Thụy Khuê

Sóng từ trường II
 
 
 

Nỗi cô vọng Mai Ninh



     Truyện ngắn Ẩm Ướt Những Cơn Mưa, theo lời tác giả là truyện ngắn khai bút của Mai Ninh(1), đã xác định một phong cách viết: hướng về những niềm đau sâu khuất của con người. Từ truyện ngắn này, chớm nở những mảnh puzzle Mai Ninh như những mẩu cô đơn mọc lên trong trời đất: đó là những phận người, cùng yêu, cùng sống, nhưng không thể "đột nhập" vào nhau, vào bề dầy tâm thức của nhau; như cậu tóc dài và chàng họa sĩ, một cặp tình trai mở quán ăn có cái tên rất lạ "Vali tham ăn"; như Lise và cô bạn, một cặp tình gái; như M., người xưng tôi trong truyện, đan đậm những cô đơn và bí mật gần gụi vóc dáng tác giả.
     Mai Ninh dường như muốn khai mở phần đất cô đơn trong hồn mình, hồn người, như một vùng bí mật, thẳm sâu, đầy chông gai trở trắc, đầy huyết mạch thông lưu, nhưng đồng thời cũng lại muốn rắc lên nó một lớp sương mù, muốn vọng về nó như một tuyệt vọng. Nỗi cô vọng Mai Ninh
     Những nhân vật Mai Ninh gặp nhau, thử yêu thương, thử tìm hiểu, thử tình bạn, thử tình yêu, nhưng rồi tất cả đều chỉ là sống "thử". Những khối cô đơn ấy không thể tan nhập vào nhau, dù họ có thay đổi cách kết hợp cuộc sống từ đồng tính trở sang lưỡng tính cho vừa lòng xã hội lắm điều hay vừa ý lương tâm cổ hủ của mình.
     Những cá nhân "mất hướng", "lệch trục sống" ấy, dù có muốn tìm một hướng mới "chính trục" hơn cũng là không tưởng bởi họ chỉ tìm được những kết hợp tạm thời, chờ lần tan rã sắp tới. Từ Mai Ninh, người đọc tiếp nhận những nỗi đau của cuộc sống hợp âm trong một tấu khúc nghiệt oan, rồi tất cả lịm dần, chìm đi, tắt ngấm như những nỗi chết của tâm hồn. Tình trai, tình gái cùng chết trong tình người.

     Truyện ngắn Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất (2) là một khúc tứ tấu cho nỗi cô đơn, nỗi chết đó. Bốn thân phận chia nhau một khoảng sân: Một ông già, một cô gái, một cậu thanh niên, một gã trung niên. Gã trung niên chủ quán, cỡ 40 tuổi, người gốc Ý, ưa huýt sáo bản Come back to Sorrento buổi chiều; ông già tối nào cũng nghe bản Concerto thứ 26 của Mozart. Cậu thanh niên chừng 20 tuổi, hình như người Bắc Âu, hình như học Beaux Arts, có biệt danh B.A, ưa bạn trai và nhạc Jazz và cô gái rơi xuống như một fausse note: nhân vật xưng tôi, sống một mình, nàng ưa giọng Barbara, Brel, Beattles, Baez...
     Họ chia nhau một cái sân, cùng tấu với nhau một đoản khúc. Dạo đầu là lạ lẫm, gắt gỏng, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Nhưng khi đã quen với những giờ giấc và tập tính trái khoáy của nhau đã "hợp âm" rồi thì bắt đầu khuất biệt. Chủ quán Sorrento về Ý tang mẹ. Anh chàng đẹp trai BA thưa dần bạn trai và ít xuống lầu. Ít lâu sau BA chết. Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất giao hưởng âm thanh, màu sắc, hương thơm... của những mẩu đời cô đơn lạc lõng ấy.
     Spaghetti đi, đem theo hương chanh, hương cam, hương bưởi về Sorrento gập ghềnh thơ mộng. Bắc Âu phóng đãng đem về cõi chết nỗi bí mật trong nếp sống Beaux Arts tự do buông thả của mình, còn lại cô gái và ông già tóc trắng với những giọt nước mắt khô rơi trên những "cảnh sống âm thầm trượt qua nhau" (trang 51), không bắt được nhau, và cũng không nhập được vào dòng sống.

