Thụy Khuê

Nói chuyện với dịch giả Trần Thiện Ðạo

 Tạp chí Văn là một bán nguyệt san văn học, phát hành tại Sàigòn từ năm 1964 đến năm 1975. Trong hơn mười năm trời, Văn đã giữ một địa vị khá quan trọng trong sinh hoạt văn học miền Nam, cạnh các tạp chí khác như Bách Khoa, Nghệ Thuật, Hành Trình, Ðất Nước v.v...
 Bên cạnh bán nguyệt san Văn còn có nguyệt san Văn và nguyệt san Tân Văn, cả hai chuyên về nghiên cứu và phê bình với những cây bút thường xuyên cộng tác như: Tám Ích, Trương Văn Chình, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc, Lê Huy Oanh, Nguyễn Mạnh Côn, Trần Thái Ðỉnh, Kim Ðịnh, Nguyễn Minh Hoàng, Huỳnh Phan Anh, Châu Hải Kỳ, v.v...
 Tạp chí Văn, ngoài phần giới thiệu các tác giả Việt Nam, còn giới thiệu với độc giả một bộ mặt văn học thế giới khá đa diện, qua những số có chủ đề về các tác giả như: Somerset Maugham, Chekhov, Luigi Pirandello, Shintaro Ishihara, Graham Greene, Richard Wright, John Updike, Hermann Hesse, Bertold Brecht, Miguel Angel Asturias, Tennessee Williams, Boris Pasternak, Marcel Proust, Erskine Caldwell, Hồ Thích, André Gide, Thomas Mann, Evtouchenko, Carson Mc Cullers, Simone de Beauvoir, J.P. Sartre, Albert Camus, Alain Robbe Grillet, Frank Kafka, v.v...

 Trần Thiện Ðạo (còn có bút hiệu khác là Trần Mai Lan, Mõ Làng Văn -tên chung với nhiều nhà văn khác-) là một trong những cây bút chính của Tạp chí Văn. Ông sinh năm 1933, sang Pháp năm 1950 rồi cư ngụ luôn ở Pháp và ở Anh, với nghề dạy học. Nhưng ông đã tham dự vào sinh hoạt văn hóa trong nước, đặc biệt về  dịch thuật và phê bình.
 Trần Thiện Ðạo ở trong ban chủ biên các tạp chí: Bán nguyệt san Văn, nguyệt san Văn nghiên cứu và phê bình, nguyệt san Tân Văn nghiên cứu và phê bình và cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, tuần báo Nghệ Thuật v.v...

 - Về dịch thuật, ông đã dịch các tác phẩm lược kể sau đây:

 Cậu Hoàng Con (Le petit prince) của Saint Exupéry,
 Giao Cảm (Noces) của Albert Camus,
 Bề Trái Và Bề Mặt (L'envers et l'endroit) của Albert Camus,
 Sa Ðọa (La chute) của Albert Camus,
 ...
 Kín Cửa (Huis Clos) của Jean Paul Sartre,
Phấn Ðấu Cho Một Nền Tiểu Thuyết Mới (Pour un nouveau roman) của Alain Robbe Grillet,
Im Lặng Của Biển Cả (Le silence de la mer) của Jean Bruller Vercors,
Zadig của Voltaire,
Ao Qủy (La mare au diable) của George Sand,

- Về trước tác, ông có cho in một số sách kỹ thuật về luật bảo hiểm viết bằng tiếng Pháp và một cuốn khảo luận văn học viết bằng tiếng Anh: The stream of consciousness inVirginia Woolf's novels (Ðộc Thoại Nội Tâm Trong Tiểu Thuyết Của Virginia Woolf)
 Tập sách Tiểu Luận Và Phê Bình vừa in xong, chưa phát hành thì xẩy ra biến cố tháng 4/75. Toàn bộ mất tích.

