Thụy Khuê
Trần Ngọc Tuấn hỏi chuyện nhà phê bình văn học
Thụy Khuê
Trần Ngọc Tuấn: Chào chị Thụy Khuê! Phỏng vấn là
"nghiệp" của chị, cũng như phê bình là "nghề", nên hôm nay chị bị ... quả báo.
Xin được bắt đầu từ một câu ... soi mói. Chị bắt đầu viết phê bình văn học từ
lúc nào? Động cơ gì thúc đẩy chị lao vào cái địa hạt mà ngay cả các đấng mày
râu, chữ nghĩa đầy mình cũng "rất ngán"?
Thụy Khuê: Những phân tích bông đùa trên đây của
anh, có phần đúng và cũng không hẳn như thế. Nếu gọi phê bình văn học là cái
"nghề", theo đúng nghĩa của nó, thì nó phải nuôi sống người làm "nghề" ấy. Đối
với tôi, "nghề" phê bình không mang lại lợi tức nào cả. Còn phỏng vấn cũng
không hẳn là cái "nghiệp". Thật ra thì việc phê bình dẫn tôi đến sự nhận lời
phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật trên đài RFI. Việc phê bình, tạm gọi
là có tác dụng lâu dài, tuy cho một số ít người đọc đương thời, nhưng số ít ấy,
có thể tái hiện trong tương lai. Công việc truyền thanh mang lại tác dụng tức
thời, đến với nhiều thành phần thính giả và đòi hỏi tính cách đa ngôn, đa giọng
và đa dạng ... tức là càng nhiều tiếng nói phát biểu trên đài càng tốt. Đó là
sự khác biệt sâu xa giữa đài phát thanh và báo chí. Tóm lại, đối với đài phát
thanh, số người cộng tác tuy bất biến, nhưng những giọng nói trên đài, những
dòng ý tưởng phát biểu trên đài phải luôn luôn thay đổi, và tiêu biểu cho nhiều
thành phần trong xã hội. Hình thức phỏng vấn là hình thức phù hợp với đài phát
thanh, nói lên tính cách đa nguyên của đời sống, tính cách dân chủ trong cấu
trúc xã hội, và đối với riêng tôi, đó là những tất yếu của các chặng đường làm
việc của mình.
Trở về câu hỏi: Viết phê bình từ lúc nào? Bài đầu tiên tôi viết trên nguyệt san
Tự Do ở Bỉ về cuốn Tiếng Kèn của Nhật Tiến, năm 1986, sau đăng lại trên tạp chí
Văn Học tại Hoa Kỳ số 19, tháng 8 năm 1987.
Về động cơ thúc đẩy, thì có nhiều. Sâu xa là chuyến về nước năm 1984 đã để lại
dấu ấn đậm trong tôi: Tôi xa nhà từ năm 1962, lúc 18 tuổi, từ Sàigòn đi Pháp du
học. Lần trở lại Việt Nam đầu tiên là năm 1974, nhìn thấy một Sàigòn phồn vinh
giả tạo, không che lấp được những u khuất, chết chóc của chiến tranh phía sau.
1984, trở lại nước lần thứ nhì, đất nước đã thống nhất được 9 năm, Sàigòn không
còn thần sắc -cho dù giả tạo-. Hà Nội, với những nét mặt không cười, lưng áo vá
chằng vá đụp, như những hố bom rạn nứt, cùng khắp trên thân người phụ nữ, bịt
mặt, gò mình vặn bù loong, xoáy lại chiếc cầu Long Biên đang long ra từng mảnh.
Tôi chợt thấy những u tối trong cuộc sống ích kỷ, không nhìn thấy chung quanh,
của mình. Và từ đó, tôi muốn được nhìn, được biết thêm... Lúc ấy, chưa có một ý
niệm rõ ràng về việc viết lách, nhưng chắc chắn là muốn mở mắt, nhìn ra, nhìn
về đất nước và con người.
Khi sang lại Pháp, tình cờ đầu năm 85, có người bạn làm tờ báo Tự Do, ngỏ ý nhờ
tôi viết một bài ký về chuyến đi vừa qua. Tôi nhận lời và viết báo từ năm 1985
đến bây giờ.
Động cơ gần, phát sinh từ một câu của nhà văn Võ Phiến, trong bài Tựa cuốn Văn
Học Miền Nam Tổng Quan, đại ý "Văn học miền Nam không có phê bình, văn học miền
Nam đang bị tiêu hủy". Ông nói rất tha thiết; và lời nói ấy của ông Võ Phiến ở
thời điểm 1986 rất có hiệu lực. Tôi nghĩ rằng, ở hải ngoại, nhiều người cố gắng
viết phê bình, có lẽ phần nào, cũng chỉ vì những lời tâm huyết trên đây của ông
Võ Phiến. Trước đây, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, và sau này Nguyễn Hiến Lê,
Nguyễn Văn Trung cũng có những phát biểu tương tự: "Văn học Việt Nam không có
phê bình."
Sau cùng, tôi không nghĩ là ngành phê bình hay bất cứ ngành nào khác, thuộc về
trí óc, phải dành riêng cho phái này, phái kia. Có những nghề chân tay, nặng
nhọc, vượt quá sức mạnh thể xác của người phụ nữ như phu khuân vác, xưa ta gọi
theo Tây là cu-li, thì người phụ nữ không làm. Còn về các công việc trí óc,
hình như chưa có ai chứng minh một cách xác đáng là môn này, môn kia... không
thuộc khả năng của người đàn bà.
