Thụy Khuê

Thanh Bình, đối thoại cô đơn

 

Tập thơ Trốn vào giấc mơ em của Nguyễn Thị Thanh Bình do nhà Thanh Văn xuất bản năm 1997, tại Hoa Kỳ là một trong những tập thơ hay, ra đời tại hải ngoại trong khoảng 10 năm gần đây. Thơ Thanh Bình mang nỗi cô đơn tịch lặng rất thiền:

Giữa cõi thinh không giữa cõi lòng

Nửa ngày mộng mỵ nửa ngày không

Tuyết rơi qua những bàn tay trống

Xác thân không còn khoảng vắng trông

Ý thơ cổ điển kín đáo, trang trọng, như một Thanh Quan, lời thơ nửa tu, nửa mộng, đặc biệt hai câu: tuyết rơi qua những bàn tay trống, xác thân không còn khoảng vắng trông, tạo một vũ trụ trống trơn bất tận, mênh mông cô đơn, mênh mông tan tác. Rồi những câu như:

Đêm chảy xuống như tóc mây vần vũ

Một dòng trôi trôi tuột tới hoang vu

Lắng nghe đi cả toàn thân vũ trụ

Vẫn rì rào lời im lặng thiên thu.

Những câu thơ như thế nói lên thế giới của Thanh Bình, một vũ trụ "rì rào lời im lặng thiên thu". Nếu trong thơ, Thanh Bình gợi đến cái thinh không rất thiền, rất tịch lặng và bao la, thì trong văn, nhất là trong những truyện ngắn viết khoảng thời gian gần đây, Thanh Bình tìm cách đào sâu, mở rộng cái không gian tịch lặng và cô đơn ấy trong con người. Nghệ thuật của Thanh Bình dựa trên hai yếu tố: đối thoại và cô đơn, cũng có thể gọi là đối thoại của cô đơn. Tập Dấu ấn tập hợp những đối thoại "cô đơn" ấy qua những truyện ngắn thật hay như: Khi ve sầu trở lại, Chuyển mùa, Xin đừng sấm chớp, Giấc mơ của bão, Từ một miền không đáy... những đối thoại tay đôi giữa hai tâm hồn cô đơn trong những tình thế khác nhau. Tất cả tạo thành thế giới của Thanh Bình, cái thế giới mà người ta không muốn làm quen, không muốn bắt chuyện với nhau. Cũng là đời sống hôm nay, bây giờ trong cái thế giới được gọi là hiện đại và tân tiến Âu Mỹ. Thanh Bình đã bắt nhịp được với tình trạng cô đơn và khủng hoảng nội tâm thường trực của con người trong xã hội kỹ nghệ, ở đây là xã hội Mỹ, tiểu bang Virginia. Và Thanh Bình cũng không viết về ai khác hơn là viết về mình, về nỗi cô đơn của chính mình, dưới nhiều tình huống, nhiều hình thái khác nhau.

Đoạn đầu truyện Khi ve sầu trở lại rất hay, là cuộc đối thoại bằng mắt giữa hai nhân vật ngồi cạnh nhau trên métro. Thoạt tiên là hình ảnh người đàn bà "lầm lũi bước đều theo đoàn người chán ngắt. Những hàng hàng lớp lớp nối đuôi nhau như mưa". Lên métro. Nàng kiếm một chỗ ngồi, nhắm mắt lại, giả vờ chìm vào cơn mộng. Tưởng là yên. Bỗng một giọng dấm dớ nổi lên: "Tôi ngồi đây một mình. Tự nhiên cô chen vô ngồi xuống cạnh tôi. Thế là chúng ta trở thành một cặp". "Ồ xin lỗi. Tôi không biết ông muốn được yên thân một mình". Những lời đối thoại như thế được viết một mạch, không xuống hàng, không đóng trong ngoặc kép, chứng tỏ chúng có thể đã được nói ra, mà cũng có thể vô âm, chỉ mới là ý nghĩ của hai nhân vật. Nếu mới chỉ là ý nghĩ của hai nhân vật, thì đúng là họ nói chuyện với nhau bằng mắt: một không gian ảo vừa thành hình, nhưng lại rất thật, bởi có bao lần chúng ta đã từng nói chuyện, đã từng cãi vã, đã từng cà khịa bằng mắt với những người đồng hành trên métro, trên xe buýt như thế. 