 Những năm gần đây, ông có dịp về nước nhiều lần và biết rõ tình hình dịch thuật hiện nay ở trong nước. Trong buổi nói chuyện đã được truyền thanh trên đài RFI vào tháng 9 vừa qua, dịch giả Trần Thiện Ðạo nhắc lại hành trình báo Văn tại Sàigòn trước 75 và tình trạng dịch thuật hiện nay tại Việt Nam. Nhận thấy tầm quan trọng của buổi nói chuyện này, chúng tôi in lại trên Hợp Lưu để gửi đến độc giả.
 Tình trạng dịch thuật hiện nay ở trong nước mà Trần Thiện Ðạo trình bầy dưới đây, có lẽ cũng là tình trạng chung của các sản phẩm dịch ở ngoài nước mà người đọc thường xuyên bắt gặp trên các tạp chí văn học tại hải ngoại. Do đó, tiếng chuông báo động mà Trần Thiện Ðạo gióng lên hôm nay, mong được tiếng vang, không chỉ ở trong giới làm và đọc văn học trong nước mà cả ở ngoài nước.
Thụy Khuê
 

Thụy Khuê: Xin cám ơn anh Trần Thiện Ðạo đã nhận lời tiếp xúc với thính giả RFI. Thưa anh, trong thời kỳ từ 64 đến 75, mặc dù sống ở Pháp, anh đã có những hoạt động đắc lực cho tờ báo Văn ở Sàigòn. Anh là một trong những cây bút chính. Xin anh nhắc lại sự ra đời và hoạt động của báo Văn.
TrầnThiện Ðạo: Hai người có thẩm quyền hơn tôi để trả lời câu hỏi của Thụy Khuê là Nguyễn Ðình Vượng và Trần Phong Giao. Chính họ mới thật sự là rường cột và tâm hồn của bán nguyệt san Văn, của nguyệt san Văn và Tân Văn nghiên cứu và phê bình.
 Ờ thời buổi mà ai nấy đều chú tâm vào việc hối hả làm tiền, có một người, Nguyễn Ðình Vượng, đã dám đầu tư, điều hành và quản lí một tạp chí thuần văn nghệ mà không hề quị lụy bất kể định chế nào. Còn người kia, Trần Phong Giao, đã đổ rất nhiều mồ hôi cải thiện và hoàn hảo cái trọng trách được giao bấy giờ là làm thư kí tòa soạn, không lệ thuộc bất luận đường hướng và trường phái nào, cũng không nhường bước hạ mình dưới sức ép của bất kì ai.
 Chính nhờ thế đứng độc lập đối với chánh quyền và đối với các trào lưu thời thượng, về mặt tài chánh cũng như về mặt nghệ thuật, mà tạp chí Văn đã qui tụ được quanh mình hầu hết nhà văn và trí thức có mặt bấy giờ ở miền Nam. Ðầy đủ mọi xu hướng, từ kẻ nằm vùng đến phường vô định. Ðầy đủ mọi thế hệ, non-trẻ có, già-dặn có. Ðầy đủ mọi trường phái, cổ điển, lãng mạn, hiện thực, hiện sinh và nhiều nữa...

TK: Người đọc lúc ấy chờ đợi gì ở bán nguyệt san Văn, thưa anh?
TTÐ: Với mô hình làm văn nói trên, độc lập, cởi mở, tạp chí Văn ra mắt bạn đọc đầu năm 1964, nghĩa là ngay sau ngày chế độ gia đình trị Diệm-Nhu sụp đổ, đúng vào lúc cả tác giả lẫn độc giả thảy đều mong mỏi có một chỗ để viết và đọc tác phẩm chiều hướng khác nhau: họ đã quá ngấy loại văn chương độc tôn, nhạt nhẽo tràn đầy khắp hai nửa đất nước lúc bấy giờ. Tạp chí Văn đã đáp ứng nhu cầu đó một cách tuyệt vời. Không những thâu hút được độc giả và tác giả ngay từ đầu, tạp chí Văn còn được tín nhiệm ngày càng rộng rãi, ngày càng đông. Thành công lâu dài và sâu sắc này xét ra cũng dễ hiểu. Về phía tác giả, bài viết luôn luôn được tôn trọng, không hề bị cắt xén, sửa chữa. Phần khác, chắc ít có tạp chí nào trả nhuận bút mau lẹ và sòng phẳng hơn. Về phía độc giả, Thụy Khuê cứ nghĩ tới con số hai chục ngàn người mua thường xuyên để đoán chừng số người đọc thật sự, chắc ít có tạp chí nào nhiều độc giả hơn.
 Trở lên trên, tôi vừa cố gắng thay mặt hai người đáng lẽ phải trực tiếp trả lời câu hỏi của Thụy Khuê, vì họ mới thật sự là người đã chủ trì mọi hoạt động và đưa tạp chí Văn tới chỗ thành công, vừa về mặt thương mãi, vừa về mặt văn chương. Tiếc thay Nguyễn Ðình Vượng nay đã thành người thiên cổ, còn Trần Phong Giao thì từ sau biến cố 1975, lại xem chừng ít khi chịu lên tiếng. Tôi đành phải đích thân làm kẻ phát ngôn thay họ.