TNT: Khi viết phê bình một tác phẩm văn học (thơ, truyện
ngắn, kịch, tiểu thuyết...), chị chú ý đến nội dung, kỹ thuật thể hiện, hành
động của chữ nghĩa, sự đi lại, nói năng, khóc cười của nhân vật, không gian,
thời gian mà tác giả tạo nên, hay một yếu tố huyền bí nào khác mà chỉ có những
nhà phê bình mới giải mã được?
TK: Khi đọc một tác phẩm, tôi chú ý trước tiên tới
ngôn ngữ trong văn bản. Khi thấy ngôn ngữ ấy thoát ra cái gì mới lạ, khác khuôn
xáo bình thường, tôi mới tiếp tục khảo sát. Sự khảo sát văn bản sẽ dẫn đến
những ánh sáng về tâm lý nhân vật, về xã hội, về con người; đôi khi cả về tâm
lý tác giả, về môi trường sống của tác giả, về nhân sinh quan của tác giả
v.v... Tóm lại, đối với tôi, hồng tâm là văn bản, rồi từ văn bản đó, phát hiện
ánh sáng soi rõ các điểm khác. Đấy là về mặt đại cương.
Đi vào chi tiết, nếu là thơ thì tôi đi sâu vài địa hạt cấu trúc: hình ảnh, cảm
xúc, âm, nghĩa, v.v... Nếu là truyện ngắn, tôi tìm hiểu về cách kể, cách viết,
về đối thoại (nếu có), về biểu tượng, bố cục, v.v... những yếu tố có thể dẫn
đến tính cách đa âm, đa nghĩa của tác phẩm. Nếu là kịch, sự khảo sát dựa hoàn
toàn vào đối thoại: Tức là chính ngôn ngữ của nhân vật sẽ nói lên tính chất của
nhân vật, nói lên tư tưởng của tác giả, nói lên môi trường sống mà tác giả muốn
tạo dựng v.v... Nếu là tiểu thuyết, tôi xem toàn bộ, từ văn phong đến ngôn ngữ,
hành động của nhân vật, đến sự xây dựng cốt truyện (nếu có cốt truyện), đến
những tương quan xã hội giữa các nhân vật trong truyện v.v...
Theo tôi, một trong những khác nhau giữa truyện ngắn và truyện dài là ở chỗ:
Truyện ngắn là một mẩu sinh hoạt của cuộc đời, được chiếu kính hiển vi vào chi
tiết. Truyện dài là cả cuộc đời, hay ít nhất cũng là một quãng đời, trải dài
trong chiều rộng, chiều dài và chiều sâu, với các tương quan giữa những nhân
vật và xã hội mà họ đang sống.
Truyện ngắn và truyện dài, trong một chừng mực nào đó, không có tác dụng phân
cách giữa người viết và người đọc. Do đó, người đọc có thể "hòa mình" với tác
giả và tác phẩm.
Kịch (trình diễn), ngược lại, tạo khoảng cách giữa tác phẩm và người xem. Kịch
cho phép người thưởng ngoạn có cái "recul" -bước xê về phía sau- để nhìn lại
mình.
Sau cùng, thơ là hiện tượng phức hóa của ngôn ngữ: Thơ biểu hiệu tính cách đa
âm, đa ảnh, đa nghĩa, đa ngã... trong ngôn ngữ. Thơ nói lên khía cạnh đa nguyên
của đời sống, do đó mà thơ gần gụi với con người hơn tất cả các hình thức biểu
dương ngôn ngữ khác.
TNT: Trong Kinh Dịch (chính xác hơn là Chu Dịch), có một
định nhĩa về văn: "Vật tương tạp, cố viết văn. Văn bất đáng, cố cát huy sinh
yên". Có nghĩa: Sự vật giao thoa, đan dệt rất phức tạp với nhau, nên gọi là
văn. Văn có thích đáng hay không sẽ sinh ra chuyện tốt xấu" Từ đó suy ra, văn
có thể tốt, có thể xấu khi tác động đến người đọc. Vậy theo chị, một nhà phê
bình, thế nào là một tác phẩm văn học tốt, xấu?
TK: Những quan niệm cổ điển về văn học nói chung,
về phê bình nói riêng, thường hay phân chia rõ rệt: tốt, xấu. Người ta thường
gọi đó là phê bình giáo khoa.
Trong quan niệm này, nhà phê bình tự đặt mình "lên trên" người đọc, lên trên
tác giả, để nhận định về tác phẩm; chỉ cho người đọc biết chỗ này hay, chỗ kia
dở, cái này đáng đọc, cái kia không v.v... Phê bình giáo khoa giữ địa vị chủ
yếu trong văn học thế giới, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Và Vũ Ngọc Phan
là một trong những nhà phê bình giáo khoa nổi tiếng ở Việt Nam. Phê bình giáo
khoa có tính cách hướng dẫn quần chúng và hướng dẫn nhà văn; vì thế, có thể gặp
sự phản đối của cả nhà văn lẫn quần chúng.
Sau này, ở những nước toàn trị, phát sinh lối phê bình giáo điều, phân chia hẳn
loại sách này tốt, đi đúng đường lối, loại sách kia đồi trụy, phản động v.v...
Người phê bình, ngoài sự đứng trên quần chúng, đứng trên tác giả, còn giữ vai
trò đao phủ, kiểm duyệt, lựa lọc tác phẩm, theo đúng đường hướng của một chủ
nghĩa chính trị hay một đường lối cai trị độc tài.
