Thụy Khuê

 

Phương pháp phê bình duy vật biện chứng của Trương Tửu

 

 

  

 

Trương Tửu là một nhà văn, nhà tư tưởng của phái nghèo. Trong tiểu thuyết cũng như trong phê bình, ông luôn luôn bênh vực giai cấp vô sản, khuynh hướng ấy đã gặp ở triết học Karl Marx những mẫu số chung cần thiết, đặc biệt cho việc phê bình văn học. Sự tiếp cận triết học Mác-xít và tìm thấy ở đó một đường lối mới cho phê bình không chỉ có ở Trương Tửu mà một số người cùng thời với ông như Tam Ích, cũng thừa nhận, khoảng năm 1936, đã tiếp xúc với chủ nghiã này :«Trong các sách Mác-xít, tôi để ý đến biện chứng pháp duy vật nhiều nhất, là vì tôi cần biết để để dùng làm phương pháp phê bình» (trích thư trả lời Nguyễn Văn Trung về câu hỏi « Tiếp cận đầu tiên với Mác-xít và Cộng sản »).

Về phần Trương Tửu, ngoài một phương pháp luận cho phê bình, ông còn tìm thấy ở triết học Mác-xít, những giải pháp phù hợp với lý tưởng đấu tranh xã hội của ông. Trong bản Tuyên ngôn cộng sản năm 1848, hàng chữ đầu tiên của Karl Marx là: «Lịch sử tất cả mọi xã hội cho đến chúng ta, là lịch sử đấu tranh giai cấp». Cho nên, ngay từ năm 1935, khi phê bình các tác phẩm của Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng, Nhất Linh, Tam Lang, Trương Tửu đã dùng tính chất đấu tranhmâu thuẫn, như hai yếu tố nòng cốt để biện luận, ông vạch ra tính đấu tranh và mâu thuẫn giữa tự do cá nhân và nền luân lý độc tài của xã hội Khổng Mạnh. Ở tác phẩm của Tam Lang là tính chất đấu tranh giai cấp giữa nghèo và giầu. Sau này, khi Trương Tửu quay lại công kích Nhất Linh, Khái Hưng, cũng lại là một hình thức đấu tranh giai cấp: bởi Tự Lực Văn Đoàn tiêu biểu cho giai cấp trí thức tiểu tư sản còn Trương Tửu là chiến sĩ của giai cấp vô sản.

Sự nghiệp phê bình của Trương Tửu có thể chia làm hai giai đoạn : Giai đoạn thứ nhất ký tên Trương Tửu gồm loạt bài phê bình trên báo Loa năm 1935, mang tựa đề «Văn học Việt Nam hiện đại» và cuốn Kinh Thi Việt Nam do Hàn Thuyên xuất bản năm 1940, ký tên Trương Tửu.

Ở giai đoạn này, tính đối kháng nổi bật. Trong  Nửa chừng xuân, Tố TâmĐoạn tuyệt là sự đối kháng cá nhân chống lại gia đình; và trong Kinh thi Việt nam là sự phản kháng của giai cấp bình dân chống lại hệ thống chính trị nho giáo của giai cấp cầm quyền.    

 Giai đoạn thứ nhì, gồm các tác phẩm như : Nguyễn Du và truyện Kiều (1942),  Nhân loại tiến hoá sử (1943), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1944) v.v... ký tên Nguyễn Bách Khoa, là giai đoạn phân tích xã hội. Ông đi sâu hơn vào duy vật biện chứng, nhất là ở cuốn Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ  ông đã sử dụng duy vật biện chứng như một phương pháp phê bình mà ông cho là: «phương pháp khoa học cao nhất, hiệu nghiệm nhất trong tư tưởng hiện đại».