TK: Văn có một chủ trương giới thiệu khá cặn kẽ các tác giả lớn của văn học thế giới đến độc giả Việt Nam, qua những số có chủ đề từ Hemingway qua Hermann Hesse đến Simone de Beauvoir chẳng hạn, có phải như vậy không anh?
TTÐ: Nói chung, đa số độc giả tạp chí Văn thảy đều thuộc thành phần có trình độ trung học hoặc đại học. Ham đọc, hiếu học và ưa suy nghĩ.
 Như đã nói ở trên, họ đã chán ngấy mớ văn chương độc thoại một chiều trong lời ăn tiếng nói cũng như trong í đồ chánh trị. Họ chán ngấy thứ văn chương cần lao nhơn vị ở bên này hay hiện thực xã nghĩa ở bên kia. Vì một lí do hết sức đơn giản là các tác phẩm loại đó ít khi được viết ra -tôi nói viết ra chớ không nói sáng tác- qua trái tim và cảm xúc. Cho nên độc giả bấy giờ sẵn sàng tiếp nhận, nhiều khi với một tấm lòng rộng lượng khôn cùng, mọi khuynh hướng, mọi tiếng nói, mọi lời văn đến từ mọi chưn trời khác nhau, miễn là nó tránh thói nhai đi nhai lại mớ bầy nhầy đã đến thời biết rồi khổ lắm nói mãi chẳng còn ai thèm nghe, thèm đọc nữa.
 Í thức được thực thể đó, nên ngay từ số đầu, tạp chí Văn đã tự đặt cho mình cái nhiệm vụ giới thiệu các tác giả lớn ngoại quốc hay Việt Nam, của nền văn học thế giới. Như đại diện cho những chưn trời mới xưa và nay, chớ không phải vì họ là nhà văn ngoại quốc hay Việt Nam.
 Tôi muốn nhấn mạnh chỗ tiểu dị quan trọng này với Thụy Khuê, cho mọi sự được sáng tỏ, để xóa bỏ một số ngộ nhận tiềm ẩn ngay trong câu hỏi của Thụy Khuê.
 Bởi chủ trương của tạp chí nằm trọn ở í đồ của ban biên tập là dọn đường thế nào cho độc giả của mình nhận thức được tánh chất đa dạng và bản chất đa tạp của nghệ thuật nói chung và của văn học nói riêng. Ngược lại với thứ đường lối độc hành bấy giờ ở hai nửa đất nước.

TK: Thưa anh, vậy việc làm của báo Văn đã có ảnh hưởng như thế nào đối với độc giả miền Nam lúc bấy giờ?
TTÐ: Còn về ảnh hưởng của chủ trương này đối với độc giả miền Nam bấy giờ ra sao? Xin Thụy Khuê cho phép tôi kể một câu chuyện thật, xảy ra hơn một phần tư thế kỉ sau thời kì thịnh hành của tạp chí.
 Năm 1994, tôi có cái hân hạnh được một tổ chức công đoàn nghiệp vụ Pháp chỉ định đi giảng dạy ở Ðại học Tài Chính và Kế Toán Hà Nội. Lớp học gồm có nhiều giáo viên các trường Ðại học Hà Nội (38 người), Huế (1 người), Sàigòn (3 người) về dự. Khi tôi được giới thiệu, nghe đến tên tôi, bốn anh chị em Huế và Sàigòn tỏ vẻ lấy làm ngạc nhiên ra mặt, bồn chồn cả một buổi học. Ðợi đến khi tan trường, họ mới mon men đến kề bên tôi, chào hỏi rồi ngập ngừng:
 - Thầy, thầy, có phải thầy ngày xưa viết cho báo Văn không? Nhờ tờ Văn do ba má còn giữ tới nay nên chúng em mới hiểu biết chút ít về các trào lưu văn hóa trên thế giới và các nhà văn Việt Nam nổi tiếng trước cách mạng.
 Câu chuyện vỏn vẹn có vậy nhưng súc tích biết bao.
 Chính một trong những học viên này, năm sau, thư cho tôi hay cuốn Sa Ðọa của Albert Camus do tôi giới thiệu, phiên dịch và chú giải, vừa được tái bản, mà tôi không dè.