Ngày nay, các khuynh hướng phê bình hiện đại đã thoát khỏi lối phê bình giáo
khoa cũ. Người phê bình không còn giữ địa vị chủ quan, hướng dẫn nhà văn và dư
luận nữa, mà phê bình trở thành sự gặp gỡ và cộng tác giữa người viết phê bình
và một tác phẩm văn học, để mở ra một tác phẩm khác: đó là văn bản của người
viết phê bình. Sự cộng tác này chỉ có thể xẩy ra khi một tác phẩm văn học gây
sự chú ý, gây cảm hứng cho người viết phê bình; do đó, nó phải có một giá trị,
trước hết (vậy trong sự lựa chọn đã có sự đánh giá ngầm). Và khi làm việc,
người phê bình đứng trên bình diện dân chủ với tác giả và người đọc, để phân
tích tác phẩm, tìm ra những ngõ ngách khuất lấp của tác phẩm, nói lên những cái
hay, và những điều muốn nói của mình (và nếu muốn, cả những cái dở của tác
phẩm, nhưng theo tôi, điều này không thật cần thiết, vì khi đã nói lên những
cái hay, thì đương nhiên người đọc sẽ tự so sánh và tìm thấy cái dở).
Ngoại trừ những sách có hại, bị luật pháp ngăn cấm, như sách xúi dục giết
người, một tác phẩm có thể tốt với người này và xấu với người kia. Ví dụ ở tuổi
thiếu niên, chắc chắn không ai đọc được Freud, Sade, v.v... Ở tuổi này, sự lựa
chọn thuộc thẩm quyền giáo dục gia đình và học đường. Khi trưởng thành, sự lựa
chọn tốt, xấu, thuộc vào sở thích cá nhân: Một cuốn sách có tính cách "phỉ
báng" Hồi giáo, Phật giáo hoặc Thiên chúa giáo, không thể chấp nhận được đối
với những người mộ đạo, hoặc tu hành; nhưng dưới mắt một kẻ bàng quan, hoặc một
nhà nghiên cứu đạo giáo, cuốn sách ấy có thể mang lại những ánh sáng riêng.
Trở về địa hạt văn chương cũng vậy. Theo tôi, không có tác phẩm tốt, xấu. Mà có
những tác phẩm có giá trị hoặc không có giá trị. Thế nào là một tác phẩm giá
trị?
Tác phẩm giá trị, theo tôi, là nó tiềm ẩn "Cái Đẹp". Và thế nào là "Cái Đẹp"?
Câu trả lời đến từ Socrate: "Cái Đẹp là cái bổ ích".
Tóm lại, có thể nói: Bất cứ một tác phẩm nào mang lại một sự bổ ích cho ai, là
nó có giá trị.
TNT: Nhà văn Trần Vũ có một nhận xét, đại ý: "Văn chương
hải ngoại và trong nước, thời điểm này đều ... dở ngang nhau". Chị có nghĩ như
vậy không?
TK: Trần Vũ có tính hay nói quá để gây phản ứng.
Văn chương anh cũng vậy. Đó là một điểm son của riêng anh.
Tôi không nghĩ thế. Tôi không có dịp đọc hết văn chương hải ngoại và văn chương
trong nước, nên không dám nói ẩu. Nhưng tôi có một số suy nghĩ khác:
Việc so sánh sức sản xuất văn chương của một cộng đồng 2 triệu người (ở ngoài
nước), với cộng đồng 70 triệu người (ở trong nước) là không cân bằng và không
lô-gích, do đó, không nghiêm chỉnh; cho dù có nhiều người nghĩ rằng: nhân tài
nước Việt nằm ngoài nước cả.
Nhưng ngược lại, người viết ở hải ngoại được tự do tung thả ngòi bút và tiếp
cận trực tiếp với văn học thế giới. Về việc in ấn, thì người ở ngoài nước -nói
đúng ra, chỉ một số người Việt ở California- nắm vững tình hình. Họ có thể có
tác động mạnh cho văn học Việt Nam. Họ có phương tiện kỹ thuật và không bị sự
kiểm duyệt của chính quyền. Ảnh hưởng của người viết ở hải ngoại, đối với nền
văn học Việt Nam nói chung, chính là ở chỗ, bằng ngòi bút tự do của mình, ngoài
những sáng tác, còn có thể xúc tác và yểm trợ những tác giả trong nước, để
người trong nước có thể xuất bản những tác phẩm bị cấm in trong nước, hoặc đánh
giá đúng đắn những tác phẩm có giá trị, bị giới phê bình giáo điều, viết thuê
xuyên tạc.
Tình hình văn học, nói chung, mấy năm gần đây, có vẻ bớt rầm rộ hơn những năm
trước. Nhưng không có tác phẩm rầm rộ, không có nghĩa là nền văn học Việt nam
dở hoặc yếu đi.
Về mặt biên khảo, phê bình, nhiều tác giả đang sửa soạn hoặc đã hoàn thành
những tác phẩm đứng đắn. Những tác phẩm biên khảo của Viện Văn Học do nhóm
Nguyễn Huệ Chi đảm trách, tác phẩm biên khảo và phê bình của nhóm Lại Nguyên
Ân, Vương Trí Nhàn, đều có những giá trị nhất định. Ở hải ngoại, những nỗ lực
của nhóm Khế Iêm trong Tạp Chí Thơ, nhóm Phạm chi Lan thực hiện báo Văn Học
Nghệ Thuật trên mạng lưới điện tử Internet. Cố gắng của nhóm Khánh Trường - Đại
Nam, làm tuyển tập 20 năm văn học hải ngoại, và mới đây, cuốn sách Lý Luận Và
Phê Bình Văn Học của Bùi Vĩnh Phúc là những cuốn sách công phu và đứng đắn.