     Mười truyện ngắn, mỗi truyện như cời thêm vào vết thương thắm đỏ, khơi rách mãi ra. Mỗi nhân vật Mai Ninh vừa đơn âm nỗi buồn, vừa hợp âm những  đợt sóng đời xô đẩy. Họ là những vết hư ảo cuộc đời, tình cờ gặp nhau, chạm nhau, trong một không gian mù sương bất định. Những buổi hẹn trước, thường lỗi hẹn, người được chờ thường không đến, như Luân, trong truyện ngắn Ðêm Rượu Ðợi, đợi bóng mình. Mà cũng lại như có một khoảng cách vô hình và vô tình nào đó luôn luôn sẵn sàng ngăn trở người gần lại với người, cũng lại như có một phép màu nào khác làm những nhân tố, chẳng hẹn, chẳng định trước, xích lại gần nhau:

 "Không ngờ, giữa không gian hư ảo sương mù nửa đêm, trên cõi sông nước, đá cổ mơ hồ này tôi lại đứng bên nàng, thật gần, cơ hồ chạm cả vào vuông khăn trắng cứ chực bay theo làn gió nổi đưa từ biển. Tôi định nói một câu gì thật nhẹ, lại thôi. Nàng lặng yên, quay người xuống cầu, tà áo lụa cuốn theo bước chân thăn thoắt. Thoáng chốc bóng tím như biến như hiện chấp chới giữa các ngõ ngách đường đi lẩn khuất. Tôi có thể đi nhanh để bắt kịp nàng nhưng tôi chậm lại, bỗng thấy nàng như con bướm đêm trở về giữa gạch đá ẩm đục của biển đầm để tìm một nhụy hoa đã mất"    (Biển Ðầm, trang 87)

     Những nhân vật Mai Ninh, ít nhiều đều là những cánh bướm đêm, như Mélisa, như Luân, như G, như M, như N, họ vần vũ trong một không gian nhục cảm thiên nhiên nửa hư, nửa thực:

 "Thành phố này mọc từ biển lên núi, vừa nhấp nhô khép mình ẩn náu lại chĩa đứng sỗ sàng. Biển xanh dưới chân chừng hoang mang, cứ chực men lên, hớp lấy những màu tường hồng đủ gam đậm nhạt"
                      (Vách Mận Trắng, trang 116)

     Hình như Mai Ninh đang cầm bút lông vẽ một bức tranh chuyển động bằng lời khiến người đọc có thể hình dung một Sorrento, hay một Le Mont Saint Michel... mọc lên từ biển. Những thành phố này có những giác quan dị lạ:

 "Có những trưa nằm im, chim chóc ngủ. Tôi leo lên thành cửa sổ rộng, ngồi đó, chông chênh ngó nắng. Tháp chuông nhà thờ trắng trinh vượt rời những lớp nhà gợn hồng lên xuống. Biển bình an hút tôi về chân trời, giao tuyến của thực và ảo. Mênh mông đấy nhưng vẫn là hình ảnh một khoảnh khắc. Trời vừa kéo sang xuân, cây cối lửng lơ màu tươi non. Mái ngói đỏ cũng nhòa đi trong ánh sáng. Chỉ có vách núi mang mãi một sắc thẫm sâu, nặng chùng của đá. Hàng mận mọc cao trước núi đã báo mầm thức giấc cùng tôi, bồn chồn.
 Váng vất chưa qua bỗng đâu cơn gió quạt tới bất ngờ. Khi tôi quay trở lại căn nhà, những nụ hoa mận mọng búp mà tôi nổi hứng phác chơi trên tấm bố trước khi đi bỗng nhiên bị nở tung bềnh bệch."
                      (Vách Mận Trắng, trang 121)

     Nhân vật xưng tôi, trong đoạn văn trên đây có thể là một người, cũng có thể là một con mèo hay bất cứ một vật thể nào khác "chông chênh ngó nắng". Và những vật thể như cây mận, chưa chắc đã là mận thật hay chỉ là mận trong tranh. Mai Ninh lồng không gian thực vào tranh, rồi nhấc chúng từ tranh ra như một sinh vật sống. Ở chỗ đó, người viết đã phù ảo hóa những vật thể quanh mình, làm tĩnh cái động, làm động cái tĩnh để tạo thành một thế giới Mai Ninh đẹp, lạ, liêu trai và bí mật.

