Thụy Khuê

 Vũ Khắc Khoan: Đoản văn xa nước

 

Vũ Khắc Khoan rời nước ra đi năm 1975, và mất tại Hoa Kỳ năm 1986. Chín năm sau, những bài ông viết trên đất khách được An Tiêm xuất bản tại Pháp.

Đoản Văn Xa Nước tập hợp tám đoản văn rời, lác đác những mẩu đời đâu đó của Vũ Khắc Khoan với bạn, với văn, với văn và bạn, với thế nhân và ngoài nhân thế. Sáu bài viết về bạn, một huyền truyện Mệ La Khê và một bài tuỳ bút Đọc Kinh, như những nét kết của một  đời sống với nghệ thuật. 

Tất cả là những mẩu sống ngắn gọn được trích lục ra từ cuộc đời Khoan tôi, như ông thường tự gọi mình. Như tất cả những người xa nước, Khoan tôi sống và viết bằng kỷ niệm. Khoan tôi uống rượu với quá khứ, nhắm rượu với quê hương. Khoan tôi nói về Phật pháp, Khoan tôi mở rộng lòng mình, tìm cái Tâm chưa biết. Khoan tôi muốn rọi ánh hồi quang vào cuốn phim đời mình, trong một sát na, trước khi nhắm mắt.

Hình ảnh những người bạn, còn sống hay đã chết hiện lên như Lê Quang Luật, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Nghiêm Xuân Hồng, Vĩnh Ấn... để ông có cớ độc thoại với chính mình, để ông kiểm lại sổ đời, để ông làm một thống kê về một vùng tuyệt mù của ông, vùng mà suốt đời ông theo đuổi.

 

Cuốn phim đời của Vũ Khắc Khoan bắt đầu bằng những trò chơi, mà thế hệ ông- ông gọi là thế hệ 45- Thế hệ đã trải cái đói Ất Dậu, đã trải Pháp, trải Nhật. Những kẻ trưởng thành  trong thế hệ 1945 ấy, dù tính toán hay không tính toán, rồi cũng bị rơi vào tròng:

«  Chúng tôi thắt thêm một vòng duyên nợ, đi vào một trò chơi, luật chơi đầy khúc mắc, mà việt vị trong đa số trường hợp, có nghĩa là vĩnh viễn việt vị » (trích bài Nhận đường, trang 25). Trò chơi mang mùi « việt vị » của họ là gì ? Đó là : «Trò chơi chính trị, một trò chơi mà người chơi chỉ là một thứ quân cờ. Thế thắng tối hậu luôn luôn mằm trong tay kẻ biết vứt bỏ sang một bên cái phần thiêng liêng nhất của con người là phần tình cảm » (Nhận đường, trang 26). Dù ở bên này hay bên kia, trò chơi có « việt vị » ấy đã bao trùm lên cuộc đời của bao nhiêu thanh niên, khiến họ đã tự bắt mình phải bỏ mình, bỏ một phần của mình. Họ là những kẻ « sau cặp mắt kiếng cận, vẫn đêm đêm, khi tỉnh rượu, lúc nửa khuya, dọi vào những trang sách, dọi sâu tâm thức u uẩn, nhiều bực dọc, hối tiếc, những câu hỏi và những rắp tâm làm một cái gì» (trích Bữa rượu cuối cùng với Lê Quang Luật, trang 15).

 

Đám thanh niên 45 này, đã từng háo hức nâng ly « uống cạn tình bạn vào lòng» những năm kháng chiến. Nhưng rồi chỉ chín năm sau, Vũ Hoàng Chương, 1954, đã nhận thấy: « chúng ta mất hết...chỉ còn nhau . Rồi ba mươi năm sau, Vũ Khắc Khoan, 1984, đau đớn hơn sửa lại : «chúng ta mất hết... kể cả nhau ».

Đám thanh niên của thế hệ 45 đó đã rắp tâm muốn làm một cái gì. Làm một cái gì cho đất nước. Nhưng hình như không ai làm được « cái gì » cả. Cái gì đó, trong thời kháng chiến chống Pháp, hình như là giành độc lập, nhưng có ai ngờ, giành được độc lập rồi thì mất tự do. Cái gì đó trong thời Nhân Văn Giai Phẩm hình như là giành tự do. Nhưng rồi có ai ngờ tất cả những người dám đứng lên giành tự do ấy, đã phải trả giá bằng chính cái tự do của trọn đời mình. Và đám thanh niên di cư vào Nam, để đi tìm tự do, có ai ngờ, họ lại rơi vào cái bẫy của chiến tranh toàn diện.

Cho nên, thế hệ 45, của Vũ Khắc Khoan, của Vũ Hoàng Chương và của bao nhiêu khác, hầu như không ai biết rõ con đường mình đang đi sẽ dẫn mình đến đâu, đến vùng đất nào của cõi sống, cõi chết. Vũ Khắc Khoan gọi vùng ấy là vùng tuyệt mù.

