Thụy Khuê

 Vũ Khắc Khoan: Thành Cát Tư Hãn

 

Từ thần thoại (légende) đến huyền thoại (mythe) là cả một chặng đường dài. Những kịch tác gia cổ đại của Tây phương như Eschyle, Sophocle, Euripide... trong thời kỳ vàng son của bi tráng kịch (tragédie) đã để lại cho hậu thế không chỉ những tác phẩm mẫu mực về bi tráng kịch mà đằng sau những nhân vật ngoại khổ như Oedipe, Antigone... là mối tương quan giữa nhân sinh và môi trường sống, giữa nhân sinh và định mệnh... Ngoài ra, còn một thông điệp quan trọng nữa, là họ đã khai phá cách dùng câu truyện như một cái cớ, một prétexte, một thác ngôn, để nói về truyện khác. Họ đã chuyển hoá thần thoại thành huyền thoại.

Thấm nhuần sâu sắc tinh thần bi tráng kịch cổ điển Tây phương, Vũ Khắc Khoan trong màn giáo đầu vở Thành Cát Tư Hãn, viết năm 1962, đã nhắc đi nhắc lại hai lần:

"Thành Cát Tư Hãn chỉ là một cái cớ ". Bởi vì ông không trình bày nhân vật Thành Cát Tư Hãn như một khuôn mặt lịch sử mà ông mượn tình thế của Thành Cát Tư Hãn để nói đến những việc khác, ông đã đẩy Thành Cát Tư Hãn từ tư thế lịch sử sang tư thế bi tráng kịch. Và Thành Cát Tư Hãn trở thành một trong những vở bi tráng kịch đầu tiên của Viêt Nam viết theo đúng truyền thống tragédie của Hy Lạp.

Bi tráng kịch hay nói gọn là bi kịch, tragédie, khác với thảm kịch, drame. Nếu thảm kịch chỉ là trò chơi của sự tình cờ, những tình tiết éo le trong thảm kịch có tính chất tai nạn, thì bi kịch gạt bỏ tính chất tình cờ, những gì xẩy ra trong bi kịch có thể đoán trước được, bởi nó là hệ quả của định mệnh. Trong bi kịch, tất cả được điều chỉnh theo logique khốc liệt của định mệnh, la fatalité. Cái chết của Thành Cát Tư Hãn, cũng như cái chết của Antigone, là tất yếu, là fatale, là không thể tránh được.

Vì vậy, ngay trong màn giáo đầu. Vũ Khắc Khoan cho biết: "Thành Cát Tư Hãn đã chết".

Theo chính sử, thì Thành Cát Tư Hãn chết ở Tây Hạ, có thể chết do những vết thương ngã ngựa, sau khi chinh phục Tây Hạ. Trong kịch của Vũ Khắc Khoan, đó là một cái chết bí mật không biết tại sao.

Nhưng cái chết của Thành Cát Tư Hãn cũng chỉ là một cái cớ, một thác ngôn về thân phận con người đối chất với định mệnh. Một thác ngôn về sự đầu hàng của kẻ chiến thắng trước những oan hồn chiến bại. Một thác ngôn về tội ác và trừng phạt

*

Vở kịch trình bày cuộc đối đầu tay ba giữa Thành Cát Tư Hãn, vị Đại hãn bách chiến bách thắng Mông Cổ, với Cổ Giã Trường, đại tướng Tây Hạ cũng là kẻ chiến bại. Và Sơn Ca, em ruột Cổ Giã Trường, người nghệ sĩ, kẻ tự do, không tham dự cuộc chiến. Tác phẩm là một thác ngôn về sự đối đầu tay ba giữa chiến thắng, chiến bạinghệ thuật

Bối cảnh được mô tả như sau:" Lúc bấy giờ quân Mông Cổ đã chiếm xong Tây Hạ. Tại ngoại thành kinh đô Tây Hạ, thượng lưu sông Hoàng Hà, nơi hạ trại của quân Mộng Cổ. Trong lều Thành Cát Tư Hãn (...). Màn mở lên, nắng quái một chiều cuối đông hắt vào lều (...). Trên ngai sừng sững, lầm lì, khốc liệt và hầu như vô giác là Thành Cát Tư Hãn". (trang 31). Và đây là chân dung tinh thần vị đại hãn: "Ta không biết chữ. Đối với ta, một cuốn sách quý là một cuốn sách trắng tinh không chữ. Một cuốn sách yên lặng, yên lặng và bát ngát như đêm nơi sa mạc. Yên lặng như một người đàn bà đẹp phục tòng" (trang 36).