Như vậy là không gian truyện xây dựng trên một cuộc đối thoại ảo, và tất cả những lời mà chúng ta đang đọc đều thuộc địa hạt tưởng tượng. Điều đó dĩ nhiên. Nhưng cái khác biệt sâu xa giữa lối đối thoại mà Thanh Bình vừa bầy ra trước mắt, với lối đối thoại truyền thống, là cuộc đối thoại truyền thống, dựa trên mức độ tưỏng tượng duy nhất, nghiã là tác giả tưởng tượng ra một cuộc đối thoại và có ý xác định là nó đã xẩy ra thật sự như thế. Còn cuộc đối thoại của Thanh Bình, ở đây, là cuộc đối thoại bằng mắt, dựa trên mức độ tưởng tượng nhiều tầng, và những gì mà chúng ta đang đọc chỉ là một trưòng hợp mà thôi. Câu truyện hai người đang nói với nhau, có thể đã diễn ra như thế đấy, nhưng họ cũng có thể nói với nhau những điều khác hẳn. Dương Nghiễm Mậu đã từng gọi những trường hợp đó là những ví dụ. Thanh Bình chọn cái ví dụ này, hay cái trường hợp đối thoại này để trình bày với chúng ta cái thực tại bi đát ngầm chứa trong đời sống hàng ngày.

Người đàn ông trong métro dấm dớ hỏi: "Cô ơi, mình đang đi đâu đây?" Và người đàn bà nghĩ thầm: "Hắn không thể đùa dai như thế được. Hắn ngồi ở đây, biết trả tiền mua vé để lên tầu, không lẽ đầu óc hắn lại treo lơ lửng ở một chốn hôn mê nào. Đôi mắt hắn âm u và yếu đưối quá... Hắn không biết đi đâu, về đâu cũng phải... Ông à, tỉnh lại đi. Thể nào rồi ông cũng phải xuống một nơi nào chứ. Nơi nào ông tạm thời muốn xuống chẳng hạn.

Không, tôi chẳng muốn gì cả. Có phải bất cứ một trạm nào khi tôi xuống cũng sẽ chẳng  có ai chờ mình ở đó phải không cô". Và câu chuyện của họ tiếp tục một cách dấm dớ lẩn thẩn như thế, đối thoại phi lý trong bối cảnh phi lý, nhưng tất cả những phi lý ấy mở vào trung tâm đớn đau của con người thời đại: đó là sự cô đơn. Chúng ta đọc tiếp nhé, Thanh Bình viết: "Còn cô?... Sao hắn dội chi vào người cô một gáo nước lạnh tê tái, khiến cô không đủ can đảm kiểm điểm lại lòng mình. Còn tôi ra sao ư? Có trạm nào cho tôi dừng lại trong cuộc đời để bắt gặp ngay con nhà hạnh phúc không? Xin lỗi, tôi cũng đã băng băng qua những chuyến tàu đời/ hơn nửa đời người/ mà cũng vẫn mù mờ như thế thôi."

Một thứ bút pháp vừa sẵng vừa thơ mộng chiếu thẳng vào sự cô đơn không nói ra được, không diễn tả được, cũng không thể ca thán, bởi vì cả một xã hội vội vàng không ai muốn nghe ai, không ai có thì giờ để nghe những lời than vãn, và cũng không ai có thì giờ để  mà than van. Sáng sáng thức dậy, người ta lầm lũi vào nhà tắm, lầm lũi đánh răng, lầm lũi rửa mặt, tắm, lầm lũi thay đồ, lầm lũi nuốt vội cốc cà phê, lầm lũi ra đường, lầm lũi xuống hầm métro, lầm lũi ngồi bên cạnh một kẻ kháccũng đang lầm lũi như mình, lầm lũi nghĩ đến tý nữa sẽ gặp "con mụ xếp hói đầu lúc nào cũng đeo tóc giả, răng giả, lông mi giả, chuyên viên xài đồ giả, nhưng bắt mọi người phải làm thật". Thanh Bình không những đã viết được sự lầm lũi hàng ngày của con người có công ăn việc làm, mà còn viết được cả sự lầm lũi cũa những kẻ tứ cô vô thân, vô gia cư vô nghề nghiệp, không biết đi đâu. Hai loại cô đơn lềnh bềnh trôi trong xã hội như những cánh bèo giạt gặp nhau trong ánh mắt. Có thể họ đã chẳng nói gì với nhau, có thể họ đã nói rất nhiều điều, mà cũng chưa chắc đã có ai ngồi cạnh người phụ nữ này, hay tất cả là do nàng tưởng tượng ra, để có một cuộc đối thoại, một cuộc gặp gở ly kỳ, ma quái, để lấp liếm đi cái cô đơn lầm lũi mỗi ngày của nàng trên métro không ai han hỏi. Thanh Bình và Quỳnh Dao là hai nhà văn hiếm hoi ở hải ngoại đã vào sâu được đời sống hiện tại ở phương tây để viết nên cái bản chất vội vã, không còn tình người của những xã hội tân tiến. Quỳnh Dao viết về sự không cảm thông giữa người và người. Thanh Bình viết về sự cảm thông giữa những tâm hồn đơn lẻ.  