 

* * *

Nhưng hành trình của Vũ và thế hệ 45, cũng lại trùng hợp với một thứ hành trình khác, đó là hành trình của người sáng tác, của nghệ sĩ. Bởi hắn, kẻ nghệ sĩ, cũng không biết nét bút của mình sẽ đưa mình đến đâu. Hắn, kẻ cầm bút, bút lông hay bút mực, cũng chỉ vung bút để đi vào vùng tuyệt mù ấy. Bởi mỗi tác phẩm nghệ thuật chỉ là một tìm đường, và cõi mà người nghệ sĩ đang đi, hay muốn đến, cũng chỉ là vùng tuyệt mù ấy.

« 1984

Tuyết rơi từ vào khuya, mặt trời vừa mọc, tuyết đã ngập trắng vườn sau. Tôi đẩy thêm một khúc củi vào lò. Nhìn lửa bốc ngọn, nhớ lại mấy vần thơ cũ đã quên mất cả nguyên văn ;

Chàng như mây mùa thu

Thiếp như khói trong lò.

Cao thấp tuy có khác

Một thả cũng tuyệt mù

Đọc lại bài thơ. Rất nhỏ, từng chữ, từng vần. Rất nhỏ, đủ để một mình mình nghe. Cho đến khi lời thơ tan rã, ý thơ nhạt nhoà, cho đến khi trong tôi, về bài thơ, rớt lại, chỉ còn một chút bâng khuâng không tên thì tôi lặng thinh đi vào cái bâng khuâng đó. Quanh một chữ. Tuyệt mù. Nghĩ đến một cánh chim thoáng trên mặt nước. Bóng chim, nước không lưu giữ. Chim đâu để lại đường bay ? Khói mây tan tác. Âm thanh, màu sắc cũng vậy. Cũng vậy, thiếp và chàng. Tất cả, một thả cũng tuyệt mù. Kể cả chữ và lời. Kinh và Kệ. » (trích Đọc kinh,  trang 169). Đó là những lời nhập của bài Như lai vô sở thuyết tức là Đọc kinh.

Cả một hành trình đọc và viết suốt một đời gói trọn trong mấy dòng chữ trên đây.

 Bốn câu thơ mà Vũ không nhớ nguyên văn, có giọng rất Kinh Thi :

Chàng như mây mùa thu

Thiếp như khói trong lò.

Cao thấp tuy có khác

Một thả cũng tuyệt mù

Một buổi sáng tinh mơ trời tuyết, 10 năm sau khi rời nước, họ Vũ ngồi bên lò sưởi, lẩm nhẩm đọc lại bài cổ thi cho mình mình nghe, đọc cho đến khi lời thơ tan rã, ý thơ nhạt nhoà, bốn câu thơ cổ chỉ còn đọng lại hai chữ cuối : tuyệt mù. Kinh nghiệm đọc thơ mà Vũ vừa viết lại, biết bao người đã trải qua, bao người đã dùng bao chữ trong các cuốn sách lý thuyết văn học để giải thích, rồi cuối cùng cũng đi tới kết luận: một thả cũng tuyệt mù, như câu thơ cổ.  Vũ dựa vào kinh nghiệm của người xưa, để vận vào cánh chim, cũng thấy chim bay không để lại vết bay, vận vào âm thanh, màu sắc đều như thế: tất cả rồi sẽ tan tác, kể cả chữ và lời. Kinh và Kệ. Cái mà Vũ nhìn ra, bây giờ, đã khác lắm, với Chàng và Thiếp của người xưa.  Nó bao gồm cả chữ và lời, cả Kinh và Kệ. Chẳng phải vì Vũ nhìn xa biết rộng hơn người xưa mà là vì Vũ đã dùng mối tương quan mật thiết giữa đờiđạo để xây dựng một vùng tuyệt mù riêng của mình, trong địa hạt chữlời, kinhkệ.

Kinh nghiã đen là sợi tơ thẳng xuyên suốt. Sách chép lời Phật gọi là Kinh. Những bài kinh là những bài thuyết pháp của Phật. Trong khi nói, thỉnh thoảng Phật lại tóm tắt ý của mỗi đoạn quan trọng thành một bài thơ ngắn gọi là Kệ. Các vị thiền sư thời Lý Trần, trước khi mất thường để lại những bài Kệ giảng pháp lý cho học trò. Bài kệ Tham đồ hiền quyết (chỉ bí quyết thiền cho môn đệ) của thiền sư Viên Chiếu (999-1091) thời Lý, là một tuyệt bút. 

