Thụy Khuê

Sóng từ trường II

Sử thạch Nguyễn Huy Thiệp










     Trong những hình thái văn học nghệ thuật mà tôi có dịp gặp gỡ hơn mười năm nay, Nguyễn Huy Thiệp là một sử thạch.
     Bề ngoài có vẻ lạnh và khoảng cách. Nhưng khi đã bắt sóng rồi thì bên trong là cả một nham động chứa đầy phún thạch, chằng chịt những mạch tĩnh của cuộc đời, có khả năng nổ tung nhiều tầng địa đạo lịch sử, phát quang để bắt đầu.
     Tại sao lại bắt đầu? Bởi bắt đầu là nguyên khởi của sáng tạo. Là phát xuất của cuộc đời. Là nguồn cội của lịch sử.
     Kịch Suối Nhỏ Êm Dịu là một hình thức phát quang lịch sử. Phá vỡ những gì cứng rắn nhất -vững như bàn thạch- của một cơ chế lâu đời, đã bén rễ từ gần thế kỷ ở phương Tây, và cũng đã chết ở đầu Tây nhưng chưa chịu hấp hối ở đầu Ðông.
     Êm dịu dẫn tĩnh điện, như dòng suối nhỏ vào các động đá toàn trị Ðông phương. Nước chảy đá mềm. Nhà văn tìm tác dụng về lâu về dài. Chậm và chắc. Chuyển động điện đá sẽ làm lũng đoạn những mạng thạch, có khả năng cách thạch. Với "tính cách mạngỡ nội tại, tĩnh điện có thể làm nổ tung những cơ chế chính trị đã hóa thạch trong lịch sử.
     Ở một vùng Ðông mà mồ ma triết lý Khổng Mạnh giao lưu với cặn bã triết học Mác-xít tạo thành một hệ thống chính triết đá tảng, thì không có cách nào hơn là phải tạo ra một hệ thống cách mạng phản cách mạng giả tưởng qua tư tưởng.
     Suối Nhỏ Êm Dịu chính là món quà giả tưởng đó của tư tưởng, tạm gọi là sử thạch Nguyễn Huy Thiệp.
     Suối Nhỏ Êm Dịu trình bày tính Loạn trong một cơ cấu chính trị được gọi là Ổn, của một quốc gia phương Ðông, trước ngưỡng cửa 2000.
     Kịch bản chia làm ba hồi. Hồi một: Sự khai sáng thể chế sau khi cách mạng thành công. Hồi hai: Sự phát triển của chế độ trên con đường kinh tế thị trường. Và hồi ba là sự kiện toàn xã hội: Mở cửa tiếp nhà báo nước ngoài để trình bầy tính cách ưu việt của chế độ.
 
 

