Nguyễn Tiến Lãng

trên những nẻo đường nổi dậy

 

 

Tiểu sử

 Nguyễn Tiến Lãng sinh ngày 9/9/1909 tại huyện Văn Lãng, tỉnh Thái Nguyên (nguyên quán làng Hội Xá, phủ Mỹ Ðức, tỉnh Hà Ðông) trong một gia đình có truyền thống nho học. Cha làm tri huyện. Anh cả là Nguyễn Mạnh Bổng (bút hiệu Mân Châu). Anh rể là thi sĩ Tản Ðà. Các bút hiệu khác: Hán Thu, Thượng Uyển. Học trường Bưởi, lycée Albert Sarraut rồi đại học Luật khoa Hà Nội. Ngay khi còn ở trường Bưởi, Nguyễn Tiến Lãng đã nổi tiếng xuất sắc về văn chương, những bài luận văn của ông được thày trao cho toàn quyền Robin đọc. Robin cảm mến tài nghệ người học trò nghèo nên cố gắng giúp đỡ cấp học bổng vào lycée Albert Sarraut.

1930, Nguyễn Tiến Lãng làm tùy viên báo chí tại tòa Khâm sứ Bắc kỳ, rồi phủ toàn quyền Ðông Dương, đồng thời dạy văn chương ở Hà Nội và viết báo trong Nam, ngoài Bắc và Paris. 1934, làm bí thư cho toàn quyền Robin. Từ 1936, được Bảo Ðại bổ nhiệm chức Giám đốc Kho Lưu Trữ, Nghiên Cứu, Dịch Thuật và Báo Chí tại hoàng cung, kiêm bí thư của Nam Phương hoàng hậu. Năm 1939, ông tháp tùng vua và hoàng hậu công du nước Pháp, nhân dịp này ghi tên học Ðại học Văn khoa và trường Cao đẳng Thực hành (Ecole Pratique des Hautes Etudes) tại Paris. 1940, kết hôn với cô Phạm Thị Ngoạn, con gái Phạm Quỳnh (bà Phạm Thị Ngoạn sau này cũng là một nhà nghiên cứu, có những công trình nghiêm túc viết bằng tiếng Pháp về Kiều, về Phạm Quỳnh và Tạp chí Nam Phong). Nguyễn Tiến Lãng tiếp tục ngành quan lộ, làm Phủ thừa ở Nha Trang, Huế và Hội An. 1945 được thăng Phủ Doãn Ðà Lạt. Tháng 8 năm 1945, ông về Huế nghỉ hè và thăm gia đình vợ, cùng lúc Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ. Ngày 23 tháng 8 năm 1945 ông bị Việt Minh bắt cùng với Phạm Quỳnh tại biệt thự Hoa Ðường ở Huế. 1951 được trả tự do, về Hà Nội và đầu năm 1952 cùng gia đình sang Pháp sinh sống; trở lại làm bí thư cho Hoàng hậu Nam Phương ở Cannes từ 1952 đến 1956. Sau đó dạy học, rồi làm công chức tại Bộ Quốc gia Giáo dục Pháp. Nguyễn Tiến Lãng chuyên về bác ngữ học (philologie) Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ông mất tại Antony, ngoại ô Paris, năm 1976.

Tác phẩm:

- Pages françaises (Những đoản văn tiếng Pháp), nxb. Tân Dân thư quán, Hà Nội, 1929.

- Indochine la douce (Ðông dương êm dịu), bút ký, nxb. Nam Ký, Hà Nội, 1936.

- Mariage de la plume et du pinceau (Kết hợp bút văn và bút vẽ), tham luận văn học, nxb. Nha Học Chánh Ðông Pháp, Direction de l' instruction publique, Hà Nội, 1936.

- Les chansons annamites (Ca dao An Nam), nxb. Asie Nouvelles Illustrées, Hà Nội, 1937.

- Pétrus Trương Vĩnh Ký, lettré et apôtre franco-annamite (Trương Vĩnh Ký, học giả và sứ đồ Pháp Việt), nxb. Bùi Huy Tín, Huế, 1937.

- Dans les forêts et dans les rizières (Trong rừng ngoài ruộng), tập truyện ngắn, nxb. Hương Sơn, Hà Nội, 1939.

- Tiếng ngày xanh, tập truyện ngắn, nxb. Hương Sơn, Hà Nội, 1939, nxb. Rừng Trúc in lại có sửa chữa, Paris, 1979.

- La France que j'ai vue (Nước Pháp dưới mắt tôi), nxb. Ðắc Lập, Huế, 1940.

- Les chemins de la révolte (Những nẻo dường nổi dậy), tiểu thuyết tự truyện, nxb. Amiot Dumont, Paris, 1953, Ý Việt, Paris, 1989.

- La colline des abricotiers (Mai Lĩnh), truyện ngắn và cổ tích, nxb Rừng Trúc - Présence d'Asie, Paris, 1979...

Sách dịch:

- Tình xưa, tác giả tự dịch truyện ngắn Eurydice của mình, nxb. Ðông Tây - Dương Tự Quán, Hà nội, 1932.

- Tây phương tình sử, dịch Les lais de Marie de France, Hà Nội, 1934.

- Amour d' Annam, dịch thơ Hoa tiên sang tiếng Pháp, nxb. Ðắc Lập, Huế, 1939...

 

 

 

 

Trong lớp thanh niên Tây học đầu thế kỷ XX, Nguyễn Tiến Lãng nổi tiếng trẻ tuổi tài cao. Ở tuổi 13 (1922), đã cộng tác với tạp chí Hữu Thanh của Ngô Ðức Kế, phụ trách phiên dịch các bản văn Pháp ra tiếng Việt và viết những bài khảo cứu dựa theo tài liệu tiếng Pháp, dưới bút hiệu Nguyễn Ðảo Sinh. 17 tuổi viết cho An Nam Tạp Chí của Tản Ðà rồi Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh... 21 tuổi đã làm cho Phan Khôi "ngự sử văn đàn" nổi giận (trong An Nam Tạp Chí, số 39, phát hành ngày 30/4/1932, Vân Bằng có viết bài nhan đề Tôi thất vọng vì Phan Khôi, có ý chỉ trích Phan Khôi đã "thất lễ" với Nguyễn Tiến Lãng).

Nhiều người cho rằng vì Nguyễn Tiến Lãng là con rể, cho nên Phạm Quỳnh đã trao cho ông tờ Nam Phong khi vào Huế nhận chức thượng thư. Sự thực không phải như vậy, năm 1940 Nguyễn Tiến Lãng mới lập gia đình (tức là 6 năm sau khi làm tờ Nam Phong); và năm 1934, khi trao Nam Phong cho Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Quỳnh đã không "sốt sắng" lắm, Nguyễn Tiến Lãng ghi lại sự việc này trong hồi ký như sau:

"Năm 1934, tôi có vào làm Nam Phong cũng là sự thường, không lạ.

Tôi liền đi Huế gặp Phạm Quỳnh và được cụ chấp nhận tôi. Mãi sau tôi mới hay là cụ có chấp nhận nhưng không sốt sắng: Trong bức thư cụ viết, đề ngày 20/6/1934 mà tôi chỉ được biết vào năm 1958, có những dòng sau đây về vấn đề này:

"Nguyễn Tiến Lãng có mặt ở đây, có thảo luận với tôi về những dự định liên quan đến Nam Phong.

Không ai phủ nhận đây là một thanh niên thông minh có thực tài về văn chương [...] Tôi không thấy gì trở ngại nếu tạp chí được trao cho đương sự điều khiển. May ra Nguyễn Tiến Lãng có thể khiến tạp chí thêm hấp dẫn và khỏi sút kém. [...] Tôi rất đau lòng nếu Nam Phong mà tôi trìu mến bị sút kém đi. [...] Thôi thì cứ thử với Lãng xem sao, rồi sau này ta sẽ liệu. Tôi đã ủy toàn quyền cho ông Lê Văn Phúc; hai người sẽ cùng nhau thỏa thuận để tổ chức ban biên tập mới cho thích đáng."