 Đại hãn biểu trưng sự thực thứ nhất: Bạo lực luôn luôn mù chữ.

Đại hãn không biết yêu. Tình yêu đối với đại hãn là sự chiếm đoạt. Đại hãn có trong tay Giang Minh, công chúa Tây Hạ, đẹp tuyệt trần. Nhưng đại hãn tự hỏi: "Tình yêu là cái quái gì? Đối với ta, chỉ có một thắng một bại. Đó là tình yêu. Kẻ bại phải phục tòng người thắng. Đó là tình yêu". (trang 52).

 Đại hãn biểu trưng sư thật thứ nhì : Bạo lực không biết yêu.

Đại hãn biểu dương quyền năng tuyệt đối: "Thượng đế chính là ta. Nhà ngươi hãy mở rộng mắt mà nhìn: Trùng trùng điệp điệp là đại quân Mông Cổ, trùng trùng điệp điệp dưới lá cờ cửu vĩ của ta. Một triệu người như một. Ta xuống một lệnh. Một triệu người cúi đầu dưới lệnh của ta. Ta bảo tiến là tiến. Ta cho sống được sống. Ta bắt chết phải chết. Ta là trời, ý ta là ý trời" (trang 53).

Đại hãn biểu trưng sự thực thứ ba : Quyền uy tuyệt đối luôn luôn gắn liền với bạo lực.

*

Một quyền uy, một bạo lực như thế. Nhưng chỉ có một câu hỏi, một mục đích, một hoài vọng duy nhất, mà không thể thoả mãn được, đó là:

"Ta muốn gặp mặt Cổ Giã Trường" (trang 42).

"Ta muốn biết Cổ Giã Trường hiện giờ ở đâu" .

Nếu cần giết hết loài người trên Đất Liền để biết được điều đó thì... ta cũng vẫn sẵn sàng" (trang 45)

Hiện Cổ Giã Trường ở đâu? Ta không thể xua quân đuổi theo một cái bóng (trang 49)

Sào huyệt Cổ Giã Trường ở đâu? Tả ngạn hay hữu ngạn Hoàng Hà? (trang 50)

Cổ Giã Trường hiện ở đâu? Cổ Giã Trường hiện ở đâu?

Một quyền uy, một mãnh lực như thế, mà suốt đời chỉ có một nỗi sợ duy nhất là cái chết: "Không ai! Không ai thoát được cái chết. Có sống tất có chết, đó là thông lệ của tạo hoá. Mà tạo hoá... tạo hoá là cái gì? Một mai, không còn ta nữa, thì ai sẽ thay ta mà ngồi trên ngai vàng Mông Cổ? (...) Tất cả những quãng đất mênh mông mà ta nhọc nhằn chiếm giữ, rồi sẽ chia năm sẻ bẩy. Tất cả hùng binh tuớng mạnh của ta sẽ tan rã"  (trang 66)

"Bẩy mươi năm trường đâm chém, diệt từng nước, đốt phá từng miền... Để làm gì? Chết! Mục nát với cỏ cây! Không... ta cần phải sống mãi mãi. Ta phải trường sinh bất tử" (trang 70).

