Phòng triển lãm mùa đông

 của Thơ Thơ

 

 

Phòng triển lãm mùa đông gồm mười bốn truyện ngắn, thì ít nhất có đến tám truyện đặc sắc, trường hợp đặc biệt đối với một tác phẩm đầu tay. Những nét đặc sắc này toát ra ở không khí khác thường của tác phẩm, như trong các truyện Vườn lan, Mùa hè ... từng đoạn ngắn, Phòng triển lãm mùa đông, Lời chia tay cuối, Một nơi để viết. Hoặc đến từ môi trường bình thường, gần như tầm thường của cuộc sống hàng ngày, mà tác giả đã vắt ra được những cái bất thường, như trong các truyện Sơn, Nhà trẻ, Độ đau của máy, v.v...

 

Vườn lan giới thiệu không khí truyện ngắn của Thơ Thơ. Không khí ấy, trước tiên là gì? Là khoảng không gian và thời gian bất định. Tác giả đi từ một thực tại ký ức để tạo ra một không gian phi ký ức, không gian hư cấu. Vườn lan ở đây chẳng phải là một vườn lan bịa, cũng không phải là vườn lan đã có trong thực tế cuộc sống (ví dụ một vườn lan ở gần Sài Gòn, gần Hà Nội, hay ở Cali) mà là một vườn lan hư cấu, được tạo ra từ thực tại ký ức của nhà văn. Trong vườn lan mới này, Thơ Thơ đã nắm bắt được con đường của hư cấu và của sáng tạo. Không khí truyện vừa có âm hưởng mờ ảo huyền thoại, lại có tính chất ngây thơ, trong sáng của một hồn trinh.

Vườn lan viết về hoa lan, nhưng trong Vườn lan ẩn nhiều hồng tâm khác: có đam mê, có ghen tuông và đằng sau là cái chết. Ba yếu tố đó được nhà văn đặt trong bối cảnh vườn lan của một ký ức xa xôi, có thể đến từ suối Đa Mê, Đà Lạt, với Nhất Linh, trong tiềm thức, mà cũng có thể đến từ những tiếp nhận khác trong cuộc sống. Vườn lan che dấu một truyện tình thầm kín giữa cô gái tên Hiền và chú Tường, bạn của ba nàng. Vườn lan gói trọn những đam mê tha thiết nhất của hai chú cháu về một cõi lan có đóa Vanda, mầu rêu hiếm quý. Vanda trùng hợp với cõi sáng tạo, bởi nó vừa huyền ảo, vừa ma quái, nó có khả năng hớp hồn những kẻ đam mê cái đẹp. Vanda mang những cánh hoa hình môi, có thể "biến dạng ra một con bọ, với cái đầu quá khổ, trán thấp, cằm bạnh, đôi mắt tròn xoe nhìn tôi chằm bằm. Nó là con sâu, mặt khỉ, khoác lên mình cánh bướm nhung mượt mà huyền ảo." ( trích Vườn lan, trong tập Phòng triển lãm mùa đông, Văn Mới, California, 2002, trang 22)

Vườn lan có sắc thái địa đàng nhưng đầy cạm bẫy, với những đóa lan tuyệt sắc nhưng biết đâu đã chẳng hóa thân từ một thứ quái vật khủng khiếp như con sâu ma quái dị kỳ? Và cái đẹp nào mà chẳng thoát xác từ một tiền thân gớm ghiếc? Sự đam mê nào mà chẳng chứa nhiều độc dược chết người?

Vườn lan như một bản nhạc dạo đầu huyền bí, mở cửa vào không khí truyện ngắn của Thơ Thơ với đặc điểm chung: tất cả đều là phác họa nhưng là thứ họa phác nhiều chân dung chập chùng trong một, tất cả đều mờ mờ sương khói, nhưng dưới lớp khói sương trổi lên những hình hài kỳ dị đầy ma lực quyến rũ.