Những chữ trong thư thật đã minh bạch. Tôi nhận lãnh Nam Phong, điều khiển tạp chí với sự giúp đỡ của ông Lê Văn Phúc. Ðáng lý ra, tôi phải thực hiện một sự hòa hợp mật thiết hơn giữa các nhà bỉnh bút cựu học trong ban biên tập cũ và tôi cùng các văn hữu của tôi. Lầm lỗi của tôi là chờ thời, dành cho ông Lê Văn Phúc nhiệm vụ liên lạc với nhóm người cũ. [...] Ðến bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi còn ân hận đã bỏ lỡ những cơ hội có thể học hỏi bổ ích biết bao nhiêu, nếu tôi trực tiếp liên lạc với những văn tài lỗi lạc như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Ðôn Phục. Thực ra, trước các vị đó quá nhiều uy tín, tôi luôn luôn đầy mặc cảm, vì luôn luôn liên tưởng đến cha tôi..." (trích Tìm hiểu tạp chí Nam Phong của Phạm Thị Ngoạn, bản dịch của Phạm Trọng Nhân, nxb Ý Việt, Paris, 1993, trang 99-100)

Những dòng ký ức trên đây của Nguyễn Tiến Lãng chứng minh trong hoàn cảnh nào Phạm Quỳnh đã để ông điều hành tờ Nam Phong với Lê Văn Phúc, đồng thời Nguyễn cũng thừa nhận trách nhiệm sự thất bại của mình: chủ bút cuối cùng, trong vòng mấy tháng đã đưa Nam Phong đến chỗ phải đình bản cuối năm 1934.

Nguyễn Tiến Lãng viết nhiều thể loại: dịch thuật, truyện ngắn, cổ tích, phê bình, biên khảo... nhưng chính ông cũng nhận thấy rằng "những sáng tác bằng Pháp văn của tôi đã làm lu mờ các sáng tác bằng Việt văn". Thật vậy, phần Việt văn đăng trên các báo những năm 30-40 ít được in thành sách, trừ tập truyện ngắn Tiếng ngày xanh do nhà xuất bản Hương Sơn, Hà Nội, in năm 1939 (Rừng Trúc tái bản ở Paris, 1979). Tiếng ngày xanh, ngày nay xem lại văn phong đã có những nét lỗi thời, trong khi những sáng tác tiếng Pháp vẫn giữ nguyên chất thơ trong sáng, tính hiện đại và thành thực.

Tìm đọc những tác phẩm của Nguyễn Tiến Lãng không dễ dàng, phần lớn đều đã tuyệt bản, để giúp độc giả có một cái nhìn chung về phong cách văn chương Nguyễn Tiến Lãng, chúng tôi xin ghi lại một vài nhận định từ phía những người đã đọc văn ông hoặc nghe tham luận của ông: Cuốn Amour d'Annam (Hoa Tiên) dịch truyện thơ Hoa Tiên sang tiếng Pháp do nhà xuất bản Ðắc Lập, Huế, in năm 1939, là một tác phẩm giá trị, Lucien Thiollier trong lời phi lộ cuốn La colline des Abricotiers - Mai Lĩnh cho rằng: dịch giả đã hội tụ được cả âm điệu lẫn hình ảnh trong thơ Hoa Tiên, chuyên chở những tình cảm cao thượng lẫn tiết tháo của tâm hồn Việt trong bản dịch tiếng Pháp và làm nổi bật thi tài Nguyễn Tiến Lãng. Trong bài tham luận Mariage de la plume et du pinceau - Kết hợp bút văn và bút vẽ đọc tại Ðại học Ðông Dương Hà Nội năm 1936 (được cử tọa Pháp thời ấy coi như một áng văn trác tuyệt), Nguyễn Tiến Lãng đã nói lên quan điểm văn học và tư tưởng của mình. Dùng nghệ thuật thi ca của một nhà thơ phương Tây giao hòa với nghệ thuật hội hoạ của một hiền triết phương Ðông để họa nên những bức tranh tư tưởng mà Ðông Tây hòa hợp, An Nam mở ngỏ trái tim mình, chờ đón những nhịp đập đồng điệu từ những chân trời khác...

 

 

 

Eurydice hay Dậy mà đi!

Truyện ngắn đầu tiên làm nổi danh Nguyễn Tiến Lãng trên văn đàn là Eurydice, viết tại Yên Báy tháng 12 năm 1931. Eurydice đoạt giải nhất kỳ thi truyện (concours de contes) của báo Indochine năm 1932, (ông Pujarniscle giáo sư Pháp văn của Nguyễn Tiến Lãng tại trường Bưởi đoạt giải nhì). Thời ấy danh từ truyện ngắn (nouvelle) hình như chưa mấy thông dụng, người ta thường dùng chữ truyện (conte) để chỉ những đoản văn mà sau này chúng ta gọi là truyện ngắn. Eurydice được cả Ðông Hồ lẫn Nguyễn Tiến Lãng dịch ra tiếng Việt dưới tên Tình xưa. Eurydice viết về Lê Tâm, một người thư ký sở Dây Thép tỉnh nhỏ ở mạn ngược. Ngày ngày phải đóng dấu những con tem mang hình ảnh các vùng đất lạ, từ bốn phương gửi về, lòng anh dấy lên khát vọng thầm kín viễn du, nguyện ước có từ thời trẻ. Lê Tâm cưới vợ sớm để chiều lòng cha mẹ mong có cháu đích tôn, người vợ anh không yêu do cha mẹ chọn với một đám cưới linh đình mà Lê Tâm vẫn còn đang kéo cầy trả nợ. Mẹ anh đã khóc khi anh phải đổi lên mạn ngược; bà càng đau khổ hơn khi đứa cháu đầu lòng là gái. Dốc lòng hiếu thảo nhưng Lê Tâm không làm ai toại nguyện, anh chỉ biết thở dài: "Ðạo hiếu chỉ là cái bả, khi hai chế độ xung đột nhau với những bất đồng triệt để như thế." Hai năm sống ở vùng đèo heo gió hút đã làm cho Lê Tâm già trước tuổi; bên cạnh người vợ sốt rét ngã nước, bụng chửa đứa con thứ nhì, anh mất hết nghị lực của chàng trai đầy khát vọng thuở trước. Bỗng một hôm, trong những lá thư đang đóng dấu, có một phong bì giấy trắng ngà sang trọng, Lê Tâm nhận ra nét chữ mềm mại của "người xưa", cả một dĩ vãng thơ mộng trở về cùng với tuổi "thanh xuân" đầy ý chí, ước hẹn lên đường. Lê Tâm tự hỏi: "Tại sao chàng có thể chấp nhận cuộc sống bưng bít và nghẹt thở này?" Phải: "Ðứng dậy! Dậy mà đi! Ði... trước tiên đập vỡ cái an nhàn lừa dối, đã trói chàng trong muôn vàn ràng buộc vô vị, giam giữ chàng trong vòng nô lệ." Mắt Lê Tâm sáng lên hy vọng, trong khoảnh khắc, bao nhiêu ước mộng tự do, khát vọng giang hồ dồn dập trở về. Nhưng khi Lê Tâm lật mặt sau phong bì, vẫn tuồng chữ ấy, nhưng người gửi là một người đàn ông, có địa chỉ rõ ràng. Một người khác! Không phải "nàng". Mắt anh mờ đi. Quá khứ không gửi thông điệp cho anh. Quá khứ đã chết!

Lê Tâm mang ảo ảnh Orphée trong truyện thần kỳ Hy Lạp: Orphée có ngón đàn tuyệt diệu Bá Nha khi chàng gẩy lên ác thú cũng ngẩn ngơ quên thú tính. Tương truyền Orphée sáng tạo ra lục huyền cầm rồi được thần Appolon tặng cây đàn thất huyền, chàng thêm hai dây thành cửu huyền, đạt con số chín nàng thơ. Orphée là biểu tượng giao hòa thi ca và âm nhạc. Orphée yêu Eurydice. Ngày cưới, Eurydice bị một con rắn cắn chết. Orphée thương nhớ, tìm xuống tuyền đài, với tiếng đàn mê hoặc của mình, chàng vượt mọi cửa ải và được Diêm vương cho phép vợ chồng đoàn tụ về trần nhưng với một lời nguyền: Orphée không được quay lại nhìn vợ trước khi ra khỏi âm cung. Mặc dù đã hứa, Orphée vẫn không cưỡng lại được lòng mình, chàng "ngoảnh mặt lại" tức thì hình hài Eurydice tan thành mây khói.