Bài phê bình cuốn Tố Tâm có thể coi là một trong những bài viết đầu tiên xác định phong cách phê bình của Trương Tửu, mở đầu, ông giải thích vì sao sự nghiên cứu tác phẩm Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách phải bắt nguồn từ xã hội:

« Mấy ngàn năm nay, trong xã hội Việt Nam vẫn tiềm tàng sự xung đột  âm thầm của cá nhân và gia đình. Quá trọng lý tính, nho giáo đàn áp những tình cảm thiên nhiên của lòng người. Bao nhiêu lễ nghi, phong tục ở gia đình -gốc  của xã hội- kiềm chế sự phát triển tự do của cá nhân. (...) Vì thế nên trong cái yên lặng giả dối của xã hội Việt Nam, vẫn ẩn nấp một sức phá hoại. Dân tộc ta sống theo hai dòng sinh khí ngược nhau. Ở tầng trên, các đồ đệ trung thành của đạo Khổng chịu hy sinh cá thể cho chế độ tổ quyền. Trái lại, đám bình dân quê mùa, thô lỗ vẫn chạy theo tự nhiên. Những câu ca dao tục  ngữ, tự tình, chỏng lỏn, mánh khóe, theo ý tôi, chính là sự trả thù cái  quan niệm nhân sinh khô khan của Nho giáo. (trích bài Tố Tâm của Song An, in trên báo Loa số 78-79 ra ngày 15-22/8/1935)

Đời sống xã hội Việt Nam như thế, nhưng, theo ông, nhờ sự tình cờ của lịch sử, đầu thế kỷ hai mươi, văn chương Pháp trở thành môn học bắt buộc của thanh niên- và chính những cái phải học một cách bắt buộc ấy đã mở cửa cho thanh niên Việt Nam bước vào hai thế giới tân kỳ: Mỹ thuậtÁi tình và dẫn họ vào vũ trụ lãng mạn. Và Trương Tửu cho rằng: với  cuốn Tố Tâm, Song An muốn « đánh hai cái dấu hỏi thật lớn vào trang đầu của thời đại » đó là :«Đôi trai gái «lãng mạn» gần nhau có tránh thoát được ái tình không? » «Ái tình ấy, ở hiện trạng xã hội bây giờ gặp những trở lực gì và gây ra những tai hoạ gì ? 

Một vấn đề tâm lý và một vấn đề xã hội. Toàn truyện là một bài khảo cứu cái nguyên nhân và cái kết quả của thời bệnh (le mal du siècle) ».( trích Tố Tâm của Song An, in trên báo Loa số 78-79 ra ngày 15-22/8/1935). Qua một bài phê bình ngắn, Trương Tửu đã đặt tác phẩm vào trong lòng xã hội, ông làm lộ những vấn đề nóng bỏng đề ra trong tác phẩm: Trong một xã hội có truyền thống «nam nữ thu thụ bất thân », « ái tình», hay tình yêu tự do bị coi là «căn bệnh của thế kỷ» thì những câu hỏi «lớn» phải là: đôi trai gái gần nhau có thoát được sự tự do luyến ái hay không ? Và tình yêu này dẫn họ đến đâu?

Lối phê bình của Trương Tửu do đó cũng là một cách nghiên cứu xã hội qua tác phẩm văn học: ông đọc Tố Tâm không chỉ để thưởng thức tác phẩm, mà để tìm ra những điều tiềm ẩn đằng sau chữ nghiã, tức là phần hồn của tác phẩm, và ở Hoàng Ngọc Phách, đó là tình yêu tự do, là «căn bệnh của thế kỷ » lần đầu tiên được mổ xẻ sâu sắc trong một cuốn tiểu thuyết quốc ngữ.

Khi phê bình Nửa chừng xuân, Trương Tửu nhận xét: «Trong Tố Tâm, cá nhân xung đột với một cảm tình ». Còn trong Nửa chừng xuân « cá nhân chiến đấu với một chế độ». Khi phê bình Đoạn tuyệt ,Trương Tửu nêu lên trục chính của tác phẩm:

«Đoạn tuyệt nêu ra một vấn đề điều kiện. Viết nó, Ông Nhất Linh muốn:

1-      Tuyên cáo cho mọi ngưòi biết rằng mới và cũ hay cá nhân và gia đình vì điều kiện thành lập trái ngược nhau không thể đi đôi được.