 

Truyện ngắn Mùa hè ... từng đoạn ngắn có thể đã khởi đi từ những bức tĩnh vật Cézanne, rõ hơn là từ những trái táo Cézanne:

"Đó là lúc chín nhất của mùa hè. Những trái táo bắt đầu căng mật. Từ trong lá cây thoảng ra những ngọn gió màu xanh thẫm. Mẹ lúc đó chưa đến bốn mươi, mặc áo màu nhạt cho đỡ nóng, trước ngực đeo chiếc yếm bằng vải những khi làm việc ngoài vườn. Tôi rất yêu chiếc yếm ấy, nó màu hồng lợt, có thêu những cái gầu tưới nước, và vài dụng cụ làm vườn khác, máng trên hàng rào gỗ lưa thưa dưới gấu.

Lúc đó mẹ mới từ vườn vào. [...] Dáng đứng uể oải cắt lên khung cửa, tạo thành một mảnh tối ngăn giữa khu vườn và màu đỏ của những quả táo.

Đó là giây phút đẹp nhất của mùa hè.

Những quả táo nằm nổi bật trên nền đĩa lam, cạnh một bình hoa vàng -hoặc đĩa xanh chuối non nếu hoa màu tím phớt..., những màu sắc và trang trí có thể thay đổi, nhưng chủ đề chính vẫn luôn luôn là táo. Nhìn những quả táo có thể đoán được bước đi của mùa hè." (sđd, trang 37)

Không thể là một cảnh thực mà phải là một cảnh trong tranh. Nhưng cũng không hẳn như thế, có lẽ là một cảnh từ tranh đi ra, "trải đầy những ý tưởng Cézanne" và có bàn tay Thơ Thơ vẽ lại trong chuyển động như một cuốn phim. Mẹ ở đây rất mơ hồ, trong hồi ức hay trong tranh bước ra? Thời gian của mẹ được xác định bằng những trạng từ bất định: Lúc đó... Lúc đó... Mẹ mặc yếm hồng như người đàn bà mặc tablier trong tranh Cézanne chăng? Rất có thể mùa hè và vườn táo ở đây, được dựng lên từ một studio nhỏ, trên tầng lầu thứ mười một, của một building hơn một trăm tầng, với cây dừa nhỏ ở bao lơn và những trái cây đỏ, chắc là ở trong tranh nên không bao giờ ủng thối, và một chiếc bình pha lê đựng chất tinh táo. Tất cả những chất liệu "thật" ấy đã giúp tác giả "dựng" lên và sống lại, những mùa hè xưa, thần tiên với mẹ, mà người mẹ ấy không biết đã đi rồi hay vẫn còn tại thế? Mẹ ở trong một không gian mơ hồ hay một trần gian nào khác?

Tính chất thơ mộng ở đây không toát ra từ văn phong mơ mộng, chĩu nặng tình cảm như trong cách viết lãng mạn cổ điển, mà toát ra từ sự hòa trộn một cách nghệ thuật và bí mật giữa các yếu tố thật và ảo, bất động và chuyển động, giữa tranh và người, dĩ vãng và hiện tại. Giọng văn dật dờ như những đợt sóng, càng làm tăng thêm nhịp chuyển và nhịp mơ, như một giao lưu thuần túy giữa hội họa và cuộc sống, giữa thực tế và tưởng tượng.

 

Truyện Phòng triển lãm mùa đông cũng xây dựng trên những bức tranh treo trong một phòng triển lãm bụi bậm, phong rêu nào đó, chẳng biết có thực hay trong tiềm thức. Những bức tranh đều bị phủ kín như "mạng che mặt của người đàn bà Trung Đông". Chất huyền ảo toát ra từ những bức hội họa, do chị, một nhân vật liêu trai huyền bí vẽ. Chị, là ma hay là người? Nàng còn sống hay đã chết? Nàng không bao giờ vẽ được chân dung của chính mình, bởi nếu đã là ma thì làm gì có chân dung? Sao tay nàng lúc nào cũng "lạnh ngắt""ướt đẫm mồ hôi"?