Hành động "ngoảnh mặt lại" của Orphée trở thành biểu tượng huyền bí của nghệ thuật mà mỗi nghệ sĩ biểu đạt một cách khác nhau. Với Nguyễn Tiến Lãng, Lê Tâm đã sống lại ảo ảnh Orphée, tưởng tìm lại người yêu xưa trong nét chữ thân quen, tìm lại những đam mê "tang bồng" thời trẻ. Sự "lật phong bì" là xạ ảnh của "Orphée ngoảnh lại": tất cả ảo tưởng thoắt tan thành mây khói. Người yêu cũ không gửi thư cho Lê Tâm. Mộng giang hồ biến mất chỉ còn đọng lại những đắng cay của cuộc đời nhọc nhằn vô vị.

Nhưng Eurydice dường như còn mang một ý nghĩa thầm kín khác, trực chỉ xã hội Việt Nam đương thời dưới hai ách nô lệ: kiếp bị trị thực dân và kiếp nô lệ hủ tục đã đập tan bao nhiêu giấc mộng tang bồng. Eurydice nói lên tâm sự thầm kín của tác giả: dường như suốt đời Nguyễn Tiến Lãng đã cố gắng "Ðứng dậy! Dậy mà đi!", tìm cách gỡ bỏ tất cả những sợi dây trói mình trong muôn vàn ràng buộc với những bất công, phi lý của định mệnh, nhưng luôn luôn thất bại.

 

 

 

Bản sắc dân tộc trong Mai Lĩnh - La colline des abricotiers

La colline des abricotiers hay Mai Lĩnh là tập di cảo do bà Nguyễn Tiến Lãng (Phạm Thị Ngoạn) in năm 1979 tại Paris, ba năm sau khi nhà văn qua đời. La colline des abricotiers - Mai Lĩnh tập hợp những truyện ngắn đã in trong cuốn Dans les forêts et dans les rizières (Trong rừng, ngoài ruộng) xuất bản lần đầu tại Hà Nội năm 1939, tác giả sửa chữa lại và thêm vào một số truyện viết trước khi mất. Trong lời tựa, Nguyễn Tiến Lãng gọi chung là Conte - Truyện, những đoản thiên gói trọn nguyện ước ra đi, niềm xót thương dân tộc, tiếc nuối những truyền thống cũ nay đã mai một, những nét đẹp xưa không tìm lại được. Tác giả hướng ngòi bút về những cuộc sống gầy gò; những sợ hãi lo âu, mê tín cùng những niềm tin, hạnh phúc của những người dân quê lam lũ, những tâm hồn mộc mạc luôn hướng về cõi âm, về những người đã khuất.

 Ngọn đồi Mai Lĩnh đã nhiều lần "mục kích" những khát khao, suy tưởng, ngậm ngùi... của tác giả cho nên ông chọn tên đồi để đặt cho quyển sách chở những chuyến đi vào huyền thoại của mình, đến với những Tú Uyên-Giáng Kiều, Từ Thức-Giáng Hương, hay thiếu phụ Nam Xương; hoặc từ huyền thoại trở ra thực tế như sự tích cây nêu, truyện ông Ba Mươi, truyện Eurydice v.v...

"Mai Lĩnh, đồi mơ, nằm giữa giải Oan Tuyền và cửa trời Vân Song trong vùng Hương Tích, gần nơi tôi chào đời. Mai Lĩnh! Ta lấy tên mi đặt cho tập văn viết thủa thiếu thời. Ðồi ơi! Mi có biết khi mới rời ghế nhà trường, tâm hồn ta chỉ tha thiết một giục giã lên đường, một khát vọng tìm những chân trời khác, một tình yêu những bến bờ xa lạ.

Rồi ta đã đi khắp đất nước để tái tạo hồn Việt trong ta. Trên hành trình tư tưởng và con tim này, lối đi huyền thoại và đường mòn cổ tích đã dẫn ta về làng, dẫn đến những người thân đã khuất, dẫn đến ngọn đồi Mai Lĩnh mà ngày trước năm nào ta cũng dạo chơi.

Ta ngắt bên đường những đóa cổ tích xưa, những kinh nghiệm sống, hay những mẩu truyện tưởng tượng. Có những truyện viết đã ba mươi năm, hay sớm hơn nữa. Thời đó, ta thường nói với các bạn: "Hạnh phúc thay cho kẻ nào trong chúng ta viết được tác phẩm sâu lắng chạm đến hồn người, khiến khi gấp sách lại, người đọc ngoại quốc sẽ còn như vẳng nghe tiếng thầm bên tai: "An Nam đã mở lòng đón bạn, vậy bạn hãy dang tay chào đón nước Nam này!" (Trích dịch bài tựa cuốn Mai Lĩnh)

Ðúng như lời tựa thiết tha trên đây, tập truyện là cuộc hành hương tinh thần trở về cố quốc. Trong tập sách nhỏ này, người đọc có thể bắt gặp những sắc thái khác nhau của trái tim dân tộc. Những người sống xa quê rất lâu như Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Trọng Hiệp... lại là những người tìm cách bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong chiều sâu xa nhất. Ðọc tác phẩm của họ, độc giả dù ngoại quốc hay người Việt, sẽ thấy chính xác đâu là bản sắc của người Việt, đặc biệt khi lật từng trang Mai Lĩnh. Trong truyện Jadis - Ngày xưa, Nguyễn Tiến Lãng viết về một người học trò nghèo vì mải mơ mộng đã mang tội thất lễ, không nghiêng mình khi kiệu tiểu thư con quan Tổng đốc đi qua. Nhưng câu chuyện cổ tích chỉ là cái cớ để nhà văn vẽ lại cuộc sống, tô đậm những sinh hoạt của người dân quê, với bút pháp rất Tây phương hòa những nét thủy mạc Ðông phương, tạo nên một bối cảnh sinh hoạt cực kỳ nên thơ và đầy nhạc tính khiến việc chuyển ngữ không dễ dàng:

"Mái tranh thấp và tối, ngượng ngùng sà xuống rất thấp bên thềm như muốn che dấu nỗi bần cùng trước những con mắt tò mò của người lạ. Bức mành trúc sàng ánh sáng, bên kia sân là bụi tre, một bức mành sống động khác đang reo nhẹ trong gió chiều.

Bấy giờ là giữa mùa hạ, chiều về, gió cuốn bụi đường thành những cụm mây, hồng lên trong ánh trời chiều.

Con đường nằm sát cạnh giậu tre. Bóng tre cao ngều trạm trổ lỗ chỗ trên đường như một giải đăng-ten linh động. Ðầu đằng xa, con đường cung kính uốn khúc quanh ngôi đền theo đúng nguyên tắc địa bốc, tôn trọng những long mạch vi diệu của phong thủy. Làng cũng gần đấy, sống thu mình trong lòng thổ. Dân làng chỉ biết đại khái là xa hơn có phố huyện vây quanh dinh quan huyện. Xa tít chân trời là tỉnh, nơi ít ai trong làng dám đặt chân tới. Trong đầu óc mộc mạc của người dân cày, ngoài chân trời xa tít mù tắp kia là Kinh, nơi vua ở [...]

Mái tranh thấp và tối. Dưới tranh ẩn một người mai sau biết đâu chẳng thành cột trụ triều đình [...]

Mái tranh thấp và tối. Ngày đêm thư sinh dùi mài kinh sử [...]

Mái tranh thấp và tối [...]

(trích dịch truyện Jadis - Ngày xưa, Rừng Trúc, Présence d'Asie, Paris 1979, trang 27-28).

Những thanh âm La chaumière était basse et sombre - Mái tranh thấp và tối trở đi trở lại như điệp khúc một bản nhạc buồn cúi xuống tâm hồn người dân quê, gắn bó chặt chẽ với đồng ruộng. Cuộc sống thu gọn trong làng, trong lũy tre xanh, trong nỗi cơ hàn, túng bấn. Hình ảnh người thư sinh nghèo dưới túp lều tranh gò lưng đọc sách thánh hiền chờ ngày vinh quy bái tổ, được tác giả viết như một bài thơ dài, âm điệu tha thiết, chân thực, gói trọn tâm hồn và phong tục dân giã Việt Nam.