Về mặt sáng tác, truyện ngắn và tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài, truyện ngắn của
Bùi Hoằng Vị, Ngô Tự Lập, ... Thơ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, ... và của
một số những nhà thơ trẻ khác như Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Đỗ, Tường Vân, ...
cho thấy quan niệm sáng tác đã thay đổi, những tìm tòi mới càng ngày càng đi
sâu vào lãnh vực hiện đại của văn chương thế giới... Và trong âm nhạc, Phạm
Duy, Trịnh Công Sơn,... trong hội họa, Lê Bá Đảng, Võ Đình, Nguyễn Trung, Đỗ
Quang Em, ... vẫn còn đang sáng tác. Cũng không ai phân biệt họ thuộc thành
phần hải ngoại hay trong nước. Có lẽ chúng ta nên lạc quan về nền văn học nghệ
thuật nước nhà.
TNT: Đỗ Phủ chết vì đói. Gogol đốt "Linh Hồn Chết" trước
khi đi vào cõi vĩnh hằng. Nguyễn Du để lại cho hậu thế một lời than "Bất tri
tam bách dư niên hậu", Musset từng viết "Bài ca buồn nhất là bài ca đẹp nhất".
Cái thực và cái hư, cái thánh thiện và cái dung tục, nỗi buồn chết người, xảo
thuật rẻ tiền, sự xả thân của các vị thánh trong chữ nghĩa ... tập hợp này
trong các tác phẩm văn chương, đối với nhà phê bình nó là cái gì?
TK: Tôi không hiểu rõ câu hỏi này của anh. Có phải
ý anh muốn nói là: Tất cả những điều anh vừa kể trên đây về các văn nhân, nhà
phê bình gọi là gì?
Tôi tạm gọi đó là những "quá độ", hay những "cực" của các thiên tài. Họ sống
hết mình và cũng chết vì những hết mình ấy. Do đó, họ mới có thể nẩy sinh ra
những kiệt tác mà những người sống bình thường khó có được.
TNT: Một người bạn của tôi có nhận xét khi đọc các bài
của chị: "Thụy Khuê, cách viết phê bình, khiến người ta có cảm giác trong chữ
nghĩa văn thơ, có "Ma". Chị ấy "bói" rằng: Thơ, trong truyện Nguyễn Huy Thiệp,
rất hay". Chị nghĩ thế nào về nhận xét này? Tôi rất thích chữ "Bói" mà anh bạn
tôi sử dụng. Phải chăng, người làm phê bình có thể tiên đoán được tương lai của
một nhà văn, đến lúc nào đó sẽ trở thành một ... nhà thơ?
TK: Có lẽ, ý bạn anh muốn nói là: Các bài viết của
tôi có tính cách tiên đoán những điểm mà anh ấy không nhận thấy, khi đọc những
tác phẩm mà tôi phê bình? Nếu như vậy, thì điều đó cũng dễ hiểu thôi. Thật ra
không có "ma" đâu: Tôi cố gắng tìm kiếm hoặc khám phá ra những khía cạnh khấp
luất, không hiển nhiên, ẩn sau những dòng chữ hoặc nghĩa hiển nhiên -nếu có-
của tác phẩm. Đối với những tác phẩm đa tầng, đa nghĩa, như truyện của Nguyễn
Huy Thiệp, thì sự tìm kiến này rất lý thú, và cho thấy rằng: Nhiều khi, những
chữ mà chính nhà văn viết ra, tự chúng đã thoát khỏi tầm tay của người nhào nặn
ra nó, để có một đời sống riêng. Đó cũng là một đặc điểm của thơ. Nếu nói đến
"ma" thì cũng đúng: đấy là sự biến hóa khôn lường của những thực thể chữ nghĩa,
khi đạt tới một tầm cỡ nào đó, nó có "ma lực" thu hút con người.
TNT: Quay trở lại vấn đề "nước sôi lửa bỏng" giao lưu văn
hóa. Anh em Đông Âu, như tụi tôi, có một suy nghĩ: Đã là người Việt, viết bằng
tiếng Việt, trong hay ngoài đều như vậy thôi. Có khác chỉ là địa chỉ. Nhà văn
Nguyễn Thị Hoàng Bắc nói một câu rất chí tình: "Giao lưu một chiều cũng được,
vấn đề ai là người giơ tay ra trước người ấy văn minh hơn." Tôi thấy buồn, hệt
như một mối tình đơn phương, nhưng vẫn hy vọng. Chị Thụy Khuê, niềm hy vọng của
tôi có hão huyền không?