TK: Riêng anh, anh nghiêng hẳn về phía giới thiệu và dịch các tác giả hiện sinh như J.P. Sartre, Simone de Beauvoir và Albert Camus. tại sao anh lại lựa chọn như thế?
TTÐ: Thật tình mà nói, không phải chính tôi đã tích cực chọn trong số tác giả thuộc nhiều trường phái khác nhau, các nhà văn hiện sinh để giới thiệu họ với độc giả Việt Nam. Mọi sự diễn biến phần lớn là do thời thế, còn phần quyết định cá nhơn xét ra rất nhỏ. Tôi không thấy có chút mặc cảm nào thú nhận như vậy, xưa nay ít có anh hùng tạo nên thời thế, mà ngược lại thì nhiều.
 Số là bấy giờ triết thuyết hiện sinh xuất hiện như trào lưu văn học thịnh hành một cách có thể bảo là hùng hồn như ở Tây Âu và đặc biệt ở Pháp. Nhờ tài năng nhiều mặt của mấy tác giả Thụy Khuê vừa nhắc tới trong câu hỏi, như Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir và nhiều nữa. Các nhà văn đó đã đương nhiên chiếm lãnh mọi hoạt động, chi phối mọi lãnh vực báo chí, truyền thông trong hầu hết mọi ngành xã hội, chánh trị, nghệ thuật. Riêng trong địa hạt văn học, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của họ: luận thuyết, tiểu thuyết, truyện kể, kịch nói, phim ảnh đến cả thi ca và hội họa. Tôi bị lôi cuốn theo cơn bão văn học đó.
 Cụ thể hơn, tôi tình cờ gặp được một dịp may. Ðầu hè năm 1964, tôi đi nghỉ ở vùng Provence, miền Nam nước Pháp, đúng vào khoảng thành phố Arles đương tổ chức Hội diễn mùa hè. Thế là tôi đi dự suốt mấy ngày đêm ròng và đặc biệt, dự buổi trình diễn vở kịch nổi tiếng Les Mouches của Jean-Paul Sartre. Ngay sau đó, tôi viết bài tường thuật dưới dạng một bức thư dài gởi cho Trần Phong Giao, đăng liền trên bán nguyệt san Văn.
 Bài này được độc giả thích thú, bắt gặp ở đó tiếng nói thân thiết và xác thật của kẻ đã chính mắt mình, tai mình nghe thấy sự việc kể lại, chớ không cóp nhặt trên báo, trên sách.
 Từ đó tôi tiếp tục dõi theo con đường đã vạch sẵn, nghiêm chỉnh, trung thực, chánh xác. Ðể khỏi phụ lòng độc giả và nhứt là, để khỏi phụ lòng chính mình. Và cũng từ đó, tôi bắt tay vào việc giới thiệu các tác giả hiện sinh bằng chính tác phẩm của họ, nghĩa là vừa giới thiệu, vừa phiên dịch và chú giải tường tận các tác phẩm này. Và phần khác, cũng không bỏ dịp viết tiểu luận và phê bình.