Truyện ngắn Chuyển mùa là một thành công khác của Thanh Bình, người thiếu phụ  trong truyện, đêm nay đi làm công tác thiện nguyện. Nàng có chồng có con, nhưng hình như nàng không mấy hạnh phúc trong nhiệm vụ máy đẻ. Hạnh phúc chợt đến với nàng ở những lúc khác, nơi khác. Ví dụ đêm nay trời bão, Thanh Bình viết: "Cô không thể ngồi yên nổi, khi ngoài kia trời đang oằn oại. Hết mưa rồi gió đang bời bời trên mặt đất. Cây cỏ trong vườn rạp mình chịu trận. Một nỗi gì đó căm căm cơ hồ quất vào trái tim cô. Cô bay ra khỏi nhà hệt một cánh lá hoang dại tả tơi".

Và Thanh Bình dẫn ta đi theo người đàn bà cô đơn ấy bay ra khỏi nhà như một cánh lá dại, nàng xung vào công việc thiện nguyện của những chiếc xe hồng thập tự đi hốt những kẻ tứ cố vô thân, trong những đêm đông, những đêm có bão, sợ họ chết đói, chết rét, chết vì bị cây đè... Nàng làm công việc này không chắc có phải vì lòng từ bi hỉ xả gì, mà có lẽ vì chỉ muốn " làm dịu đi những cơn hứng bất tử lái xe băng băng không mục đích trong tuyết giá ", để "ít ra cũng giúp được cái đầu mình "ấm lại đôi chút", để biết rằng trên "chốn giang hồ trần thế này, chưa chắc mình "đã là người cô đơn âm u nhất". Cũng nhờ đến đây, mà nàng bắt gặp hạnh phúc, Thanh Bình viết: "Cô mở mắt ra. Tuyết vẫn phất phơ và cuộc đời ngoài kia vẫn tràn lan bóng tối. Hình như cô nhận ra có tiếng "harmonica" kỳ diệu vừa len lỏi  qua ngõ đêm làm vỡ tan mảnh hồn cô- Hay và buồn muốn khóc- một người nào đó chắc phải bị phân thây cùng cảm xúc mới có thể tấu được những âm hưỏng như thế"  

Và như vậy, tiếng harmonica chính là niềm hạnh phúc đầu tiên của nguời thiếu phụ  trong đêm, nhưng chưa hết, tiếng harmonica lại thổi bài Hạ trắng, mà nàng chỉ còn nhớ là "gọi nắng". Nàng tự nhủ ai gọi nắng trong đêm mưa tuyết gió bão ở Virginia này? Tác gỉa tiếng kèn là Huy Mỹ đen, Huy homeless, Huy đi Mỹ theo diện con lai. Huy nghệ sĩ ăn xin đứng đường, Huy cầu bơ cầu bất. Huy có phòng triển lãm trong một nơi quái đản, Thanh Bình viết: "Hang động của hắn là một không gian đầy gió và bóng tối. Gió đem hoang vu đến cho một mình hắn đi đi về về từng đêm trong những ngơ ngẩn của một tên không nhà đúng nghiã.

