Thụy Khuê Paris ngày 2 tháng 12 năm 2001
Thân gửi các anh chị trong
nhóm Talawas,
Ðược chị Phạm Thị Hoài giới thiệu và anh Lê Trọng Phương gửi cho hai số Talawas, tôi rất cảm ơn các anh chị. Sau khi đọc xong, tôi có mấy ý kiến sau đây: 1. Về việc lựa chọn văn bản để dịch và giới thiệu với người đọc Việt Nam Bản văn mà các bạn đề
cập đến trong vấn đề Phương Ðông - Phương Tây, theo thiển
ý của tôi, không biết có thật sự đem lại cho người đọc
Việt Nam một suy nghĩ mới về tình hình văn hóa và chính
trị của Việt Nam hiện nay hay không (nếu đó là chủ đích
của sự lựa chọn này). Bởi vì qua nội dung văn bản, tôi
có cảm tưởng rằng chính những nhà văn Trung Hoa, trong cuộc
thảo luận, cũng đã có những cái nhìn rất phiến diện về
xã hội Trung Hoa khi họ cho rằng: ở Trung Quốc hiện nay, triết
học Trung Quốc là một ngành khoa học tuyệt chủng. Và Trung
Quốc ngày nay đang Tây phương hóa một cách triệt để, hơn
cả Nhật Bản và Triều Tiên. Cái
nhìn này tôi thường thấy ở những người Pháp, nhất là
giới báo chí Pháp, chỉ nhìn Trung Quốc như một nước "chậm
tiến", chưa "dân chủ" như họ, điều mà khi đi thăm Trung
Quốc dù chỉ trong một tháng, tôi đã thấy là sự thực không
hẳn như vậy. Dường như các diễn giả ở đây mới chỉ
nhìn "bề ngoài" của Trung Quốc mà chưa ai thực sự tìm đến
bề trong của Trung Quốc, khám phá "nội lực" của Trung Quốc
qua nếp sống, cách ăn ở của những người bình thường
như người quét lá bên đường, người bán dạo, người vét
rong trong hồ... đến một phong cách Trung Quốc khác xa với
thái độ phi dân chủ của các người cầm quyền, hay bộ
mặt hiện đại của các nhà cao tầng, xa lộ, siêu thị...
Và ngay cả ở những cao tầng, xa lộ, siêu thị đó cũng có
cái phần hồn và phần xác Trung Quốc khác hẳn với thế
giới Tây phương và không có gì chứng tỏ là dở hơn, mà
có lẽ chưa ai khám phá hết. Tôi có ý muốn nói là: chính
người Trung Quốc (những nhà văn Trung Quốc) có thể cũng
chưa biết rõ các vấn đề của Trung Quốc, nói chi đến một
nhà văn, nhà triết ở Âu châu như ông Habermas, mới đặt
chân đến Trung Quốc lần đầu. Ấy là không kể Trung Quốc
là một thực thể khác xa Việt Nam và vấn đề Việt Nam lại
là vấn đề khác hẳn (tuy cùng trong khối Cộng sản). Bởi
vậy, tôi rất ngại khi đọc những bài viết của những người
không chuyên môn, bàn về một vấn đề quá to lớn, quá trọng
đại và không thuộc về khả năng chuyên môn của họ. Tôi
nghĩ, nếu có một điều giống nhau giữa các nước thuộc
khối Cộng sản cũ, đó là trong gần suốt thế kỷ XX, họ
đã đóng cửa, không tiếp nhận các trào lưu tư tưởng bên
ngoài, chủ yếu là tư tưởng Tây phương. Và ngày nay, nếu
cần lấp chỗ trống mênh mông đó, thì không có cách gì khác
hơn là phải đọc lại, tìm lại những tiến trình tư tưởng
đó.
Việt Nam may mắn
hơn Trung Quốc vì sự đứt đoạn thực sự chỉ bắt đầu
từ 1975, và lại một may mắn nữa cho chúng ta là 25 năm cuối
cùng của thế kỷ vừa qua, "tư tưởng nhân loại" không "tiến"
nhanh bằng khoa học và tin học. Cho nên, những người Việt
Nam ở trong nước hôm nay -không đọc được ngoại ngữ- vẫn
có thể tìm đọc những sách triết học, những sách dịch
các tác giả lớn thế giới trong thế kỷ XX, ở trong thư
viện miền Nam, hoặc tìm cách vận động cho các nhà in, in
lại các sách ấy, cho học sinh, sinh viên tham khảo. Bởi vấn
đề chính là: không thể "làm mới" văn học, tạo lập một
nền văn học hiện đại hay hậu hiện đại như nhiều người
nói, với những cách nhìn, cách suy nghĩ cũ -của thế kỷ
XIX- như hiện nay. Vấn đề này không riêng gì ở trong
nước mà cả những người đi ra ngoài cũng vấp phải. Những
người đi ra ngoài thường hay mắc bệnh "đọc dối" và "lòe",
viết để phô trương "tên sách", tên các tác giả mình có
vẻ đã đọc, với những kê khai đại loại như: Từ Roland
Barthes đến Derrida..., từ Jakobson đến Nietzsche ... mà không
đề cập đến nội dung từ ông Roland Barthes đến ông Derrida
thì cái "vấn đề" đang bàn ấy nó đi đến đâu. Tóm lại
là những câu vô nghĩa. Cho nên vấn đề chung dường như là
người viết của ta ít chịu đọc, chịu học, và nếu có
ai có cơ hội đọc qua vài bài báo, vài ba cuốn sách thì lại
hay lòe: người ở ngoài lòe người ở trong. Ðừng đổ tội
cho trong nước bởi chính những người ở ngoài cũng không
hơn gì họ.