TK: Tại sao giữa nhiều tác phẩm của Camus, anh lại chọn La Chute (Sa Ðọa) để đưa lên báo Văn?
TTÐ: Có hai lí do khiến tôi phiên dịch cuốn La Chute, Sa Ðọa, của Albert Camus. Một, có thể gọi là khách quan. Hai, hoàn toàn chủ quan.
 Lí do thứ nhứt, cứ gọi là khách quan. Thời đó người ta đổ xô nhau dịch Albert Camus, liên hồi cuốn này tới cuốn khác, chọn tác phẩm nào xem chừng tưởng bở, dễ chuyển, vừa mau lẹ vừa nhàn nhã.
 Còn lại cuốn La Chute. Thật ra cũng có nhiều người nghĩ tới, nhưng cuối cùng lại thôi. Là bởi toàn thể truyện kể được Albert Camus tạo dựng dưới dạng độc thoại, qua cách hành văn quả tình dị biệt, vừa cổ điển, vừa thức thời, lại với một giọng mỉa mai cực cùng chua chát, cay nghiệt. Không có động tác, hay đúng hơn, động tác chỉ được nhắc xuyên qua độc thoại.
 Khó bề chuyển được thứ văn thể điêu luyện, nhịp nhàng, hạp lí trong đường nét, dáng điệu, nên nhiều dịch giả đã chùn bước. Riêng tôi thì ngược lại, chính chỗ khó đó lại là động cơ thúc đẩy tôi tiến hành công việc phiên dịch. Cẩn thận, thấu đáo, chú trọng từng cách phát biểu, từng lối dùng chữ, từng ẩn í không phải lúc nào cũng hiện lộ rành rành.
 Lí do thứ hai hết sức chủ quan. Hồi đó, vừa thành đạt xong, tôi đệ đơn xin về nước. Nhưng chánh quyền Sàigòn lấy cớ "ông là cộng sản" (nguyên văn) không cho. Tôi đành lập nghiệp luôn bên Pháp.
 Ðể gián tiếp đối đáp lại quyết định độc đoán và ngu xuẩn đó, ngu xuẩn ở chỗ một mực cứ xem ai không ủng hộ mình là thù, là địch, tôi bèn ra công phiên dịch truyện kể La Chute, trình bày một nhơn vật mập mờ không rõ nét biểu hiện cho con người của thời đại chúng ta. Một con người hoàn toàn khác hẳn với con người đơn phương một chiều do chủ nghĩa nhị nguyên tạo ra với một bên là cái Ác, một bên là cái Thiện, một bên là Thù, một bên là Bạn, dẫn tới bao nhiêu tội ác tầy đình qua những vụ án giả tạo.

TK:Anh có một cách dịch vô cùng cẩn thận. Xin anh cho biết phương pháp làm việc của anh.
TTÐ:  Phương cách làm việc của tôi, tôi vừa nói rõ trên đây. Bây giờ xin chỉ đơn cử một thí dụ điển hình. Trong cuốn La Chute có một trang miêu tả cảnh trí vừa nhợt nhạt vừa sanh động của vòm trời vào buổi chiều hôm ở bờ biển Hòa Lan. Ðể thực hiện một cách chánh xác trang dịch, tôi đã đích thân đến tận nơi, vào đúng thời gian chỉ định, quan sát và cảm thông vòm trời đó, rồi mới bắt tay vào việc, chuyển ngữ sao cho phù hạp, vậy thôi.

TK: Gần đây anh đã về nước nhiều lần và anh cũng đã có dịp tiếp xúc với giới làm văn học trong nước. Vậy, thưa anh, có phải là hiện giờ ở trong nước đang có một nhu cầu dịch thuật và giới thiệu các tác giả nước ngoài như ở Sàigòn trước đây?
TTÐ: Xin Thụy Khuê cho phép tôi mở đầu câu trả lời này bằng một câu chuyện thật, xảy ra mới gần đây. Ngay liền sau ngày đáp xuống Nội Bài cuối tháng ba vừa qua, tôi có cái hân hạnh được mấy anh em đồng điệu mến mộ đón mời. Nếu không thật tình mến mộ, thì cũng với tánh cách hiếu kì, trò chuyện với một kẻ nghe nói một thời đã vẽ viết, dịch thuật ở miền Nam trước 1975 và nay thường trú tận trời Tây?.
 Trong buổi trà dư tửu hậu này, một nhà phê bình tên tuổi đương đại bỗng ghé vô tai tôi:
 - Tôi biết anh gần ba chục năm rồi.
 Tôi lấy làm ngạc nhiên hết sức. Sao anh lại biết tôi gần ba chục năm rồi, khi mà anh ở phương Ðông, tôi ở phương Ðoài, cách nhau ngàn vạn dặm. Sao anh lại biết tôi gần ba chục năm rồi khi anh chưa hề đặt chưn lên đất Pháp, còn tôi thì chỉ mới được phép về thăm quê hương sáu năm trở lại đây. Thật là lạ lùng!
 Nhận thấy tôi sửng sốt ra mặt, anh bèn kể:
 Vào khoảng năm 1971-1972, tôi theo bộ đội vượt ranh đóng quân vùng Quảng Trị. Vớ được một số sách báo xuất bản ở Sàigòn, tôi đọc ngốn đọc nghiến nhiều bài và mấy bản dịch của anh. Chẳng hạn như bài nhan là ..., đăng trên tờ VĂN số..., ra ngày ...,tường thuật buổi tranh luận giữa các nhà văn Pháp về thế lực của văn nghệ, kèm theo bản dịch mấy bài tham luận.
 Trời ơi, sao mà anh nhớ dai quá vậy, trong khi tôi, chính là tác giả và dịch giả, bây giờ cũng đành chịu. Tôi chợt hiểu; thời đó, anh đói, không đói cơm đói áo, mà đói một thứ gì khác. Bỗng dưng bắt được món ăn tinh thần mới lạ nên anh ngon miệng nhớ dai là phải, chớ đâu nhứt thiết nhờ ở chất lượng tiềm ẩn trong mấy bài viết kia.
 Tôi kể cho Thụy Khuê nghe câu chuyện trên chính là để minh họa tình trạng hiện thời: cái nhu cầu dịch thuật và giới thiệu các tác giả nước ngoài vẫn cần kíp như trước kia.
 Tiếp xúc với các nhà phát hành và với giới làm văn trong nước, tôi được dịp nhận thấy rõ rệt cái nhu cầu bức bách đó. Nói một cách rành rọt hơn, nó bây giờ đói hỏi ta chú trọng không phải tới bất luận nền văn học nước ngoài nào mà phải trước hết và đặc biệt là tới mảng văn học các nước phương Tây tư bản, và tới những tác giả các nước Ðông Âu bị cấm kị thời các nước này lụy thuộc khối gọi là xã nghĩa.