*

     Mây Một Ngày là một chuyện hóa thân. Hai nhân vật nữ, cùng ẩn một bóng tên: Mây và Vân, sống một ngày trọn vẹn với nhau trong xác và hồn, giữa mơ và thật. Có thể gọi là fantasme, gọi là liêu trai. Gọi là gì cũng được nhưng trước hết là một phân thân: "Mây bây giờ đẫm mùi quen thuộc, mùi của chính tôi 3 của kem thoa da và nước hoa táo xanh tôi ưa thích."  (Mây Một Ngày, trang 15)

     Sự phân thân này dẫn đến một hóa thân toàn bích: "Tôi, trong quần jean và áo thun ngắn, khác Mây, với bộ bà ba vàng nhạt. Tôi vắt chanh vào hai tô phở, Mây lùa đũa vài ba lần, liếc gã đàn ông mắt dài làm tôi đâm bực, giục ăn đi. Mây bỗng đẩy ngay bát phở qua bên, giọng gọn lỏn. Không ngon bằng phở bà Lùn. Tôi bật cười. Sao không bằng. Mây chẳng đáp, cúi xuống mân mê cọng giá trắng muốt. Ðột nhiên nàng nói to. Phở bà Lùn năm trăm một tô, mẹ bảo Vân gửi cho Mây một ngàn, Mây ăn năm trăm, còn để dành cho cu Tuấn. Rồi tự dưng Mây trợn mắt giận dữ. Mấy người nói láo, lường gạt, ta biết nó chết, nó chết lâu rồi phải không? Người đàn ông răng vàng không cười nữa..."  (Mây Một Ngày, trang 16)

     Ðó là không khí Mai Ninh, một vùng thực ảo chắp nối, một vùng sống chết kết hợp. Chú ý đến những cử chỉ của Tôi và Mây: rõ ràng có hai "người": "Tôi, trong quần jean và áo thun ngắn, khác Mây, với bộ bà ba vàng nhạt." Nếu tôi và Mây là hai người thực, thì tại sao lại phải có chữ "khác" ở đây? Chính cái chữ "khác" ấy, đã nói lên tính "chối", tính "lừa", lừa mình (tác giả) và lừa người khác (độc giả), về thực chất của không khí Mai Ninh: Một mà hai, hai mà một. Những động tác nối tiếp sau đó là của một người mặc dù với hai chủ thể:

 "Tôi vắt chanh vào hai tô phở, Mây lùa đũa vài ba lần... Mây bỗng đẩy ngay bát phở qua bên ... Mấy người nói láo, ta biết nó chết..."

     Có một chủ thể chính đang ngồi trước bát phở, nhưng động tác và suy nghĩ của người này lại bị chi phối bởi một "chủ thể" khác, như một thứ "lệnh" phát ra từ tâm linh, từ ý thức hay tâm thức của cái thể xác kia. Ðồng thời, hợp âm của cái linh và cái xác kia lại cùng bừng tỉnh một lúc để nhận thấy "mình" tức là "nó" đã chết rồi, chết lâu rồi.
     Sự "ngộ" này cho thấy ít nhất có hai "mơ" chùng chập. Một kẻ xé hai: cô đơn nói chuyện với cô đơn, sống nói chuyện với chết. Tạo nên một cách "vọng" mới: vọng hồn, vọng xác. Một thế đồng thiếp trong tâm hồn, có thể xẩy ra cho bất cứ ai mà không để lại dấu vết "hiện hữu". Chỉ một mình mình biết, một mình mình hay. Mai Ninh tạo ra thế giới đó, một thế giới: Chỉ mình mình biết. Mình mình hay.