Cái chết là nỗi ám ảnh không ngừng, là sự đợi chờ, là Godot, là con dao của định mệnh mỗi ngày mỗi khứa thêm một chút vào cái vết thương của Thành Cát Tư Hãn, kẻ chiến thắng trong chiến tranh, nhưng không thoát khỏi định mệnh, bởi vì, như lời Sơn Ca: "Nhà ngươi vốn chỉ biết dùng cái chết để đãi thiên hạ. Tất nhiên... nhà ngươi lại gập cái chết. Nhà ngươi không nên phàn nàn" (trang 177)

*

Trực diện với Thành Cát Tư Hãn uy nghi và khốc liệt là Sơn Ca, cuồng sĩ Tây Hạ, em ruột Cổ Giã Trường. Và đây là diện mạo Sơn Ca: "Đó là một chàng trai nhỏ tuổi, thân hình gầy guộc, bước đi lểnh khểnh như chiếc nai tơ, trán cao mà móp như chúa nhiều ý nghĩ kỳ dị, mắt nhìn sâu thẳm vào cuộc đời, khoé mằt lúc uất ức lúc chán chường cũng lại có khi loé lên ranh mãnh, miệng cố nhếch mép, tiếng cười tuy muốn hồn nhiên nhưng môi mím lại, nét cười héo hắt mỉa mai. Sơn Ca không đẹp nhưng không thường" (trang 78).

Và đây là cuộc đối thoại giữa ông già ái quốc Tây Hạ và Sơn Ca:

Ông già Tây Hạ:

" Nhà ngươi nên cảm tạ trời đất. Nhà ngươi sắp được vinh dự hy sinh.

Sơn Ca:

Hy sinh!  Hy sinh là một danh từ quan trọng. Thưa lão trượng, hy sinh cái gì và... cho cái gì?

Ông già: Hy sinh cuộc sống ti tiểu của mình cho một cái gì cao siêu, trường cửu" (trang...)

Nhưng quan niệm của Sơn Ca khác hẳn ông già Tây Hạ, chàng nói:

"Lịch sử! Lại một danh từ quan trọng! Lịch sử là vật sở hữu riêng của những người già (...) của những bậc danh  nhân, của những nàng liệt nữ (...) Vãn sinh vốn không ưa làm danh nhân, tính lại rất ghét anh hùng (... ) chính bởi vãn sinh biết chắc lão trượng đang mong được chết (...) vậy thì mượn một lưỡi đao Mông Cổ mà chết, đối với lão trượng, tuổi hạc đã cao rồi, tính kỹ cũng không thiệt mấy... Mà chắc chắn lại chiếm được một chỗ ngồi thoải mái trong lịch sử (...) Thương thay cho quân Mông Cổ, tự nhiên lại lội đến đây, đâm đâm, chém chém, để chỉ làm giầu thêm cho lịch sử thiên hạ! (...) Không có cuộc sống nào đáng sống cả. Lỡ sống thì đành nhận cuộc sống. Nhưng phải tìm lấy một cách sống riêng biệt cho mình. Sống anh hùng, sống liệt nữ cũng là một cách sống(...) vãn sinh không có tài bắt chước. Vãn sinh không muốn làm một thứ tượng đất đúc khuôn, dầu là khuôn vàng" (trang 81-82- 83).

Sơn Ca đã chinh phục vị đại hãn bằng những hình ảnh lung linh của cuộc đời bình an,  một cuộc đời không đâm chém, một cuộc đời xa cõi chết.

Đó là những hình ảnh của "một người đàn bà. Một ánh lửa bếp rung tinh. Một dải mây trắng vắt vẻo ngang đèo. Một thoáng gió lọt kẽ lều. Một đàn cừu trắng nõn. Một cánh đồng cỏ mọc mượt xanh. Một tiếng sáo mục đồng" (trang 96).

Sơn Ca đã dạy cho vị đại hãn dư vị của cuộc sống, hạnh phúc của những phút giây hưởng thụ một tia nắng, ngắm một bóng mây, đón một ngọn gió, cảm khoái thiên nhiên, sống với âm thanh và màu sắc, sống với tình yêu, sống cuộc sống bình thường, an nhiên, tự tại.