TK: Tôi không đặt vấn đề giao lưu như các anh chị,
cho nên tôi không lo lắng. Tôi nghĩ: văn chương, nghệ thuật, tự nó đã tiềm ẩn
tính chất giao lưu. (Nói một cách cụ thể: tính chất truyền cảm trong nghệ thuật
chính là giao lưu văn hóa). Đứng trước một bức tranh của Picasso hay Van Gogh,
nếu anh "cảm" được, là anh đã "giao lưu" rồi. Đọc một bài thơ của Baudelaire
hay Thâm Tâm, anh thấy gần gụi là anh đã "giao lưu" rồi. Bài thơ của anh làm
ra, nếu được một người "cộng sản" đọc và cảm, thì anh có thích không? Anh có
"cản" được họ "cảm" thơ anh không? Đó là tính toàn thông (universel) của ngôn
ngữ nghệ thuật. Và tính chất này, không có đạo luật, hàng rào, nghị quyết nào
cản nổi. Do đó, tất cả mọi ngăn cấm, không cho người ta đọc sách này, sách kia
... chỉ có tính cách hài hước và giai đoạn, vì không ai cấm mãi được bất cứ
điều gì. Và cấm sách này, ta đọc sách khác. Chỉ ngại người đọc không có đủ thì
giờ, không có hai cuộc đời trong mỗi con người để đọc hết sách Đông, Tây, kim,
cổ ... chưa bị cấm. Chứ không nên ngại cái sự cấm kia sẽ đưa đến một hiệu lực
ghê gớm gì.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách bế quan tỏa cảng về sách vở của chính quyền
hiện nay, có gây khó khăn cho giới chuyên môn và giáo dục, gây thiệt hại cho
nền văn hóa chung của dân tộc, nhưng không gây cản trở riêng cho người Việt hải
ngoại.
Cái lạ là một số người ở ngoài nước, không bị sự cấm đoán của chính quyền cộng
sản, cũng tự kiểm duyệt, không tìm đọc những sách vở in trong nước. Sự tự cấm
cũng hài hước không kém việc ra nghị quyết ngăn cấm. Với những lập luận như
giao lưu văn hóa là giao lưu với chính quyền cộng sản v.v..., tôi cho là không
đứng đắn. Vì các thứ chính quyền, xưa nay, cộng hay không cộng, có bao giờ
chúng sản xuất ra được tác phẩm văn hóa nào đâu, mà nói đến chuyện giao lưu?
Đừng ngại chuyện "giao lưu một chiều". Vả lại một số những tờ báo trong nước,
dù có muốn đăng bài của người viết ở ngoài nước, cũng khó mà thực hiện được.
Tôi biết rõ nhiều cố gắng của các bạn trong nước về việc ấy từ mấy năm nay.
Thái độ đối với văn chương không thể là thái độ trên bàn cờ tướng: Ăn miếng trả
miếng; họ cấm ta vậy ta cấm họ, thế mới huề. Vì văn chương không phải là cờ
tướng. Người Pháp có chữ rất hay: semer, gieo. Gieo văn hóa. Ta tung hạt văn
hóa ra tứ phương, ai nhặt được thì hưởng. Tôi nghĩ chữ gieo này đáng cho chúng
ta suy ngẫm.
Còn về, sự cảm thông khi đọc những bài viết của nhau giữa người trong nước và
người ngoài nước, lúc nào cũng vẫn có. Về sự liên lạc giữa người và người, thì
tôi vẫn liên lạc thường xuyên với các bạn văn trong nước, cũng như với các bạn
văn bên Mỹ, không có vấn đề gì cả. Mà tôi chắc là ai cũng vậy. Ngoài ra, trong
công việc phát thanh hoặc làm báo, khi tôi cần sự trợ giúp của các bạn văn bên
nhà cũng như của các bạn văn hải ngoại, tôi chưa bị mấy ai từ chối bao giờ.
Trở lại lãnh vực sáng tác, tôi nghĩ rằng ai viết được gì hay thì cứ viết, chẳng
nên phân biệt hải ngoại với trong nước. Nay mai, nếu tác phẩm sống được như ...
Truyện Kiều, thì người ta cũng chẳng cần biết cô Kiều là người Tàu hay là người
Việt Nam, lọ là phải lo đến xuất xứ: văn chương hải ngoại, văn chương trong
nước, mà tốn giấy mực bàn cãi, định ranh làm gì? Công việc ấy hãy để cho những
nhà viết văn học sử. Phạm Duy, Văn Cao, có ai hỏi các nghệ sĩ lớn ấy, thuộc về
miền Nam hay miền Bắc đâu? Họ đã đi vào nghệ thuật. Và nghệ thuật không mang
thẻ tín bài.
TNT: Chiến tranh, dù muốn hay không, nó cũng là nỗi ám
ảnh của thế hệ tôi (tuổi từ 30-40). Tôi biết có những người mẹ, trong một năm
phải làm 7 cái giỗ cho 7 đứa con chết trận. Người mẹ ấy sống với cõi âm nhiều
hơn cõi dương. Tôi nghĩ chiến tranh là một đề tài chưa cũ (đối với Việt Nam),
ấy thế mà trong nước, người ta đang "lên án" Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh.
Xin đừng đắm mình vào những vòng nguyệt quế, hãy viết làm sao cho người ta sợ,
ghê tởm chiến tranh. Suy nghĩ ấy của tôi, theo chị, đúng hay sai?
TK: Câu hỏi của anh, tôi xin phân tích làm hai
phần:
- Tôi có đọc một số bài báo lên án tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh.
Phần lớn những người viết không đứng trên bình diện lý luận văn học, mà dựa vào
những cứ điểm ngoài văn học để lên án tác phẩm. Những bài viết như vậy, không
thuộc vào mối quan tâm văn học của chúng ta.