Tác giả giao hưởng cổ tích, truyền thống và hiện đại để vẽ nên cuộc sống. Cuộc sống những năm 30-40 của thế kỷ trước, ở một vùng đất mà Phạm Duy Khiêm gọi là miền thanh lãng, terres sereines, và Nguyễn Tiến Lãng đã mô tả tinh vi từ những tục lệ nhỏ nhoi đến những thân phận ngậm ngùi của con người lam lũ. Ở mỗi tình huống, tác giả đều tìm những nét vừa chính xác, vừa mơ hồ, vừa đau thương vừa thơ mộng. Hãy nghe tâm sự người mẹ nhớ đứa con bỏ nhà ra đi. Bi kịch dội lại trong đầu người mẹ đợi chờ, không biết con mình nay sống chết ra sao, bà cầu đảo tìm con ở cõi âm trong nỗi nhớ nhung triền miên, vô tận:

"Vào dịp giỗ Tết, đặc biệt ngày Tết, khi gia đình quây quần xung quanh bàn thờ tổ tiên, chỗ trống của đứa con xa vắng càng trống hơn, và trái tim người mẹ càng tan nát hơn. Rồi những hoàng hôn bất tận, tiếng chuông chùa chầm chậm vang lên, chiêu hồn những vong linh oan khiết sống gửi thác về nương bóng Phật. Nhiều đêm, tiếng mưa khóc tí tách trên những tàu lá chuối, gió táp những đốt tre nghiến răng ken két. Người mẹ lại nhớ đến đứa con mất tích. Ngày còn bé, mỗi lần nghe thấy cành cây kêu răng rắc trong đêm như thế, nó chui vào lòng mẹ, sợ hãi hỏi: "Gì vậy mẹ?" Và nàng khẽ bảo con: "Ma đưa võng trong bụi tre đó con!" Bé Lung trố mắt nhìn mẹ. Thiếu phụ mỉm cười, thơm nhẹ vào trán nó như để dỗ dành." (trích dịch truyện L'absent - Người xa vắng, sđd, trang 59)

Những hình ảnh, âm thanh: ma đưa võng, chuông gọi vong linh, những đốt tre nghiến răng, tiếng mưa tí tách trên tàu lá chuối... nổi lên ở đây như những yếu tố hiện thực nhất mà cũng siêu thực nhất, tha thiết gắn bó với óc mê tín, dị đoan, thơ mộng và đầy tưởng tượng của dân quê Việt Nam. Chúng nói lên tính cách độc đáo của một cõi riêng mà âm dương giao động với đất trời. Nó gợi lên cõi nhớ trong chúng ta, tiếng động của mái ấm gia đình, tiếng vang tâm linh Việt, khác biệt hẳn với những vùng đất khác, không có tre, không có ma, không có tàu lá chuối...

Rồi những phong tục cổ truyền như cây nêu ngày Tết dưới ngòi bút Nguyễn Tiến Lãng cũng được gợi lại một cách tỉ mỉ, đầy nét chấm phá mơ mộng:

"Hàng năm, cứ đến gần Tết nhà nào cũng dựng cây nêu. Ðó là một cây tre cao vút đã tỉa hết cành chỉ giữ lại một chùm lá trên đỉnh. Trên chùm lá này, người ta treo một vòng tròn tre bện, trên buộc những con cá và những cái chuông nhỏ làm bằng đất nung, thêm lá dứa, cành đa xum xuê lộc non và một tờ vàng mã gọi là "nén vàng điều" làm bằng giấy đỏ cho vong linh tiêu. Ðó là cây nêu ngày Tết mọc lên ở khắp nơi trong các làng miền châu thổ Bắc Việt. Dưới mưa phùn trong cơn gió lạnh đầu xuân, thân nêu mềm mại, nghiêng ngả, với lớp áo lóng lánh âm thanh mầu sắc, nhẩy múa, ca hát trên không trung." (trích dịch truyện La voix du "cây-nêu"- Tiếng cây nêu, sđd, trang 129-130)

Không thiếu một chi tiết nào trong biểu tượng cây nêu ngày Tết. Từ cành đa (thay cho cành bồ đề) gợi vẻ uy nghiêm của đức Phật, đến chiếc lá dứa gai sắc để cứa miệng quỷ...

Nguyễn Tiến Lãng đặc biệt chú ý đến hình tượng ông Ba Mươi trong lòng người Việt, ông viết đến ba truyện về hổ trong Mai Lĩnh. Ông Ba Mươi dưới nét bút Nguyễn Tiến Lãng, mang những trăn trở đạo đức và tâm linh. Ông Ba Mươi thi hành cán cân công lý của Trời khi loài người sống không công lý (trong truyện La Justice du seigneur - Công lý của đức Ông). Riêng truyện L'homme qui devient tigre - Người hóa hổ, Ông Ba Mươi mang ý nghĩa triết học về sự giao thoa giữa nhân tính và thú tính: Người thí sinh tài hoa, trượt kỳ thi đình, thất vọng, chán nản, không dám trở về làng cũ, bỏ đi lang thang hết vùng này sang vùng khác, ôn lại những bài thơ bài phú đã làm. Một hôm, trong rừng sâu, chợt nghiêng xuống suối uống nước, chàng thấy mình đã hóa hổ. Dưới lớp da hổ, nho sinh xưa, đã nguyện chỉ ăn thịt cầm thú và không bao giờ tính đến mạng người. Nhưng rồi cái đói đến, đến một cách dã man tàn ác. Không thể cưỡng lại được những đòi hỏi khủng khiếp của dạ dày, chàng đành phải ăn thịt người đồng loại và trở nên con mãnh hổ ác liệt nhất vùng đất Nghệ An. Một hôm đang tìm mồi, chàng gặp lại người bạn đồng song, nay là Ngự sử triều đình. Cảm phục đức độ của bạn, chàng hứa từ nay sẽ lánh mình trong rừng sâu để tránh xa "người đồng loại", nhưng trước khi đi, chàng xin quan Ngự Sử một ân huệ cuối:

"Trăng đang lên. Năm xưa, như các bạn, đệ cũng đã làm thơ ca ngợi ánh trăng, ca ngợi những buổi mai thơm ngát, ca tụng hương sen và những thiếu nữ nhẹ gót hài sen. Dấu vết những bài thơ này có lẽ vẫn còn lưu lại dưới mái tranh xưa. Hiền huynh ơi, xin hiền huynh mở lượng hải hà tìm lại bản thảo những lời quê này mà thuận cho đệ, kẻ như đã hơn một lần chết vì đã hết kiếp người vào kiếp thú, được êm dịu sống lại trong vài câu thơ trên môi những ca nhân, trong tim những người hay chữ hay trong lòng những người yêu nhau. (sđd, trích dịch trang 24).

Ông Ba Mươi ở đây là biểu tượng của sự dày vò giữa lương tâm và thú tính của con người. Và trên tất cả mọi kiếp, kiếp người hay kiếp thú, trên tất cả mọi hành trình, mọi thành công hay thất bại: Thơ văn vẫn là cứu cánh, là những gì còn đọng lại, sáng lên và vang mãi sau cái chết, như tiếng nói của vĩnh cửu. Xuất phát từ một quan niệm như vậy, truyện Jalousie - Ghen hay Thiếu phụ Nam Xương, giao hòa cổ tích với cổ văn, đưa Chinh phụ ngâm vào cổ tích, qua tiếng ngâm của người mẹ, trong một thi cảnh não nùng:

"Bóng người thiếu phụ bồng con trên vách đất nhảy múa bên ngọn lửa leo lét trên bấc đèn dầu. Gió buốt lách qua kẽ liếp làm tê giá thêm, héo hon thêm lửa và bóng.

Trời đang tiết thu. Tiếng những bẹ cau khô sột soạt trong sân như tiếng vải hồ hòa cùng tiếng lá chuối cọ sát sột soạt. Xa xa, chuông chùa dằn từng tiếng đánh vào tịch lặng.

Thỉnh thoảng một con chim -giật mình vì một cành cây gẫy, hay một loài hắc thú nào đó- vùng vẫy cất cánh trong chốn dạ đài mù mịt với tiếng kêu hoang loạn .