2-      Nhân đó bày cho thanh niên còn lưỡng lự một phương pháp xác định : hoàn toàn theo mới.

3-      Công bố sự phá sản hoàn toàn của gia đình cũ.

4-     Phác họa cho thanh niên một tương lai rực rỡ.

Và trong bài so sánh ba tác phẩm, Trương Tửu rút ra những nhận xét sau đây :

«Tố Tâm bày ra một hiện trạng. Nửa chừng xuân phác ra một lý tưởng. Đoạn tuyệt vạch ra một con đường. Song An tả, Khái Hưng nghĩ, Nhất Linh phá (...)

Trước sức mạnh của chủ nghiã gia đình, Song An phục tòng than khóc, Khái Hưng cười nụ trốn đi, Nhất Linh gióng trống đánh lại. (...)

Song An là nhà tâm lý. Khái Hưng là nhà tư tưởng. Nhất Linh là nhà cải cách».  

Như thế, trong thời kỳ phôi thai của nền phê bình văn học Việt Nam, Trương Tửu là người đầu tiên đã có cái nhìn phân tích và tổng hợp về tác giả và tác phẩm.

Trong cuốn Kinh Thi Việt Nam, ông áp dụng một cách hệ thống lối phê bình sử học và xã hội học mác-xít. Vận dụng thuyết của Marx vào trường hợp Khổng giáo, ông viết : 

 « Trong Khổng giáo, tất cả triết lý và chính trị đều dựng trên sự nhận định này: con người là một động vật sống trong xã hội. Không có xã hội thì không có Khổng giáo. Đạo của Khổng Tử là một hệ thống triết lý chỉ có thể xuất hiện trong một xã hội đã tổ chức, hơn nữa một xã hội nông nghiệp đang ở thời kỳ hỗn độn của chế độ phong kiến có xu hướng tiến đến thời kỳ trật tự của chế độ quân quyền. Bởi phát sinh từ cỗi rễ ấy nên Khổng giáo mới coi  con người  sống trong xã hội là con người muôn thủa và mới tin ở sức mạnh cùng cực của chế độ chính trị trong việc cải tạo con người. Theo Đức Khổng thì tình cảm con người thiện hay ác là do chính trị tốt hay xấu.» (Kinh Thi Việt Nam, Liên Hiệp tái bản, Sàigòn 1950, trang 35-36).

Lối vận dụng Marx khéo léo này của ông, khiến ta có cảm tưởng rằng Khổng đã nghĩ như Marx, tức là Khổng cũng cho rằng: «con người là một động vật sống trong xã hội». Ông lồng tư tưởng  Marx vào Khổng như vậy để làm gì? Để trả lời câu hỏi :«Tại sao Khổng Tử san định Kinh Thi » và để trả lời câu hỏi này, ông viết: « Khổng Tử san định Kinh Thi bởi vì Khổng Tử tìm thấy ở Kinh Thi một phương pháp trị dân «Khổng Tử tin rằng nghệ thuật là sản phẩm của tình cảm. Vì thế, cái khởi điểm giáo hoá của Khổng Tử là chỉnh lại nền tình cảm của con người. Muốn chỉnh lại tình cảm của con người, Ngài cho học Thi vì thơ chính là tiếng nói của tình cảm (...). Ngài cho rằng thơ, nhạc vả tình cảm có ảnh hưởng mật thiết với nhau. Tình cảm trong sạch thì thơ nhạc thiện, tình cảm vẩn đục thì thơ nhạc ác : Ngược lại, thơ nhạc dâm oán thì lôi cuốn tình cảm vào tội lỗi, thơ nhạc khoan hoà thì biến tình cảm theo điều thiện»  (trang 34-35).