*

     Ở một khía cạnh hiện thực vật chất hơn, hầu như tất cả những chất liệu biển, đá, mưa, nắng, cô đơn, nỗi buồn, cái chết... kết hợp nhau trong chữ nghĩa để tạo thành những nhân vật của Mai Ninh. Cái mà tác giả gọi là hợp âm, chính là hợp âm của những chất liệu này: Chất liệu đầu tiên là biển với hai thành tố nước và sóng, chúng chao đảo trong toàn bộ truyện ngắn của Mai Ninh như một từ trường nguyên thủy. Và chất liệu sau cùng là cái chết, cái chết ở đây là lối mở, mở vào cái ảo, cái không biết, cái vô cùng.
     Biển và chết, tự khởi thủy đã là nguồn cội của những giấc mơ. Bachelard có những dòng thật hay về biển và chết: "Như thế, sự vĩnh biệt ở bờ biển vừa là vĩnh biệt đau đớn nhất và cũng văn chương nhất trong những vĩnh biệt. Chất thơ của nó khai thác cái đáy sâu, xưa của hào hùng và mơ mộng. Nó đánh thức trong ta những vang âm đau thương nhất. Tất cả khía cạnh tâm hồn đêm tối của chúng ta được giải thích bằng huyền thoại của cái chết, xây dựng như một cuộc khởi hành trên nước. Ðối với người mơ mộng, khởi hành và cái chết sẽ chuyển hóa không ngừng. Với một số trường hợp mộng mơ khác, nước là một chuyển động mới mời gọi vào những chuyến đi chưa thực hiện bao giờ. Cuộc khởi hành hữu hình này kéo ta khỏi cuộc sống hữu hình trên trái đất. Cao thượng, dị kỳ biết bao, câu thơ sau đây của Baudelaire, chứa đựng một hình ảnh bất ngờ, như muốn đột nhập vào hồng tâm của mỗi bí mật trong ta:
 Hỡi thần chết! Thuyền trưởng cố tri, giờ đã điểm! Hãy nhổ neo!" (4)

     Thâm ngôn của Bachelard dường như được viết ra để giải thích nhiều trạng thái phức tạp của tâm hồn liên quan đến giấc mơ và biển cả.
     Biển và chết đã là nền tảng cho bản giao hưởng của Mai Ninh trong Mưa Ðá Âm Dương, tạo nên những nét nhạc bấp bênh, bên bờ vực thẳm của tử thần, bên bờ vực sâu của trời đất, trong cái vũ bão của sóng, gió và mưa... Cuộc đi trẩy từ một vùng biển hữu hình nào đó -sao chẳng Normandie?- dữ dội, sóng luôn luôn gầm thét thịnh nộ, những cơn bão sóng, những cơn gió hú vọng về từ vực sâu trầm khuất dưới đáy đại dương hay đến tự trời như những cơn mưa tận thế.

 "Phượng đứng chết rũ trên mặt cát cuốn xoáy. Nước dâng lên ào ạt rồi rút đi tức khắc thành luồng chảy xiết. Mưa như chưa bao giờ mưa thế, như biển sắp cạn khô nên trời đất nổi cơn cứu độ. Mưa táp tơi bời cùng gió. Phượng dang hai cánh tay, chiếc poncho ròng nước phần phật tung bay. Cánh vẫy thành dơi, dơi hoang từ núi khuất chỉ xuất hiện giữa ban ngày khi mặt trời bị dìm chết trong mưa ủng xám. Phượng mở miệng đón những hạt nước rớt từ trên không, nhỏ dòng từ đầu mũi và cuốn chùm tóc vắt qua môi. Nước có vị mặn chát của sự rã rời và của những ruộng muối trải dài trên con đường nàng đã đi qua. Hai cánh dơi chao đi trong ngọn gió bỗng chuyển chiều, vật xoài Phượng úp mặt vào lòng cát."
                      (Mưa Ðá Âm Dương, trang 106)

