Thụy Khuê

Sóng từ trường II
 

Tính văn chương trong tác phẩm văn học







     Một câu hỏi mà người đọc thường hay đặt ra cho người phê bình: Viết phê bình như thế nào? Theo quan niệm nào? Trường phái nào? Phê bình cũ hay phê bình mới? Chủ nghĩa nào? Trào lưu nào? Trước hiện đại, hiện đại hay sau hiện đại? Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề như thế. Tại sao? Bởi vì mọi quan niệm, mọi trường phái, ... đều có cái hay cái dở của nó. Ðều có những điểm dùng được và những chỗ không thể nhắm mắt theo liều. Ví dụ quan niệm độc tôn văn bản của phê bình mới: Chỉ dựa trên văn bản mà không cần biết đến tác giả, coi như tác giả "đã chết", một thời được tôn sùng nay cũng đã "lỗi thời". Với những tác gia như Kafka, như Proust hoặc những nhà văn trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Ðạt, Ðặng Ðình Hưng... hoặc trong nhóm "Xét lại chống đảng" như Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên... người phê bình không thể "lờ đi" hoặc không biết gì đến cuộc đời tác giả khi nhận định tác phẩm của họ. Bởi bệnh tật hoặc bi kịch cuộc đời họ gắn liền với tác phẩm. Sự độc nhất hóa một quan niệm phê bình, dù cũ, dù mới, đều đưa đến những kết quả cực đoan, một chiều, đôi khi tai hại. Nếu tất cả mọi nguồn thông tin đều tốt cho con người, thì tất cả mọi trường phái, khuynh hướng đều có chỗ đứng trong lòng một tác phẩm phê bình. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác.
     Ðối với tôi, phê bình là một sản phẩm cá nhân phi trường phái. Như những sản phẩm cá nhân khác, nó có thể chịu ảnh hưởng của môi trường, của thời đại, của các trường phái này hay trường phái khác... nhưng sự lệ thuộc đó dứt khoát không thể là chủ yếu mà chủ yếu là người phê bình -cũng như người sáng tác- phải vượt trên, vượt qua mức chủ quan của thời đại, của trường phái, chủ nghĩa để tìm đến một cái gì vững bền hơn có thể trụ lại khi mọi thời đại, mọi trường phái đã qua đi. Sự vững bền đó nằm ở sức cảm thông và mức thẩm thấu giữa tác phẩm văn học và người đọc. Ðó là ma lực của mỗi chữ, mỗi ý, mỗi âm trong tác phẩm, đó là tính văn chương, tính văn chương của một tác phẩm văn học nói riêng và tính nghệ thuật của một tác phẩm nghệ thuật nói chung.
 

     Như con người, văn chương có hai diện mạo: thể xác và tinh thần.
     Thể xác văn bản là bộ mặt "nhìn thấy" của chữ nghĩa. Ðể giải thích bộ mặt này, người phê bình có thể dùng đến những luận thuyết, thuộc địa hạt lý trí như hình thức luận, cấu trúc luận, phá cấu trúc, ký hiệu học, ngôn ngỡ học v.v... đó là những kiến thức "kỹ thuật" của một thời, của nhiều thời.
     Còn về bộ mặt tinh thần của văn bản, của tác phẩm nghệ thuật, thì khó có thể dùng "kỹ thuật" để giải thích. Nó như trái tim con người, là phần tình cảm và lương tri của tác phẩm, thoát thai từ "thể xác chữ nghĩa", có khả năng giao thoa với người đọc, người thưởng lãm; chính nó là cái "hay", cái "cảm", cái "xúc" mà người đọc nhận được nhưng đôi khi không biết tại sao. Ðể viết về một địa hạt tâm huyết tâm linh như thế, người phê bình cũng phải vận dụng tâm huyết tâm linh của mình, phần riêng tư nhất, phần cốt yếu nhất, lòng dạ nhất. Ðó là sự gặp gỡ giữa hai trái tim: trái tim tác phẩm và trái tim người phê bình. Từ sự gặp gỡ này thụ thai một tác phẩm mới: Văn bản phê bình.
     Như tất cả các văn bản khác, văn bản phê bình có thể què quặt, đui mù, mà cũng có thể toàn bích; nó có thể khô khan, thuần lý trí, như các luận thuyết, lập thuyết, cũng có thể sướt mướt hoặc cằn cỗi như các trào lưu đã sống dậy chết đi của một thời...
     Nhưng giá trị đích thực -nếu có- của văn bản phê bình nằm trong tư cách cá nhân, ở cái bản lai -dị biệt- của nó đối với những tác phẩm khác. Ở điểm này, phê bình hoàn toàn giống một tác phẩm văn chương: giá trị văn bản cũng nằm trong tính văn chương với hai yếu tố cảm thông  và thẩm thấu người đọc.
 