- Trở về với chiến tranh -dù cũ, hay mới- chiến tranh cũng thuộc vào những đề
tài muôn thuở của con người như tình yêu, sự sống, sự chết. Và mọi ngòi bút
nhân bản đều tìm cách đả phá chiến tranh, dù nó nhân danh một mục đích, một lý
tưởng, một chân lý cao cả nào. Như anh đã nhận thấy, tác phẩm của Bảo Ninh đã
làm cho người đọc ghê tởm cuộc chiến vừa qua. Sự thành công của Bảo Ninh làm
gai mắt những người thích tung hô chiến thắng: Vì muốn có chiến thắng phải có
chiến tranh, phải ủng hộ chiến tranh trước đã. Tóm lại, Bảo Ninh đã nói ngược ý
một số người có quyền, và trong chế độ toàn trị, điều đó khó chấp nhận được.
TNT: Có một nhà tâm lý học, người Nga -tôi quên mất tên-
viết trong một cuốn sách mang tên Tâm Lý Học Sáng Tạo Văn Học. Ông có khuyên
những nhà phê bình văn học hãy chú ý tới tâm lý các nhà văn. Theo chị, nhà văn,
nhà thơ xét về mặt tâm lý, có khác gì với những người bình thường hay không?
Khi viết phê bình, chị có đặt vấn đề này trong các bài viết của mình, hay cho
nó chỉ là yếu tố phụ?
TK: Tôi nghĩ, nhà văn, nhà thơ, trước khi là nhà
văn , nhà thơ thì họ đã là người. Vậy tâm lý của họ cũng là tâm lý con người.
Tất nhiên là mỗi con người đều có một tâm lý riêng.
Phê bình tâm lý học là một trong những "trường phái" phê bình. Tôi không nhất
thiết phụ thuộc vào trường phái này. Nói đến "tâm lý nhà văn", theo tôi, có lẽ
nên nói rõ hơn, đó là vấn đề: "Ngôn ngữ văn chương trong tác phẩm có thể bộc lộ
tâm lý người viết." Nhưng đây không phải là yếu tố xác định, có những tác phẩm
không bộc lộ tâm lý người viết. Trong cách phê bình, có người dựa vào tiểu sử
tác giả, vào điều kiện viết tác phẩm của tác giả để đoán tâm lý của tác giả khi
viết tác phẩm. Tôi dựa vào ngôn ngữ của văn bản để tìm ra tâm lý tác giả, nếu
cần.
TNT: "Nhưng hiện nay để hiện đại hóa thi ca, có những nhà
thơ đang làm hết sức mình để vô ngôn lời nói, vô nghĩa tất cả những con chữ của
mình". Xin trích nguyên văn trong bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo "Nhân đọc
Bóng Chữ - Bàn về Chữ và Nghĩa trong Thơ".Xin chị cho một vài nhận xét về thơ
Việt Nam hôm nay.
TK: Câu của Trần Mạnh Hảo, nếu nói bâng quơ vào
tình trạng chung của các bài thơ in trên báo chí hiện nay, thì đúng ... một
nửa. Quả thật là có những nhà thơ đang làm hết sức mình để vô ngôn lời nói, vô
nghĩa tất cả những con chữ của mình, như lời Trần Mạnh Hảo. Nhưng những "nhà
thơ" ấy, họ không làm nổi cái việc "hiện đại hóa thi ca". Nói cho đúng ra, họ
cũng không phải là nhà thơ. Họ viết lăng nhăng cho vui, cũng như Trần Mạnh Hảo
viết "phê bình" vậy. Nhưng có khác một tí: Người làm thơ dở không có tác hại
như Trần Mạnh Hảo "phê bình". Trở lại câu trên, nếu đem áp dụng vào Lê Đạt thì
hỏng. Bởi vì những con chữ của Lê Đạt, không những có nghĩa, nó còn nhiều
nghĩa, và mang cả âm, cả ảnh ... nữa. Nhưng tiếc rằng những nghĩa, những âm,
những ảnh ấy trong thơ Lê Đạt, Trần Mạnh Hảo lại không cảm nhận được.
Trở về với thơ Việt Nam hôm nay, tuy tôi không được đọc nhiều, nhưng qua những
gì tôi đọc được, nhất là ở những người chưa nổi tiếng, có những nỗ lực vượt qua
vần điệu cổ điển, để đi vào các ngả khác như âm thanh, hình ảnh, chất liệu của
đời sống. Bài viết mới đây của Ngu Yên, trên báo Văn Học số 121, ở California,
về thơ Cụ Thể, có nhiều điểm khơi gợi trí tò mò của các nhà thơ, về những khám
phá mới nhất trong thơ hiện đại. Tôi nghĩ thơ Việt Nam đang mở rộng hành trình
và vòm trời ngôn ngữ âm thanh, chất liệu của mình.
TNT: Chị là người hay "phỏng vấn" người khác, bây giờ chị
đang bị phỏng vấn lại, xin hỏi chị tâm đắc với bài phỏng vấn nào nhất?
TK: Đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Bởi vì tôi
tâm đắc với rất nhiều bài phỏng vấn. Nhưng anh cũng biết, truyền thanh là một
diễn đàn cần những tên tuổi nổi tiếng. Một buổi phỏng vấn, dù thật hay, với một
người "không có tên tuổi", sẽ dễ bị chìm trong quên lãng. Ngược lại, buổi phỏng
vấn một nhân vật nổi tiếng, nếu hay, sẽ được thính giả nhớ mãi. Đó là tính cách
"không công bằng" trong nghề truyền thanh.