Chúng ta có thể nhận ra đây cũng là lập luận của Socrate về thi nhạc. Vậy thì, đi từ một lập luận như thế, về Khổng Tử, Trương Tửu tiến đến « đoàn thể», một ý niệm mới mẻ nữa của triết học Mác-xít, ông viết: « Muốn biết rõ tình cảm của một đoàn thể, không gì bằng xét những phát hiện tinh thần của đoàn thể ấy. Cái phát hiện thuần khiết nhất của nó là thơ và nhạc, vì thế nên Khổng Tử đã nói trong Nhạc ký: «Thanh âm chí đạo, dữ chính thông hỷ: đạo thanh âm thông với chính trị vậy » và lại nói: «Thẩm nhạc dĩ tri chính : xem kỹ âm nhạc thì biết cách chính trị ». Đã nói: « thơ nhạc do tình cảm con người mà sinh ra » lại nói : «tình cảm con người do chính trị tạo thành » thì có khác gì nói: «thơ nhạc bắt nguồn ở xã hội »? Cái mối tương quan của nghệ thuật và nhân sinh diễn đạt đến như trong Khổng giáo thật cũng đã cặn kẽ và đanh thép lắm. Từ cái thuyết : «thơ nhạc gốc ở tình cảm, tình cảm gốc ở chính trị », Khổng Tử đã đi đến một kết luận rất hợp lý, là : «Có thể dùng thơ nhạc để cải tạo tình cảm và luôn thể cải tạo xã hội » (các trang 38- 39).

Tất cả những dẫn chứng và biện luận trên đây của Trương Tửu để đưa đến luận điểm then chốt sau cùng: « Chúng ta cũng có một kinh Thi quý giá không kém gì Kinh thi của người Tàu. Bổn phận chúng ta ngày nay là phải ghi chép nó, san định nó, chú thích nó, như Chu Công đã ghi chép, Khổng Tử đã san định, Chu Hy đã chú thích kinh Thi của Trung Hoa» (trang 23).

Với những ai cho rằng không phải Khổng Tử san định Kinh Thi, thì chỉ cần thay Khổng Tử bằng những người cầm quyền, là lập thuyết của Trương Tửu vẫn đứng vững: Khi người cầm quyền lấy văn hoá, lấy nhân nghiã mà cai trị thì sẽ đạt được kết quả tốt. Văn chương là sản phẩm của xã hội, vậy muốn biết xã hội như thế nào thì phải khảo sát văn chương. Hai luận điểm này đã dẫn ông đến việc phê bình ca dao. Và khi phê bình ca dao, ông dùng các phương pháp sử học, xã hội học và tâm lý học và nhất là ông dựa trên tư tưởng nòng cốt: Lịch sử tiến hoá của nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp.

Con người là sản phẩm của môi trường. Tác phẩm văn chương do con người làm ra, vì vậy, nó vừa phản ảnh cái môi trường sống ấy, và nó cũng phản ảnh cá tính riêng của tác giả và tâm lý dân tộc. Từ luận điểm đó, Trương Tửu chủ trương phải san định lại ca dao Việt nam. Bởi ca dao mới là tiếng nói của dân tộc Việt Nam qua các thời đại. Qua ca dao, người ta biết được phong tục tập quán của dân tộc Việt. Ca dao chính là tiếng nói phát xuất từ quần chúng đối kháng lại giai cấp cầm quyền. Ca dao là những mũi tên phản kháng bắn vào hệ thống đạo đức cổ hủ của nho gia, chống lại chế độ phụ quyền, chống lại đạo đức nam nữ thụ thụ bất thân của Khổng Mạnh, đòi tự do nhục dục, chống lại vấn đế trinh tiết, chống lại vấn đề lẽ mọn, v.v...

Tóm lại, ca dao là hình thức phản kháng thường trực của người dân.