Đó là một căn phòng ở tầng trên cùng của một ngôi nhà bỏ hoang đã cháy tự lúc nào không biết.(...) Hắn bảo căn nhà này có ma, nên chủ nhân cũng không buồn xây lại những  tàn tro đã bay (...). Khi hắn hất tấm "drap" trắng gần bờ tường ra, cô như bị đẩy ngay xuống một vực thẳm tím bầm những máu me. Cô khóc. Trên những khung vải câm lặng là tiếng rên rỉ của một trái tim đau đớn, cùng với tiếng thét phẫn nộ của những con ngưòi sinh ra trong một đất nước chiến tranh".

 Huy lai Mỹ đen là một trong những nhân vật thành công nhất của Thanh Bình, Huy tỉnh bơ mà Huy gây xúc động. Huy là thứ cô đơn đóng băng thành đam mê. Huy bị đời sa thải nhưng Huy có khả năng mê hoặc đời. Nếu gặp Huy, con người sẽ khá hơn một chút. Huy là gì? Huy là nghệ sĩ? Nghệ sĩ mê hoặc. Nghệ sĩ tạo đam mê. Nghệ sĩ đam mê và làm ra đam mê. Chính cái đó mới là cái mà con người bình thường, con người không nghệ sĩ không thể làm được.

Con người bình thưòng sống trong chiến tranh, chịu đựng chiến tranh, đau khổ vì chiến tranh hoặc phục vụ đắc lực cho chiến tranh, nhưng con người bình thường không có khả năng làm sống lại những đau đớn, nhũng tiếng thét của chiến tranh trong tim người khác. Huy đã làm được. Huy đã nói được cái cô đơn Mỹ đen lai của mình trong tim những người đọc truyện Chuyển mùa của Thanh Bình. Huy trở thành số một. Huy là number 1.

Một cuộc đối thoại khác cũng khắc ghi trong tâm người đọc ấn tượng sâu xa, đó là cuộc đối thoại giữa hai người tử tù, trong hành lang tử thần, một Việt, còn trẻ, và một Mỹ, đã già, trong truyện Xin đừng sấm chớp. Cuộc đối thoại vơ vẩn, tào lao của hai kẻ sắp lên đoạn đầu đài thật ngoạn mục, vi vút, đi từ triết lý vụn sang phân tâm. Người tử tù già tự hỏi về người bạn trẻ: " tại sao một hung thủ dám treo cổ nạn nhân như hắn","giết người một cách man rợ như hắn" "lại có thể sợ hãi sấm chớp như hắn". "Khuôn mặt hắn lúc đó tái mét trong dáng điệu co rúm lại đã đành, mà nước mắt lắm khi lại dàn dụa như một đứa con nít". Rồi người bạn già này tìm cách phân tâm trường hợp thằng lỏi da vàng mặt non choẹt còn sổ sữa, tại sao hắn giết người không gớm tay mà buồn cười hắn lại sợ sấm. Ở đây Thanh Bình thật sự đã đi sâu vào cõi đêm trong hành lang tử thần, với cái nhìn hóm hỉnh, châm biếm, Thanh Bình vừa tìm cách phân tâm những nguyên nhân dẫn đến tội ác, vừa có ý xoá những luận lý có tình cách hình thức để đi thẳng vào trái tim con người, rọi vào vết thương rỏ máu trên những con người sinh ra trong nghèo đói và chiến tranh. Một vấn đề trầm trọng, được trình bày với  một giọng nhẹ nhàng, gần như hài hước.

Giấc mơ của bão có lẽ là truyện hay nhất trong tuyển tập, Thanh Bình kết hợp được bão tố ngoài trời và bão tố trong lòng hai nhân vật, một phụ nữ Việt và một thanh niên da đen, tình cờ gặp nhau trong một đêm bão, bên hai người thân vừa chết. Cả hai đều đã tử thương trong tâm hồn. Họ tìm ở nhau một chỗ dựa. Họ tìm ở nhau một đầu mối. Họ tìm ở nhau những hình hài thân yêu đã mất, họ tìm ở nhau nỗi tuyệt vọng về tình yêu về nhân sinh. Nguyễn Thị Thanh Bình với những truyện ngắn hay như thế đã tìm ra Dấu ấn của mình, dấu ấn tang thương của những người đồng loại. 

Thụy Khuê

Paris, tháng 9/2006

© Copyright Thụy Khuê 2006