*








     Tác phẩm rọi pin vào những mạch kín và bí nhất của hệ thống ô hợp chính triết kim cổ này. Mỗi nhân vật nói ra những điều thành thật nhất, những điều đê tiện nhất, đạo đức nhất, dối trá nhất của mình, về mình, về bản chất của chế độ, của xã hội, của môi trường sống.
     Kịch trường quần giao xung quanh năm nhân vật chính, được đánh từ số 1 đến số 5. Ông số 1, lãnh tụ, là giáo chủ. Số 2: Thừa tướng. Số 3: Ðại tướng. Số 4: Chủ tịch quốc hội. Số 5: Cảnh sát trưởng.
     Những danh xưng "giáo chủ, thừa tướngỡ lật tẩy tình trạng tạp giao giữa chuyên chính, tôn giáo và phong kiến của nền "dân chủ phương Ðông" này. Theo định nghĩa của ông số 1, thì đó là một cơ chế chính trị tân cổ giao duyên, Ðông-Tây kết hợp. Ở trong "tổ chức", "chỉ có một số người nào đấy là có quyền lực thực sự mà thôi, đấy là tập thể của những ông vua, còn tất cả chỉ là bình phong dân chủ, tức là một thứ bù nhìn."
     Hồi thứ nhất mở ra như một Huis Clos về những chia chác ngôi thứ, tranh chấp nội bộ trong "tập thể những ông vua" của một liên minh bình dân lấy tên là Trung Hậu, sau khi cách mạng thành công.
     Sự xây dựng nhà nước "dân chủ" này, về nguyên tắc thủ đoạn, không có một cấm kỵ gì (có thể dùng một người để nhân danh: Một triệu có mặt), cũng như mọi hình thức khuynh đảo nội bộ đều được nhìn nhận là chân lý (như hạ bệ và thánh hóa lãnh tụ), chính lãnh tụ xác nhận "chân lý chơi xỏ chúng ta ở khắp mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ". Người ta dùng những bí quyết cai trị rất thời thượng: Súng đẻ ra chính trị, tận lực sử dụng bồi bút, mê muội cao độ quần chúng v.v...
     Với giọng hóm hỉnh thường lệ, Nguyễn Huy Thiệp bố cáo: Ðây là truyện hoàn toàn bịa đặt, ở một quốc gia giả định. Phải. Nhưng giả sử kịch được trình diễn ở một nhà hát lớn, hát nhỏ nào đó của cái nước giả định kia -phỏng cũng là chuyện giả tưởng- thì liệu khán giả có ngã ngửa, ngậm cười đến hóa dại chăng? Bởi ma lực của sự giả thật? Bởi ngôn ngỡ và hành động của mỗi nhân vật trên sân khấu chẳng qua chỉ là sự nhập đồng những xác khô, xác ướt, xác sống, xác chết, đã và đang viết nên lịch sử đương đại của cái xứ giả điên, giả ngộ này?
 
 

*








     Nơi đây, các khái niệm triết học và chính trị phối ngẫu, biến thành những khái niệm chập chờn muôn mặt. Ví dụ như "Ðạo", có thể là đạo đức hủ hóa giữa cha và con gái nuôi (ông số 3), hoặc cũng có thể hiểu theo nghĩa nguyên thủy, cao siêu là con đường: "Con đường là sự sống." "Nền chính trị của chúng tôi luôn luôn để mọi người có cái cảm giác đang đi trên đường, đang đi đâu đó. Tất cả đều bụi bặm, vất vưởng, thất tha thất thểu, thỉnh thoảng lại bơ vơ hốt hoảng giữa ngã ba hoặc ngã bẩy con đường."
     Thành phần lãnh đạo là một "tổ chức" có mục đích "tổ chức ra mọi lỗi lầm ở khắp mọi nơi", và tạo ra "một nền chính trị mà không ai hiểu gì cả."
     Tính "đa dạng" cũng triệt để. Ví dụ công cụ bảo vệ nền chính trị này là ngành cảnh sát. Nhiệm vụ của Cảnh sát trưởng (hay bộ trưởng cảnh sát) cũng rất thâm thúy, đa nghĩa: Ðôi khi hắn thuộc phạm trù khủng bố, đôi khi hắn là cớm, lại có chỗ hắn là ma só, nơi khác thấy hắn là phù thủy, có nơi tìm ra bản chất của hắn là mật vụ bẩm sinh... Tóm lại, rất nhiều mặt, rất đa nguyên, rất dân chủ. Mọi nhân vật trên chính trường đều có thể được hóa kiếp để lên ngôi Chúa (tức là tiến tới số không) bất cứ lúc nào, trừ "ngành cảnh sát vẫn mãi mãi còn xanh".
     Lãnh tụ số 1, người khai sinh ra thể chế này là một người sáng suốt, ông biết rõ phận mình "chúng ta chỉ mạo danh Thượng đế cứu thế trong một quãng ngắn lịch sử nào đấy mà thôi. Hãy gắng giấu cái đuôi cầm thú của chúng ta được ít nào hay ít ấy." Ông cũng là người thâm hiểu triết lý Mác-xít: "Ta đã tạo ra hoàn cảnh và sẽ phải chết trong hoàn cảnh đó." Và điều vĩ đại nhất, trong sự nghiệp vĩ đại của ông, là ông đã tìm được chân lý trước khi chết: "Ta sẽ bắt đầu sống từ khi ta chết."
 