 Phòng triển lãm mùa đông còn là lịch sử một chuyện tình, một đam mê tuyệt đối của người nghệ sĩ. Nàng vừa là đối tượng nghệ thuật, vừa là kẻ sáng tạo, nàng đã chết vì muốn thể hiện tác phẩm của đời mình: "Chị sẽ vẽ một bức tranh màu nước hồ, màu này không ai pha được, phải lấy từ chính nước hồ này" (sđd, trang 56), hay là nàng chết vì tuyệt vọng? Vì không tìm thấy tâm hồn tri kỷ?

Ðời chị có hai mối tình: người yêu và người cha. Người yêu (họa sĩ) cũng không vẽ nổi chân dung của nàng, hay đã không tìm được phần tâm hồn khuất dấu thầm lặng của nàng để vẽ nên tranh. Hình như anh ta cũng chỉ vẽ được chân dung chính mình qua diện mạo nàng mà thôi. Một sự không thông cảm, không hiểu người mình yêu, dầy đặc ở đây, trong không gian này.

Người cha yêu thương và quý trọng nàng đã phũ phàng kiểm soát tự do của nàng ở hai mấu chốt thiêng liêng nhất: yêu đương và nghệ thuật. Tình yêu nghẹt thở của người cha, thiếu dưỡng khí, không mơ mộng, không hão huyền, đã giam nàng, trong phòng này.

Và một đêm, nàng tìm cách vượt biên, vượt không gian tù hãm của "không hiểu", "không cảm" để đi trên một con đường khác, con đường trên tranh, con đường của sáng tạo, của mờ ảo, của hình như, của lân tinh, của giải thoát... Nhưng rồi con đường cũng biến mất, không còn dấu vết nào nữa. Phòng triển lãm mùa đông là một trong những truyện ngắn hay nhất của những người viết trẻ trong mấy năm gần đây và nó xác định Thơ Thơ như một nhà văn đích thực: Chị đã vẽ một truyện đời lên tranh qua ngả ký ức rồi từ tranh, rút ra những đam mê, những đớn đau, tuyệt vọng của kiếp người.

 

Trong truyện ngắn Lời chia tay cuối, những đớn đau phát xuất từ một ca khúc, những chết chóc khởi đi tự âm thanh của đời. "Chúng tôi đứng ngoài nhìn vào, những bức tranh trong căn nhà cuối cùng anh ở đã trổ ra những cánh cửa vòm trời. Gió lật xành xạch những trang nhạc. Về đêm, tường trong phòng vọng lại những âm vang thu được của ngày, tiếng xôn xao của người, tiếng ồn ào của ngõ, tiếng lào rào của lá đã lẩn trốn vào đây ... Từ bốn góc phòng đồng thanh trổi dậy những dòng nhạc ưu phiền, thì ra tất cả những bài ca trong bao nhiêu năm tháng đã lưu trữ vĩnh viễn ở đó, trong những vách tường tưởng là câm lặng." (sđd, trang 95)

Ai đã từng đến nhà Trịnh Công Sơn sẽ cảm nhận được phần nào dòng nhạc "lưu trữ vĩnh viễn" trổi dậy từ bốn vách tường. Ai đã từng đặt chân lên mảnh đất Việt Nam sẽ hiểu được rằng: "Đất ở đây độc lắm, bao nhiêu người ra đây rồi chết ở đây. Đất cùng lúc mở ra những vết thương cũ, bề mặt sần sùi của đất vỡ toác như da thịt người." (sđd, trang 96)

Lời chia tay cuối có thể là lời chia tay với Trịnh Công Sơn, mà cũng có thể là lời tạm biệt một du ca, một lãng tử, một thi nhân, tạ từ một thành phố.