Bài Như lai vô sở thuyết, tức Đọc kinh của Vũ Khắc Khoan là một bài Kệ hiện đại, viết cho thế hệ chúng ta. Lời kệ của Vũ dĩ nhiên phải khác lời kệ của Ỷ Lan, của Viên Chiếu, của Chân Nguyên, bởi Vũ viết văn xuôi, nhưng văn ở đây mỗi câu, mỗi dòng đều như cô đọng những từng trải, những suy nghĩ của một đời thiền chữ.

Gọi là kệ, bời nó là sự dặn dò của họ Vũ trước khi lìa đời. Dặn dò ai ? Dường như ông không nhắm vào ai cả, nhưng mỗi lần ai đó đọc đến bài kệ này, lại nghe thấy một lời thì thầm mới, một điều không nói khác với lần đọc trước, không nói mà cứ như rót vào tai. Bởi Vũ đã nhìn thấy : Như Lai vô sở thuyết. Như Lai không luận bàn. Như Lai không thuyết pháp. Như Lai không nói. Nhưng rồi Vũ hiểu:

« Tôi hiểu tại sao những người lớn của nhân loại tự cổ thảy chỉ đều muốn nín thinh. Khổng Khưu, Lão Đam và Thích Ca Mâu Ni. Trời không nói, ta đâu muốn nói ? Ta đâu có thuyết lời nào ? Cái ta muốn nói, cái đó, đâu có thể nói được ? Cái đó, bất khả thuyết, bất khả tư nghì. Bất khả đạo.

Nói ra là bị kẹt

Nhưng rồi Khổng Khưu vẫn nói, cả đời. Lão Đam thì nói đến 5.000 chữ Đạo đức kinh và Thích Ca Mâu Ni trong suốt 49 năm hoằng pháp, nguyên lời Đại Bát Nhã, đã nói ròng rã tới 22 năm.

Không nói cũng không xong

 

 

Nói ra là bị kẹt

Không nói cũng không xong

Hai câu đầu một bài kệ của một thiền sư Việt Nam sống giữa thế kỷ XVII, thiền sư Chân Nguyên. Hai câu kệ, một thế đứng chênh vênh giữa hai ngả hữu vô. Nói hay không nói ? Chung cuộc, bài kệ đành phải chấm dứt bằng một nét chấm phá lửng lơ :

Vì anh đưa một nét

Đầu núi ánh dương hồng » (Đọc kinh, trang 170).

Tất cả vũ trụ đứng lại ở đây, ở chỗ : vì anh đưa một nét, mà đầu núi ánh dương hồng. Vùng tuyệt mù bỗng sáng ra, hồng lên ngời rạng. Vùng tuyệt mù trở thành rạng đông khi anh, người nghệ sĩ, đưa một nét. Nét chấm phá lửng lơ của Chân Nguyên đã đạt vùng tuyệt mù.

 

***

 Trờ lại với những người trong thế hệ 45 của Vũ mà chúng ta đã nói đến ở trên : rằng hình như họ cũng không biết cái mà họ tìm kiếm, cái đó là « cái gì ». Là độc lập, là tự do hay  thống nhất... mà cứ mỗi lần có được cái này, họ lại bị phải thôi cái kia.  

Cho nên, cái đó cũng có thể là con đường giải thoát như Vũ nói :

« Con đường giải thoát chỉ là con đường trở về. Từ cái phức tạp trở về cái mộc mạc đơn sơ. Từ cái vô lượng trở về cái nhất như nguyên thủy » (trích Bên kia, bên này, trang 64).

Cái đó cũng có thể là những đốm lửa trong đêm khuya, như Vũ nói :

«Từ những ngày xa xưa, tôi vẫn nghĩ rằng những đốm lửa trong đêm khuya hình như tự chúng đã mang sẵn một nỗi nhớ thương kỳ dị- chúng là những nỗi nhớ thương » ( Bên kia, bên này, trang 66). Nhưng cái đó, cái mà thế hệ của ông đã muôn nghìn lần tranh biện, tự vấn, muốn định nghĩa, muốn nắm bắt, nó vẫn tuyệt mù.

Cái đó, cũng có thể chỉ là một chút nhớ thương, đợi chờ một Mệ La Khê không bao giờ đến. Mệ La Khê là một hoàng hậu, một trang tuyệt sắc giai nhân, đã chết khi xe hơi của nàng  đi theo xe nhà vua, khánh thành chiếc cầu La Khê. Khi xe vua và đoàn tùy tùng vừa qua cầu, đến lượt xe nàng thì cầu sập, nàng chìm sâu trong đáy nước cùng người tài xế, đã bao nhiêu  năm nhưng bóng nàng lộng lẫy trên chiếc xe hơi và người tài xế vẫn không ngừng di chuyển trên con đường cũ. Mệ La Khê có dáng dấp của Mợ Lãnh trong Chùa Đàn, và bên mệ cũng có một cụ Lãnh, như thể Vũ Khắc Khoan muốn dựng lại Nguyễn Tuân bên trời Mỹ.