 

*







     Hồi hai xẩy ra khoảng 10, 15 năm sau cái chết của lãnh tụ số 1. Ðúng như linh đoán của lãnh tụ, và theo cam quyết của Cảnh sát trưởng "chúng tôi sẽ thần thánh hóa linh hồn của ngài", ông số 1 vẫn là "lãnh tụ vĩ đại""tư tưởng của ông sẽ sống muôn đời". Và cũng theo đúng lời nguyền trăn trối của ông: Những kẻ đến sau chỉ là kẻ số 2. Màn hai mở ra dưới trướng của Thừa tướng. Ðây là thời kỳ thừa tướng.
     Ở thời này, nền chính triết hầu như bất biến, trừ một điểm Thừa tướng nhấn mạnh đến đường lối thực tiễn của Cảnh sát trưởng mà ngài rất đắc ý: "Ta rất thích tay Cảnh sát trưởng vì hắn rất thực tế. Ðối với hắn, con người dứt khoát là súc vật, mãi mãi là súc vật."
     Có thể cho đây là giai đoạn "quá độ" của chủ nghĩa yêu vật. Từ những khái niệm linh tinh, khó hiểu, đại loại như "con người là một con vật có lịch sử" (l'homme est un animal historique) gì gì đấy, Cảnh sát trưởng -thật ra chính hắn mới là người lãnh đạo- đã gạn đục khơi trong, gi" lại cốt lõi của vấn đề và cường điệu lên một chút, thành một khái niệm mới toanh, bình dân hơn và cực kỳ dễ hiểu "con người dứt khoát là súc vật, mãi mãi là súc vật."
     Ở thời kỳ này, các tế bào xã hội hoàn toàn tan rã, gia đình đã cáo chung, không ai còn hiểu gì về khái niệm gia đình (lời Một Triệu Mốt: Gia đình là gì ạ?) và các tế bào xã hội khác đều tê liệt hết cả, không phản ứng gì. Con người mới xuất hiện dưới cái tên mới: Một Triệu Mốt (tên người giúp việc của Thừa tướng), cô Ba vạn chín nghìn thiếu một nghìn (gọi tắt là cô Bốn vạn) làm giám đốc công ty may mặc số 2104. Cô Bốn vạn xuất thân con nhà lành, nguyên thủy là một bác sĩ thú y, chồng là kỹ sư. Cô này, về mặt kinh nghiệm nghề nghiệp, sau khi tiếp xúc với quá nhiều chó, về mặt cộng đồng, hướng tiến của xã hội đã thay đổi, vận mệnh con người đã đổi thay, cô trở thành "con vật" của kinh tế thị trường. Cô đã được "lột xác".
     Sự kết hợp giữa kinh tế (Bốn vạn) và chính trị (Thừa tướng) đã đưa đến những thành tựu không ngờ. Ví dụ, Thừa tướng ký com-măng với công ty may mặc 2104 để sản xuất một mốt mới: "Các bộ đồng phục xích chó" có hiệu lực "xóa cá nhân". "Ai mặc vào thì không cựa quậy được, không cử động được", "tất cả đều là một khối". Công cuộc xích hóa hầu như đạt thành tích trăm phần trăm.
     Sự kết hợp giữa "chính trị" và "kinh tế" lóe ra ánh sáng mới: Bọn nông dân (80% dân chúng) -theo Bốn vạn- đều là bọn "giảo quyệt", nếu không muốn nói là phản động vì chúng chỉ biết "mặc quần đùi", không thể nói chuyện khai hóa, bán chác, mở rộng kinh tế thị trường với bọn chúng được.
 