"Đường phố đã đổi tên mà tôi không hay, mỗi con đường hóa thành một ca khúc của anh. Trong một góc công viên, chợt rực lên một vùng còn nắng, khác hẳn nơi chúng tôi đứng, những cánh chim bay không mỏi mệt, bay từ nắng qua mưa, từ thu vào hạ, từ xuân đi ngược về đông. Cuối cùng một đám sương đục bay lùa đến, không còn nhìn thấy gì nữa." (sđd, trang 94)

Chất thơ trong văn ở đây, chẩy từ vô thức đem theo những hình ảnh vô thường: chim bay từ nắng qua mưa, từ thu vào hạ, rồi mỗi con đường lại luân hồi trở thành một ca khúc, ca khúc tâm tưởng chuyển tả một thực tại của thực tế, ra ngoài thực tế; một thực tại siêu thực cực kỳ đớn đau; nói lên những đổ vỡ sâu xa, những mất mát không cứu vãn được trong cuộc sống "đổi đời" mà truyện ngắn khác trong tuyển tập, Sơn, đã khắc họa qua bút pháp hiện thực.

 

Vẫn trong địa hạt hiện thực, Nhà trẻĐộ đau của máy viết về những đớn đau của con người trong xã hội Mỹ, đất nước cực kỳ tiên tiến với tất cả tiện nghi khó tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Nhà trẻ, như tên gọi, là nơi cha mẹ gửi con để đi làm. Ở đây, mọi tiêu chuẩn đều đạt mức tối đa: Mỗi cô giáo trông nom nhiều nhất là mười hai đứa bé. Mỗi đứa nhỏ được thay tã một ngày bốn lần... Đó là những tiện nghi bề mặt. Dưới bề mặt đạt tiêu chuẩn này là một chiều sâu không đáy, chiều sâu u tối của con người: Bà giám đốc nhà trẻ sử dụng phương pháp triệt để đối với những đứa bé khó dậy. Cô giáo Lynn cố gắng đem lại một chút tình thương cho lũ trẻ. Nhưng chính Lynn cũng lại có những dồn nén riêng tư, và một ngày, không nén được, cô đã trút hết những ẩn ức dục tình lên đầu đứa trẻ năm tuổi. Nhà trẻ đột nhập vào những ngõ ngách kỳ dị của con người mà bất cứ cơ chế xã hội nào, cho dù được gọi là văn minh, là đỉnh cao tiến bộ, cũng không thể điều tra, kiểm soát được.

 

Độ đau của máy trực tiếp đi vào không khí căng thẳng của đời sống Mỹ. Miền đất hứa, miền đất được hoài vọng như một thiên đường của tự do, lẽ phải. Nơi mà hầu hết mọi vấn đề phức tạp của con người đều có thể đo đạc, chỉnh lý bằng máy móc tân kỳ. Nơi gần như bảo đảm tuyệt đối không thể sai lầm, không hề có bất công, không thể có căn bệnh xã hội nào mà cường quốc tối ưu này không có phương pháp chữa trị. Vấn đề ở đây là Trợ tử, Euthanasie, đối với những người mà y học đã bó tay, chỉ còn chờ chết. Họ có quyền nhờ người khác trợ giúp để kết liễu đời mình không? Nước Mỹ với những phát minh khoa học tân kỳ và một thể chế chính trị cực kỳ dân chủ, một bên là đạo luật Trợ tử và Ân sát được đưa ra bàn cãi trước quốc hội, một bên là các bác sĩ chuyên môn đưa ra những máy móc tân tiến nhất để đo độ đau của con người. Thơ Thơ, đã vẽ được một cách chính xác không khí sôi nổi, nóng bỏng của xã hội Mỹ mà tất cả đều đưa ra ánh sáng. Tất cả đều tỏ rõ mồm một, chỉ trừ mỗi một chi tiết: trong những hoan hô, đả đảo, biểu tình, hội luận, báo chí, truyền thanh, truyền hình, mọi người đều quên mất một điều "cái đau là sở hữu duy nhất không ai đánh cắp được của con người" (trang 168). Độ đau, không máy nào đo được, chỉ có thể cảm nhận mà không thể truyền đi, nó là một sản phẩm vô tính, vô hình, vô thể, vô lượng, vô lường. Như cô đơn, nó mang hai yếu tính: hư vô mà hiện hữu, nó là sở tại của con người, còn sống còn đau.