Tiếng dế trong đêm biết có xót thương người cô phụ chờ chồng? Thiếu phụ âm thầm khóc, buông trôi nỗi buồn sa lầy trong đêm khuya lạnh lẽo. Với động tác máy móc, nàng vẫn tiếp tục ru con dù đứa bé đã ngủ, hai bàn tay ngây thơ nắm thật chặt. Rồi lau nước mắt, nàng bắt đầu nhè nhẹ ngâm những vần thơ cảm hoài nỗi tuyệt vọng của mình, nàng nghĩ đến một ngày sắp tới chồng sẽ trở về:

"Xin vì chàng xếp bào cởi giáp

Xin vì chàng giũ lớp phong sương

Vì chàng, tay chúc chén vàng

Vì chàng, điểm phấn đeo hương não nùng

Mở khăn lệ, chàng trông từng tấm

Ðọc thơ sầu, chàng thấm từng câu

Câu vui đổi lấy câu sầu

Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời

Sẽ rót vơi lần lần từng chén

Sẽ ca dần ren rén từng thiên

Liên ngâm đối ẩm đòi phen

Cùng chàng lại kết mối duyên đến già."

Vần thơ cuối cùng vừa dứt trên môi, nàng cúi xuống đứa con, bé giật mình tỉnh dậy nhìn nàng bằng đôi mắt ngây thơ trong sáng. Nàng nâng cái bọc yêu quý bồng gọn trong tay, hít hà cái trán tí hon như ngửi một bông hoa. Ðứa nhỏ đòi: "Mẹ ơi, con muốn chơi!" Và như mọi tối, hai mẹ con đùa chơi một lúc với ngọn đèn dầu và những chiếc bóng trên vách. Ðứa bé chăm chú nhìn bóng mẹ to tướng in trên tường, nó sợ hãi thì thầm vào tai mẹ: "Giống một người đàn ông quá mẹ; phải một người đàn ông không mẹ?" Nàng bất giác lập lại với con câu nói đùa vô tình một lần đã đến trên môi, câu nói đùa rất buồn như chính nàng muốn tự lừa mình: "Ðúng đấy con ạ! Cha con đấy! Con thấy không, cha con lúc nào cũng gần bên con!" (sđd, trích dịch trang 80-81)

Nguyễn Tiến Lãng đã sáng tạo ra người thiếu phụ chập chùng nhiều chiều kích: hình ảnh người mẹ vô danh, đêm thu đơn độc ru con, dưới mái tranh thốc từng cơn gió buốt. Bên ngoài, tiếng mo cau, tiếng lá chuối sột soạt hoà nhịp cùng tiếng chim kêu trong cõi dạ đài. Để át đi nỗi sợ, người mẹ ngâm bài ca chinh phụ trong âm ba kỳ diệu của thi ca và âm nhạc. Nàng còn gánh thêm nỗi oan nghiệt của người thiếu phụ Nam Xương... Những hình ảnh, âm thanh, thi tứ... đặc thù này của đất Việt đã hoá thân trong tâm hồn người thiếu phụ vô danh ru con chờ chồng, biến nàng thành nỗi đau muôn thủa của muôn người. Và Nguyễn Tiến Lãng đã mở trái tim mình, trái tim dân tộc mình ra với những dân tộc khác, bằng nẻo ấy.

 

 


 

Les chemins de la révolte - Những nẻo đường nổi dậy

Les chemins de la révolte - Những nẻo đường nổi dậy là một tự truyện, cũng là tác phẩm sau cùng và chủ yếu của Nguyễn Tiến Lãng. Ông dự trù sau đó còn viết tiếp một vài tập nữa thành bức bích họa mang tên Les Vietnamiens - Người Việt, nhưng những phê phán gắt gao và chống đối của dư luận đến từ nhiều phía, sau khi tác phẩm ra đời đã khiến ông chán nản, không viết tiếp và gần như bỏ hẳn sáng tác (theo Nguyễn Quốc Khánh, con trai ông, trong bài viết tựa đề Nguyễn Tiến Lãng). Les chemins de la révolte được nhiều ngòi bút phê bình của báo chí Pháp thời ấy đánh giá cao và đoạt giải thưởng Silvio Pellico ngày 18/11/1954, giải văn chương dành cho những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của những tù nhân chính trị dưới bất cứ chế độ nào.

Ðây là một cuốn tiểu thuyết từ sự thật viết nên sự thật. Ngòi bút theo sát hành trình tác giả như bóng với hình, chỉ có tên nhân vật là thay đổi, Nguyễn Tiến Lãng trở thành Lê Văn Nguyên. Phạm Quỳnh trở thành Trần Phạm. Tướng Nguyễn Sơn thành tướng Tôn. Phạm Thị Ngoạn trở thành Liên Lê Văn Nguyên (theo lối viết tên những người phụ nữ có chồng, của Pháp)...

 

Ðể hiểu rõ tâm hồn tác giả trong Les chemins de la révolte - Những nẻo đường nổi dậy, có lẽ chúng ta nên trở lại thời thơ ấu của Nguyễn Tiến Lãng, ghi trong bài hồi ký viết hai năm trước khi ông mất, in trong tập Tiếng ngày xanh:

"Tôi ở quê nhà ít lâu, rồi lại theo cha tôi và được vỡ lòng chữ Hán ít nhiều, chữ quốc ngữ ít nhiều; nhưng chính cái hồn văn, cái hồn thơ của ông cha nhập vào, truyền vào là do sự sống với mẹ ở quê nhà, với nghiêm đường, ở đây đó, nghe cụ ngâm Hoa Tiên vài ba câu, thơ nôm đôi ba vần, cụ đánh chầu, đôi khi có cô đầu đến hát. Chao ôi cái cảnh Hương Hát quê nhà, cái cảnh đồi sim Phổ-Yên, cái cảnh đồng bằng Bình-Giang, nó thấm nhập ngấm ngầm thấm thía lắm thay! Rồi sau lại đến ảnh hưởng anh cả Bổng (Mân Châu), đến ảnh hưởng anh rể, thi sĩ Tản Ðà và những ông bạn viết báo của anh tôi, ông cử Rư (Trịnh Ðình Rư), ông Ðào Trinh Nhất, v.v... Các ông đàm luận, các ông viết, các ông ngâm nga, các ông có để ý gì đến chú bé con ngồi im một góc bàn học." ( Trích bài hồi ký Sáu năm học trường Bưởi, trong tập Tiếng ngày xanh, Rừng Trúc, Paris, 1979, trang 101)

Những yếu tố trên đây đã cấu tạo nên tâm hồn Nguyễn Tiến Lãng, một tâm hồn có "căn" nho, nôm, trong gia đình từ khi lọt lòng mẹ, và lớn lên được đào tạo trong môi trường văn hoá Tây phương, ở học đường. Về tài năng và trí tuệ, Lãng nổi tiếng "thần đồng": 13 tuổi đã bước vào làng văn, làng báo với những bài có tính cách biên khảo trên tạp chí Hữu Thanh, ký bút hiệu Nguyễn Ðảo Sinh do thân phụ đặt, rồi bút hiệu Thượng Uyển do thầy Ngô Huy Văn đặt. 17 tuổi viết cho An Nam tạp chí của Tản Ðà.

Hành trang đó giải thích phần nào tư tưởng của Nguyễn Tiến Lãng sau này, khi phải đối phó với những gian truân của định mệnh. Với sự nhẫn nhục chịu đựng và tự xét mình, từ ảnh hưởng đạo đức Khổng Mạnh, kèm những phân tích khoa học và lối hành văn thơ mộng của một nhà văn Pháp, Nguyễn Tiến Lãng đã thật sự giao hòa Ðông Tây trong văn phong và tư tưởng. Ảnh hưởng đạo Phật đến muộn hơn, khi ông bị bắt, bị tù, tuyệt vọng chờ chết, không còn cứu cánh nào khác ngoài niệm Phật. Nhưng đó mới chỉ là sự "nhật tụng bề ngoài" cầu Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn; thật sự lúc đó, Nguyễn chưa ngấm triết lý đạo Phật. Rồi một người bạn tù đã dẫn ông tới Phật và và từ đó, đạo Phật đã là liều thuốc linh diệu giải thoát cho Nguyễn khỏi trăm ngàn đớn đau, để cái tâm có thể trụ vững trong dông tố bạo tàn và tang tóc.