TK: Thưa anh, công việc dịch thuật hiện nay ở trong nước, đang ở trong một tình trạng như thế nào?
TTÐ: Trên thực tế, cứ theo tầm nhìn tất nhiên là phiến diện của tôi, vì không đủ thời gian mà cũng thiếu phương tiện tra cứu kĩ càng, thì cho đến nay vẫn chưa thấy có ai vừa vạch ra, vừa thực thi một phương trình phiên dịch và giới thiệu văn học nước ngoài một cách có hệ thống và có kế hoạch. Kể cả các nhà xuất bản, kể cả hội đồng biên tập tạp chí Văn Học Nước Ngoài -tôi nói hội đồng biên tập chớ không nói từng thành viên. Ngoại trừ vài ba nỗ lực hoàn toàn cá nhơn như Ðoàn Tử Huyến, như Phạm Xuân Nguyên, như Nguyên Ngọc chẳng hạn. Tiện đây xin được gởi tới họ đôi lời chào hỏi, tán đồng. Nói cách khác, ngoại trừ vài ba nỗ lực cá nhơn vừa kể, thì mạnh ai nấy làm, gặp đâu hay đó. Cuối cùng là được sao hay vậy, và lấy có mà thôi.
 Tình trạng này dẫn tới hậu quả hết sức đáng ngại, là số sách dịch hóa ra tạp nhạp, hẩu lốn, bề bộn; cái đứng đắn, cẩn thận thì ít, cái bậy bạ, cẩu thả thì nhiều; khiến cho phần lớn độc  giả chẳng còn biết đâu mà lần, mà lựa. Rồi gặp khi vớ phải một bản dịch tầm phào, thì lại đinh ninh rằng văn học nước ngoài té ra chẳng có gì tuyệt hảo cả mà còn trục trặc, khó hiểu, dở ẹc nữa, hơi sức đâu mà đọc, tiền của đâu mà phí phạm thêm.
 Lạ lắm, Thụy Khuê ơi, hơn hai ba mươi năm trước, tôi đã chứng kiến cái tình trạng đáng buồn này ở Sàigòn, nay lại nhìn thấy nó y hệt như cũ lần nữa ở Hà Nội. Ai dám bảo lịch sử không bao giờ tái diễn?
 Khoan nói tới những lối dịch cẩu thả, kém cỏi. Thụy Khuê muốn tôi sẽ nêu ra sau đây vài ba thí dụ điển hình, trích dẫn từ hàng chục mẫu đã ghi trong thẻ. Hãy nghĩ đến trước hết những cố gắng của một số dịch giả tuổi nghề đã già dặn, vốn liếng ngoại ngữ cũng đã đầy đủ. Vì thật ra là họ có rất nhiều tiềm năng và có nhiều dư luận tốt đối với họ. Tiếc thay họ lại không vận dụng tiềm năng và dư luận tốt này để hoàn hảo công trình dịch thuật nhằm vào tác phẩm của tác giả vừa với tầm sức hiểu biết và cảm nhận của mình. Tôi bái phục họ sát đất, khi họ dám phiêu lưu phiên dịch các tác phẩm nổi tiếng của các tác giả nổi tiếng vì khía cạnh bí hiểm, ít ai hiểu nổi, kể cả độc giả bản quốc nói chi tới độc giả Việt Nam. Thí dụ trong nền văn học Pháp hiện đại, loại thi ca của Yves Bonnefoy, tiểu thuyết của Claude Simon, loại luận thuyết của Roland Barthes và nhiều nữa.
 Trên nguyên tắc, chẳng có gì khiến ta phải phàn nàn, trái lại là đằng khác. Ngặt một nỗi là phần lớn cái bí hiểm, cái khó hiểu, lại được hay bị họ nhơn lên mười mươi lần trong bản tiếng Việt. Và đó là không nhắc tới những sơ hở, thiếu sót và sai lầm dễ thấy. Vì sao?
 Một phần, vì dịch giả quá câu nệ đối với nguyên tác, quá nô lệ cách phát biểu ngoại quốc, không dám xé rào chút mảy may nào. Nhứt là không nhận thức được rằng cứ cặm cụi cúi đầu làm tôi đòi như vậy, thành ra mình hết còn là mình, câu văn dịch bị tước hết quốc túy quốc hồn, hóa ra lai căng hết chỗ nói. Phần khác, vì dịch giả, cho dầu xem chừng thông thạo ngoại ngữ đến mức, tưởng như vậy là đủ. Không í thức được rằng nền văn học nào, tác phẩm nghệ thuật nào cũng nảy sanh trong một môi trường nhứt định. Chỉ có sống lâu dài trong môi trường đó, có thật sự hòa nhập cách này hay cách khác vào đúng môi trường đó, thì mới hòng tránh được sơ hở, thiếu sót và sai lầm tai hại.
 Rốt cuộc, nhiều khi độc giả buộc phải tra nguyên tác mới hiểu nổi, mới dõi theo kịp trang sách. Thì làm sao thưởng thức tác phẩm dịch được như một áng văn? Nhưng trong thực tế, mấy ai đủ điều kiện tra xét như vậy, đâu phải độc giả nào cũng có sẵn nguyên tác trên tay, đâu phải độc giả nào cũng rành ngoại ngữ. Vả chăng đã rành ngoại ngữ thì cần chi phải đọc bản dịch.
 Còn về mớ sách dịch -tôi tránh dùng từ dịch phẩm- cẩu thả, tầm bậy, thì Thụy Khuê ơi, hằm bà lằm đủ thứ, đủ loại, nhiều lắm. Loại dịch chữ, không dịch tinh thần câu văn, không giữ tánh cách Việt Nam trong câu văn dịch, có. Loại dịch vô nghĩa, tối nghĩa, thiếu nghĩa, có. Loại dịch đoán í, dịch ẩu, dịch càn, có. Loại dịch bậy, dịch bừa, dịch lấy có, có. Không tài nào kể xiết được. Cái khổ là loại sách dịch tầm phào này lại do một số nhà xuất bản quen thuộc in ấn và phát hành.

