Tạ Duy Anh,

người đi tìm nhân vật

 

 

 

Mười năm. Kể từ truyện ngắn Bước qua lời nguyền viết tại Sông Đà tháng 4 năm 1989, đến truyện dài Lão Khổ (1992) rồi tiểu thuyết Đi tìm nhân vật (hoàn tất năm 1999). Mười năm. Tạ Duy Anh đã phát triển hai luận đề chính trong tiểu thuyết của mình: lời nguyền và tội ác, bằng những hướng khác nhau trong bút pháp cũng như trong cách biến thiên nhân vật. Từ lối viết hiện thực phê phán xã hội ở hai tác phẩm đầu, Tạ đã tiến tới lối viết đa âm trong Đi tìm nhân vật (nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2002; Tiếng Quê Hương tái bản tại Hoa Kỳ, 2003). Tác phẩm bị khai trừ ngay khi nó chào đời cùng với cuốn hồi ký Nhớ lại của Bùi Xuân Quý.

Bước qua lời nguyền làm nổi danh tác giả khi được đăng trên báo Văn Nghệ, tháng 11 năm 1989. Tác phẩm xác định ngòi bút hiện thực sắc sảo, can đảm nhìn lại quá khứ đớn đau của mình, thế hệ lớn lên trong hai lớp hận thù: hận thù dòng họhận thù giai cấp.

Thuở nhỏ, một thằng bé muốn bước qua lời nguyền để bênh vực một con bé và lớn lên, chúng muốn vượt qua thù hận để bảo vệ tình yêu. Bước qua lời nguyền đánh dấu giai đoạn cuối của thời kỳ đổi mới; nó nằm trong một toàn bộ rộng lớn hơn: khuynh hướng văn học đấu tranh phê phán xã hội, duyệt lại những sai lầm quá khứ, như Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng...

Sau Bước qua lời nguyền, Tạ Duy Anh mở rộng chủ đề "thù hận" hơn nữa trong tiểu thuyết Lão Khổ. Lão Khổ tên thực là Tạ Khổ, bần cố nông chính hiệu. Lão cũng sinh ở làng Đồng như những nhân vật chính trong Bước qua lời nguyềnĐi tìm nhân vật. Lão đã đắc lực xây dựng nên cái khổ của mình. Tên lão, phản ánh bản chất của lão, và lão là con đẻ cái guồng máy mà lão đã góp phần hùn vốn tạo dựng nên, để sau này nó nghiền nát lão.

Chủ đề thứ hai trong tiểu thuyết Lão Khổ, cũng như trong Đi tìm nhân vật, là sự điều tra tội ác để tìm ra gốc gác những khổ đau của con người. Điều tra những cái chết, những cách chết. Điều tra những lời nguyền, nguyên do nào đã đưa đến những hận thù dòng họ, tiếp sức cho hận thù đấu tranh giai cấp? Sự căm thù đến từ đâu? Nó bắt rễ như thế nào? Nó dinh dưỡng bằng gì? Tại sao nó lại được tự do phát triển và tươi tốt trong khi con người, hết thế hệ này đến thế hệ khác đều tàn tạ gục ngã dưới những cái chết khác nhau, hệ quả của tội ác và trừng phạt.

Lão Khổ là một nhân vật đối diện với tòa án lương tâm: xuất thân bần cố, lão đã bị địa chủ hành hạ vì tư thù dòng họ. Rồi khi cờ đến tay, lão phất, lão trả thù, lão giết người, lão lên đến đỉnh cao của quyền lực. Cuối cùng lão cũng bị đào thải. Luật tuần hoàn. Lão đã đi hết "kiếp" của mình, một hành trình tội ác và trừng phạt mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Lão Khổ là nhân vật không ý thức đươc trách nhiệm của mình, bởi lão không đủ khả năng để "ý thức". Lão Khổ là cái bi đát có thể nhìn thấy được từ bên ngoài.

Đến Đi tìm nhân vật, Tạ Duy Anh bước thêm bước nữa. Chu Quý là sự nhập đồng của nhiều nhân vật, hắn là con người, là cái bi đát ở bên trong, phải được nhìn từ bên trong con người. Chu Quý phức tạp hơn lão Khổ, đa âm hơn lão Khổ. Chu Quý xuất thân từ một gia đình trí thức mà người cha đã bị xử tử. Thảm kịch gia đình đã tạo nên một Chu Quý què quặt, bệnh hoạn trong tâm hồn. Hắn muốn thoát ra khỏi bi kịch để thở, để sống, nhưng hắn bất lực. Hắn ý thức được bệnh hoạn của mình, cố tìm mình trong gương chiếu hậu, muốn chữa bệnh nan y cho mình, muốn tìm hiểu sự thực về mình, nhưng cuối cùng, gần tới đích, hắn sợ. Gần chạm tay đến sự thật hắn bỏ cuộc: Chu Quý bị dầy vò giữa hai lực cản: can đảm và hèn nhát. Trải qua những kinh nghiệm kinh hồn, hắn muốn bám víu vào tình yêu; nhưng rút cục tình yêu, hay Thảo Miên, cũng chưa chắc đã là một cái gì thật sự có, hay nàng chỉ là giấc mộng, là ảo tưởng mà Chu Quý tạo ra để tìm nguồn an ủi cuối cùng?