Les chemins de la révolte tuy là một tự truyện nhưng đã vượt qua địa hạt cá nhân người tù, để đến với thân phận con người trong thời điểm đầy xáo trộn của một cuộc cách mạng: Dù bị tù hay được tự do tạm, Nguyễn vẫn cảm thấy mình sống trong cạm bẫy, bất trắc của bạo lực mà chỉ với nhẫn nhục mới mong thoát chết. Với khoảng cách hơn nửa thế kỷ nhìn lại, Những nẻo đường nổi dậy vẫn là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc viết về thời kỳ bạo động: Cách mạng vùng lên, cướp chính quyền. Trong cuộc lật cờ, thân phận những người không theo hoặc chưa theo Cách mạng sẽ ra sao? Họ đã sống, đã chết như thế nào? Chứng nhân Nguyễn Tiến Lãng, một ông quan chế độ cũ, một trí thức không làm chính trị, không theo và cũng không chống Cách mạng, đã bị bắt, bị cầm tù rồi được "ân xá". Nguyễn đã bị tù như thế nào, đã được thả như thế nào? Đã nhận xét ra sao về con đường Cách mạng? Một tác phẩm chân thật, tha thiết, không hận thù, một bút pháp tinh tế tài hoa.

 

Les chemins de la révolte - Những nẻo đường nổi dậy không phải là một cuốn sách chính trị mà là một tiểu thuyết văn học và tư tưởng. Tác giả đã viết lại giai đoạn đau thương nhất của đời mình, trong sáu năm từ 1945 đến 1951, với trái tim của một kẻ luôn luôn bị dày vò xâu xé, tự vấn lương tâm: Mình có tội hay vô tội? Ðôi khi ông ngả hẳn về phía Phật, để tìm lối thoát tâm linh, tìm đến cái "nghiệp" của mình, tìm sự cứu khổ cứu nạn trước mọi bạo hành xẩy ra trên những nẻo đường nổi dậy.

Les chemins de la révolte theo sát diễn biến lịch sử. Nhân vật chính là Lê Văn Nguyên, đương chức Phủ doãn, nhân dịp nghỉ hè về thăm gia đình nhạc phụ, thượng thư Trần Phạm đã về hưu, tại biệt thự Hoa Ðường, Huế. Trưa ngày 28/8/1945, Nguyên đang nằm nghỉ bên cạnh người vợ mang thai đứa con thứ ba gần đến ngày sinh, chàng nghe tiếng trẻ khóc ngoài bờ ao, vội chạy ra vườn, thấy đứa con trai bé nhất của mình, ba tuổi, vấp ngã, chàng bế xốc con lên chạy vào nhà, vừa lúc đó hai người lạ mặt bước vào phòng, hỏi:

- Lê Văn Nguyên đâu ?

- Tôi đây.

- Mời ông ra!

Một lúc sau, vị thượng thư, từ gia sảnh cũng bước ra vườn, lên xe cùng con rể. Hai người không trao đổi một lời nào.

Từ đó bắt đầu sáu năm gian truân của Lê Văn Nguyên.

Ngòi bút tế nhị và độ lượng của Nguyễn Tiến Lãng phản ảnh trung thành chất bi đát và phi lý trong thân phận Lê Văn Nguyên. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng những hàng:

"Tiếng kêu nổi lên ở một góc vườn. Tiếng sợ hãi của một đứa bé vừa kêu vừa khóc. Từ nãy, Nguyên vẫn trằn trọc chưa ngủ, lòng phảng phất bồn chồn bởi những tiếng xôn xao từ đâu vọng lại làm xáo động cái yên tĩnh của buổi trưa hè, chàng nhẹ lách mình khỏi giường, sợ làm dao động giấc ngủ của vợ. Chân lướt khẽ trên mặt đất tìm dép; chàng ngoảnh lại thấy vợ mở to mắt đang nhìn mình chầm chập. Nàng cũng đã nghe thấy tiếng trẻ khóc, nàng cũng đã nhận ra tiếng đứa con bé nhất, và trước đó, nàng cũng đã nghe thấy những tiếng xôn xao nổi lên làm náo động bọn trẻ đang chơi ngoài bờ ao" (Les chemins de la révolte, nxb Ý Việt, Paris, 1989, trích dịch trang 11).

Một nghệ thuật miêu tả tinh vi không bỏ qua chi tiết nào; kể cả phần ẩn dấu sâu khuất, không nói, không lộ, như linh tính của con người trước sự chẳng lành, tiếng kêu của đứa con ba tuổi cũng là tiếng kêu thầm kín trong lòng hai vợ chồng: cùng nhạy cảm, cùng ý nghĩ trước ngõ quặt của định mệnh. Tất tưởi chạy ra vườn bế xốc con vào, Nguyên không kịp phản ứng. Trao cho mẹ nó rồi, chàng mới để tâm đến những xôn xao -khi nãy chàng tưởng chỉ là mơ hồ- bây giờ hiện ra trước mắt: Chiếc ô-tô đậu trước cửa, những người lính với súng ống, dùi cui bao vây ngang dọc khắp vườn làm lũ trẻ đang chơi, hoảng hốt, toán loạn...

"Nguyên cảm thấy vợ cũng đang lo; anh phác một cử chỉ âu yếm vuốt ve mái tóc mượt ủ vầng trán vã mồ hôi của nàng. Cửa phòng bật mở. Khung chữ nhật sáng rực lên tương phản với ánh tranh tối tranh sáng trong phòng. Rất nhanh, hai bóng đen nổi bật lên lấp kín khung cửa. Không thể nào nhận diện được là ai. Một giọng dõng dạc và hách dịch cất lên:

- Lê Văn Nguyên đâu?

- Tôi đây.

- Mời ông ra!

Nguyên bước khỏi phòng. Không một ánh mắt cho vợ, cho con, cho căn phòng chìm trong bóng mờ ấm cúng. Một thứ cảm giác kỳ cục đến với chàng, không còn gì tồn tại nữa, không còn gì đáng kể nữa, ngoài tiếng lệnh kia. Như tiếng của định mệnh. Như thể đây không chỉ là sự khám xét nhà của hai kẻ lạ mặt, mặc áo dài, trên ngực, ngay tim, ghim cái gì mầu đỏ mà Nguyên không phân biệt được, nhưng nó biểu dương cho sự hiện diện của một kẻ lạ mặt nào đó, một thực thể đe dọa nào đó, đã cai quản tất cả, toàn bộ, kể cả hai kẻ lạ mặt này; khiến cho chàng -Lê Văn Nguyên, thượng quan đệ nhị phẩm của triều đình, nguyên chức phủ doãn, đang nghỉ ở nhà nhạc phụ thượng thư về hưu- đã phải máy móc tuân theo mệnh lệnh của hai nhân vật đầu đội mũ, chân một kẻ đi guốc, kẻ kia đi dép râu.

Cũng như lúc nãy chàng chỉ độc nghe thấy tiếng con khóc, bây giờ, trong đầu chàng chỉ độc có một ý nghĩ là phải đi theo hai người này. Nếu họ bắt chàng phải lên xe ngay tức khắc, không biết chàng có dám cưỡng lại? Không biết chàng có dám xin họ vài phút để dặn vợ, hôn con? Xin họ vài phút để thay quần áo không?" (trích dịch trang 12-13).

Nhưng rồi cái "thực thể đe dọa" đó cũng có vẻ "nhân đạo", đã cho chàng kịp uống chén nước, kịp dặn vợ dặn con và thay quần áo, trước khi bước lên xe cùng với cha vợ.

"Vợ Nguyên đứng tựa cửa phòng. Những đứa em nàng túm tụm đầy cả hành lang. Ðám gia nhân giữ vẻ mặt bình thản hàng ngày. Không thể đoán được họ đang nghĩ gì, hoặc những ai trong bọn họ biết những gì xẩy ra. Họ đứng đó, chăm chú nhìn. Vị thượng thư rời chính thất bước đều đến chiếc xe đậu trên đường sỏi, một ô tô nhỏ, mác Pháp, Celtaquatre Renault.

Thượng thư Trần Phạm mặc áo the Hà Ðông, nền áo trắng bên trong hiện lên dưới lớp the thâm. Ðó là y phục mùa hè của tất cả các quan mặc theo lối Bắc. Quần vải trắng - khác với con rể mặc quần lụa - là thẳng tắp, nếp gấp rơi thẳng xuống đôi giày da hàm ếch. Trái với lệ thường, trên chiếc khăn xếp, ông đội thêm chiếc nón lá quai lụa đen che kín vầng trán, chỉ thấy lấp loé tia sáng phản chiếu từ đôi kính trắng, kính cận mà ông không bao giờ rời. Ðôi mắt nhấp nháy sau làn kính, cằm và má hơi bầu, làm gương mặt dịu đi, phảng phất nét chán nản.