 

*







     Hồi thứ ba, 10, 15 năm sau, mở cửa vào xã hội kiện toàn. Ðất nước thanh bình. Mọi người được yên ngủ. Không còn địch, người ta đành phải tìm địch. Mọi người chời đợi một tay bí mật có tên 2000, và đang cố tìm hiểu xem nó là "ta" hay là "địch". Ở hồi ba, Ðại tướng (ông số 3) dày công đại thắng chiến dịch, bị về vườn, các gái nuôi của ông bị bức bách. Ông số 4 lên thay.
     Ở thời kỳ thanh bình và mở cửa này, người ta tiếp nhà báo phương Tây và mọi bí quyết thành công được tuyên bố công khai trên dư luận quốc tế. Thứ nhất về sự trồng người: Ngành giáo dục tiến hành việc xóa bỏ con người từ thuở còn thơ và đến bậc đại học thì "những ảo tưởng và nhầm lẫn sẽ tích tụ lại."  Thứ hai, người dân giữ được "bản sắc dân tộc" theo đúng nghĩa sâu xa, truyền thống bởi những thứ ngoại lai du nhập vào từ xưa như "đạo Phật, đạo Nho, đạo Ki-Tô" v.v... đều bị người ta "chọc ghẹo và bôi bẩn", chúng phải có bản lãnh vỡng lắm mới thoi thóp đến ngày nay.  Còn các lý thuyết tư tưởng hiện đại đều được "giải thích nhăng nhít" một cách trịnh trọng và chúng đã được cải hóa biến đổi rất đầu Ngô mình Sở; tóm lại chúng đã lột xác hoàn toàn.
     Ở đỉnh cao này, con người đã biến thành chuột, nhất là bọn nhà văn. Trong một chừng mức nào đó, Cảnh sát trưởng đã đạt được mục đích triết học cao nhất của mình: Xích hóa và súc vật hóa con người.
     Qua ba thế hệ lấy nhầm lẫn làm phương châm chỉ đạo, nhà nước đã hoàn thành mục đích tối thượng: Xóa bỏ con người. Tạo ra những "con người rỗng", "hoàn toàn tê liệt tất cả", "không có phản ứng gì".
     Màn vĩ thanh cho thấy đất nước thanh bình. Hết loạn. Mọi người mở cửa ca hát. Tất cả đều trở thành những con số, đều nói chung một chữ, một câu, đều hát một giọng. Riêng ngành cảnh sát vẫn "mãi mãi còn xanh".
 
 

*






     Nguyễn Huy Thiệp vừa tổng hợp, vừa cắt đứt những mâu thuẫn trong bản chất con người và môi trường sản sinh để tạo ra một loạn hợp toàn thể: Loạn hợp những yếu tố chính trị và triết lý kim cổ, con người vừa là kết quả, vừa là tác giả của sự loạn hợp ấy. Ông số 1: Thủ lãnh khai phá. Ông là một thứ "chúa" dẫn đường, và chính ông là người đầu tiên tiếp nhận kết quả sản phẩm do mình sáng tạo. Cảnh sát trưởng "sản phẩm thượng tầng" hay "sản phẩm ưu việt", một bộ óc vi tính điều hợp mạng lưới cảnh sát, tinh vi như mạng lưới điện tử, bất tử, vượt khỏi tầm kiểm soát của những kẻ chế tạo ra nó.
     Kịch bản Suối Nhỏ Êm Dịu nói lên sự tuyệt vọng của con người đứng trước nguy cơ tận thế, bắt đầu từ nguy cơ toàn trị của những thể chế độc tài tả, h"u ô hợp, cấu biến với môi trường kinh tế, liên mạng kim tiền, phi đạo đức, dẫn đến sự tha hóa, tiêu hủy con người tự bản thân. Có thể đây là tác phẩm bi quan nhất của Nguyễn Huy Thiệp từ trước đến giờ. Mỗi khán giả, sau này, nếu tác phẩm được trình diễn trên sân khấu ở bất cứ nơi nào trên trái đất, đều có thể nhận diện được những khuôn mặt chính trị, xã hội, văn hóa... đã sống bên cạnh mình và nhận diện được chính mình... trên con đường dẫn đến ma lộ: Con người rỗng, cái cười rỗng, cái khóc rỗng. Và đó là nền thanh bình của những con số.

Paris, ngày 30/4/2000
Lời giới thiệu kịch bản Suối Nhỏ Êm Dịu
Thụy Khuê

© 1995-2001 Thụy Khuê