 

*

 

Ảnh hưởng Dostoievski, Tạ Duy Anh ngày càng đào sâu những vực thẳm của tội lỗi, tìm hiểu những biến thể của tội ác, thăm dò từng nguồn phát sinh để thử trả lời câu hỏi: tại sao nó thế này mà không thế kia?

 Lão Khổ, được viết theo bút pháp hiện thực cổ điển, nhưng ở Đi tìm nhân vật Tạ Duy Anh đã biến chuyển nhiều để tạo ra một thủ pháp hiện thực mới, mà ký ức, hồi ức không còn thụ động, bất động trong mỗi trở về. Trong Đi tìm nhân vật, mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết đều đưa đến những nghi vấn: Ký ức ư? Có phải thế không? Hay chỉ là "lầm lẫn", hay chỉ là tin tức một chiều? Ký ức có trung thành không? Tại sao tôi nhớ cái này mà không nhớ cái kia? Ký ức có thể phản bội vì sự lựa lọc rất đáng ngờ trong "bộ nhớ" của nó.

Sự hoài nghi trở thành thường trực, độc giả luôn luôn bị đánh động: phải coi chừng, những điều tay ấy kể, có thể rất láo lếu. Tính chất đa âm cũng đến từ đó: ai cũng nói và ai cũng có thể gian. Cuộc điều tra sự thật không bao giờ chấm dứt. Tác giả muốn đảo ngược mọi vấn đề, mọi xác định: Tôi là ai? Ai là tôi?

Bất cứ một sự kiện nào, dù xẩy ra một cách nhỡn tiền, chỉ mấy phút sau nó sẽ bị trùm lên một đống hỏa mù của dư luận. Dư luận cộng đồng là thứ ám khí lợi hại nhất để xóa bỏ vết tích sự thật, nó là mẹ đẻ của thất thiệt, là máy chế tạo huyền thoại. Một vụ án mạng ư? Có một kẻ đi điều tra ư? Chỉ một vài khắc sau, trên miệng dư luận hàng phố: kẻ điều tra có thể biến thành kẻ gây án mạng. Tính chất lật lọng của đám đông, của cộng đồng  được xử dụng triệt để. Những guồng máy dựa trên cộng đồng để triệt hạ cá nhân, đã gián tiếp được tác giả điểm chỉ, tuy không nêu đích danh.

Con người, với bản chất ích kỷ, thờ ơ, thường ngoảnh mặt đi, "không dính" vào những vụ việc lôi thôi, có thể gây phiền hà cho mình. Nhưng vẫn hắn, con người còn vụ lợi, lèm bèm, ưa nói xấu, nên cũng sẵn sàng bôi nhọ, phết hồ vào những điều hắn biết hoặc không biết, vì sợ sệt, vì quyền lợi, vì vô tình, vì ác ý, ... vì tất cả những lý do có thể mường tượng được. Cho nên, anh có thể là anh, mà cũng có thể là người khác. Không ai nhận diện được ai, không ai tự nhận diện được mình, trong cái "cộng đồng" bát nháo mà dối trá, thành thực, đạo đức, tội lỗi... quay cuồng và tiêu diệt lẫn nhau. Tạ Duy Anh muốn kín đáo vạch mặt cái bản chất "cộng đồng" vô trách nhiệm, đầy ám hiệu và phản trắc ấy.