Đây tôi chỉ nhắc lại những buổi phỏng vấn, đối với tôi là những cái mốc kỷ
niệm, hoặc đánh dấu một chặng đường:
- Nhạc sĩ Phạm Duy là người đầu tiên đến với RFI. Anh luôn luôn phá vỡ những
hàng rào thành kiến. Anh đến với RFI ngay từ khi ban Việt ngữ mới chân ướt chân
ráo bước vào "nghề" phát thanh, như một sự khuyến khích và trợ giúp tinh thần
đến từ một bậc nghệ sĩ đàn anh.
- Khoảng năm 91-92, lúc RFI đang bị những loạt báo công kích là đài cộng sản,
nhiều người ngần ngại không muốn xuất hiện trên đài. Tôi mời nhà văn Mai Thảo.
Anh vẫn được tiếng là nhà văn "chống cộng". Anh đã không ngần ngại xuất hiện,
và góp tiếng nói trên RFI: Đó là những nét cảm thông nơi người cầm bút. Tôi
kính mến anh ở những cử chỉ vượt ra ngoài tầm mức đó.
- Ngoài ra, tiếng nói của các chị Thái Thanh, Kiều Chinh, Nhã Ca ... cũng đã để
lại những dấu ấn đậm nét trên đài và trong lòng thính giả.
Khi đường điện thoại trong nước được mở rộng, buổi phỏng vấn nhà thơ Lê Đạt
cũng là một cái mốc quan trọng của RFI. Anh Lê Đạt cũng đã mở cửa cho nhiều
người khác, và chính anh cũng đã giúp tôi mời anh Nguyễn Hữu Đang, một cột trụ
của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Về nội dung văn hóa, thì những buổi phỏng vấn học giả Hoàng Xuân Hãn mang lại
cho người nghe nhiều điều bổ ích nhất, và theo tôi, đó là những thực hiện đáng
kể của chương trình Văn Học Nghệ Thuật RFI trong 5 năm qua.
TNT: Chính trị, điều này ảnh hưởng tới nhà văn thế nào?
Trong khi hàng ngày nhà văn phải hít thở không khí đó, theo chị, nhà văn có
phải là kẻ tiên đoán số phận của một dân tộc, một cá nhân theo những thăng trầm
của lịch sử hay không? Nếu có, phải chăng là kẻ đi trước thời cuộc, dù chỉ là
nửa bước trong tác phẩm của mình?
TK: Câu hỏi này của anh bao gồm nhiều câu hỏi khác
nhau. Trước hết: Chính trị ảnh hưởng đến nhà văn như thế nào? Theo tôi, tùy
người. Có người không mảy may chú ý đến chính trị. Trường hợp của Nhất Linh khá
điển hình: Ông tham gia chính trị, nhưng trong tác phẩm, tuyệt nhiên không để
cho chính trị lạc vào.
Điểm thứ nhì, nhà văn cũng chỉ là những người như những người khác. Tất nhiên,
sống dưới một thể chế chính trị, họ phải chịu ảnh hưởng hoặc sức ép của thể chế
ấy như những người khác. Tôi không nghĩ nhà văn là kẻ tiên đoán số phận của một
dân tộc. Có những người viết văn muốn làm việc ấy, nhưng không phải ai cũng
muốn làm. Và nhà văn cũng không nhất thiết là kẻ đi trước thời cuộc. Có nhiều
người thờ ơ với thời cuộc. Nói tóm lại, nhà văn là những người, như những người
bình thường trong xã hội. Cái họ khác người, là họ để lại tác phẩm văn học. Và
tác phẩm ấy có thể dính liền với thời cuộc hoặc xa lìa hẳn thời cuộc.
TNT: Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, khi qua Mỹ có những lời
phát biểu giầu chất "chiến đấu". Cá nhân chị, chị nghĩ thế nào về lời phát biểu
của ông ta, và bức thư của nhà văn Nhật Tiến?
TK: Tôi có đọc một số phát biểu của ông Nguyễn Chí
Thiện, và bức thư của anh Nhật Tiến. Nhưng hiện nay, tôi đang ở xa Paris, nên
không có những văn bản ấy trong tay. Vậy tôi trả lời anh theo trí nhớ của tôi.
Trước hết, xin nói về anh Nhật Tiến. Anh là nhà văn tiên phong, ở hải ngoại,
chủ trương hòa hợp dân tộc. Năm 1985, khi sự chia rẽ Quốc-Cộng ở hải ngoại còn
rất mạnh, anh đã viết bài "Một suy nghĩ của người cầm bút lưu vong", nhắc nhở
người cầm bút cố gắng vượt ra khỏi những hàng rào định kiến, tránh thái độ cực
đoan, chống cộng một chiều; nên tìm cách hàn gắn vết thương chiến tranh, xây
dựng đất nước hơn là tạo dựng thêm những hàng rào ngăn cách vì hận thù và định
kiến chính trị.
Lá thư viết cho ông Nguyễn Chí Thiện của anh Nhật Tiến, cũng nằm trong quỹ đạo
nhân bản: trợ giúp đồng bào trong nước và hàn gắn vết thương của chiến tranh,
của hận thù và chia rẽ, nhất quán trong tư tưởng của Nhật Tiến từ nhiều năm
nay.
Về những phát biểu của ông Nguyễn Chí Thiện, chắc anh muốn nói tới hai đề tài
mà ông đặt trọng tâm:
- Theo ông, không nên trợ cấp các cơ quan từ thiện, giúp đỡ đồng bào trong
nước: Vì mọi sự giúp đỡ sẽ qua tay đảng.
- Về vấn đề giao lưu văn hóa, ông cho rằng giao lưu là giao lưu với chính quyền
cộng sản.