Nhưng tất cả đều đã quá muộn. Vị đại hãn chỉ dừng lại vài phút, trong cảm thông với Sơn Ca, để hát lại tiếng hát mục đồng của mình thời niên thiếu. Phút cảm thông chấm dứt. Thành Cát Tư Hãn trở lại với sứ mệnh chém giết, với nỗi ám ảnh siêu hình, với cuộc chiến trường kỳ giữa thắng và bại.

*

Phản diện với đại hãn, kẻ vừa san bằng Tây Hạ, là Cổ Giã Trường, kẻ vắng mặt, kẻ chiến bại, Cổ Giã Trường, Đại tướng Tây Hạ, một thứ Godot-Beckett.

Cổ Giã Trường, theo lời kể lại, diện mạo như sau: "Người cao và thẳng như cây dừa sa mạc. Vai như vai con gấu núi. Tay vươn ra như tay vượn. Mũi thẳng như trái mật treo. Đôi lông mày là hai nét mác. Đôi mắt sáng ngời như sao Hôm sao Mai " (trang 41)

Người tinh mắt có thể nhận ra: đây cũng là một diện mạo của Thành Cát Tư Hãn. Cổ Giã Trưòng là âm bản, là linh hồn của Thành Cát Tư Hãn. Bởi diện mạo của vị anh hùng và kẻ cướp nước cùng chung một nét: đó là nét của tử thần. Mỗi lần có tin Cổ Giã Trường sẽ đến, là có một cái chết đến với Thành Cát Tư Hãn. Cổ Giã Trường, đại tướng Tây Hạ không xuất hiện, nhưng trong bóng tối, chặt dần chân tay của  Thành Cát Tư Hãn: Lần thứ nhất là cái chết của Thái Tử Tây Hạ, kẻ sắp sửa ra đầu hàng Thành Cát Tư Hãn. Lần thứ nhì: Thủ cấp của Lý Tư, quân sư của Thành Cát Tư Hãn. Lần thứ ba: Đầu lâu của Truật Xích Hãn, con trai của Thành Cát Tư Hãn. Và lần cuối cùng là thủ  cấp của Dương Bân, đại tướng của Thành Cát Tư Hãn.

Cổ Giã Trường trở thành một thứ định mệnh nghiệt ngã, một kẻ báo thù, một độc dược vô  hình, đã nằm trong cơ thể của đại hãn. Một thứ oan hồn, vật vã và hạnh hạ. Một thứ mệnh trời siêu hình mà Thành Cát Tư Hãn không không chế nổi. Cổ Giã Trường là sự tự hủy của  những anh hùng bách chiến bách thắng. Một thứ lương tâm mờ ám, thâm sâu, vô hình, tưởng như không có, nhưng vẫn hiện diện, nó là bản ngã của sự hiếu sát, chính nó đã đục khoét tâm linh và thể xác của người anh hùng. Nó nấp đằng sau những chiến thắng, nó cũng là sự thất bại thê thảm của mỗi chiến thắng, không thể cứu vãn được, bởi nó là sự chết, bạt ngàn xác chết mà mỗi chiến thắng đem lại.

Thành Cát Tư Hãn, kẻ bách chiến bách thắng, đã mang trong người ngàn vạn xác chết ấy, ngàn vạn viên độc dược ấy, cho nên cái chết của Thành Cát Tư Hãn tất yếu phải đến. Một sự chết chậm, chết dần, chết trong đợi chờ, và cái chết ấy còn khốc liệt ngàn lần hơn, cái chết gươm giáo, chết tức thời của vạn sinh linh, trong những cuộc chinh phạt mà Thành Cát Tư Hãn là tác giả. Thành Cát Tư Hãn đi vào huyền thoại ở chỗ đó. Bởi Thành Cát Tư Hãn không chỉ là một cá nhân đơn lẻ. Không chỉ là một nhân vật lịch sử đơn lẻ. Không chỉ là một anh hùng đơn lẻ. Mà Thành Cát Tư Hãn chính là định mệnh của bạo lực.

 

Thụy Khuê

Paris, tháng 8/2008

 

© Copyright Thụy Khuê 2008