 Mà Mệ La Khê là ai, mà kẻ cầm bút lại nhớ thương mơ tưởng đến thế ? Vũ viết :

« Nhớ thương ? - Tại sao lại thương ? - Hầu như không đối tượng rõ ràng mà bao trùm những âm vang ngân lại những bóng chưa mờ của một thời đã cáo chung. Một chút cổ kính lối xưa ngõ cũ nơi thành nội, một tứ thơ Đường - tiếng quân cờ dập nhẹ trên bàn cờ - một thoáng Liêu-trai-chí-dị, giàn dưa lất phất mưa như tơ. Một mùi hương úa. Một giọng hò xưa. Một bàn tay nhỏ.

Chiều xuống. Sương mù. Tàn bữa rượu. Đêm về. Mệ vẫn không lại.» ( Mệ La Khê, trang 107)

Vậy thì, Mệ La Khê vừa là Godot vừa là Cái đó. Mệ là cái mà cả cuộc đời Khoan tôi đã đi qua, đã đợi chờ, đã có ý tìm, có phải đây là Mệ không ? Mệ chính là cái không, mà lại vô cùng hiện hữu. Mệ cũng là cái có. Mệ phải là cái có, nhưng lại vô ảnh vô hình. Mệ là chỗ khởi điểm và chỗ cùng đích của con đường xuyên sự sống và cõi chết. Mệ mờ mờ như hạnh phúc, mệ phôi pha như nhan sắc của người đàn bà, mệ thoảng đến như áng mây ngũ sắc, mệ huyền bí như nụ cười Mona Lisa. Mệ là cái đó.

Và ở cuối đời, Vũ Khắc Khoan cũng đã tìm thấy cái đó : « Đôi khi lời kinh dẫn tôi trở về ngày cũ. Bất giác tôi gặp lại... cái tâm hồn ấu thơ thủa nhỏ, trốn học, « phiêu lưu » dọc 36 phố phường Hà Nội, mỗi hẻm nhỏ là một thế giới riêng tư, mỗi lùm cây là một cõi trời đặc biệt. Những giây phút đó, lâng lâng lời kinh rời hẳn nghiã kinh, lời kinh kể chuyện cổ tích, rủ tôi đi vào một cơn mộng du hoang vu thăm thẳm, tròng mắt ruổi bắt bạt ngàn thấp thoáng muôn hồng ngàn tía màu sắc cầu vồng loang loáng bong bóng giọt mưa Ngâu, từ những đám mây trời Bắc Việt rơi xuống, từ một nền gạch Bát Tràng dấy lên -  ôi ! Cái ướt át lành lạnh gấu quần thấm nước và chiếc lá bàng đỏ kệch lắt lay đầu ngõ heo hút gió Tây (...)

Và tự đó, từ những hình và sắc mây trời vần vụ, bay lên, những mùi hương lạ, những mùi hương đi không chỗ tới, đến không chỗ bắt đầu (...)

Từ mênh mông cực đại đến thăm thẳm cực vi (...) Đâu là mê, nẻo nào là ngộ ? (...)

Tôi lặng lẽ dìu tôi đi vào một cõi, mới dấy lên. Cõi đó, lạ lạ quen quen. Cõi đó hằng đêm. Cõi đó, riêng tôi. Một mình » (Đọc kinh, trang 178,193, 195)

Cái đó, của Vũ Khắc Khoan, vượt ngoài ngôn ngữ, vượt trên kinh điển. Cõi đó, riêng Khoan, một mình.

Đoản văn Đọc kinh kết thúc cuốn sách và kết từ cuộc đời. Bài kệ vần vũ, biến dạng, có chỗ nó là tâm, nhưng tâm làm sao thấy ? Có chỗ nó là quê hương, nhưng quê hương đã rời bỏ, dẫu rằng có lập lại trăm lần : Quê hương, không nơi nào đẹp bằng chốn ấy. Không nơi nào đẹp bằng chốn.. Không nơi nào đẹp bằng... Không nơi nào đẹp.... » Nhưng Khoan tôi làm sao về được ?

Cái đó, có chỗ nó là Nguyễn Du, nhưng Nguyễn Du đã bất tri tam bách.

Có chỗ nó là Mệ La Khê nhưng Mệ đã suối vàng.

Rồi cuối cùng Khoan tôi cũng đã đạt được cõi đó.

Nhưng Khoan cũng đã tuyệt mù, làm sao về được, để kể lại cái đó là cái gì ?

 

Thụy Khuê

Paris, tháng 8/2008

 

© Copyright Thụy Khuê 2008