- Ði thôi, người canh Nguyên giục.

Một tiếng còi rít lên từ phía vườn. Những người lính ra hiệu cho nhau. Hai người tiến lại phía xe hơi. Cửa xe mở ra, Nguyên quay mặt lại, qua ánh mắt, chàng hôn vợ đang đứng tựa cửa, các con trèo chơi lan can và vú em mắt nhòe đẫm nước." (trích dịch trang 19-20).

Trên xe, vị thượng thư ngồi giữa người tài xế và Nguyên, ông chỉ nói mỗi một câu như để nói với chính mình: "Các vị này bảo Hoàng đế đã thoái vị". Nguyên hỏi lại: "Thật không thày?" Ông không trả lời. Xe không đến Toà Khâm như họ đã bảo mà vào sân nhà tù, đến thẳng cachot.

 Nguyên thấy lại cha vợ một lần nữa, trong sân nhà tù. "Chàng nhìn ông và hỏi: "Thày có đau lắm không?" (Ông bị bệnh đau bao tử, ở nhà, mỗi khi bị dạ dày hành cứ hai tiếng lại phải uống thuốc) Trần Phạm bình thản trả lời: "Ồ, không".

 Rồi ông đưa mắt nhìn vị Tổng đốc Quảng Nam. Hai người là những đối thủ kịch liệt về chính trị từ nhiều năm nay. Và bây giờ họ gặp nhau trong cái sân tù này.

Họ chỉ trao nhau một ánh mắt. Rồi một người nhìn trời; người kia, đôi mắt vô cảm chăm chăm hướng về một thân cây cằn cỗi ở cuối sân trước khi quay nhìn về phía con trai - người con trai duy nhất.

Chiều tái ngắt." (trang 36 - 37).

 

 Chỉ trong khoảnh khắc, thân phận Nguyên và những người thuộc "thành phần" như anh đã hoàn toàn chao đảo. Nguyên, từ một kẻ "cầm cân pháp luật" bước xuống địa vị của kẻ phạm tội, một tên Việt gian, bị bắt, bị tù, bị xỉ nhục, bị thẩm vấn. Nỗi kinh hoàng, nỗi sợ, nỗi chết, chập nhau thành cái lạnh run rẩy, nghiền nát tâm hồn. Mọi can đảm biến mất, trước cái chết chỉ còn cái sợ. Trong mồ cachot tăm tối, anh không biết làm gì khác để trấn át cái lạnh toát mồ hôi, giá buốt thấu xương, cái run sợ co dật trong từng bắp thịt, anh niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát, niệm liên chi hồ điệp, ngày này qua đêm khác mong Bồ Tát về cứu khổ cứu nạn.

Rồi anh được phép nhận tiếp tế, cái đói đỡ đi, nhưng vẫn còn thuộc loại tù mật giam, không được giao tiếp với bên ngoài. Anh không được biết tin gia đình cũng như vợ anh không biết anh còn sống hay đã chết. Rồi anh làm quen với người tù Tân Quy, trước làm thanh tra an ninh dưới thời Nhật và Tân Quy đã giảng cho anh về triết lý đạo Phật. Quy được thả về vài tuần thì chết có lẽ vì Quy biết quá nhiều.

Rồi anh bị hỏi cung, bị kết tội việt gian, tội làm ngu dân, tội cấu kết với cha vợ Trần Phạm âm mưu đưa Trần Phạm lên làm vua thay Bảo Ðại với sự bảo trợ của De Gaulle... Khai đi! Khai đi!... Nguyên đã viết liên miên, không biết bao nhiêu lời khai, bao nhiêu trang giấy, anh đã khai hết tuổi thơ, gia đình, những thảm cảnh riêng tư, anh kể lại đám cưới của mình: "Tôi cưới người đàn bà đó vì tôi yêu chứ không phải vì ham được làm rể thượng thư Trần Phạm. Tôi không ở trong đảng Trần Phạm. Mà cũng không bao giờ có đảng Trần Phạm. Trần Phạm là người đơn độc. Ông viết lách âm thầm bí mật, ông nghi ngờ cả con rể. Ðó là một người mà tôi chưa bao giờ hiểu rõ. Và tôi cũng không muốn tìm hiểu làm gì. Tôi không làm chính trị. Tôi chỉ là một công chức cố gắng không làm khổ ai. Tôi chưa bao giờ ăn hối lộ." Rồi anh lẫn lộn trong lời khai, anh viết lung tung không ra đầu đuôi gì cả... Ước nguyện duy nhất của anh là làm sao cho gia đình không bị liên lụy, vợ anh không bị hỏi cung... (trang 70-72). Tất cả là cái "nghiệp" của anh. Anh phải chịu. Cuối cùng, người ta tuyên bố: "Bị cáo đã nhận tội việt gian ngay từ cuộc thẩm vấn đầu tiên".

Tác giả định mệnh của Nguyên là cái "thực thể đe dọa" kia, không một lần nó ra mặt, đó là một Inconnu với chữ I hoa (kẻ Vô danh viết hoa) bởi cho đến phút chót, Nguyên vẫn không biết tại sao anh bị bắt, tại sao anh được thả, thực sự anh đã làm gì để đưa đến những tội trạng gì? Không khí Kafka bao trùm toàn bộ tiểu thuyết dưới ngòi bút bơ vơ, ngơ ngác của một người không biết chuyện gì đã xẩy đến cho mình.

Toàn truyện là những dữ kiện, những mệnh lệnh mà Lê Văn Nguyên phải thi hành, và anh ngoan ngoãn chịu đựng không bao giờ dám chống lại, chỉ tự vấn: mình có tội hay vô tội?

Toàn truyện là sự vận hành song song, một bên là hành trình của Lê Văn Nguyên trên đường tù ngục, hết trại giam này đến nhà tù khác, rồi được tự do tạm, được làm việc với tướng Tôn, được dậy học tại trường Thiếu sinh quân... Một bên là nhật ký của Liên, người vợ, viết về cảnh ngộ và cảm xúc của nàng, một nách ba con, chờ chồng, chờ cha. Liên đã đeo ba đứa con đi tìm chồng trong các trại giam và nàng đã tìm được, đã gặp chồng rồi lại biệt vô âm tín. Ngày chồng bị bắt cùng với cha, nhật ký của Liên có những đoạn:

"Anh yêu quý, tối nay anh không về, thằng nhớn giận lắm, nó bảo: "Bố nói dối con, bố không về ăn cơm tối như đã hẹn". Em khóc. Con bé người làm bế vội nó đi. Em cố gắng ngồi vào bàn làm việc của anh, viết cho anh những dòng này, dù em chưa bao giờ biết viết nhật ký cho ra hồn theo đúng ý anh. Bây giờ em sẽ làm tất cả như ý anh, để khi về, anh sẽ thấy những gì em đã làm một mình, không có anh." (trích dịch trang 21)

Hồi ký của Liên là hồi ký hậu tuyến của người "chinh phụ" chờ chồng trong hoàn cảnh oái oăm mà chính tà trà trộn trong những đảo điên của lịch sử. Người "chinh phu" của nàng làm quan, tưởng là giúp dân giúp nước, rồi bị tù tội, rồi được tạm tha, rồi bị đem đi biệt tích ở một liên khu nào đó. Cha nàng, vị cựu thượng thư bị bắt, bị đem đi mất tích, rồi có tin người cha " đại việt gian" ấy đã phải "đền tội" với tổ quốc. Tổ quốc nào? Ðối với nàng tất cả đều mập mờ trong bối cảnh "vùng dậy", đổi trắng thay đen, nàng ghi lại những tang thương đầy nước mắt trong bơ vơ trơ trọi. Rời Huế, tha ba đứa con trong khói lửa tìm chồng rồi lại tha con về Huế.

Tác phẩm -lúc đầu mang tên Nous avons choisi l'amour, Chúng tôi đã chọn tình yêu sau đổi là Les chemins de la révolte, Những nẻo đường nổi dậy- trung thành với cả hai tên gọi, ghi lại bộ mặt tình yêu trên những nẻo đường nổi dậy.