Trở lại vấn đề đang bàn, tôi vẫn nghĩ rằng một Gunter Grass hay một Habermas, có đến gặp gỡ tác giả Việt Nam, thì cũng chỉ nên mời họ như một diễn giả, đến nói về tác phẩm của họ hoặc về văn học hay triết học của Ðức, bởi Ðức là cái nôi tư tưởng loài người. Còn nếu mời họ bàn đến vấn đề của Việt Nam, thì vô bổ, bởi họ không biết gì cả. Ngoài ra, ngay cả tác phẩm của những nhà văn, nhà triết này nếu được tiếp cận qua tiếng Ðức hoặc qua bản dịch, vẫn hay hơn là nghe tác giả nói, bởi vì những gì gọi là cốt lõi, tác giả đã đem vào tác phẩm cả rồi, còn trong những buổi hội đàm, phải nói vội, không đủ thì giờ suy nghĩ, họ chỉ đưa ra những lời phù phiếm. Do vậy, nếu tuyển
chọn một văn bản -triết- để dịch và giới thiệu với
bạn đọc Việt Nam, tôi nghĩ chỉ vài trang của Nietzsche trong
Zarathoustra, hoặc một bài viết của Habermas, có lẽ bổ ích
hơn là một bài nói chuyện của Habermas.
2. Về việc dịch
Ðôi khi, viết phê bình về các tác giả Pháp hoặc tác giả Tây phương được dịch ra tiếng Pháp, tôi cũng phải đối diện với việc dịch:
Với kinh nghiệm của người đọc sách dịch, khi tìm một bản dịch sang tiếng Pháp của Rilke hay Oscar Wide, tôi chọn bản tiếng Pháp nào đọc thấy hay, tức là viết sang tiếng Pháp hay, chứ không chọn bản tiếng Pháp lổn nhổn, đầy sạn, câu không thành cú -với lý lẽ là theo đúng nguyên tác hơn-. Theo thống kê, nước Pháp là nước có hệ thống dịch thuật lớn nhất thế giới. Ðiều đó chứng tỏ một nước càng có nền văn hóa phát triển, lại càng nhập cảng nhiều luồng tư tưởng của nước ngoài để làm giầu cho nền văn hóa của nước họ. Nhược điểm của mình là những sách dịch của ta phần đông đều là những sản phẩm tồi, khiến cho người đọc đọc hai ba trang rồi vứt sách đi. Có người bảo tôi là Sartre viết dở ẹc thế này mà lớn lao nỗi gì, sau khi đọc bản dịch nhảm nhí nào đó, một tác phẩm của Sartre. Nước ta hiện nay ở trong trường hợp của các nước hậu Cộng sản. Nobokov đã viết một cách đau đớn và xác thực rằng: Văn học nước Nga sau thế kỷ XIX sáng ngời, chạy xuống vực sâu trong thế kỷ XX và còn phải ít nhất một vài thế kỷ nữa, Nga mới "ngóc đầu" lên được. Rút từ kinh nghiệm ấy, Việt Nam cũng không thể đốt giai đoạn được, mà phải làm chậm, làm chắc. Ai làm được việc gì thì cứ làm, ai sáng tác cứ sáng tác, ai phê bình cứ phê bình, ai dịch thuật cứ dịch thuật, điều chủ yếu là làm tốt việc mình làm trong sự khiêm tốn và tránh lòe người khác cũng như tự lòe mình. Trên đây là những góp ý của tôi, tôi cố gắng nói thẳng, nói thật, và nếu có làm mất lòng ai thì xin thứ lỗi, vì thật sự là tôi nghĩ như thế. Thân chào các bạn,
Thụy Khuê
Chú thích
Lê Tôn Nghiêm viết: Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương, Ðâu là căn nguyên tư tưởng. Trần Văn Toàn viết: Hành trình vào triết học, Xã hội và con người, Tìm hiểu triết học Karl Marx, Tìm hiểu đời sống xã hội. Nguyễn Văn Trung viết nhiều tác phẩm vừa thuần túy triết học, vừa triết học áp dụng vào văn chương, vào phê bình văn học, phê bình xã hội v.v... như Biện chứng giải thoát trong Phật giáo, Nhận định (5 tập), Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Lược khảo văn học (3 tập), Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: thực chất và huyền thoại, Nhà văn, người là ai? Với ai? Hành trình trí thức của Karl Marx, Ca tụng thân xác, Ngôn ngữ và thân xác v.v... Ngoài ra còn những sách
về Cấu trúc luận hoặc các tác giả nổi tiếng của thế
kỷ XX đã được giới thiệu trên các tạp chí Văn, Bách
Khoa...
Hiện nay trong nước có cố gắng dịch một vài cuốn sách như cuốn L'étranger (Người xa lạ) của Camus hay Qu'est ce que la littérature (Văn chương là gì?) của Sartre, nhưng dịch lẻ như vậy mà không giới thiệu toàn bộ triết học Hiện Sinh trong đó có hệ thống Hiện Tượng Luận mà Sartre sử dụng và con người phi lý mà Camus áp dụng, thì người đọc làm sao tiếp nhận được? Chưa kể trường hợp người dịch nếu không hoàn toàn tiếp nhận những tư tưởng của Sartre hay Camus thì cũng khó mà có thể có bản dịch trung thành.
© Copyright Thuy Khue 2001
|