*

 

 

Đi tìm nhân vật mở đầu như một tiểu thuyết trinh thám: Một kẻ tình cờ vớ được mẩu báo, vỏn vẹn ghi mấy hàng: "Nạn nhân là thằng bé đánh giầy, quãng 10-12 tuổi bị một gã đàn ông đâm chết ngay tại chỗ. Hung thủ được tạm mô tả như kẻ mắc chứng thần kinh, ăn mặc sang trọng. Việc truy bắt đang được tiến hành ráo riết." (trích Ði tìm nhân vật, nxb Văn Hoá Dân Tộc, 2002, trang 6)

Kẻ đang đọc những dòng chữ ấy là tôi, nhân vật chính trong truyện. Sau này, được biết tôi tên là Chu Quý. Cái tên Chu Quý chỉ được nhắc đến vài lần trong suốt hơn ba trăm trang truyện. Chu Quý tình cờ đọc được mẩu báo, bèn quyết định đi điều tra, quyết định tìm cái mà hắn (Chu Quý) gọi là hắn: hắn có thể là hung thủ và hắn có thể là nguyên nhân án mạng. Hắn còn có thể đóng những vai khác mà hắn đang tìm kiếm... Rồi những yếu tố quái lạ khác lõm bõm lộ ra: Mảnh báo chỉ vỏn vẹn có mấy dòng, không ghi ngày và nơi xẩy ra án mạng, vậy làm sao Chu Quý lại biết đúng "chỗ ấy", một chỗ mà hắn "đinh ninh" rằng ở "gần" ngã tư của một con phố tên là phố G: chính "chỗ ấy" thằng bé đánh giầy đã ngã xuống. Nghề "sưu tập các kiểu chết" của Chu Quý là nghề gì? Công an? Thám tử hay nhà báo? Không khí Kafka ngay từ đầu. Mọi giả thử, mọi giả thuyết đều khả thể. Vì sao Chu Quý muốn điều tra? "Vì một thôi thúc nhuốm màu sắc bi kịch mà tôi không thể diễn tả được. Về sau này, rồi quý vị sẽ thấy, tôi hiểu rằng hóa ra tôi chỉ tiếp tục cuộc truy tìm hắn." (sđd, trang 8)

Đó là chữ hắn đầu tiên. Hiểu theo một cách nào đó thì hắn (hung thủ hay nguyên nhân) có thể là tôi (Chu Quý), bởi vì nếu hắn không là tôi, thì tại sao hắn lại biết được địa chỉ xẩy ra án mạng, mẩu báo có ghi rõ đâu? Nhập đề rơi ngay vào trường hợp: nhị trùng, tam trùng, tứ trùng... nhân cách mà kẻ đi tìm chính là kẻ bị tìm. Một sự tìm mình, tìm kiếm bản thân. Tôi lùng tôi: Tôi là ai? Tôi là hắn? Hắn "giết" tôi? Tôi đi tìm hắn?

Những nghi vấn đầu tiên này đã là một bước ngoặt đặt ra cho tiểu thuyết: đi từ xác định đến hoài nghi, đẩy người đọc vào tình trạng: không thể có một sự đọc mà có nhiều sự đọc. Và đó là cái bẫy của tác giả: Tất cả những vấn đề mà "tôi" đặt ra ở đây, đều bất trắc, đều nhập nhằng nhiều nghĩa, đều không có gì xác định cả, đến cả nhân vật "chính" cũng không chắc gì đã là một. Nếu bạn chấp nhận một sự lập lờ như vậy, thì hãy tiếp tục đi vào tác phẩm, đi tìm nhân vật. Con đường này đầy dẫy nghi vấn: Hắn là ai? Tại sao hắn lại hành động như vậy? Chiến tranh là gì? Nguyên nhân nào đã dẫn đến những hậu quả như vậy? Cái ác ở đâu mà ra? Tại sao người ta chết? Tại sao người ta giết người? Cái mà Chu Quý gọi là hắn, được phác họa  như sau: "Hồi đó hắn xuất hiện trước mắt tôi như một khối đen khổng lồ. Từ cái buổi tối định mệnh ấy, tuổi thơ của tôi vĩnh viễn bị chôn sống. Tôi thấy cha tôi bị cùm giải đi." (trang 41)

"Tôi chưa bao giờ nhìn vào tận mắt hắn. Sau khi lập mưu đẩy cha tôi vào tù, sau khi biến cha tôi thành thân tàn ma dại, đêm nào hắn cũng lảng vảng quanh nhà tôi khiến cha tôi suy sụp rất nhanh và chết âm thầm trong bóng tối." (trang 161).

"Có thể là hắn, dưới bộ mặt khác, đã hạ sát thằng bé đánh giầy." (trang 38).