Bị bắt từ ngày 23 tháng 8 năm 1945, những ngày đầu cách mạng, đáng lẽ phải lên xe cùng với nhạc phụ Trần Phạm và hai cha con Tổng đốc Ngô Ðình Khôi, nhưng vì xe chật chỗ nên người cán bộ bảo Nguyên ở lại chờ chuyến sau. Nguyên thoát được số phận thảm khốc của vị Thượng thư và hai cha con vị Tổng Ðốc, là do may mắn của định mệnh hay do quyết định của "thực thể cách mạng"? Nguyên không bao giờ biết rõ sự thật. Trong suốt hành trình sáu năm, Nguyên không biết những gì sẽ xẩy đến cho mình, từ lúc anh bị bắt vào tù như một tên việt gian bán nước đến những lúc anh được hưởng "ân sủng" của cách mạng, được gặp tướng Tôn, được mặc áo vệ quốc quân, được giao phó việc dạy học và dịch thuật, phù hợp với khả năng trí thức của mình... Anh không hiểu gì về những biến cố liên tiếp xẩy ra, ngoài mọi dự đoán và chờ đợi, trừ bài học "phải nhịn nhục để sống và phải hết sức thận trọng đề phòng." (trang 103).

Ngoài giá trị văn học, những gì Nguyên ghi lại sẽ còn là những tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu lịch sử sau này:

 "Trong nhà tù Vinh, không ai nhòm ngó, anh tưởng mình đã chạm tới đáy sâu của khổ đau, liệt nhược không còn mong đợi gì nữa, thì có lệnh đến, cho phép anh được làm việc dưới quyền ông Tướng giám đốc Trường Vệ Quốc quân với nhiệm vụ "coóc-vê phục vụ văn phòng". Sáu tháng sau, chẳng ai hỏi ý kiến anh, coóc-vê này được chuyển thành tự do tạm. Cũng chẳng hiểu sao, anh lại còn được cấp "chứng minh thư" vệ quốc quân, được mặc quân phục nữa. Anh dịch những tài liệu viết về cách huấn luyện quân đội, tìm được trong các trại lính Pháp, anh thảo luận với ông tướng một vài chữ phải mượn tạm của Trung quốc, để dịch một số danh từ kỹ thuật không có trong tiếng mẹ đẻ. Anh dịch cả những tin tức báo chí mà radio của ông tướng thỉnh thoảng bắt được. Ngoài ra, anh ôn lại tiếng Pháp cho ông tướng và đã chiếm được cảm tình của ông, anh có thể dùng xe jeep của ông, do đó người ta đồn rằng anh rất thân với ông tướng.

 Với nước da ngăm ngăm, râu rậm, cằm vuông và nhô, nhân vật bí mật này đôi khi làm thơ tình đề tặng một người phụ nữ ông đã để lại bên Tàu với đứa con trai ba bốn tuổi. Những lúc như thế, ông thường mời Nguyên đến để hỏi ý kiến anh về thơ ông... Nhưng những khoảnh khắc ân huệ và ưu đãi này chỉ là những giây phút ngắn ngủi trong cuộc sống gian khổ mà Nguyên phải chịu đựng cùng với những người khác, thứ kỷ luật khắt khe, không cần biết đến sức khoẻ, đến kiến thức, tuổi tác và quá khứ của tất cả những sinh mạng pha trộn trong bộ đồng phục kaki...

Nguyên còn nhớ, những buổi sáng sương mù, vai khoác ba lô, anh đã chạy và luôn luôn là người chạy chót trong đội ngũ, nhưng bắt buộc phải theo tới cùng. Ông Tướng bắt lính phải tập luyện để tránh bị chồn chân trong văn phòng. Nguyên luôn luôn về chót, trễ nhiều phút, mặt xanh sao, mắt long lanh, thở hổn hển. Nhưng rồi anh cũng đến đích, hai hàm răng siết mạnh... kiệt lực vì lúc nào cũng ăn đói, bệnh sốt rét ngã nước hành, anh tưởng chết sau mỗi lần chạy đến đứt hơi. Phải chịu đựng! Phải sống! Và Nguyên đã làm được, vì tự ái mà cũng vì quyết tâm." (trích dịch trang 105 -106).

 

Một sự kiện bất ngờ xẩy ra: trong đám tù nhân, có Bửu Vị. Bửu Vị thuộc dòng dõi nhà vua, là chắt của Tuy Lý Vương, trước học trường Khải Ðịnh, bây giờ là kịch tác gia và diễn viên của đoàn kịch Giải Phóng Quân. Nguyên quen với Vị trong tù. Vị tốt nghiệp cử nhân luật Hà Nội, nhưng đã bỏ tất cả, không làm quan cũng không làm công chức dưới thời Pháp thuộc, để theo kháng chiến. Vị bị kết án ba năm tù vì bị tình nghi có quan hệ với Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Vài tháng trước khi được thả, Bửu Vị tổ chức vượt ngục với nhiều tù nhân khác cùng bị giam ở một trại trên núi. Họ đã chiến đấu với quân du kích tới cùng, nhưng thế cô bị bắt. Trước toà án Cách mạng, Bửu Vị ngạo mạn tuyên bố: "Trước tình trạng khốn cùng của trại giam, tôi không thể đợi thêm vài tháng nữa cho đến ngày được thả mà phải hành động để cảnh cáo các anh, bắt buộc các anh phải suy nghĩ đến số phận các nạn nhân mà các anh đang giam cầm. Tôi không cần gì! Không tiếc gì! Không đòi hỏi bất cứ sự nhân nhượng nào ở các anh!" (trích dịch trang 104)

Tiếng thì thầm râm ran khắp trại: "Phải cứu Bửu Vị!" và một người rỉ vào tai Nguyên: "Anh hãy cố cứu Bửu Vị!... nói với Ông Tướng...!"

Nguyên, không những bị chấn động vì lo sợ cho tính mệnh của Vị, mà những lẽ sống, những nguyên tắc cho đến nay anh bám vào để được sống sót hoàn toàn sụp đổ: Nguyên đã mềm như sợi bún trước mọi áp lực, chửi rủa; Nguyên đã nhận tội để tránh cái chết. Vị không thế. Vị không nhận tội. Vị sẽ chết, nhưng đầu ngẩng cao, khinh thị nhìn những đao phủ của mình; trong khi anh, anh đã thua cuộc, anh đã cúi đầu, chỉ vì tình yêu gia đình, chỉ vì anh muốn gặp lại vợ con, anh không muốn vợ con anh và dòng họ Lê của anh phải chịu cái nhục có người cha, người chồng, người con bị xử bắn vì tội "việt gian".

Nhưng phỏng có ích gì? Ðể đi đến đâu? Bửu Vị chọn cái chết. Và ngày mai bộ máy tuyên truyền sẽ đi khắp thôn cùng ngõ hẻm rêu rao những "tội ác" của Vị, của tên gián điệp, bán nước, theo gót ngoại bang, rước voi về dày mồ, như Trần Phạm, đã bị xử tử và đã bị nguyền rủa sau khi chết. Bửu Vị chọn cái chết và không muốn ai can thiệp để xin ân xá. Ai có lý? Bửu Vị hay Nguyên?

Không cứu được Bửu Vị, Nguyên phải rời trại lên một làng Mường, xa tướng Tôn và tiếp tục cuộc hành trình cho đến ngày được thả...

Người ta chỉ biết: "Trên tất cả, lá cờ vì Ðộc lập, vì Tổ quốc tung bay". Nhưng không ai biết "Dưới cờ bao nhiêu thân phận bị đầy đọa, dày xéo, mạ lỵ, vu khống, bức tử? Bửu Vị là người yêu nước. Nếu Vị có tội thì đó chỉ là tội đã không nhìn hai chữ Ðộc lập cùng một nghĩa như những người đã xử tử anh" (trang 106 - 108).

 

 

Ðâu là thành thật? Ðâu là sự thật? Cho dân tộc này. Ðâu là thành công xứng đáng nhất và ít phí tổn nhân mạng và tàn phá nhất? Hoàn toàn bất lực, Lê Văn Nguyên chờ những biến cố trả lời. Nhưng liệu đến bao giờ anh mới có thể biết một cách chính xác, những việc gì đã thật sự xẩy ra? Không một cái nhìn toàn diện nào cho phép anh hiểu... Nhiều năm tháng đã trôi qua... Nửa thế kỷ đã trôi qua...

Paris, tháng 5/2003 - tháng 11/2004

 

© Copyright Thụy Khuê 2003, 2004