TK: Xin anh một vài  dẫn chứng cụ thể, điển hình về việc dịch cẩu thả.
TTÐ:  Tôi dẫn ra đây một trường hợp điển hình. Bắt gặp trên giá sách người bạn mới quen, vở kịch thuộc loại phi lí trong nền văn học hiện đại Pháp, nguyên tác là En attendant Godot, dịch là Chờ Ðợi Godot, do nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội in. Vừa đọc tôi vừa ngẩn ngơ khôn cùng, hỏi thầm trong bụng: vốn liếng tiếng Pháp, hiểu biết văn hóa Pháp, đức tánh cẩn trọng của dịch giả thật sự như thế nào. Thụy Khuê muốn tôi nói có sách, mách có chứng à? Ðây nè.
 Ngay câu mở đầu kịch bản, nguyên tác là: Route à la campagne avec arbre dịch giả chuyển thành: Con đường dẫn về nông thôn, có cây. Nguyên tác Route à la campagne đâu có nghĩa là con đường dẫn về nông thôn, mà là con đường ở nông thôn; còn avec arbre thì đâu phải là có cây mà là độc có một gốc cây. Vỏn vẹn sáu từ tiếng Pháp mà vấp phải những hai chỗ có thể gọi là sai một li đi một dặm, ngay lúc mở màn!
 Còn nói gì đây khi mà nguyên tác en portant sa main au pubis lại bị dịch giả chuyển thành bằng cách đưa tay che miệng, nên nhớ danh từ chung pubis trong tiếng Pháp, chỉ định cái ta gọi là mu, tức phần nằm trên cơ quan sanh dục nam và nữ, chứ không phải mồm miệng gì hết.
 Lại nữa, nguyên tác: Si on se pendait? Ce serait un moyen de bander, thì bị dịch giả chuyển thành: Hay chúng mình tự treo cổ? Ðó cũng là một biện pháp để kết liễu. Thụy Khuê thừa biết rằng, về mặt sanh lí, người đàn ông nào vô phước tự hay bị treo cổ, khi vòng dây lần lần thắt chặt thì bao giờ y cũng tự động cường dương và xuất tinh. Thành ra câu văn dịch vừa dẫn, nghe dị hợm thế nào, nó không diễn tả được hiện tượng sanh lí nói trên và nhứt là không chuyển được cách nói vừa thô tục, vừa mỉa mai, vừa phi lí của nhơn vật.