 

*

 

Chân dung vô hình của hắn, như những mảnh puzzle trải dài trong tác phẩm, chỗ chìm, chỗ nổi, chúng mang những mặt nạ khác nhau. Ở trường hợp gã thợ săn, bắn chết người, bị bắt, bị kết án tử hình; khi nghe tuyên án, gã gào lên thê thảm, gã vạch mặt, chỉ tên hắn: "Tôi không có một chút ý muốn giết người. Hắn đã chọn tôi để trốn tội. Trong vụ này hắn đã thắng tất cả chúng ta" (trang 33). Gã thợ săn nhận mình là thủ phạm, nhưng cố cãi:

"Tôi không là thủ phạm duy nhất. Tôi hoàn toàn không có ý định giết người... Hắn, một kẻ vô hình, nhưng có mặt ở khắp nơi, ở bất cứ chỗ nào con người có sự ganh ghét thù hận, đã biến tôi thành công cụ của hắn." (trang 34-35)

Nhưng khi người ta cho phép gã "được dùng bằng chứng để gỡ tội thì gã chỉ còn biết câm lặng" (trang 34). Gã thợ săn không có bằng chứng. Gã biết là mình được hiệp săn chỉ định việc giết người nhưng không biết ngón tay chỉ là ai. Của ai? Bởi nó vô hình, nó là đêm tối.

Người anh của Chu Quý, tiến sĩ N, cũng đã gặp ngón tay chỉ đạo ấy trong chiến tranh. Trong một hoàn cảnh cực kỳ tuyệt vọng, tiến sĩ N, nộp đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. "Không một ai hồi đó hiểu được động cơ nhập ngũ của tôi. Tôi quyết định tìm kiếm một cái chết." (trang 127). Trớ trêu. N không chết. Nhưng qua những cái chết mà anh mục kích hoặc anh là tác giả, N khám phá được bản chất và thủ phạm chiến tranh: "Chiến tranh là cơ hội giết người tốt nhất. Khi đạn đã lên nòng rồi thì nó phải tìm ai đó để găm vào thì mới hợp logic. Mình phải tưởng tượng ra những kẻ mình sắp giết là bọn quỷ. Ngón tay trỏ của mình đã bắt đầu tê cứng và nó sẽ cho mình ảo giác là mình không điều khiển được nó. Mọi sự do nó quyết định [...] Ai đó từng bảo rằng, không có đàn ông sẽ không có chiến tranh. Mình sẽ cải chính chỉ cần bọn đàn ông đừng có ngón tay trỏ. Tại sao lại gọi là ngón tay trỏ. Nó dùng để trỏ đường cho ai đó. Nó là vật cụ thể hóa ý nghĩ, ý tưởng đầu tiên. Nhưng ở chiến trường phải gọi nó là ngón tay giết người mới đúng." (trang 134)

Ở đây, ngón tay trỏ, là một "vật" cụ thể, không hồn; nó "vô tư" giết người, nó "máy móc" giết người, nó cũng là một loài đêm tối, nó luôn luôn đổi chủ, đổi hành tung: Nay là hiệp săn, mai là tổ chức, mốt là guồng máy, có lúc nó là chính nghĩa, có lúc nó là tổ quốc, ... nó như con bạch tuộc nhiều đầu, nó là... hắn: "Không phải vô cớ mà tôi chuyên đi điều tra về những cái chết. Thực ra vẫn là cuộc truy tìm hắn mà tôi lao vào một cách tuyệt vọng. Có lúc tưởng như tôi đã vẽ được chân dung hắn. Có lúc hắn đã ở trong tầm tay của tôi. Có lúc hắn bị tôi phù phép cho thất điên bát đảo để lộ nguyên hình. Nhưng có lúc hắn biến hóa khôn lường, trở lại ghế phán xét hoặc bảnh bao dưới một chân dung khả ái." (trang 33)

Muốn theo dõi cuộc truy lùng này, ta phải lộn ngược về tuổi thơ của Chu Quý. "Tôi không thể nào quên ngày cha tôi bị dẫn đi. Cha tôi mảnh khảnh như một nho sinh, vì thế tôi có cảm giác cơ thể ông bị bẻ nát vụn dưới sức mạnh của mấy gã dân quân [...] sau khi cha quay đi, tôi gào lên hỏi mẹ vì sao cha chịu để người ta trói một cách dễ dàng rồi dắt đi như dắt trâu, liền bị mẹ tôi bịt miệng lại: "Thôi nào, mẹ xin con!" [...]