Thật ra, tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, khi đọc những lời tuyên bố của ông
Nguyễn Chí Thiện, kể cả khi ông nêu đích danh tôi như một nhân vật "điển hình"
cho vấn đề hòa hợp hòa giải với chính quyền cộng sản.
Tôi nghĩ là ông không nói cùng "ngôn ngữ" hoặc ít ra là không cùng "làn sóng"
với tôi.
Nếu muốn có một nhận xét về ông thì tôi thấy thế này: Những điều ông nói, chứng
tỏ, trong ông, con người chính trị ở trên con người nhân bản, và con người văn
hóa.
- Về việc trợ giúp đồng bào trong nước: Con người chính trị của ông nghĩ ngay
đến đảng, đến sự sống còn của đảng. Ông lo ngại: Nếu trợ cấp cấp đồng bào trong
nước, đảng sẽ có tiếp tế, vì có tiếp tế, đảng sẽ sống lâu hơn. Và do đó, ông đã
quên đi số phận của các bệnh nhân, của các thương phế binh, của các trẻ em
nghèo, của những đồng bào cùi lở, tàn tật, ... Nếu không còn tiếp tế thì họ sẽ
ra sao?
Ai cũng biết rằng, mọi sự cứu trợ, ở nơi nào trên thế giới, cũng có những thất
thoát, dưới những dạng thức khác nhau: Cứu người chết đuối, cứu người vượt
biển, ai dám tiên đoán kết quả?
Về việc giúp đỡ đồng bào trong nước, tất nhiên là có rất nhiều trường hợp bị ăn
chặn. Nhưng không vì những trường hợp ấy mà tất cả mọi sự phải ngừng. Nếu tôi
nhớ không lầm, thì những tổ chức quốc tế như Croix Rouge, sau khi trừ những chi
phí hành chánh và tổ chức đi, cũng chỉ còn có 20% tiền cứu trợ đến tay người
nhận.
Khi đặt ưu tiên trên sinh mạng con người, thì khác. Khi đặt mục đích là sự sống
còn của đảng cộng sản Việt Nam, thì lại khác. Do đó con người chính trị và con
người nhân bản khó có thể đi đôi với nhau.
- Về vấn đề giao lưu văn hóa, ông cũng nghĩ ngay đến chính quyền cộng sản. Theo
ông, giao lưu là làm lợi cho chính quyền. Tôi không nghĩ thế, như trên tôi đã
nói, các chính quyền dù cộng sản hay không cộng sản, đều không có khả năng sản
xuất ra văn chương. Vậy không có sự giao lưu văn hóa với chính quyền. Bất cứ
với chính quyền nào.
TNT: Theo chị, người viết phê bình văn học, yếu tố cần và
đủ là cái gì? Lòng yêu thích văn chương, sự thôi thúc của văn thơ, quan điểm
chính trị chính em, hay là một cái gì khác, sự cảm nhận chẳng hạn của một nhà
phê bình với cái cần phải nói?
TK: Nói về phê bình văn học thì không có những yếu
tố cần và đủ như một định lý toán học. Theo tôi, những điều mà anh kê khai đều
có thể hiện diện. Mỗi người lựa chọn một số yếu tố phù hợp với chính mình.
Riêng tôi, điều kiện ưu tiên để tôi "đi vào" một tác phẩm, là tác phẩm phải gây
cho tôi một "hứng thứ" nào đó. Gọi là cảm hứng cũng được. Và chính hứng thú đó,
thôi thúc tôi viết về tác phẩm ấy, hoặc về người nghệ sĩ ấy. Đối với nghệ
thuật, thường thường tôi mời chính trị bước sang một bên.
TNT: Tôi có một suy nghĩ (ngay từ buổi đầu tiên khi gặp
chị), một ngày đẹp trời nào đó, nhà phê bình văn học Thụy Khuê sẽ làm thơ.
Không hiểu sao tôi có linh cảm nếu chị đi vào sáng tác, cũng sẽ có nhiều "vấn
đề", tại sao chị lại không sáng tác? Thơ, truyện ngắn, chẳng hạn.
TK: Cám ơn anh đã có suy nghĩ đó. Hồi nhỏ tôi có
làm thơ. Bây giờ nghe ai nhắc lại thì ngượng lắm. Khi đã tìm hiểu thơ rồi, thì
khó có thể "dám" làm thơ. Ngày trước người ta làm văn vần nhiều, và bây giờ,
người ta cả gan làm cả không văn, không vần, đem đăng báo và cứ bảo đó là thơ.
Tôi vì có chút lòng trân trọng thơ nên không dám phạm thượng.
Hồi trước tôi có viết tùy bút và phiếm luận, một vài truyện ngắn. Bây giờ công
việc bận quá, không có thì giờ nữa. Vả lại phải lựa chọn. Làm sao làm hết được
những điều mình muốn, trừ phi mình có nhiều cuộc đời trong một cuộc đời.
TNT: Câu hỏi cuối cùng, điều cần nhất của một nhà phê
bình văn học?
TK: Ngoài cái tâm và cái tài, điều cần nhất của
một nhà phê bình văn học là không thiên vị: Không tâng bốc vì lợi và cũng không
tán tụng vì bạn. Nhưng điều này khó lắm, không phải ai cũng làm được. Xưa nay,
ở ta, tôi chỉ thấy có Vũ Ngọc Phan.
TNT: Xin cám ơn nhà phê bình văn học Thụy Khuê.
Trần Ngọc Tuấn thực hiện.
© Copyright Thuy Khue 1997