 

Truyện ngắn sau cùng Một nơi để viết, Thơ Thơ đã tìm cách tiểu thuyết hóa hành trình sáng tạo; mổ xẻ, tìm hiểu hành động viết của mình như thế nào. Bối cảnh tập trung trong một căn phòng như một thứ tòa soạn hay sân khấu ở trong óc. Căn phòng này có hai cửa chính: một cửa dành cho nhân vật, một cửa mở vào đời. Tác giả không có quyền gì mấy trong căn phòng này, tác giả chỉ là một loại thư ký (scripteur), ghi nhận những gì nhân vật muốn nói. Và nhân vật cứ tự do vào, khi có điều muốn nói, cũng như tự do ra, khi đã nói xong. Trong "tòa soạn" này, chủ bút, nhân vật và tác giả không ngừng thảo luận, thay đổi, thêm bớt, phê bình, bàn bạc để tìm lối thoát cho mạch truyện và cho nhân vật. Đây là một đoạn đối thoại giữa ông chủ bút và nhà văn:

- Viết là một hành động đi tìm, có thể anh sẽ phải lang thang, có thể anh đi lạc vào rừng, nhưng đó là cách duy nhất để tìm ra.

- Nhưng nếu tôi không thoát ra khỏi khu rừng được?

- Hãy tưởng tượng. Tưởng tượng sẽ giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc cụ thể nhất. Tưởng tượng sẽ dẫn anh vào những chỗ chưa ai biết đến, anh chưa biết đến. Và anh phải liều lĩnh, dám đi vào những chỗ xa lạ đó. (sđd, trang 175)

Một nơi để viết là một thử nghiệm bút pháp và tư tưởng rất mới lạ, nó tập hợp nhiều yếu tố, nhiều hành động trong một: người viết, người đọc, nhân vật, tưởng tượng và thực tế. Đó là "nơi để viết", nó thu thập tất cả những thông tin mà "đầu não" nhận được, rồi từ đó truyền đi, nhào nặn lên những cảnh huống, những nhân vật. Viết ở đây được quan niệm như một thao trường mà người viết chỉ là một scripteur; cho nên, nếu không sống thì không viết được, vì thiếu thông tin; nếu không tưởng tượng thì không viết được, vì thiếu sáng tạo. Do đó, sống và tưởng tượng là hai yếu tố tiên khởi và nòng cốt nuôi dưỡng bộ não tòa soạn để xuất bản văn chương.

 

*

 

Thơ Thơ là một trong số rất hiếm nhà văn đã tìm được đường đi của mình trong tình trạng bế tắc chung hiện nay. Sáng tác của Thơ Thơ thường xuất phát từ sự tự hỏi, tự tra vấn hành động viết của mình, rồi sau đó mói dùng tới những hành trang như ký ức, tưởng tượng. Khi đã nắm vững được cơ cấu của sáng tạo, người nghệ sĩ không thể bí, vì bất cứ từ đâu họ cũng có thể tìm ra lối đi của sáng tạo. Thơ Thơ đã đi từ tuổi thơ, từ những bi kịch của gia đình, để viết những truyện ngắn đầu tiên, gồm những đoản thiên nhẹ nhàng, dựa vào hồi ức như trong các truyện Mùa xuân trắng, Ba sẽ về ngày mai, ... rồi dần dần, tiến xa hơn, nắm vững nghệ thuật hơn, Thơ Thơ đi từ màu đỏ táo trong tranh Cézanne, từ những bức ấn tượng hồ nước của Monet, từ một bài ca, từ một lớp sơn, từ một vườn lan, từ một nhà trẻ, từ một căn phòng bệnh viện ... tóm lại tất cả những gì trong cuộc sống tầm thường nhất, đơn sơ nhất cũng có thể thúc đẩy nhà văn sáng tạo về những chủ đề ray rứt nhất của con người, như đam mê, ẩn ức dục tình, sống và chết ... bằng một nghệ thuật độc đáo mà thơ, văn, nhạc, họa cùng gặp nhau trong tác phẩm của Thơ Thơ.

Paris tháng 9/2002

© Copyright Thụy Khuê 2002