Điệp khúc mẹ xin con! ăn sâu vào ký ức tôi đến nỗi nó thường vang lên như là "khúc dạo đầu bi tráng" mỗi khi tôi thử tìm cách giải mã những số bí mật của quá khứ." (trang 41)

 

*

 

Từ bi kịch này, Chu Quý bước vào đời. Đó là một cuộc đời hai mặt, mặt hiện thực, va chạm với đời sống hàng ngày của một kẻ mang nhiều căn cước, hắn có thể là công an, nhà báo, thám tử có nhiệm vụ điều tra về những cái chết. Ở diện này, Chu Quý luôn luôn bị lùa vào bẫy: chẳng ai cho hắn một tin tức gì khả dĩ có thể giúp hắn truy lùng được thủ phạm. Không những thế, "cộng đồng" còn trùm lấp lên sự thật -nếu có một cái được gọi là sự thật- bằng nhiều thứ hỏa mù cạm bẫy: của xác thịt, của tiền bạc, của mánh mung, của ham muốn, của đút lót, của đe dọa, của vô tình ..., những thứ ấy thuộc loại những tội ác không để lại chứng từ, chúng có thể giết người nhưng không thấy xác, chúng là những hung thủ vô hình và vô định, chúng cũng là những ... hắn.

Ngoài mặt nổi này, Chu Quý còn một mặt chìm: cuộc sống nội tâm. Nội tâm rất khắt khe, khốc liệt với hắn, nó bắt hắn phải triệt thoái về quá khứ để truy lùng tội ác của chính mình. Nó hỏi cung: tại sao hắn lại hãm hiếp người con gái ấy? Tại sao hắn lại bị liệt dương? Tại sao hắn lại trở thành tàn phế, bệnh tật như ngày nay?

Kẹp trong thế bố ráp của hai mặt chìm nổi này, Chu Quý khám phá ra những bộ mặt, những con người đã xây dựng nên màng lưới xã hội: từ trí thức, nhà văn, bộ đội đến gái điếm, ma cô ... mỗi nhân vật đều có những ẩn mật của đời mình, đều ít nhiều dây dưa đến dĩ vãng của hắn.

Tiến sĩ N, người anh sinh đôi của Chu Quý, đưa ra một thoại khác về người cha: Vì linh cảm trước thời thế và số mệnh của mình, cho nên ông đã tách rời hai đứa con, N và Chu Quý, từ lúc lọt lòng. Chu Quý được một gia đình khác nuôi nấng. Quả nhiên sau đó người cha bị mắc nạn, bị xử treo cổ hai lần, một lần đang sống và một lần đã chết: "Treo cổ lần thứ hai, sợi dây lút qua lớp thịt đã thối vào tận xương, để cha tôi biết rõ tội trạng mình, do một chị mắt toét vừa bịt mũi vừa đánh vần bản tuyên án." (trang 122)

Chưa nói về hai anh em "sinh đôi" tiến sĩ N và Chu Quý, đã là một trường hợp nhị trùng nhân cách, mà ngay  người cha, cũng đã "nhân đôi": bố của N chết khác bố của Chu Quý. Vậy họ có một bố hay hai bố? Chu Quý có một bố nuôi và một bố ruột chăng? Cả hai đều bị xử tử? Hay chỉ là chuyện của một người mà hai "bộ nhớ" của hai anh em ghi lại khác nhau? Tiến sĩ N, có thể là bộ mặt thứ nhì của Chu Quý, và cả hai "anh em" đều tiềm ẩn một chất hắn, chất bóng tối, chất ma túy, đong đưa giữa giả và thật, giữa tội ác và trừng phạt. Và chung quanh họ là những nhân vật đầy mờ ám, vật vờ trên đường tìm mặt thật của chính mình, một hành trình không bao giờ tới đích: Ông Bân, nhà văn đi tìm nhân vật, là người duy nhất hình như đã tìm thấy: nhân vật của ông chính là Chu Quý, phản diện của bản thân ông.

Đi tìm nhân vật gồm nhiều tiểu thuyết trong một tiểu thuyết, nhiều tác giả trong một tác giả, nhiều nhân vật trong một nhân vật. Trong những nhân vậy ấy, Thảo Miên bước ra từ giấc ngủ, một thứ Lolita ngơ ngác, thất lạc trong cuộc đời. Thảo Miên "thành người" từ khi được mục kích những thác loạn dục tình của mẹ. Nàng lao vào vùng cấm địa của "tội lỗi", với bề ngoài băng trinh; Thảo Miên như một tiên nữ sa lầy mà Chu Quý tìm cách giải thoát để xây dựng một tình yêu tuyệt vời, thánh thiện, để có thể tin rằng: ngoài tất cả những xấu xa tàn mạt, con người vẫn còn  tình yêu.

Nhưng rồi đến cả Thảo Miên cũng chưa chắc là có thật, hay chỉ là giấc ngủ dài, giấc mộng triền miên của Chu Quý, kẻ lạc đường, kẻ vướng sa lầy chưa bao giờ tỉnh mộng?

Paris, tháng 3/2003

 

© Copyright Thụy Khuê 2003