TK: Theo anh, muốn cho sự giới thiệu với độc giả những tác phẩm ngoại quốc có kết quả hơn, thì phải có những phương pháp nào cần được phát triển, và riêng anh, những tác phẩm anh đã dịch ở miền Nam trước đây, hiện giờ trong nước có nhu cầu in lại không?
TTÐ:  Nghệ thuật dịch văn vốn là một con đường bản chất rất mực gập gành khó bước, lắm sình lầy, nhiều cạm bẫy, đầy gai góc. Chỉ cần thiếu một chút vốn liếng ngoại ngữ và quốc ngữ, có một trình độ văn hóa tổng quát nghèo nàn, với một tinh thần thận trọng đáng ngờ, cộng thêm vô đó một thứ thái độ miệt thị độc giả và khinh rẻ giới phê bình, thì cứ y như là dịch giả phải sa lầy, mắc bẫy, sướt mình.
 Nhưng thật tình mà hỏi, phải chăng tình trạng dịch là phản, dịch là diệt nhận thấy hơn ba mươi năm trước ở Sàigòn và hiện nay ở Hà Nội chỉ đơn thuần là lỗi tại dịch giả cẩu thả và kém cỏi thôi không? Riêng tôi, tôi không nghĩ như vậy.
 Tôi nghĩ rằng ấy cũng là lỗi tại chúng ta, là kẻ có trách nhiệm hay phải biết tự mình nhận lãnh trách nhiệm về một tình trạng không thể xảy ra được, giá như chúng ta đã không thờ ơ, đã không phản bội sứ mạng đích thật của nhà phê bình chơn chánh: thật tình hướng dẫn người đọc, bình phẩm một cánh đứng đắn, nghiêm túc, chánh xác. Bởi vì nếu quả chúng ta thường xuyên làm tròn sứ mạng của nhà phê bình, thì nói riêng về ngành dịch thuật, chắc đã không thể có mặt trên thị trường chữ nghĩa xứ này, loại sách dịch cẩu thả và sai bét.
 Trong bài Dạo Chơi Trong Giới Phê Bình Nghệ Thuật đăng trên tờ Văn Nghệ số 7-99 tháng ba năm ngoái, Nguyễn Ðình Chính đã có dịp phàn nàn rằng giới này thảy đều có vẻ, nói theo nguyên văn, "sợ hãi, chán nản, bối rối, thích chơi đồ cổ", nghĩa là cuối cùng chẳng có lợi ích gì cho ai hết. Dĩ nhiên là có vài ba nỗ lực cá nhơn, nói riêng về ngành dịch thuật, vượt khỏi mọi thử thách.
 Ngoài ra mấy năm gần đây, không ít bản dịch của các văn gia miền Nam thời 1954-1975 như Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Huỳnh Phan Anh cũng đã được in lại. Riêng tôi, thì nhà xuất bản Hội Nhà Văn cũng đã tái bản tác phẩm Sa Ðọa của Albert Camus, Kín Cửa của Jean Paul Sartre và nay mai, hai tác phẩm khác của Albert Camus là tập Bề Trái Và Bề Mặt và tập Giao Cảm. Nhà xuất bản Thanh Niên cũng sắp phát hành tập I, gom góp một số bài tiểu luận và phê bình của tôi.

TK: Xin cám ơn anh Trần Thiện Ðạo.

Thụy Khuê
Paris, tháng 9/2000

 

 

© Copyright Thuy Khue 2000