 

*





     Người phê bình có nhiệm vụ kép: Tìm hiểu và trình bày tính cảm thông và thẩm thấu của một tác phẩm bằng một văn bản có tính văn chương.
     Vậy tính văn chương hay sức cảm thông và thẩm thấu của một tác phẩm văn học là gì? Chắc chắn không phải là bình dân hay bán chạy (best seller). Một kiệt tác có thể bình dân như Truyện Kiều. Nhưng không phải cuốn sách bình dân nào cũng là kiệt tác. Một cuốn tiểu thuyết có thể rất bình dân (được nhiều người ưa thích) nhưng không có chất cảm thông và thẩm thấu. Ví dụ tiểu thuyết trinh thám. Ở loại truyện này, người đọc không tìm thấy "người" mà chỉ tìm thấy những sản phẩm "trên người" (siêu nhân như OSS117) hoặc những sản phẩm "dưới người" (trộm cướp, côn đồ dã man, tàn ác). Ở một chừng mức khác tiểu thuyết tuyên truyền cho một chủ nghĩa hay chính nghĩa, người đọc cũng chỉ gặp hai loại: ta (cao cả, phụng sự tổ quốc,...) và địch (phản động, dã man, bán nước...) vẫn là những cực ngoại khổ, trên người hoặc dưới người, không phải người. Loại thứ nhì còn kém loại thứ nhất vì quần chúng không tìm đọc, mà họ phải đọc, bị đọc. Cả hai loại trên dù bình dân hay không, dù sống nhất thời hay dai dẳng, nhưng vì không nói đến nhân sinh nên chúng chỉ ở địa vị giải trí hoặc làm gương, không có khả năng trụ trong trái tim người nên chúng không thể "vượt thời gian".
     Ngược lại, có những tác phẩm hay tác giả rất ít người đọc nhưng vẫn có tính chất cảm thông và thẩm thấu. Ví dụ trường hợp Thanh Tâm Tuyền. Khi thơ ông ra đời những năm 54-60, người ta đã nhạo báng, phủ nhận. Mặc dù vậy ảnh hưởng thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền vẫn lan rộng trong thơ văn miền Nam và kéo dài đến ngày nay. Những người viết trẻ như Nguyễn Quốc Chánh, Vi Thùy Linh..., thế hệ lớn lên trong xã hội chủ nghĩa, có thể chưa từng đọc Thanh Tâm Tuyền, nhưng họ đang thử làm thơ "kiểu" Thanh Tâm Tuyền. Như vậy nghĩa là gì? Nghĩa là thơ Thanh Tâm Tuyền, với lối xé rào hình thức và lối khai phá nội tâm đưa ra cái đau nội tại của hiện sinh con người, đã có sức thẩm thấu xuyên thời đại để "sống" với người, người hôm qua và người hôm nay. Tất nhiên Thanh Tâm Tuyền cũng đã chịu ảnh hưởng những người đi trước, nhưng điểm quan trọng là ông đã làm được một cá tính thơ. Thơ Thanh Tâm Tuyền.
     Do đó đối với một người viết phê bình, tính chất cảm thông và thẩm thấu của một tác phẩm văn học là điều quan trọng, là điểm khởi đi và cũng là điểm tìm đến.
 

     Trong tập tiểu luận này, tôi muốn khởi đi và tìm đến một số tác phẩm văn thơ của nhiều thế hệ và đất sống khác nhau, muốn giới thiệu với độc giả những chân trời văn chương và con người hoàn toàn khác. Từ những Nguyên Sa, Tô Thùy Yên Sài Gòn, Phạm Thị Hoài Hà Nội Berlin, đến Cao Hành Kiện Hoa Trung, từ Albert Camus Algérie Pháp đến Kinh Bắc Hoàng Cầm, Hải Phòng Bùi Ngọc Tấn... Mỗi tác giả mọc lên từ một mảnh đất văn hóa khác, phương trời khác, nhưng cùng đồng quy ở một điểm: Viết về con người và viết cho con người.

Paris ngày 1/7/2001
Thụy Khuê

© 1995-1-2001 Thụy Khuê