đạo ấy sự hiểu biết nông cạn và lệch lạc về văn nghệ, sự áp dụng máy móc phương châm phục vụ kịp thời, sự bắt buộc lồng một cách công thức chủ trương chính sách vào tác phẩm nghệ thuật, sự độc quyền và bè phái trong việc xuất bản báo, sự áp chế có tính cách hành chính hoặc quân sự đối với những văn nghệ sĩ dám nói thực, nói thẳng, nói hết... là ta có tất cả cái tình trạng văn nghệ ngột ngạt năm sáu năm nay. Bao nhiêu năng lực sáng tạo văn nghệ vì thế mà quằn quại không phát triển mạnh được".
Bài viết của Trương Tửu tố cáo toàn diện bộ mặt lãnh đạo văn nghệ thời ấy, nhưng qua đó ông phê phán cả bộ mặt lãnh đạo nói chung.
Trên đường tranh đấu, Trương Tửu luôn luôn quay về văn nghệ, bởi đối với ông, văn nghệ mới là nền tảng sâu xa của xã hội. Trong bài "Văn nghệ và chính trị", Trương Tửu trở lại bản chất của một nhà phê bình, ông viết về điều kiện sáng tạo:
"Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì, bảo vệ, phát triển tính độc đáo ấy không để sức mạnh bên ngoài nào xâm phạm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật - để có thể phán ánh hiện thực một cách trung thành. Tự do đây có nghiã là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo. Giả tạo là kẻ thù của nghệ thuật. Giả tạo là tiêu diệt nghệ thuật. Một tác phẩm văn nghệ không tiết ra từ những cảm nghĩ thành thực và sâu sắc của chính tâm hồn tác giả sẽ là một phản ảnh nhạt nhẽo của thực tại. Nó khô khẳng vì thiếu chất sống. Nó bất thành nghệ thuật, và do đó, chẳng xúc động được ai cả". (Giai phẩm mùa thu tập III, 30/10/56).

Sự đấu tranh của Trương Tửu vì vậy không có tính cách nhất thời, chống lại một quyền lực độc tài, mà có tính cách miên viễn, bởi nó là sự đấu tranh của con người với chính mình: Muốn sáng tác hay, người nghệ sĩ bắt buộc phải tự do: "Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật".

Và ông đã giải thích chữ tự do, trong điều kiện bị áp bức, có nghiã là: "chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối".

Trương Tửu cho rằng: quy luật của văn nghệ là "phát hiện sự thật toàn diện". Do quy luật của "tự thân văn nghệ" như thế, người nghệ sĩ đích thực phải theo đúng "lý tưởng nghệ thuật cao cả" của mình, theo cái "tự do nội tâm" của mình, cho nên khi nhìn vào sự thật họ thấy đúng sự thật, và nếu người văn nghệ sĩ nói "sự thật toàn diện" ấy lên, đúng như sự nhìn thấy của mình, thì điều đó tức khắc có lợi cho chính trị tiến bộ, cho giai cấp cách mạng.

Đứng trên quan điểm văn nghệ đó, Trương Tửu đòi hỏi:"Một đảng cộng sản chân chính phải tạo đầy đủ điều kiện cho văn nghệ sĩ làm tròn nhiệm vụ phát hiện sự thật sâu sắc của cuộc sống. Lãnh đạo tốt là tuyệt đối không ngăn cản văn nghệ sĩ phát hiện sự thật một cách hoàn toàn tự do".

Sau khi đặt điều kiện như thế, ông tuyên bố: "Nếu lãnh đạo không tạo điều kiện ấy cho văn nghệ, thì nó cũng tư tạo cho nó điều kiện ấy" và ông dứt khoát đòi: "Trả công việc lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ". Cuối cùng, Trương Tửu kết luận: "Vận mạng của văn nghệ sĩ dài hơn vận mạng của đảng, dài hơn vận mạng của chế độ", "văn nghệ sĩ là những chứng nhân về mọi hành động của Đảng trước toà án lịch sử nghìn đời".

Những lời trên đây là những biện chứng chặt chẽ và tha thiết nhất của một nhà văn, nhà phê bình đòi quyền tự do tư tường.

 

Xuất thân trong một gia đình nghèo, Trương Tửu gắn bó với với lý tưởng công bằng xã hội, những tác phẩm đầu tay của ông là những tiểu thuyết đấu tranh xã hội, đấu tranh cho giai cấp cần lao. Cho nên khi cách mạng nổi lên, ông đã tìm thấy ở cuộc cách mạng giai cấp này, như một điều kiện cần thiết để tiến đến công bằng xã hội. Nhưng ông không thể chấp nhận sự chuyên chính của một đảng cầm quyền, độc quyền tịch thu tự do tư tưởng của toàn thể dân tộc và ông đã bước vào cuộc đấu tranh thứ nhì và cũng là cuộc đấu tranh cho những lý tưởng cao nhất của người cầm bút: Đó là cuộc tranh đấu cho tự do và sự thật.

Trương Tửu gắn bó với hai hệ lụy: Ông thuộc nhóm trí thức Hàn Thuyên được coi là nhóm phản động Trốt-kít và ông đã tích cực tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Hai cái án ấy đã chấm dứt sự nghiệp của nhà phê bình Trương Tửu và sự nghiệp giảng dậy của ông ở Đại học Văn Khoa Hà Nội, từ 1958. Trong 40 năm còn lại của đời ông, từ 1959 đến 1999, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa đã sống một cuộc đời gần như ẩn dật, làm nghề thầy thuốc Đông y, không liên hệ đến sinh hoạt văn học nữa. Những năm gần đây, tên tuổi Trương Tửu đã được "phục hồi", tác phẩm của ông đã được in lại, nhưng dường như ông vẫn chỉ được tuyên dương như nhà phê bình mác-xít đầu tiên, còn quãng đời tranh đấu cho tự do tư tưởng của ông vẫn bị "bỏ quên".

Trương Tửu đã bị kết án im lặng trong 40 năm. Có lẽ đó là sự trừng phạt đau đớn nhất cho một giáo sư, một nhà phê bình, một nhà tư tưởng. Nhưng sự im lặng ấy, cũng là thái độ đẹp nhất của một nhà văn: Không viết vì không thể viết những điều trái với sự thật.

 

Thụy Khuê

 

© 2012 Thụy Khuê