Để chứng minh phản ứng của dân tộc Việt Nam trong ca dao đối với nho giáo. Ông thiết lập một bảng thống kê những luật tắc của Nho giáo :

1-      Tôn trọng quyền đàn ông và áp chế quyền đàn bà.

2-      Tôn trọng quyền chồng và áp chế quyền vợ

3-      Tôn trọng quyền cha và đoạt mất quyền con

4-      Tôn trọng quyền vua và đàn áp quyền dân

5-      Tôn trọng lý tính và toả chiết tình cảm cùng bản năng

Và ông viết :« Chân tướng của nho giáo là vậy đó. Chính cái thứ nho giáo này đã được quyền tràn lấn sang xứ Việt Nam ta, hồi đầu Tây lịch kỷ nguyên. Và tôi phải nói ngay rằng nó đã bị dân chúng Việt Nam nổi lên chống lại rất dữ dội. Vì ở một hoàn cảnh kinh tế và xã hội khác với Trung quốc, dân ta không thể chịu đồng hoá theo cái triết lý ngoại bang ấy. Suốt khoản lịch sử mấy nghìn năm của xứ Việt Nam chỉ là cuộc xung đột gắt gao giữa dân chúng Việt Nam và nho giáo. Tổ tiên ta đã chứng tỏ một tinh thần độc lập hùng mạnh vô cùng. Cho nên tuy được giai cấp cầm quyền (vua, quan, sĩ) cần cù truyền bá và ủng hộ, nho giáo vẫn phải luôn luôn lùi bước trước sức phản kháng của dân chúng Việt Nam» (trang 79).

Nhưng để hiểu ca dao tức là Kinh thi Việt Nam, thì không những phải tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến ngày nay, mà còn phải hiểu cả bản chất của Kinh thi và xã hội Trung Hoa nữa. Sự tìm kiếm này dẫn ông đến lập luận: Kinh Thi là một tài liệu xã hội học. Và ông chứng minh lập luận này qua ba yếu tố sau đây :

1-      Kinh Thi đánh dấu sự xuất hiện của văn tự.

2-      Nó là bức họa chân xác của những tín ngưỡng, tư tưởng, chính pháp, phong tục trong một xã hội.

3-      Nó điểm chỉ cho nhà xã hội học những vết tích của một cuộc sinh hoạt kinh tế.

Xuyên qua những dẫn chứng trong Kinh Thi, ông tái tạo bộ mặt xã hội Trung Hoa cổ, với những nề nếp, phong tục của người Tàu:  

« Nghiên cứu theo quan điểm xã hội học và tâm lý học, Kinh Thi của Trung quốc đã cho ta những tài liệu quý báu như trên. Phải nhìn thấu suốt được chân tướng nó, lại phải am hiểu được tình trạng xã hội đặc biệt của xứ Việt Nam mới có thể hiểu được cái xu hướng chống nho giáo của nền thơ phong dao Việt Nam - Kinh Thi của nước nhà. (trang 72-73).

Trong những chương kế tiếp cho đến hết cuốn sách, ông đã căn cứ vào ca dao, để «truy cứu tới cái cơ sở hạ tầng và cái kiến thiết thượng tầng của xã hội Việt Nam» .

Ở thời điểm những năm ba mươi của thế kỷ trước, Trương Tửu đã góp phần như một nhà phê bình văn học có tư tưởng cấp tiến, dùng một phương pháp khoa học để hệ thống hoá tiến trình cải cách xã hội mà ông đã nhìn ra trong một số nhà văn đương thời, và nhất là ông đã tìm thấy ở ca dao, hình thức thi ca lâu đời nhất của dân ta, như một cuôc cách mạng thường trực. Và ông đã dấn thân vào cuộc cách mạng văn hoá xã hội ấy, vừa như một chứng nhân, vừa như một tác tố, kích động tiến trình dân chủ hoá xã hội qua ngả nghiên cứu và phê bình văn học. 

18/10/2008

© Copyright Thụy Khuê 2008