     Ai đã từng đặt chân đến Le Mont Saint Michel, đến thăm gió, sóng với những bí mật của vùng này sẽ thấu được nỗi buồn trong Mưa Ðá Âm Dương. Không chắc gì Mai Ninh đã có chủ đích viết về vùng biển này, hay về một Sorrento u tịch và trắc trở khác, nhưng biển, nơi Mai Ninh, như phát tự tâm, từ hồng tâm bí mật của con người. Từ biển, phát xuất một từ trường, bào ảnh của một cuộc đi, một cuộc tình dữ dội giữa đábiển, giữa PhượngKình, giữa âmdương.
     Như bước vào cõi nguyên khai, như đi thẳng từ truyền thuyết, Phượng Hoàng được Kình Ngư đẩy vào "cuộc hành trình đi tìm cửa nguồn khởi từ đêm ấy".
     Cuộc chạy tìm này cũng là cuộc đuổi bắt giữa con người và định mệnh. Ngư, kình cá chạy trốn định mệnh của mình. Ðịnh mệnh ác nghiệt của một ngày, một giờ, một phút, một giây đã chao đảo cuộc đời Ngư, đã chia rẽ anh em Ngư, đã tuyệt tình Ngư-Phượng. Ngày ấy, hai anh em  Ngư còn trẻ, chạy chơi trên vùng biển núi hoang dại. Thằng em dương nỏ bắn chim, người anh đứng trên đồi chênh vênh ngắm nhìn trời nước và vực thẳm.

     Một con phượng hoàng lướt qua, bay về phía người anh, em giơ nỏ bắn "viên đạn đá nhọn hoắt lao đi. Chỉ một giây thôi, một tiếng kêu thất thanh rớt đi từ trên đồi, rút xuống vực, rồi tắt ngấm. Cùng lúc ấy, con chim may mắn thoát đạn đập cánh hoảng hốt bay vút lên ngọn cây."   (Mưa Ðá Âm Dương, trang 113)
     Người bắn chim là Ngư và con chim là Phượng.
     Sự gặp gỡ xé thân, bất thần và xuất thần dữ dội như mũi tên hòn đạn giữa Phượng và Ngư mở đầu cuộc tình, một tìm kiếm những vết thương, khởi thủy những bí mật của cuộc đời. Sau phút trao thân đớn đau "Phượng xõa tóc, hai cánh tả tơi bay về phía mặt trời lóe sáng." (trang 113) và "Ngư đột ngột bỏ đi, cơ thể cuộn dài như thân cá, duỗi theo dòng nước rút ra biển" (trang 106).
     Mưa Ðá Âm Dương là một thể nghiệm bút pháp rất mới mà nhiều hình thức tư tưởng huyền thoại triết lý Ðông Tây gặp gỡ trong một bài thơ hội họa dài: Hai nhân vật chính, Phượng và Ngư là những ảo vật, luôn luôn biến dạng, thoát thân, từ hình này sang hình khác, từ thân này sang thân khác, lúc họ là chim, là cá, lúc họ là đá, là sóng, lúc họ là cát, là biển, lúc họ là đêm, là ngày, là núi cao, là vực thẳm.
     Bản tình ca tha thiết của nhục thể, quằn quại, chênh vênh quyến rũ mê hoặc đưa nhau vào cõi chết. Họ gặp nhau trong hành động hủy diệt đầu tiên: Ngư cầm súng bắn Phượng và hai kẻ cô đơn, thương nặng ấy tìm nhau trong hủy diệt cuối cùng: sự nhập hồn giữa tình yêu và cái chết.

Paris tháng 3/2001

Chú thích:
(1) in trên Hợp Lưu số 36, tháng 8 và 9 năm 1997
(2) trong tuyển tập Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất, Thời Mới, Toronto, Canada 2000.
(3) tôi là Vân
(4) trích và dịch L'eau et les rêves, Bachelard, Biblio Essais - Poche 1998, trang 90
 
 

© 1995-2001 Thụy Khuê